Các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

21/11/2022 10:26

(LLCT) - Sau bốn năm thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, các tạp chí của Học viện đã tăng cường thực hiện nhiệm vụ chính trị trên, đạt một số kết quả cụ thể, tuy nhiên vẫn tồn tại một số vấn đề cần giải quyết. Trên cơ sở phân tích thực trạng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các tạp chí của Học viện thời gian qua, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tạp chí Học viện trong thời gian tới.

Các tạp chí của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Các tạp chí của Học viện tham gia Hội báo toàn quốc năm 2022 - Ảnh: LLCT

1. Các tạp chí của Học viện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Một số thành tựu

Một là, các tạp chí Học viện đã góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng việc tuyên truyền, khẳng định giá trị lịch sử và thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Bằng việc đăng tải những bài viết có tính khoa học và cách mạng, các tạp chí của Học viện đã góp phần vào việc hình thành hệ thống lý luận, luận cứ, luận điểm đấu tranh tư tưởng, lý luận khoa học. Cùng với đó, việc tập trung đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền những giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các bài viết đã làm rõ tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc củng cố nền tảng tư tưởng, nâng cao nhận thức và niềm tin, tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Các bài viết tiêu biểu như: Di sản của V.I.Lênin: Giá trị lý luận và thực tiễn đối với cách mạng thế giới và Việt Nam của tác giả Nguyễn Xuân Thắng đăng trên Tạp chí Chủ nghĩa xã hội - Lý luận và thực tiễn, số 2-2020; Phòng, chống chiến lược “diễn biến hoà bình” thông qua việc đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch hiện nay của tác giả Phạm Thanh Hà và Nguyễn Bá Quân đăng trên Tạp chí Giáo dục lý luận, số 5-2021; Bản chất tiên tiến, cách mạng của giai cấp công nhân trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của tác giả Nguyễn Thị Hoa đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị, số 4-2022;…

Hai là, các tạp chí đã góp phần nhận diện những luận điệu sai trái, phản động, vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị

Các tạp chí của Học viện theo sát tình hình chính trị, thời sự của đất nước, đăng tải những bài viết nhận diện âm mưu của các thế lực thù địch do đó, đóng vai trò định hướng dư luận xã hội. Bằng việc xem xét dưới góc độ lý luận và thực tiễn, lịch sử hiện tại, nhiều bài viết đã đúc rút những bài học qua các sự kiện, chặng đường cách mạng và đề xuất những biện pháp phải thực hiện.

Bài viết Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch - Một số kết quả và kinh nghiệm của nhóm tác giả Phạm Đức Kiên và Lê Thị Chiên đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng, số 3-2020 đã tập trung làm rõ những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam vào thực tiễn Việt Nam, để xác định con đường đi lên CNXH. Đồng thời, bài viết gợi mở những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu như điều kiện tiên quyết của quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN, vấn đề phù hợp giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,… trong thời kỳ quá độ.

Nhiều bài viết trên các tạp chí của Học viện đã cung cấp những nội dung, phương thức và hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Qua đó, giúp định hướng cho các nhà khoa học, các cây bút trên mặt trận tư tưởng có thêm những kiến thức chung để nâng cao hiệu quả đấu tranh, tuyên truyền.

Điển hình như các bài viết: Về một số nội dung, phương thức, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của tác giả Nguyễn Duy Bắc đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị, số 3-2020; Phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội hiện nay của tác giả Phạm Huy Kỳ, Tạp chí Lý luận chính trị, số 9-2020;….

Ba là, các tạp chí đã đăng tải những bài viết phê phán, vạch trần, có tính chất đấu tranh trực diện các tổ chức, cá nhân có quan điểm sai trái, thù địch

Một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên áp dụng đó là lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, “tự do tôn giáo”,… vu cáo Đảng và Nhà nước ta.

Việc nhận diện, vạch trần và trực diện phê phán, đấu tranh, nêu đích danh bài báo, tổ chức, cá nhân để phản bác những quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận định đúng, rõ vấn đề mà không bị nhầm lẫn hoặc bị lợi dụng.

Một loạt bài viết đăng tải trên Tạp chí Lý luận chính trị có tính đấu tranh trực diện, trực tiếp phản bác các quan điểm sai trái của một số tổ chức như RSF (Reporters Sans Frontières - Tổ chức Phóng viên không biên giới), Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW);… Bài viết Phê phán các luận điệu xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam của Tổ chức Phóng viên không biên giới của tác giả Nguyễn Thị Trường Giang, số 8-2021, đã thẳng thắn chỉ rõ: “Báo cáo về tự do báo chí năm 2020 của Tổ chức Phóng viên không biên giới đã cố tình võ đoán, quy chụp, xuyên tạc để “bẻ cong” tình hình báo chí Việt Nam. Không khó để nhận ra đây chỉ là một trong nhiều chiêu bài nhằm chống phá Việt Nam, kích động sự chia rẽ… luôn song hành với các chiêu bài “nhân quyền”, “dân tộc”, “tự do tôn giáo” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của những kẻ luôn nuôi tham vọng thay đổi chế độ Việt Nam”(1). Hay như bài viết của tác giả Tường Duy Kiên đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị, số 7-2021, Phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về Việt Nam trong “Phúc trình toàn cầu năm 2021” của Tổ chức Theo dõi nhân quyền,…

Bốn là, xây dựng tuyến bài, chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Đến nay, đã có 7/12 tạp chí khoa học của Học viện có chuyên mục riêng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đó là: Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Lịch sử Đảng, Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị, Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, Tạp chí Khoa học chính trị, Tạp chí Thông tin khoa học chính trị.

Với việc mở các chuyên mục riêng, xây dựng tuyến bài có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng, số lượng bài viết về lĩnh vực này không ngừng tăng lên. Chỉ tính riêng từ tháng 10-2018 đến nay, số lượng bài viết trên các tạp chí tăng lên đáng kể: Tạp chí Lý luận chính trị đã đăng tải gần 100 bài viết về chủ đề này, trải đều trong mỗi số khoảng 3-5 bài viết với nhiều bài viết có nội dung đấu tranh trực diện, được bạn đọc quan tâm, đánh giá cao; Tạp chí Lịch sử Đảng có gần 50 bài viết trong chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với nhiều bài viết sâu sắc, văn phong chính luận sắc sảo; Tạp chí Chủ nghĩa xã hội - Lý luận và thực tiễn với hơn 30 bài trực tiếp đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch; Tạp chí Giáo dục lý luận (từ 12-2020 đến 12-2021) đã đăng tải 67 bài trong đó có 64 bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, 3 bài nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận; Tạp chí Khoa học chính trị đã đăng tải khoảng 100 bài viết về nội dung này; Tạp chí Sinh hoạt lý luận với hơn 30 bài viết có nội dung bảo vệ nền tảng trong đó có nhiều bài viết chất lượng của các chuyên gia có uy tín trong cả nước; Tạp chí Thông tin khoa học chính trị với 54 bài viết trong chuyên mục Đấu tranh tư tưởng - lý luận; Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông từ 10-2019 đến nay đã duy trì đều đặn 1-3 bài trên chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với tổng số hơn 60 bài viết chuyên sâu về chủ đề này.

Để xây dựng được các tuyến bài, tổ chức thành công các chuyên mục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các tạp chí của Học viện đã có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, có uy tín. Đặc biệt, sự tham gia của nhiều tác giả trẻ, có thực tiễn gắn liền với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch làm cho các tạp chí ngày càng có thêm nhiều màu sắc, thu hút được lượng độc giả lớn trong và ngoài Học viện.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2021, nhiều tạp chí đã phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện, Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Học viện trong sử dụng danh mục đặt hàng các nhà khoa học viết bài và đăng tải các bài viết được đặt hàng có chất lượng.

Một số đồng chí Tổng Biên tập tạp chí là thành viên Ban Chỉ đạo 35 của Học viện và các Học viện trực thuộc, tham gia thẩm định, đánh giá chất lượng các chuyên đề. Nhờ vậy, các bài vệ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các tạp chí ngày càng phong phú, bám sát sự chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Học viện.

Năm là, các tạp chí đã sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền, xuất bản các ấn phẩm để tăng cường hiệu quả đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đáp ứng yêu cầu chính trị trong tình hình mới, Tạp chí Lý luận chính trị là tạp chí đầu tiên của Học viện xuất bản các ấn phẩm tiếng Anh và điện tử. Từ năm 2013 đến nay, Tạp chí Lý luận chính trị tiếng Anh đã xuất bản được 34 số với hơn 500 bài viết, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử với hàng nghìn bài viết được đăng tải. Qua khảo sát chuyên mục Nghiên cứu lý luận của Tạp chí Lý luận chính trị điện tử (http://lyluanchinhtri.vn) từ tháng 10-2018 (ngày đăng bài) đến ngày 16-9-2022 (ngày khảo sát), hiệu quả thông tin như sau: có gần 100 bài viết có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được đăng tải, trong đó có nhiều bài viết có lượng người xem lớn, cụ thể: Bài viết Giá trị bền vững và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin của tác giả Trần Văn Phòng đăng ngày 13-4-2020: 23.511 lượt xem; Những sáng tạo của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Giá trị và sự vận dụng của tác giả Hồ Trọng Hoài đăng ngày 24-8-2020: 17.227 lượt xem; Phê phán luận điệu “Việt Nam phát triển kinh tế nhiều thành phần tất yếu phải thực hiện đa nguyên, đa đảng” của tác giả Trần Sỹ Phán, đăng ngày 21-2-2022: 3.186 lượt xem...

Ngoài ra, một số tạp chí khoa học của Học viện đã có ấn phẩm tiếng Anh định kỳ như Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, Tạp chí Pháp luật về quyền con người, Tạp chí Giáo dục lý luận. Tuy mới ra đời, các tạp chí này đã thể hiện quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, khoa học. Một số tạp chí cũng đã xây dựng trang thông tin điện tử, đa dạng hóa các hình thức truyền thông góp phần phát huy hiệu quả tuyên truyền. Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông đã xây dựng trang thông tin điện tử (từ ngày 15-6-2021), chính thức hoạt động với hai tên miền: http://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn và http://lyluanchinhtrivatruyenthong.online. Mặc dù ra đời trong thời gian ngắn, số lượng tin, bài trên Tạp chí là 1439, lượng truy cập 565.802 lượt, trong đó bài đăng trên chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gần 150 bài(2).

Một số hạn chế

Một là, số lượng bài viết đấu tranh trực diện, bút chiến chưa nhiều, tính chủ động chưa cao, phản ứng chậm trước những thông tin sai trái, thù địch

Qua khảo sát nội dung các bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho thấy, trên một nửa số bài viết mang tính chất phân tích lý luận thông qua thực tiễn để chứng minh tính đúng đắn trong quan điểm chỉ đạo của Đảng về đường lối phát triển đất nước. Phần lớn các nghiên cứu tập trung làm rõ, chứng minh tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối của Đảng.

Bên cạnh đó, một số tạp chí chưa có chuyên mục thường kỳ về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được đặt trong các chuyên mục khác, các nghiên cứu mang tính “đấu tranh” với các quan điểm sai trái, thù địch chưa nhiều.

Hai là, nhiều bài viết đấu tranh chưa sắc bén, còn trùng lặp ý tưởng và thiếu tính quyết liệt

Một số bài viết mới chỉ nêu ra những quan điểm sai trái, thù địch mà các luận cứ để phản bác chưa thuyết phục, mang tính chung chung như trích dẫn luật, nghị quyết mà chưa có lập luận sắc bén, do đó, chưa có tính thuyết phục, lôi cuốn độc giả, chưa thể hiện rõ tính đấu tranh đối với những quan điểm sai trái, thù địch.

Ba là, hiệu quả tuyên truyền, đấu tranh chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của các tạp chí của Học viện

Qua khảo sát 12 tạp chí của Học viện, nhiều tạp chí chưa xây dựng trang thông tin điện tử, chưa có các chuyên mục riêng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa thông tin còn hạn chế do chỉ phát hành bản in, ngôn ngữ tiếng Việt, nên hạn chế về số trang, số lượng phát hành và đối tượng bạn đọc.

Bên cạnh đó, một số tạp chí của Học viện đã có trang thông tin điện tử nhưng nhìn chung, các bài viết được đăng tải trên các trang thông tin điện tử là các bài đăng lại trên các tạp chí in, mà chưa có bài viết mới được đăng tải. Hơn nữa, độ cập nhật thông tin trên các phiên bản điện tử nhìn chung còn chậm nên tính lan tỏa chưa cao, chưa trở thành một kênh truyền thông điện tử có độ tương tác lớn, tương xứng với vị thế của các tạp chí khoa học của Học viện. Dung lượng các bài viết dài, chưa thực sự phù hợp với loại hình tạp chí điện tử, chưa có các bài viết chắt lọc, những tin bám sát các sự kiện chính trị - xã hội nổi bật nên việc tuyên truyền, lan tỏa trên không gian mạng còn hạn chế.

Bốn là, việc tổ chức đội ngũ cộng tác viên, lực lượng chuyên gia viết bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn hạn chế

Đội ngũ cộng tác viên nghiên cứu, viết bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn hạn chế về lực lượng. Một số cộng tác viên trẻ lập luận chưa thật sắc bén về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, một số nội dung mang tính tuyên giáo, tuyên truyền, chưa thể hiện rõ tính đấu tranh. Chính vì thiếu đội ngũ nòng cốt, lực lượng chuyên gia viết bài nên một số tạp chí chưa chủ động tổ chức đặt bài để có những bài viết sâu sắc, mang tính định hướng và kịp thời.

Năm là, thiếu sự liên kết, phối hợp, cộng hưởng, lan tỏa thông tin về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng sự phối hợp giữa các tạp chí của Học viện với nhau, giữa các tạp chí với các cơ quan liên quan vẫn còn hạn chế, các bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các tạp chí vẫn rời rạc, không có sự phối hợp để tạo ra các hiệu ứng cộng hưởng thông tin tuyên truyền.

2. Một số giải pháp phát huy hiệu quả các tạp chí khoa học của Học viện trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Một là, các tạp chí cần thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích, định hướng tư tưởng của Đảng; bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện về công tác này

Bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Ban Chỉ đạo 35 Học viện để xây dựng các tuyến bài có chất lượng, gắn trực tiếp với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong từng giai đoạn cụ thể. Về nội dung, cần bám sát hệ thống các chủ đề của Ban chỉ đạo 35 Học viện để đặt bài, bao gồm nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch, những nhận thức lệch lạc trong lập trường tư tưởng chính trị; những vấn đề nóng bỏng mà các thế lực thù địch đang tập trung chống phá.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của hội đồng biên tập, tổ chức đội ngũ cộng tác viên các tạp chí

Phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của Hội đồng biên tập các tạp chí trong việc nâng cao chất lượng, nội dung, phương thức, tính chiến đấu, tính hiệu quả, tính thuyết phục của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hội đồng biên tập phát huy vai trò định hướng, tư vấn, có ý kiến thẩm định, phản biện độc lập về các chủ đề mang tính chuyên ngành, chuyên sâu, các lý luận mới, ý tưởng mới có giá trị về khoa học lý luận chính trị liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Các tạp chí của Học viện cần có cơ chế để huy động, tạo động lực cho đội ngũ cộng tác viênnhư là cơ chế gợi mở, hướng dẫn các cộng tác viên, tác giả viết bài, gửi bài, tổ chức những sự kiện, những cuộc bình chọn và trao giải cho các bài viết có chất lượng, có giá trị học thuật, có độ lan tỏa, thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả về nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, có cơ chế nhuận bút đặc biệt nhằm động viên, khuyến khích.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối để đội ngũ cộng tác viên thông qua hoạt động chuyên môn thường kỳ, như biên tập, thẩm định, phản biện, các hoạt động khoa học bổ trợ như tọa đàm, hội thảo, đề tài khoa học, hội nghị cộng tác viên. Qua đó, có thể tham khảo được nhiều ý kiến trao đổi của các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Ba là, xây dựng, tổ chức, nâng cao chất lượng tuyến bài, chuyên mục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Ban lãnh đạo, ban biên tập các tạp chí cần xác định rõ các nội dung cụ thể trong đấu tranh để xây dựng kế hoạch đặt bài, viết bài, xây dựng chuyên mục, mục lục… theo đúng nội dung đã xác định. Đồng thời, phân công cán bộ biên tập thường xuyên theo dõi, báo cáo, cập nhật thông tin liên quan đến nội dung đã được định hướng, có kế hoạch cụ thể cho từng số, từng quý, từng năm xuất bản của tạp chí. Cần có sự chuyển hướng từ việc ưu tiên đặt hàng, lựa chọn các bài viết về những vấn đề chung, có tính nhận diện thành những bài chuyên sâu, có tính đấu tranh trực diện vào những vấn đề cụ thể. Các bài viết cũng cần được tiếp tục sàng lọc, thẩm định cẩn thận để bảo đảm chất lượng.

Một số tạp chí đã có trang thông tin điện tử cần mở chuyên mục riêng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, thiết kế các banner, postcard để làm nổi bật những tin, bài viết “đinh” về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thiết kế giao diện của phiên bản điện tử hiện đại, cập nhật những công nghệ mới, bắt nhịp với xu thế thông tin, khai thác triệt để các tính năng của trang điện tử.

Bốn là, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các điều kiện bảo đảm các cơ quan báo chí, xuất bản của Học viện trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Các tạp chí Học viện cần chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế bảo đảm tính hệ thống trong đó có quy định về kinh phí nhuận bút, kinh phí in, kinh phí dịch, hiệu đính, phát hành, quản lý xuất bản phẩm, quy chế làm việc.

Trong khi xây dựng và hoàn thiện, cần bảo đảm tính thống nhất trong nhận thức về đầu tư phát triển hệ thống tạp chí là trực tiếp nâng cao tiềm lực khoa học, vị thế khoa học của Học viện, đóng góp vào công tác lý luận của Đảng. Do đó, cần đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện giúp các tạp chí hoạt động hiệu quả nhất.

Năm là, tăng cường phối hợp giữa các tạp chí của Học viện và giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan khác của Học viện trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Trong xu hướng hội nhập báo chí, truyền thông hiện đại, cần tăng cường trách nhiệm của cán bộ làm công tác tạp chí trong chia sẻ, kết nối, tương tác. Từ đó, tạo điều kiện để các tạp chí cùng phát triển, tránh bị cô lập, tụt hậu, tạo dựng lực lượng đấu tranh với các thế lực truyền thông phản động hiện nay, tạo ra thế trận cộng hưởng thông tin tuyên truyền hiệu quả.

Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 35, của Liên Chi hội Nhà báo Học viện đối với các tạp chí Học viện trong việc phối hợp hoạt động, xây dựng tuyến bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đặt hàng các nhà khoa học viết chuyên đề, tổ chức biên tập, đăng tải những bài viết có chất lượng. Hình thành cơ chế phối hợp giữa các tạp chí thông qua Liên Chi hội Nhà báo Học viện bằng các hoạt động khoa học như hội thảo, tọa đàm, diễn đàn khoa học, qua các lớp bồi dưỡng để gắn kết các hội viên nhằm khẳng định tính thống nhất của khối báo chí toàn Học viện, tạo nên dấu ấn riêng cho lực lượng báo chí, xuất bản của Học viện. Chú trọng sự kết nối, phối hợp hệ thống trong các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn.

Sáu là, xây dựng nguồn nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ nhà báo, biên tập viên các tạp chí của Học viện

Các tạp chí cần kiện toàn đủ, ổn định bộ máy lãnh đạo, đội ngũ cán bộ biên tập viên theo đúng cấu trúc cơ quan xuất bản tạp chí. Tuân thủ chặt chẽ yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ làm công tác tạp chí, đặc biệt là những cán bộ, biên tập trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; cụ thể hóa quy định đạo đức nghề báo bằng bộ quy tắc riêng của mỗi tạp chí để trong hoạt động xuất bản, quá trình tác nghiệp, các biên tập viên cần tuân thủ đúng Luật Báo chí và tôn chỉ, mục đích của tạp chí mình; kiên định bản lĩnh chính trị, xác định rõ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho biên tập viên các tạp chí của Học viện; cần đào tạo lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Làm sao để mỗi cán bộ, biên tập viên có “nhạy cảm chính trị”, “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

_________________

Ngày nhận bài: 03-11-2022; Ngày bình duyệt: 08-11-2022; Ngày duyệt đăng: 21-11-2022.

(1) Nguyễn Thị Trường Giang: Phê phán các luận điệu xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam của Tổ chức Phóng viên hông biên giới của tác giả, Tạp chí Lý luận chính trị, số 8-2021.

(2) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Hà Nội, 2022, tr. 180.

ThS LÊ BẢO NGỌC

Tạp chí Lý luận chính trị,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh