Tọa đàm khoa học 75 năm Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị (11-6-1948 - 11-6-2023)

07/06/2023 12:11

(LLCT) - Chiều ngày 5-6-2023, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học: 75 năm Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị (11-6-1948 – 11-6-2023). PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện dự và chủ trì Tọa đàm. Đồng chủ trì có đồng chí Đỗ Việt Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và PGS, TS Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ.

Tọa đàm khoa học 75 năm Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị (11-6-1948 - 11-6-2023)

Toàn cảnh Tọa đàm - Ảnh: hcma.vn

Tham dự Tọa đàm có các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cụm thi đua Trung ương cùng đông đảo cán bộ chuyên trách công tác thi đua - khen thưởng các đơn vị trong Học viện.

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS, TS Hoàng Phúc Lâm nêu rõ, hiện nay, bối cảnh trong nước và quốc tế đan xen những thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức, đang đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu mới cao hơn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện thắng lợi tầm nhìn, khát vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên con đường phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc; thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các mục tiêu chiến lược: năm 2025 là “nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”; năm 2030 là “nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” và năm 2045 “trở thành nước phát triển, thu nhập cao” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hơn lúc nào hết đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của các giới, các ngành, đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. 

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang tích cực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Tọa đàm khoa học: 75 năm Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị (11-6-1948 -11-6-2023) là hoạt động thiết thực tưởng nhớ công lao và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm tiếp tục khẳng định, làm sáng rõ hơn nữa nội dung và những giá trị to lớn trên cả phương diện lý luận và thực tiễn của Lời kêu gọi thi đua ái quốc đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đồng thời qua đó góp phần thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, tạo động lực tinh thần to lớn, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Trên tinh thần đó, các nhà khoa học tập trung thảo luận, làm sáng tỏ giá trị lý luận và thực tiễn của Lời kêu gọi thi đua ái quốc đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và công tác thi đua - khen thưởng nói riêng.

Hơn 25 tham luận và các phát biểu tại Tọa đàm phân tích làm rõ các giá trị của Lời kêu gọi thi đua ái quốc với vai trò là thông điệp của chủ nghĩa yêu nước, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ động lực tinh thần, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hiệu triệu sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc, đồng thời là động lực thúc đẩy hai cuộc kháng chiến đến thắng lợi và là động lực tinh thần cho phong trào thi đua yêu nước hiện nay.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS Đinh Ngọc Quý, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nêu rõ, trong bối cảnh cách mạng gặp nhiều khó khăn, gian khổ, giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi đất nước còn trong vòng vây của các thế lực đế quốc, phản động, chưa có được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Nhà nước ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, từ đó mở ra một phong trào hành động thiết thực thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của toàn dân tộc, tạo nên nguồn sức mạnh vô cùng to lớn của cách mạng.

Theo Người, thi đua ái quốc là một trong những biện pháp, cách thức hết sức quan trọng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Thi đua là bổn phận, trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước, là tiêu chí để đánh giá, nhìn nhận có thực sự xứng đáng là con dân nước Việt, con Lạc, cháu Hồng; mặt khác đây cũng là một biện pháp, cách thức để động viên, phát huy tinh thần yêu nước một cách thiết thực trong nhân dân.

Để đưa phong trào thi đua yêu nước lên tầm cao mới, chúng ta cần tiếp tục thấm nhuần và vận dụng, phát triển sáng tạo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, trong đó đặc biệt chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chăm lo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo…

Tại Tọa đàm, TS Hà Văn Luyến, Văn phòng Đảng ủy Học viện nhấn mạnh, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là của cấp ủy, lãnh đạo, người đứng đầu và cán bộ được giao nhiệm vụ tham mưu về công tác thi đua, khen thưởng. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác này là rất cần thiết và là một trong những biện pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng.  Cấp ủy, lãnh đạo đánh giá đúng mức kết quả thi đua, khen thưởng kịp thời đúng người, đúng việc sẽ tạo sự phấn khởi, hăng say trong công tác và ngược lại.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS Lương Huyền Thanh, Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng, văn hóa ứng xử trong thi đua, khen thưởng là hệ thống các khuôn mẫu ứng xử được thể hiện ở thái độ, kỹ năng ứng xử của các chủ thể với nhau, với công tác thi đua - khen thưởng và với chính bản thân mình. Văn hóa ứng xử trong thi đua khen thưởng là sự thẩm thấu của các giá trị văn hóa ứng xử vào hoạt động thi đua - khen thưởng, góp phần thực hiện được các mục tiêu của thi đua - khen thưởng, làm cho thi đua - khen thưởng trở nên ý nghĩa hơn, trở thành động lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thiện con người. Do đó, xây dựng và thực hành văn hóa ứng xử trong thi đua - khen thưởng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua - khen thưởng. Đồng thời, xây dựng và thực hành văn hóa ứng xử trong thi đua - khen thưởng cần dựa trên hệ giá trị, chuẩn mực ứng xử phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ thi đua, khen thưởng.

Tại Tọa đàm, các đại biểu thảo luận, đề xuất một số cách thức, giải pháp thúc đẩy hoạt động thi đua - khen thưởng ở các cơ quan, tổ chức hiện nay, như: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua; đổi mới công tác chỉ đạo, tổ chức, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua yêu nước; đổi mới, hoàn thiện bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Kết luận Tọa đàm, PGS, TS Hoàng Anh đánh giá cao các tham luận tại Tọa đàm đã làm sáng tỏ nhiều nội dung và nhiều giá trị to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác thi đua - khen thưởng. Các tham luận khẳng định Lời kêu gọi thi đua ái quốc là động lực quan trọng thúc đẩy công tác thi đua khen thưởng. Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang tích cực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc là cơ sở nền tảng để Đảng ta bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới.

NGUYỄN THỊ LAN