Tác động của nền kinh tế số đến các quốc gia dân tộc hiện nay

27/02/2020 16:43

(LLCT) Trong những năm gần đây, thuật ngữ nền kinh tế số được bàn luận sôi nổi và được nhìn nhận như là một đặc trưng kinh tế - công nghệ quan trọng nhất của Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới hiện nay. Nhận biết về nền kinh tế số và những tác động nhiều mặt của nó đối với các quốc gia dân tộc là rất quan trọng trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách phát triển của mỗi quốc gia trong thời kỳ mới. Bài viết này nêu lên một số đặc điểm chủ yếu của nền kinh tế số và phân tích, đánh giá những tác động của nó tới các quốc gia dân tộc trong môi trường quan hệ quốc tế ngày nay.

Tác động của nền kinh tế số đến các quốc gia dân tộc hiện nay

1. Đặc điểm của nền kinh tế số

Chúng ta đang bước vào thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với bản chất của nó là dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số, trong đó công nghệ số trở thành cầu nối giữa không gian mạng và không gian vật lý, giữa thế giới thực và ảo, hay nói cách khác, công nghệ số thực hiện nhiệm vụ số hóa thế giới thực. Về mặt khái niệm, tuy có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau nhưng đa số đều thống nhất cho rằng nền kinh tế số là nền kinh tế mà các hoạt động kinh tế được thực hiện dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), công nghệ internet, và các thiết bị điện tử kết nối, tạo ra một tập hợp các mối quan hệ tài chính và kinh tế trong hệ thống mạng lưới sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trên thị trường toàn cầu(1). Nói một cách khái quát, nền kinh tế số là nền kinh tế ra đời và phát triển dựa trên việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số với nội hàm gồm ba thành phần là thương mại điện tử, kinh doanh điện tử và cơ sở hạ tầng ICT trợ giúp (phần cứng, phần mềm, viễn thông, mạng...)(2). Trong nền kinh tế số, mạng internet là nền tảng đặc biệt quan trọng, được coi như mạng lưới giao thông cho sự vận hành nền kinh tế số. Một nhân tố kinh tế quan trọng để nhận diện nền kinh tế số là sự chuyển đổi mô hình và phương thức hoạt động kinh doanh truyền thống sang doanh nghiệp điện tử và thương mại điện tử. Hoạt động kinh tế số được biểu hiện ở rộng khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, dưới các hình thức đa dạng từ lĩnh vực sản xuất, phân phối, lưu thông, trao đổi, tiêu dùng, các dịch vụ giải trí và phục vụ cuộc sống.

Có thể khái quát một số đặc điểm của nền kinh tế số như sau:

Một là, trong nền kinh tế cổ điển, vốn tài sản có tính vật chất hữu hình như đất đai, nhà xưởng, phương tiện sản xuất, lao động và vốn tư bản tiền tệ là những yếu tố quan trọng nhất của quá trình sản xuất và phân phối, thì trong nền kinh tế số, kiến thức, tri thức, thông tin và công nghệ là những tài nguyên và vốn quan trọng nhất. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hay quốc gia trong việc đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số.

Hai là, trong nền kinh tế số, các sản phẩm và dịch vụ đều được số hóa. Đó là quá trình chuyển đổi các dạng thông tin khác nhau thành các định dạng chữ số. Theo đó, các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp ra thị trường thế giới được số hóa và thể hiện dưới dạng thông tin, kỹ thuật số.

Ba là, thực chất nền kinh tế số là quá trình ảo hóa thế giới thực, sản phẩm dịch vụ thực. Trong nền kinh tế số, các hoạt động và giao dịch kinh tế được thực hiện qua không gian ảo, thế giới ảo, theo đó, công nghệ số đã làm nhiệm vụ số hóa thế giới thực. Khác với nền kinh tế truyền thống mà việc khởi nghiệp đòi hỏi một số tài sản vật chất hữu hình nhất định như là điều kiện tiên quyết, nền kinh tế số cho phép một người có thể bắt đầu khởi nghiệp chỉ với một công cụ hay thiết bị nối mạng đơn giản và có thể tiếp cận tất cả các khách hàng và đối tác tiềm năng khắp thế giới. Quan hệ giao dịch kinh doanh trong nền kinh tế số là quá trình trao đổi dữ liệu và thông tin mang tính ảo, không có sự hiện diện thực tế của các bên tiến hành giao dịch, nhưng sản phẩm giao dịch là thực, diễn ra trong thời gian thực.

Bốn là, giao dịch kinh tế trong nền kinh tế số mang tính phi trung gian hóa. Một đặc điểm khác biệt của kỷ nguyên kinh tế số là không còn sự trung gian hay môi giới cho các giao dịch giữa nhà cung cấp và khách hàng mà các giao dịch kinh tế có xu hướng được thực hiện trực tiếp giữa các bên. Trong thế giới số, các quan hệ giao dịch kinh tế giữa khách hàng với nhà cung cấp hoặc giữa mạng lưới các nhà cung cấp với nhau được thực hiện trực tiếp thông qua không gian số, qua thế giới ảo.

Năm là, đổi mới, sáng tạo và thích ứng không ngừng là yếu tố sống còn cho sự tồn tại và thành công của các mô hình và phương thức hoạt động kinh tế trong kỷ nguyên kinh tế số. Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của vòng đời công nghệ trong CMCN 4.0 hiện nay, đặc tính dễ bắt chước, dễ bị đánh cắp, vận hành thông suốt 24/24 giờ của hoạt động kinh tế qua không gian mạng, lợi thế cạnh tranh của hoạt động kinh tế trong không gian số là rất khó để duy trì lâu dài. Hơn nữa, trong thế giới số, cạnh tranh là sự đối đầu trực tiếp trên phạm vi toàn cầu, giữa tất cả các chủ thể cạnh tranh không phân biệt lớn nhỏ, mạnh yếu, mới khởi nghiệp hay đã hoạt động lâu năm. Bên cạnh đó, qua không gian kết nối toàn cầu, khách hàng cùng lúc có sự lựa chọn đa dạng các sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự từ nhiều nhà cung cấp, với tất cả các thông tin sản phẩm có sẵn. Về nguyên tắc, khách hàng sẽ lựa chọn nhà cung cấp có sản phẩm, dịch vụ rẻ hơn, tốt hơn và nhanh hơn để có được lợi ích tối ưu nhất. Do đó, sự đổi mới nhanh chóng và thích ứng không ngừng là điều kiện cần thiết cho một chủ thể hoạt động kinh doanh để tồn tại. Trong khía cạnh này, có thể nói rằng, yếu tố quyết định cho sự tồn tại và phát triển của các chủ thể kinh tế không phải là lớn nhất hay mạnh nhất, mà là khả năng đổi mới và thích ứng nhất với sự thay đổi không ngừng.

Sáu là, trong thế giới ảo của nền kinh tế số, ranh giới không gian và thời gian, biên giới giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất trở nên mờ nhạt, không rạch ròi, thậm chí bị xóa nhòa. Trong nền kinh tế truyền thống, thị trường thường bị phân đoạn bởi ranh giới thời gian và không gian, giữa khách hàng và nhà cung cấp. Trong thế giới số, việc kinh doanh giao dịch diễn ra 24/24 giờ, ở bất cứ nơi đâu. Cũng vậy, toàn bộ xã hội quốc tế trở thành một thị trường, một cộng đồng các nhà sản xuất và cộng đồng những người tiêu dùng thống nhất, hòa quyện. Ở đó, bất cứ người tiêu dùng nào cũng có thể trở thành nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm, dịch vụ của họ cho cộng đồng người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp.

2. Tác động của nền kinh tế số tới các quốc gia dân tộc và các mối quan hệ quốc tế

Nền kinh tế số với những đặc điểm được phân tích như trên đang và sẽ có những tác động chủ yếu sau đây tới các quốc gia và các mối quan hệ quốc tế:

Thứ nhất, làn sóng kinh tế số hiện nay đang trở thành động lực tăng trưởng kinh tế và năng suất của các quốc gia, dẫn tới sự biến đổi mạnh mẽ nền kinh tế của tất cả các nước dù phát triển hay đang phát triển. Nó đang và sẽ đẩy nhanh việc cấu trúc lại nền kinh tế các quốc gia và nền kinh tế thế giới nói chung, hướng tới tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, dựa vào năng suất lao động trên cơ sở công nghệ và tiềm năng sáng tạo của con người. Nó làm biến đổi nhiều khía cạnh của thị trường toàn cầu, làm thay đổi tư duy kinh tế của cả người sản xuất và người tiêu dùng, thay đổi mô hình và phương thức kinh doanh, thay đổi nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng. Theo đó, cả nhà sản xuất và người tiêu dùng không chỉ quan tâm tới giá trị sử dụng của sản phẩm mà còn quan tâm tới quy cách, thương hiệu, cách thức mua sắm và hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ khách hàng. Hành vi mua sắm cũng chuyển mạnh sang xu hướng thương mại điện tử và quyền lực của người tiêu dùng gia tăng. Việc tìm kiếm khách hàng của nhà sản xuất được thực hiện thông qua sự tương tác và chia sẻ dữ liệu qua kết nối, từ đó định hướng việc tiếp thị, chiến lược kinh doanh và bán hàng. Kinh tế số cũng yêu cầu nhận thức lại về mô hình phát triển, chuyển mạnh từ nền kinh tế dựa vào tài nguyên, lao động sang dựa vào khoa học công nghệ, tri thức và sự sáng tạo, dựa vào các mô hình kinh tế mới và nhóm ngành dịch vụ, có bước chuyển đột phá từ mô hình công nghiệp hóa truyền thống dựa vào lao động, máy móc và thế giới thực sang công nghiệp hóa dựa vào công nghệ, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và số hóa.

Thứ hai, trong nền kinh tế số, khu vực kinh tế tư nhân có nhiều ưu thế và có động lực để phát triển mạnh mẽ bởi tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhanh nhạy và dễ thích ứng với bối cảnh. Với nền kinh tế số, mỗi cá nhân đều có thể khởi nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp (start-up) có thể bắt đầu từ con số không nhưng nhờ nắm bắt nhu cầu thị hiếu thị trường kịp thời, với ưu thế cạnh tranh về giá trị và sự tiện lợi vượt trội có thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng nhanh chóng thị phần, uy tín thương hiệu và tài sản trong một khoảng thời gian ngắn. Bookings hay Expedia không có cơ sở lưu trú nào, Grab và Uber không sở hữu phương tiện vận tải nào, Amazon hay Alibaba không sở hữu và sản xuất loại hàng hóa cụ thể nào nhưng nhanh chóng trở thành những thương hiệu lớn trên toàn thế giới trong lĩnh vực du lịch, vận tải và thương mại điện tử. Trong cuộc đua cạnh tranh trên không gian số, việc thay đổi vòng đời và sản phẩm công nghệ trở nên cực kỳ nhanh. Vì vậy, bất cứ một gã khổng lồ nào cũng có thể nhanh chóng suy tàn nếu không kịp thích ứng và đổi mới để duy trì lợi thế cạnh tranh, trong khi bất cứ một start-up mới mẻ nào cũng có thể mau chóng trở thành gã khổng lồ thay thế. Nhiều doanh nghiệp non trẻ ở các nước đang phát triển, có thể bỏ qua nhiều năm thực hành và xây dựng kinh nghiệm và có thể nhanh chóng trở thành mối đe dọa cạnh tranh với các đối thủ lâu năm ở các nền kinh tế phát triển. Sự tuột dốc không phanh của đế chế Yahoo trước Facebook và Google, sự phát triển vũ bão của Alibaba trước Amazon, sự thay thế của phương thức liên lạc Zalo thay cho Skype, hay sự lớn mạnh của Tiki, Shopee, Lazada ở Việt Nam là những ví dụ sống động. Ưu thế phát triển của khu vực tư nhân trong thời đại kinh tế số sẽ gây áp lực mạnh mẽ tới khu vực kinh tế nhà nước, đòi hỏi các quốc gia phải có những cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng khu vực nhà nước, giải phóng triệt để động lực từ khu vực tư nhân cũng như tạo sân chơi thực sự bình đẳng cho mọi chủ thể, thành phần kinh tế.

Thứ ba, môi trường kinh tế số góp phần tạo ra những véctơ trái chiều tác động lên tiến trình toàn cầu hóa. Trước hết, xu hướng bùng nổ kinh tế số qua không gian ảo kết nối nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng toàn cầu sẽ xóa nhòa hơn nữa mọi ranh giới quốc gia. Thông tin, thương mại và dịch vụ xuyên biên giới diễn ra một cách nhanh chóng, tức thời hơn bao giờ hết. Thế giới nói chung, đặc biệt là kinh tế thế giới được kết nối ngày một chặt chẽ hơn, làm cho thế giới trở nên thu nhỏ hơn, sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng sâu sắc hơn. Như vậy, về mặt khách quan của tiến trình này, toàn cầu hóa sẽ được đẩy mạnh với sự gắn kết đa chiều ngày càng sâu rộng mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, tiến trình này đang và sẽ có thể dẫn tới một nghịch lý là làm cho tốc độ toàn cầu hóa có thể chững lại, thậm chí có nguy cơ bị chặn lại bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, làn sóng dân túy và chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Hợp tác đa phương trên bình diện toàn cầu bị thách thức rõ rệt trong khi hợp tác song phương, khu vực, tiểu vùng, giữa nhóm các nước có xu hướng tăng lên. Tính khốc liệt từ cuộc chiến công nghệ và không gian mạng, tính phức tạp và vô hình của nó, có thể làm cho lòng tin hợp tác giữa các nước bị suy giảm, dẫn tới những xung đột, cảnh giác, nghi ngờ lẫn nhau gia tăng. Do vậy, các hành vi áp đặt, chèn ép, sáp nhập, bảo hộ, tự vệ, kiềm chế, ngăn chặn có xu hướng trỗi dậy, và toàn cầu hóa vì thế có thể bị gián đoạn, thụt lùi, thậm chí đứt gãy những mảng lớn và kéo dài, tác động khôn lường lâu dài tới kinh tế và an ninh toàn cầu.

Thứ tư, trong nền kinh tế số, dù các nước đang phát triển đứng trước thách thức cạnh tranh lớn hơn và dễ bị tổn thương hơn, trong khi các nền kinh tế phát triển ở phương Tây với các thể chế mạnh mẽ, hiệu quả, hệ thống giáo dục tiên tiến, kích thích tư tưởng độc lập, đổi mới và sáng tạo cũng như văn hóa ưu trội về khoa học công nghệ có lợi thế hơn nhiều, nhưng thời cơ phát triển và nguy cơ tụt hậu đặt ra cho tất cả các nước. Do yêu cầu đổi mới sáng tạo và thích ứng không ngừng, do nhân tố trí tuệ, tri thức đóng vai trò quyết định và do khả năng phổ quát của hạ tầng kinh tế số cho phép các quốc gia đều có cơ hội bứt tốc. Môi trường kinh tế số cho phép các công ty, doanh nghiệp, và cả nền kinh tế quốc gia bất kể lớn hay nhỏ có thể nhanh chóng vươn lên, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp cận trực tiếp với cộng đồng khách hàng ở thị trường quốc tế theo cách trước đây chỉ khả thi đối với các công ty lớn, các nền kinh tế phát triển. Nền kinh tế số và CMCN 4.0 gần như đặt các nước ở cùng xuất phát điểm, nó mở ra cơ hội và thách thức như nhau cho tất cả các doanh nghiệp, các quốc gia dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển. Chỉ cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, có chiến lược chuyển đổi số bài bản và tổng thể, giải phóng thể chế, xây dựng hành lang pháp lý và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của môi trường kinh tế số để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo, thì một quốc gia nhỏ, đang phát triển có thể mau chóng trở thành những thế lực kinh tế số hùng mạnh. Điển hình như việc Singapore đang xây dựng và thực thi chiến lược trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới, hay ứng dụng số và thương mại điện tử của Trung Quốc đang phát triển vượt khá xa Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước phương Tây(3)...

Thứ năm, trong nền kinh tế số, cuộc cạnh tranh về kinh tế, công nghệ giữa các quốc gia, nhất là giữa các cường quốc sẽ ngày càng trở nên khốc liệt. Cuộc đua này sẽ làm cho tình hình quốc tế biến động mau lẹ, khó lường, làm cho tương quan sức mạnh quốc gia và trật tự khu vực, toàn cầu biến động nhanh chóng, liên tục, biên giới giữa đối tác, đối tượng, giữa bạn bè và đối thủ ngày càng khó rạch ròi mà có thể đan xen, chuyển hóa mau lẹ. Trong nền kinh tế số, cạnh tranh quốc tế sẽ tập trung trong không gian số, trên lĩnh vực kinh tế, KHCN và nguồn nhân lực chất lượng cao. Hợp tác và hội nhập quốc tế sẽ vừa có động lực mới bởi tính chất không biên giới của không gian số, sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia, khu vực qua không gian số và mạng internet toàn cầu, nhưng cũng vì thế mà cạnh tranh, cọ xát và xung đột lợi ích kinh tế, công nghệ, an ninh giữa các quốc gia và trên phạm vi toàn cầu cũng sẽ ngày càng mở rộng với những hình thái mới, trở nên sâu sắc, khốc liệt hơn. Kinh tế số sẽ đẩy nhanh việc phân bổ lại sức mạnh kinh tế, dẫn tới sự dịch chuyển quyền lực toàn cầu trên cả phương diện không gian địa lý và chủ thể quyền lực. Sự phân bổ lại sức mạnh kinh tế và quyền lực đó đang theo hướng nghiêng về các quốc gia ngoài phương Tây. Đối với Mỹ và phương Tây, quá trình chuyển đổi này dường như khó chấp nhận. Mỹ không thể yên tâm về vị thế kinh tế, khoa học công nghệ và quân sự toàn cầu của mình trước sự trỗi dậy của một số cường quốc, nhất là Trung Quốc. Những nỗ lực gần đây của Chính quyền D.Trump nhằm kìm hãm tham vọng kinh tế và công nghệ của Trung Quốc được xem như sự khởi đầu của một cuộc “chiến tranh lạnh mới” nhằm bảo vệ vị thế siêu cường vượt trội trước Trung Quốc. Về chủ thể quyền lực, trong khi quyền lực nhà nước quốc gia vẫn ở vị trí trung tâm, các chủ thể phi nhà nước như các tập đoàn, công ty công nghệ, tài chính, truyền thông...ngày càng gia tăng ảnh hưởng tới chính sách của các nhà nước. Cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia hiện nay sẽ có tác động quan trọng tới việc hình thành những hình thức hợp tác, những tuyến lợi ích, những tập hợp lực lượng mới trên thế giới, có ý nghĩa quyết định đối với việc đẩy nhanh quá trình định hình những đường nét cơ bản của trật tự địa chính trị và kinh tế khu vực, quốc tế mới. Các tập hợp lực lượng có xu hướng đa dạng, đan xen, phi tập trung hơn, chuyển hóa mau lẹ, lấy lợi ích quốc gia (thậm chí lợi ích trên những lĩnh vực cụ thể) làm cơ sở. Vai trò và tính độc lập tương đối của các cường quốc tầm trung và mới nổi có thể gia tăng do khả năng đơn phương chi phối của các cực giảm xuống, do các liên minh trở nên lỏng lẻo và ít bền chặt hơn và do sự chi phối và chuyển hóa của lợi ích quốc gia và tác động ngày càng sâu rộng của toàn cầu hóa.

Thứ sáu, kinh tế số tất yếu dẫn tới những biến đổi mạnh mẽ về văn hóa, xã hội quốc gia và quốc tế. Tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng, xu hướng dịch chuyển lao động và áp lực cạnh tranh việc làm sẽ rất khắc nghiệt, ảnh hưởng của giao thoa và xung đột văn hóa qua internet sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Do khoảng cách phát triển hạ tầng số và kinh tế số nói chung, sự biến đổi mạnh mẽ và nhanh chóng của thị trường lao động, tình trạng phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế có nguy cơ trầm trọng thêm, trong đó các nhóm đối tượng yếu thế ngày càng bị thua thiệt. Trong khi thế giới trở nên kết nối hơn, làm cho con người và các cộng đồng, dân tộc, quốc gia đến gần nhau hơn, hiểu biết nhau hơn và bao dung hơn, nhưng sự đa dạng văn hóa bị đe dọa, sự chia rẽ, xung đột, tính tự vệ văn hóa và bản sắc lại có xu hướng gia tăng. Những vấn đề này diễn ra trong phạm vi mỗi quốc gia cũng như giữa các quốc gia trong phạm vi khu vực và trên thế giới, từ đó dẫn tới những nguy cơ lớn về chủ nghĩa cực đoan, ly khai, chủ nghĩa dân tộc, dân túy chính trị, gây chia rẽ và bất ổn xã hội ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Thứ bảy, các thách thức về chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền lực nhà nước trong thời đại kết nối số ngày càng lớn, phức tạp, đa dạng, khó lường, tác động đa diện và lâu dài bởi sự xuất hiện những nguy cơ an ninh quốc gia mới như an ninh thông tin, an ninh mạng, tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao. Đó là các nguy cơ an ninh phi truyền thống. Trong thời đại hiện nay, khái niệm về chủ quyền và an ninh quốc gia được bổ sung một nội hàm quan trọng là an ninh và chủ quyền thông tin, chủ quyền trên không gian mạng. Trong một thế giới siêu kết nối và số hóa, chủ quyền và an ninh quốc gia, bao gồm lĩnh vực kinh tế phải đối mặt với những nguy cơ ngày càng nghiêm trọng như gián điệp số, tình báo mạng, chiến tranh mạng cho cả mục đích kinh tế-thương mại và chính trị- an ninh.

Qua không gian mạng, các hoạt động tấn công mạng quy mô lớn được thực hiện bởi những lực lượng vô hình, rất phức tạp, đa dạng, mang tính phi truyền thống, gồm cả chủ thể nhà nước và các chủ thể hay tác nhân phi nhà nước. Nguy cơ bị đột nhập và đánh cắp bí quyết công nghệ, tấn công hay phá hoại kinh tế, đánh cắp hoặc phá hoại hệ thống dữ liệu tối mật của các quốc gia, hay xâm hại quyền riêng tư và an toàn tài chính cá nhân và tổ chức, các hoạt động chiến tranh thông tin tuyên truyền và ý thức hệ, các hoạt động can thiệp, gây chia rẽ và bất ổn chính trị - xã hội, chủ nghĩa cực đoan, các hành vi làm băng hoại văn hóa, đạo đức bản địa và các loại tội phạm mạng khác đang trở thành những vấn đề ngày càng lớn đối với mỗi tổ chức, quốc gia cũng như phương hại đến an ninh quốc tế và mối quan hệ giữa các nhà nước. Việc trang WikiLeaks rò rỉ nhiều thông tin và tài liệu mật của nhiều quốc gia, việc Mỹ tố cáo các hoạt động tình báo công nghệ và quân sự của Trung Quốc tại Mỹ hay tố cáo Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016...là những ví dụ điển hình cho thấy những nguy cơ an ninh quốc gia qua không gian mạng ngày càng hiện hữu đối với bất cứ quốc gia nào. Những công cụ và hoạt động mạng nêu trên một mặt đang trở thành một phần ngày càng quan trọng trong cách tiếp cận mới về cạnh tranh sức mạnh, hợp tác và đấu tranh giữa các quốc gia trong thời đại số, mặt khác, bảo vệ an ninh và chủ quyền trên không gian mạng, không gian số cũng vì thế đang trở thành vấn đề có ý nghĩa quan trọng, thậm chí là sống còn đối với an ninh và phát triển của mỗi quốc gia dân tộc trong thời đại mới. Trong bối cảnh đó, các nguy cơ mâu thuẫn, xung đột cũng gia tăng, với những hình thái mới xuất hiện mang tính phi truyền thống, phi vũ trang như chiến tranh trên không gian mạng, không gian vũ trụ, chiến tranh thông tin, truyền thông, chiến tranh kinh tế, thương mại và công nghệ sẽ có xu hướng gia tăng. 

Thứ tám, thời đại số cũng đang làm thay đổi nhiều khía cạnh trong phương thức đối ngoại giữa các quốc gia. Sự phát triển của internet và công nghệ số đang góp phần định hình lại các phương thức ngoại giao truyền thống, làm xuất hiện cái gọi là ngoại giao số, ngoại giao điện tử hay ngoại giao mạng. Ngoại giao số chính là việc đề cập tới mối quan hệ giữa công nghệ số và ngoại giao, nó phản ánh và thể hiện các phương thức và phương pháp mới trong tiến hành ngoại giao với sự trợ giúp của internet và ICTs cũng như tác động của các công nghệ đó đối với các hoạt động ngoại giao đương đại. Trong thời đại kết nối số, ngoại giao số trở thành một công cụ quan trọng trong việc đẩy mạnh chính sách đối ngoại của quốc gia vì nó cho phép các nhà ngoại giao và các lãnh đạo chính trị các quốc gia tương tác trực tiếp với nhau và với công chúng trong và ngoài nước nói chung thông qua công nghệ kết nối để triển khai lập trường chính sách đối ngoại quốc gia, tăng cường quan hệ quốc tế và thúc đẩy các mục tiêu ngoại giao nói riêng và mục tiêu lợi ích quốc gia của đất nước họ nói chung(4). Một ví dụ của ngoại giao số là việc ngày càng có nhiều nhà ngoại giao và giới lãnh đạo chính trị các quốc gia sử dụng các công nghệ số và nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Twitter... trong tương tác ngoại giao và triển khai lập trường đối ngoại quốc gia.

Như vậy, kinh tế số là sản phẩm của một xã hội thông tin được kết nối toàn cầu, được kích hoạt bởi công nghệ kỹ thuật số tạo ra mạng lưới toàn cầu của các hoạt động kinh tế - xã hội. Thời đại kinh tế số đang tác động mạnh mẽ tới tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới, mang tới cả những cơ hội và thách thức lớn, đa diện, phức tạp, rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là thách thức tụt hậu về kinh tế. Vì vậy, chuyển đổi và bắt kịp xu hướng kinh tế số là yêu cầu sống còn đối với an ninh và phát triển của tất cả mọi quốc gia dân tộc trong thời đại ngày nay. Để xây dựng thành công nền kinh tế số yêu cầu phát triển một nền tảng công nghệ và hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, không ngừng đổi mới tư duy phát triển, kiến tạo thể chế mạnh mẽ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo r

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2019

(1) Rouse, M. (2016). Digital Economy, Techtarget, Newton, MA. http://searchcio.techtarget.com/definition/digital-economy; Hans-Dieter Zimmermann, Understanding the Digital Economy: Challenges for New Business Models. Retrieved from: https://www.researchgate.net/publication/; Mohamed E. Gumaha and Zulikha Jamaluddinb: What is the Digital Economy, and How to Measure it. http://www.kmice.cms.net.my; Serhiy Tsyganov & Viktoriya Apalkova: “Digital economy: A new Paradigm of Global information Society”, Economic Review, Volume 45, 3/2016.

(2) Thomas L. Mesenbourg (2001), Measuring the Digital Economy, U.S. Bureau of the Census. https://www.census.gov/.

(3) Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế của Anh, thị phần thương mại điện tử của Trung Quốc chiếm 42% tổng giao dịch toàn cầu vào năm 2016, lớn hơn cả Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức và Anh cộng lại. Giá trị thanh toán di động của Trung Quốc năm 2016 là 9 nghìn tỷ đô la Mỹ so với thanh toán di động của Hoa Kỳ chỉ là 112 tỷ đô la và Trung Quốc đang nhanh chóng chuyển sang hướng trở thành một xã hội không tiền mặt. Các nhà vô địch về ICT của Trung Quốc như Baidu, Alibaba và Tencent cũng đang nhanh chóng bắt kịp các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ về mặt định giá thị trường. (Nguồn: The International Institute for Strategic Studies (2018), “The new Cyberspace race - how the US and China are competing to shape the digital future”, Strategic Survey 2018, IISS.org.)

(4) Tham khảo thêm chi tiết về ngoại giao số tại: Potter, E. H (2002), Cyber-diplomacy: Managing foreign policy in the twenty-first century. Ontario: McGill-Queen’s Press; Nicholas Westcott (2008), Digital Diplomacy: The Impact of the Internet on International Relations, Oxford Internet Institute, Research Report 16; Ross, A (2011), “Digital diplomacy and US foreign policy”, The Hague Journal of Diplomacy, No 6: 451–455; Hanson, F (2012), “Baked in and wired: eDiplomacy@State”, Foreign Policy Paper Series, No. 30, Washington, DC: Brookings Institution: 1–41; Lewis, D (2014), “Digital diplomacy”. Retrieved from: http://www.gatewayhouse.in/digital-diplomacy-2; Olubukola S. Adesina (2017), “Foreign policy in an era of digital diplomacy”, Cogent Social Sciences Journal, Vol 3, No 1.

PGS, TS Phan Văn Rân

TS Ngô Chí Nguyện

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh