Tọa đàm khoa học: “Viễn cảnh kinh tế toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam”
(LLCT) - Ngày 4-11-2022, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Viễn cảnh kinh tế toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam”.
PGS, TS Dương Trung Ý dự và chủ trì Tọa đàm - Ảnh: hcma.vn
Chủ trì Tọa đàm khoa học có PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Marcello de Moura Estevão Filho, Giám đốc toàn cầu Ban Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới.
Tham dự Tọa đàm, về phía Ngân hàng Thế giới có các chuyên gia: Ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng; bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia Quản trị công cao cấp; ông Đỗ Việt Dũng, Cán bộ quốc gia cao cấp; cùng các chuyên gia kinh tế cao cấp; về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có đại diện lãnh đạo các viện chuyên ngành và đông đảo các cán bộ, nghiên cứu viên, nhà khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện nêu bối cảnh thế giới đang trải qua một thời kỳ có nhiều biến động, diễn biến phức tạp và khó lường. Nền kinh tế thế giới đang diễn ra khủng hoảng đa tầng từ ảnh hưởng của xung đột Nga-Ucraina, tác động của biến đổi khí hậu và hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. Các nền kinh tế hàng đầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bức tranh chung, thế giới đang chứng kiến một làn sóng tăng lãi suất nhanh chóng và rộng khắp. Mới đây nhất, ngày 3-11-2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã lần thứ 6 trong năm 2022 tăng lãi suất, gây áp lực cho các đồng tiền khác trên toàn cầu.
Trong bức tranh kinh tế toàn cầu còn nhiều ảm đạm và bị bao phủ bởi nguy cơ suy thoái, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, kinh tế Việt Nam nổi lên như một điểm sáng. Các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, khẳng định đây là kết quả từ chính sách kinh tế linh hoạt của Chính phủ, giúp sản xuất phục hồi nhanh và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài dồi dào.
PGS, TS Dương Trung Ý khẳng định: Đứng trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã chủ động, linh hoạt, lãnh đạo và điều hành hiệu quả, giữ vững ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao. Dù có nhiều khó khăn thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2022 phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực sau đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP trong 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6-6,5%). Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỷ USD.
Thực hiện phương châm “Lý luận gắn liền thực tiễn”, gắn nội dung đào tạo, bồi dưỡng với những vấn đề thế giới và trong nước, bên cạnh nhiều hoạt động khoa học thực tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Tọa đàm khoa học “Viễn cảnh kinh tế toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam”. Đây là hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa góp phần tăng cường năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học, tham mưu tư vấn chính sách của Học viện.
Tại Tọa đàm, TS Marcello de Moura Estevão Filhocó bài thuyết trình, chia sẻ với cán bộ, giảng viên Học viện chủ đề “Viễn cảnh kinh tế toàn cầu - Rủi ro và hành động chính sách”. Bài thuyết trình đã cung cấp những thông tin với bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chứng kiến mức nợ công và tư cao nhất trong lịch sử; lạm phát tăng mạnh trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng và năng lượng; thêm nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát kèm suy thoái sẽ kéo dài, đặc biệt ở châu Âu;... Nhằm ứng phó với áp lực lạm phát, các nước phát triển đang áp dụng nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, điều này làm tăng khả năng dễ bị tổn thương trong và ngoài nước, đặt ra nhiều khó khăn trong việc cân đối giữa các mục tiêu của ngân hàng trung ương các nước đang phát triển và các nước mới nổi.
Phát biểu tham luận tại Tọa đàm, PGS, TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công cho rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường về kinh tế và chính trị, ở Việt Nam, tuy đạt được điểm sáng kinh tế năm 2022, thị trường chứng khoán và bất động sản Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Điều này dự báo, Việt Nam cũng sẽ phải chống chọi với làn sóng lạm phát trên toàn cầu. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt sử dụng các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thích hợp để phần nào hạn chế được ảnh hưởng từ nền kinh tế toàn cầu.
Qua bài thuyết trình, chia sẻ của ông Marcello về “Viễn cảnh kinh tế toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam” cùng 3 ý kiến tham luận của lãnh đạo Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Viện Kinh tế, Viện Kinh tế chính trị, cùng một số ý kiến trao đổi của các giảng viên trẻ của Học viện, đã phác họa một bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục chịu tác động, ảnh hưởng của tình hình lạm phát, diễn biến phức tạp do những bất định của các yếu tố xung đột chính trị. Căng thẳng và xung đột địa chính trị gia tăng làm tăng những bất ổn trước mặt và gia tăng chuyển đổi cơ cấu dài hạn trên toàn cầu. Lạm phát tăng mạnh trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng và năng lượng, khủng hoảng năng lượng và lương thực đang diễn ra tại nhiều quốc gia, châu lục về lâu dài sẽ lan đến các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Do khả năng chống chịu với các cuộc khủng hoảng của nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế; bài học của các quốc gia phát triển trong lịch sử là những kinh nghiệm quý để các quốc gia đang phát triển tham khảo, lựa chọn chính sách để đối phó với lạm phát đang là bài toán của nhiều quốc gia trên thế giới.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, PGS, TS Dương Trung Ý đánh giá cao nhận định toàn diện, sâu sắc của ông Marcello và các ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo các viện chuyên ngành của Học viện về bối cảnh kinh tế toàn cầu và những gợi mở chính sách đối với Việt Nam. Đây là những khuyến nghị, những gợi mở để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam tham khảo, nghiên cứu và xây dựng chính sách cho phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
LÊ BẢO NGỌC