Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

15/05/2023 11:13

(LLCT) - Bài viết phân tích, làm rõ vai trò của đội ngũ trí thức Công an nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng; thực trạng trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức Công an nhân dân, làm rõ những tồn tại, khuyết điểm, những thách thức và yêu cầu đặt ra. Trên cơ sở đó, gợi mở một số giải pháp xây dựng, phát triển, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ trí thức Công an nhân dân và trách nhiệm của đội ngũ trí thức này đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng các đại biểu nữ công an nhân dân - Ảnh: VGP

1. Đội ngũ trí thức và xây dựng đội ngũ trí thức Công an nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đội ngũ trí thức, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức cách mạng. Người khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”(1). Người cho rằng: “Trí thức ta không còn là những người chỉ nằm trong cái tháp ngà và xa rời quần chúng. Ngày nay, trí thức ta là những người lao động trí óc, luôn luôn hòa mình với công nông và cùng công nông ra sức xây dựng xã hội mới”(2). Tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức và xây dựng đội ngũ trí thức hàm chứa tính nhân văn cao cả, tính cách mạng, tính khoa học sâu sắc.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định rõ vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa X (tháng 7-2008), lần đầu tiên Đảng ta đã ban hành Nghị quyết riêng (số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết nêu rõ: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội... Đội ngũ trí thức trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng là lực lượng nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại... Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị”.

Quán triệt thực hiện Nghị quyết, trên cơ sở xác định vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức Công an nhân dân (CAND) trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ; Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/ĐUCA(X11) ngày 20-1-2010 về “xây dựng đội ngũ trí thức CAND thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và nhiều kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức nhiều hội thảo khoa học; yêu cầu các cấp ủy đảng thuộc Đảng ủy Công an Trung ương, các Đảng ủy Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/ĐUCA(X11) và tổ chức hội nghị quán triệt đến cán bộ, đảng viên trong đơn vị, địa phương...

CAND là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. “Công an nhân dân có chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”(3).

Đặc điểm công tác bảo đảm an ninh, trật tự yêu cầu lực lượng CAND luôn phải hoạt động trong những điều kiện khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, trong các tình huống bất ngờ, nguy hiểm, do phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động. Vì thế, đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất lớn và trách nhiệm hết sức nặng nề đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND nói chung và trí thức CAND nói riêng trong mối quan hệ với quốc gia, với Đảng và với nhân dân.

Hoạt động của đội ngũ trí thức CAND liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đến tính mạng, sức khoẻ, uy tín, danh dự của con người, đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Họ là những người tiên phong trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng những thành tựu của các ngành khoa học, nhất là khoa học - công nghệ vào công tác công an; nghiên cứu tham mưu với Đảng và Nhà nước về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng các kế hoạch, các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm...

Hoạt động của trí thức CAND không chỉ trong lĩnh vực an ninh trật tự, mà còn liên quan trực tiếp đến hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Điều này đòi hỏi đội ngũ trí thức CAND phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; kinh nghiệm thực tiễn dày dặn; khả năng tư duy độc lập, tự chủ, linh hoạt và sáng tạo; hành động tự tin và quyết đoán... để lựa chọn phương án tối ưu, đưa ra quyết định chính xác, kịp thời nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Xác định rõ mục tiêu xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức CAND là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Đảng ủy Công an Trung ương đã chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức CAND ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các cấp công an, giữa các lực lượng, các chuyên ngành khoa học, lĩnh vực hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

2. Thực trạng xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức Công an nhân dân

Đội ngũ trí thức trong CAND được hình thành từ nhiều nguồn và đang công tác tại nhiều đơn vị công an, địa phương. Những năm qua, đội ngũ trí thức CAND có bước phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đến tháng 6-2022, số cán bộ, chiến sĩ có trình độ cao đẳng, đại học chiếm 41,88%, thạc sĩ chiếm 4,92%, tiến sĩ chiếm 0,4% biên chế của toàn lực lượng; có 10 giáo sư, 132 phó giáo sư, chưa tính số giáo sư, phó giáo sư đã nghỉ hưu. Số cán bộ, chiến sĩ công an có trình độ từ đại học trở lên tập trung chủ yếu ở các đơn vị trực thuộc Bộ. Số cán bộ có trình độ từ thạc sĩ trở lên tập trung chủ yếu ở các học viện, trường công an, viện nghiên cứu(4).

Vai trò và vị thế của đội ngũ trí thức CAND ngày càng được khẳng định, được các cấp lãnh đạo ghi nhận với những “sản phẩm” tham mưu có hàm lượng trí tuệ cao. Hầu hết trí thức CAND đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, hăng say, nhiệt huyết với công việc, gương mẫu, tiên phong đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Từ năm 2008 đến nay, đội ngũ trí thức CAND đã tham gia nghiên cứu hơn 3.300 đề tài khoa học, hàng nghìn đề án, dự án, chuyên đề lý luận, chuyên đề tổng kết thực tiễn, giáo trình và tài liệu dạy học(5). Những kết quả nghiên cứu khoa học của đội ngũ trí thức CAND đã góp phần vào việc củng cố, bổ sung, hoàn thiện thêm những vấn đề lý luận nghiệp vụ về các mặt công tác công an, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn; làm sáng tỏ, thống nhất nhận thức về đường lối, phương châm, nhiệm vụ, biện pháp công tác công an; cung cấp thêm luận cứ khoa học, làm cơ sở để các cơ quan chức năng kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, định hướng chiến lược trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm từ thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng. Có thể khái quát một số thành tựu nổi bật của đội ngũ trí thức CAND như sau:

Trong công tác tham mưu, trí thức CAND đã chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, đánh giá dự báo chiến lược, nhận diện “từ sớm, từ xa” các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc bổ sung, sửa đổi, ban hành mới nhiều chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết, các chương trình quốc gia, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, lĩnh vực, mục tiêu, đối tượng trọng điểm; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ an ninh, trật tự để thống nhất thực hiện trong toàn lực lượng. Trí thức CAND tham mưu với lãnh đạo công an các cấp tổ chức nghiên cứu, sơ kết, tổng kết nhiều chuyên đề, lĩnh vực công tác công an quan trọng và đã đúc kết, kiến nghị, từng bước hoàn thiện lý luận CAND, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội.

Đội ngũ trí thức CAND đã đóng góp quan trọng vào nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh, trật tự, tạo cơ sở pháp lý để kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường tiềm lực và các điều kiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu; đồng thời, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và triển khai các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng CAND, như: Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia, Luật An ninh mạng, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Cư trú, Luật Cảnh sát cơ động, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Thi hành án hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự...

Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trí thức CAND đã tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn lực lượng CAND, bồi dưỡng trình độ các mặt công tác cho cán bộ, chiến sĩ; chủ biên và trực tiếp tham gia xây dựng, biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học tại các học viện, nhà trường CAND. Hàng vạn cán bộ công an “vừa hồng, vừa chuyên”, có trình độ cao đã được đào tạo từ đây, phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự và góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đội ngũ trí thức CAND đã vượt lên khó khăn của các điều kiện vật chất, luôn gương mẫu đi đầu trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn công tác, chiến đấu, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ thuật hình sự, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao... để khoa học công an trở thành một ngành khoa học độc lập, phát huy tính ứng dụng, hiệu quả trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động và tội phạm.

Trong các lĩnh vực đối ngoại, văn hóa - nghệ thuật, báo chí xuất bản, đội ngũ trí thức CAND đã góp phần mở rộng, nâng cao quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao trình độ văn hóa - nghệ thuật của cán bộ, chiến sĩ CAND, khẳng định vai trò của báo chí CAND trong hệ thống báo chí quốc gia. Đồng thời, nhiều chiến sĩ công an đã trở thành tác giả của nhiều công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của cán bộ, chiến sĩ CAND.

Đặc biệt, trong lĩnh vực trực tiếp chiến đấu, đội ngũ trí thức CAND bao gồm các điều tra viên, trinh sát viên, cảnh vệ viên, quản giáo... ngày càng lớn mạnh về số lượng, trưởng thành về trí tuệ, vững vàng bản lĩnh nghề nghiệp. Những chuyên án được triệt phá với những đối sách mưu lược đã đóng góp vào kho tàng lý luận và kinh nghiệm đấu tranh với các thế lực thù địch, tội phạm của lực lượng CAND Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, so với yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự trong thời kỳ hiện nay, đội ngũ trí thức CAND còn bộc lộ nhiều hạn chế về trình độ, năng lực nghiên cứu và khả năng sáng tạo như:

Đội ngũ trí thức của lực lượng công an đông đảo, nhưng phần lớn còn trẻ, kinh nghiệm thực tế còn ít, năng lực nghiên cứu, giải quyết các vấn đề thực tiễn chưa sâu; còn thiếu nhiều chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực chuyên môn.

Một bộ phận trí thức CAND chưa có ý thức vươn lên tự khẳng định mình; chưa thật sự tâm huyết, trách nhiệm với công tác nghiên cứu khoa học; chưa thường xuyên cập nhật, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Công tác nghiên cứu khoa học và nghiên cứu chiến lược, tổng kết lý luận - thực tiễn còn phân tán, ít các công trình nghiên cứu tầm cỡ; chưa thật sự theo kịp sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực.

Cơ cấu đội ngũ trí thức CAND ở các lĩnh vực còn bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính, thiếu chuyên gia có trình độ cao ở một số lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Chế độ chính sách đối với cán bộ khoa học, cán bộ có học hàm, học vị trong CAND còn nhiều bất cập; chưa thực sự tạo được động lực thúc đẩy, thu hút được người giỏi, người tài vào công tác trong lực lượng CAND; chưa có cơ chế thỏa đáng động viên, khích lệ cán bộ hoàn thành xuất sắc công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng lực lượng CAND.

Cơ chế quản lý tài chính, quản lý hoạt động khoa học còn nhiều bất cập, kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học thiếu tập trung.

3. Giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức Công an nhân dân

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội có nhiều thuận lợi, song cũng có nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Với vị trí hết sức quan trọng về địa - chính trị, địa - kinh tế và địa - quân sự trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đang được quan tâm trong Chiến lược an ninh quốc gia của nhiều nước, nhất là các nước lớn. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta; tuyên truyền quan điểm “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân; tìm cách bôi nhọ, xuyên tạc bản chất, truyền thống tốt đẹp của lực lượng CAND... Cùng với đó, hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Tình hình trên đặt ra nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi lực lượng CAND phải xây dựng đội ngũ trí thức có phẩm chất chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, có kiến thức tổng hợp để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Với mục tiêu “Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức trong khu vực và thế giới...” theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X, để xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, thời gian tới cần tập trung làm tốt một số vấn đề trọng tâm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, cấp uỷ, thủ trưởng các đơn vị, địa phương đối với xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức CAND

Đây là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định, mang tính đột phá, chiến lược đối với việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức CAND. Xuất phát từ đặc thù, tính chất công tác của lực lượng CAND; trí thức trong CAND công tác ở nhiều lĩnh vực, vị trí việc làm khác nhau. Tuy nhiên, những kết quả, sản phẩm nghiên cứu sáng tạo của đội ngũ trí thức CAND dù trên lĩnh vực nào cũng đều đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND.

Do vậy, cấp ủy, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, tôn trọng kết quả nghiên cứu, sáng tạo và những đóng góp của tri thức trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ trí thức trong đơn vị, địa phương ngày càng lớn mạnh, đạt chất lượng cao, có số lượng và cơ cấu hợp lý; quan tâm, tạo điều kiện cho trí thức tham gia nghiên cứu những vấn đề cơ bản, cấp bách của đơn vị, địa phương; phát hiện, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn mới nảy sinh; tổng kết thực tiễn để rút ra bài học kinh nghiệm, kiểm nghiệm các tri thức lý luận đã có, đồng thời thu thập, bổ sung những tri thức thực tiễn mới vào xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức CAND nói riêng, lực lượng CAND nói chung.

Hai là, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức CAND phát huy trí tuệ, tài năng, tính năng động, sáng tạo trong công tác

Các cơ quan tham mưu của Bộ Công an cần chủ động nghiên cứu để tham mưu, đề xuất xây dựng và từng bước hoàn thiện những chính sách, quy định cụ thể về việc trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức, trong đó quy định rõ trách nhiệm từng cấp, từng vị trí cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong việc sử dụng, quản lý, bố trí và thực thi các chính sách đãi ngộ với trí thức. Có cơ chế, chính sách để động viên, khen thưởng kịp thời và sử dụng có hiệu quả những trí thức có sức khỏe, có trình độ, năng lực chuyên môn tốt cùng với chế độ ưu đãi về lương, điều kiện làm việc, về luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.

Tăng cường tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học, cử trí thức đi công tác thực tế nhằm gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn công tác chiến đấu để trí thức CAND có điều kiện nghiên cứu, từ đó có những tham mưu đề xuất sát hợp.

Tổ chức nhiều diễn đàn để trí thức bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như chính kiến của mình. Trong các cuộc họp, hội thảo cần phát huy dân chủ, khuyến khích trí thức đưa ra những ý kiến, đề xuất nhằm phát huy trí tuệ của trí thức phục vụ công tác, chiến đấu của toàn lực lượng. Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại và cơ chế thông tin cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Ba là, đổi mới công tác quản lý, đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học

Trên cơ sở rà soát những vấn đề đang đặt ra từ nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn công tác, các đơn vị trực thuộc Bộ, các học viện, trường CAND và công an các địa phương cần chủ động, tích cực đăng ký thực hiện các chuyên đề, đề tài các cấp. Mạnh dạn bố trí, phân công trí thức trẻ tham gia nghiên cứu xây dựng, triển khai các kế hoạch công tác lớn, những công việc đòi hỏi trí tuệ cao để đội ngũ trí thức có điều kiện phát huy được tài năng, sở trường cũng như chuyên môn đã được học tập.

Cần chú ý hơn nữa về tính khả thi, tính mới của các đề tài khoa học, các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ... Cần nghiên cứu thực hiện cơ chế khoán trong hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng các tiêu chí cụ thể trong đánh giá chất lượng các đề tài khoa học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn kết quả, sản phẩm nghiên cứu với thực tiễn các mặt công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND. Đổi mới cơ chế chi, thanh quyết toán trong hoạt động nghiên cứu khoa học cho sát với tình hình thực tiễn hiện nay.

Bốn là, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức CAND

Đội ngũ trí thức CAND là những cán bộ có trình độ học vấn, có kiến thức pháp luật và nghiệp vụ công an vững vàng, nắm vững quy luật bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cũng như xây dựng lực lượng CAND. Trách nhiệm của trí thức CAND xuất phát từ vị trí, vai trò cũng như quyền lợi của đội ngũ này đối với xã hội. Vì vậy, mỗi trí thức CAND phải không ngừng học tập, rèn luyện, tư dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực nghiên cứu khoa học, tiếp cận được những thành tựu mới của thế giới về lĩnh vực nghiên cứu của mình trong điều kiện nền kinh tế tri thức và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Đồng thời, phát huy vai trò cá nhân độc lập sáng tạo, kết hợp với hoạt động tập thể, tham vấn ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học có giá trị cao; tích cực truyền bá và làm giàu tri thức trên lĩnh vực khoa học an ninh.

Năm là, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức CAND bảo đảm đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng nhằm phục vụ đắc lực sự phát triển của đất nước

Công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức CAND luôn được chú trọng, bám sát yêu cầu thực tiễn công tác bảo vệ an ninh, trật tự và đi trước một bước nhằm bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tập trung xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo của các ngành học theo hướng đổi mới, sáng tạo, “lấy người học làm trung tâm”; xác định rõ mục tiêu cần đạt của từng chương trình đào tạo, từ đó xác định nội dung cần thiết tối thiểu cho chương trình và phương pháp thích hợp để triển khai chương trình; tổ chức nghiên cứu hệ thống tiêu chí làm cơ sở để kiểm định chất lượng đào tạo các học viện, nhà trường. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và gắn với thực tiễn nghiệp vụ của ngành.

Đổi mới phương thức tổ chức quản lý, biên soạn, sử dụng giáo trình, tài liệu dạy học, chú trọng cơ chế phối hợp nghiên cứu tổng kết đúc rút kinh nghiệm, xây dựng lý luận mới với biên soạn giáo trình và tài liệu dạy học nghiệp vụ, bài tập tình huống nghiệp vụ ở các học phần tại các nhà trường công an.

Đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với công an các nước có nền giáo dục tiên tiến. Mạnh dạn đưa cán bộ đi đào tạo, trao đổi, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Tăng cường đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học nhằm đào tạo nhiều tài năng cho lực lượng CAND.

Đội ngũ trí thức nói chung và trí thức CAND nói riêng đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Mỗi giai đoạn đòi hỏi đội ngũ trí thức CAND phải có những tố chất, trình độ, năng lực riêng, song họ đều có một điểm chung là những người tiên phong trong nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến, sáng tạo. Từ những nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, yêu cầu đối với đội ngũ trí thức CAND là phải nắm vững những cơ hội và nhận biết thách thức để phấn đấu vươn lên về mọi mặt, đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 541 (tháng 3-2023)

Ngày nhận bài: 30-01-2023; Ngày bình duyệt: 4-3-2023; Ngày duyệt đăng: 22-3-2023.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.184.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.107.

(3) Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, https://bocongan.gov.vn/gioi-thieu/bai-viet-gioi-thieu/chuc-nang-nhiem-vu-va-he-thong-to-chuc-cua-luc-luong-cong-an-nhan-dan-30.html, truy cập ngày 20-2-2023

(4), (5) Thượng tướng PGS, TS Trần Quốc Tỏ: Xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong Công an nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Bộ Công an “Đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, Hà Nội, 2022, tr.9, 10.

HÀN ANH TUẤN

Công an huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa