Đấu tranh phòng, chống thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta trên không gian mạng
(LLCT) - Ngày nay, không gian mạng đã trở thành một không gian xã hội mới, nơi con người có thể thực hiện các hành vi giao tiếp, sáng tạo, lao động, sản xuất, tiêu dùng, học tập và vui chơi giải trí mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích to lớn, không gian mạng đang tạo ra các nguy cơ và thách thức đối với an ninh quốc gia, an ninh con người và trật tự, an toàn xã hội. Bài viết vạch trần thủ đoạn mà các thế lực thù địch, phản động sử dụng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Không gian mạng là môi trường mà các thế lực thù địch thường lợi dụng để tiến hành các âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta - Ảnh: tapchicongsan.org.vn
Việt Nam là một trong 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới. Tính đến hết năm 2021, Việt Nam có khoảng 72,1 triệu thuê bao internet (chiếm 73,2% dân số) và 77 triệu tài khoản mạng xã hội (chiếm 78,1% dân số). Trong đó, mạng xã hội Facebook có khoảng 70 triệu tài khoản, Facebook Messenger có khoảng 54 triệu tài khoản, Youtube có khoảng 62,5 triệu tài khoản, Zalo khoảng 45 triệu tài khoản và đạt tới 156 triệu thuê bao di động (chiếm 158,6% dân số)(1).
Đây đồng thời là môi trường thuận lợi mà các thế lực thù địch thường lợi dụng để tiến hành các âm mưu, thủ đoạn chống phá nước ta.
Các thế lực thù địch, phản động thường xuyên tiến hành các hoạt động trên không gian mạng để khai thác thông tin, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tìm kiếm các bí mật quốc gia, bí mật quân sự nhằm tạo lợi thế trong quan hệ quốc tế; tác động vào chủ trương, đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại và sẵn sàng gây sức ép khi cần thiết; đưa các thông tin sai lệch, phát tán quan điểm phản động, xuyên tạc, thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm gây bất ổn về chính trị, xã hội, gây tổn hại về kinh tế, quốc phòng, an ninh; bí mật kiểm soát hệ thống mạng, tạo thế trận, xâm hại chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, chúng lợi dụng thế trận trên không gian mạng để tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, gây rối loạn hệ thống thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Quân đội; kích động biểu tình, bạo loạn nhằm tạo cớ để can thiệp quân sự.
Khi xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược, các thế lực thù địch tiến hành tác chiến trên không gian mạng, tấn công vào hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhằm làm tê liệt công tác lãnh đạo, chỉ huy, điều hành; phá hủy tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh, gây hoang mang tinh thần trong nhân dân và lực lượng vũ trang, tạo điều kiện cho các hoạt động quân sự, bạo loạn lật đổ, vũ trang khác để thực hiện các âm mưu đã đặt ra.
Về thủ đoạn, lợi dụng tình hình liên quan đến công tác nhân sự, lãnh đạo chủ chốt của Trung ương, nhất là công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; việc xử lý kỷ luật, truy tố trước pháp luật một số cán bộ lãnh đạo cấp Trung ương và địa phương; người đứng đầu doanh nghiệp có vi phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý kinh tế; sai phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ cấp cao trong lực lượng vũ trang..., các thế lực thù địch thông qua Internet và các trang mạng xã hội để đưa tin xuyên tạc tình hình nội bộ Đảng; tán phát các bài viết, hình ảnh, clip tuyên truyền xuyên tạc, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây hoài nghi và giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.
Bên cạnh các thủ đoạn chống phá quen thuộc như: sử dụng các trang mạng phản động có máy chủ đặt tại nước ngoài và các trang mạng xã hội để ngụy tạo các tài liệu, bài viết, các “Thư ngỏ”, “Đơn tố cáo”, “Tâm thư”... gây chú ý trong dư luận, các đối tượng còn hướng dư luận, tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng. Từ đó, đặt câu hỏi, bỏ ngỏ vấn đề để trộn lẫn thông tin thật, giả, kích thích tính hiếu kỳ, tò mò của cộng đồng mạng, lôi kéo người đọc truy cập vào các tờ báo điện tử và các trang mạng xã hội phản động, từ đó tác động, gây tâm lý nghi ngờ cho người đọc. Ngụy tạo thông tin, giả danh các trang mạng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước bằng cách cắt ghép hình ảnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ cao cấp gắn với những phát ngôn gây “sốc” để đánh lạc hướng dư luận, tạo sự hoang mang cho người đọc. Chỉ riêng năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện 250 trang mạng, blog, gần 500 tài khoản Facebook, 50 kênh trên Youtube đăng tin, bài viết với nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu khống nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Sử dụng các trang mạng xã hội kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn. Các thế lực thù địch tạo lập và huy động những tài khoản giả mạo kêu gọi, lôi kéo, kích động người dân tụ tập, biểu tình và có các hành vi vi phạm pháp luật.
Thống kê cho thấy, trung bình 01 tháng, các thế lực thù địch phát tán hơn 130.000 bài viết, video xuyên tạc lên Internet, mạng xã hội (tin giả, xấu độc chiếm trên 50%). Trong đó, có hơn 80.000 bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook và khoảng 40.000 bài viết, video xuyên tạc từ các kênh mạng xã hội Youtube, blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động. Hầu hết các tổ chức phản động đều xây dựng tài khoản trang (fanpage) của mạng xã hội Facebook, tổ chức thành các kênh truyền tải thông tin xấu độc, giao cho nhiều đối tượng quản lý, thường xuyên đăng bài, cập nhật thông tin từ các tỉnh, thành trên cả nước. Nổi bật là các trang phản động, như: “Nhật ký yêu nước”, “Dân làm báo”... mỗi ngày đăng tải hàng chục bài viết xuyên tạc, có những bài viết, video thu hút hơn 500.000 lượt bày tỏ cảm xúc, hơn 5.000 lượt chia sẻ và hơn 7.000 lượt bình luận. Ngoài ra, các tổ chức phản động còn triệt để khai thác tính năng “phát trực tuyến” của Youtube và Facebook làm công cụ phát tán thông tin xấu độc(2).
Để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, “Chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng và an ninh xã hội”(3), chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể:
Một là, về công nghệ, cùng với thực hiện tốt công tác kiểm soát các thông tin xấu độc, kịp thời ngăn chặn, khóa, gỡ bỏ các thông tin này, hạn chế tối đa sự tiếp cận của người sử dụng mạng đối với thông tin xấu độc, phản động của các thế lực thù địch, cần hướng dẫn người sử dụng mạng xã hội các biện pháp bảo mật an toàn thông tin cá nhân, phổ biến đến người sử dụng mạng các mánh khóe mà các thế lực thù địch thường lợi dụng trên các trang mạng xã hội, các bài viết, hình ảnh có tính chất nhạy cảm, kích thích sự tò mò của người đọc, dẫn dắt người đọc tìm kiếm để qua đó cài đặt các phần mềm độc hại nhằm thu thập, đánh cắp thông tin của người đọc và phát tán các quan điểm phản động. Thực hiện tốt việc phân tích xu hướng, thời gian, thói quen sử dụng mạng xã hội, các nội dung tìm kiếm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ hiện nay để từ đó có các biện pháp kỹ thuật can thiệp kịp thời.
Hai là, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện nội dung, phương thức đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Trước việc ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, ranh giới giữa thế giới thực và “thế giới ảo” khó có sự phân biệt. Cùng với đó, sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Do vậy, đòi hòi phương thức đấu tranh của chúng ta cũng phải tăng cường.
Các báo, tạp chí điện tử cần tăng cường mở mới và phát triển các chuyên trang, chuyên mục mang tính chuyên sâu về đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch như chuyên mục: “Chống các quan điểm sai trái, thù địch”; “Sự kiện - bình luận”; “Nghiên cứu trao đổi”; “Diễn đàn”... Các chuyên mục cần vạch trần thực chất âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bản chất phản động, phản khoa học và tính chất nguy hiểm, tác hại của âm mưu, thủ đoạn đó. Đồng thời, khẳng định giá trị, tính chân lý, tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng mà nhân dân ta đang phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, bản chất tốt đẹp của chế độ...
Phát triển và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về nghị quyết, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta với các nội dung súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu. Đây là hình thức quan trọng giúp người sử dụng mạng có thêm điều kiện hiểu sâu nội dung nghị quyết, chính sách, làm cơ sở nâng cao ý thức phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên mạng xã hội.
Phát huy ưu thế của báo điện tử, các báo, tạp chí thực hiện giáo dục với những hình thức, phương pháp sinh động, đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng mang lại hiệu quả thiết thực như thơ, ca, họa, nhạc, truyện...; đưa tin người tốt việc tốt, việc tử tế để truyền tải các nội dung cần giáo dục. Giáo dục ý thức phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch cần thực hiện "lồng ghép" với các nội dung, hình thức giáo dục khác như giáo dục quốc phòng, an ninh, giáo dục công dân, giáo dục phổ thông, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao.
Phát huy ưu thế truyền thông đa phương tiện, khả năng tương tác của báo điện tử để giáo dục ý thức về phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch. Mỗi tờ báo là cấu trúc rộng về không gian với nhiều mảng khác nhau, mỗi mảng gần như là một tờ báo riêng như: thời sự quốc tế, thời sự trong nước, giáo dục, khoa học, thể thao, văn hóa, văn nghệ, âm nhạc, giải trí. Vì thế, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, tính định hướng các hoạt động tương tác, với các hình thức phù hợp như: hội thảo, tọa đàm, trao đổi trực tuyến... giữa báo chí và công chúng về các vấn đề của đời sống xã hội.
Ba là, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm pháp luật, các quy chế, quy định của người sử dụng mạng ở nước ta hiện nay. Để thực hiện tốt nội dung này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với các cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, nhất là Luật An ninh mạng năm 2018. Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp lực lượng chuyên trách xử lý những nguy cơ, thách thức từ không gian mạng kịp thời, hiệu quả; đồng thời, là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh việc tuyên truyền các lợi ích của việc thực hiện Luật An ninh mạng cần chú trọng tuyên truyền cho người sử dụng mạng về những hành vi bị cấm trong Luật như: tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi. Đồng thời với việc tuyên truyền các nội dung trên, các cơ quan chức năng cần theo dõi, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng mạng.
_________________
(1) Đặng Khầm: Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội chống phá quân đội,https://www.baohaugiang.com.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-tren-internet-mang-xa-hoi-chong-pha-quan-doi-108346.html, truy cập ngày 14-6-2022.
(2) Đinh Thế Cường: Bộ Tư lệnh 86 với việc đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng,http://tapchiqptd.vn/vi/75-nam-ngay-truyen-thong-tcct/bo-tu-lenh-86-voi-viec-dau-tranh-chong-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich-tren-khong-gian-mang/14811.html, truy cập ngày 18-12-2019.
(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.280-281.
PGS, TS TRẦN VĂN RIỄN
ThS PHẠM VĂN PHÚ
Học viện Kỹ thuật Quân sự