Quản lý thương mại biên giới của Trung Quốc

04/05/2023 13:19

(LLCT) - Thương mại biên giới theo quy định của Trung Quốc bao gồm thương mại ở cặp chợ của cư dân biên giới và thương mại tiểu ngạch biên giới, đã và đang tiếp tục được coi là một phương thức quan trọng để mở cửa với bên ngoài, phát triển kinh tế vùng biên giới. Quản lý của Trung Quốc đối với thương mại biên giới những năm gần đây đã có sự thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn; định hướng phát triển theo hướng nâng cấp kinh tế biên giới. Bài viết tập trung làm rõ khái niệm, việc quản lý đối với thương mại biên giới của Trung Quốc; nêu lên những điểm mới trong phát triển thương mại biên giới của Trung Quốc ở khu vực biên giới với Việt Nam và đưa ra một số gợi ý đối với Việt Nam.

Khu vực biên giới vừa liên quan đến thực hiện các mục tiêu bên trong, vừa liên quan đến mở cửa đối ngoại với bên ngoài của Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc luôn đặt khu vực này ở vị trí quan trọng trong định vị chiến lược, ban hành nhiều chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10-2022) trong nhiệm vụ đẩy nhanh xây dựng cục diện phát triển mới đã nhấn mạnh “xây dựng các vùng biên giới, thúc đẩy sự phát triển của vùng biên giới và làm giàu cho người dân biên giới, ổn định và củng cố biên giới”(1). Trong đó, thương mại biên giới được coi là một phương thức quan trọng để mở cửa với bên ngoài, phát triển kinh tế vùng biên giới, làm giàu cho cư dân biên giới của Trung Quốc.

Trong quan hệ Việt - Trung, thương mại biên giới được phát triển từ rất sớm. Tháng 01-1953, Chính phủ hai nước đã ký Nghị định thư về thương mại tiểu ngạch biên giới Trung - Việt, cho phép nhân dân ở hai bên biên giới được đi lại, trao đổi những sản phẩm cần thiết phục vụ nhu cầu hằng ngày. Hiện nay, thương mại tiểu ngạch (theo cách gọi của Việt Nam) đang chiếm tỷ trọng lớn trong xuất, nhập khẩu giữa hai nước, đặc biệt là xuất, nhập khẩu nông sản. Vì vậy, các động thái chính sách mới của Trung Quốc liên quan đến thương mại biên giới đều có tác động ở các mức độ khác nhau đến thương mại giữa hai nước.

1. Khái quát về thương mại biên giới

Theo quy định của Trung Quốc, thương mại biên giới gồm hai hình thức là thương mại ở cặp chợ của cư dân biên giới và thương mại tiểu ngạch biên giới. Trong đó, “thương mại cặp chợ của cư dân biên giới là chỉ hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân khu vực biên giới với kim ngạch hoặc số lượng không được vượt quá quy định, tiến hành ở điểm mở cửa đã được chính phủ phê chuẩn hoặc điểm chợ được chỉ định trong phạm vi 20 km trên tuyến biên giới”(2). Địa điểm cặp chợ phải được lập ở gần đường biên giới trên bộ, trên sông; có đường giới hạn rõ ràng và do chính quyền tỉnh biên giới, khu tự trị phê chuẩn; thiết lập giám sát hải quan phù hợp với yêu cầu của hải quan(3). Hiện nay, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây có 26 điểm cặp chợ với Việt Nam, như: cặp chợ biên giới Lũng Vài (đối diện là cửa khẩu Cốc Nam của Việt Nam), Pò Chài (Tân Thanh), Bình Nhi (Bình Nghi); tỉnh Vân Nam có 19 điểm cặp chợ với ba nước Việt Nam, Lào và Mianma.

Thương mại cặp chợ của cư dân biên giới thực chất là giao dịch hàng hóa phục vụ nhu cầu hằng ngày của cư dân biên giới hai nước. Tuy nhiên, với trị giá hàng hóa được miễn thuế mỗi ngày là 8.000 nhân dân tệ (NDT)/người mà Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng hiện nay, thương mại cặp chợ của cư dân biên giới đã vượt xa ý nghĩa nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu hằng ngày của cư dân biên giới, mà trở thành một kênh quan trọng để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế vùng biên.

Hình thức thứ hai của thương mại biên giới là thương mại tiểu ngạch biên giới. “Thương mại tiểu ngạch biên giới là chỉ hoạt động thương mại của doanh nghiệp ở khu vực biên giới Trung Quốc đã được phê chuẩn có quyền kinh doanh thương mại tiểu ngạch biên giới, được tiến hành thông qua cửa khẩu biên giới trên bộ được nhà nước chỉ định với doanh nghiệp ở khu vực biên giới của nước láng giềng hoặc tổ chức thương mại khác”(4). Sau khi bộ phận chủ quản về kinh tế đối ngoại của tỉnh (khu tự trị) tiến hành xét duyệt căn cứ theo điều kiện của Bộ Thương mại, trình Bộ Thương mại phê chuẩn, doanh nghiệp mới có quyền kinh doanh thương mại tiểu ngạch biên giới. Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ căn cứ vào tổng giá trị sản xuất quốc dân, kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực biên giới của tỉnh, khu tự trị biên giới và tình hình thực tế của khu vực biên giới, thẩm định tổng số doanh nghiệp thương mại tiểu ngạch biên giới của các tỉnh, khu tự trị biên giới.

2. Quản lý đối với thương mại biên giới ở Trung Quốc

Đối với thương mại tiểu ngạch biên giới, doanh nghiệp thương mại tiểu ngạch được xuất, nhập khẩu những mặt hàng mà nhà nước quy định thực hiện kinh doanh thống nhất và những mặt hàng công ty được xét duyệt kinh doanh. Ngoài ra, các tỉnh, khu tự trị biên giới có thể chỉ định 1-2 doanh nghiệp thương mại tiểu ngạch biên giới có thành tích hoặc có năng lực để trao đổi thương mại với nước láng giềng, trong đó xuất khẩu hàng hóa của khu vực biên giới tự sản xuất và nhập khẩu hàng hóa mà công ty đã được phê duyệt kinh doanh. Danh sách doanh nghiệp này phải được Bộ Thương mại phê chuẩn(5).

Trước năm 2008, Trung Quốc đã có chính sách ưu đãi về thuế, giảm 50% thuế nhập khẩu đối với hoạt động thương mại biên giới tiểu ngạch tại các cửa khẩu chỉ định (trừ các sản phẩm như: rượu, thuốc lá, đồ mỹ phẩm và các sản phẩm phải nộp thuế theo quy định của nhà nước). Từ ngày 01-11-2008, Trung Quốc không áp dụng ưu đãi thuế như trên, thay vào đó là cấp một khoản riêng để hỗ trợ phát triển thương mại biên giới và xây dựng năng lực của doanh nghiệp thương mại biên giới, mức hỗ trợ tăng theo năm, phù hợp với các điều kiện thực tế khác như lượng thông quan hàng hóa ở cửa khẩu. Ngoài ra, thương mại tiểu ngạch biên giới được hưởng chính sách hoàn thuế xuất khẩu như thương mại bình thường.

Đối với thương mại cặp chợ của cư dân biên giới, do chỉ trao đổi những vật dụng hằng ngày để đáp ứng nhu cầu của cư dân biên giới nên chỉ miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật dụng hàng ngày; có 28 mặt hàng không được miễn thuế như cao su thiên nhiên, gỗ, thuốc trừ sâu, phân bón, giống cây con(6)... Từ năm 1996 đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã 03 lần điều chỉnh mức ưu đãi về thuế đối với trao đổi của cư dân biên giới. Năm 1996, trị giá hàng hóa trao đổi được miễn thuế mỗi ngày là 1.000 NDT/người; năm 1998, điều chỉnh lên mức 3.000 NDT/người/ngày; từ ngày 01-01-2008 đến nay là 8.000 NDT/người/ngày.

Điều đáng nói là, hình thức tổ chức của cặp chợ biên giới đã được cải tiến trong những năm gần đây nhằm thúc đẩy thương mại ở cặp chợ phát triển có trật tự và lớn mạnh. Các cặp chợ biên giới ở Bằng Tường, Đông Hưng đã hình thành hợp tác xã thương mại biên giới. Ở khu cặp chợ Pò Chài, Bằng Tường, “hợp tác xã nông nghiệp phụ trách thu thập nhu cầu giao dịch của cư dân biên giới, sau đó hợp tác xã cử đại diện để thống nhất phân phối và khai báo, mọi người không cần đến bãi vận chuyển hàng hóa để khai báo từng người như trước, áp dụng phương thức chia lợi nhuận, để mọi người không phải ra khỏi nhà vẫn có thu nhập”(7).

Cư dân biên giới tham gia vào các hợp tác xã thương mại biên giới do hợp tác xã tổ chức thống nhất và theo chế độ luân phiên. Ngoài ra, các hợp tác xã còn tổ chức tổ hỗ trợ, đội bốc xếp, đội vận chuyển, bảo đảm hoạt động một cách bình đẳng, có trật tự.

Thành phố Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây có 05 điểm cặp chợ của cư dân biên giới như Pò Chài, Lũng Vài... Hệ thống quản lý thương mại cặp chợ cư dân biên giới của thành phố Bằng Tường đã có hồ sơ của hơn 30.000 cư dân biên giới, thành lập 34 hợp tác xã cư dân biên giới, với 19.300 thành viên và 657 tổ hỗ trợ(8).

Thành phố Bách Sắc có cửa khẩu quốc gia loại 01 Long Bang, quản lý hồ sơ đăng ký của 15.000 cư dân biên giới, 22 hợp tác xã cư dân biên giới, mỗi năm bình quân có khoảng 302.000 lượt người tham gia thương mại cặp chợ(9).

Việc tổ chức theo hình thức hợp tác xã và các tổ chuyên biệt ở các cặp chợ biên giới đã giải quyết được những vấn đề tồn tại lâu nay như không bình đẳng trong tiếp cận thông tin, nguồn lực; phân phối lợi ích thương mại cặp chợ không cân bằng và hiện tượng lợi dụng thông tin của cư dân để giả mạo làm thương mại cặp chợ; bảo đảm thương mại cặp chợ là “cư dân biên giới thật, tham gia thật, hưởng lợi thật”.

3. Chính sách tiếp tục thúc đẩy mở cửa, phát triển biên giới và coi trọng thương mại biên giới của Trung Quốc hiện nay

Phát triển vùng biên giới, làm giàu cho cư dân biên giới gắn liền với thương mại biên giới. Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh, xây dựng các vùng biên giới, thúc đẩy sự phát triển của vùng biên giới và làm giàu cho người dân biên giới, ổn định và củng cố biên giới. Từ chủ trương này, một số xu hướng đáng lưu ý trong thúc đẩy mở cửa và phát triển biên giới của Trung Quốc là:

Thứ nhất, Chính phủ Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục coi trọng thương mại biên giới (bao gồm thương mại cặp chợ của cư dân biên giới và thương mại tiểu ngạch biên giới).

Người phụ trách Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Trung Quốc đánh giá: “Nhiều năm qua, thương mại biên giới đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của vùng biên giới và là điểm khởi đầu quan trọng của mở cửa đối ngoại và hưng biên phú dân. Trung ương Đảng, Quốc vụ viện coi trọng phát triển khu vực biên giới và công tác thương mại biên giới, đề ra yêu cầu rõ ràng về thúc đẩy thương mại biên giới phát triển sáng tạo, tối ưu hóa môi trường kinh doanh cho thương mại biên giới...”(10)

Tháng 12-2019, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra 07 biện pháp để thúc đẩy thương mại biên giới phát triển hơn nữa(11), như: điều chỉnh, hoàn thiện định vị chức năng của thương mại cặp chợ cư dân biên giới; thí điểm chính sách miễn thuế giá trị gia tăng không cần hóa đơn đối với xuất khẩu thương mại tiểu ngạch biên giới; hoàn thiện chế độ cấp khoản chi dành cho khu vực biên giới; hỗ trợ phát triển các khu hợp tác kinh tế biên giới (xuyên biên giới) và các khu thí điểm phát triển, mở cửa trọng điểm dọc biên giới(12)...

Trên thực tế, thương mại biên giới, đặc biệt là thương mại cặp chợ của cư dân biên giới đã phát huy tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế khu vực biên giới của Trung Quốc phát triển. Kim ngạch xuất, nhập khẩu thương mại biên giới của Quảng Tây trong 7 năm liền đứng đầu cả nước, chiếm tỷ trọng hơn 40% của cả nước(13). Lượng xuất, nhập khẩu thương mại cặp chợ của cư dân biên giới của thành phố Bằng Tường tăng từ 8,15 tỷ NDT năm 2015 lên 12,66 tỷ NDT năm 2021, tăng trưởng 55,3%, 8 tháng đầu năm 2022 là 3 tỷ NDT(14). Thương mại cặp chợ đã giúp nhiều người dân ở biên giới Trung Quốc thoát nghèo, năm 2017 có hơn 13.000 cư dân biên giới của Quảng Tây thoát nghèo do tham gia vào thương mại cặp chợ(15).

Thứ hai, đầu tư cho khu vực biên giới được tăng cường.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), tổng đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng cửa khẩu biên giới của Quảng Tây là 2,581 tỷ NDT(16). Về cơ sở hạ tầng, hai trong ba thành phố biên giới của Quảng Tây là Cảng Phòng Thành và Bách Sắc đã thông đường sắt cao tốc; tổng chiều dài đường quốc lộ của 08 huyện (thành phố, khu) biên giới của Quảng Tây đạt 8.383km, trong đó 450km là đường cao tốc(17), thực hiện huyện thông với huyện bằng đường cao tốc, cấp hương thông với hương bằng đường nhựa hoặc bê tông, thôn thông với thôn bằng đường cứng. Mạng 4G phủ sóng toàn bộ thị trấn, thôn hành chính ở khu vực biên giới.

Mức trợ cấp sinh hoạt cho cư dân biên giới trong phạm vi 0-3km tính từ biên giới đất liền của Quảng Tây đã được nâng lên 2.520 NDT/người/năm. Những người nghèo chuyển đến phạm vi cách biên giới từ 0-3km và người dân ở thị trấn biên giới không có việc làm được đưa vào diện hưởng chính sách trợ cấp sinh hoạt cho cư dân biên giới của khu tự trị. Trong nửa đầu năm 2021, khu tự trị đã cấp 1 tỷ NDT để hỗ trợ cư dân biên giới(18).

Thứ ba, thực hiện chuyển đổi từ “kinh tế kiểu đường mòn lối mở” thành “kinh tế cửa khẩu” bằng cách thúc đẩy gia công tại chỗ hàng hóa nhập khẩu từ các cặp chợ biên giới, thúc đẩy nâng cấp chuyển đổi mô hình thương mại cặp chợ của cư dân biên giới. Phát biểu tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 4 năm 2021, ông Tập Cận Bình khẳng định “thúc đẩy gia công tại chỗ hàng hóa nhập khẩu theo hình thức thương mại cặp chợ của cư dân biên giới, tăng nhập khẩu từ các nước láng giềng”(19).

Quảng Tây đã thực hiện “100 doanh nghiệp tiến vào biên giới”, đi sâu thí điểm gia công tại chỗ hàng hóa của cặp chợ, trong đó tập trung vào chế biến hải sản và lắp ráp thiết bị; thực hiện kế hoạch hành động “cửa khẩu +”, đẩy nhanh xây dựng khu kinh tế cửa khẩu ven biên như Hữu Nghị Quan, Đông Hưng, Long Bang.

Ở khu Phòng Thành, thành phố Phòng Thành Cảng có 10 doanh nghiệp gia công tại chỗ hàng hóa từ cặp chợ. Đến năm 2020, có 87 tổ hỗ trợ đã đăng ký tham gia với doanh nghiệp gia công tại chỗ cùng phát triển theo mô hình “cặp chợ + gia công tại chỗ”, với sự tham gia của hơn 1.740 cư dân biên giới(20). Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp gia công, chính quyền nhân dân khu Phòng Thành đã ban hành phương án thực thi cải cách gia công tại chỗ hàng hóa nhập khẩu cặp chợ, tạo một luồng xanh để hàng hóa từ cặp chợ (Động Trung, Lý Hỏa) về thẳng doanh nghiệp gia công tại chỗ, khắc phục tình trạng doanh nghiệp thiếu nguyên liệu phải nằm chờ do tăng cường các biện pháp kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu trong thời gian dịch bệnh(21). Khu Phòng Thành đã lựa chọn 4 loại hàng hóa, gồm: cá ba sa đông lạnh, cá hố đông lạnh, tôm đông lạnh, nõn tôm đông lạnh và 16 loại hàng hóa làm thuốc như tam thất là sản phẩm thí điểm vận chuyển tập trung đến thẳng khu gia công tại chỗ sau khi nhập khẩu từ Việt Nam. Trong giai đoạn Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, khu Phòng Thành sẽ tập trung vào các ngành chế biến là thủy sản, dược liệu Trung Quốc và chế biến sản phẩm ngũ cốc, hướng đến xây dựng khu Phòng Thành trở thành một cơ sở gia công xuất khẩu hàng hóa trung và cao cấp của Quảng Tây hướng đến các nước ASEAN(22).

Thành phố Bằng Tường đã thu hút doanh nghiệp chế biến thạch và trái cây. Trong thời gian dịch bệnh, hải quan cửa khẩu Hữu Nghị Quan đã tạo điều kiện ưu tiên thông quan đối với hàng hóa của doanh nghiệp gia công tại chỗ để bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất. Quy mô gia công của thành phố Bằng Tường ngày càng lớn, đang từng bước chuyển từ mô hình “kinh tế kiểu lối mở” sang kinh tế cửa khẩu.

Những xu hướng đầu tư phát triển ở khu vực biên giới nói trên sẽ có tác động trực tiếp đến thương mại giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có thương mại nông sản.

4. Những gợi mở đối với Việt Nam

Khái niệm, quy định của Việt Nam có một số khác biệt so với Trung Quốc. Khái niệm “thương mại biên giới” trong Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc(23) ký tại Bắc Kinh tháng 9-2016 đồng nhất với khái niệm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, khái niệm thương mại tiểu ngạch mà Việt Nam vẫn dùng lại khác so với thương mại tiểu ngạch biên giới của Trung Quốc. Theo định nghĩa của Việt Nam, xuất khẩu tiểu ngạch “là trao đổi hàng hóa giữa cư dân hai bên biên giới, đa phần được thực hiện tại các chợ biên giới bên phía ta hoặc bên phía Trung Quốc”(24). Với định nghĩa này, thương mại tiểu ngạch lại chính là thương mại ở cặp chợ của cư dân biên giới của Trung Quốc.

 Thêm nữa, phân loại đối với cặp cửa khẩu của hai bên cũng khác nhau. Thí dụ, phía Việt Nam là cửa khẩu Cốc Nam nhưng phía đối diện Trung Quốc lại là cặp chợ biên giới Lũng Vài. Điều này cũng có khả năng dẫn tới sự khác nhau trong phát triển hạ tầng, lượng hàng hóa thông quan cũng như trong quản lý.

Với sự quản lý đối với thương mại biên giới như trên, Trung Quốc chủ động điều tiết đối với thương mại biên giới với Việt Nam, đặc biệt là thương mại nông sản, khi hiện nay, phần lớn xuất khẩu vẫn thông qua con đường tiểu ngạch (tức là mua bán ở các cặp chợ biên giới); ngược lại, tính chủ động của Việt Nam thấp.

Trung Quốc quản lý các doanh nghiệp làm thương mại tiểu ngạch biên giới thông qua việc cấp giấy phép hoạt động dựa trên tình hình thực tế của các địa phương, chỉ định một số doanh nghiệp mạnh trong xuất, nhập khẩu với nước láng giềng. Đối với thương mại cặp chợ của cư dân biên giới, họ đã tổ chức lại và quản lý thông qua hình thức hợp tác xã, có đăng ký thông tin của cư dân biên giới tham gia thương mại cặp chợ... Đối với cửa khẩu, cặp chợ, chính quyền địa phương của Trung Quốc có thể điều chỉnh linh hoạt cho phép xuất, nhập khẩu mặt hàng. Từ sự quản lý đối với đối tượng tham gia (doanh nghiệp làm thương mại tiểu ngạch biên giới và hợp tác xã làm thương mại cặp chợ của cư dân biên giới), điều chỉnh mặt hàng được phép xuất, nhập khẩu qua mỗi cửa khẩu, Trung Quốc có thể chủ động trong việc nhập mặt hàng gì, nhập bao nhiêu và nhập ở đâu.

Sự chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu nông sản có thể bị ảnh hưởng do sự khác biệt trong định hướng đối với thương mại biên giới. Các địa phương biên giới đã tổ chức lại và quản lý chặt chẽ đối với thương mại biên giới. Trong quy hoạch và định hướng phát triển của Chính phủ Trung Quốc và của các tỉnh biên giới như Vân Nam, Quảng Tây, thương mại biên giới vẫn được hết sức chú trọng và tiếp tục phát triển. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc vẫn duy trì ở mức độ lớn hình thức thương mại ở cặp chợ của cư dân biên giới với các nước láng giềng. Trong khi đó, do tính bị động và bấp bênh của hình thức thương mại này, Việt Nam muốn có nhiều sản phẩm nông sản được xuất khẩu chính ngạch, tức là được Trung Quốc đồng ý mở cửa thị trường. Sự khác biệt này có thể sẽ ảnh hưởng đến thời gian, số lượng các mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Các địa phương biên giới của Trung Quốc đang tiến hành nâng cấp kinh tế cửa khẩu với việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, hình thành các cụm gia công, chế biến hàng nông sản nhập khẩu từ các nước láng giềng. Điều này có thể làm giảm sức hút đối với các dự án đầu tư gia công, chế biến ở khu kinh tế cửa khẩu phía Việt Nam. Các địa phương biên giới của Việt Nam cũng cần lưu ý đến xu hướng này trong xây dựng quy hoạch.

Như vậy, thương mại biên giới, đặc biệt là thương mại cặp chợ của cư dân biên giới từ lâu đã trở thành một hình thức quan trọng trong đời sống hằng ngày và đời sống kinh tế của cư dân biên giới Trung Quốc. Thương mại biên giới đã thực sự mang lại lợi ích cho cư dân biên giới, qua đó góp phần phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, đóng góp quan trọng cho thực hiện mục tiêu 100 năm thứ nhất của Trung Quốc - xây dựng toàn diện xã hội khá giả và cuộc chiến công kiên thoát nghèo.

Hiện nay, các địa phương biên giới của Trung Quốc đã có các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với thương mại biên giới, nâng cấp kinh tế cửa khẩu. Những động thái chính sách này đã và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng nhất định đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 540 (tháng 02-2023)

Ngày nhận: 08-01-2023; Ngày bình duyệt: 19-02-2023; Ngày duyệt đăng: 21-02-2023.

(1) Chủ tịch Tập Cận Bình: Giương cao ngọn cờ vĩ đại CNXH đặc sắc Trung Quốc, đoàn kết phấn đấu để xây dựng toàn diện nước XHCN hiện đại hóa, Báo cáo tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 25-10-2022, http://www.gov.cn/xinwen/2022-10/25/content_5721685.htm.

(2), (4) Biện pháp quản lý ngoại hối thương mại biên giới, http://www.gov.cn/gongbao/content/2004/content_62672.htm.

(3) Biện pháp quản lý ngoại hối thương mại biên giới, http://www.customs.gov.cn/customs/302249/zfxxgk/hggzk/4077741/index.html.

(5) Biện pháp quản lý thương mại tiểu ngạch biên giới và hợp tác khoa học kỹ thuật kinh tế đối ngoại ở khu vực biên giới, http://www.mofcom.gov.cn/article/swfg/fgdwmy/201101/20110107349119.shtml.

(6) Thông báo về danh mục không được miễn thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ở cặp chợ của cư dân biên giới, http://www.gov.cn/zwgk/2010-05/04/content_1599029.htm, ngày 04-5-2010.

(7), (8), (14) Miêu tả về chương mới trong phát triển chất lượng cao của thương mại cặp chợ cư dân biên giới, http://nanning.customs.gov.cn/nanning_customs/600328/600329/4655663/index.html, ngày 31-10-2022.

(9), (16), (17), (18) Quảng Tây:  Hưng biên phú dân ở điểm xuất phát mới, http://gx.news.cn/newscenter/202112/01/c_1128120084.htm, ngày 01-12-2021.

(10), (12) Người phụ trách của Bộ Thương mại phát biểu về ủng hộ phát triển sáng tạo thương mại biên giới, http://www.gov.cn/xinwen/2019-12/04/content_5458556.htm, ngày 04-12-2019.

(11) 07 biện pháp này do 11 bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu đưa ra trên cơ sở Bộ Thương nghiệp đã tổ chức các cuộc khảo sát đặc biệt tại hơn 20 thành phố biên giới, cùng với Ủy ban Cải cách và Phát triển, Bộ Tài chính và các ban ngành khác tiến hành khảo sát chính sách tại Hắc Long Giang, Quảng Tây, Vân Nam, Tân Cương và các tỉnh, khu vực khác, tổ chức nhiều tọa đàm để nghe ý kiến kiến nghị của các tỉnh, thành phố biên giới và doanh nghiệp thương mại biên giới.

(13) Quảng Tây thúc đẩy phát triển sáng tạo thương mại biên giới, http://bbwb.gxzf.gov.cn/ywdt/t10410407.shtml, ngày 13-10-2021.

(15) Xuất nhập khẩu thương mại cặp chợ của Quảng Tây năm 2017 đạt  63,3 tỷ NDT, đứng đầu các tỉnh biên giới, http://finance.sina.com.cn/china/dfjj/2018-07-12/doc-ihfefkqq9284422.shtml.

(19) Bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại buổi lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 4, http://www.gov.cn/xinwen/2021-11/04/content_5648891.htm, ngày 04-11-2021.

(20), (21) Thông báo về phương án thực hiện cải cách đối với hàng hóa nhập khẩu ở cặp chợ phục vụ cho gia công tại chỗ của chính quyền nhân dân khu Phòng Thành, thành phố Phòng Thành Cảng, ngày 13-8-2020, http://www.fcq.gov.cn/xxgk/xxgkml/jcxxgk/zfwj/zfwj/202009/t20200908_167755.html.

(22) Chính quyền nhân dân khu Phòng Thành ban hành số 16 năm 2021: Thông báo về phương án thực hiện cải cách đối với hàng hóa nhập khẩu ở cặp chợ phục vụ cho gia công tại chỗ của chính quyền nhân dân khu Phòng Thành, thành phố Phòng Thành Cảng, ngày 30-12-2021, http://www.fcq.gov.cn/xxgk/xxgkml/jcxxgk/zfwj/zfwj/202201/t20220105_236384.html

(23) Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, https://trungtamwto.vn/upload/files/hiep-dinh-khac/321-chau-a/336-viet-na/1.%20HD%20thuong%20mai%20bien%20gioi-%20TQ.pdf

(24) Bộ Công thương: Cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Nxb Công thương, Hà Nội, 2022, tr.19.

TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA

Viện Nghiên cứu Trung Quốc,

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam