Phát huy đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân nhằm phát triển bền vững
(LLCT) - Đạo đức và văn hóa kinh doanh của doanh nhân là những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển bền vững. Bài viết phân tích vai trò của đạo đức và văn hóa kinh doanh, chỉ rõ thực trạng, trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp phát huy đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt Nam góp phần phát triển bền vững đất nước.
Hội nghị thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN 2022 tại Hà Nội, tháng 11-2022 - Ảnh: vietnamplus.vn
1. Vai trò của đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
Đạo đức kinh doanh là những nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh bảo đảm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Văn hóa kinh doanh là bộ phận cấu thành của văn hóa xã hội, là một hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các quan niệm và hành vi do chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh, được thể hiện trong cách ứng xử của họ với xã hội, tạo nên bản sắc kinh doanh của chủ thể đó.
Đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân góp phần tạo nên uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, là cơ sở, nền tảng vững chắc xây dựng môi trường sản xuất - kinh doanh lành mạnh, thu hút các đối tác, nhà đầu tư cho doanh nghiệp; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao vị thế của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bất kỳ lĩnh vực, hoạt động sản xuất nào của con người cũng cần phải có đạo đức và văn hóa, nếu không, có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, thậm chí là sự phá sản do khách hàng, đối tác không còn tin tưởng, hợp tác.
Đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân là kết quả của sự nỗ lực tạo dựng, vun đắp trong quá trình lâu dài, kết hợp với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; là những mong muốn, khát khao đem sản phẩm của doanh nghiệp làm ra đến với đông đảo người tiêu dùng trong nước và trên thế giới. Sự thành công của doanh nhân, doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, đóng góp vào GDP, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Đạo đức, văn hóa kinh doanh còn góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của doanh nhân, tạo niềm tin cho các đối tác, nhà đầu tư và người lao động, giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra trong sản xuất - kinh doanh. Càng ở thời điểm khó khăn, thử thách thì đạo đức, văn hóa kinh doanh càng được đặt lên hàng đầu, không thể vì một lý do, động cơ nào đó mà có những hành động đi ngược lại quyền lợi người tiêu dùng, không vì lợi nhuận trước mắt mà có những hành vi gian dối trong sản xuất, kinh doanh. Đạo đức, văn hóa kinh doanh phải là những triết lý đi theo suốt sự nghiệp của doanh nhân, có như vậy, mới bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển bền vững của doanh nghiệp.
2. Thực trạng đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt Nam
Đội ngũ doanh nhân ở nước ta chiếm tỷ lệ không lớn, song không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế mà đã có những hoạt động xã hội rất thiết thực, cụ thể, đặc biệt là các vấn đề bảo đảm an sinh xã hội.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”(1).
Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 31-12-2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực dịch vụ có 508.770 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 67,1% tổng số doanh nghiệp cả nước), tăng 6,9% so với năm 2018. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 239.755 doanh nghiệp (chiếm 31,6%), tăng 5,1% so với năm 2018. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 10.085 doanh nghiệp (chiếm 1,3%), giảm 6,3% so với năm 2018(2).
Năm 2019, 27/63 tỉnh, thành có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động cao hơn bình quân cả nước (6,1%), trong đó: Bình Dương tăng 14,6%; Bắc Ninh tăng 14,5%; Bình Phước tăng 14,2%; Ninh Thuận tăng 12,7%; Quảng Nam tăng 11,9%; Đà Nẵng tăng 10,8%(3).
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 42% GDP, 30% thu ngân sách nhà nước, 53% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế và chiếm 83,3% vị trí việc làm xã hội, tức khoảng 45,2 triệu người(4)…
Trong điều kiện đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đa số doanh nhân Việt Nam luôn tuân thủ quy định pháp luật trong quá trình sản xuất - kinh doanh, giữ vững đạo đức, văn hóa kinh doanh, trau dồi bản lĩnh chính trị, xây dựng hình ảnh, thương hiệu Việt mang tầm cỡ quốc tế. Đội ngũ doanh nhân đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng, góp phần làm cho kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đạo đức, văn hóa kinh doanh của một bộ phận doanh nhân còn một số hạn chế, biểu hiện qua các hành vi như: cạnh tranh thiếu lành mạnh; huy động, chiếm dụng vốn của người dân, doanh nghiệp khác nhằm trục lợi cá nhân; thao túng thị trường trái phiếu, bất động sản; sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng; vi phạm hợp đồng.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, mang lại cả thời cơ và thách thức. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục phát triển nhanh chóng, tác động mạnh mẽ đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, để phát huy đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt Nam nhằm phát triển bền vững đất nước, cần thực hiện một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Định vị, nhận thức rõ vị trí, vai trò chủ thể của mình là giải pháp quan trọng hàng đầu để phát huy đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt Nam hiện nay. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và trách nhiệm của doanh nhân; về quan điểm, đường lối, chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nghị quyết số 09-NQ/TW về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” đã khẳng định: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu”(5).
Đảng, Nhà nước khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, định hướng xây dựng đội ngũ doanh nhân có ý chí tự lực, tự cường, có khát vọng vươn lên và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc.
Doanh nhân cần nắm vững pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng mạo hiểm đầu tư, ký kết hợp đồng dẫn đến sai phạm. Mỗi doanh nhân phải luôn ý thức được sâu sắc mọi hành vi của mình, dù lớn hay nhỏ đều ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp; do đó, để doanh nghiệp phát triển bền vững, doanh nhân cần giữ vững đạo đức, văn hóa trong sản xuất kinh doanh, khôngvì lợi nhuận trước mắt mà xa rờiđạo đức, văn hóa doanh nghiệp.
Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, bám sát chủ trương, chính sách của Nhà nước là cơ sở, nền tảng vững chắc bảo đảm cho doanh nhân đạt được thành công trên con đường sản xuất kinh doanh, được xã hội tôn vinh, lan tỏa giá trị trong xã hội, nâng tầm vị thế của doanh nhân, doanh nghiệp.
Hai là, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ doanh nhân phát triển và đổi mới sáng tạo.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường, cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc của người lao động và tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”(6).
Theo tinh thần này, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về “những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022”; Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã gặp gỡ, đối thoại với doanh nhân, doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân; hằng năm tổ chức tôn vinh, trao tặng giải thưởng doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu;…
Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, xây dựng bộ máy làm việc tinh, gọn, mạnh, hiệu quả; đồng hành cùng doanh nhân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế; xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, thống nhất, liên thông từ trên xuống dưới để doanh nhân phát triển sản xuất, kinh doanh thuận lợi.
Nhà nước đóng vai trò then chốt, điều tiết nền kinh tế đất nước và hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, nâng cao năng lực điều hành của Chính phủ để không xảy ra tình trạng thao túng làm rối loạn thị trường, thao túng doanh nghiệp; tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nhân, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như: tài chính, tiền tệ, đất đai, chứng khoán, cổ phiểu, đấu thầu xây dựng… Khi phát hiện sai phạm, kiên quyết xử lý theo phương châm sai đến đâu xử lý đến đó, “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”, tùy theo tính chất, mức độ sai phạm, thiệt hại gây ra cho xã hội mà có hình thức, biện pháp xử lý thích đáng.
Các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật, bổ sung thông tin mới về tình hình thị trường trong và ngoài nước để cung cấp cho doanh nghiệp, phục vụ việc định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp, hiệu quả;
Đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự phát triển chung, sự tham gia, đóng góp của doanh nhân trong thực hiện an sinh xã hội, bảo đảm phát triển ổn định, bền vững đất nước;
Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của doanh nhân Việt Nam trong trau dồi đạo đức, văn hóa kinh doanh.
Để doanh nghiệp phát triển, mỗi doanh nhân cần trau dồi đạo đức, văn hóa kinh doanh. Bởi đạo đức, văn hóa kinh doanh là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp, doanh nhân khẳng định vị thế, uy tín trên thương trường, không chỉ ở trong nước mà vươn tầm khu vực và quốc tế. Doanh nhân là người đề ra chủ trương, biện pháp và tổ chức sản xuất làm ra của cải, vật chất cho xã hội. Mỗi doanh nhân Việt Nam cần thấm nhuần đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc; hết lòng, hết sức đóng góp vào sự nghiệp CNH, HĐH, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Doanh nhân Việt Nam đề cao lợi ích của đất nước, của nhân dân, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau; trong sản xuất kinh doanh cần đặt chữ “tín” lên hàng đầu; không vì lợi nhuận mà bất chấp, làm giàu bất chính. Mỗi doanh nhân cần luôn đặt ra yêu cầu cao cho bản thân, tránh tự cao, tự đại; càng thành đạt, nổi tiếng thì càng phải khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi, cầu tiến bộ.
Nghị quyết Đại hội VII Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã xác định các đột phá chiến lược, một trong các nội dung đó là: Tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực chung về đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp. Xây dựng hệ giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam bao gồm các giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc và các giá trị chuẩn mực của thế giới, nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững, vì lợi ích con người và cho các thế hệ mai sau. Xây dựng, củng cố niềm tin của xã hội đối với doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước”(7).
Với tài năng, trí tuệ và bản lĩnh vốn có, được sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, có những đóng góp nhất định vào nền kinh tế - xã hội của đất nước. Đạo đức, văn hóa kinh doanh là vấn đề cốt lõi, bảo đảm cho doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển bền vững, hướng tới tầm nhìn “Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia hùng cường, thịnh vượng”.
_________________
Ngày nhận bài: 14-02-2023; Ngày bình duyệt: 18-4-2023 ; Ngày duyệt đăng: 5-5-2023.
(1) (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.167, 134.
(2), (3) Bộ Kế hoạch và đầu tư: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam, Nxb Thống kê, Hà Nội,2020,tr.25.
(4) Phát triển và bảo vệ hiệu quả cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam,https://tapchinganhang.gov.vn, ngày 4-7-2022.
(5) Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngày 9-12-2011.
(7) Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022, https://www.tapchicongsan.org.vn.
TS NGUYỄN THỊ QUYẾT
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh