Bài học về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ cải cách, mở cửa

25/10/2021 15:59

(LLCT) - Từ khi cải cách mở cửa (1978) đến nay, Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc đã tìm tòi, phát triển hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc, lãnh đạo nhân dân giành nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng CNXH. Bài viết phân tích những bài học kinh nghiệm chủ yếu về sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc trong xây dựng CNXH thời kỳ cải cách mở cửa, đó là: xây dựng CNXH phải dựa vào nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân; xác định bước đi một cách hợp lý; có quan điểm lịch sử cụ thể trong vận dụng chủ nghĩa Mác; giữ vững “giới hạn” trong cải cách mở cửa; sự lãnh đạo của ĐCS có vai trò quyết định sự thành công.

Bài học về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ cải cách, mở cửa

Buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trước những thay đổi của tình hình thế giới và trong nước, nhất là khó khăn, thách thức trong xây dựng CNXH, Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (12-1978), ĐCS Trung Quốc đã quyết định tiến hành công cuộc cải cách mở cửa. Qua hơn 40 năm thực hiện, Trung Quốc đã giành được những thắng lợi to lớn, có tính bước ngoặt trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại... Tổng kết quá trình lãnh đạo đó, có thể khái quát những bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:

Một là, xây dựng CNXH phải kiên trì dựa vào nhân dân, vì nhân dân. Chủ nghĩa Mác nêu rõ, quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử; phong trào cách mạng vô sản khác với tất cả các phong trào trước đó vì: “Tất cả những phong trào lịch sử, từ trước đến nay, đều là do thiểu số thực hiện, hoặc đều mưu lợi ích cho thiểu số. Phong trào vô sản là phong trào độc lập của khối đại đa số, mưu lợi ích cho khối đa số”(1). Trong thời kỳ cải cách mở cửa, ĐCS Trung Quốc luôn chủ trương quần chúng nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ thể thụ hưởng các thành quả của xây dựng CNXH. Lý luận về “ba điều có lợi” do thế hệ lãnh đạo thứ hai của ĐCS Trung Quốc, đứng đầu là Đặng Tiểu Bình khái quát xét đến cùng chính là nâng cao mức sống của nhân dân(2). Tư tưởng quan trọng “ba đại diện” do thế hệ lãnh đạo thứ ba ĐCS Trung Quốc, đứng đầu là Giang Trạch Dân, mấu chốt cũng là đại diện cho lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân(3). “Quan điểm phát triển khoa học” do thế hệ lãnh đạo thứ tư ĐCS Trung Quốc, đứng đầu là Hồ Cẩm Đào khái quát, tựu trung lại ở ý tưởng “lấy con người làm gốc”(4). Đại hội XIX (2017), với việc xác lập tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, Tập Cận Bình cũng tiếp tục khẳng định quan điểm: “kiên trì địa vị chủ thể của nhân dân,... thực hành tôn chỉ căn bản hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, quán triệt đường lối quần chúng của Đảng trong toàn bộ hoạt động quản lý và điều hành đất nước, coi mong ước về cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân là mục tiêu phấn đấu, dựa vào nhân dân để làm nên sự nghiệp lịch sử vĩ đại”(5).

Mô hình CNXH đặc sắc Trung Quốc thường xuyên có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển, nhưng mục tiêu nhất quán, xuyên suốt là “mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Trung Quốc”. Mục tiêu ấy cũng phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về giải phóng con người. Từ đó có thể rút ra bài học, CNXH là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, xây dựng CNXH phải dựa vào nhân dân, phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Mục tiêu đó phù hợp với quy luật phát triển khách quan, lợi ích, mong muốn của đa số nhân dân lao động chứ không phải của một nhóm cá nhân nào, chỉ khi đó mới lôi kéo, tập hợp được các tầng lớp nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp để xây dựng thành công CNXH. Đúng như tổng kết trong Cương lĩnh chung của ĐCS Trung Quốc được Đại hội XIX (2017) thông qua: “Bất cứ lúc nào Đảng cũng đều đặt lợi ích của quần chúng lên trên hết, đồng cam cộng khổ, giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng, kiên trì dùng quyền lực vì dân, gắn tình cảm với dân, mưu cầu lợi ích cho dân, không cho phép bất cứ đảng viên nào xa rời quần chúng, đứng trên quần chúng. Ưu thế chính trị lớn nhất của Đảng là liên hệ mật thiết với quần chúng, nguy cơ lớn nhất của Đảng sau khi cầm quyền là xa rời quần chúng”(6).

Hai là, kiên định quan điểm phân kỳ về thời gian, bước đi trong xây dựng CNXH một cách hợp lý. CNXH khoa học giai đoạn của C.Mác, Ph.Ăngghen mới dừng lại ở lý luận về hai giai đoạn của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn thấp và giai đoạn cao trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gotha). Tuy nhiên, thực tế các nước đi theo con đường XHCN trước đây không nhận thức đầy đủ về đặc điểm, tính chất khó khăn, lâu dài của thời kỳ quá độ. Đã có những biểu hiện rất rõ của việc cố gắng - một cách duy ý chí, dùng những biện pháp hành chính nhằm xóa bỏ một số quy luật có tính tất yếu khách quan trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó dẫn tới khủng hoảng của hệ thống CNXH hiện thực thế giới.

ĐCS Trung Quốc quan tâm và ngày càng nhận thức rõ hơn về sự phân kỳ và xác định bước đi phù hợp trong xây dựng CNXH. Khi mới bước vào công cuộc cải cách mở cửa, tháng 6-1981, trong Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử đảng từ khi lập nước đến nay được Hội nghị Trung ương 6 khóa XI thông qua đã khẳng định, Trung Quốc còn đang ở giai đoạn đầu của CNXH. Đến Đại hội XIII (10-1987), Trung Quốc đã làm rõ hơn về “giai đoạn đầu” với những nội dung cơ bản như: Thứ nhất, xã hội Trung Quốc hiện nay đang là xã hội XHCN, phải giữ vững và không được xa rời; Thứ hai, xã hội XHCN của Trung Quốc còn đang ở giai đoạn đầu, phải xuất phát từ thực tế, không được bỏ qua giai đoạn. Vì Trung Quốc xây dựng CNXH trong điều kiện lực lượng sản xuất lạc hậu, kinh tế hàng hóa chưa phát triển nên phải trải qua một thời kỳ lịch sử đặc biệt của giai đoạn đầu của CNXH, tối thiểu phải hơn một trăm năm(7).

Cương lĩnh chung của ĐCS Trung Quốc xác định: “Nước ta đang và sẽ còn trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội trong một thời gian dài nữa. Đây là giai đoạn lịch sử không thể bỏ qua ở Trung Quốc, một nước vốn xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa trên một nền tảng kinh tế - văn hóa lạc hậu, phải cần thời gian hàng trăm năm”(8). Để xác định lộ trình phát triển đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu Trung Quốc trở thành “cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, văn minh, hài hòa, tươi đẹp”, ĐCS Trung Quốc chia làm các giai đoạn phát triển nhỏ, mỗi giai đoạn có mục tiêu, nhiệm vụ khác nhau. Giai đoạn từ Đại hội XIX đến Đại hội XX (2017-2021), Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành “xây dựng xã hội khá giả toàn diện”. Giai đoạn sau Đại hội XX đến năm 2035, Trung Quốc đưa ra mục tiêu: “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”, với các đặc trưng: “thực lực kinh tế, thực lực khoa học kỹ thuật có bước nhảy vọt lớn, được xếp vào tốp đầu các quốc gia loại hình sáng tạo; quyền tham gia bình đẳng, phát triển bình đẳng của nhân dân được bảo đảm đầy đủ, cơ bản xây dựng thành công nhà nước pháp quyền...”(9). Đến giữa thế kỷ XXI, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc XHCN hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp, văn minh vật chất, văn minh chính trị, văn minh tinh thần, văn minh xã hội, văn minh sinh thái được nâng cao toàn diện.

Như vậy, CNXH là mô hình xã hội hoàn toàn mới, không có kinh nghiệm đi trước, xây dựng CNXH là một quá trình lâu dài, phải thực hiện từng bước, tránh tư tưởng chủ quan, nôn nóng. Trong chặng đường dài đó, cần chia làm nhiều giai đoạn nhỏ, mỗi giai đoạn có mục tiêu, biện pháp phù hợp.

Ba là, có quan điểm lịch sử cụ thể trong vận dụng chủ nghĩa Mác về xây dựng CNXH phù hợp với bối cảnh cụ thể Trung Quốc và thời đại. Quan điểm lịch sử cụ thể được biểu hiện ở chỗ, ở từng không gian, thời gian cụ thể, việc vận dụng những nguyên lý của CNXH khoa học cũng có tính cụ thể. Tổng kết kinh nghiệm 20 năm cải cách mở cửa, ĐCS Trung Quốc cho rằng, trước đây việc nhận thức về đặc trưng của CNXH thường chỉ nhấn mạnh quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng, mà coi nhẹ phát triển lực lượng sản xuất. Nhận thức đó đã làm cho Trung Quốc không phát triển được. Bước vào cải cách mở cửa, một trong những điểm đột phá nhận thức lý luận là coi phát triển sức sản xuất là bản chất, nhiệm vụ tất yếu của CNXH. Các nhà lý luận của ĐCS Trung Quốc coi đây là: “tư tưởng hoàn toàn mới trong lịch sử chủ nghĩa Mác, là một khám phá mới về mặt lý luận mácxít về chủ nghĩa xã hội”(10).

Các nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác gồm cả nguyên lý có tính phương pháp luận và nguyên lý lý luận trên từng lĩnh vực cụ thể. Về phương pháp luận có thể thấy, bất kỳ hệ thống lý luận nào cũng là sự phản ánh của hiện thực, có nguồn gốc sâu xa từ thực tiễn. Mà hiện thực thì luôn vận động, biến đổi không ngừng, do vậy sẽ không có hệ thống lý luận nào tuyệt đối đúng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Bản thân các nhà kinh điển mácxít cũng khẳng định, lý luận của các ông không phải đã xong xuôi mà cần được phát triển cho phù hợp với tình hình thực tế: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt”(11). Như vậy, kết hợp các giá trị phổ biến của chủ nghĩa Mác với tính đặc thù của mỗi quốc gia, dân tộc là một nguyên tắc quan trọng trong xây dựng CNXH. ĐCS Trung Quốc nhận thức sâu sắc rằng, thực tiễn luôn luôn thay đổi do đó lý luận cũng không ngừng thay đổi; phải kiên trì giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, tiến cùng thời đại, phải không ngừng: “nghiên cứu tình hình mới, tổng kết kinh nghiệm mới, giải quyết vấn đề mới, làm phong phú và phát triển chủ nghĩa Mác trong thực tiễn...”(12). Phát triển lý luận dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác, thành quả văn minh nhân loại, và tình hình cụ thể Trung Quốc, từ đó làm phong phú CNXH khoa học.

Thực tế phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cho thấy, đã có lúc các đảng cộng sản áp dụng máy móc, giáo điều chủ nghĩa Mác đã dẫn đến những sai lầm trong thực tế. Biểu hiện của nhận thức giáo điều là không xuất phát từ điều kiện cụ thể của đất nước và thời đại để vận dụng chủ nghĩa Mác cho phù hợp, mà trái lại, xuất phát từ mong muốn chủ quan của con người để diễn giải chủ nghĩa Mác. Bản chất của chủ nghĩa Mác là khoa học, cách mạng, sáng tạo thì đã có lúc người ta nhấn mạnh một mặt đó là tính cách mạng, từ đó dẫn đến nhận thức và hành động trong cải tạo tự nhiên, xã hội, con người theo khuynh hưởng “tả”. Trong bối cảnh hiện nay, kiên trì chủ nghĩa Mác, đồng thời từ thực tiễn đất nước và bối cảnh thời đại phải bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác cho phù hợp. ĐCS Trung Quốc tổng kết: “Đường lối tư tưởng của Đảng là tất cả xuất phát từ thực tế, lý luận gắn liền với thực tế, thực sự cầu thị, qua thực tiễn để kiểm nghiệm chân lý và phát triển chân lý”(13).

Từ đó có thể rút ra bài học, chủ nghĩa Mác là hệ thống lý luận mở, mang tính cách mạng, khoa học và sáng tạo; CNXH là một mô hình xã hội mới, trong quá trình xây dựng CNXH đòi hỏi các đảng cộng sản, đảng công nhân cũng không ngừng đổi mới, sáng tạo, tránh tư tưởng bảo thủ, trì trệ, rập khuôn, giáo điều, máy móc.

Bốn là, giữ vững các nguyên tắc trong cải cách mở cửa. Để giữ vững mục tiêu XHCN, ĐCS Trung Quốc đã đặt ra các nguyên tắc trong quá trình cải cách mở cửa. Về chính trị, những vấn đề nguy hại đến sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước XHCN, chế độ chính trị, lợi ích chính đáng của nhân dân thì phải kiên quyết phản đối. Về tư tưởng chỉ đạo, phải kiên trì địa vị hàng đầu của chủ nghĩa Mác. Mặc dù cải cách mở cửa, ĐCS Trung Quốc không ngừng sáng tạo ra các tư tưởng chỉ đạo mới, tuy nhiên sự sáng tạo đó không đánh mất vai trò kim chỉ nam của Đảng đó là chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng ba đại diện, quan điểm phát triển khoa học và CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình. Cải cách mở cửa phải giữ vững địa vị lãnh đạo của Đảng. Văn kiện Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc khẳng định, coi kiên trì sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi hoạt động là phương lược hàng đầu để phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc. Trước sau như một, giữ vững chế độ XHCN, kiên trì con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc, bảo vệ lợi ích của nhân dân: “Kiên quyết phản đối mọi lời nói và hành động làm suy yếu, bóp méo, phủ định sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa... kiên quyết phản đối mọi hành vi gây tổn hại lợi ích của nhân dân... kiên quyết bài trừ mọi thói hư, tật xấu... ”(14). Cương lĩnh chung của ĐCS Trung Quốc khẳng định: kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản (con đường XHCN, chuyên chính dân chủ nhân dân, sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc, chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông), đây được coi là “cái gốc lập nước”(15) không thể từ bỏ.

Năm là, sự lãnh đạo đúng đắn của ĐCS có vai trò quyết định với sự thành công trong xây dựng CNXH. Xây dựng CNXH do ĐCS lãnh đạo là một trong những nguyên tắc quan trọng trong cách mạng XHCN nói chung và xây dựng CNXH nói riêng. Tổng kết hơn 20 cải cách mở cửa, Đại hội XVI, ĐCS Trung Quốc (2002) rút ra bài học kinh nghiệm: “Chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể lãnh đạo nhân dân Trung Quốc giành được thắng lợi độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội, mới có thể mở ra con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, thực hiện chấn hưng dân tộc, làm giàu đất nước và nhân dân hạnh phúc”(16). Đại hội XVIII (2012) tổng kết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc là hạt nhân lãnh đạo của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc...”(17). Đại hội XIX (2017) khẳng định: “Lịch sử đã và sẽ tiếp tục chứng minh rằng, không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì sự nghiệp phục hưng dân tộc sẽ là không tưởng”(18).

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới đòi hỏi ĐCS Trung Quốc càng phải ý thức sâu sắc hơn vị trí tiên phong của mình, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh; là rường cột của dân tộc, cầm quyền theo chủ nghĩa Mác, toàn Đảng tự giác kiên trì nguyên tắc tính Đảng, không ngừng tăng cường năng lực lãnh đạo chính trị, dẫn dắt tư tưởng, tổ chức quần chúng, hiệu triệu xã hội.

Xây dựng CNXH là quá trình tự giác, để quá trình đó thành công, một trong những nhân tố quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn của ĐCS. Đảng phải có cương lĩnh chính trị, đường lối đúng đắn, thu hút được đông đảo đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia.

Trong giai đoạn cải cách mở cửa, thực tiễn cách mạng đã thúc đẩy ĐCS Trung Quốc tìm tòi, phát triển hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc. Lý luận đó là ngọn cờ tư tưởng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc nỗ lực phấn đấu giành những thành tựu to lớn trong xây dựng CNXH; đồng thời có giá trị tham khảo đối với các ĐCS khác trong lãnh đạo xây dựng đất nước.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2021

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.611.

(2) Ba điều có lợi: có lợi cho việc phát triển sức sản xuất XHCN, có lợi cho việc tăng cường quốc lực tổng hợp của nhà nước XHCN, có lợi cho việc nâng cao mức sống của nhân dân, làm tiêu chuẩn đánh giá nhận thức về CNXH. Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XV Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.23.

(3) Ba đại diện: ĐCS Trung Quốc đại diện cho yêu cầu phát triển sức sản xuất tiên tiến Trung Quốc; phương hướng phát triển, nền văn hóa tiên tiến Trung Quốc; lợi ích quảng đại quần chúng nhân dân Trung Quốc. Xem: Tề Kiến Quốc: Sáng tạo về lý luận của Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc và công tác xây dựng Đảng trong thế kỷ mới, in trong Những vấn đề lý luận của Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2003, tr.15.

(4), (5), (6), (8), (9), (12), (13), (14), (18) Tổng tập Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2019, tr.124, 37, 138, 126, 47, 138, 138, 30, 31.

(7), (10) Xem: Viện nghiên cứu lịch sử phát triển chủ nghĩa Mác, Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc: Lịch sử chủ nghĩa Mác, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.1100, 1164.

(11) V.I.Lênin: Toàn tập, t.4, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, tr.232.

(15), (17) Đảng Cộng sản Trung Quốc: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.113, 33-34.

(16) Đảng Cộng sản Trung Quốc: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.11.

TS PHẠM THỊ HOÀNG HÀ

TS NGUYỄN VĂN QUYẾT

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh