Trường chính trị cấp tỉnh sau hai năm thực hiện Quy định về trường chính trị chuẩn
TS NGUYỄN THỊ THANH NHÀN
Vụ Các trường chính trị,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(LLCT) - Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác trường chính trị, xây dựng trường chính trị cấp tỉnh trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 về trường chính trị chuẩn (Quy định số 11-QĐ/TW). Bài viết khái quát những thành tựu các trường chính trị cấp tỉnh đạt được sau 2 năm thực hiện Quy định của Ban Bí thư và phương hướng phát triển trong thời gian tới.
Xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW là quá trình chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị cấp tỉnh, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; cung cấp luận cứ phục vụ hoạch định chủ trương, chính sách của địa phương.
Để đạt mục tiêu này, các trường chính trị cấp tỉnh cần được chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên; chuẩn hóa các điều kiện phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; chuẩn hóa về mô hình tổ chức và hoạt động của trường theo 2 mức: chuẩn mức 1 và chuẩn mức 2. Mỗi mức chuẩn có 6 tiêu chí với các chỉ tiêu cụ thể.
Quy trình công nhận trường chính trị đạt chuẩn gồm các bước: (1) Trường tự đánh giá đạt chuẩn, trình hồ sơ đề nghị công nhận trường chính trị đạt chuẩn lên hội đồng thẩm định cấp tỉnh. (2) Trên cơ sở hồ sơ đề nghị của trường, tỉnh ủy, thành ủy thành lập hội đồng đánh giá trường chính trị đạt chuẩn do thường trực tỉnh ủy, thành ủy làm chủ tịch, thành viên hội đồng là đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành của tỉnh, thành phố, sau đó gửi hồ sơ đề nghị lên hội đồng thẩm định cấp trung ương. (3) Hội đồng thẩm định cấp trung ương do Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thành viên hội đồng là đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ và một số đơn vị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. (4) Căn cứ kết quả cuộc họp của Hội đồng thẩm định cấp Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành quyết định công nhận và phối hợp với thường trực tỉnh ủy, thành ủy tổ chức công bố quyết định công nhận trường chính trị đạt chuẩn. Đối với những trường không duy trì được các chỉ tiêu đạt chuẩn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xem xét, thống nhất với thường trực tỉnh ủy, thành ủy thu hồi quyết định và bằng công nhận trường chính trị chuẩn.
1. Những kết quả bước đầu trong công tác xây dựng trường chính trị chuẩn
Sau 2 năm triển khai Quy định số 11-QĐ/TW, được sự quan tâm của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn sâu sát, quyết liệt của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, viên chức các trường chính trị cấp tỉnh trên cả nước, đến nay, đã có 60/63 trường được ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy phê duyệt đề án xây dựng trường chính trị chuẩn. Trong đó, 7 trường được công nhận đạt chuẩn mức 1: Trường Chính trị tỉnh Lào Cai, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Chính trị Tô Hiệu, thành phố Hải Phòng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Việc triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW với 6 nhóm tiêu chí, 55 chỉ tiêu đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện các mặt công tác của các trường chính trị cấp tỉnh.Thể hiện trên các nội dung:
Một là, công tác xây dựng quy chế, quy định điều chỉnh hoạt động chuyên môn của các trường chính trị được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh triển khai bài bản, khoa học; từ sơ kết, đánh giá tình hình, hiệu quả thực hiện quy chế, quy định đến xây dựng dự thảo, tổ chức lấy ý kiến góp ý của các trường chính trị cấp tỉnh trên cả nước.
Các quy định, quy chế do Học viện ban hành đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để các trường triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, kịp thời đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn, giúp các trường hoàn thiện hệ thống quy định, quy chế, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, kịp thời, hợp lý, khả thi, không trái với văn bản của cơ quan cấp trên.
Hai là, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên được các tỉnh ủy, thành ủy, lãnh đạo trường quan tâm, quyết liệt thực hiện lộ trình chuẩn mức 1, mức 2 về đội ngũ.
Nhiều tỉnh quan tâm bổ sung chỉ tiêu, biên chế, tổ chức tuyển dụng, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, viên chức trường chính trị. Đến nay, đã có 31 trường bảo đảm chuẩn về tỷ lệ giảng viên trên tổng số viên chức toàn trường đạt từ 75% trở lên, tăng gần gấp 3 lần so với trước (năm 2020, chỉ có 13 trường đạt tỷ lệ này). Cùng với đó, các trường đã cử hàng trăm lượt cán bộ, giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Trong 2 năm, đã có 108 người được cử đi nghiên cứu sinh, 385 người học cao cấp lý luận chính trị. Đây là số lượng cán bộ, viên chức được cử đi đào tạo lớn nhất từ trước tới nay. Năm 2022, số lượng giảng viên được học lớp kiến thức bồi dưỡng kinh điển lớn nhất, với 556 giảng viên.
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giảng viên. Hiện nay, hệ thống trường chính trị đã có 4 phó giáo sư, 142 tiến sĩ, 1.874 thạc sĩ, 1.529 cán bộ, viên chức có bằng cao cấp lý luận chính trị, 32 giảng viên cao cấp và 805 giảng viên chính. Số tiến sĩ đã tăng 255%, số thạc sĩ tăng 101% và số giảng viên chính, giảng viên cao cấp tăng 109% so với trước năm 2021.
Ba là, công tác đào tạo, bồi dưỡng của các trường có sự chuyến biến rõ nét về quy mô và chất lượng. Nhiều trường trước kia chủ yếu chỉ tổ chức đào tạo trung cấp lý luận chính trị, nay đã triển khai các lớp bồi dưỡng, nhất là các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương quản lý (đối tượng 4), bồi dưỡng cấp ủy cơ sở, bồi dưỡng chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cơ sở. Số lớp trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung mở tại trường đã tăng lên, hướng tới chuẩn về tỷ lệ lớp tập trung/không tập trung là 1:3 (3 lớp đào tạo hệ không tập trung thì mở 1 lớp đào tạo hệ tập trung). Tỷ lệ đào tạo tập trung/không tập trung bình quân cả nước những năm 2019-2020 đạt gần 1:3,5, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ này đã đạt 1:1,5, tăng hơn 2 lần.
Nhiều trường đã xây dựng được các mô hình điển hình trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, như: Lào Cai, Thanh Hóa, Hậu Giang... Riêng năm 2022, các trường đã tổ chức tổng số 5.002 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 390.570 học viên (tăng 171,5% số lớp và tăng 182% số học viên so với năm 2021). Trong đó, có 1.230 lớp Trung cấp Lý luận chính trị với 76.553 học viên; lớp trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung tăng 161% so với năm 2021, số lớp tập trung mở tại trường là 409 lớp với 19.004 học viên.
Một số trường mở nhiều lớp trung cấp lý luận chính trị như Trường Chính trị tỉnh Nghệ An (47 lớp), Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh (27 lớp), Trường Chính trị tỉnh Gia Lai (24 lớp)...
Các trường đã tổ chức được 3.420 lớp bồi dưỡng với 274.935 học viên; thực hiện tốt việc đa dạng hoá các loại hình, chương trình bồi dưỡng, nhất là các chương trình như: bồi dưỡng đối tượng 4; bồi dưỡng cấp ủy cơ sở; bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng; bồi dưỡng chuyên viên chính...
Nhiều trường có quy mô bồi dưỡng lớn, như: Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa (153 lớp, với 16.202 học viên), Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Quảng Ninh (106 lớp, với 10.062 học viên), Trường Chính trị tỉnh Gia Lai (86 lớp, với 5.660 học viên), Trường Chính trị tỉnh Kon Tum (82 lớp, với 4.214 học viên)...
Bốn là, nghiên cứu khoa học có nhiều khởi sắc. Trước đây, hoạt động khoa học là khâu yếu của các trường chính trị; nhiều trường trong nhiều năm không triển khai được đề tài, hội thảo khoa học cấp tỉnh; nhiều trường không có báo cáo kiến nghị với tỉnh ủy, thành ủy từ kết quả nghiên cứu... Đến nay, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị cấp tỉnh đã có chuyển biển mạnh mẽ, bám sát nhiệm vụ chính trị, tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đang đặt ra, như: vận dụng và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại các trường chính trị; nghiên cứu, làm rõ giá trị tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; giải pháp thúc đẩy hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư; việc triển khai chương trình trung cấp lý luận chính trị vào giảng dạy; tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học...
Các hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng được chú trọng hơn về tính thực tiễn; coi trọng tính ứng dụng, xã hội hóa kết quả nghiên cứu, trên quan điểm lấy chất lượng, tính khả thi và hiệu quả làm tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá kết quả hoạt động khoa học. Một số trường đẩy mạnh hướng nghiên cứu phục vụ tư vấn, hoạch định chủ trương, chính sách của địa phương.
Công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục được triển khai nghiêm túc, bài bản, bảo đảm quy trình, tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Các trường đã chủ động phối hợp với các Học viện trực thuộc, viện chuyên ngành thuộc Học viện hỗ trợ trong đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng thuyết minh, xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu; phối hợp với các trường trong hệ thống, các ban, sở, ngành, địa phương trong triển khai nghiên cứu. Chú trọng mời các nhà khoa học ở trung ương, các chuyên gia, cán bộ làm công tác thực tiễn... tham gia nghiên cứu, hội thảo.
Từ những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác nghiên cứu khoa học, với mục tiêu cụ thể là xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, các trường đã triển khai 4 hội thảo cấp Nhà nước, 36 đề tài, 59 hội thảo khoa học cấp bộ, khu vực, 49 đề tài, 92 hội thảo khoa học cấp tỉnh, 1.081 đề tài, hội thảo, tọa đàm khoa học cấp cơ sở. Xuất bản được 56 đầu sách chuyên khảo, tham khảo, có 35 bài đăng tạp chí nước ngoài, 623 bài đăng tạp chí có chỉ số ISSN.
Nhiều trường, sau một thời gian dài không có đề tài khoa học cấp tỉnh, đến nay đã đề xuất thành công nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh.
Việc các trường chính trị cấp tỉnh tổ chức thành công nhiều nhiệm vụ khoa học do Học viện, tỉnh, thành phố, địa phương giao đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa tích cực trên cả nước, góp phần khẳng định vị thế của các trường chính trị tại địa phương. Các trường tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức của nội san, bản tin thông tin lý luận và thực tiễn. Thực hiện chỉ tiêu về số lượng bản tin thông tin lý luận và thực tiễn được xuất bản trong năm theo Quy định số 11-QĐ/TW, nhiều trường, những năm trước chỉ xuất bản từ 1- 2 số/năm, đến nay đã xuất bản định kỳ được 3 số/năm; một số trường xuất bản được từ 4-6 số/năm, tiêu biểu là Tạp chí Phát triển nhân lực của Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh (6 số/năm), bản tin của Trường Chính trị tỉnh Lào Cai, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc (4 số/năm)...
Nhiều bản tin, tạp chí có chất lượng tốt, nội dung phong phú, đăng tải được nhiều mô hình, kinh nghiệm quý, cách làm hay, có sức lan tỏa. Đặc biệt, Tạp chí Phát triển nguồn nhân lực được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đưa vào Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học. Bên cạnh đó, một số trường đã xây dựng chuyên trang về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên bản tin, nội san hoặc cổng thông tin điện tử của trường (trường Chính trị các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Bình Phước, Kiên Giang, Long An, Nghệ An, Ninh Thuận, Yên Bái...).
Năm là, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện ứng xử văn hóa trường Đảng, kỷ luật, kỷ cương tiếp tục được các trường duy trì tốt. Lãnh đạo chuyên môn, cấp ủy, đoàn thể các trường hoạt động hiệu quả, hằng năm được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Quy chế dân chủ trong nhà trường được thực hiện tốt; tham gia tích cực, đầy đủ các hoạt động thi đua và phong trào thi đua. Nhiều trường đã xây dựng được mô hình điển hình tiên tiến trong công tác.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu được quan tâm, nhiều trường được đầu tư xây dựng trụ sở mới, được cải tạo, nâng cấp các hạng mục, mở rộng diện tích, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công tác.
Công tác lập kế hoạch tài chính, phân bổ, sử dụng và quản lý tài chính cơ bản đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường.
Tuy nhiên, công tác xây dựng trường chính trị chuẩn còn những hạn chế, khó khăn. Hiện nay, còn 3 trường chưa được phê duyệt đề án xây dựng trường chính trị chuẩn; nhiều tỉnh, thành phố chưa tổ chức được cho giảng viên trường chính trị thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Nhiều trường chưa đạt tỷ lệ 75% giảng viên trên tổng số cán bộ, viên chức; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trường vẫn thường xuyên có sự biến động. Tỷ lệ các lớp tập trung/không tập trung của nhiều trường chưa đạt 1:3 theo quy định. Nhiều trường chưa đề xuất được đề tài khoa học cấp tỉnh; năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trường chính trị còn hạn chế. Một số trường có cơ sở vật chất chắp vá, thiếu đồng bộ, thiếu các hạng mục theo quy định chuẩn...
2. Trọng tâm nhiệm vụ xây dựng trường chính trị chuẩn thời gian tới
Trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn tập trung cao độ hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng... công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp cần được nâng cao chất lượng hơn nữa. Vì vậy, trọng tâm nhiệm vụ xây dựng trường chính trị chuẩn vẫn là tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác của nhà trường. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, sát sao, đồng bộ hơn nữa của các cơ quan có liên quan từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là của đội ngũ cán bộ, viên chức trường chính trị cấp tỉnh. Cụ thể là:
Thứ nhất, cần phát huy hơn nữa vai trò của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong công tác quản lý, hướng dẫn chuyên môn, chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và công nhận trường chính trị chuẩn. Theo đó, Học viện cần tập trung hướng dẫn các trường hoàn thiện, triển khai thực hiện đề án trường chính trị chuẩn; tiếp tục tổ chức các đoàn công tác của Ban Giám đốc Học viện làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy và các trường chính trị về công tác đào tạo, bồi dưỡng và triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, trong đó, đặc biệt chú trọng nhóm các trường chính trị còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm triển khai xây dựng trường chính trị chuẩn với tỷ lệ chỉ tiêu, tiêu chí thấp; hỗ trợ các trường hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn, nhất là chỉ tiêu về đội ngũ giảng viên, về hoạt động khoa học. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện phong trào thi đua xây dựng trường chính trị chuẩn (giai đoạn 2022-2025) trong các trường chính trị. Thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2030 (Đề án 587).
Phối hợp với các cơ quan trung ương có liên quan và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương tháo gỡ khó khăn trong xét thăng hạng cho cán bộ, giảng viên trường chính trị cấp tỉnh. Có cơ chế giao đề tài nghiên cứu, hội thảo khoa học cấp bộ và hỗ trợ nguồn lực cho các trường triển khai nhiệm vụ khoa học, chú trọng thực hiện mô hình “viện, khoa - trường” để các viện, khoa chuyên ngành của hệ thống Học viện giúp đỡ, hỗ trợ các trường chính trị cấp tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ khoa học do Giám đốc Học viện giao.
Tuyển chọn, mời một số cán bộ, giảng viên trường chính trị có đủ điều kiện tham gia các nhóm chuyên gia của Học viện; tham gia các đề tài nghiên cứu, viết bài tham luận hội thảo khoa học do Học viện trực thuộc chủ trì; tham gia xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu bồi dưỡng; tham gia các hội đồng nghiệm thu, đánh giá, thẩm định.
Chia sẻ với các trường chính trị cấp tỉnh kết quả nghiên cứu khoa học của Học viện, thông tin tri thức lý luận và thực tiễn trong nước và quốc tế. Chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành ở trung ương triển khai thủ tục đánh giá, công nhận trường chính trị chuẩn. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ xây dựng trường chính trị đạt chuẩn và duy trì các kết quả chuẩn hóa sau khi được công nhận trường chính trị chuẩn; thu hồi quyết định công nhận trường chính trị chuẩn đối với các trường không duy trì được tiêu chí trường chính trị chuẩn. Qua đó bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các mặt công tác khác từ kết quả chuẩn hóa trường chính trị. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nhằm tạo sức lan tỏa trong triển khai Quy định số 11-QĐ/TW.
Thứ hai, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp của các ban, sở, ngành, địa phương trong công tác trường chính trị nói chung và xây dựng trường chính trị chuẩn nói riêng.
Với vai trò lãnh đạo toàn diện đối với trường chính trị cấp tỉnh; Trước hết, các tỉnh ủy, thành ủy cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trường chính trị cấp tỉnh và các ban, sở, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện đề án trường chính trị chuẩn.
Hai là, trong xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, căn cứ Quy định số 11-QĐ/TW để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm.
Xây dựng đề án luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên về các sở, ban, ngành, địa phương để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, giảng dạy, nghiên cứu.
Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức cho các trường chính trị cấp tỉnh, bảo đảm tỷ lệ 75% cơ cấu giảng viên, cán bộ nghiên cứu trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ đạo các trường cơ cấu lại đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ, giảng viên các trường học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, trong đó chú trọng cử giảng viên đi nghiên cứu sinh và học cao cấp lý luận chính trị.
Quan tâm ban hành quyết định giảng viên thỉnh giảng của trường chính trị, gồm lãnh đạo tỉnh, các ban, sở, ngành, địa phương; quy định rõ trách nhiệm của giảng viên thỉnh giảng.
Ba là, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thống nhất giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho trường chính trị theo Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị cấp tỉnh; nhất là các nhiệm vụ bồi dưỡng như: bồi dưỡng đối tượng 4; bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính; bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng; bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở; bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã...
Thống nhất thực hiện trường chính trị là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức duy nhất ở cấp tỉnh. Chỉ đạo và tạo điều kiện để trường chính trị tăng cường mở các lớp trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại trường. Bảo đảm chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên, học viên.
Bốn là, có cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của trường chính trị; chỉ đạo sở khoa học và công nghệ giao nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh; có cơ chế để đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị tham gia các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi nghiên cứu trong và ngoài nước.
Năm là, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí hoạt động và hiện đại hóa các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, học tập, nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu trường chính trị chuẩn. Có cơ chế, chính sách tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao, đóng góp vào xây dựng trường chính trị chuẩn.
Các ban, sở, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực phối hợp với trường chính trị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học. Tham mưu cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phối hợp thực hiện đúng quy định trong việc cử cán bộ đi học, tạo điều kiện để cán bộ tham gia thỉnh giảng tại trường chính trị; chủ động đặt hàng trường chính trị nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, phục vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...
Thứ ba, các trường chính trị tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn.
Cần tổ chức rà soát, thống kê hiện trạng của trường về các lĩnh vực công tác cần chuẩn hoá theo Quy định số 11-QĐ/TW. Chủ trì, tham mưu xây dựng đề án trường chính trị chuẩn trình tỉnh uỷ, thành ủy trực thuộc Trung ương phê duyệt, trong đó xác định lộ trình cụ thể xây dựng trường chính trị chuẩn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng, chủ động đề xuất các loại hình đào tạo, bồi dưỡng gắn với các điều kiện đặc thù của địa phương và của trường để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực. Thực hiện nghiêm túc chương trình, giáo trình, quy chế quản lý đào tạo, quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng, chủ động xây dựng thể chế, quy định cụ thể về quản lý đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, học tập, cập nhật thông tin trong giáo án và các tài liệu giảng dạy, học tập.
Chú trọng công tác xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương, tránh xảy ra những hành vi tiêu cực, vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật trong nhà trường.
Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, lựa chọn vấn đề nghiên cứu vừa mang tính thời sự, vừa mang tính chiến lược, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn địa phương. Bên cạnh những đề tài phục vụ giảng dạy, học tập, chú trọng nghiên cứu những đề tài phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Chắt lọc những kết quả nghiên cứu để chủ động tư vấn cấp ủy, chính quyền địa phương những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Chú trọng việc xã hội hóa các công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên.
_________________
Ngày nhận bài: 13 - 11-2023; Ngày bình duyệt: 14-11-2023; Ngày duyệt đăng: 15-11-2023.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo số 2546-BC/HVCTQG ngày 18/10/2023 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sơ kết 2 năm triển khai Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.
2. Báo cáo số 12-BC/HVCTQG ngày 12/01/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổng kết công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
3. Báo cáo số 11-BC/HVCTQG ngày 12/01/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổng kết 5 năm tổ chức và hoạt động cụm thi đua các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương giai đoạn 2015-2020.
4. Báo cáo số 10-BC/HVCTQG ngày 12/01/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sơ kết 2 năm thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
5. Báo cáo số 730-BC/HVCTQG ngày 28/01/2022 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổng kết công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
6. Báo cáo số 1747-BC/HVCTQG ngày 15/02/2023 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổng kết công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.