Xây dựng các tạp chí lý luận chính trị theo chuẩn tạp chí khoa học quốc tế nhằm tăng cường tuyên truyền, bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng
Độc giả tham quan gian trưng bày của Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội báo toàn quốc năm 2022 - Ảnh: LLCT
Tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta xác định khoa học lý luận chính trị là một trong các bộ phận hợp thành của nền khoa học - công nghệ nước nhà: Khoa học tự nhiên; Khoa học kỹ thuật và công nghệ; Khoa học xã hội và nhân văn; Khoa học lý luận chính trị.
Đại hội XIII nhất quán quan điểm và định hướng thúc đẩy đổi mới, phát triển nền khoa học - công nghệ đất nước: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu(…) Chú trọng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị”(1). Khoa học lý luận chính trị nghiên cứu hệ thống tri thức về lý luận chính trị và tổng kết những vấn đề thực tiễn mới đặt ra trong đời sống chính trị của xã hội để đúc kết thành lý luận. Khoa học lý luận chính trị luôn có tính giai cấp, luôn gắn với thể chế chính trị. Đảng Cộng sản mang bản chất giai cấp công nhân, là Đảng duy nhất cầm quyền nên khoa học lý luận chính trị Việt Nam nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu, tổng kết thực tiễn nhằm cung cấp luận cứ khoa học phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước.
Khoa học lý luận chính trị có nhiệm vụ nghiên cứu, bổ sung, phát triển và truyền bá hệ tư tưởng của Đảng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân trở thành xu hướng chủ đạo trong xã hội.
Đồng thời, khoa học lý luận chính trị có chức năng định hướng về tư tưởng, lý luận, hệ giá trị và phương pháp luận, phương pháp tiếp cận các vấn đề chính trị - xã hội. Khoa học lý luận chính trị bao gồm các mặt hoạt động: tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, tuyên truyền phổ biến kiến thức lý luận chính trị,...
Với vai trò, vị trí quan trọng đối với sự phát triển đất nước, đến nay hệ thống các cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta đã phát triển, trở thành hệ thống rộng lớn gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các viện nghiên cứu, các Học viện, Nhà trường chính trị Quân đội, Công an; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, các trường đại học khoa học xã hội - nhân văn,...
Cùng với hệ thống các cơ quan nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị, khối tạp chí khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam khá hùng hậu và bên cạnh đó là khối các tạp chí khoa học xã hội và nhân văn có đăng tải các kết quả nghiên cứu về khoa học lý luận chính trị.
Hiện nay, nước ta có số lượng báo chí rất lớn (tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí), trong đó có hàng trăm tạp chí khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội, với các loại hình in và điện tử, các ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác.
Các tạp chí lý luận chính trị, khoa học xã hội gồm: Tạp chí Cộng sản, khối tạp chí thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gồm 12 cơ quan tạp chí với gần 20 ấn phẩm; khối tạp chí thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam gồm 32 cơ quan tạp chí; khối tạp chí thuộc các học viện, nhà trường Quân đội, Công an; các tạp chí Ban Đảng Trung ương; Tạp chí Chính trị và phát triển của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; tạp chí của các trường đại học trên cả nước,…
Trải qua các thời kỳ cách mạng, trong những thời điểm bối cảnh tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, các tạp chí lý luận chính trị luôn kiên định tôn chỉ, mục đích, giữ vững lập trường quan điểm chính trị, luôn là dòng thông tin chính thức của Đảng và nhân dân.
Trong thời kỳ đổi mới, các tạp chí khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội được quan tâm phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; là diễn đàn học thuật, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của khoa học lý luận chính trị, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Các tạp chí đã bám sát đời sống sinh hoạt tư tưởng lý luận, kịp thời công bố kết quả nghiên cứu mới, là diễn đàn trao đổi, góp phần truyền bá giá trị lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng; tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với nhiều bài viết trực diện đấu tranh, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch. Việc khẳng định lý luận chính trị không chỉ là một lĩnh vực công tác của Đảng mà là khoa học đã đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực này, trong đó có công tác tạp chí.
Các tạp chí đã có đóng góp quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị tư tưởng, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trở thành diễn đàn lý luận và khoa học của cả nước; là phương tiện thông tin của Đảng: tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Các tạp chí đã góp phần khẳng định vị trí, vai trò của khoa học lý luận chính trị, đã kịp thời công bố những kết quả nghiên cứu mới, đưa thông tin, tri thức khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn đến với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.
Đồng thời, các tạp chí quan tâm cải tiến, đổi mới nội dung và hình thức, từ hệ thống chuyên mục, tổ chức nội dung, đến việc đổi mới thể thức bài viết trên tạp chí,… Những thay đổi, điều chỉnh này đã đem lại nhiều kết quả quan trọng, giúp các tạp chí ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu của công tác tư tưởng, lý luận, nhu cầu của xã hội.
Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng lý luận, khoa học lý luận chính trị theo hướng hội nhập quốc tế mạnh mẽ và toàn diện, việc xây dựng các tạp chí lý luận chính trị theo hướng chuẩn quốc tế, tiến tới được xếp hạng tạp chí khoa học khu vực và quốc tế là yêu cầu cấp bách và lâu dài; là sự khẳng định tiến trình hội nhập toàn diện, mạnh mẽ của Việt Nam, cụ thể ở đây là trên lĩnh vực khoa học lý luận chính trị.
Kinh nghiệm từ một số tạp chí khoa học xã hội đã thành công trong việc phát huy nội lực để xây dựng tạp chí đáp ứng yêu cầu, tiêu chí của tạp chí khoa học khu vực và quốc tế, được hệ thống trích dẫn quốc tế công nhận và đưa vào danh mục trích dẫn: Tạp chí Kinh tế và Phát triển - Đại học Kinh tế Quốc dân, Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ, Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Thái Nguyên, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, là cơ sở để đánh giá tình hình của các tạp chí lý luận chính trị so với tiêu chí một tạp chí khoa học khu vực và quốc tế, bao gồm các tiêu chí về thể thức, quy trình, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất kỹ thuật, chỉ số trích dẫn, chỉ số ảnh hưởng.
Những vấn đề đặt ra đối với việc phát triển các tạp chí lý luận chính trị theo hướng tạp chí khoa học chuẩn quốc tế:
Khó khăn bởi môi trường khoa học chậm đổi mới. Nghiên cứu khoa học và diễn đàn, công bố kết quả nghiên cứu quan hệ hữu cơ, không thể tách rời. Việc các tạp chí khoa học còn chậm trễ trong bắt nhịp với xu thế khu vực và thế giới là một biểu hiện của sự chậm đổi mới và hội nhập quốc tế của nghiên cứu khoa học. Đó là hệ quả của việc chưa có sự quan tâm đúng mức đến xây dựng hệ thống các tạp chí khoa học đạt chuẩn quốc tế, việc các tạp chí chưa đặt ra các yêu cầu thể thức bài báo khoa học theo quy chuẩn quốc tế cũng là một nguyên nhân của sự trì trệ trong đổi mới đồng bộ hoạt động khoa học thời gian qua.
Bên cạnh những khó khăn chung của tạp chí khoa học, các tạp chí lý luận chính trị có những khó khăn riêng trong áp dụng các tiêu chí của tạp chí quốc tế. Đó là khó khăn giữa thực hiện tôn chỉ, mục đích hàng đầu là tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước với diễn đàn học thuật đa ngành và các chuyên ngành sâu; giữa yêu cầu đa dạng, phong phú trong nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng và đòi hỏi thống nhất về thể thức, cách viết theo một khuôn mẫu.
Bên cạnh những khó khăn khách quan là nhiều hạn chế chủ quan trong thực thi quy trình xuất bản: Quy chế, quy định xuất bản của các tạp chí được quan tâm hoàn thiện, nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn. Quy trình xuất bản còn theo kinh nghiệm và thủ công, chậm đổi mới, từ khâu nhận bài, đánh giá thẩm định của ban biên tập, hầu hết chưa thực hiện bình duyệt/phản biện phản biện kín; hầu hết các tạp chí chưa ứng dụng công nghệ xuất bản trực tuyến.
Chủ đề, kết cấu, thể thức bài viết chưa thống nhất, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Chủ yếu sử dụng phương pháp định tính, phân tích tổng hợp, giải thích, chứng minh, thậm chí còn biểu hiện tư biện, giáo điều, thiếu sáng tạo, khô khan, thiếu tính hấp dẫn. Ít bài nghiên cứu lý luận, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, có tiếng vang trong đời sống lý luận, có ảnh hưởng thực tiễn sâu sắc. Hầu hết các tạp chí đã có hội đồng biên tập, song số thành viên ở ngoài cơ quan chủ quản, nhà khoa học nước ngoài còn chưa phù hợp với thông lệ tạp chí khoa học. Chưa phát huy vai trò của hội đồng trong tư vấn, định hướng nội dung.
Phạm vi phát hành của nhiều tạp chí còn hẹp, nhiều tạp chí xuất bản dưới 1.000 bản/kỳ, thậm chí có tạp chí xuất bản 200-300 bản/kỳ, chủ yếu được cấp phát, trao đổi. Số bản được đặt mua còn rất khiêm tốn.
Đối chiếu với các tiêu chí của tạp chí khoa học cho thấy, các tạp chí lý luận chính trị cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức để phù hợp với thông lệ. Trước mắt cần xây dựng các tạp chí lý luận chính trị theo hướng đáp ứng các tiêu chí ACI (ASEAN Citation Index) như một bước trung gian để đạt chuẩn quốc tế. Bởi tiêu chí của ACI được xây dựng tiệm cận với tiêu chuẩn của các hệ thống trích dẫn uy tín hàng đầu thế giới. Trong đó, hai tiêu chuẩn điều kiện để được xét vào ACI là:
1) Phải là tạp chí bình duyệt;
2) Phải xuất bản định kỳ;
Ngoài 2 tiêu chuẩn điều kiện trên, tạp chí cần được xem xét trên 10 tiêu chí, cần đạt được 16 trên tổng số 21 điểm.
Bảng 1: Tiêu chí và cách thức xét duyệt của ACI
Tiêu chí | Điểm đánh giá | Điểm đánh giá |
1. Mức độ và chỉ định phản biện | ☐ Phản biện kín hai chiều | 2 1 0 |
☐ Phản biện kín một chiều | ||
☐ Không có phản biện | ||
2. Thời hạn xuất bản | ☐ Đúng hạn | 2 1 0 |
☐ Chậm 1 số | ||
☐ Chậm nhiều hơn 1 số | ||
3. Có ít nhất 3 năm xuất bản hoặc 6 số xuất bản liên tục | ☐ Hơn 3 năm | 2 1 0 |
☐ 3 năm | ||
☐ Dưới 3 năm | ||
4. Trích dẫn của tạp chí | ☐ Trên mong đợi | 2 1 0 |
☐ Đúng mong đợi | ||
☐ Dưới mong đợi | ||
5. Phù hợp với mục tiêu và phạm vi của tạp chí | 2 | |
5.1 Mục tiêu và phạm vi của tạp chí được nêu rõ | ☐ Có ☐ Không | - Có đủ thông tin: 2 điểm - Có các thông tin ở mục 5.1, 5.2 và 5.3, nhưng thiếu thông tin mục 5.4 hoặc 5.5 : 1 điểm - Thiếu bất kỳ thông tin nào ở các mục 5.1, 5.2 hoặc 5.3: 0 điểm |
5.2 Danh sách tên và địa chỉ của các thành viên Ban biên tập | ☐ Có ☐ Không | |
5.3 Tần suất xuất bản với tháng cụ thể (được nêu rõ trong hướng dẫn dành cho Tác giả và trong chính sách của tạp chí) | ☐ Có ☐ Không | |
5.4 Có công bố quy trình phản biện | ☐ Có ☐ Không | |
5.5 Có thông tin đầy đủ, rõ ràng về tác giả | ☐ Có ☐ Không | |
5. Đa dạng về nguồn gốc của các thành viên Ban biên tập | ☐ Số lượng thành viên từ các tổ chức khác ≥ 50 % | 2 1 0 |
☐ Số lượng thành viên từ các tổ chức khác <50 % nhưng ≥ 25% | ||
☐ Số lượng thành viên từ các tổ chức khác <25% | ||
6. Đa dạng về nguồn gốc của các tác giả | ☐ Số lượng bài từ các tổ chức khác ≥ 50% | 2 1 0 |
☐ Số lượng bài từ các tổ chức khác < 50% nhưng ≥ 25% | ||
☐ Số lượng bài từ các tổ chức khác < 25% | ||
7. Sự phù hợp với định dạng tạp chí theo tiêu chuẩn quốc tế | 2 | |
7.1 Tên tác giả và địa chỉ liên hệ | ☐ Có ☐ Không | Có đủ thông tin và sự thống nhất trong trình bày: 2 điểm Có đủ thông tin nhưng không thống nhất trong trình bày: 1 điểm Không có đủ thông tin : 0 điểm |
7.2 Tóm tắt bằng cả ngôn ngữ địa phương và tiếng Anh | ☐ Có ☐ Không | |
7.3 Tài liệu tham khảo có định dạng thống nhất | ☐ Có ☐ Không | |
8. Trang web của tạp chí có chứa đầy đủ các thông tin cần thiết và được duy trì, cập nhật tốt | 3 | |
8.1. Danh sách các bài báo trong mỗi số | ☐ Có ☐ Không | Có đủ thông tin: 3 điểm Có các thông tin nhưng website không được cập nhật: 1-2 điểm Không có website hoặc thiếu các thông tin: 0 điểm |
8.1. Chu kỳ, thời gian xuất bản được công bố rõ ràng | ☐ Có ☐ Không | |
8.3. Mục đích và phạm vi của tạp chí tuyên bố rõ ràng | ☐ Có ☐ Không | |
8.4. Tên và địa chỉ của các thành viên Ban biên tập | ☐ Có ☐ Không | |
8.5. Thông tin về tác giả | ☐ Có ☐ Không | |
8.6. Danh sách bài báo trên mỗi số xuất bản | ☐ Có ☐ Không | |
9. Có hệ thống gửi bài trực tuyến hoặc sử dụng hệ thống tạp chí trực tuyến (OJS) | ☐ Có hệ thống trực tuyến và hoạt động tốt | 2 1 0 |
☐ Có hệ thống trực tuyến nhưng không hoạt động | ||
☐ Không có hệ thống trực tuyến | ||
10. Chất lượng của tóm tắt bài báo | ☐ Nội dung tốt và tiếng Anh tốt ≥ 75% | 2 1 0 |
☐ Nội dung tốt hoặc tiếng Anh tốt < 75% nhưng ≥ 25% | ||
☐ Nội dung kém và tiếng Anh kém ≤ 25% | ||
Điểm đánh giá | 21 |
Các tiêu chí mà ACI đưa ra về quy chuẩn tạp chí khoa học là khá toàn diện và cụ thể, có tính tương đồng với quy trình thẩm định, đánh giá và công nhận sản phẩm trong hoạt động nghiên cứu khoa học và các quy định về quy trình xuất bản báo chí, về tính định kỳ ổn định, liên tục; tính khách quan giữa các chủ thể trong quy trình xuất bản, về tính chất diễn đàn học thuật quốc gia trong một lĩnh vực, chuyên ngành, phân biệt rõ ràng với các loại hình tạp chí khác (truyền thông, tuyên truyền, giải trí, chỉ dẫn,…).
Các tiêu chí mà ACI đưa ra có tính khả thi đối với các tạp chí khoa học của Việt Nam, trong đó có các tạp chí lý luận chính trị hiện nay. Trong đó, cần xác định lộ trình và thứ tự ưu tiên các khâu, các bước thực hiện.
Việc áp dụng các tiêu chí ACI cũng có nhiều tiền đề, thuận lợi, bởi hiện nay, khoa học lý luận chính trị đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng. Các tạp chí lý luận chính trị đã có vị thế trong hệ thống tạp chí khoa học, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà nghiên cứu, bạn đọc trong nước và nước ngoài.
Song, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức khi hoàn thiện các tiêu chí để đạt chuẩn:
Một là, thực hiện phản biện 2 chiều toàn bộ các bài viết, thể hiện sự khách quan của quy trình thẩm định, đánh giá, phản biện, bình xét, trong đó đề cao khâu phản biện, bình duyệt (peer review).
Hai là, đa dạng thành viên hội đồng biên tập, giữa thành viên ở trong và ngoài cơ quan chủ quản, đa dạng các địa bàn lãnh thổ, chuyên ngành khoa học.
Ba là, đa dạng tác giả bài viết, thu hút được sự tham gia viết bài của các nhà khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội trên cả nước.
Bốn là, sự thống nhất về thể thức bài viết tạp chí khoa học, đổi mới định dạng bài viết, khắc phục loại bài tuyên truyền, diễn giải, phân tích tác phẩm kinh điển, văn kiện Đảng, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Do vậy, để làm quen và thành thạo với thể thức bài báo khoa học theo chuẩn quốc tế cần có quá trình triển khai từ tập huấn, hướng dẫn đến biên tập.
Năm là, về ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm xuất bản trực tuyến, đầu tư xây dựng phần mềm biên tập trực tuyến, xây dựng website, minh bạch hóa toàn bộ thông tin quy trình xuất bản, từ khâu nhận bản thảo, quét trùng lặp, đọc thẩm định, biên tập, bình duyệt (peer review) đến trình duyệt, trao đổi tác giả và ra quyết định xuất bản.
Sáu là, nâng cao chất lượng nội dung tạp chí, nội dung các bài viết phải có hàm lượng trí tuệ, chất lượng khoa học, có ý nghĩa thực tiễn cao; cần xây dựng định hướng chủ đề; mở rộng đội ngũ cộng tác viên, tác gải viết bài chiến lược, thu hút các tác giả có uy tín, năng lực nghiên cứu và viết bài. Đây là khâu có ý nghĩa quyết định chất lượng tạp chí, do vậy cần phát huy vai trò của hội đồng biên tập, tham vấn các nhà khoa học có kinh nghiệm.
Xây dựng các tạp chí lý luận chính trị theo chuẩn tạp chí khoa học quốc tế còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề đặt ra. Song, trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về công tác báo chí, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, khoa học lý luận chính trị, việc các tạp chí lý luận chính trị đổi mới toàn diện theo hướng hiện đại, hội nhập là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Bên cạnh những khó khăn chủ quan, như trình độ, năng lực, tính thiếu chuyên nghiệp,… quá trình xây dựng tạp chí theo hướng chuẩn quốc tế cần khắc phục nhiều khó khăn khách quan, phức tạp trong thực tiễn, đòi hỏi sự phối hợp thống nhất, đồng bộ và sự nỗ lực của các chủ thể liên quan, như nguồn lực đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, cơ sở vật chất kỹ thuật, sự tham gia của các chủ thể viết bài, công chúng bạn đọc, cơ chế quản lý tài chính,...
_________________
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.140.
NGUYỄN TRỊNH