Phát triển tổng hợp vùng nông thôn góp phần giải quyết việc làm: Kinh nghiệm của một số quốc gia
(LLCT) - Để giải quyết vấn đề lao động việc làm vùng nông thôn, nhiều nước đã thực hiện đồng bộ các giải pháp khác nhau, trong đó, phát triển tổng hợp nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn là con đường cơ bản nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động dôi dư ở nông thôn. Bài viết đề cập kinh nghiệm phát triển công nghiệp ở nông thôn và phát triển tổng hợp vùng nông thôn của một số nước, qua đó rút ra một số gợi mở cho Việt Nam hiện nay.
Ảnh: Canh tác nông nghiệp tại Nhật Bản
Từ khóa: phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm, vùng nông thôn.
1. Chính sách phát triển tổng hợp nông thôn và phát triển công nghiệp vùng nông thôn ở Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Ấn Độ
Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Ấn Độ là các nước hết sức coi trọng phát triển công nghiệp ở nông thôn nhằm giải quyết việc làm. Nếu Ấn Độ là trường hợp điển hình về thực hiện chính sách phát triển tổng hợp nông thôn thì Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc là những nước điển hình về thúc đẩy phát triển công nghiệp ở vùng nông thôn nhằm góp phần giải quyết vấn đề lao động, việc làm vùng nông thôn.
a. Chính sách phát triển tổng hợp vùng nông thôn ở Ấn Độ
Ấn Độ là nước đông dân, cơ cấu xã hội đa dạng, cũng là nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa truyền thống. Kết quả điều tra dân số của Ấn Độ năm 2001 cho thấy, tổng dân số nước này là 1,027 tỷ người, trong đó dân số sống ở nông thôn chiếm 67,2%, dân số sống ở khu vực đô thị là 32,8%; trong số 67,2% dân số sống ở nông thôn thì độ tuổi lao động từ 15-25 chiếm 70,6% (1). Điều kiện tự nhiên của Ấn Độ tương đối thuận lợi, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên nông thôn và nông nghiệp Ấn Độ phát triển chậm, vấn đề giải quyết việc làm ở nông thôn ngày càng cấp bách. Nếu vào thập niên 80 của thế kỷ XX khu vực nông nghiệp có tác dụng nhất định trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thì từ thập niên 90 đến nay, nông nghiệp Ấn Độ phát triển chậm, không có đóng góp cho việc giải quyết việc làm vùng nông thôn(2), tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn khá lớn, đặt ra nhiều thách thức cho Ấn Độ trên con đường phát triển, nhất là lao động nông thôn di cư ra đô thị cũng như những bất ổn xã hội do tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn. Để tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động khu vực nông thôn, từ thập niên 70 thế kỷ XX đến nay, Ấn Độ đã ban hành và thực thi 19 chương trình, kế hoạch nhằm trực tiếp thúc đẩy việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, điển hình là:
- Chương trình phát triển tổng hợp vùng nông thôn. Năm 1976, Ấn Độ bắt đầu triển khai thí điểm Chương trình phát triển tổng hợp vùng nông thôn tại 2.300 khu vực trên cả nước; đến tháng 10-1980 mở rộng ra 5.011 khu vực trên cả nước. Mục đích của chương trình này là thông qua các phương thức như trợ cấp vốn, cho vay ưu đãi để góp phần làm cho nông dân nghèo vùng nông thôn có tư liệu sản xuất và kỹ năng lao động, qua đó cải thiện điều kiện sống, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Cơ quan thực thi chương trình này là Cục Phát triển quốc gia, bên dưới là phòng phát triển xã và tổ phát triển thôn. Nội dung chủ yếu của chương trình là: (i) trợ giúp và hỗ trợ vốn vay cho hộ gia đình nghèo và lao động nghèo ở nông thôn; cung ứng đầu vào cho hộ gia đình nghèo về giống, vật tư cũng như hướng dẫn kỹ thuật cho hộ gia đình nghèo. (ii) mở các trung tâm đào tạo nghề ở nông thôn nhằm đào tạo, bồi dưỡng nghề cho những người lao động không có đất sản xuất. Trên cơ sở đó, hỗ trợ mức độ nhất định về vốn và cho vay ưu đãi để những nông dân nghèo không có đất trồng trọt có thể chuyển sang lao động trong các lĩnh vực khác như ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ sáu, Ấn Độ đặt ra mục tiêu trợ giúp được 15 triệu hộ gia đình. Từ năm 1980-1981 đến năm 1993-1994, đã có 45 triệu nông dân nghèo Ấn Độ thụ hưởng lợi ích từ chương trình này(3).
- Chương trình đào tạo, bồi dưỡng và tự tạo việc làm của thanh niên nông thôn. Từ năm 1979, Ấn Độ đã thực hiện chương trình tự tạo việc làm của thanh niên nông thôn với mục đích cải thiện kỹ năng lao động truyền thống và trang bị kỹ năng cần thiết để thanh niên có thể tìm được việc làm, giúp cho thanh niên nghèo vùng nông thôn có thể tự khởi nghiệp trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của chương trình này là thanh niên từ 18-35 tuổi trong gia đình thuộc Chương trình mục tiêu phát triển tổng hợp nông thôn. Chương trình này quy định, mỗi gia đình nghèo thuộc Chương trình mục tiêu phát triển tổng hợp nông thôn chỉ có 01 thành viên tham gia, số lượng học viên là nữ phải chiếm 1/3. Chính phủ Ấn Độ đã huy động các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, chuyên gia và nghệ nhân uy tín tham gia đào tạo nghề cho thanh niên không có việc làm, giúp thanh niên thuộc hộ nghèo không có việc làm có thể tự tạo việc làm thông qua nhiều phương thức khác nhau, trong đó bao gồm khởi nghiệp trong các lĩnh vực có liên quan. Đào tạo, bồi dưỡng nghề cho thanh niên thuộc chương trình này bao gồm các phương diện: (i) trong lĩnh vực nông nghiệp, bồi dưỡng và hướng dẫn người học về chăn nuôi, tiếp thị sản phẩm nông nghiệp, làm vườn, cây cảnh, trồng hoa, nuôi cá...; (ii) trong lĩnh vực công nghiệp, đào tạo và bồi dưỡng cho người học về cách chế tạo, sản xuất một số sản phẩm công nghiệp; (iii) trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, đào tạo và bồi dưỡng cho người học về tiếp thị, sửa chữa, bao gói sản phẩm... Với kế hoạch 5 năm lần thứ sáu, Ấn Độ đã chi 50 triệu rupee cho chương trình này. Trong thời gian học, mỗi học viên được nhận trợ cấp 100 rupee một tháng. Sau khi tốt nghiệp, học viên có thể đến các cơ quan có liên quan để xin cấp giấy đăng ký kinh doanh và nhận các khoản cho vay ưu đãi của ngân hàng. Giai đoạn 1980-1985, Ấn Độ đã đào tạo nghề cho 940.000 thanh niên nông thôn, trong đó 47% đã có việc làm.
- Chương trình phát triển phụ nữ và thanh thiếu niên nhi đồng vùng nông thôn. Chương trình này được thực hiện thí điểm ở 50 huyện kém phát triển ở các bang của Ấn Độ bắt đầu từ tháng 9-1982. Chương trình này là một bộ phận đặc thù thuộc Chương trình phát triển tổng hợp nông thôn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của phụ nữ. Ấn Độ thực hiện chương trình này vì trong ba năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ sáu, phụ nữ và thiếu niên nhi đồng chưa được thụ hưởng lợi ích của Chương trình phát triển tổng hợp nông thôn. Đến năm 1990, chương trình này đã được thực hiện trên 191 huyện của Ấn Độ với hơn 48.000 phụ nữ được thụ hưởng.
- Chương trình bảo đảm việc làm cho lao động nông thôn không có đất canh tác. Chương trình được bắt đầu thực hiện từ tháng 8-1983. Ấn Độ thực hiện chương trình này vì những nông dân nghèo thất nghiệp không có đất canh tác, cần được sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể có việc làm. Mục đích chủ yếu của chương trình là: (i) cung cấp cơ hội việc làm cho người không có đất canh tác ở nông thôn; (ii) tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn để cải thiện điều kiện sản xuất vùng nông thôn. Các dự án thành phần của chương trình gồm: (i) phát triển đất canh tác ở vùng ven sông; (ii) xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; cung cấp cơ hội việc làm cho 01 thành viên trong gia đình không có đất canh tác và ưu tiên cho thành viên hộ gia đình là phụ nữ.
- Chương trình việc làm nông thôn toàn quốc. Từ năm 1977, Ấn Độ thực hiện Chương trình chuyển đổi việc làm trong lĩnh vực trồng trọt. Đến năm 1980, chương trình này được đổi tên thành “Chương trình việc làm nông thôn toàn quốc”. Tháng 4-1981, chương trình này được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia của Ấn Độ. Kinh phí thực hiện chương trình này do Chính phủ Trung ương và chính quyền bang cung cấp. Theo đó, Chính phủ Trung ương cung cấp 1/2 kinh phí, chính quyền địa phương cung cấp 1/2 kinh phí. Chương trình do cơ quan phát triển nông thôn cấp huyện chịu trách nhiệm thực thi. Chương trình này không chỉ cung cấp cơ hội việc làm cho nhiều lao động nông thôn mà còn góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn Ấn Độ. Chương trình có mục tiêu cung cấp 25% việc làm cho những nông dân thiếu đất sản xuất, 25% việc làm cho nông hộ nghèo nhất, 10% việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với người trong độ tuổi lao động thuộc diện nghèo, chương trình đặt mục tiêu một năm tạo cơ hội làm việc 100 ngày cho họ. Trong hai năm 1980-1981, chương trình tạo ra 210 triệu ngày làm việc, 480.000 ha đất canh tác, tiến hành cải tạo 950.000 ha đất nông nghiệp. Cũng trong hai năm này, Ấn Độ đã tiến hành xây dựng và sửa chữa 270.000 km đường giao thông, xây dựng 79.414 phòng học. Giai đoạn 1980-1985, chương trình đã cung cấp 1,7 tỷ ngày làm việc cho lao động nông thôn(4). Theo đánh giá của các chuyên gia, các chương trình phát triển nông thôn và giải quyết việc làm của Ấn Độ trong quá trình thực hiện vẫn còn một số thiếu sót, hạn chế, song ưu điểm và thành công vẫn là chủ yếu. Những chương trình này có tác dụng và ý nghĩa quan trọng trong phát triển nông thôn cũng như giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn Ấn Độ.
b. Chính sách định hướng phát triển công nghiệp ở vùng nông thôn của Chính phủ Nhật Bản
Để giải quyết vấn đề lao động việc làm vùng nông thôn, bên cạnh việc phát triển kinh tế phi nông nghiệp vùng nông thôn, tăng cường đào tạo nghề, đổi mới chính sách đất đai... Nhật Bản đặc biệt coi trọng phát triển công nghiệp ở vùng nông thôn. Vai trò của Nhà nước trong định hướng và thúc đẩy phát triển công nghiệp vùng nông thôn Nhật Bản thể hiện qua nhiều phương diện, trong đó chủ yếu gồm: Một là, Nhà nước thông qua chính sách, kế hoạch, quy hoạch để thúc đẩy ngành công nghiệp ở các thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Nagoya, Kyoto, Kobe, Kitakyushu, Yokosuka, Sapporo, Hokkaido, Okinawa, Fukuoka... phát triển lan tỏa về nông thôn. Hai là, Nhà nước thông qua tăng cường đầu tư phát triển sân bay, đường cao tốc, cảng biển cũng như hệ thống thông tin liên lạc ở nông thôn, từ đó cải thiện điều kiện sản xuất và môi trường đầu tư khu vực nông thôn, tăng cường sức thu hút của doanh nghiệp lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Ba là, hình thành và kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp nông thôn các cấp. Cục Chấn hưng địa phương thuộc Chính phủ Nhật Bản là cơ quan chịu trách nhiệm đề ra chiến lược và các biện pháp cụ thể về công nghiệp hóa nông thôn. Ở cấp tỉnh, sở doanh nghiệp vừa và nhỏ với chức năng xây dựng các chính sách cũng như điều tiết sự phát triển của doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa. Ở cấp huyện, phòng chấn hưng công thương, phòng tài chính công thương và phòng chấn hưng khoa học công nghệ thực hiện các kế hoạch về phát triển công nghiệp nông thôn ở địa phương. Bốn là, đưa ra các biện pháp khích lệ hiệu quả. Những biện pháp này bao gồm: (i) ban hành “Luật Tổ hợp điều tiết doanh nghiệp nhỏ và vừa” nhằm khích lệ sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cùng nhau mua sắm nguyên liệu, cùng nhau thành lập khu gia công, cùng nhau sử dụng công nghệ mới... để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển; (ii) tăng tỷ lệ khấu hao tài sản cố định của doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa không ngừng hiện đại hóa thiết bị sản xuất; (iii) thực hiện chính sách thuế khác nhau giữa doanh nghiệp nhỏ, vừa với doanh nghiệp lớn nhằm khích lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường tích lũy, tái sản xuất mở rộng. Chính phủ Nhật Bản quy định thuế suất thuế thu nhập của doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp hơn 12% so với doanh nghiệp lớn; (iv) thực hiện chính sách cho vay ưu đãi. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên xác nhận sẽ được nhận khoản vay từ các đơn vị tài chính của Nhà nước có mức lãi suất thấp hơn 1,6% so với ngân hàng thông thường. Những biện pháp này đã có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp hiện đại ở nông thôn Nhật Bản, qua đó góp phần giải quyết việc làm vùng nông thôn(5).
c. Chính sách định hướng và thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn ở Thái Lan
Để thúc đẩy công nghiệp ở các thành phố lớn phát triển lan tỏa về khu vực nông thôn, qua đó mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nông thôn, Chính phủ Thái Lan đã đề ra một loạt chính sách khác nhau, cụ thể: Một là, thực hiện chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp công nghiệp hiện đại thành lập và hoạt động ở nông thôn. Năm 1953, Cục Đầu tư của Chính phủ Thái Lan quy định, những doanh nghiệp xây dựng nhà máy bên ngoài phạm vi Thủ đô Bangkok 50 km sẽ được ưu đãi đặc biệt, như giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm; nhà máy nhỏ sử dụng dưới 10 nhân công không cần phải đăng ký, cũng không cần phải nộp thuế, nhà máy chế tạo quy mô nhỏ chỉ cần nộp 45% thuế thu nhập doanh nghiệp... Hai là, cung cấp các khoản vay ưu đãi. Chính phủ Thái Lan quy định việc thực hiện ưu tiên cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp chế biến nông sản và nhà máy sử dụng nguyên liệu nông nghiệp, đồng thời giảm lãi suất 1%. Từ năm 1976, Thái Lan bắt đầu dành 5% vốn cho vay dành cho đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn. Ngân hàng Nhà nước Thái Lan yêu cầu các ngân hàng thương mại dành tỷ lệ thích đáng vốn vay cho công nghiệp nông thôn, không được ít hơn 1,5%. Ngoài ra, từ năm 1976 đến nay, “Tổ chức tài chính công nghiệp nhỏ Thái Lan” cũng đã ưu tiên cho vay đối với doanh nghiệp công nghiệp hoạt động ở vùng nông thôn, vốn cho vay đối với doanh nghiệp công nghiệp ở vùng nông thôn chiếm khoảng 38% tổng số vốn cho vay của tổ chức này. Ba là, thúc đẩy “kế hoạch phân tán công nghiệp”. Kế hoạch 5 năm lần thứ tư của Thái Lan quyết định thành lập 9 khu công nghiệp, đặt ở các vùng khác nhau trên phạm vi toàn quốc. Việc thành lập các khu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp gia công nông sản và sử dụng nguyên liệu nông sản; điều tiết sự phát triển theo hướng cân bằng hơn giữa công nghiệp ở thành thị và công nghiệp ở nông thôn; thu hút lao động dôi dư ở nông thôn; phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ở nông thôn... Bốn là, triển khai đào tạo, bồi dưỡng về khoa học công nghệ nhằm cung ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp công nghiệp hoạt động ở nông thôn. Theo đó, Thái Lan có khoảng gần 200 tổ chức, đơn vị thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng về khoa học công nghệ cho lao động nông thôn, bình quân mỗi năm tuyển sinh từ 1.500 đến 5.000 người. Sau khi tốt nghiệp, căn cứ vào nhu cầu của các địa phương, các đơn vị thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng sẽ thay mặt học viên liên hệ để thu xếp việc làm. Năm là, tăng cường kết cấu hạ tầng nông thôn nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp ở nông thôn. Kế hoạch phát triển nông thôn trong dài hạn được Chính phủ Thái Lan ban hành năm 1975 chỉ rõ, để phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là công nghiệp ở nông thôn, từ năm 1975, mỗi năm Chính phủ phải dành mức đầu tư tối thiểu gần 250.000 baht cho việc phát triển kết cấu hạ tầng, như nguồn nước, điện, đường, cầu và các trường đại học về khoa học công nghệ(6). Những biện pháp này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển lan tỏa của công nghiệp ở đô thị về vùng nông thôn, qua đó góp phần giải quyết việc làm vùng nông thôn.
d. Chính sách định hướng và thúc đẩy phát triển của công nghiệp vùng nông thôn ở Hàn Quốc
Từ cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển công nghiệp vùng nông thôn nhằm hạn chế sự phát triển không cân bằng của công nghiệp ở thành thị so với nông thôn. Theo đó, năm 1968, Hàn Quốc đã ban hành “Luật Phát triển công nghiệp địa phương”, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp ở khu vực thành thị về vùng nông thôn. Trên cơ sở Luật này, đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã thành lập hơn 10 khu công nghiệp ở địa phương và có 650 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong các khu công nghiệp này. Đồng thời, để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp vùng nông thôn, Chính phủ đã ban hành và thực hiện kế hoạch công nghiệp hóa nông thôn. Trên cơ sở kế hoạch này, lúc đầu Hàn Quốc chủ trương, các hộ gia đình bên cạnh hoạt động nông nghiệp là chủ yếu, còn có nghề phụ liên quan đến công nghiệp. Đến khi Phong trào Làng mới được đẩy mạnh, Hàn Quốc đã tập trung phát triển các nhà máy ở các làng mới. Trong Phong trào Làng mới, để khích lệ doanh nghiệp công nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy ở làng mới, Chính phủ đã thực hiện chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế tài sản trong một năm; giảm 50% thuế tài sản trong ba năm sau đó; thực hiện chính sách cho vay ưu đãi cho doanh nghiệp. Năm 1984, Hàn Quốc thúc đẩy việc phát triển khu công nghiệp ở khu vực nông thôn, hạn chế phát triển công nghiệp trong các thành phố, đô thị lớn. Đến năm 1989, số lượng khu công nghiệp ở vùng nông thôn đã tăng lên 147 với 1.734 doanh nghiệp và nhà máy công nghiệp hoạt động bên trong. Những doanh nghiệp và nhà máy này đã giải quyết việc làm cho 257 nghìn lao động nông thôn. Đến năm 1993, Hàn Quốc đã xây dựng 350 khu công nghiệp ở vùng nông thôn với 4.500 doanh nghiệp và nhà máy hoạt động. Những doanh nghiệp và nhà máy này đã giải quyết việc làm cho 830 nghìn lao động nông thôn(7).
2. Một số gợi mở cho Việt Nam
Trong thời gian qua, thông qua nhiều biện pháp khác nhau, việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn còn tương đối cao. Tính đến quý II năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn là 1,73%. Đa phần những người thiếu việc làm hoạt động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 74,1% trong tổng số người thiếu việc làm)(8). Thất nghiệp và thiếu việc làm ở khu vực nông thôn và trong ngành nông nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và làm việc ở khu vực phi chính thức ngày càng tăng. Để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong bối cảnh mới ở nước ta hiện nay, con đường cơ bản và chủ yếu nhất vẫn là thông qua các phương thức khác nhau nhằm tạo việc làm tại chỗ, nhất là phát triển tổng hợp vùng nông thôn và có chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp ở vùng nông thôn.
Từ kinh nghiệm của các nước và thực tiễn nước ta, để góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, Đảng và Nhà nước cần quan tâm đúng mức một số vấn đề như:
(i) Coi trọng sự phát triển cân bằng cả nông thôn và thành thị trên cơ sở hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển nông thôn và phát triển kinh tế nông thôn; tăng cường sự đầu tư của nhà nước, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, phát triển nguồn nhân lực ở vùng nông thôn;
(ii) Có chính sách và thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù góp phần giải quyết vấn đề lao động, việc làm vùng nông thôn. Theo đó, bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả một số các chính sách, chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm vùng nông thôn, cần nghiên cứu ban hành một số chính sách đặc thù nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, như chính sách đào tạo, bồi dưỡng nghề và tự tạo việc làm của thanh niên nông thôn, chính sách giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho phụ nữ nông thôn, chính sách bảo đảm việc làm cho lao động nông thôn không có hoặc thiếu đất canh tác. Đặc biệt, cần nghiên cứu ban hành chương trình giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên phạm vi cả nước.
(iii) Định hướng và thúc đẩy phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Một số vấn đề cần quan tâm như: có chiến lược và quy hoạch phát triển phù hợp nhằm định hướng doanh nghiệp ở các thành thị phát triển lan tỏa về khu vực nông thôn; thực hiện chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp công nghiệp hiện đại thành lập và hoạt động ở nông thôn; cung cấp các khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp hoạt động ở khu vực nông thôn; tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp ở khu vực nông thôn. Đó cũng chính là thực thi chính sách tam nông: nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà Đảng và Nhà nước ta luôn coi là quốc sách hàng đầu.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2020
(1) Ravi, Srivastava: An Overview of Migration in India, Its Impacts and Key Issues, New Delhi, India, 2003, p.2.
(2) Brajish Jha: Economics Policies for Augmenting Rural Employment in India, New Delhi, India, p.3.
(3), (4) Tư Mã Quân: Ấn Độ tích cực giải quyết vấn đề việc làm vùng nông thôn, Tạp chí Kinh tế nông nghiệp thế giới, 1989, tr.12-14.
(5), (6) Lưu Truyền Triết và Chu Thành Danh: Công nghiệp hóa nông thôn - kinh nghiệm quốc tế và con đường của Trung Quốc, Nxb Nhân dân Cát Lâm, Trung Quốc, 1992, tr.28.
(7) Đinh Tĩnh: Công nghiệp hóa nông thôn: Phân tích kinh nghiệm của Hàn Quốc, Tạp chí Khoa học Xã hội Chiết Giang, Trung Quốc, 1986, số 6.
(8) Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí về tình hình lao động việc làm quý II năm 2020.
PGS, TS Nguyễn Quốc Dũng
Học viện Chính trị khu vực II