Xây dựng Học viện Chính trị khu vực IV thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học có uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng Tây Nam Bộ

01/09/2020 15:40

Xây dựng Học viện Chính trị khu vực IV thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học có uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng Tây Nam Bộ

Học viện Chính trị khu vực IV (đặt tại thành phố Cần Thơ) được thành lập theo Quyết định số 534/QĐ-HVCTQG ngày 30-3-2006 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trong gần 15 năm qua, Học viện Chính trị khu vực IV đã nỗ lực và đạt những bước phát triển ban đầu, triển khai nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học ở khu vực Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước và vùng Tây Nam Bộ, đòi hỏi cần tập trung phát triển Học viện Chính trị khu vực IV sớm trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học có uy tín.

1. Nỗ lực và thành tựu đạt được trong gần 15 năm qua

Từ khi thành lập đến nay, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương và địa phương, Học viện Chính trị khu vực IV đã có nhiều cố gắng và đạt được thành tựu khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể là, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Học viện Chính trị khu vực IV không ngừng được kiện toàn và phát triển. Từ 3 cán bộ lúc thành lập, đến nay, Học viện có đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động gồm 102 người (bao gồm cả 2 cán bộ luân chuyển), trong đó có 1 phó giáo sư, tiến sĩ; 19 tiến sĩ, 60 thạc sĩ, 11 cử nhân, và 11 viên chức, người lao động có trình độ khác; đã thành lập được 16/20 đơn vị trực thuộc, trong đó số đơn vị giảng dạy là 8/12 khoa. Số giảng viên giảng dạy là 49/102 đồng chí, chiếm 48% tổng số cán bộ Học viện; lực lượng giảng viên của Học viện cùng với lực lượng biệt phái đã đảm nhiệm được 100% chương trình giảng dạy Cao cấp lý luận chính trị và tham gia một số phần học, môn học của chương trình cao học tại Học viện. Cơ sở vật chất của Học viện Chính trị khu vực IV từng bước được đầu tư phát triển. Dự án xây dựng Học viện khu vực IV giai đoạn I (2010-2014) giai đoạn II (2014-2018) đã tạo ra một số công trình quan trọng, giải quyết tạm thời và trước mắt khó khăn về trụ sở làm việc của Học viện, phòng học và ký túc xá cho Học viện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được triển khai với nỗ lực vượt bậc, tinh thần sáng tạo và đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Từ khi thành lập đến nay, Học viện Chính trị khu vực IV đã mở gần 150 lớp Cao cấp lý luận chính trị; triển khai các lớp bồi dưỡng cán bộ bao gồm bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp huyện, cấp tỉnh và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng với hơn 40 lớp và tổng số gần 4.000 học viên. Bên cạnh đó, Học viện đã phối hợp mở 19 lớp cao học với khoảng 800 học viên. Cơ chế quản trị nhà trường không ngừng đổi mới và hoàn thiện; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Học viện đạt kết quả tốt. Công tác nghiên cứu khoa học thu được kết quả bước đầu quan trọng. Học viện đã và đang thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học các cấp, bao gồm nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước; xuất bản, công bố một số ấn phẩm và nhiều bài viết trên các tạp chí... Công tác hợp tác quốc tế được coi trọng, hiện đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác với một số đối tác trong khu vực và trên thế giới; các hoạt động ngày càng đa dạng và có chiều sâu.

Tuy nhiên, trên nhiều lĩnh vực, Học viện Chính trị khu vực IV đang phải đối mặt với một sốkhó khăn, hạn chế và trở ngại lớn. Sau gần 15 năm thành lập, Học viện chỉ có 1 dãy phòng học 3 tầng, 1 ký túc xá 5 tầng, 1 dãy nhà 50 chỗ ở của Tỉnh ủy Hậu Giang hỗ trợ với khoảng 200 chỗ ở nội trú và tường rào bao quanh mặt bằng hơn 13ha; chưa có nhà điều hành, nhà ăn, thư viện... và nhiều công trình khác có tính chất tạm bợ, thiếu thốn. Tổ chức bộ máy chưa được triển khai, kiện toàn đầy đủ theo Quyết định số 6590-QĐ/HVCTQG ngày 01-11-2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị khu vực IV. Theo Quyết định số 6590-QĐ/HVCTQG, Học viện Chính trị khu vực IV có 6 đơn vị chức năng và 14 đơn vị giảng dạy, nghiên cứu, thông tin và xuất bản(1). Nhưng đến nay, Học viện mới thành lập được 10 đơn vị giảng dạy, nghiên cứu, thông tin và xuất bản; đội ngũ cán bộ, giảng viên còn thiếu về số lượng và không đồng đều về chất lượng. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Kết quả trong nghiên cứu khoa học chính trị chưa tương xứng với vị trí của Học viện. Hoạt động hợp tác quốc tế còn một số bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu. Những khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, giảng viên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Học viện trong tình hình mới, đòi hỏi cần nỗ lực trên nhiều mặt nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế nói trên, xây dựng và phát triển Học viện Chính trị khu vực IV thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học có uy tín tại vùng Tây Nam Bộ.

2. Tầm nhìn và định hướng phát triển đến năm 2035

Nhiệm vụ hiện đại hóa và nâng cao năng lực quản trị quốc gia, quản trị địa phương trong bối cảnh mới ở nước ta và khu vực Tây Nam Bộ đang đặt ra yêu cầu bức thiết đối với việc thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Trường Đảng nói chung và Học viện Chính trị khu vực IV nói riêng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển Học viện Chính trị khu vực IV trong tình hình mới, ngày 07-02-2018, Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/ĐU về phát triển Học viện Chính trị khu vực IV đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Về tầm nhìn đến năm 2035, Nghị quyết chỉ rõ: “Phát triển Học viện Chính trị khu vực IV thật sự trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Tây Nam Bộ; trung tâm nghiên cứu khoa học lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý ở khu vực Tây Nam Bộ, có đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng; có tổ chức bộ máy hoàn thiện và tinh gọn; quản trị tiên tiến; có cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại; thực hiện có hiệu quả các chức năng và nhiệm vụ trong tình hình mới; là một trong những đơn vị điển hình về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực hiện văn hóa Trường Đảng”(2).

Để hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu phát triển nói trên, trong thời gian tới, Học viện Chính trị khu vực IV cần tập trung vào các nhiệm vụ, định hướng chủ yếu sau:

Thứ nhất, tập trung xây dựng và cụ thể hóa chiến lược, tầm nhìn phát triển.

Theo đó, trên cơ sở Nghị quyết của Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về phát triển Học viện Chính trị khu vực IV và từ yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay cũng như trong thời gian tới Học viện Chính trị khu vực IV cần tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và cụ thể hóa chiến lược và tầm nhìn phát triển. Cụ thể là, xây dựng và ban hành chiến lược phát triển Học viện Chính trị khu vực IV đến năm 2035. Trên cơ sở đó, xây dựng và ban hành các chiến lược thành phần như, kế hoạch và lộ trình phát triển đội ngũ giảng viên;chiến lược về nghiên cứu khoa học chính trị; kế hoạch xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất - kỹ thuật; chiến lược hợp tác quốc tế; kế hoạch và lộ trình thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở Học viện Chính trị khu vực IV qua từng giai đoạn 5 năm và đến năm 2035.

Thứ hai, tăng cường và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật.

Trên cơ sở đầu tư ngân sách đủ mức của Trung ương và thông qua phương thức xã hội hóa - hợp tác công tư để tạo lập và tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật của Học viện nhằm đáp ứng được việc mở các lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung và các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh tại Học viện Chính trị khu vực IV theo nhu cầu của khu vực Tây Nam Bộ vào năm 2025(3); có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại đáp ứng được việc mở các lớp Cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng theo chức danh, đào tạo cử nhân, đào tạo sau đại học, bồi dưỡng cập nhật kiến thức và bồi dưỡng dự nguồn... theo nhu cầu của khu vực Tây Nam Bộ và sự phân cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2035. Để thực hiện mục tiêu, yêu cầu này, các cơ quan liên quan cần ưu tiên phân bổ ngân sách đủ mức cho Học viện Chính trị khu vực IV để triển khai, thực hiện các dự án xây dựng đã được phê duyệt.

Thứ ba, kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Chất lượng đội ngũ giảng viên là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của Học viện Chính trị khu vực IV. Do đó, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên là giải pháp then chốt để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Học viện Chính trị khu vực IV. Trong thời gian tới, trên cơ sở Quyết định số 6590-QĐ/HVCTQGcủa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị khu vực IV, cần thành lập đủ các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy theo nguyên tắc xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được phê duyệt (với 130 biên chế vào năm 2025 và 160 biên chế đến năm 2035), cần triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Theo đó, thực hiện có hiệu quả các giải pháp về tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, luân chuẩn, đào tạo, bồi dưỡng... để phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng. Trước mắt, rà soát đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu và tham mưu hiện có, đánh giá đúng năng lực, sở trường của mỗi người để sắp xếp, phân công công việc hợp lý; tuyển dụng kỹ lưỡng, có chọn lọc và đảm bảo chất lượng nhân lực mới theo yêu cầu công việc, nhất là tuyển dụng đội ngũ giảng viên theo biên chế, chỉ tiêu được giao, đảm bảo đội ngũ giảng viên chiếm hơn 2/3 tổng số cán bộ, viên chức của Học viện Chính trị khu vực IV. Tranh thủ các nguồn lực từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ; thực hiện việc tuyển dụng lực lượng cán bộ, giảng viên có khả năng tham gia ngay vào hoạt động giảng dạy của Học viện Chính trị khu vực IV từ nhiều nguồn khác nhau; chuẩn bị kế hoạch phối hợp tốt với Đề án 587 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ, kịp thời bổ sung cho Học viện Chính trị khu vực IV trong những năm tới đây. Tiếp tục có những giải pháp sáng tạo, hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, như đưa giảng viên trẻ, giảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đi thực tế theo yêu cầu công việc, tăng cường số lượng tiến sĩ, phó giáo sư trong đội ngũ giảng viên; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế để giảng viên tham gia các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn chính sách bên ngoài Học viện Chính trị khu vực IV sau khi đã đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ công việc được giao; tăng cường xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý trong thực tiễn, đội ngũ chuyên gia từ các đơn vị khác tham gia vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị khu vực IV.

Thứ tư, nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách.

Đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách theo phân cấp là ba chức năng chủ yếu của Học viện Chính trị khu vực IV, cũng là ba nhiệm vụ chủ yếu của đội ngũ giảng viên. Để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong tình hình mới cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách của Học viện Chính trị khu vực IV. Cụ thể là ngoài việc triển khai thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học theo phân cấp, cần phải tăng cường phối hợp với các địa phương, các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện các đề tài nghiên cứu và triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học; tăng cường sự tương tác giữa Học viện Chính trị khu vực IV và đội ngũ cán bộ khoa học với khu vực công các địa phương trong nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách. Phối hợp với một số đơn vị có liên quan để thiết lập và sử dụng có hiệu quả “kho dữ liệu” khu vực Tây Nam Bộ nhằm phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách. Nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên trên cơ sở thực hiện tốt các khâu thông qua bài giảng, phân công bài giảng, đánh giá bài giảng và quản lý hoạt động giảng dạy của giảng viên. Theo đó, cần tăng cường hoạt động thao giảng định kỳ, Hội thi “Giảng viên giỏi”; thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến đánh giá của học viên đối với bài giảng của giảng viên; tăng cường quản lý hoạt động giảng dạy của đội ngũ giảng viên, nhất là thực hiện chế độ dự giờ đối với giảng viên.

Thứ năm, xây dựng Học viện theo mô hình “tổ chức học tập”.

Để thích ứng với yêu cầu mới và sự thay đổi mau lẹ của tình hình, cần phải xây dựng Học viện theo mô hình “tổ chức học tập”. Để xây dựng Học viện theo mô hình “tổ chức học tập”, ngoài việc đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch và tập trung dân chủ, phát huy tính tự chủ của đội ngũ giảng viên, cần phải đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt khoa học trong đội ngũ giảng viên cũng như tăng cường các hoạt động chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các giảng viên trong Học viện Chính trị khu vực IV và giữa giảng viên Học viện với các chuyên gia, nhà khoa học ở các tổ chức trong và ngoài nước. Theo đó, khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ cụ thể các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy tổ chức các sinh hoạt khoa học theo chuyên đề một cách định kỳ nhằm chia sẻ những thông tin, kết quả nghiên cứu mới; tăng cường mời các chuyên gia, các nhà khoa học giỏi, có uy tín ở trong và ngoài nước đến chia sẻ, trao đổi với đội ngũ giảng viên về một số vấn đề lý luận và thực tiễn mới nhằm phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của giảng viên.

Thứ sáu, thiết lập và mở rộng mối quan hệ với các tổ chức, đối tác ở trong và ngoài nước.

Việc thiết lập và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, đối tác ở trong và ngoài nước có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển và định vị thương hiệu của Học viện Chính trị khu vực IV. Để tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đối tác và tổ chức trong và ngoài nước, cần ưu tiên thực hiện một số định hướng, như: (1) Xây dựng và thực hiện kế hoạch phối hợp về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học với các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ; đồng thời, chú ý hợp tác với Học viện Chính trị khu vực II nhằm phát huy nguồn lực của cả 2 Học viện theo tư duy hệ thống; (2) Xây dựng và thực hiện kế hoạch phối hợp về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học với một số viện nghiên cứu, trường đại học, trước mắt là ưu tiên hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học khu vực Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh; (3) Xây dựng và thực hiện kế hoạch hợp tác giữa Học viện với các cơ quan truyền thông đại chúng (Đài truyền hình, Đài phát thanh...) trong tuyên truyền, đưa tin về hoạt động của Học viện cũng như trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; (4) Đa dạng hóa các hình thức hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học với các đối tác quốc tế hiện có và mở rộng thêm một số đối tác khác, thí điểm việc mời một số chuyên gia quốc tế đến trao đổi, chia sẻ thông tin với Học viện; (5) Thí điểm triển khai hợp tác nghiên cứu một số đề tài giữa Học viện Chính trị khu vực IV với một số đối tác trong nước và nước ngoài; (6) Thiết lập mối quan hệ hợp tác với một số Quỹ nghiên cứu, quỹ tài trợ và các tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam.

Thứ bảy, nâng cao hiệu quả quản trị điện tử.

Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của Học viện Chính trị khu vực IV có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Học viện. Do đó, cần phải nâng cao hiệu quả quản trị điện tử của Học viện Chính trị khu vực IV theo định hướng “quản trị thông minh”, xây dựng “Học viện thông minh”. Việc nâng cao quản trị điện tử tại Học viện Chính trị khu vực IV cần thực hiện theo hướng: (1) Mọi hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phải đáp ứng yêu cầu và điều kiện của Học viện Chính trị khu vực IV luôn gắn với Học viện Chính trị Hồ Chí Minh; (2) Vận dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cung ứng dịch vụ cho Học viện; (3) Vận dụng công nghệ thông tin để phục vụ có hiệu quả sự tương tác giữa Học viện Chính trị khu vực IV với các tổ chức và thiết chế bên ngoài và trong xây dựng hình ảnh, sự ảnh hưởng của Học viện.

Thứ tám, xây dựng văn hóa Trường Đảng và tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình làm việc và quản trị nội bộ.

Xây dựng văn hóa Trường Đảng là mục tiêu và động lực cho sự phát triển của Học viện. Do đó, cần phải thông qua nhiều hình thức khác nhau để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án văn hóa công vụ và Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26-10-2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, trên cơ sở các quy định và hướng dẫn có liên quan để xây dựng và thực hiện quy chế văn hóa công sở tại Học viện Chính trị khu vực IV; thông qua nhiều biện pháp khác nhau (giáo dục, tự điều chỉnh và kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm...) nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có tinh thần phục vụ, đặt lợi ích chung trên hết, trước hết, có trách nhiệm, có ý thức kỷ luật, liêm chính và có tinh thần đổi mới, làm việc với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Bên cạnh việc tăng cường xây dựng văn hóa Trường Đảng và để góp phần xây dựng văn hóa Trường Đảng, cần đẩy mạnh cải cách hành chính trong nội bộ. Cụ thể là trên cơ sở quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để xây dựng và ban hành hệ thống các quy định, thủ tục hành chính nội bộ theo hướng nhất quán, đơn giản và hiệu quả.

Tóm lại, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, tầm nhìn phát triển Học viện Chính trị khu vực IV thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học có uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng Tây Nam Bộ, cần phải quán triệt quan điểm và bám sát các định hướng về xây dựng và phát triển Học viện Chính trị khu vực IV được nêu trong Nghị quyết số 14-NQ/ĐU ngày 07-02-2018, của Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về phát triển Học viện Chính trị khu vực IV đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Trong đó, sự quan tâm đầu tư và hỗ trợ của Trung ương là quan trọng và có ý nghĩa then chốt; sự tự chủ và sáng tạo, nỗ lực của Học viện Chính trị khu vực IV là yếu tố quyết định trực tiếp; sự giúp đỡ, hợp tác của các địa phương có ý nghĩa to lớn, tạo thuận lợi cho sự phát triển của Học viện Chính trị khu vực IV trong giai đoạn tiếp theo.

__________________

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025

(1) Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Quyết định số 6590-QĐ/HVCTQG ngày 01-11-2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị khu vực IV, Hà Nội, 2018.

(2) Đảng ủyHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:Nghị quyết số 14-NQ/ĐUcủa Ban Chấp hành Đảng bộ về phát triển Học viện Chính trị khu vực IV đến năm 2025, tầm nhìn 2035, Hà Nội, 2018.

(3) Đến năm 2025, phấn đấu có đủ phòng học, ký túc xá, nhà ăn, thư viện và các phương tiện kỹ thuật đáp ứng cho 1.500 học viên thường xuyên học tập, nghiên cứu tại Học viện, đảm bảo 700 chỗ ở nội trú cho học viên, đáp ứng chỗ làm việc cho cán bộ giảng dạy, nghiên cứu.

PGS, TS Nguyễn Quốc Dũng

Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy;
Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV