Tọa đàm khoa học “Phẩm chất, năng lực của phóng viên, biên tập viên ở tạp chí lý luận chính trị”
(LLCT) - Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2023), sáng ngày 15-5-2023, tại Hà Nội, Chi hội Nhà báo Tạp chí Cộng sản và Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học “Phẩm chất, năng lực của phóng viên, biên tập viên ở tạp chí lý luận chính trị”.
Toàn cảnh Tọa đàm - Ảnh: hanoimoi.com
PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, PGS, TSDương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và PGS, TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì Tọa đàm.
PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản phát biểu khai mạc Tọa đàm - Ảnh: hanoimoi.com
Tới dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tạp chí Cộng sản và một số tạp chí lý luận chính trị của Đảng; hội viên Hội nhà báo.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS, TS Phạm Minh Tuấn, nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của các tạp chí lý luận chính trị là vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề. Muốn hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đòi hỏi đội ngũ nhà báo của các tạp chí lý luận chính trị (bao gồm phóng viên và biên tập viên) phải thật sự có phẩm chất và năng lực tốt”.
Do đó, nâng cao phẩm chất, năng lực của nhà báo luôn là mối quan tâm hàng đầu của nền báo chí cách mạng nước ta, bởi những người làm báo chính là linh hồn của các tờ báo.
Tọa đàm đã nhận được gần 20 tham luận, tập trung làm rõ những yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; đánh giá thực trạng phẩm chất, năng lực của đội ngũ nhà báo các tạp chí lý luận chính trị; nêu ra cơ hội và thách thức, những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của đội ngũ phóng viên, biên tập viên các tạp chí lý luận chính trị trong bối cảnh mới; kinh nghiệm từ thực tiễn về nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ nhà báo tạp chí lý luận chính trị.
TS Nguyễn Thị Như, Phó Trưởng ban chuyên đề Tạp chí Cộng sản cho rằng: phóng viên, biên tập viên, ngoài việc phải có trình độ nghiệp vụ và chuyên môn giỏi, còn cần có trình độ ngoại ngữ và trình độ tin học. Đây là những yếu tố cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và khắc phục tình trạng tụt hậu của báo chí trong nước so với mặt bằng chung của giới báo chí toàn thế giới.
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: hanoimoi.com
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản với niềm say mê nghề nghiệp của mình đã nêu yêu cầu phẩm chất, năng lực của cán bộ, biên tập viên. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên ở Tạp chí Cộng sản nói riêng, các tạp chí lý luận chính trị nói chung khá bài bản về nghiệp vụ, có năng lực và trình độ chuyên môn cao. Nhà báo nhấn mạnh: đội ngũ này đặc biệt cần phải có nhiệt huyết với nghề, phải có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng mới khẳng định được vị trí, tên tuổi của mình trong nghề.
Phát biểu tham luận tại Tọa đàm, PGS,TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, để biết cách ứng phó với các vấn đề mới về chuyển đổi số, các phóng viên, biên tập viên cần chủ động nghiên cứu, học tập để có kiến thức rộng và bao quát, tiếp thu những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới. Cần khuyến khích đội ngũ phóng viên, biên tập viên đi nghiên cứu thực tế, bám cơ sở; đi sâu, thâm nhập vào đời sống thực tiễn của nhân dân, lắng nghe và nói tiếng nói của nhân dân, hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa thực tiễn cuộc sống vào tạp chí.
Trình bày tham luận của mình, TS Nguyễn Thị Oanh, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Chính trị và Phát triển cho rằng: “Một điều quan trọng nhất với tạp chí lý luận chính trị là tâm thế, là đạo đức nghề nghiệp của các phóng viên, biên tập viên”.
Tạp chí với vai trò định hướng dư luận xã hội phải “lên tiếng” và các phóng viên, biên tập viên cần có sự tinh thông nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng. “Tính thuyết phục, độ tin cậy là con đường sống còn của tạp chí lý luận ngày nay và đó là trách nhiệm của đội ngũ phóng viên, biên tập viên”.
PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kết luận tại Tọa đàm - Ảnh: hanoimoi.com
Kết luận tại Tọa đàm, PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, biên tập viên của các tạp chí lý luận chính trị cần đặc biệt có sự nhạy cảm chính trị và bản lĩnh chính trị, có năng lực nhận thức về lý luận chính trị, có trình độ lý luận chính trị cao, có năng lực nghiên cứu lý luận chính trị, năng lực nắm bắt đời sống chính trị.
Có như vậy, các tạp chí lý luận chính trị mới hoàn thành tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục lý luận của Đảng. Trong công cuộc đổi mới, các tạp chí lý luận chính trị đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của khoa học lý luận chính trị, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
PGS,TS Dương Trung Ý mong rằng các nội dung trong Tọa đàm này không chỉ trao đổi, chia sẻ, làm rõ các vấn đề lý luận thực tiễn về phẩm chất, năng lực cần có của đội ngũ cán bộ, biên tập viên của các tạp chí lý luận chính trị của Đảng mà còn là dịp để thể hiện tình cảm, niềm say mê nghề nghiệp giúp đội ngũ phóng viên, biên tập viên các tạp chí lý luận chính trị ngày càng phát triển toàn diện, có nhiều cống hiến, xứng đáng với sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
TẠ PHƯƠNG LIÊN