Nhìn lại quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Malaixia từ góc độ lợi ích quốc gia - dân tộc

03/03/2023 14:01

(LLCT) - Sau khi nâng cấp thành Đối tác chiến lược (năm 2015), hợp tác giữa Việt Nam và Malaixia đã được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh và thương mại - đầu tư. Vượt qua thời điểm khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaixia đang chuyển dần sang một giai đoạn mới với sự phát triển bền vững hơn. Dù vẫn tồn tại sự khác biệt trong một số vấn đề cụ thể, nhưng hợp tác vẫn là xu thế chính trong quan hệ hai nước. Bài viết phân tích làm rõ những kết quả đã đạt được và triển vọng của mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaixia từ góc độ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Nhìn lại quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Malaixia từ góc độ lợi ích quốc gia - dân tộc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaixia Dato’ Sri Ismail Sabri Yaacob trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 - 22-3-2022 - Ảnh: vov.vn

1. Nhận thức về đối tác chiến lược và lợi ích quốc gia - dân tộc

Quan điểm của các học giả trong và ngoài nước cho rằng, thuật ngữ “đối tác chiến lược” bao gồm “đối tác” và “chiến lược” ghép lại. Đối tác được hiểu là mối quan hệ ở mức độ gắn kết cao hơn quan hệ thông thường, trong khi chiến lược hàm ý đến sự hợp tác gắn bó lâu bền. Khái niệm đối tác chiến lược được cho là phổ biến kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (năm 1991). Nhu cầu hình thành đối tác chiến lược gia tăng trong bối cảnh xu thế hợp tác, hội nhập quốc tế đóng vai trò chủ đạo.

Hiện có sự không đồng nhất trong cách lý giải về khái niệm đối tác chiến lược giữa phương Tây và phương Đông. Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt đó là từ cách nhìn nhận theo phạm vi lĩnh vực hợp tác. Nếu như phương Tây tập trung vào lĩnh vực an ninh thì phương Đông có sự đa dạng sang lĩnh vực hợp tác khác vì “quan hệ đối tác chiến lược thường có tính toàn diện, bao gồm mọi mặt của quan hệ song phương (kinh tế, văn hóa, chính trị, an ninh) và các đối tác cam kết duy trì quan hệ đối tác một cách lâu dài”(1).

Như vậy, nếu diễn giải khái niệm đối tác chiến lược theo quan điểm của phương Tây có phần hẹp hơn về lĩnh vực hợp tác giữa các bên. Tuy nhiên, cách hiểu của phương Tây hàm ý các bên có mức độ gắn kết cao hơn theo nghĩa “đồng minh”. Nhìn chung, dù hiểu theo cách nào thì đối tác chiến lược chắc chắn cũng cần có sự ràng buộc với nhau cao hơn thông qua các cơ chế hợp tác hoặc văn bản pháp lý cụ thể so với mối quan hệ bang giao thông thường.

Ở Việt Nam vẫn chưa có sự thống nhất khái niệm chung hay nội hàm của đối tác chiến lược. Cũng có những ý kiến cho rằng, “đối tác toàn diện” và “đối tác chiến lược toàn diện” là một dạng của đối tác chiến lược. Dù có theo dạng nào thì tính chất của nó là để chỉ dấu mốc phát triển quan trọng của lịch sử quan hệ giữa Việt Nam với nước khác. Nó cũng hàm ý về việc Việt Nam đánh giá cao trong quan hệ với nước này hay “chỉ mối quan hệ hợp tác quan trọng vừa có tính định hướng vào những mục tiêu cụ thể vừa có hàm ý mong muốn quan hệ lâu dài”(2). Chủ đề này cần thời gian để tiếp tục nghiên cứu, từ đó hoàn thiện dần khái niệm trong thời gian tới.

Sự coi trọng và thúc đẩy quan hệ với các đối tác nói chung và đối tác chiến lược nói riêng được thể hiện rõ qua thực tiễn triển khai chính sách đối ngoại, cũng như định hướng của Đảng về việc “tăng cường hợp tác và đối thoại chiến lược với nhiều đối tác; nâng cấp quan hệ song phương với một số quốc gia thành đối tác chiến lược và đối tác hợp tác toàn diện; đưa quan hệ hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn”(3).

Thực tiễn quan hệ quốc tế cho thấy, khi thiết lập mối quan hệ, bất cứ chủ thể nào đều quan tâm đến được lợi ích gì khi hợp tác và hợp tác như thế nào để đem lại lợi ích tốt nhất. Nói cách khác, lợi ích luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu khi hợp tác, nhất là đối với quan hệ đối tác chiến lược. Trên thực tế, lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng nhưng cũng cần xác định rõ lợi ích riêng và tính đến lợi ích chung trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là mối quan hệ đối tác chiến lược. Tuy nhiên, những lợi ích liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ, sự tồn vong của chế độ thì không thể “đánh đổi”. Còn đối với lợi ích khác, cũng cần xem xét đến cả lợi ích chung giữa các chủ thể quan hệ quốc tế thì mới có thể đi đến hợp tác với nhau lâu dài.

Liên quan vấn đề này, luận điểm của các trường phái lý thuyết quan hệ quốc tế có sự khác biệt nhất định. Chủ nghĩa hiện thực đề cao tính tuyệt đối của chủ quyền và lợi ích quốc gia. Nói cách khác, chủ quyền và lợi ích quốc gia ở đây được đặt lên trên hết. Lợi ích quốc gia có liên quan mật thiết đến chính sách đối ngoại của mỗi nước. Nó chính là “kim chỉ nam” cho chính sách đối ngoại và ngược lại.

Tuy nhiên, luận điểm của chủ nghĩa tự do khá khác biệt so với luận điểm của chủ nghĩa hiện thực ở chỗ, lợi ích quốc gia ở đây được mở rộng hơn, vượt ra ngoài lĩnh vực an ninh và quyền lực. Lợi ích quốc gia là mục tiêu mà tất cả các nước hướng tới. Chính điều đó đã tạo nên quan hệ quốc tế có sự đa dạng về hình thức trên cơ sở đan xen lợi ích với nhau. Cách lý giải từ các lĩnh vực cũng có điểm riêng khi đề cập đến vai trò quan trọng của kinh tế khi xác định lợi ích quốc gia bên cạnh lĩnh vực chính trị. Chính nhờ quá trình mở rộng thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần gắn kết hợp tác giữa các quốc gia và vì thế lợi ích giữa các quốc gia cũng có sự đan xen lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủ nghĩa tự do tin vào khả năng giữa các nước có thể hài hòa lợi ích với nhau. Một số trường phái lý thuyết khác lại có những luận điểm, cách nhìn và phương pháp luận riêng. Chủ nghĩa kiến tạo nhấn mạnh đến bản sắc xã hội là yếu tố quan trọng liên quan đến lợi ích, trong khi đó, Chủ nghĩa Mác cho rằng, lợi ích gắn với vấn đề giai cấp.

Theo quan điểm của tác giả, hợp tác và lợi ích chính là nội hàm của mối quan hệ nói chung và mối quan hệ đối tác chiến lược nói riêng. Có thể hiểu hợp tác trong quan hệ đối tác chiến lược ở mức độ sâu hơn thông qua các cơ chế hợp tác nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Bất cứ quốc gia nào khi thiết lập quan hệ quốc tế với thế giới bên ngoài đều cần tính đến hợp tác và lợi ích đem lại trên cơ sở cùng thắng. Hợp tác thường có ý nghĩa tích cực, tức là có sự cùng nhau phối hợp nhằm đạt được mục đích hay lợi ích nào đó. Trong quan hệ quốc tế hay quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác có thể được chia theo các lĩnh vực khác nhau liên quan đến chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội... Nếu xét về mặt cấp độ, hợp tác có thể được chia theo mức độ cao, trung bình, thấp. Do đó, hợp tác được biểu hiện đa dạng dưới nhiều hình thức, mức độ, phạm vi, không gian và thời gian. Các hình thức điển hình của hợp tác là phối hợp hành động chung, cộng tác hoặc ở tầm cao hơn chính là kiểu liên minh hoặc đối tác chiến lược.

Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam luôn chú ý đến việc tăng cường hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ngày càng thực chất trên cơ sở duy trì lợi ích quốc gia - dân tộc mình, song lợi ích đó cũng cần xem xét cả yếu tố lợi ích chung. Vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu trong hoạt động đối ngoại và đã được cụ thể hóa, định hướng trong các văn kiện của Đảng qua các thời kỳ với mục tiêu “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”(4).

2. Quan hệ Việt Nam - Malaixia trải qua những giai đoạn thăng trầm trong lịch sử

Ngay từ thời phong kiến, Việt Nam và Malaixia có mối giao thương buôn bán qua đường biển. Sau khi Malaixia giành được độc lập năm 1957, nước này thiết lập mối quan hệ ngoại giao với chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, Malaixia đã giảm bớt quan hệ với chính quyền này, từng bước tìm kiếm cơ hội thiết lập mối quan hệ với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 30-3-1973, Việt Nam và Malaixia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Malaixia cũng là thành viên ASEAN đầu tiên công nhận Chính phủ Việt Nam vào năm 1975.

Nhằm tạo dựng nền móng vững chắc và hướng tới tranh thủ cơ hội hợp tác giữa hai nước, Việt Nam đã có các chuyến thăm Malaixia của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phan Hiền và khai trương Đại sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur (tháng 7-1977), về phía Malaixia cũng mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Tiếp đó là các chuyến thăm Malaixia của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (tháng 1-1978), Thủ tướng Phạm Văn Đồng (tháng 10-1978). Tuy nhiên, quan hệ Việt Nam - Malaixia lại trở nên căng thẳng từ năm 1979 vì bất đồng quan điểm về giải quyết vấn đề Campuchia. Malaixia là quốc gia thành viên lên tiếng phản đối Việt Nam tại các diễn đàn, hội nghị ASEAN, song vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế ở mức độ nhất định.

Đến cuối những năm 1980, Việt Nam và Malaixia tiếp tục có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại với ưu tiên coi trọng quan hệ với các nước Đông Nam Á. Malaixia cũng không muốn vấn đề Campuchia cản trở đến sự hợp tác khu vực nói chung và quan hệ với Việt Nam nói riêng, trong khi Việt Nam cũng đã rút quân tình nguyện hoàn toàn khỏi Campuchia năm 1989.

Malaixia còn thể hiện thiện chí trong thúc đẩy quan hệ hai nước bằng việc tháng 6-1989, Thủ tướng nước này tuyên bố ủng hộ khẩu hiệu “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường”; cam kết viện trợ cho Việt Nam trong phát triển kinh tế; cho phép người Malaixia vào Việt Nam và nới lỏng thị thực cho đoàn Việt Nam; mở lại đường bay Kuala Lumpur - Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 9-1990). Để tạo thêm sự gắn kết hữu nghị, Việt Nam đã tổ chức các chuyến thăm Malaixia, trong đó có chuyến thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tháng 7-1990).

Sau sự kiện các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến sâu sắc, cùng với việc Hiệp định Paris về Campuchia được ký kết (tháng 9-1991), Malaixia chuyển hướng chính sách đối ngoại từ Tây sang Đông đã tác động tích cực đến mối quan hệ hai nước. Việt Nam và Malaixia đã tổ chức một số chuyến thăm chính thức lẫn nhau: Phó Thủ tướng Malaixia thăm Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Malaixia (tháng 1 và tháng 7-1992), Thủ tướng Malaixia Mahathir thăm Việt Nam (tháng 4-1992) đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai.

Tiếp đó, Việt Nam và Malaixia đã tiến hành một loạt các chuyến thăm lẫn nhau. Về phía Việt Nam, đáng chú ý có chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 3-1994) với mục đích thúc đẩy hợp tác song phương kênh đối ngoại đảng, thiết lập mối quan hệ giữa Đảng ta với đảng cầm quyền Malaixia (Đảng Mặt trận Dân tộc thống nhất Malaixia - UMNO), cũng như vận động phía Malaixia ủng hộ Việt Nam tham gia ASEAN; Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê (tháng 11-1994) và Bộ trưởng Nội vụ (từ năm 1998 đổi tên là Bộ Công an) Bùi Thiện Ngộ (tháng 12-1994) để định hướng hợp tác quốc phòng - an ninh. Về phía Malaixia có các chuyến thăm của Tổng thư ký UMNO (tháng 7-1995) nhằm củng cố quan hệ kênh đảng; Quốc vương Sultan Salahuddin Abdul Aziz (tháng 12-1995) góp phần tăng cường quan hệ hai nước; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaixia (tháng 12-1995) tạo tiền đề hợp tác an ninh sau này.

Thông qua các chuyến thăm này đã đem lại những lợi ích thực sự đối với Việt Nam và Malaixia. Hai bên đã ký kết các hiệp định và biên bản ghi nhớ, như: Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (năm 1992), Hiệp định Hàng hải (năm 1992), Hiệp định Hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật (năm 1992), Hiệp định Hợp tác bưu điện và viễn thông (năm 1992), Hiệp định Thương mại (năm 1992), Hiệp định Thanh toán song phương giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng quốc gia Malaixia (tháng 3-1993), Hiệp định Hợp tác khoa học, công nghệ và môi trường (tháng 12-1993), Hiệp định Hợp tác du lịch (tháng 4-1994), Hiệp định Hợp tác văn hóa (tháng 3-1995), Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (tháng 9-1995); Biên bản ghi nhớ về thông tin (tháng 7-1995), Biên bản ghi nhớ về việc Malaixia viện trợ cho Việt Nam 1,72 triệu RM (tương đương 700.000 USD) để phát triển ngành cao su; thỏa thuận thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng chồng lấn giữa hai nước.

Cùng với đó là việc thành lập Hội hữu nghị hai nước (tháng 2-1994), Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Malaixia (tháng 9-1995). Quan hệ Việt Nam - Malaixia còn được nâng tầm cả ở kênh hợp tác đa phương thông qua các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995).

Nhằm tăng cường sự hiểu biết và đa dạng lĩnh vực hợp tác, hai nước đã duy trì thường xuyên các chuyến thăm lẫn nhau. Về phía Việt Nam có các chuyến thăm Malaixia của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Trần Hoàn nhân dịp tham dự Hội nghị Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Malaixia về thông tin lần thứ nhất (tháng 3-1996); Bí thư Trung ương Đảng Hồng Hà (tháng 5-1996) nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng Mặt trận Dân tộc thống nhất Malaixia (UMNO); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (tháng 9-1996); Bộ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Malaixia Đặng Vũ Chư (tháng 9-1997); Thủ tướng Phan Văn Khải nhân dịp dự Cuộc họp cấp cao không chính thức của các nước ASEAN (tháng 12-1997); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 3-1998); Thủ tướng Phan Văn Khải nhân dịp dự cuộc gặp thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (tháng 11-1998); Phó Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Hà Học Hợi nhân dịp dự Đại hội Đảng UMNO lần thứ 53 (tháng 6-1999)...

Phía Malaixia có các đoàn thăm Việt Nam của Thủ tướng Mahathir (tháng 3-1996); Tổng thư ký UMNO nhân dịp dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII (tháng 7-1996); Thủ tướng Mahathir dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ VI tại Việt Nam (tháng 12-1998); Chủ tịch Hạ viện Malaixia Tun Mohamed Zaja nhân dịp dự Hội nghị Tư vấn Đại hội đồng Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO) tại Việt Nam (tháng 3-1999).

Bước sang năm 2000, tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có nhiều thay đổi và tác động cả tích cực và tiêu cực đối với quan hệ hai nước. Kinh tế khu vực phục hồi khả quan sau cuộc khủng hoảng tài chính cho dù vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. ASEAN kết nạp thêm Campuchia (hội tụ đầy đủ 10 nước ASEAN). Việt Nam và Malaixia đều nhận thức rõ tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Sự song trùng lợi ích giữa hai nước đa dạng và linh hoạt hơn với nhiều hình thức khác nhau, cả trong quan hệ song phương và đa phương.

Để tận dụng điểm song trùng lợi ích quốc gia - dân tộc, Việt Nam và Malaixia đã tăng cường trao đổi nhiều đoàn hơn ở các cấp độ. Cụ thể, Việt Nam có các đoàn thăm Malaixia của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Thị Doan dịp dự Đại hội UMNO lần thứ 55 (tháng 6-2001); Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự nhân dịp dự Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (tháng 7-2002); Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 8-2002); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 2-2002); Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhân dịp dự Hội nghị Thượng định Phong trào Không liên kết lần thứ 13 (tháng 2-2003). Đặc biệt, trong chuyến thăm Malaixia của Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 4-2004), hai nước đã ra “Tuyên bố chung về khuôn khổ Đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI”.

Tiếp đó là các chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Độc lập của Malaixia (từ ngày 30-8 đến 01-9-2007); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 9-2011); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu tại Malaixia (tháng 6-2013).

Phía Malaixia cũng cử các đoàn của Quốc vương Alhaj Abdul (tháng 12-2002); Bộ trưởng Ngoại giao Syed Hamid Albar (tháng 3-2006); Bộ trưởng Công thương Muhyiddin Yassin (tháng 7-2008); Bộ trưởng Ngoại giao Rais Yatim (tháng 11-2008); Chủ tịch Thượng viện (tháng 1-2009); Quốc vương Mizan Zainal Abidin Ibni

Al-Marhum (tháng 3-2009); Thủ tướng Najib Razak dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN (tháng 4-2010); Quốc vương Abdul Halim Mu’adzam Shah (tháng 9-2013). Đặc biệt là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaixia Najib Tun Razak (tháng 4-2014), hai bên đã trao đổi và thống nhất nhiều vấn đề quan trọng về tăng cường hợp tác song phương và đa phương.

Để phát huy điểm đồng lợi ích, hai bên đã tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp Thương mại giữa hai Bộ Kinh tế (tháng 11-2009) và Kỳ họp lần thứ hai Ủy ban Hỗn hợp Thương mại Việt Nam - Malaixia cấp Bộ trưởng (tháng 3-2013). Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Malaixia duy trì đà tăng trưởng sau năm 2000 từ 798,4 triệu USD (năm 2000) lên 808 triệu USD (năm 2001) và 927 triệu USD (2002)(5). Kim ngạch thương mại song phương tăng mạnh ở giai đoạn sau này.

Hợp tác đầu tư được đánh giá là có sự thay đổi cả về lượng và chất ngay từ giữa những năm 1990. Năm 1990, Malaixia mới bắt đầu tham gia đầu tư vào Việt Nam với một dự án nhỏ về sản phẩm tăm nhang, số vốn 100.000 USD, thì chỉ tính riêng trong năm 1995, Malaixia đã có 12 dự án đầu tư với tổng số vốn 96 triệu USD”(6). Số dự án và vốn đầu tư tăng mạnh hơn nhiều ở giai đoạn sau này.

3. Hợp tác hiệu quả ở nhiều lĩnh vực đem lại lợi ích thiết thực

Thứ nhất, mối quan hệ hợp tác phát triển vững chắc, toàn diện trên nhiều mặt với kết quả hợp tác ngày càng hiệu quả, thực chất. Quan hệ Việt Nam - Malaixia có nhiều chuyển biến tích cực ở nhiều khía cạnh hợp tác, nhất là từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Một số lĩnh vực hợp tác nổi bật trong quan hệ hai nước là chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh và thương mại - đầu tư. Kết quả hợp tác giữa hai nước dần đi vào chiều sâu, đem lại những lợi ích thiết thực, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ hai, quan hệ hợp tác không ngừng được tăng cường thông qua nhiều hình thức và kênh khác nhau trong quan hệ chính trị - ngoại giao. Trước hết, Việt Nam và Malaixia duy trì các chuyến thăm cấp cao, trong đó có hai chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaixia

Mahathir (tháng 8-2019) và Thủ tướng Malaixia Ismail (tháng 3-2022). Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Việt Nam và Malaixia tổ chức cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Malaixia Muhyiddin (tháng 6-2020). Ngoài ra, hai bên còn tiến hành đều đặn các phiên họp song phương hoặc gặp gỡ bên lề diễn đàn quốc tế và khu vực.

Thứ ba, tiếp tục củng cố quan hệ quốc phòng - an ninh ngày càng vững chắc. Việt Nam và Malaixia quan tâm thúc đẩy hợp tác cả kênh song phương và đa phương. Các chuyến thăm của lãnh đạo, quan chức hai nước diễn ra khá thường xuyên, từ đó mở ra hướng mới trong hợp tác quốc phòng - an ninh.

Thứ tư, duy trì đà tăng khá ổn định về thương mại - đầu tư trong bối cảnh tình hình mới. Hợp tác thương mại - đầu tư tiếp tục trở thành điểm sáng trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaixia thời gian qua với con số kim ngạch thương mại hai chiều khá ấn tượng (tăng đều) tính đến thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh.

Tuy nhiên, năm 2021, kim ngạch thương mại song phương hai nước đã tăng dần trở lại lên khoảng 13,9 tỷ USD (theo số liệu thống kê của Bộ phận thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Malaixia), trong khi hợp tác đầu tư tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng.

Thứ năm, vượt qua những giai đoạn đầy khó khăn, từng bước lấy đà phục hồi đối với hợp tác lao động và các lĩnh vực khác. Sau thời gian gián đoạn, ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đến nay, hợp tác lao động đang được khởi động trở lại. Các bộ, ngành liên quan hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động (thay cho Bản ghi nhớ từ năm 2015), đồng thời đàm phán chuẩn bị đưa lao động hợp pháp sang thị trường Malaixia. Các lĩnh vực hợp tác cũng chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 nhưng đang phục hồi khả quan, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và giao lưu văn hóa.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, quan hệ hợp tác hai nước vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: chưa tạo ra được những bước phát triển đột phá trong quan hệ hai nước kể từ khi thiết lập Đối tác chiến lược đến nay; các chuyến thăm cấp cao chưa diễn ra đều cả hai phía để góp phần tăng thêm gắn kết quan hệ Đối tác chiến lược hai nước; chưa đạt được mục tiêu kim ngạch song phương đề ra ở giai đoạn đầu (15 tỷ USD năm 2020), dự án đầu tư quy mô lớn chưa nhiều; giảm sút hiệu quả hợp tác lao động và hoạt động trao đổi, giao lưu giữa hai nước...

Nguyên nhân chính của các hạn chế là do bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực biến động nhanh chóng, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào năm 2020, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống chính trị quốc tế. Mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaixia cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, thương mại - đầu tư, lao động và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự khác biệt về ý thức hệ, thể chế chính trị, văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử... cũng tác động phần nào đến sự phát triển quan hệ Đối tác chiến lược hai nước. Việt Nam và Malaixia đã và đang cố gắng khắc phục từng bước những khó khăn này nhằm thu hẹp khoảng cách khác biệt, tăng cường sự hiểu hiết lẫn nhau.

Nhìn tổng thể, việc triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaixia những năm qua đã đóng góp ở những khía cạnh sau:

(i) Góp phần duy trì môi trường hòa hình và ổn định khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự đóng góp đó được thể hiện thông qua cả kênh hợp tác song phương và đa phương, nhất là tại diễn đàn, hội nghị của ASEAN. Kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực hợp tác, nhất là chính trị - ngoại giao và quốc phòng - an ninh.

(ii) Mở rộng thêm các hướng hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh và thương mại - đầu tư. Quá trình triển khai Đối tác chiến lược đã được hai bên triển khai một cách nghiêm túc và đã mang lại những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Việt Nam và Malaixia tiếp tục hướng đến hiện thực hóa những tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

(iii) Hỗ trợ tích cực trong tham gia và xây dựng Cộng đồng ASEAN. Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước mà quá trình tham gia vào ASEAN thuận lợi hơn. Việt Nam và Malaixia đều là những thành viên đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng Cộng đồng ASEAN những năm qua cũng như thời gian tới đây theo lộ trình của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

(iv) Có thêm sự chia sẻ và phối hợp chặt chẽ hơn trong xử lý các vấn đề “nóng” của khu vực và quốc tế. Ngày nay, tình hình quốc tế và khu vực diễn biến căng thẳng hơn. Một số điểm nóng mới xuất hiện bên cạnh những điểm nóng cũ chưa giải quyết được. Cùng với đó là một số vấn đề phức tạp nảy sinh trong chính nội bộ ASEAN. Việt Nam và Malaixia đã có sự chia sẻ và phối hợp khá hiệu quả trong xử lý các tồn tại này. Tuy nhiên, hai nước cần tiếp tục tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn nữa trong bối cảnh tình hình mới.

(v) Giúp ích không nhỏ trong bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc là yêu cầu hàng đầu trong thúc đẩy quan hệ với bất kỳ quốc gia, tổ chức nào. Việt Nam và Malaixia đều quán triệt tinh thần này thông qua các hành động hợp tác cụ thể thời gian qua trên cơ sở bám sát nội dung các tuyên bố chung, chương trình hành động và thỏa thuận hợp tác. Hiệu quả mang lại ở từng lĩnh vực hợp tác cụ thể, từ chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh hay thương mại - đầu tư. Đây cũng là định hướng xuyên suốt mà Việt Nam và Malaixia cần tiếp tục phát huy trong những năm tới.

Triển vọng phát triển bền vững dù còn không ít khó khăn, thách thức

Tình hình quốc tế và khu vực trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những biến động nhanh, tác động đa chiều đến mối quan hệ Việt Nam - Malaixia. Nổi lên là sự cạnh tranh giữa các nước lớn trên mọi mặt đời sống quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. ASEAN duy trì vai trò “trung tâm” của mình nhưng đối mặt với thách thức về thống nhất, đoàn kết do sự lôi kéo mạnh từ các nước lớn, bản thân nội bộ khối này cũng xuất hiện mâu thuẫn lợi ích, ảnh hưởng không tốt tới uy tín và hình ảnh.

 Một số vấn đề nóng, trong đó có vấn đề Biển Đông, khủng khoảng chính trị Mianma còn kéo dài và ngày càng trở nên khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích, an ninh quốc gia của các bên liên quan. Diễn đàn ASEAN sẽ ngày càng thu hút được sự tham gia của các nước, bao gồm cả các cường quốc ngoài khu vực.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thúc đẩy các mối quan hệ đối tác chiến lược nói chung và quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaixia nói riêng. Mỗi đối tác chúng ta lại có những cách thể hiện khác nhau trong triển khai chính sách đối ngoại để góp phần bảo đảm lợi ích, an ninh quốc gia. Điều này là không đơn giản, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo đúng đắn về đường lối của Đảng, cũng như sự quyết liệt trong thực hiện của các bộ, ban, ngành và địa phương liên quan nhằm tiến hành một cách đồng bộ và huy động được sức mạnh tổng hợp trong quá trình thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược thời gian tới.

Chiều hướng vận động của quan hệ Việt Nam - Malaixia về cơ bản là thuận lợi, sẽ tiếp tục phát triển nhanh, nhất là trong lĩnh vực thương mại - đầu tư và quốc phòng - an ninh. Các lĩnh vực và hình thức hợp tác phong phú hơn; cơ chế hợp tác mới được thiết lập cùng với việc thúc đẩy cơ chế hợp tác cũ. Hợp tác chính trị - an ninh đóng vai trò then chốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực khác phát triển, trong khi hợp tác thương mại - kinh tế luôn trở thành điểm sáng.

Trải qua chặng đường lịch sử gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt sau khi hai nước ký kết “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI” (tháng 4-2004) và tiếp đến là “Tuyên bố chung về khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược” (tháng 8-2015), quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaixia đã đạt được những thành tựu quan trọng và chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới. Đây chính là mục tiêu mà hai nước hướng tới như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong dịp tiếp Thủ tướng Malaixia Ismail (tháng 3-2022): “Chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Malaixia, đề nghị hai bên phát huy các kết quả đạt được, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, trong đó có tăng cường quan hệ giữa các chính đảng, đẩy mạnh hợp tác song phương cũng như trong khuôn khổ ASEAN và các diễn đàn khu vực và quốc tế”(7).

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 538 (tháng 12-2022)

Ngày nhận bài: 21-11-2022; Ngày bình duyệt: 10-12-2022; Ngày duyệt đăng: 19-12-2022.

(1) Nguyễn Hùng Sơn: Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các thành viên ASEAN: Bước chủ động, tích cực mới của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 4 (87), tháng 12-2011, tr.23-24.

(2) Trần Thọ Quang: Quan hệ đối tác chiến lược - từ lý thuyết đến thực tiễn, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 7 (178)-2014, tr.68.

(3), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.245, 153.

(5) Theo tài liệu Vụ Châu Á 2, Bộ Ngoại giao Việt Nam.

(6) Trần Thị Vinh: Quan hệ Việt Nam - Malaixia (1973 - 2000), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3-2001, tr.12.

(7) Thùy Linh: Đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Malaixia lên tầm cao mới, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/825130/dua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-Malaixia-len-tam-cao-moi.aspx, truy cập 21-3-2022.

ThS PHẠM THANH BẰNG

NCS Học viện Ngoại giao