Tọa đàm khoa học: Hợp tác quốc tế của Học viện: Thành tựu và định hướng phát triển
(LLCT) - Ngày 14-8-2019, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Tọa đàm khoa học nhân dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện. Đến dự và chủ trì Tọa đàm: PGS, TS Lê Quốc Lý, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; PGS, TS Lê Văn Lợi; Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học.
Tọa đàm có sự tham dự của Đại sứ các nước Lào, Trung Quốc, Môdămbích, Vênêzuêla, đại biện lâm thời Đại sứ quán Nga, Hàn Quốc tại Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế: UNDP, JICA, KOICA, AUSAID, USAID, cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ các đơn vị trong và ngoài Học viện.
Trong bài phát biểu đề dẫn, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý đã đến thăm Học viện và tham dự buổi tọa đàm. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ lý luận; nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học phục vụ việc hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược phát triển đất nước. Vì vậy, công tác hợp tác quốc tế của Học viện luôn song hành, đóng vai trò quan trọng, trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng yếu mà Đảng và Chính phủ giao phó.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã và đang có mối quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng với nhiều quốc gia trên thế giới, toàn hệ thống Học viện có quan hệ đối tác với hơn 60 nước và gần 200 đối tác quốc tế. Với sứ mệnh và mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đưa Học viện trở thành trung tâm quốc gia hàng đầu, có uy tín về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp theo hướng “hiện đại, hội nhập, có uy tín hàng đầu ở khu vực Châu Á và trên thế giới”, dựa trên năm giá trị cốt lõi “kiên định, đổi mới, mẫu mực, phụng sự và phát triển”, đồng chí tin tưởng rằng công tác hợp tác quốc tế sẽ góp phần thực hiện, lan tỏa mục tiêu, sứ mệnh này.
Tọa đàm là dịp để các nhà khoa học, các nhà ngoại giao cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được, làm rõ những hạn chế, bất cập của công tác hợp tác quốc tế của Học viện trong thời gian qua và chỉ ra phương hướng phát triển, lan tỏa các giá trị tích cực của công tác hợp tác quốc tế trong thời gian tới. PGS, TS Nguyễn Viết Thảo bày tỏ sự tin tưởng và hy vọng vào những nỗ lực của công tác hợp tác quốc tế trong toàn hệ thống Học viện sẽ góp phần mở rộng, thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa Học viện với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, tầm quan trọng của Học viện trong thời gian tới.
PGS, TS Lê Quốc Lý có bài tham luận về chủ đề Hợp tác quốc tế với việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng chí nhận định hợp tác quốc tế của Học viện trong thời gian qua đã tăng đột biến cả về số lượng và chất lượng các chương trình, dự án hợp tác. Nhiều chuyên gia các nước đã đến thăm, giảng bài tại Học viện, nhiều hội thảo khoa học quốc tế đã được tổ chức tại Học viện, với kết quả được chắt lọc, tổng kết, làm cơ sở để tham mưu chính sách cho Đảng, Nhà nước. Chất lượng công tác hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, đào tạo bồi dưỡng tăng rõ rệt trong những năm gần đây. Nhiều chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo cao cấp của các nước đã đến tham gia thuyết giảng tại Học viện, nhiều cán bộ của Học viện có cơ hội tham gia các khóa học ngắn hạn, dài hạn, nhiều đoàn khảo sát được tổ chức thành công, là những cơ hội quý báu để cán bộ học viện lĩnh hội những kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh những đối tác truyền thống, Học viện đã mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về khoa học, giáo dục đào tạo đến các cơ sở giáo dục, đào tạo, các tổ chức quốc tế uy tín.
Đại sứ CHDCND Lào Thoong Sạ Vẳn Phôm Vị Hản trình bày tham luận về Hợp tác đào tạo bồi dưỡng Việt Nam - Lào, khẳng định hai nước đã duy trì và phát triển hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong 5 năm qua, đã có gần 500 học viên Lào học tập tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhiều học viên là các cán bộ cấp cao trong Đảng, các học viên hoàn thành khóa học đã có nhiều đóng góp cho đất nước, góp phần thắt chặt mối quan hệ Việt - Lào anh em. Ngài Đại sứ cũng bày tỏ hy vọng mối quan hệ khăng khít giữa hai nước sẽ tiếp tục được mở rộng và nồng ấm hơn nữa trong tương lai.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba có bài tham luận với tiêu đề: Hợp tác giao lưu về xây dựng Đảng và quản lý đất nước giữa Trung Quốc và Việt Nam: Giá trị cao cả, không gian rộng lớn. Ngài Đại sứ điểm lại những thành tựu hợp tác sâu rộng giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Trung - Việt và khẳng định Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp trong việc đẩy mạnh giao lưu, hợp tác giáo dục giữa hai nước, đồng thời bày tỏ tin tưởng Học viện sẽ tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho công cuộc hợp tác song phương.
Ngài Vadim V. Bublikov, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Nga tại Việt Nam tham luận với chủ đề: Hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hợp tác Nga - Việt là mối quan hệ hợp tác tốt đẹp lâu đời, được ghi nhận trong các văn bản nền tảng như Hiệp ước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Hiệp định hợp tác chiến lược trên lĩnh vực giáo dục. Các kỳ thi Olympic tiếng Nga đã được tổ chức đều đặn qua nhiều năm, được học sinh Việt Nam tham gia sôi nổi, những thí sinh giàu tiềm năng từ cuộc thi này đã nhận được nhiều suất học bổng đi học tập tại Nga. Các hoạt động ngày văn hóa Việt Nam tại Nga, ngày văn hóa Nga tại Việt Nam, các hoạt động hợp tác khoa học, kỹ thuật, giáo dục, công nghệ được kỳ vọng làm sâu rộng thêm sự phối hợp hành động song phương hiện nay và tương lai.
Bà Sitara Syed, Đại diện UNDP Việt Nam điểm lại mối quan hệ hợp tác lâu đời giữa UNDP với Việt Nam nói chung cũng như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trên nhiều mặt, đặc biệt là lĩnh vực quản trị phát triển. Dự án PAPI do UNDP và phía Việt Nam phối hợp thực hiện đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, là kênh tham khảo có giá trị đối với Chính phủ Việt Nam trong quản trị đất nước. Đối với Học viện, UNDP đã phối hợp thực hiện nhiều dự án nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của phụ nữ trong hệ thống chính trị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc từ một nước có thu nhập thấp trở thành quốc gia có vị thế đáng kể trong khu vực cũng như quốc tế. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần những mô hình quản trị nhà nước hiệu quả, Bà đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định UNDP sẽ tiếp tục những dự án hợp tác có ý nghĩa với Việt Nam trong tương lai.
Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA Konaka Tetsuo có bài tham luận về hợp tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý Nhật Bản - Việt Nam, ông điểm lại những nội dung chính trong quá trình hợp tác giữa JICA và Học viện, trong đó nổi trội là lòng tin được xây dựng và vun đắp bền bỉ suốt 15 năm cùng hợp tác. JICA đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm quản lý đất nước đối với học viên các lớp nguồn do Học viện tổ chức, nhiều học viên sau này đã trở thành những nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, qua đó góp phần hỗ trợ Việt Nam cải thiện tính hiệu quả của quản trị đất nước. Bên cạnh đó, JICA cũng phối hợp cùng Học viện tổ chức nhiều khóa đào tạo ngắn hạn, biên soạn sách tham khảo, trao đổi đoàn nghiên cứu, trao đổi học giả… Ông Konaka Tetsuo bày tỏ sự lạc quan về triển vọng hợp tác giữa JICA với Học viện trong thời gian tới thông qua kết nối con người và phát triển nguồn nhân lực. JICA cam kết tiếp tục hợp tác hiệu quả với phía Học viện vì sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực.
Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam Nancy Coro Aguiar có bài phát biểu về quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Cuba, trong đó nhấn mạnh hai nước anh em Việt Nam - Cuba đã duy trì và phát triển mối quan hệ hữu hảo bền vững suốt nhiều năm qua, Cuba coi phát triển quan hệ với Việt Nam là một trong những ưu tiên ngoại giao của mình, trong đó quan hệ giữa hai đảng cộng sản là nền tảng trong quan hệ giữa hai nước.
Bà Chojung Myung, Phó Giám đốc Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA tại Việt Nam điểm lại những thành quả hợp tác giữa KOICA Việt Nam và Học viện. Một trong các chủ đề quan trọng mà KOICA hợp tác với Học viện, cũng như phía Việt Nam là vấn đề quản trị, đặc biệt là quản trị hành chính công, coi đó là một trong ba trụ cột để phát triển. KOICA đã phối hợp và hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng và cải thiện chính sách, cải cách lĩnh vực công, tăng cường nguồn nhân lực. Qua những dự án này, các chuyên gia của hai nước đã phối hợp mật thiết trong việc thực hiện các nghiên cứu, trong đó Học viện đã có những đóng góp nhất định trong xây dựng tầm nhìn quốc gia trong tương lai. Trên lĩnh vực hợp tác tăng cường năng lực cho cán bộ cấp cao, KOICA và Học viện đã phối hợp hiệu quả trong việc kết nối, trao đổi các đoàn cán bộ đến học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa hai nước. Bà Chojung Myung bày tỏ tin tưởng những thành tựu đạt được trong hợp tác toàn diện giữa KOICA và Học viện sẽ có ảnh hưởng tốt đẹp lâu dài đến phát triển của Việt Nam.
Ông Johan Alvin, Trưởng ban Thương mại, kinh tế và chính trị, Đại sứ quán Thụy Điển có bài tham luận về hợp tác giữa Học viện và các đối tác Thụy Điển hiện nay. Nhìn lại quá trình hợp tác song phương, có thể thấy hai nước đã phát triển một mối quan hệ hợp tác chân thành, hữu nghị trên mọi mặt của đời sống từ kinh tế - văn hóa - giáo dục, và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Đối với Học viện, có thể nói các hoạt động hợp tác khoa học giữa hai bên đã bắt đầu rất sớm, với những dự án nghiên cứu bắt đầu từ năm 1994. Đến nay, Thụy Điển đã đón nhiều đoàn cán bộ của Học viện sang thăm và làm việc, phía Thụy Điển cũng cử nhiều nhà khoa học sang trao đổi kinh nghiệm với Học viện. Trong các lĩnh vực hợp tác, Thụy Điển tập trung cùng Học viện nghiên cứu, trao đổi nhóm chủ đề quyền con người, đặc biệt là việc bảo đảm quyền cho phụ nữ và trẻ em.
Tại buổi tọa đàm, các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế đã nhiệt liệt chúc mừng Học viện nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và đánh giá buổi tọa đàm là cơ hội quý báu để hai bên cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được và đề ra phương hướng hợp tác trong tương lai. Bà Đại sứ Mexico, Ngài Đại sứ Cộng hòa Môdămbích, Phó Đại sứ Singapore, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Australia chia sẻ tin tưởng và hy vọng tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp với Học viện trên các mặt nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian tới.
Tổng kết buổi tọa đàm, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo đánh giá những ý kiến của đại diện các đối tác quốc tế của Học viện là sự nhìn nhận quý báu, là sự tổng kết quá trình hỗ trợ, hợp tác không chỉ về tri thức, kỹ năng, nguồn lực vật chất, mà quan trọng hơn cả, đó là tình cảm thắm thiết, sự đánh giá cao đối với Học viện, thể hiện sự trân trọng của không chỉ các cơ quan tổ chức mà là của các quốc gia, bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh: Với tư cách là trung tâm quốc gia nghiên cứu, tư vấn đường lối chính sách, Học viện có nhiệm vụ chuẩn bị không chỉ về kiến thức mà còn về tầm nhìn cho đội ngũ lãnh đạo đất nước trong tương lai. Để hoàn thành sứ mệnh nặng nề và vẻ vang đó, sự hợp tác giữa Học viện và các đối tác quốc tế là yếu tố vô cùng quan trọng, thông qua Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, mối quan hệ hợp tác giữa các đối tác quốc tế với Chính phủ Việt Nam sẽ ngày càng được tăng cường. Trong thời gian tới, Học viện chủ trương phát triển trên 4 lĩnh vực cơ bản: 1) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng và chính quyền các cấp. 2) Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn đường lối, chính sách. 3) Chia sẻ tri thức, cơ sở dữ liệu học thuật toàn cầu. 4) Hợp tác quốc tế trong quản trị Học viện với tư cách là một cơ sở đào tạo nghiên cứu khoa học quốc gia, đồng thời là một cơ quan cấp trung ương. Để hoàn thành sứ mệnh đó, cần tiếp tục đa dạng hóa đối tác, hình thức hợp tác, chú trọng những nội dung hợp tác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Học viện; nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia vào các dự án, chương trình hợp tác quốc tế; lấy hiệu quả thực chất của các chương trình hợp tác làm căn cứ đánh giá, nhận định, rút kinh nghiệm cho việc triển khai hiệu quả. Đó cũng là những nội dung mà đội ngũ lãnh đạo của Học viện mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế trong thời gian tới.
Minh Ngọc