Bùi Bằng Đoàn - Tấm gương tiêu biểu của một chí sĩ yêu nước chân chính
(LLCT) - Cụ Bùi Bằng Đoàn là một chí sĩ yêu nước thương dân sâu sắc, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng. Dù trên cương vị và hoàn cảnh nào, khi còn làm quan cho triều đình Huế, cũng như khi tham gia Chính phủ cách mạng, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn tận tâm, tận lực, hết mình vì quyền lợi của dân, của nước, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Cụ Bùi Bằng Đoàn là một tấm gương tiêu biểu của những chí sĩ đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn, bài viết khắc họa một vài nét về nhà yêu nước đáng kính.
1. Vị quan thanh liêm, đức độ, thương dân của triều đình Huế
Chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn sinh năm 1889 trong một gia đình nhà nho tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Cha mẹ mất sớm, Bùi Bằng Đoàn được người chú dượng là Dương Lâm (lúc đó làm Tham tri Nha Kinh lược Bắc Kỳ) đưa về nuôi dưỡng và dạy học chữ Hán, định hướng cho con đường thi cử làm quan theo truyền thống gia đình.
Vốn thông minh, ham học nên con đường thi cử, quan lộ của Bùi Bằng Đoàn khá thuận lợi. Khoa thi Bính Ngọ năm 1906, Bùi Bằng Đoàn đỗ Cử nhân. Năm 1907, Bùi Bằng Đoàn thi vào trường Hậu Bổ tại Hà Nội(1). Năm 1911, Bùi Bằng Đoàn được xếp hạng thứ nhất khi ra trường. Sau khi tốt nghiệp, Bùi Bằng Đoàn được bổ nhiệm là tri huyện tập sự tại Nam Định, sau đó làm Tri phủ Xuân Trường (tỉnh Nam định), Án sát tỉnh Bắc Ninh; Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình. Năm 1933, Bùi Bằng Đoàn làm Thượng thư Bộ hình (Tư pháp), đồng thời tham gia Viện Cơ mật của triều đình Huế.
Khi làm quan, cụ Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, thương dân. Bảng thông báo “không nhận quà biếu” trên công đường ở những nơi Ông làm quan, đã thể hiện rõ ràng về đức “liêm”, “chính”, “chí công vô tư” của một bậc nho sĩ chân chính. Không chỉ am hiểu học thuật, cụ Bùi Bằng Đoàn còn là người sâu sát thực tiễn, luôn quan tâm thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm cải thiện đời sống nhân dân. Khi làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), Cụ đã đề xuất và thực hiện việc đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn, tạo lập được một vùng lúa, dâu rộng lớn.
Tính cách cương trực, khẳng khái, không sợ uy quyền của cụ được thể hiện rõ khi được mời làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình của thực dân Pháp xử vụ án Phan Bội Châu. Ở phiên tòa, cụ Bùi Bằng Đoàn đã thông dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của cụ Phan Bội Châu. Kết quả là tòa án thực dân đã không khép được cụ Phan vào án chung thân mà giảm xuống hình thức “an trí ở Huế”. Hoặc như năm 1928, thực hiện nhiệm vụ của triều đình về việc điều tra các đồn điền cao su Pháp ở Nam Bộ, Cụ đã đến tận nơi, điều tra một cách thấu đáo, từ đó viết bản báo cáo bằng tiếng Pháp dày 100 trang, chỉ rõ những điều bất công, vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền. Bản kiến nghị của Cụ tuy không được nhà cầm quyền Pháp chấp nhận, nhưng cũng phần nào giảm được sự hà khắc trong chính sách của thực dân Pháp đối với những phu đồn điền cao su thời đó.
Am hiểu về luật pháp và với mong muốn cải cách pháp luật nước nhà theo hướng tiến bộ, nên khi làm Thượng thư Bộ Hình và là thành viên Viện Cơ mật, cụ Bùi Bằng Đoàn có nhiều sáng kiến cải cách tư pháp, trong đó có việc bãi bỏ nhiều quy định không phù hợp ở các tỉnh, đạo của Trung Kỳ. Cụ đã chỉ đạo và trực tiếp soạn thảo Luật Hình sự mới, Quy tắc tố tụng dân sự và hình sự, Luật Dân sự mới... của triều đình nhà Nguyễn. Các luật này có một số quy định khá tiến bộ, cải cách hoạt động các tòa án và xây dựng đội ngũ thẩm phán.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập Chính phủ. Vốn chán ghét cảnh quan trường trong thời buổi loạn lạc, cụ Bùi Bằng Đoàn đã từ chối tham gia Chính phủ bù nhìn, cáo quan về quê. Tuy nhiên, Chính phủ Nam triều không chấp nhận và giao cho Cụ giữ chức Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội lúc này đang khuyết (chức vụ này trước đây do người Pháp giữ).
2. Tận tụy, tích cực đóng góp xây dựng chính quyền cách mạng
Sau Cách mạng Tháng Tám, Vua Bảo Đại thoái vị, cụ Bùi Bằng Đoàn trở về quê. Quý trọng tài năng, đức độ và kinh nghiệm của cụ Bùi Bằng Đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều lần viết thư tay, cử Bí thư Vũ Đình Huỳnh về Hà Đông để trao thư riêng của Người cho Cụ. Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho cụ Bùi Bằng Đoàn ngày 17-11-1945 viết:
“Thưa Cụ, tôi tài đức ít ỏi mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Cụ học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú, vậy nên tôi muốn mời Cụ làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi trừ hại cho nước nhà dân tộc.
Cảm ơn và kính chúc Cụ mạnh khỏe.
Kính thư - Hồ Chí Minh”(2).
Với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc và cảm động, mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn đã nhận lời tham gia xây dựng chính quyền mới. Với tài năng, đức độ của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng của quốc gia.
Trong phiên họp của Chính phủ ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị thành lập một Ban cố vấn riêng cho Chủ tịch gồm 10 vị, trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn.
Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Điều 2 Sắc lệnh quy định Ban Thanh tra có toàn quyền “đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay tòa án đặc biệt xét xử; tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra tòa án đặc biệt”. Sắc lệnh trên là văn kiện mang tính pháp lý về công tác thanh tra cũng như công việc xét xử của tòa án. Bản Sắc lệnh này là cơ sở pháp lý cho hoạt động của Ban Thanh tra, đồng thời đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng hệ thống luật pháp về thanh tra.
Với chức năng, quyền hạn rất lớn của Ban Thanh tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất cân nhắc lựa chọn người đứng đầu cơ quan quyền lực cao của Chính phủ. Người chọn Bùi Bằng Đoàn - một người am hiểu về luật pháp, và “là vị quan có tiếng liêm khiết của triều đình cũ”(3). Sự lựa chọn ấy thể hiện tầm nhìn của Hồ Chí Minh trong việc sử dụng nhân tài cho công cuộc kiến thiết đất nước.
Ngày 4-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh cử đồng chí Tôn Đức Thắng làm Thanh tra Đặc biệt toàn quốc. Giữa tháng 12-1949, Hội đồng Chính phủ ra quyết định giải thể Ban Thanh tra đặc biệt và thành lập Ban Thanh tra Chính phủ(4). Tuy thời gian hoạt động không dài, nhưng Ban Thanh tra Đặc biệt dưới sự lãnh đạo của cụ Bùi Bằng Đoàn đã triển khai và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, mang lại uy tín cho Đảng, Chính phủ, sự tin tưởng của nhân dân vào chính quyền cách mạng. Trong phiên họp từ ngày 14 đến ngày 16-6-1949, Hội đồng Chính phủ đã đánh giá: “Ban Thanh tra đặc biệt đã làm tròn vai trò lịch sử, đã có những đóng góp to lớn, kịp thời vào công cuộc xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng”(5).
Cuối năm 1946, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Trong thời gian giữ chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (từ tháng 11-1946 đến tháng 9-1955), cụ đã được Ban Thường trực Quốc hội ủy nhiệm ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Trên cương vị mới, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có nhiều hoạt động và cống hiến quan trọng đối với Quốc hội, xứng đáng với sự ủy thác của toàn dân giao cho Cụ trong thời điểm quan trọng của lịch sử dân tộc.
Cụ Bùi Bằng Đoàn luôn đề cao tư tưởng đại đoàn kết để động viên các lực lượng tham gia kháng chiến, qua đó khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc đại diện cho ý chí của toàn dân, cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Cụ đã có những hành động cụ thể để huy động lực lượng, sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Trong thư gửi đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai năm 1947, cụ Bùi Bằng Đoàn viết: “Tôi mong các ông kêu gọi con em và dân chúng dưới quyền các ông triệt để tham gia vào cuộc kháng chiến. Hai mươi nhăm triệu đồng bào ta cùng chung Tổ quốc, cùng chung giang san, cùng chung vận mệnh, cuộc kháng chiến này là cốt bảo toàn vận mệnh của chúng ta, chúng ta có giữ được chủ quyền, có bảo vệ được hoàn toàn lãnh thổ của nước ta thì mới giữ được vận mệnh của dân tộc ta”(6).
Với vai trò là người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Trả lời phỏng vấn Báo Độc Lập, Bùi Bằng Đoàn đã khẳng định: Đứng vào địa vị trong Ban Thường trực Quốc hội, tôi xin nói rằng quốc dân ta chỉ có một Chính phủ là Chính phủ Hồ Chí Minh do Quốc dân công nhận tại kỳ họp tháng 11-1946. Đứng vào địa vị trong Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, tôi xin nói rằng Hội ta gồm có các tầng lớp dân chúng, bất cứ trai hay gái, lương hay giáo, già hay trẻ, giàu hay nghèo, dân đa số hay dân thiểu số, ai nấy đều một lòng ủng hộ Chính phủ để tranh thủ cho được nền độc lập và thống nhất chân chính. Đồng thời, Cụ cũng khẳng định, bất kỳ một nhóm người nào lập ra một chính đảng hay một mặt trận “Liên hiệp quốc gia” nào, dù có hành động gì cũng hoàn toàn thất bại, bởi chính quyền đó chỉ đại diện cho một nhóm lợi ích hoặc giai cấp tham danh lợi, mưu đồ độc lập giả dối, không đại diện cho quyền lợi chính đáng của đa số quần chúng lao động. Đồng thời, cụ Bùi Bằng Đoàn cũng dứt khoát tỏ rõ thái độ, lập trường chính trị của mình, luôn đứng về dân, vì quyền lợi của dân mà hành động. Ngày 28-3-1947, khi trả lời câu hỏi về những lời tuyên bố của cố vấn Vĩnh Thụy (Bảo Đại) đối với việc nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đang cố lập Chính phủ thân Pháp và có ý mời Cụ tham chính cho Chính phủ này. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã đã dứt khoát khẳng định: Ngài cố vấn Vĩnh Thụy được đại diện Pháp vận động đứng ra lập Chính phủ, nhưng với tôi, “chỉ khi nào cụ Hồ Chí Minh yêu cầu tôi về cầm chính quyền thì tôi mới về, vì chỉ có cụ Hồ Chí Minh là tiêu biểu lòng dân Việt Nam mà thôi”(7).
Với vai trò là người đứng đầu Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ để giải thích và làm cho quần chúng nhân dân thêm tin tưởng và hiểu rõ về đường lối đối nội cũng như chính sách ngoại giao với thực dân Pháp trong giai đoạn đó. Cụ khẳng định: “Chỉ có Chính phủ Hồ Chí Minh đã được Quốc hội tín nhiệm, hay là người đại diện chính thức do Chính phủ cử ra, mới có quyền đàm phán với Pháp, mà đàm phán mới có giá trị, vì theo pháp lý, chỉ có Chính phủ ấy là có quyền đại diện quốc dân ta”(8).
Cuối năm 1948, cụ Bùi Bằng Đoàn lâm bệnh nặng phải về chữa bệnh ở vùng tự do Liên khu III, rồi Liên khu IV. Mọi công việc điều hành Ban Thường trực Quốc hội được giao lại cho đồng chí Tôn Đức Thắng - Phó trưởng Ban Thường trực. Tuy nghỉ dưỡng bệnh, nhưng Cụ vẫn theo dõi tình hình quốc tế và trong nước, thường xuyên gửi thư thăm hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ, Ban Thường trực Quốc, viết bài đăng báo động viên quân dân tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Do tuổi cao, bệnh lại ngày càng trầm trọng, mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng ngày 13-4-1955, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn đã từ trần. Ngay sau đó, ngày 14-4-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 224-SL truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bùi Bằng Đoàn, nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I.
Ngày 15-9-1955, trong diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa I, Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng khi nói về cụ Bùi Bằng Đoàn, đã có lời thương tiếc Cụ như sau: Tất cả chúng ta hết sức tiếc nhớ cụ Bùi Bằng Đoàn, đại biểu tỉnh Hà Đông và Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đã tạ thế ngày 13-4-1955. Trong mấy năm lâm bệnh nặng, Cụ vẫn luôn cố gắng góp phần vào công việc của Quốc hội, vào công cuộc kháng chiến của toàn dân để giành độc lập và thống nhất cho nước nhà. Cụ đã làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân cho tới phút cuối cùng...
Như vậy, từ Thượng thư Bộ Hình Nam triều, chuyên lo việc xử án, nổi tiếng thanh liêm, chính trực, với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc và cảm phục tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bùi Bằng Đoàn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc để tham gia chính quyền cách mạng, đem hết sức lực, tài năng phụng sự dân tộc. Sự chuyển biến trong tư tưởng của Cụ Bùi Bằng Đoàn là sự chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống sang chủ nghĩa yêu nước cách mạng. Cả cuộc đời dù khi làm quan, hay sau này khi tham gia và đảm nhiệm các chức vụ quan trọng của chính quyền cách mạng, Cụ hoàn toàn không đi theo con đường “vinh thân, phì gia”, mà là vì Cụ muốn làm việc đạo giúp dân, cứu nước. Cụ Bùi Bằng Đoàn chính là một tấm gương tiêu biểu của một chí sĩ yêu nước chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân.
___________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2019
(1) Theo tài liệu lưu trữ: Trường được thành lập ngày 20-6-1903 theo nghị định của Thống sứ Bắc Kỳ để tập cho các sĩ tử nhà Nguyễn đã thi đỗ cử nhân nhưng còn đợi bổ nhiệm vào chức ngạch. Những người đỗ tú tài cùng các ấm sinh cũng có thể ghi danh nhập học nếu xong được lớp dự bị và qua được đợt thi khảo hạch. Trong thời gian ba năm ở trường Hậu bổ, họ học thêm tiếng Pháp cùng một số kiến thức về phép cai trị, đo đạc để ứng dụng khi vào nhiệm sở. Trước khi hết khóa thì lại thi một kỳ nữa, ai điểm cao thì bổ làm tri huyện, thấp thì làm giáo thụ v.v, hàng thất và bát phẩm.
(2) Kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, số BTHCM-TL201.
(3) Cù Huy Cận: Kỷ niệm Ban Thanh tra đầu tiên của Nhà nước ta và nghĩ về công tác thanh tra hiện nay, trong cuốn sách Bác Hồ với Thanh tra, Nxb Thống kê, Hà Nội, 1991, tr.9.
(4) Ngày 18-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138b-SL lập Ban Thanh tra Chính phủ trực thuộc Phủ Thủ tướng, trong đó có nội dung bãi bỏ Sắc lệnh số 64 ngày 23-11-1945 lập Ban Thanh tra đặc biệt và đặt Ban Thanh tra Chính phủ do đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Tổng Thanh tra.
(5) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Hồ Tùng Mậu - Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.127.
(6) Văn kiện Quốc hội: Toàn tập, t.1, “Công văn số 86/QH-Ban Thường trực của Trưởng Ban Thường trực Quốc hội ngày 9-4-1947 gửi các ông lãnh tụ dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.136.
(7) Tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, in trong “Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam”, t.1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2004, tr.545.
(8) Văn kiện Quốc hội: Toàn tập, t.1 “Lời Ban Thường trực Quốc hội kêu gọi Quốc dân, ngày 28-5-1947”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.144.
PGS, TS Nguyễn Xuân Trung
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh