Cạnh tranh chiến lược nước lớn và đối sách của Việt Nam

22/09/2022 13:45

(LLCT) - Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc tiếp tục gia tăng với hình thái đa dạng, là vấn đề lớn nhất của thế giới trong thập niên tới. Bối cảnh đó đặt Việt Nam trước những cơ hội và thách thức lớn trong quá trình triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Bài viết tập trung làm rõ bối cảnh cạnh tranh nước lớn hiện nay và dự báo xu hướng, hình thái quan hệ nước lớn trong thời gian tới, gợi mở đối sách của Việt Nam nhằm tranh thủ thuận lợi, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Bài viết phản ánh một phần kết quả nghiên cứu của đề tài mã số KX.04.34/21-25.

Cạnh tranh chiến lược nước lớn và đối sách của Việt Nam

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc tiếp tục gia tăng với hình thái đa dạng, là vấn đề lớn nhất của thế giới trong thập niên tới - Ảnh: vnanet.vn

1. Bối cảnh cạnh tranh nước lớn

Thứ nhất, bối cảnh chung của thế giới giai đoạn từ nay đến năm 2030 dự báo sẽ có nhiều biến động, thậm chí có những thay đổi sâu sắc có tính bước ngoặt, mang lại cả cơ hội và thách thức lớn đối với an ninh, phát triển của thế giới, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đang đứng trước những thuận lợi căn bản: Một là, xu thế hòa bình, hợp tác, toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tập trung phát triển đất nước; Hai là, sự phát triển năng động của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và vai trò gia tăng của ASEAN trên nhiều khía cạnh, cùng với sự tăng cường của thế và lực đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, góp phần gia tăng giá trị chiến lược của Việt Nam trong quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn; Ba là, các nước lớn ngày càng coi trọng Việt Nam trong chính sách đối với khu vực Đông Nam Á, vì vậy, ngay cả trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng mạnh thời gian qua, Việt Nam vẫn tìm thấy cơ hội để phát triển.

Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chuyển sang giai đoạn mới với những diễn biến khó lường hơn, xét về mức độ và bản chất. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc có thể tạo thêm khó khăn cho các nước nhỏ và vừa, trong đó có Việt Nam trong việc xử lý quan hệ với các nước lớn. Vì vậy, chúng ta sẽ khó khăn hơn trong việc thực hiện phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa” và “cân bằng động” giữa các nước lớn trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Những diễn biến gần đây cho thấy, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong và sau đại dịch Covid-19 đã rất khác. Đến thời điểm này, Trung Quốc đã biến dịch bệnh từ thế bị động đối phó sang ưu thế trước Mỹ và phương Tây. Điều này một mặt mang lại thêm cơ hội phát triển cho các nước, nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều sức ép, thu hẹp không gian an ninh - chiến lược cho các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Cùng với việc tăng cường sức mạnh, tham vọng thiết lập và khẳng định tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cũng ngày càng mở rộng, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông.

Thứ hai, trong thế trận cạnh tranh nước lớn, xu hướng vận động để hình thành trật tự thế giới tiếp tục biến đổi phức tạp. Trong trung hạn (tầm nhìn 2025- 2030), nhiều khả năng chưa thể hình thành một trật tự thế giới mới.

Với trạng thái phát triển hiện tại của các nước lớn, việc thiết lập trật tự “một cực” (hàm ý do Mỹ dẫn dắt) gặp phải nhiều khó khăn, do sức cạnh tranh mạnh mẽ của các nước đang bám đuổi, nhất là Trung Quốc, do chính sự phát triển thiếu ổn định nội tại và tính hiệu quả của chiến lược đối ngoại của Mỹ. Mỹ vẫn đang chiếm ưu thế tương đối, nhưng khó tạo lập được khoảng cách vượt trội so với phần còn lại của thế giới, vì vậy khó có thể thiết lập trật tự “một cực”.

Trật tự “hai cực” hay “lưỡng cực” (hàm ý là Mỹ, Trung Quốc cùng chia sẻ quyền lực, dẫn dắt và chi phối thế giới) dường như là phương án khả thi nhất, khi Trung Quốc đã bứt tốp rõ ràng với nhóm nước phía sau (khoảng cách tổng lượng kinh tế Trung Quốc với Nhật Bản - nước đứng thứ 3 là 14.300 tỷ USD và 5.000 tỷ USD vào năm 2020) và áp sát hơn với Mỹ (21.300 tỷ USD vào năm 2020)(1). Trung Quốc cũng đang chủ động thiết lập luật chơi, tạo sân chơi riêng do mình dẫn dắt, sẵn sàng tiến tới vị trí trung tâm của vũ đài thế giới.

Tuy nhiên, phương án “hai cực” cũng không dễ thành hiện thực, bởi: Mỹ và Trung Quốc khó có phương án thống nhất, cùng chia sẻ quyền lực; thay vào đó, Mỹ và các nước đồng minh sẽ gia tăng kiềm chế chiến lược, tìm nhiều phương cách hạn chế sự phát triển của Trung Quốc. Bản thân các thiết chế và phương án xây dựng luật chơi, sân chơi mới của Trung Quốc vẫn đang được các nước tiếp cận thận trọng, dè chừng, nhất là chủ trương “vòng tuần hoàn kép”, chủ trương “thịnh vượng chung” và sáng kiến “Vành đai và con đường”. Cấu trúc kinh tế và sự phát triển nội tại của Trung Quốc cũng bộc lộ một số hạn chế, như vấn đề tham nhũng còn tồn tại, nguy cơ vỡ nợ của nhiều doanh nghiệp lớn; nợ công vượt trần ở một số địa phương, sự mất cân đối trong mức độ phát triển giữa các vùng miền, chênh lệch quá lớn về mức sống...). Bên cạnh đó, tuy hiện tại Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ, nhưng trong trung hạn, Trung Quốc vẫn chưa thể đạt mức độ phát triển ngang bằng Mỹ.

Xu hướng “đa cực, đa trung tâm” có lẽ vẫn sẽ là hướng đi chính, là phương án khả thi của trật tự thế giới trong tương lai với cấu trúc “lưỡng siêu, đa cường”  với hai siêu cường Trung Quốc, Mỹ và các cường quốc như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Ôxtrâylia, Đức, Pháp, Italia... cùng tham gia vào định hình hệ thống quyền lực và trật tự toàn cầu.

Thứ ba, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt, quá trình chuyển dịch quyền lực tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong nền kinh tế, chính trị, an ninh toàn cầu. Trong đó, quá trình dịch chuyển diễn ra mạnh mẽ từ Tây sang Đông (có thể quan niệm từ phương Tây, tức các nước phát triển, sang phương Đông, hàm nghĩa các nước mới nổi); từ Bắc xuống Nam (tức từ Bắc bán cầu - nơi tập trung những nền kinh tế phát triển ở Tây Âu, Bắc Mỹ xuống Nam bán cầu - nơi có nhiều nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ).

Quá trình dịch chuyển đó làm thay đổi tương quan sức mạnh giữa các quốc gia và góp phần hình thành rõ hơn các trung tâm quyền lực mới. Trong đó, thực tế đã cho thấy, Mỹ không còn là quốc gia duy nhất có khả năng định hình trật tự thế giới, các nước lớn khác đang tích cực củng cố vai trò dẫn dắt ở khu vực và mở rộng ảnh hưởng ở cấp độ toàn cầu thông qua hệ thống thể chế đa phương mới. Một số cường quốc tầm trung cũng tập hợp các nước vừa và nhỏ, tiến tới hình thành các trung tâm quyền lực mới nổi, mặc dù quy mô và tầm ảnh hưởng nhỏ hơn. Trung Quốc, Ấn Độ đã và đang khẳng định vị trí trung tâm quyền lực mới của thế giới.

Thứ tư, cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục trở thành yếu tố bao trùm lên môi trường quan hệ quốc tế trong thời gian tới, sẽ tạo ra những biến đổi sâu sắc chưa từng có tiền lệ, tiềm ẩn nguy cơ xung đột cục bộ hoặc xung đột lĩnh vực rất cao.

Quan hệ nước lớn đan xen giữa cạnh tranh ở những lĩnh vực chiến lược và hợp tác ở một số lĩnh vực cụ thể có chia sẻ lợi ích. Trong những năm gần đây, mặt cạnh tranh, đối đầu có phần nổi trội hơn. Cạnh tranh trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị - an ninh, ngoại giao, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, nguồn nhân lực, tiền tệ...

Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc là nhân tố quyết định đến cục diện thế giới và quan hệ nước lớn thời gian qua và trong giai đoạn tới đây(2). Sự cạnh tranh này sẽ tạo nên những thay đổi căn bản, xáo trộn lớn ở tất cả các phương diện của đời sống thế giới, kể cả trong trường hợp hai nước Mỹ, Trung Quốc “ngồi lại” với nhau cũng không thể kết thúc được sự xung đột, mâu thuẫn về chiến lược. Bởi Mỹ muốn duy trì vị trí số một thế giới, thiết lập trật tự “một cực” do Mỹ dẫn dắt, còn Trung Quốc là nhân tố thách thức vị trí hiện nay của Mỹ.

Bên cạnh đó, nhiều cặp quan hệ nước lớn khác cũng xuất hiện hoặc gia tăng căng thẳng, rạn nứt, như quan hệ Mỹ - Nga, NATO - Nga, Ôxtrâylia - Trung Quốc, Trung Quốc - Ấn Độ, Trung Quốc - EU...

Thứ năm, trong không gian cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, một số xu thế lớn được đẩy nhanh, nổi bật là:

(1) Sự hoài nghi về toàn cầu hóa vốn đã tồn tại âm ỉ, nay được đẩy mạnh hơn trong những năm vừa qua dưới tác động của chủ nghĩa dân tộc, dân túy, chủ nghĩa bảo hộ và đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu thế khách quan của thế giới, nhưng một số khía cạnh, một số thời điểm có thể bị đảo ngược (chứ không phải là “không bị đảo ngược” như nhận thức ở giai đoạn trước).

Bản chất của nền kinh tế thế giới đòi hỏi sự phụ thuộc lẫn nhau, phân công lao động quốc tế; con người cũng luôn hướng tới nhu cầu kết nối, giao lưu, đi lại... Tuy nhiên, những mặt trái của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã bộc lộ rõ nét hơn, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong thời gian tới, quá trình này sẽ điều chỉnh theo hướng cân bằng giữa tự do hóa, mở cửa với tự cường; cân bằng giữa hội nhập sâu rộng, toàn diện với tự chủ chiến lược; cân bằng giữa tham gia cuộc chơi chung với nâng cao khả năng chống chịu bên trong. Tính bền vững, bao trùm được quan tâm hơn; chuyển đổi số và kinh tế số trở thành xu thế lớn; tiến trình khu vực hóa được đẩy nhanh hơn.

(2) Cùng với toàn cầu hóa, luật pháp quốc tế cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi luật chơi và các thiết chế luật pháp quốc tế đã định hình từ trước bị một số nước xem nhẹ, bỏ qua. Lợi ích quốc gia (có thể là lợi ích chính đáng hoặc không chính đáng) là động cơ thôi thúc một số nước thúc đẩy chính trị cường quyền, chủ nghĩa bá quyền trong quan hệ với các chủ thể khác. Một số nước có vị thế sẵn sàng vi phạm luật pháp quốc tế, đẩy các khu vực, quốc gia đến nguy cơ xung đột, mâu thuẫn.

(3) Toàn cầu hóa đẩy mạnh hội nhập và liên kết quốc tế, nhưng mặt khác, toàn cầu hóa cũng tạo ra tình thế “kẻ thắng, người thua”, tạo điều kiện cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa thực dụng phát triển. Đồng thời, một trong những xu thế không thuận trong giai đoạn hiện nay đã được Đại hội XIII của Đảng chỉ ra, đó là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Năng lực quản trị kém hiệu quả ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu đã dẫn đến mâu thuẫn, khủng hoảng xã hội và sự nổi dậy của một số phong trào cực đoan(3).

Cạnh tranh nước lớn gia tăng gây sức ép trực tiếp lên các chủ thể yếu hơn, các nước nhỏ sẽ đứng trước sức ép trở nên phụ thuộc vào một nước lớn hoặc bị kẹt giữa nhiều nước lớn hoặc “buộc phải chọn bên”.

(4) Đại dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái, thậm chí, một số chuyên gia nhận định rằng, đây là cuộc khủng hoảng sâu nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và rộng nhất kể từ năm 1870(4). Có nhiều kịch bản về triển vọng phục hồi kinh tế được đưa ra, như mô hình chữ V (tăng trưởng mạnh mẽ sau suy thoái), chữ U (suy thoái dài rồi mới tăng trưởng trở lại), hay chữ N (tăng trưởng rồi lại suy giảm)(5). Trên thực tế, mô hình chữ K thể hiện rõ nhất tình hình xảy ra trong thời gian gần đây. Theo đó, các nền kinh tế suy giảm theo chiều thẳng đứng, nối tiếp là hai hướng diễn biến đối lập, một nhóm phục hồi tích cực, còn một nhóm tiếp tục suy giảm mạnh, tùy thuộc vào khả năng chống chịu và thích nghi với đại dịch. Dự báo, từ năm 2022, các nước phát triển sẽ có thể khôi phục quy mô kinh tế như trước đại dịch Covid-19, trong khi các nước đang phát triển phải đến năm 2024 mới có thể đạt được điều này.

(5) Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn kéo dài, hầu hết các nước đã lựa chọn phương án sống chung với dịch bệnh, nới lỏng giãn cách và khôi phục phát triển kinh tế, “vừa làm, vừa chống dịch”. Trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng phục hồi, nhưng nợ công và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, lạm phát, bất bình đẳng trong xã hội do tác động từ khó khăn kinh tế có chiều hướng gia tăng(6).

(6) Hệ thống sản xuất và phân phối toàn cầu sẽ phân rã mạnh mẽ. Mỹ và các nước tư bản quyết tâm “ly khai khỏi nền kinh tế Trung Quốc”, thúc đẩy mạnh việc tạo lập chuỗi cung ứng mới, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đã bắt đầu từ năm 2019 khi cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trở nên căng thẳng và gia tăng mạnh mẽ sau khi đại dịch Covid-19 bộc lộ tính chất “dễ tổn thương” của các nền kinh tế nếu phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, khiến nhiều quốc gia và doanh nghiệp nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng(7).

 Bên cạnh Mỹ và các nước lớn, nhiều quốc gia tầm trung đã triển khai một số sáng kiến nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ hoặc Trung Quốc(8). Để đáp trả, Trung Quốc đã triển khai chiến lược “vòng tuần hoàn kép”, xây dựng “vòng tuần hoàn bên trong” để thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu dùng nội địa, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và “vòng tuần hoàn bên ngoài” để cấu trúc lại hệ thống các đối tác toàn cầu nhằm bảo đảm sự ổn định của nguồn cung nguyên - nhiên liệu, sự ổn định của thị trường tiêu thụ.

2. Đối sách của Việt Nam

Một là, Việt Nam cần thực hiện linh hoạt chính sách “cân bằng động” trong quan hệ với các nước lớn. Việc quan hệ Trung Quốc - Mỹ gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng thời gian qua là tâm điểm của đời sống kinh tế - chính trị thế giới. Nhưng tới thời điểm hiện tại, cặp quan hệ này chưa đến mức đối đầu (có thể có đột biến trong trung hạn, phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024 - cuộc bầu cử được dự đoán là sẽ tái diễn cuộc cạnh tranh gay gắt giữa ông D.Trump và ông J.Biden). Hai siêu cường quốc đang tăng cường hợp tác, tuy nhiên chưa đến mức có sự thỏa hiệp về chiến lược.

Có thể khẳng định, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc  sẽ vẫn kéo dài ở nhiều cấp độ khác nhau, dù hai bên có thể ngồi vào đàm phán. Đây là tiền đề tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, nhất là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và từ chính Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để duy trì môi trường bên ngoài hòa bình, ổn định, thực hiện hiệu quả chính sách cân bằng nước lớn trong lĩnh vực kinh tế, lấy quan hệ với Trung Quốc để tăng thêm thế trong xử lý quan hệ với Mỹ và ngược lại.

Tuy nhiên, nếu căng thẳng Mỹ - Trung Quốc tiếp tục gia tăng, Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện đường lối độc lập tự chủ, giữ thế cân bằng trong quan hệ kinh tế với cả Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù tương quan lực lượng Mỹ - Trung Quốc thời gian qua đang diễn biến có phần nghiêng về Mỹ, sự chủ động thuộc về phía Mỹ, song tương lai quan hệ Mỹ - Trung Quốc còn phụ thuộc vào nhiều biến số và ẩn số chưa thể lường trước. Việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách theo hướng tự tin, thách thức Mỹ một cách trực diện hơn tạo ra nhiều hệ lụy đối với Việt Nam. Bởi hiện nay, Mỹ là cường quốc duy nhất có đủ khả năng ngăn ngừa Trung Quốc áp đặt bá quyền khu vực. Khả năng Trung Quốc có những bước đi quyết liệt hơn, ảnh hưởng tới nguyên trạng khu vực Biển Đông là điều phải lường trước. Điều quan trọng là, dù hình thái quan hệ Mỹ - Trung Quốc như thế nào, thì Việt Nam cũng là một trong những nước bị tác động nhiều nhất.

Do đó, hình thái quan hệ Mỹ - Trung Quốc tốt nhất đối với chúng ta sẽ là  Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh chiến lược trong hòa bình, không dẫn đến một trong hai thái cực đối đầu hay thỏa hiệp. Tuy nhiên, hình thái quan hệ và tương quan lực lượng Mỹ - Trung Quốc ra sao nằm ngoài khả năng phán đoán của chúng ta. Việt Nam chỉ có thể tự điều chỉnh chính sách, chuẩn bị để ứng phó với các kịch bản khác nhau nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia, hạn chế tối thiểu những tác động bất lợi.

Lịch sử đối ngoại của Việt Nam cho thấy, căn cứ vị trí địa - chiến lược đặc thù của Việt Nam, đối sách hợp lý nhất của chúng ta trong quan hệ với các nước lớn là chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, đồng thời thực hiện linh hoạt chính sách “cân bằng động” trong quan hệ với các nước lớn. Nếu nghiêng hẳn về một nước lớn, có nghĩa là giá trị chiến lược của chúng ta trong toan tính của các nước lớn khác sẽ không còn, thậm chí gây ra phản ứng cực đoan nếu hai nước lớn là đối thủ chiến lược.

Là nước nhỏ nằm sát với Trung Quốc, Việt Nam không thể lựa chọn một chính sách đối ngoại mang tính đối đầu với Trung Quốc hoặc tham gia vào các tập hợp lực lượng nhằm kiềm chế Trung Quốc một cách công khai, trực diện.

Tuy nhiên, trong một số tình huống nhất định, như khi xảy ra chiến tranh, xung đột trực tiếp hay gián tiếp giữa các nước lớn, với vị trí địa - chiến lược của mình, Việt Nam sẽ có thể bị đẩy vào thế khó nếu vẫn muốn kiên trì chính sách “cân bằng động”. Khi đó, Việt Nam cần tỉnh táo đánh giá, dự báo về cục diện để có những quyết sách ứng phó phù hợp nhất, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc. Tương tự, nếu xảy ra xung đột từ các tranh chấp biển, đảo, chúng ta cần có những chính sách ưu tiên nhằm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của Việt Nam.

Hai là, trong xử lý quan hệ với hai nước lớn Mỹ - Trung Quốc, chúng ta phải giải quyết hài hòa cặp mâu thuẫn giữa nhu cầu gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển với việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và mâu thuẫn về mặt “đối tác” và “đối tượng” của hai nước.

Thực tế cho thấy, lợi ích chiến lược của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu quan hệ của Việt Nam với hai nước lớn này xấu đi. Trong quá trình thúc đẩy hợp tác chiến lược với cả hai nước, chúng ta vẫn phải luôn tỉnh táo, cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng các đối sách hợp lý và ứng phó với từng kịch bản của quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Ba là, Việt Nam cần mở rộng, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước. Với Hàn Quốc, cần xem xét vấn đề nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, triển khai nhiều hoạt động hợp tác giữa hai nước trong năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Trong quan hệ với Nhật Bản, đây là quan hệ có lợi ích lớn của Việt Nam, tuy nhiên, thời gian qua có phần chững lại. Vì vậy, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy để đưa quan hệ song phương phát triển đúng tiềm năng. Cần đặc biệt chú ý, chủ động đánh giá và thúc đẩy quan hệ với Nga, Ấn Độ trong thời gian tới. Riêng Nga, cần phải kết nối đưa mối quan hệ “trở lại” đúng tầm.

Chúng ta cần chủ động thúc đẩy dùng quan hệ với nước lớn này để tác động quan hệ với nước lớn kia, tránh rơi vào tình trạng căng thẳng với cả hai nước lớn cùng lúc. Chúng ta cũng phải đặc biệt coi trọng quan hệ với ASEAN, đóng góp tích cực và phát huy vai trò lớn hơn trong việc đưa ASEAN trở thành một tổ chức khu vực thống nhất, liên kết chặt chẽ hơn về chính trị và kinh tế, đồng thời thắt chặt quan hệ với các cường quốc ở các khu vực khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, EU để tạo thế cân bằng chiến lược trong quan hệ với các nước lớn.

Bốn là, về quan hệ với Mỹ: Thời gian qua, bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc gia tăng và nhu cầu củng cố quyền lực của Mỹ tự đưa đến những thay đổi tích cực trong quan điểm hợp tác của Mỹ với Việt Nam. Nói cách khác, quan hệ Việt Nam - Mỹ vẫn sẽ phát triển quan hệ ở tầm chiến lược, vì Việt Nam quan trọng trong chính sách của Mỹ. Vì vậy, thời điểm hiện nay, dù chưa nâng cấp quan hệ với Mỹ thì xu hướng phát triển tốt đẹp hơn của quan hệ Việt Nam - Mỹ vẫn được bảo đảm.

Việt Nam cần tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế với Mỹ, có thể xem xét và chủ động đề xuất với Mỹ đàm phán, ký kết một Hiệp định thương mại tự do song phương thế hệ mới, thay thế cho Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ năm 2001, tạo nền tảng cho hợp tác “thuần túy về kinh tế” một cách thực chất. Bên cạnh đó, đề xuất đàm phán, ký kết một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và Mỹ sẽ phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Một FTA song phương, minh bạch về chính sách sẽ bảo đảm vững chắc về lợi ích kinh tế lâu dài trong hợp tác với Mỹ, vừa bảo đảm sự hài hòa và thế cân bằng trong quan hệ với các nước lớn khác, tránh cho Việt Nam rơi vào “thế kẹt” trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Việt Nam cần tận dụng không gian thuận lợi của quan hệ Việt Nam - Mỹ hiện nay để thúc đẩy viện trợ của Mỹ. Hiện Mỹ rất chú trọng thúc đẩy viện trợ cho Việt Nam để gia tăng ảnh hưởng toàn diện. Cho nên, cần thúc đẩy viện trợ công nghệ cao trong một số lĩnh vực, như y tế, giáo dục, năng lượng sạch; thúc đẩy viện trợ của Mỹ để tiếp tục giải quyết những ảnh hưởng còn tồn đọng của chiến tranh, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, cần chú ý không khuyến khích, không tạo điều kiện (kể cả qua kênh chính phủ hay qua các tổ chức phi chính phủ - NGO) viện trợ cho những dự án dân sinh ở những địa bàn trọng điểm, nhạy cảm về chính trị (như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ...).

Mặt khác, cần nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá toàn diện, khách quan về kịch bản “cách mạng màu” tại Việt Nam. Vì thế, cần đánh giá toàn diện các công cụ văn hóa, tư tưởng mà Mỹ đang sử dụng để tương tác vào chính trị. Mặc dù ở cấp độ chiến lược, Mỹ không sử dụng các công cụ này thường xuyên như các công cụ kinh tế, quân sự, nhưng không có nghĩa là không sử dụng.

Trên thực tế, thông qua các công cụ ngoại giao công chúng, hoạt động của Cơ quan Phát triển hợp tác quốc tế (USAID) và thông qua các NGO, Mỹ đã không ngừng truyền bá, tác động vào tư tưởng, văn hóa của Việt Nam. Thời gian qua Mỹ đã khéo léo hơn, không trực diện đề cập mục tiêu “tạo ra chuyển hóa” hay “diễn biến” chính trị tại Việt Nam trong tất cả các diễn đàn, văn kiện. Mỹ lồng ghép tuyên truyền tư tưởng, văn hóa và tác động đến đến lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của chúng ta thông qua những kênh khác nhau, khó nhận diện, khó đối phó hơn, dưới danh nghĩa “cá nhân” hay những lực lượng chính trị hình thức “không liên quan đến Mỹ”, sử dụng tối đa ưu thế mạng xã hội và công cụ truyền thông hiện đại đánh vào công tác tư tưởng, văn hóa của chúng ta. Vì vậy, cần phải có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về khía cạnh này.

_________________

Ngày nhận bài: 30-7-2022; Ngày bình duyệt: 2-8-2022; Ngày duyệt đăng: 22-8-2022.

(1) International Monetary Fund: Fault Lines Widen in the Global Recovery. Xem tại:  https://www.imf.

org/en/Publications/WEO/Issues/2021/07/27/world-economic-outlook-update-july-2021, truy cập ngày 11-11-2021.

(2) Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược và thách thức địa - chính trị lớn nhất của thế kỷ 21. Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại ngày 3-2-2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken coi quan hệ với Trung Quốc là “phép thử địa chính trị lớn nhất thế kỷ XXI, Trung Quốc là thách thức nghiêm trọng về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ”. Trung Quốc cũng thi hành chính sách quyết đoán để “phục hưng” đất nước và không ngần ngại cạnh tranh trực tiếp với Mỹ (Antony J. Blinken: “A Foreign Policy for the American People”).

(3) Đại dịch Covid-19 làm bùng lên làn sóng biểu tình chống chính phủ và chủ nghĩa dân tộc vắcxin trên khắp thế giới.

(4) Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới về kinh tế toàn cầu công bố vào tháng 6-2020, Ngân hàng Thế giới đánh giá kinh tế thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng sâu nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và suy giảm sản lượng bình quân đầu người rộng nhất kể từ năm 1870 (World Bank: “Global Economic Prospects”, 2020).

(5) David Rodeck: “Alphabet Soup: Understanding the Shape of a Covid-19 Recession”, 2020.

(6) IMF: Báo cáo kinh tế thế giới, tháng 10-2021.

(7) Các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Đức... đều lên kế hoạch rút chuỗi sản xuất từ Trung Quốc về nước hoặc chuyển sang khu vực Đông Nam Á.

(8) Trong phiên điều trần trước Quốc hội Ôxtrâylia tháng 3-2021, Bộ Ngoại giao Ôxtrâylia cho biết, “Giá trị thương mại của Ôxtrâylia với Trung Quốc đối với hầu hết các ngành công nghiệp đã giảm mạnh (40%) kể từ khi tranh chấp thương mại giữa hai nước gia tăng” (Matthew Doran: “Most Australian trade with China has plummeted 40 per cent amid tensions”, DFAT reveals, 2021).

PGS, TS PHẠM QUỐC THÀNH

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,

Đại học Quốc gia Hà Nội