Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp xã hiện nay
(LLCT) - Hệ thống chính trị cấp xã là bộ phận cấu thành hệ thống chính trị ở nước ta, có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính trị. Trên cơ sở khảo sát thực trạng chất lượng hệ thống chính trị cấp xã, bài viết đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp xã trong giai đoạn hiện nay.
Cán bộ, công chức xã tham gia tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin - Ảnh: vnanet.vn
1. Thực trạng chất lượng hệ thống chính trị cấp xã
Xét theo chiều dọc, hệ thống chính trị ở nước ta được tổ chức theo bốn cấp, gồm: cấp Trung ương; cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; cấp xã, phường, thị trấn trực thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi tắt là cấp xã).
Hệ thống chính trị cấp xã còn được gọi là hệ thống chính trị cơ sở. Trong hệ thống 4 cấp này, cấp xã có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng vì đây là cấp tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều thông qua hệ thống chính trị cơ sở để triển khai thực hiện trong đời sống xã hội.
Hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn bao gồm các thành tố: tổ chức cơ sở đảng(1); hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (HĐND xã); ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND xã); Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn (MTTQ xã) và các tổ chức chính trị - xã hội.
Với tư cách là một hệ thống, một chỉnh thể với nhiều bộ phận cấu thành, chất lượng hệ thống chính trị cấp xã phụ thuộc vào chất lượng của từng bộ phận cấu thành như đảng ủy xã, HĐND xã, UBND xã, MTTQ xã và các tổ chức chính trị - xã hội. Chất lượng của các tổ chức thành viên thể hiện thông qua việc thực hiện vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình và sự phối hợp thực hiện mục tiêu chung của hệ thống chính trị cấp xã, đồng thời phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nếu đội ngũ cán bộ tinh gọn, có đủ năng lực, phẩm chất, nhạy bén, hoàn thành tốt và đúng tiến độ công việc được giao theo chức năng, nhiệm vụ thì chất lượng bảo đảm và ngược lại.
Trong những năm qua, hệ thống chính trị cấp xã có những chuyển biến tích cực:
Một là, phong cách, lề lối làm việc, phương thức lãnh đạo của đảng ủy cấp xã đối với hệ thống chính trị cơ sở có bước chuyển biến tích cực như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở có bước tiến bộ”(2).
Hai là, hệ thống chính trị cơ sở được tinh gọn. “Tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn”(3), thể hiện ở hai phương diện: Thứ nhất, giảm số lượng hệ thống chính trị cấp xã, giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã. Cụ thể, thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính, trong các năm 2019 - 2021 cả nước đã giảm được 561 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị (giảm được 3.437 cơ quan thuộc cấp xã), tinh giản biên chế 3.595 người ở cấp xã (tính đến hết năm 2021)(4). Thứ hai, giảm các đơn vị, đầu mối thuộc hệ thống chính trị cơ sở. Cụ thể, thông qua việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, đã giảm được 16.321/86.282thôn, tổ dân phố và tương ứng giảm được 48.963 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố(5). Cùng với đó là các thiết chế, tổ chức ở thôn, bản, ấp, tổ dân phố như chi bộ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… cũng giảm theo.
Ba là, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp nói chung, cấp xã nói riêng có những chuyển biến tích cực: “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động… phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước… Chú trọng thực hiện dân chủ cả trực tiếp và đại diện, nhất là ở cơ sở, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình”(6).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế nhất định: “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao”(7); “Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương một số nơi chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Số lượng cán bộ cấp xã và đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công vẫn còn quá lớn; phẩm chất, năng lực, uy tín còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”(8); “Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều. Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”(9).
2. Giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp xã trong giai đoạn hiện nay
Để nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp xã phải nâng cao chất lượng của các tổ chức, đồng thời đổi mới mối quan hệ giữa các thành tố nói trên. Cụ thể:
Một là, nâng cao chất lượng đảng ủy cấp xã. Trước hết cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp ủy cấp xã, đặc biệt là đội ngũ bí thư, phó bí thư để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng cũng như của đảng ủy cấp xã đề ra. Xây dựng đảng bộ xã thật sự trí tuệ, tiên phong, trong sạch, vững mạnh; kiên quyết loại ra khỏi đảng bộ những thành phần thoái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng, nhằm “Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng... Thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng”(10). | Hệ thống chính trị cấp xã có đặc điểm quan trọng là sát dân, gần dân, một số thiết chế (chi bộ, tổ dân phố, ban mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh…) là “cầu nối” giữa nhân dân với đảng ủy, chính quyền cấp xã. Do đó, xây dựng đội ngũ cán bộ trong các thiết chế này đủ trình độ, năng lực, giàu lòng nhiệt huyết, cống hiến thì “cầu nối” đó mới bền chặt, thông suốt; chủ trương của đảng ủy, chính quyền cấp xã đến với nhân dân được đầy đủ; tiếng nói, nguyện vọng, tâm tư của người dân kịp thời đến được với Đảng. Khi đó, ý Đảng mới thực sự là lòng dân. |
Hai là, nâng cao chất lượng chính quyền xã. Chính quyền cấp xã bao gồm HĐND và UBND cấp xã. UBND là cơ quan chấp hành nên đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo của UBND phải hội đủ các yêu cầu về phẩm chất, năng lực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên thực tế, khi đó công việc của hệ thống chính trị cấp xã nói riêng, của hệ thống chính trị nói chung mới trôi chảy, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “cấp xã là cấp gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi”(11).
Phải xây dựng chính quyền cấp xã theo hướng phục vụ tốt hơn, kiến tạo tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trên địabàn. Giữa phục vụ, kiến tạo phát triển và quản lý có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu chính quyền cấp xã quản lý tốt thì sẽ kiến tạo, phục vụ tốt và ngược lại, khi phục vụ tốt, kiến tạo phát triển tốt thì người dân và doanh nghiệp sẽ phối hợp, tạo điều kiện cho chính quyền cấp xã quản lý tốt hơn, qua đó chính quyền cấp xã sẽ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chính quyền cấp xã cần áp dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng như trong quản lý địa bàn. Điều này giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực phục vụ, kiến tạo phát triển cũng như năng lực quản lý của chính quyền cấp xã. Trong quá trình đổi mới, chính quyền cấp xã cũng cần tính đến đặc thù của địa phương theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: “Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo… theo luật định”(12).
Ba là, nâng cao chất lượng của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã, phải đổi mới theo hướng hoạt động thực chất. MTTQ cấp xã phải thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân cấp xã; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trên địa bàn; tập hợp, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết các thành phần, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã nhằm thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đủ năng lực để giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ở xã.
Các đoàn thể chính trị - xã hội ở xã phải chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, hỗ trợ hội viên trong hoạt động sản xuất kinh doanh…; gắn bó mật thiết với hội viên để phản ánh đúng nguyện vọng tâm tư của hội viên. Đồng thời, phải đủ năng lực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn xã.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động,mỗi đoàn thể phải nâng cao năng lực của mình, đồng thời phải tăng cường hợp tác với các đoàn thể khác. Việc tăng cường hợp tác giữa các đoàn thể không chỉ bắt nguồn từ việc các đoàn thể cấp xã đều là bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị cơ sở nên có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, mà còn bắt nguồn từ thực tế là một cá nhân có thể tham gia nhiều tổ chức chính trị - xã hội khác nhau, do đó các đoàn thể có cơ sở thực tiễn để hợp tác với nhau. Việc tăng cường hợp tác giữa các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu chung của hệ thống chính trị cấp xã, khắc phục tình trạng hoạt động rời rạc, không phát huy được sức mạnh tổng hợp.
Trong quá trình đổi mới, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã cần quán triệt tinh thần Đại hội XIII của Đảng: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(13).
Do điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội các xã, phường, thị trấn đa dạng, phong phú, do đó, trong quá trình đổi mới phải quan tâm đến tính đặc thù của hệ thống chính trị cấp xã ở nông thôn, đô thị, vùng hải đảo... tránh tình trạng chỉ thấy cái chung mà không thấy cái đặc thù. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế các xã, phường, thị trấn khác nhau nên cần quan tâm triển khai thực hiện tốt Thông tư số 49/2012/TT-BTC ngày 20-3-2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí hoạt động của chi hội thuộc các tổ chức chính trị - xã hội thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Nghiên cứu, hoàn thiện quy chế khoán kinh phí hoạt động của một số tổ chức ở xã, thôn, tổ dân phố, bảo đảm linh hoạt, thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo hướng một tổ chức có thể phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau, một chức danh có thể kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ để đạt mục tiêu giảm tối đa việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước và tăng cường tính chủ động, tích cực của các tổ chức, thiết chế ở xã, thôn, ấp, tổ dân phố, qua đó nâng cao năng, lực hiệu quả của hệ thống chính trị cấp xã.
Hệ thống chính trị cấp xã có đặc điểm quan trọng là sát dân, gần dân, một số thiết chế (chi bộ, tổ dân phố, ban mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh…) là “cầu nối” giữa nhân dân với đảng ủy, chính quyền cấp xã. Do đó, xây dựng đội ngũ cán bộ trong các thiết chế này đủ trình độ, năng lực, giàu lòng nhiệt huyết, cống hiến thì “cầu nối” đó mới bền chặt, thông suốt; chủ trương của đảng ủy, chính quyền cấp xã đến với nhân dân được đầy đủ; tiếng nói, nguyện vọng, tâm tư của người dân kịp thời đến được với Đảng. Khi đó, ý Đảng mới thực sự là lòng dân.
Bốn là, đổi mới mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị cấp xã. Cơ chế vận hành của hệ thống chính trị cấp xã phải đổi mới theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Trong đó, đảng ủy cấp xã vừa là bộ phận của hệ thống chính trị vừa là hạt nhân lãnh đạo. Đảng ủy cấp xã cũng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đổi mới mối quan hệ giữa đảng ủy cấp xã và chính quyền cấp xã phải khắc phục cả hai khuynh hướng hoặc đảng ủy cấp xã bao biện, làm thay chính quyền cấp xã, hoặc đảng ủy cấp xã buông lỏng sự lãnh đạo đối với chính quyền cấp xã.
Đảng ủy cấp xã lãnh đạo chính quyền cấp xã phải bảo đảm phát huy vai trò của chính quyền trong quản lý kinh tế - xã hội. Phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng ủy để hoàn thành vai trò lãnh đạo; đảng ủy cấp xã thực hiện lãnh đạo bằng cách đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn xã, làm cơ sở định hướng cho hoạt động của chính quyền cấp xã nói chung và UBND xã nói riêng. Đồng thời, đảng ủy cấp xã phải kiểm tra, lãnh đạo việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; phải chăm lo cho dân, củng cố chính quyền, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xã, bảo đảm mọi hoạt động của chính quyền cấp xã theo đúng định hướng.
Chính quyền cấp xã phải thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Chính quyền chịu sự lãnh đạo của đảng ủy cấp xã về các chủ trương, phương hướng công tác, tổ chức cán bộ và chịu sự kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của cấp trên và của đảng ủy cấp xã. Đảng ủy cấp xã giới thiệu, sắp xếp những đảng viên ưu tú của Đảng vào cương vị chủ chốt trong chính quyền cấp xã nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của mình. UBND có trách nhiệm chủ động báo cáo với đảng ủy xã tình hình thực hiện các công tác của UBND, xin chủ trương, phương hướng giải quyết công việc lớn của xã. UBND có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm cho các nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
MTTQ và các đoàn thể cấp xã phải đổi mới theo hướng khắc phục tình trạng hành chính hóa, phô trương, hình thức. MTTQ và các đoàn thể phải gần dân, thân dân, lắng nghe phản ánh của nhân dân về xây dựng Đảng vàchính quyền cấp xã, về các chủ trương, chính sách của Đảng, đảng ủy xã. MTTQ cấp xã phải thực sự là “cầu nối” giữa nhân dân trong xã, để nguyện vọng chính đáng của nhân dân được hiện thực hóa thông qua xây dựng, tổ chức các phong trào, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.Chủ tịch MTTQ cấp xã và người đứng đầu các đoàn thể nhân dân ởxã phải tích cực tham gia khi bàn các vấn đề có liên quan. MTTQ và các đoàn thể nhân dân ở xã phải tổ chức động viên nhân dân tham gia xây dựng củng cố chính quyền cấp xã, tích cực thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời giám sát các hoạt động của UBND xã, đại biểu dân cử, cán bộ và viên chức cấp xã một cách thực chất nhằm góp phần bảo đảm hoạt động của chính quyền cấp xã đúng pháp luật và đem lại hiệu quả cho nhân dân.
_________________
Ngày nhận bài: 15-02-2023; Ngày bình duyệt: 20-02-2023; Ngày duyệt đăng:
(1) Bài viết tập trung bàn về đảng bộ xã, trong đó hạt nhân lãnh đạo là đảng ủy xã.
(2), (3), (6), (7), (8), (9), (10), (12), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.77, 73, 70-71, 93, 90, 88-89, 180-181, 178, 172.
(4) Xem: Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ngày 12-9-2022.
(5) Xem: Đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Báo cáo kết quả bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, số 127/ BC-ĐGS, ngày 11-3-2022.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.460.
TS ĐINH VĂN THỤY
Viện Triết học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS NGUYỄN PHƯỚC TÀI
Đại học FPT, phân hiệu Cần Thơ