Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
(LLCT) - Hệ giá trị văn hóa là một trong những hệ giá trị cốt lõi, cơ bản và là nền tảng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước. Bài viết phân tích về việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa.
Nghệ nhân làng cổ Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ hướng dẫn gói bánh Chưng cho các thí sinh của cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới 2022 - Ảnh: vnanet.vn
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hiện nay, nước ta đang triển khai xây dựng bốn hệ giá trị cơ bản: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình. Đại hội nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(1). Các hệ giá trị này có vai trò hết sức quan trọng, làm trụ cột trong quá trình xây dựng đất nước, tạo dựng vị thế và tầm vóc dân tộc. Trong đó, hệ giá trị văn hóa là hệ giá trị nền tảng, làm cơ sở để các hệ giá trị khác phát huy sức mạnh.
Bài viết chủ yếu bàn về việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam đương đại, trong bối cảnh “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(2).
1. Khái niệm văn hóa và hệ giá trị văn hóa
Để định hình và xây dựng hệ giá trị văn hóa, trước hết, cần nhận thức rõ về khái niệm văn hóa và hệ giá trị văn hóa.
Về mặt thuật ngữ khoa học, văn hóa được bắt nguồn từ chữ La tinh “Cultus” mà nghĩa gốc là gieo trồng, tìm kiếm (giai đoạn đầu được dùng theo nghĩa Cultus Agri là “gieo trồng ruộng đất” và Cultus Animi là “gieo trồng tinh thần” tức là “sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người”). Theo nhà triết học Anh Thomas Hobbes (1588-1679): “Lao động dành cho đất gọi là sự gieo trồng và sự dạy dỗ trẻ em gọi là gieo trồng tinh thần”(3).
Sau này, cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, văn hóa chính là sự tìm kiếm những giá trị vật chất và giá trị tinh thần phục vụ mục đích sống của con người. Đó là một quá trình liên tục và vô tận, được thể hiện thông qua sự nhận thức và đánh giá của con người, do đó phụ thuộc vào khả năng, trình độ hiểu biết của con người và hoàn cảnh, điều kiện sống tương ứng.
Giá trị văn hóa chỉ sự tích hợp các đặc trưng bản chất của văn hóa, giúp tạo dựng tính ưu trội, tính chính đáng và thể hiện được vị thế và vai trò của văn hóa.
Từ đây, có thể hiểu, hệ giá trị văn hóa là tổ hợp các giá trị văn hóa nhằm xác lập hệ quy chiếu đánh giá và định hình diện mạo đại diện cho nền văn hóa của dân tộc, quốc gia.
Bất kỳ nền văn hóa và hệ giá trị văn hóa của một thời đại nào cũng được hình thành và tạo dựng trên cơ sở bối cảnh cụ thể. Với khả năng, trình độ hiểu biết khác nhau, ở không gian và thời gian khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau thì con người sẽ tìm kiếm những giá trị sống khác nhau. Tuy nhiên, một số giá trị sống có thể phù hợp với dân tộc này nhưng chưa chắc đã phù hợp với dân tộc khác, có thể hợp lý với thời đại này chưa hẳn đã là hợp lý với thời đại khác. Như vậy, hệ giá trị văn hóa không phải là một hệ giá trị cố định, bất biến mà là một hệ giá trị thường biến, luôn thay đổi và phát triển.
2. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những bước phát triển đột phá đã làm thay đổi căn bản, toàn diện những nhận thức thông thường. GS Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định: “Những thay đổi này sẽ sâu sắc đến mức chưa bao giờ trong lịch sử lại có một thời điểm con người đứng trước cùng lúc nhiều cơ hội lẫn rủi ro như thế”(4).
Sự thay đổi diễn ra mạnh mẽ trong mọi mặt của cuộc sống, từ kinh tế đến chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường... làm biến đổi nhận thức, tư duy, nếp sống, thói quen của con người. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang và sẽ làm thay đổi những giá trị trong đời sống đương đại, trong đó phải kể đến hệ giá trị văn hóa.
Việt Nam hiện đang trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước. Các lĩnh vực của đời sống xã hội đang có sự chuyển biến sâu sắc, tác động đến đời sống tinh thần, đặc biệt là đến hệ giá trị văn hóa. Trong đó các yếu tố nổi bật là: thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp hiện vật sang kinh tế hàng hóa; chuyển từ kinh tế khép kín sang nền kinh tế mở, gắn với phân công lao động trong nước và quốc tế; xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.
Sự lan tỏa mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự biến động của các điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa và quốc tế tất yếu đi cùng sự chuyển đổi thang giá trị văn hóa. Thực tế hơn 35 năm đổi mới ở Việt Nam cho thấy, hệ giá trị văn hóa đang có những thay đổi to lớn, phức tạp, cả tích cực và tiêu cực, biến động nhiều chiều. Để tận dụng tối đa lợi thế của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển bền vững đất nước, một trong những ưu tiên mà Việt Nam cần lựa chọn là xây dựng và hiện thực hóa hệ giá trị văn hóa mới.
3. Hệ giá trị văn hóa Việt Nam được tạo lập và định hình trên cơ sở của văn minh nông nghiệp gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Trong giá trị văn hóa truyền thống, lòng yêu nước được xem là cốt lõi, cơ bản và thiêng liêng nhất. Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, đức tính cần cù, lối sống tình nghĩa thủy chung là những giá trị quý báu của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam cũng có những đặc điểm của một nền văn hóa được hình thành trên cơ sở xã hội nông nghiệp và thường xuyên phải tiến hành chiến tranh chống ngoại xâm. Trong đó, phẩm chất chiến đấu “chống giặc cứu nước” được đề cao; song, lại ít đề cập đến những phẩm chất lao động sáng tạo, xây dựng làm giàu và phát triển đất nước. Các giá trị văn hóa cộng đồng được nhấn mạnh, trong khi các giá trị văn hóa cá nhân còn mờ nhạt.
Hiện nay, toàn cầu hóa và tri thức hóa, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến hệ giá trị văn hóa mới của đất nước. Do đó, cần hiểu rõ, vận dụng và biến hệ giá trị văn hóa mới thành động lực cho các hành động thiết thực, cụ thể trong đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội; tránh thái độ bảo thủ, đề cao quá mức truyền thống mà coi nhẹ hoặc phủ nhận những giá trị của đổi mới và phát triển.
4. Một số đề xuất xây dựng hệ giá trị văn hóa mới thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Một là, tăng cường xây dựng giá trị văn hóa dân chủ mới - dân chủ trí tuệ
Dân chủ là sản phẩm mà xã hội loài người phát triển đến một giai đoạn nhất định mới có được và trải qua những thời kỳ khác nhau của lịch sử thì nội hàm dân chủ cũng khác nhau.
Trong gần như suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam chịu sự ảnh hưởng và chi phối của hệ tư tưởng phong kiến - một hệ tư tưởng với bản chất phản dân chủ với những hình thức quản lý và cai quản hà khắc, chuyên quyền, độc đoán, tiếp đó là gần 100 năm dưới ách cai trị của thực dân xâm lược. Do đó, trong một thời kỳ dài, văn hóa Việt Nam, về cơ bản, chưa có giá trị dân chủ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta đã có những bước tiến lớn trong việc tạo lập giá trị dân chủ trong đời sống văn hóa - xã hội. Đặc trưng văn hóa dân chủ XHCN ở Việt Nam đã ít nhiều thể hiện các giá trị dân chủ phổ quát của nhân loại, cũng như thể hiện được một số đặc trưng phản ánh bản sắc, đặc điểm văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng giá trị dân chủ ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ ra: “... dân chủ xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đẩy đủ... Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”(5).
Chính vì vậy, Đảng yêu cầu: “... trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;...”(6).
Đặc biệt, hiện nay, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại một giá trị rất quan trọng, đó là phát huy sức mạnh của số đông, chính là sức mạnh trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân. “Tri thức là sản phẩm của trí tuệ, vì thế, sức mạnh của đất nước chúng ta tùy thuộc vào khả năng huy động và phát huy sức mạnh trí tuệ của toàn dân. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế làm cho cuộc cạnh tranh về nhân tài và trí tuệ trở thành một cuộc đua tranh toàn thế giới, trong đó ưu thế đang thuộc về các nước phát triển”(7).
Do đó, để phát huy sức mạnh nội lực trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình xây dựng đất nước phải dựa trên sự dân chủ về tư tưởng và trí tuệ thực sự. Văn hóa Việt Nam cần xây dựng được giá trị dân chủ mới - dân chủ trí tuệ.
Hai là, tăng cường xây dựng giá trị văn hóa nhân hóa
Trong tiến trình hình thành và phát triển, con người ngày càng được hoàn thiện nhân cách, thoát khỏi bản năng con vật để ngày càng mang tính người hơn, nghĩa là ngày càng được nhân hóa hơn. Khi được nhân hóa thì con người cũng tạo ra văn hóa cho chính mình và khi kiến tạo được văn hóa thì con người cũng được nhân hóa tương ứng. Càng nhân hóa bao nhiêu thì con người càng văn hóa bấy nhiêu và ngược lại, càng định hình được văn hóa chừng nào thì con người càng được nhân hóa tương ứng. Như vậy, về thực chất, văn hóa là nhân hóa.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những tư tưởng sâu sắc, đậm tính nhân bản về cách làm người. Người nói: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người”(8). Đạo ở đời và làm người của Hồ Chí Minh hết sức độc đáo, không chỉ “hợp với lương tri và lương tâm con người”, mà còn thể hiện rõ sự tiếp cận mới trong tư duy về văn hóa: “văn hóa là nhân hóa” nghĩa là con người ngày càng sống có văn hóa hơn, sống nhân văn hơn, có tình, có nghĩa hơn và nhờ vậy, bản chất của con người ngày càng có tính người hơn.
Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức và hình thành cách tiếp cận “văn hóa là nhân hóa” trong quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước. Điều này thể hiện ở chỗ, văn hóa phải do con người, cho con người và vì con người. Nói cách khác, con người là chủ thể, là động lực và là mục đích của văn hóa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Đảng ta nhận định: “so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh”(9).
Từ nhận thức như vậy, Đảng đã đưa ra quan điểm: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”(10). Trên cơ sở đó, Đảng yêu cầu phải “...xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thông và giá trị hiện đại”(11).
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam cần chú trọng phát triển con người, đặc biệt là nhân hóa con người, làm cho tính nhân văn, nhân bản trong con người được khơi dậy mạnh mẽ.
Ba là, thực hành giá trị văn hóa pháp quyền
Với phương thức canh tác giản đơn, tự phát, tự cung, tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ, đời sống văn hóa của đa số cư dân làm nông nghiệp, sống ở nông thôn (nông dân) vẫn đề cao tình nghĩa, chủ yếu giải quyết các vấn đề nảy sinh theo thỏa thuận cảm tính; ít thể hiện cách ứng xử theo lý, theo phép tắc chung: “một trăm cái lý không bằng tý cái tình”, “phép vua thua lệ làng”. Rõ ràng, trong văn hóa Việt Nam truyền thống còn thiếu vắng văn hóa pháp quyền. Việc thiếu văn hóa pháp quyền trong sinh hoạt của đời sống xã hội đã dẫn đến sự thiếu nghiêm túc, thiếu công bằng, thiếu bình đẳng và thiếu tính chân lý trong cách ứng xử giữa người với người và giữa cá nhân với cộng đồng, dẫn đến làm cho xã hội kém phát triển hoặc phát triển lệch chuẩn.
Khi bắt tay vào xây dựng xã hội mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam ý thức rất rõ về vai trò của pháp luật: “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, do đó đã chú trọng xây dựng văn hóa pháp quyền ở nước ta. Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản. Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội”(12). Tuy nhiên, việc “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới... Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm;...”(13).
Do đó, để đất nước phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Đảng ta khẳng định: “Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật”(14), “Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”(15); đặc biệt phải “bảo đảm yêu cầu: Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật;...”(16).
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra yêu cầu về việc tạo lập dân luật (pháp quyền là để bảo vệ con người, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, chứ không phải thiết lập hình luật (pháp quyền là hình phạt con người, trừng trị công dân). Nhà tư tưởng người Anh Henry James Sumner Maine (1822 - 1888) khẳng định: Có thể biết được độ cao thấp của văn hóa một quốc gia bằng việc nhìn vào tỷ lệ giữa dân luật và hình luật... Nhìn chung quốc gia bán khai (mông muội) thì dân luật ít, hình luật nhiều; quốc gia tiến bộ thì dân luật nhiều, hình luật ít... Trung Quốc cổ đại chỉ có hình luật mà không có dân luật(17).
Bốn là, xác lập được giá trị văn hóa phát triển
Do chịu ảnh hưởng của phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước - phương thức canh tác chủ yếu dựa trên kinh nghiệm được hình thành và truyền trao từ thế hệ này qua thế hệ khác - tính ổn định dần trở thành nét đặc trưng trong lối suy nghĩ, cách làm ăn và sinh hoạt của con người trong xã hội Việt Nam truyền thống.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng mang bản chất phát triển, chi phối mọi quá trình trong đời sống xã hội và thực sự là động lực thúc đẩy mọi khát vọng vươn lên, là nguồn lực nội sinh của sự tiến bộ nhân loại. Bởi vậy, để đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì văn hóa Việt Nam đương đại phải xác lập được giá trị mới - văn hóa phát triển, tức là văn hóa thúc đẩy khát vọng phát triển. Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu phải “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc;...”(18).
Khát vọng phát triển là động lực cho quá trình xây dựng đất nước trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, cách mạng khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế sâu sắc, đồng thời là giá trị văn hóa mới cần xây dựng trong bối cảnh hiện nay.
Năm là, tạo dựng giá trị văn hóa sáng tạo
Một giá trị mang tính nền tảng, nổi bật và xuyên suốt mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại chính là sự sáng tạo hóa mọi hoạt động của con người và xã hội. Điều này dẫn đến xu hướng tất yếu là sáng tạo trở thành động lực chủ chốt và là chiến lược phát triển phù hợp nhất đối với tất cả các quốc gia trong thế giới hiện đại ngày nay. “Xã hội càng hiện đại, càng đặt vai trò nhiều hơn cho sự sáng tạo. Trước kia, trong một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, hoặc một xã hội truyền thống nông nghiệp, người ta không coi trọng sự sáng tạo, tức là không coi trọng “cái mới” lắm, mà chỉ tập trung vào việc giữ truyền thống, giữ những tri thức đã được đúc kết qua nhiều thế kỷ và dẫn đến một thời gian đóng kín. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại ngày nay, ở thế kỷ XXI và toàn cầu hóa, người ta đã hiểu ra là sự sáng tạo rất quan trọng và qua đó, trí tưởng tượng cũng đóng vai trò quan trọng theo vì nếu không có sự tưởng tượng thì sẽ không có sự sáng tạo”(19).
Nhận định về quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài,...”(20).
Đại hội XIII cũng chỉ ra: “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”(21). Từ đây, Đảng ta đã xác định, phải “...có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”(22).
Như vậy, từ giá trị cốt lõi mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, Việt Nam sẽ phải xác định và tạo lập được vị thế dân tộc với mô hình phát triển đất nước trong đó sự đột phá, sáng tạo được đặt lên hàng đầu, là giá trị phổ quát ở tất cả các chủ thể: quốc gia, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân. Do đó, cần có một nền văn hóa có giá trị sáng tạo để khơi dậy và phát huy được một xã hội sáng tạo, xây dựng một nền kinh tế sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng những giá trị cốt lõi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn phát triển Việt Nam.
Sáu là, thiết lập giá trị văn hóa số
Bản chất của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng số, được triển khai dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất.
Điểm nổi bật và là hệ quả tất yếu của cuộc cách mạng số chính là phải có quá trình số hóa và chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và các quá trình hoạt động của xã hội.
Nhận thức được điều này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã định hướng rất rõ về chuyển đổi số: “Đẩy nhanh xây dựng xã hội số, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, mở các khóa học đại trà trực tuyến, đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số”(23). Theo tinh thần đó, chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam tập trung vào 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Quá trình đó tất yếu sẽ tác động rất lớn đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân, trên mọi lĩnh vực.
Như vậy, cần có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp, nhưng phải bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Cách mạng số đang đặt ra những yêu cầu mới cho tất cả các lĩnh vực của xã hội, trong đó đòi hỏi tất yếu đối với văn hóa hoạt động và văn hóa ứng xử hằng ngày là phải hình thành được giá trị văn hóa số - một giá trị mới của văn hóa dân tộc.
Bảy là, phải thực thi giá trị văn hóa mở
Khi bàn về sức mạnh nội sinh của văn hóa, các nhà nghiên cứu đã đề cập đến đặc trưng cộng tính văn hóa. Cộng tính văn hóa là khái niệm mô tả khả năng sẵn sàng chấp nhận các hệ giá trị văn hóa khác của một cộng đồng (hoặc cá nhân), bất chấp việc các giá trị mới có thể đối nghịch với hệ giá trị đang tồn tại(24). Trên thực tế, trong sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống Việt Nam, hiện tượng cộng tính văn hóa được thể hiện rõ nét qua sự tồn tại và ảnh hưởng lẫn nhau của tam giáo (tam giáo đồng nguyên của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo).
Dựa trên cơ chế nạp xả giá trị văn hóa (mindsponge), có thể hiểu cách mà một cộng đồng (hoặc cá nhân) tiếp thu và loại bỏ các giá trị văn hóa mà họ tiếp xúc có ảnh hưởng quyết định đối với mức độ cộng tính văn hóa của cộng đồng (hoặc cá nhân) đấy(25). Một cộng đồng (hoặc cá nhân) có thể xem là có cộng tính văn hóa cao nếu như cộng đồng (hoặc cá nhân) đó chấp nhận được nhiều sự tồn tại và tương tác của nhiều giá trị văn hóa khác nhau cùng lúc. Mức độ cộng tính sẽ giảm đi nếu cộng đồng (hoặc cá nhân) đấy lựa chọn loại bỏ các giá trị văn hóa mâu thuẫn với các giá trị mà họ xem là giá trị văn hóa cốt lõi(26).
Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự biến đổi và tiến hóa của nhân loại phải tất yếu dựa trên sự vận hành mở, đột phá, dựa trên nền tảng của kết nối tri thức và khoa học - công nghệ hiện đại. Lợi ích của dân tộc, của nhân dân phải được đặt trên sự vận hành chung của xu thế phát triển thời đại: xu thế của kết nối tri thức và xây dựng lòng tin chiến lược.
Đảng ta nhấn mạnh “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo”(27). Hơn thế nữa, khi định hướng cho phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng đòi hỏi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, Đảng yêu cầu: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”(28).
Rõ ràng, rất cần một giá trị văn hóa Việt Nam đương đại mới để dân tộc có thể phát triển nhanh và bền vững - giá trị văn hóa mở.
Tám là, định hình mạch nguồn giá trị văn hóa duy lý
Xuất phát từ phương thức canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, lối sống, cách ứng xử dựa trên sự cảm nhận, cảm tính thì văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam có đặc trưng của văn hóa duy tình. Thế nhưng, để thực hiện trọng trách vô cùng lớn lao nhằm dẫn dắt nhân loại tiến lên, thì văn hóa thực sự phải bao chứa trong nó yếu tố duy lý (tính trí tuệ).
Nhà nhân loại học người Anh Edward Burnett Tylor (1832-1917) đã định nghĩa văn hóa hay văn minh hiểu theo nghĩa rộng là một tổng thể phức hợp gồm nhiều yếu tố, trong đó yếu tố đầu tiên là kiến thức. UNESCO nhấn mạnh, văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng, trong đó, tri thức là yếu tố quan trọng(29).
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa nhân loại tiến đến một nấc thang mang tính nhảy vọt, với 3 nhân tố vừa tác động vừa thống nhất với nhau trở thành động lực mới trong quá trình vận động của xã hội. Đó là, sự ra đời và phát triển của mạng internet giúp thế giới trở nên “phẳng” hơn, trở thành một “ngôi nhà toàn cầu”. Tiếp đó, là quá trình quốc tế hóa (internationalisation) nhanh chóng phát triển thành quá trình toàn cầu hóa (globalization) và nhất thể hóa (intergration), cùng với sự tri thức hóa (intellectualization) mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị. Nhờ sự tri thức hóa, trí tuệ hóa mà các quốc gia có được sức mạnh để giữ vững độc lập và kết nối nguồn lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, “để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam phải ra sức xây dựng, phát triển và phát huy nguồn lực trí tuệ của toàn dân”(30).
Như vậy, nhờ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tri thức hóa, trí tuệ hóa đã trở thành quyền lực mềm và đã trở thành nòng cốt cho phương thức mới trong việc bảo vệ độc lập và chủ quyền lãnh thổ quốc gia và cũng phải trở thành mạch nguồn của văn hóa duy lý - văn hóa trí tuệ trong ứng xử xã hội hiện nay.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 539 (tháng 01-2023)
Ngày nhận bài: 08-12-2022; Ngày bình duyệt: 07-01-2023; Ngày duyệt đăng: 27-01-2023.
(1), (5), (6), (11), (12), (13), (14), (15), (18), (21), (22), (23), (28) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143, 88-89, 96-97, 143, 71-72, 89, 143, 175, 110, 208, 110, 264-265, 232-233.
(2), (9), (10) Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
(3), (29) Xem: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(4) Phát biểu của GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới với chủ đề “Làm chủ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” ngày 20-01-2016. Dẫn lại theo Trí thức trẻ, tháng 4-2016.
(7) Trần Đại Quang: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Thời cơ phát triển và các thách thức an ninh phi truyền thống”, http://www.tuyengiao.vn/, 3-10-2016.
(8) Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950.
(16) Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII. https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/hoi-nghi-trung-uong-6-khoa-xiii-quyet-nghi-nhieu-van-de-lon-quan-trong-cua-dang-cua-dat-nuoc, ngày 09-10-2022
(17) Xem: Quan Mẫn: Văn hóa bán khai của Hoa Hạ. Dẫn theo Tạp chí Văn hóa Nghệ An, http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/van-hoa-ban-khai-cua-hoa, 04-3- 2019.
(19) Xem: Đặng Hoàng Giang: Đêm Ý tưởng 2018 - Đêm đề cao trí tưởng tượng (La Nuit des Idées) do Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức (theo Tạp chí Văn hóa), Http:// institutfrancais-vietnam.com, 26-1-2018.
(20) Xem: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-646305/, 01-08-2021.
(24) Xem: Vuong Quan Hoang; Bui Quang Khiem; La Viet Phuong; Vuong Thu Trang; Nguyen Viet Ha T.; Ho Manh Toan; Nguyen Hong Kong T.; Ho Manh Tung (4 tháng 12 năm 2018): “Cultural additivity: behavioural insights from the interaction of Confucianism, Buddhism and Taoism in folktales”. Palgrave Communications. 4 (1): 1-15. doi:10.1057/s41599-018-0189-2. ISSN 2055-1045. Bản gốc lưu trữ ngày 16-6-2022.
(25) Xem: Vuong Quan Hoang; Napier, Nancy K. (1-11-2015). “Acculturation and global mindsponge: An emerging market perspective”. International Journal of Intercultural Relations (bằng tiếng Anh). 49: 354-367. doi:10.1016/j.ijintrel.2015.06.003. ISSN 0147-1767.
(26) Xem: Hồ Mạnh Tùng; Phạm Hùng Hiệp: Khoa học và Phát Triển. Bản gốc lưu trữ ngày 30-10-2020.
(27) Xem: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nghi-quyet-cua-Bo-Chinh-tri-ve-chu-dong-tham-gia-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu/376219.vgp, 29-09-2019.
(30) Trần Đại Quang: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Thời cơ phát triển và các thách thức an ninh phi truyền thống, http://www.tuyengiao.vn/, 3-10-2016.
PGS, TS NGÔ ĐÌNH XÂY
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
TS PHẠM THỊ VUI
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương