Đằng sau những phát ngôn chống chủ nghĩa xã hội của Donald Trump
(LLCT) - Trong nhiệm kỳ 4 năm làm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã tạo ra không ít sóng gió trên chính trường Mỹ và trong quan hệ quốc tế. Nhiều phát ngôn của ông đã làm dậy sóng dư luận ở trong và ngoài nước Mỹ, thu hút các hãng truyền thông trên khắp thế giới đưa tin, bình luận. Trong rất nhiều những phát ngôn “dậy sóng” của ông, có không ít những phát ngôn về chủ nghĩa xã hội, về những quốc gia đang và đã từng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bài viết phân tích bản chất đằng sau những luận điệu này của Donald Trump là những ý đồ chính trị với nhiều hàm ý khác nhau, không chỉ là chống chủ nghĩa xã hội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà Nội ngày 27-2-2019 - Ảnh: AFP/TTXVN
Năm 2018, tại diễn đàn Liên hợp quốc, Donald Trump lớn tiếng cho rằng: “Sự khao khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, xâm lược và áp bức. Tất cả các quốc gia trên thế giới nên chống lại chủ nghĩa xã hội”(1). Không dừng lại ở đó, trong Thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội Mỹ năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định lại quyết tâm của mình rằng Mỹ sẽ không bao giờ là một nước xã hội chủ nghĩa”(2).
Từ những phát ngôn trên, rất nhiều các phần tử phản động, chống đối và “bất đồng chính kiến” ở Việt Nam tỏ ra hả hê, đưa tin và ca ngợi Donald Trump như người hùng. Họ lấy đó như những cái cớ để ra sức phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy phải chăng Donald Trump là người “không thích” và chống CNXH mạnh mẽ? Điều này có làm cho nước Mỹ cũng như các nước khác trên thế giới căm ghét CNXH? Để trả lời được câu hỏi này cần phân tích, làm rõ ý đồ chính, đằng sau những luận điệu chống phá CNXH của Donald Trump là gì, cần hiểu rõ bối cảnh và mục đích của những phát ngôn của ông.
Trước hết, cần phải thấy rằng, sau khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu tan rã, sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai hệ thống các nước XHCN và tư bản chủ nghĩa đã không còn, cuộc chiến tranh lạnh kết thúc. Những “nguy cơ” mà những người cánh hữu Mỹ vốn đổ lỗi cho CNXH theo logic sẽ không còn cùng với sự sụp đổ đó. Ấy vậy mà họ vẫn không ngừng đưa ra những luận điệu thổi phồng về những nguy cơ đe dọa này. Điều này chắc chắn không phải xuất phát từ các nước XHCN mà thực chất nó lại xuất phát từ chính trong nội bộ nước Mỹ với nhiều lý do khác nhau, trong đó có các lý do chính sau:
Lo ngại và đối phó với làn sóng cánh tả đang lên ở nước Mỹ
Trong nhiều năm qua, những mâu thuẫn xã hội nảy sinh trong lòng nước Mỹ không được giải quyết đã làm cho một bộ phận giới trẻ ngày càng có thiện cảm hơn với CNXH. Họ hướng đến CNXH với mong muốn tìm ra cách giải quyết những hệ lụy trong chính nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Một số nhà chính trị tự nhận là có tư tưởng XHCN đã gia tăng ảnh hưởng đến chính trường Mỹ. Tiêu biểu như thượng nghị sỹ Bernie Sanders; Alexandria Ocasio-Cortez, Hạ nghị sỹ khu vực New York. Số lượng thành viên tham gia tổ chức Những người dân chủ XHCN Mỹ ngày càng nhiều. “Trong một cuộc thăm dò những người Mỹ trên 55 tuổi của Viện Gallup vào tháng 10 - 2019, người có thiện cảm về chủ nghĩa tư bản chiếm 68%, có thiện cảm về chủ nghĩa xã hội chiếm 32%. Tuy nhiên, với người Mỹ từ 18 đến 34 tuổi thì tỷ lệ có thiện cảm với chủ nghĩa xã hội chiếm tới 52%, còn với chủ nghĩa tư bản chỉ chiếm 47%”(3).
Sự gia tăng thiện cảm này cùng với sự ảnh hưởng ngày càng lớn của các nhà chính trị, các tổ chức có xu hướng thiên tả ở Mỹ đã tạo ra một thế lực chính trị ngày càng có ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới các lực lượng chính trị có xu hướng cánh hữu ở Mỹ. Các phong trào thiên tả có xu hướng đấu tranh đòi thực thi những chính sách tiến bộ mà đa phần các thành viên bảo thủ cũng như thành viên của Đảng Cộng hòa phản đối, trong đó có Donald Trump, đó là các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo vệ môi trường, miễn phí, xóa nợ cho sinh viên, gia tăng vai trò của người lao động trong các doanh nghiệp... Đây cũng là những nội dung ưu tiên trong các chương trình hoạt động của các nhà chính trị có xu hướng thiên tả như Bernie Sanders; Alexandria Ocasio-Cortez và tổ chức Những người dân chủ XHCN Mỹ.
Tuy nhiên, ông Donald Trump lại có xu hướng thực thi các chính sách trái ngược: Năm 2019, đã quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; năm 2020, yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ chấm dứt hiệu lực của Đạo luật Chăm sóc sức khỏe (Obamacare) - đạo luật hướng tới mục tiêu cung cấp bảo hiểm y tế cho hàng chục triệu người dân Mỹ.
Lo sợ trước sự ảnh hưởng của phong trào thiên tả ngày càng lớn, nhiều thành viên của Đảng Cộng hòa, trong đó có Donald Trump luôn tìm cách phê phán họ, đồng thời phê phán CNXH. Khi Ocasio-Cortez khởi xướng dự luật “Green New Deal” (Thỏa thuận Mới Xanh), Donald Trump liên tục công kích và phản đối. Ông gọi đó là “sự tiếp quản của Đảng xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế Mỹ”(4). Ông cũng kịch liệt phê phán thượng nghị sỹ Bernie Sanders và những người thuộc Đảng Dân chủ có khuynh hướng XHCN, cáo buộc họ “sẽ biến Mỹ thành một quốc gia thất bại giống như Venezuela”(5).
Thể hiện sự cạnh tranh chính trị giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa
Trên chính trường Mỹ, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa luôn thay thế nhau và cùng kiểm soát nền chính trị Mỹ. Bên cạnh sự hợp tác và thống nhất với nhau trên nhiều phương diện để cùng chia sẻ quyền lực, hai đảng này cũng có sự cạnh tranh nhất định, thường xuyên công kích lẫn nhau và nhiều lúc làm chính trường Mỹ trở nên căng thẳng. Một trong những chiêu bài mà Đảng Cộng hòa sử dụng trong nhiều thập niên qua để công kích đối thủ là gán ghép cho Đảng Dân chủ đi theo CNXH. Trong các chiến dịch tranh cử tổng thống, tần suất mà các ứng viên Đảng Cộng hòa nhắc đến CNXH hay chủ nghĩa cộng sản xuất hiện dày đặc. Điển hình vào năm 1964, “ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Barry M. Goldwater đã chạy một quảng cáo chống lại Tổng thống Lyndon B.Johnson, trong đó có một đoạn clip về nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev, gợi ý rằng trẻ em Mỹ sẽ trở thành cộng sản nếu Johnson đắc cử”(6).
Thủ đoạn tranh cử này của Đảng Cộng hòa đã được duy trì trong nhiều thập kỷ qua và Donald Trump được coi là người kế tục xuất sắc truyền thống này. Khi khởi động chiến dịch tranh cử diễn ra vào năm 2020, “Donald Trump đã nhắc lại một từ mà ông đã sử dụng công khai ít nhất 118 lần kể từ khi trở thành Tổng thống: chủ nghĩa xã hội”(7). Cùng với sự nhắc lại với ám chỉ phê phán, Donald Trump thường xuyên công kích các thành viên của Đảng Dân chủ là đi theo CNXH. Ông cáo buộc rằng “một cuộc bỏ phiếu cho bất kỳ đảng viên Dân chủ nào vào năm 2020 là một cuộc bỏ phiếu cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội cấp tiến và sự phá hủy Giấc mơ Mỹ”(8).
Mặc dù luôn đưa ra luận điệu chống phá CNXH và gán ghép cho ứng viên Đảng Dân chủ là đi theo CNXH nhưng sự thật đa số người dân Mỹ vẫn lựa chọn ứng viên Joe Biden làm Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2020. Điều này cho thấy những luận điệu trên đây của Donald Trump không dễ gì có thể lừa dối người dân Mỹ về CNXH.
Bảo vệ cho các chính sách tự do kinh tế vốn đem lại lợi ích cho thiểu số các ông trùm tư bản
Luận điệu chống phá CNXH của Donald Trump không chỉ xuất phát từ cá nhân ông mà nó còn đại diện cho tiếng nói của Đảng Cộng hòa cũng như những thành viên bảo thủ, những ông trùm tư bản trong chính trường Mỹ. Sau những luận điệu thù địch của ông Donald Trump về CNXH là những lời tung hô của không ít những người bảo thủ, những ông trùm tư bản. Họ cùng hòa nhịp với ông Donald Trump để phê phán CNXH. Điển hình như Jamie Dimon, Chủ tịch và là Giám đốc điều hành ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase. Ông này lập luận rằng “Chủ nghĩa xã hội đã thất bại ở chính nơi mà nó được cố gắng thực thi và cuối cùng dẫn đến một xã hội đang xói mòn... Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước không làm tốt công việc của mình và ngày càng đồi bại theo thời gian”(9). “Chủ nghĩa xã hội tạo ra sự trì trệ, tham nhũng và các quan chức độc tài duy trì quyền lực bằng cách can thiệp vào nền kinh tế và đời sống cá nhân”(10).
John Mackey, ông trùm tư bản, nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành Whole Foods Market, người ủng hộ mạnh mẽ cho một nền kinh tế thị trường tự do cho rằng, “Chủ nghĩa xã hội đã được thử nghiệm 42 lần trong 100 năm qua và 42 lần thất bại, nó không hoạt động sai cách. Chúng ta phải giữ chủ nghĩa tư bản”(11).
Những phát biểu phê phán CNXH của các ông trùm tư bản Mỹ không diễn ra một cách ngẫu nhiên mà thường gắn với các sự kiện có tính chính trị nào đó, thông thường là gắn liền với những cá nhân và các chính sách mà họ theo đuổi, nhất là việc phê phán một số chính sách của Đảng Dân chủ. Bởi các chính sách này có xu hướng đối lập với những lợi ích của các ông trùm tư bản như các chính sách tăng thuế, gia tăng các khoản chi phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường... Đảng Dân chủ thường có xu hướng trao quyền nhiều hơn cho chính phủ liên bang trong việc điều tiết nền kinh tế, qua đó gia tăng vai trò kiểm soát nền kinh tế của nhà nước Mỹ. Nhiều ứng viên Đảng Cộng hòa coi xu hướng này là đi theo “chủ nghĩa xã hội”. Bởi họ đại biểu cho lợi ích của nhiều ông trùm tư bản Mỹ - những người muốn xu hướng ngược lại, muốn được tự do hơn. Họ luôn phản đối, ngăn chặn bằng nhiều cách khác nhau và một trong những cách thường thấy là gắn nó với CNXH và ra sức phê phán CNXH cũng như bản thân các chính sách và những người đang theo đuổi nó.
Biện minh cho các chính sách thù địch của Mỹ với một số nước
Hiện nay, Mỹ đang áp dụng các chính sách thù địch với rất nhiều các quốc gia trên thế giới. Để hợp lý hóa các chính sách này, nhà cầm quyền Mỹ biện minh với nhiều lý do khác nhau như ngăn chặn khủng bố, ngăn chặn nguy cơ đe dọa an ninh nước Mỹ và thế giới, thực thi dân chủ, bảo vệ quyền con người... Trong đó có lý do quan trọng mà Mỹ luôn biện minh trong nhiều thập niên qua là ngăn chặn sự “bành trướng”, “độc tài”, “xấu xa” của CNXH. Với lý do này, Mỹ đã đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc về CNXH và những quốc gia đang xây dựng CNXH, đồng thời thực hiện các chính sách thù địch để chống lại các nước này.
Ngày nay, Mỹ vẫn thực thi các chính sách thù địch, thực hiện bao vây cấm vận một số nước XHCN, trong đó có Cuba, Veneduela... Những luận điệu chống phá CNXH nói chung và chống phá các nước Cuba, Veneduela nói riêng luôn được chính quyền Mỹ thực thi. Đặc biệt, dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, việc làm này được diễn ra một cách mạnh mẽ hơn. Năm 2017, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Donald Trump cho rằng: “Từ Liên Xô đến Cuba và Veneduela, bất cứ nơi nào chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản thực sự được áp dụng, nó đều mang lại nỗi thống khổ, sự tàn phá và thất bại”(12).
Thực tế cho thấy, sự đói nghèo của nhiều nước trên thế giới có nguyên nhân rất lớn từ các chính sách bao vây cấm vận của các nước tư bản phương Tây. Điển hình như tại Mianma, Triều Tiên, Cuba, Veneduela... Những nước này dù có đi theo chế độ XHCN hay tư bản chủ nghĩa thì cũng khó có thể vượt qua được những hậu quả mà các chính sách bao vây, cấm vận đó gây ra.
Việc Mỹ liên tục đổ lỗi cho CNXH về sự nghèo đói và bất ổn ở một số nước không có gì khác, chính là cách thức để biện minh cho các hành động thù địch của mình. Họ muốn chứng minh cho nhân dân trong nước cũng như các nước trên thế giới về “tính đúng đắn” của các hành động sai trái của họ và tiếp tục duy trì các chính sách thù địch này.
Do vậy, mỗi người dân Việt Nam yêu nước phải hết sức tỉnh táo, nhận rõ bản chất đằng sau những luận điệu này để tin tưởng vào con đường đi lên CNXH. Phải thấy rằng, đằng sau những phát ngôn đó là các ý đồ chính trị nhằm đối phó với các vấn đề từ chính trong nội tại của nước Mỹ chứ không hẳn là nhằm đến tất cả các nước XHCN. Còn với từng quốc gia cụ thể, Donald Trump cũng như chính quyền Mỹ có cách thức ứng phó riêng, tùy thuộc vào tương quan lợi ích của nước Mỹ chứ không phụ thuộc vào nước đó có theo CNXH hay không.
Sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với Việt Nam trong nhiều thập niên qua là ví dụ điển hình cho điều này, khi lợi ích của Việt Nam phù hợp với những lợi ích của nước Mỹ. Mỹ đã tìm thấy ở Việt Nam những cơ hội hợp tác cũng như các điều kiện để bảo đảm cho sự ổn định và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và duy trì lợi ích của nước Mỹ trong khu vực, thì việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam là tất yếu, dù Việt Nam và Mỹ có sự khác biệt về chế độ chính trị. Điều này đã nhận được sự đồng thuận trong cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của nước Mỹ.
Thực tế, dười thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, Việt Nam là quốc gia ở Đông Nam Á có nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao nhất với chính quyền Mỹ thông qua hàng loạt các sự kiện như:
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam điện đàm với Tổng thống mới đắc cử Donald Trump vào ngày 14-12-2016; đến tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Mỹ và tiến hành hội đàm với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng.
Tháng 11-2017, Tổng thống Donald Trump đã có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; ngày 14 -2 - 2018, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump.
Tháng 2 - 2019, Tổng thống Donald Trump đã đến Việt Nam trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tại Việt Nam, người đứng đầu nước Mỹ đã có cuộc gặp và hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 22-12-2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tiếp tục có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump và trao đổi về nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước.
Trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam năm 2019, hình ảnh Tổng thống Donald Trump cầm cờ đỏ sao vàng tươi cười vẫy chào mọi người đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Điều này cho thấy sự tôn trọng của chính quyền Mỹ cũng như bản thân Tổng thống Donald Trump đối với chế độ chính trị và con đường phát triển của Việt Nam.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 541 (tháng 3-2023)
Ngày nhận bài: 31-01-2023; Ngày bình duyệt: 19-3-2023; Ngày duyệt đăng: 22-3-2023.
(1) https://www.politico.com/story/2018/09/25/trump-un-speech-2018-full-text-transcript-840043.
(2) https://time.com/5521860/2019-state-of-the-union-trump-transcript/.
(3) https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-08-24/how-trump-runs-against-socialism-without-a-socialist-quicktake.
(4) https://people.com/politics/doanld-trump-calls-aoc-a-real-beauty/.
(5) https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-08-24/how-trump-runs-against-socialism-without-a-socialist-quicktake.
(6) https://www.washingtonpost.com/politics/2019/06/20/republicans-have-been-tying-democrats-socialism-years-trump-is-going-all-tradition/.
(7), (8) https://www.washingtonpost.com/politics/2019/06/20/republicans-have-been-tying-democrats-socialism-years-trump-is-going-all-tradition/.
(9) https://www.cnbc.com/2020/01/22/jp-morgan-ceo-jamie-dimon-takes-on-socialism-says-it-will-lead-to-an-eroding-society.html.
(10) https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-08-24/how-trump-runs-against-socialism-without-a-socialist-quicktake.
(11) https://www.newsweek.com/whole-foods-ceo-socialism-failures-capitalism-greatest-thing-1550907.
(12) https://www.politico.com/story/2017/09/19/trump-un-speech-2017-full-text-transcript-242879.
TS NGUYỄN KIM TÔN
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh