Nêu cao tinh thần quyết tâm của mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao

19/04/2023 09:59

(LLCT) - Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong công tác chống lao, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong năm 2021 (theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới), xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao trong 2 năm 2020-2021 tăng trở lại so với giai đoạn trước đây.  

Nêu cao tinh thần quyết tâm của mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao

TS, BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia phát biểu tại Lễ Kỷ niệm - Ảnh: bvptw.org

Ngày 24-3-2023, Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam dưới sự dẫn dắt của TS, BSCC Đinh Văn Lượng, Trưởng Ban Điều hành Chương trình Chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống lao 24-3-2023. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, kêu gọi những nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.

Tiếp nối những tư tưởng, khát vọng chấm dứt bệnh lao vì sức khoẻ người Việt Nam của Cố Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên - BS Phạm Ngọc Thạch - Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao - tiền thân của Bệnh viện Phổi Trung ương ngày nay, các thế hệ lãnh đạo của Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát huy những truyền thống tốt đẹp của chuyên ngành Lao và bệnh phổi, đồng thời phát triển và mang lại những đóng góp rất tích cực trong công tác phòng chống lao tại Việt Nam.

Tham dự sự kiện trọng đại này có sự hiện diện của TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các đối tác trong nước và quốc tế, đại diện cán bộ chống lao trên mọi miền đất nước…

Ngày Thế giới Phòng chống Lao được tổ chức vào ngày 24-3 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời, thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Vào ngày 24-3-1882 tại Berlin, Robert Koch đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này.

Các đại biểu tại Lễ Kỷ niệm - Ảnh: bvptw.org

Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay trên toàn cầu là “YES! WE CAN END TB” (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO). Năm 2023 là một năm đặc biệt quan trọng để chúng ta cùng vào cuộc, đây được coi là “năm của hy vọng” để nhận được sự chung tay, tập hợp sức mạnh của toàn cầu trong tiến trình thanh toán bệnh lao. Chủ đề mang đến niềm hy vọng và niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể; đồng thời cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, dự phòng bệnh lao để cứu sống thêm hàng triệu người.

Trên cơ sở đó, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, Chủ đề Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm 2023 của Việt Nam là "VIỆT NAM CHIẾN THẮNG BỆNH LAO". Đây là một chủ đề dễ nhớ, như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.

Theo TS, BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia: Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Đặc biệt là 2 năm diễn ra dịch Covid-19 (năm 2020-2021), công tác phòng chống lao tại nước ta chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều cơ sở y tế, bệnh viện trong hệ thống phòng chống lao trên toàn quốc được phân công điều trị bệnh nhân Covid-19; Nhiều tỉnh thành thiếu vật tư và trang thiết bị gây khó khăn cho các bệnh viện hoạt động khám chữa bệnh lao, bệnh phổi; Các hoạt động phát hiện bệnh nhân lao cũng bị ảnh hưởng, không triển khai được do thực hiện giãn cách xã hội… Theo báo cáo Global Tuberculosis Report 2022 - Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2021 tại Việt Nam số bệnh nhân lao phát hiện giảm đến 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019. Mức độ giảm này thậm chí còn cao hơn mức giảm trên toàn cầu năm 2020 (khoảng 18%). Số lượng bệnh nhân tử vong do lao trong năm 2021 tại Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, khoảng 50%.

Các đại biểu tại Lễ Kỷ niệm - Ảnh: bvptw.org

TS, BSCC Đinh Văn Lượng cũng cho biết: Trước tình hình bệnh lao đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch Covid-19, cộng với lao kháng thuốc vẫn đang là vấn đề đáng báo động và là một trong những rào cản để chúng ta tiến gần tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao, Chương trình chống lao Quốc gia điều chỉnh thời gian chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, phù hợp với Chiến lược Chấm dứt bệnh lao toàn cầu. Chương trình chống lao Quốc gia cần được đầu tư rất nhiều nguồn lực để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy, tiếp sau đó là bảo đảm chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.

Để thực hiện được điều đó, Chương trình chống lao Quốc gia đồng hành cùng với rất nhiều các tổ chức quốc tế trong việc áp dụng các sáng kiến và mô hình tiếp cận mới để tiến tới mục tiêu tăng cường phát hiện bệnh lao và tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

HÀNH ĐỘNG VÌ MỘT VIỆT NAM KHÔNG CÒN BỆNH LAO - Ảnh: bvptw.org

TS, BS Đinh Văn Lượng đã nêu ra 4 điểm chúng ta cần thực hiện thật tốt để nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh lao, đó là:

Cụ thể, phát hiện sớm, điều trị hiệu quả cho những trường hợp lao nhạy cảm. Người bệnh mắc các thể lao nhạy cảm cần đi khám ngay khi có các triệu chứng nghi lao, tích cực tham gia các đợt khám sàng lọc chủ động bệnh hô hấp tại cộng đồng, sàng lọc tích cực bệnh lao trong các nhóm nguy cơ (tiểu đường, viêm phổi, bụi phổi, người cao tuổi…) tại cơ sở y tế.

Khi được chẩn đoán và chỉ định điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị tốt và thực hiện theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp lao kháng thuốc mắc phải do bỏ trị hay do người bệnh uống thuốc không đúng cách.

Chương trình chống lao sẽ tăng cường sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp mắc lao, đặc biệt là lao kháng thuốc trong cộng đồng với mũi nhọn là chiến lược 2X. Bệnh lao phát hiện sớm và điều trị sớm sẽ giúp hạn chế các biến chứng nặng nề cũng như đạt hiệu quả điều trị tốt hơn.

Khi đã phát hiện, chẩn đoán sớm, cần điều trị tốt các trường hợp mắc lao kháng thuốc: Áp dụng các phác đồ mới theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Chương trình chống lao quốc gia sắp ban hành. Người bệnh khi được chỉ định điều trị cần tuân thủ điều trị tuyệt đối và thực hiện nghiêm ngặt các hướng dẫn của thầy thuốc. Điều trị tốt các trường hợp người bệnh mắc lao kháng thuốc sẽ giúp giảm nguồn lây lao kháng thuốc trong cộng đồng.

Sàng lọc phát hiện sớm bệnh lao và lao kháng thuốc trong nhóm người tiếp xúc gần, đăc biệt người tiếp xúc hộ gia đình bệnh nhân lao, lao kháng thuốc để chẩn đoán bệnh và thu nhận điều trị sớm nhất có thể nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và cắt đứt nguồn lây lao và lao kháng thuốc trong cộng đồng.

Toàn cảnh Lễ Kỷ niệm - Ảnh: bvptw.org

Dù bạn có khó khăn đến đâu đi chăng nữa, nếu có triệu chứng nghĩ là lao, thì hãy đi khám ngay để bác sĩ chẩn đoán bệnh cho bạn. Chúng tôi sẽ cùng với bạn, chữa khỏi bệnh cho bạn và những người thân của bạn. Cộng đồng và ngành y tế cùng phối hợp thì chúng ta sẽ kết thúc được bệnh lao vào năm 2035!

BBT