Hội thảo khoa học “Phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới”
(LLCT) - Ngày 10-12-2021, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy Cần Thơ, Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới”.
PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn tại điểm cầu Học viện
- Ảnh: dangcongsan.vn
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại các điểm cầu: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Chính trị khu vực IV; Học viện Chính trị khu vực II; Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh; trường chính trị các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ trì và điều hành tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học.
Điều hành tại điểm cầu Học viện Chính trị khu vực IV có GS, TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ; TS Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; đồng chí Lê Tấn Thủ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Với những tiềm năng và lợi thế to lớn,đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL) hội đủ những yếu tố cần thiết để phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Đây là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới về các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thách thức đến vấn đề an ninh nguồn nước, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng khó lường như hạn hán, xâm nhập mặn… Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng, nhất là hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics còn hạn chế làm giảm tính cạnh trạnh của hàng hóa. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, tình trạng di cư nhanh và hạn chế về kết cấu hạ tầng là những nguyên nhân chính dẫn đến thu hút đầu tư ở ĐBSCLcòn thấp, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. So với các vùng kinh tế khác trong cả nước, số lượng dự án và số vốn FDI đăng ký đầu tư vào ĐBSCL luôn xếp ở nhóm cuối với các vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc. Thực trạng này gây khó khăn đối với ĐBSCL trong giải quyết việc làm, giữ chân nguồn lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng…
ĐBSCL có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cả nước mà trực tiếp là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Kinh tế ĐBSCL suy giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước. Vì vậy, đầu tư cho phát triển ĐBSCL cũng là đầu tư cho phát triển của cả nước.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển nhanh và bền vững ĐBSCL cần quán triệt và thực hiện có hiệu quả các quan điểm của Đảng và Nhà nước với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Cần phải chăm lo phát triển con người. Phát triển bền vững con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực chính để phát triển vùng đất giàu tiềm năng này. Lấy nhân tố “con người” làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Chăm lo cho con người, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số bằng giáo dục, y tế, văn hóa, lao động, việc làm, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường... Bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm dân cư. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các tộc người và các tôn giáo. Tăng cường đầu tư phát triển các trường đại học và cao đẳng, trường nghề trong khu vực.
Cùng với đó, cần chăm lo bảo vệ đất và sông. Chăm lo cho đất, bảo đảm sức khoẻ lâu dài của đất bằng cách phát triển nông nghiệp thông minh dựa trên công nghệ cao, thân thiện môi trường; cho phép ngập lụt với mức hợp lý để bồi đắp phù sa vào mùa nước nổi. Chăm lo cho các dòng sông bằng cách cho sông sống theo nhịp dao động tự nhiên theo mùa, theo khí hậu, theo thủy triều; phát triển các hệ thống tích nước đầu nguồn, linh hoạt sử dụng công năng của hệ thống đê điều; bảo vệ bờ trước nạn khai thác cát bừa bãi, trái phép. Khai thác hợp lý nguồn tài nguyên nước ngọt, nước lợ và nước mặn gắn với các tiểu vùng sinh thái và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sự đa dạng sinh học, là điều kiện tiên quyết để phát triển nhanh và bền vững ĐBSCL.
Phát triển hệ thống hạ tầng bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại và đi trước một bước, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trong cấp quốc gia, cấp vùng như giao thông, năng lượng, hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics, hạ tầng phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ĐBSCL trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền tảng số. Tổ chức lại các đô thị phân tán, từng bước xây dựng hệ thống đô thị thông minh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, gắn kết với các trung tâm đầu mối.
Phát triển thành phố Cần Thơ thực sự là trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, trung tâm giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu của vùng.
Hơn 100 tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung luận giải, làm sâu sắc những phương diện khác nhau của chủ đề Hội thảo, có thể khái quát thành những nội dung chủ yếu như sau:
Một là, những vấn đề chung về tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL trong phát triển nhanh và bền vững
Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã chỉ ra những tiềm năng, lợi thế của khu vực ĐBSCLvề vị trí địa lý, kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng an ninh; tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, nguồn nhân lực, nguồn lực văn hóa, đặc điểm dân tộc, tôn giáo. Trên cơ sở đó, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân; từ đó định hình tầm nhìn, mục tiêu phát triển và khơi dậy khát vọng của các địa phương trong vùng là phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hệ thống kết cấu hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn trước thiên tai; phát triển theo hướng “thuận thiên”, tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo, cây ăn quả, thủy sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn; truyền thống văn hóa, lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Hai là, thực trạng và những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSCL
Các tham luận đã chỉ ra những khó khăn, thách thức chủ yếu, những vấn đề nan giải từ thực tiễn quá trình khơi dậy những tiềm năng, lợi thế để phát triển ở vùng ĐBSCL, đó là: kinh tế có tăng trưởng nhưng chưa bền vững, nhiều nguồn lực chưa được khai thác và sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả; nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng (biển, sông, biên giới, không gian văn hóa, thị trường, nông sản, nguồn nhân lực…) chưa được quan tâm và khơi dậy, phát huy đúng mức; sự kết nối giữa vùng ĐBSCL với các vùng khác trong cả nước trong quá trình phát triển còn chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi và thông suốt; vấn đề già hóa dân số, vấn đề dân tộc, tôn giáo; vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường và tài nguyên; vấn đề sinh kế của người dân, việc chuyển đổi số nhằm thích ứng với yêu cầu của xã hội hiện đại… đang là những thách thức lớn đối với vùng ĐBSCL hiện nay.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm môi trường ở ĐBSCL những năm qua, các tham luận đã khái quát được bức tranh tổng thể về hiện trạng của vùng ĐBSCL hiện nay và quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của vùng; nêu rõ những thành tựu, kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập về tăng trưởng kinh tế và cải thiện môi trường, về tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, chính quyền địa phương; về năng lực quản trị địa phương, chuyển đổi số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề liên quan đến việc thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số ở vùng ĐBSCL; về phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ; về giải quyết vấn đề sở hữu đất đai ở ĐBSCL; về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển; về dân số, lao động,việc làm; về bình đẳng giới, an sinh xã hội; về bảo tồn và phát huy các di sản và giá trị văn hóa vùng miền và phát triển du lịch, dịch vụ.
Nhiều tham luận tập trung vào vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cánh đồng mẫu lớn, mô hình hội quán nông dân và những nhân tố ảnh hưởng; về liên kết vùng trong thích ứng với một số tác động chính của biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCLhiện nay.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn cũng đã có những nghiên cứu, tổng kết thực tiễn quá trình chuyển đổi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực tiễn sinh động của đời sống xã hội của các địa phương vùng ĐBSCL như: An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Ba là, những vấn đề liên quan đến hoàn thiện thể chế cũng như giải pháp phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới
Các tham luận đã tập trung làm rõ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và tác động của hệ thống thể chế đối với sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Theo đó, các tác giả đã phân tích sâu sắc những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 - 11 - 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; quan điểm về phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và sự vận dụng trong thực tiễn; về các thể chế hợp tác đa phương giữa các nước ven sông Mekong với sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL; về hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN - những tác động đến các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu khu vực ĐBSCL; về các nhân tố ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và vai trò thể chế cấp quốc gia và địa phương… đối với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đề xuất các giải pháp nhằm khơi dậy, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững ĐBSCL: các giải pháp chung và các giải pháp trong từng lĩnh vực cụ thể; các giải pháp về mặt thể chế, về mặt nhận thức, các giải pháp tổ chức thực hiện. Các giải pháp đều hướng tới việc làm thế nào để xây dựng, phát triển đồng bộ và hiện đại mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng và phân bố hợp lý hệ thống đô thị hiện đại tại các tiểu vùng; phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều; xây dựng và phát triển hạ tầng thủy lợi phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho dân sinh và nền kinh tế khi có thiên tai xảy ra; xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước.
Giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCLtrong bối cảnh mới tập trung vào các vấn đề, như liên kết vùng trong quá trình phát triển, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế tuần hoàn; nông nghiệp xanh; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; logistics trong liên kết tiêu thụ nông sản; phát triển du lịch xanh để phát triển nhanh và bền vững vùng; mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp thủy sản.
Nhiều tham luận cũng nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị cơ sở các tỉnh, thành phố nhằm góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay; về hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển bền vững vùng; về tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương ở vùng Tây Nam Bộ hiện nay; về nâng cao năng lực quản trị địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu; về xây dựng chính quyền điện tử và các giải pháp liên quan đến các lĩnh vực khác như: giải pháp về hệ thống các cơ sở văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục, thể thao; giải pháp về bảo vệ đất, nước và đặc biệt là con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Những vấn đề mà Hội thảo nêu ra sẽ tiếp tục được các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các địa phương nghiên cứu, luận giải, đưa vào chương trình hành động của địa phương để phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL, giúp các địa phương trong vùng vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu và những vấn đề an ninh phi truyền thống khác, phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp.
MP