Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng

23/12/2021 17:46

(LLCT) - Ngày 23-12-2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành trong cả nước, các học viện khu vực và các trường chính trị tỉnh, thành phố.

Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: hcma.vn

Dự và Chủ trì Hội nghị, có GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

Tham dự tại điểm cầu Học viện có các đồng chí lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương; đại diện lãnh đạo các vụ chức năng thuộc Trung tâm Học viện và cán bộ của Viện Lịch sử Đảng. Tại điểm cầu các địa phương trong cả nước, có đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, lãnh đạo Ban Tuyên giáo, trường chính trị và cán bộ làm công tác lịch sử Đảng các tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác Lịch sử Đảng, ngày 18-01-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị, công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng đã đạt kết quả quan trọng. Trong 3 năm qua, cả nước đã hoàn thành và xuất bản 2.461 công trình lịch sử Đảng, trong đó có: 122 công trình lịch sử đảng bộ cấp tỉnh; 358 công trình lịch sử ban, ngành, đoàn thể; 265 công trình lịch sử đảng cấp huyện; 1.716 công trình lịch sử đảng cấp xã, phường, thị trấn. Có 07 tỉnh đã biên soạn Lịch sử Đảng bộ tỉnh đến năm 2020; 08 tỉnh biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh đến năm 2015. Bên cạnh kết quả về số lượng, chất lượng biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ các cấp được nâng lên một bước. Kết quả công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân, giúp bạn bè quốc tế hiểu ngày càng đầy đủ, chân thực, sâu sắc hơn về Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; đóng góp tích cực vào việc tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng; xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Đồng thời, góp phần đấu tranh chống các luận điệu sai trái và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc Lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, phủ nhận sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cùng với những thành tựu đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng thời gian qua vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống cách mạng như: Việc nhận thức vị trí, vai trò của công tác Lịch sử Đảng; Sự quan tâm và đầu tư cho nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống; Việc tổ chức nghiên cứu, biên soạn, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tính đảng và tính khách quan, khoa học trong nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử đảng, lịch sử truyền thống phục vụ thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng; Việc nghiên cứu, đúc kết các bài học kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của toàn Đảng cũng như của các đảng bộ địa phương; về cơ chế phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của ngành Lịch sử Đảng; về công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và về tổ chức biên chế; về công tác đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí làm việc; về công tác đánh giá, thẩm định công trình lịch sử Đảng trước khi xuất bản… 

PGS, TS Dương Trung Ý nhấn mạnh, thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của Đảng đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, tổng kết đúc rút kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực và luận giải của nhiều ngành khoa học, trong đó có khoa học Lịch sử Đảng. Bên cạnh đó, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng tinh vi và phức tạp. Trước tình hình đó, công tác lịch sử Đảng càng có vai trò quan trọng và có quan hệ chặt chẽ với công tác tư tưởng lý luận của Đảng. Công tác lịch sử Đảng vừa phải làm sáng tỏ những vấn đề về lịch sử Đảng, vừa có trách nhiệm đấu tranh với các quan điểm sai trái, luận điệu phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, chế độ và công cuộc đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với quyết tâm, ý chí và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ngành Lịch sử Đảng cần có những đóng góp tích cực vào công tác nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng và khơi dậy niềm tự hào và khát vọng cống hiến cho của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: hcma.vn

Báo cáo Sơ kết 03 năm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18-01-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nêu bật những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW của các cấp ủy đảng; công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương; công tác thẩm định các công trình lịch sử Đảng; công tác sưu tầm tư liệu; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, đôn đốc, kiểm tra, tổng kết công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương…

Việc triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, toàn diện, thống nhất, bám sát yêu cầu của Chỉ thị. Các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy nhận thức ngày càng sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.

Nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, thông báo, kế hoạch... nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể. Ban Tuyên giáo các địa phương, đơn vị luôn tích cực, chủ động trong công tác tham mưu cho Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương ban hành chương trình, đề án, kế hoạch nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể.

Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô và chất lượng. Hàng nghìn công trình lịch sử Đảng đã được biên soạn và xuất bản đạt chất lượng tốt, tái hiện một cách toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử toàn Đảng và lịch sử Đảng bộ địa phương; tái hiện sâu sắc lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể, góp phần quan trọng vào việc tổng kết quá trình lãnh đạo của Đảng và các đảng bộ địa phương; Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể; từ đó,rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đóng góp hiệu quả vào công tác giáo dục truyền thống, tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập, đó là: Việc phối hợp, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia còn chưa chặt chẽ, dẫn đến sự chồng chéo trong một số văn bản hướng dẫn các địa phương, gây lúng túng cho các địa phương.

Một số địa phương, cấp ủy Đảng chưa nhận thức và dành sự quan tâm cần thiết cho công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng, do đó, việc triển khai còn chậm.

Các văn bản hướng dẫn những vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ, làm cơ sở để cán bộ làm công tác lịch sử Đảng ở các địa phương vận dụng và triển khai ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có văn bản quy định riêng, hướng dẫn cụ thể về kinh phí cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng nên các địa phương còn gặp khó khăn trong việc áp dụng và thực hiện.

Một số công trình lịch sử Đảng có chất lượng chưa cao, nội dung còn mang tính liệt kê sự kiện, dàn trải, hoặc phản ánh không đầy đủ bức tranh lịch sử vốn có; một số công trình chưa cập nhật những kết quả nghiên cứu mới.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác lịch sử Đảng ở các quận, huyện, thị xã còn thiếu, trình độ chưa đồng đều, số cán bộ có kinh nghiệm còn ít; chế độ, chính sách cho người làm công tác lịch sử đảng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số nơi thiếu chặt chẽ trong quản lý cộng tác viên, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và chất lượng công trình.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu trên lĩnh vực lịch sử Đảng từ Trung ương đến địa phương chưa được tiến hành thường xuyên và chưa có sự đổi mới.

Công tác lưu trữ, bảo quản tài liệu chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; việc xây dựng văn kiện lịch sử đảng bộ địa phương, số hóa tư liệu triển khai còn chậm và gặp nhiều khó khăn. 

Việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ nghiên cứu, biên soạn, xuất bản ở cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn; thiếu một cơ chế thống nhất trong phân bổ và định mức kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, nhất là kinh phí thẩm định các công trình lịch sử Đảng.

Phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác lịch sử Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, tăng cường sự phối hợp giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với Ban Tuyên giáo Trung ương và các ban, bộ, ngành liên quan đến công tác lịch sử Đảng ở Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, đẩy mạnh toàn diện công tác lịch sử Đảng, gắn kết chặt chẽ, kịp thời giữa các mặt công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục, sưu tầm tư liệu, công tác thẩm định, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nghiên cứu, kịp thời xuất bản để phục nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng và các Đảng bộ địa phương. 

Các ý kiến tham luận tại Hội nghị đã tập trung phân tích làm rõ những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, bất cập của công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng; đồng thời trao đổi những sáng kiến, kinh nghiệm của các địa phương; thảo luận và đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội nghị là dịp quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ, làm rõ những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng thời gian qua; thảo luận những hạn chế, chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai Chỉ thị 20, đề xuất những nội dung trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đưa vào chương trình hành động của từng địa phương gắn với việc quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đánh giá cao công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng của các địa phương, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả công tác này. Các công trình đã phản ánh đầy đủ, toàn diện, chân thực và sinh động lịch sử Đảng và lịch sử các địa phương qua các giai đoạn, đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống cách mạng, tổng kết lý luận và cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia hiệu quả vào cuộc đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử của các thế lực thù địch.

Để công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch; bảo đảm điều kiện, cơ sở vật chất và kinh phí cần thiết để tiếp tục tổ chức biên soạn lịch sử Đảng bộ ở địa phương, ban, ngành và tổ chức mình. Cùng với đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lồng ghép nội dung nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng vào chương trình giảng dạy cao cấp lý luận chính trị. Với các địa phương, cần lồng ghép nội dung này vào các bài giảng chính trị trọng điểm.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị khẩn trương xây dựng đề án sưu tầm tư liệu phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, tiếp tục có phương án số hóa tư liệu lịch sử Đảng và chia sẻ nguồn tư liệu này trong hệ thống các trường chính trị.

Đối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cơ quan quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu phải tăng cường vai trò chỉ đạo, thúc đẩy một cách đồng bộ, toàn diện, đạt chất lượng tốt công tác lịch sử Đảng theo tinh thần chỉ thị số 20-CT/TW; tiến hành chỉ đạo sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW để đánh giá kết quả, nhận rõ khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo khắc phục, tạo điều kiện để công tác lịch sử Đảng phát triển và phát huy vai trò phục vụ nhiệm vụ chính trị hiện nay. Là cơ quan nghiên cứu đầu ngành, Viện Lịch sử Đảng cần thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; tiếp tục sưu tầm, xử lý, xác minh, có quy trình đánh giá chính xác những tư liệu lịch sử Đảng quý giá; có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương; tăng cường đội ngũ thực hiện công tác sưu tầm, nghiên cứu lịch sử Đảng, v.v..

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị 20 cần được triển khai gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII.

Nhân dịp này, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trao tặng Bằng khen cho một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW về "Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng" thời gian qua.

MINH PHƯƠNG