Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị góp phần phát triển lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong giai đoạn hiện nay”

14/12/2022 11:18

(LLCT) - Ngày 12-11-2022, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị góp phần phát triển lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong giai đoạn hiện nay”. GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị góp phần phát triển lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong giai đoạn hiện nay”

GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: LLCT

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản cùng đông đảo các nhà khoa học, các cán bộ, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi khẳng định: Đảng ta luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị với phát triển lý luận và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đòi hỏi phải không ngừng phát triển lý luận, gắn với tổng kết thực tiễn trên cơ sở vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, củng cố nền tảng tư tưởng lý luận mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một bộ phận cấu thành của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng thời là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, tập trung thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo - bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng văn hóa, báo chí truyền thông. Yêu cầu đặt ra đối với Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong thời gian tới là cần thực hiện kết hợp nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy, góp phần phát triển lý luận chính trị và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách thường xuyên, liên tục với chất lượng cao.

Hội thảo là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, tạo ra diễn đàn chia sẻ ý kiến của các nhà nghiên cứu, cán bộ lãnh đạo quản lý, đội ngũ giảng viên về những nội dung của công tác giảng dạy lý luận chính trị và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bằng hoạt động nghiên cứu giảng dạy lý luận chính trị, vận dụng sáng tạo tinh thần Đại hội XIII, các nhà khoa học góp phần tích cực vào lan tỏa những giá trị cốt lõi trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Để việc nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị thực sự hiệu quả, đội ngũ giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần bám sát đối tượng của mình chính là những sinh viên. Hơn nữa, Học viện Báo chí và Tuyền truyền có nhiều lợi thế về phương tiện, về cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác truyền thông một cách hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số. Đó là những đặc thù, những lợi thế mà mỗi cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần chủ động khai thác, sử dụng hiệu quả để phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị trọng đại và vẻ vang của mình.

Hội thảo đã nhận được gần 60 bài tham luận của các nhà khoa học và nhiều chuyên gia từ các cơ quan nghiên cứu, trung tâm đào tạo. Các bài viết đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, khoa học, nhiều bài có chất lượng khoa học cao. Các tham luận và phát biểu tại Hội thảo tập trung phân tích làm rõ các vấn đề sau:

Một là, kiên định và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị

Công tác nghiên cứu lý luận chính trị cần kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận cơ bản với nghiên cứu tổng kết thực tiễn nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

PGS, TS Vũ Văn Phúc khẳng định: Công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị phải kết hợp nhuần nhuyễn việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với nghiên cứu thực tiễn trong nước, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm hay của các nước khác nhằm tiếp tục góp phần quan trọng vào quá trình hoạch định đường lối chính trị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Hai là, vai trò của nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị nhằm góp phần phát triển lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Theo GS, TS Trần Văn Phòng, giảng dạy lý luận chính trị có vai trò định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho người học rất rõ nét, do đó có vai trò to lớn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thứ nhất, giảng dạy lý luận chính trị góp phần tuyên truyền, khẳng định giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng. Thứ hai, giảng dạy lý luận chính trị nằm trang bị cho người học phương pháp luận duy vật biện chứng, thế giới quan nhân đạo tiến bộ, có cái nhìn khách quan, toàn diện về đời sống chính trị xã hội. Thứ ba, giúp người học trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, hình thành phẩm chất biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến trái chiều. Thứ tư, giảng dạy lý luận chính trị giúp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đời sống thực tiễn với chính sách. Trên cơ sở đó, làm cho chính sách ngày càng đi vào đời sống thực tiễn và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả nhất.

Tại Hội thảo, PGS,TS Bùi Thị Kim Hậu nhấn mạnh vai trò của giảng viên lý luận chính trị trong phát triển lý luận và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh truyền đạt một cách đúng đắn, khách quan, khoa học nội dung của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng đến người học, giảng viên còn nghiên cứu lý luận và tổng kết thực thực tiễn; bổ sung các giá trị khoa học vào hệ thống tri thức lý luận chính trị; phát hiện, nhận diện và phê phán các luận điệu xuyên tạc, bóp méo, phủ định các giá trị khoa học, cách mạng và tiến bộ của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: LLCT

Ba là, một số khó khăn, thách thức đặt ra đối với đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị trong phát triển lý luận, đóng góp hiệu quả vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện mới

Các tham luận tại Hội thảo đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức, hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Thứ nhất, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội, bất mãn chính trị ngày càng gia tăng, với nhiều chiêu bài thủ đoạn, tinh vi, xảo quyệt; tập trung vào công kích, xuyên tạc, bóp méo, bài xích những luận điểm then chốt của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng.

Thứ hai, những năm qua, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị còn gặp nhiều khó khăn trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng; còn tỏ ra lúng túng, không có hướng xử lý trước những thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị có trình độ cao, chuyên tâm làm công tác lý luận chuyên sâu, am hiểu sâu sắc và đủ trình độ đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận lý luận, tư tưởng còn mỏng.

Thứ năm, đội ngũ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị trong cả nước nói chung và Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng đã tích cực thực hiện công tác đấu tranh tư tưởng, song hiện còn khá nhiều bài viết đấu tranh thiếu chiều sâu, chưa phản bác bằng hệ thống luận cứ, luận chứng, lý lẽ chặt chẽ, thuyết phục; nhiều bài viết có tính bút chiến nhưng còn mờ nhạt…, nên hiệu quả đấu tranh chưa cao.

Thứ sáu, đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu lý luận chính trị còn thiếu cán bộ chuyên trách làm công tác đấu tranh tư tưởng. Họ chưa thực sự có đầy đủ thông tin, tài liệu về các thế lực thù địch, đối tượng phản động, bất mãn, cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc tham mưu, nhận diện, triển khai đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ bảy, dân chủ trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn là một vấn đề đặt ra hiện nay, cho nên đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị còn tỏ ra thận trọng trước những vấn đề mới, nhạy cảm, e ngại bị quy chụp về chính trị.

Bốn là, một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị, góp phần phát triển lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện mới.

Phát biểu tại Hội thảo, GS,TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: Để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu lý luận chính trị, phục vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trước hết, cần nhận diện được các khó khăn, thách thức gặp phải hiện nay. Thứ hai, cần nâng cao văn hóa đọc trong toàn xã hội, đặc biệt là các tác phẩm kinh điển để hiểu đúng, sâu sắc, để có năng lực trí tuệ để phán bác các thế lực thù địch. Thứ ba, chú trọng dân chủ trong nghiên cứu khoa học, tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo; tôn trọng các quyền của nhà nghiên cứu: quyền phê phán, quyền sáng tạo, quyền được phép mắc sai lầm. Thứ tư, đổi mới giáo dục - đào tạo cả về nội dung, hình thức và phương pháp, đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo quy củ, khoa học; tạo môi trường làm việc thuận lợi để giảng viên có động lực phấn đấu, phát triển sự nghiệp.

PGS,TS Nguyễn Trọng Chuẩn khẳng định: Nghiên cứu lý luận chính trị là nghiên cứu khoa học cơ bản trong khoa học xã hội; nó liên quan đến cách tổ chức, điều hành và quản lý các hoạt động của xã hội của các nhà nước và các đảng chính trị cầm quyền. Muốn nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận chính trị nói riêng và nghiên cứu khoa học xã hội nói chung thì cần có không khí tranh luận, thảo luận, phản biện khoa học công khai, tự do, dân chủ, tránh sự áp đặt, quy kết.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Minh Hoàn, Trưởng Khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học đã có những tham luận, ý kiến trao đổi, đóng góp quý báu về tầm quan trọng của nghiên cứu, giảng dạy lý luận đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Các nội dung được thảo luận trong Hội thảo là căn cứ để Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát triển đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

TL