Những chuyển biến lớn về chính sách xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam qua các cuộc đối thoại với công nhân
ĐINH CÔNG TUYẾN
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(LLCT) - Đối thoại chính sách là phương thức phổ biến trong hoạch định, thực thi và điều chỉnh chính sách. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm nâng cao vai trò, vị thế của giai cấp công nhân, đáp ứng quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc tổ chức các cuộc đối thoại với công nhân hằng năm là dịp để Chính phủ nhìn nhận, đánh giá, bổ sung, điều chỉnh chính sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước. Bài viết phân tích thực trạng thực thi và những chuyển biến về chính sách qua các lần đối thoại với công nhân, từ đó đề xuất phương hướng phát huy vai trò của các chủ thể tham gia đối thoại nhằm xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, đối thoại với công nhân năm 2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước” - Ảnh: qdnd.vn
Năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI quyết định lấy tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân”. Với mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân, các hoạt động như: tuyên truyền, đối thoại, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết nhu cầu chính đáng, tôn vinh người lao động… giúp Chính phủ, các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp có dịp nhìn nhận, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho giai cấp công nhân Việt Nam được chăm lo, phát triển toàn diện.
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, vào Tháng Công nhân, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức đối thoại với công nhân. Đây là hoạt động có ý nghĩa thực tiễn quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, tiếp tục điều chỉnh chính sách xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Thấu hiểu tâm tư, giải quyết nguyện vọng chính đáng
Đồng Nai là địa phương đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ chọn để tổ chức gặp mặt và đối thoại với 3.000 công nhân, đại diện cho người lao động 8 tỉnh phía Nam vào ngày 30-4-2016. Trong năm, tình hình kinh tế - xã hội có một số chuyển biến tích cực như GDP ước tính tăng 6,21% so với năm 2015, tỷ lệ lạm phát năm 2015 là 0,63%, trong khi lương tối thiểu vùng tăng 12%(1), qua đó góp phần bảo đảm đời sống người lao động.
Thực tế còn nhiều vấn đề đặt ra trong buổi đối thoại với giai cấp công nhân, như: lương tối thiểu thấp, công nhân gặp nhiều khó khăn trong giải quyết các vấn đề nhà ở, khám, chữa bệnh; tình trạng trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội của một số doanh nghiệp; nhiều công nhân lo ngại khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) có sức ép cạnh tranh về việc làm; con công nhân đa phần phải gửi vào các nhà trẻ tư, không bảo đảm chất lượng; một bộ phận lớn công nhân ít được tiếp cận với các thiết chế văn hóa, đời sống tinh thần chưa được cải thiện; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm;...
Do đó, sau cuộc đối thoại, lắng nghe tâm tư và giải đáp trực tiếp các vấn đề trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành nhanh chóng tham mưu giải quyết thỏa đáng những nguyện vọng chính đáng của công nhân: (1) Nghiên cứu mức tăng lương tối thiểu phù hợp, bảo đảm đời sống công nhân, bên cạnh đó, Nhà nước kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả. (2) Các khu công nghiệp, các địa phương quan tâm vấn đề công nhân vay vốn mua nhà ở xã hội; quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa. (3) Các khu công nghiệp có nhà trẻ, trường mẫu giáo. (4) Xử lý nghiêm những vi phạm của doanh nghiệp như: không đóng bảo hiểm xã hội, cắt xén bữa ăn của công nhân. (5) Công nhân học tập, nâng cao trình độ, tay nghề.
Cụ thể hóa các chủ trương lớn
Một năm sau lần đối thoại đầu tiên giữa Chính phủ và công nhân lao động, một loạt chuyển biến đã diễn ra theo hướng tích cực, như: thực hiện tăng lương tối thiểu(2), đẩy mạnh triển khai nhà ở xã hội (tiêu biểu là tỉnh Bình Dương(3)); tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; nâng mức xử phạt các trường hợp nợ đọng, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; chú trọng xây dựng thiết chế công đoàn(4).
Triển khai chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với 18 tập đoàn, tổng công ty, qua đó cung cấp các dịch vụ và sản phẩm cho đoàn viên công đoàn với mức giá giảm 5 - 25% so với giá niêm yết.
Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, xây dựng ký túc xá, nhà lưu trú cho công nhân. Tiêu biểu là tỉnh Đồng Nai, số lượng công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ sau giờ làm chiếm khoảng 30%; có đến 91% doanh nghiệp thực hiện bữa ăn ca với mức từ 16.000 đồng đến 23.000 đồng/suất/người(5).
Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với hơn 2.000 công nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung diễn ra ngày 22-4-2017, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe, trả lời các nhóm vấn đề nóng, thiết thực công nhân đặt ra: (1) Chỉ đạo sớm rà soát ban hành “Danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” để các doanh nghiệp làm căn cứ thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động. (2) Nghiên cứu thành lập Quỹ dự phòng hỗ trợ công nhân lao động khi doanh nghiệp bị giải thể, phá sản, tạm dừng hoạt động. (3) Có chính sách hỗ trợ công nhân nghèo vay vốn ngân hàng để mua nhà ở xã hội hoặc mua đất để ổn định cuộc sống. (4) Quan tâm đầu tư xây dựng các trung tâm ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em công nhân lao động; xây dựng nhà trẻ tại các khu kinh tế, khu công nghiệp (5) Quan tâm xây dựng thiết chế công đoàn, (6) Quản lý tốt hơn chất lượng bữa ăn ca của người lao động…(6)
Chú trọng nâng cao năng suất và phúc lợi
Trong năm 2018, có nhiều chuyển biến tích cực về chính sách về tiền lương, xử lý nợ, trốn đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách về lao động nữ... Nhiều doanh nghiệp, địa phương sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và tổ chức công đoàn thực hiện cam kết chăm lo phúc lợi cho đoàn viên công đoàn. Các cấp công đoàn chủ động đàm phán, ký kết trên 1.130 thỏa thuận với các doanh nghiệp, đối tác; tổ chức nhiều hoạt động phong phú; tạo điều kiện trên 1,7 triệu lượt đoàn viên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ với tổng giá trị ưu đãi trên 526 tỷ đồng(7).
Hà Nam là địa phương tổ chức đối thoại vào ngày 20-5-2018. Điểm mới của buổi gặp gỡ là cùng với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện công nhân, có lãnh đạo các địa phương và đại diện doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở 11 tỉnh, thành đồng bằng sông Hồng…
Trong cuộc đối thoại này, các vấn đề công nhân đề xuất đã được giải đáp kịp thời và có sự cam kết của người đứng đầu các bộ phụ trách. Các vấn đề được đưa ra và được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết là:
(1) Các địa phương cần dành quỹ đất và đẩy mạnh việc xây dựng nhà trẻ cho con công nhân bằng phương thức xã hội hóa.
(2) Hình thành mạng lưới trạm y tế, bệnh viện cạnh các khu công nghiệp. Có chính sách cải thiện môi trường lao động cho công nhân. Đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp quan tâm môi trường làm việc, tổ chức khám, chữa bệnh và cải thiện bữa ăn giữa ca của công nhân.
(3) Sửa đổi Nghị định 49 năm 2013 theo hướng bỏ hoặc cắt giảm thang lương, bảng lương. Nhà nước sẽ quy định mức lương tối thiểu để bảo đảm đời sống của người lao động. Người lao động có quyền thỏa thuận với chủ doanh nghiệp thông qua tổ chức công đoàn.
(4) Người lao động ngoại tỉnh thuê nhà trọ có thể sử dụng điện theo giá nhà nước; chủ nhà trọ có thể ký hợp đồng mua bán điện với công ty điện lực theo giá sinh hoạt. Công an địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra nhằm bảo đảm an ninh, an toàn.
(5) Vấn đề nghỉ hưu sớm và hưởng chế độ lương hưu đặc thù của công nhân làm việc trong các ngành nặng nhọc, độc hại cần được tiếp thu, nghiên cứu khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền bình đẳng giới, không để lao động nữ bị thiệt thòi.
(6) Triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề công nhân, người lao động đến hết năm 2030(8). Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải hỗ trợ nâng cao tay nghề cho công nhân.
(7) Khẩn trương rà soát chính sách, làm tốt công tác hậu kiểm, phát hiện sớm và xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm. Quan tâm đời sống, đồng thời nghiên cứu sửa đổi các quy định nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động.
(8) Chủ động nắm bắt, biến thách thức thành cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ triển khai mở rộng thị trường quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư; sửa đổi các luật về lương, bảo hiểm, hỗ trợ việc làm; xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, người lao động cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy sáng tạo, thích ứng với môi trường, công việc mới.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Cuối năm 2018, Việt Nam phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (chính thức có hiệu lực từ 14-1-2019). Công đoàn Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, đột phá, quyết liệt trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đã có 33 tỉnh, thành phố thống nhất bố trí quỹ đất, thực hiện các thủ tục đầu tư thiết chế công đoàn. Chương trình "Phúc lợi đoàn viên công đoàn" tiếp tục được thực hiện, có 564 thỏa thuận hợp tác được ký mới, 1,9 triệu đoàn viên được hưởng lợi với số tiền gần 750 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước. Xây dựng tiêu chuẩn đầu ra cho 160 ngành nghề, lĩnh vực. Ngoài nâng cao chất lượng đào tạo trong nước, Chính phủ cho phép sử dụng 34 bộ giáo trình của Ốtxtrâylia và Đức, giúp công nhân theo học được công nhận trình độ quốc tế. Trên cơ sở liên thông đào tạo và liên thông chứng chỉ, người lao động có thể làm việc trong nước cũng như ở nước ngoài(9).
Chính phủ đã xác định năm 2019 là thời điểm đẩy mạnh chuyển đổi nghề nghiệp theo hướng trí thức hóa công nhân. Buổi đối thoại đã diễn ra giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các ban, bộ, ngành và 1.000 công nhân, lao động kỹ thuật cao của các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm và 16 ngành kinh tế kỹ thuật cao của đất nước vào ngày 5-5-2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại buổi đối thoại, 43 kiến nghị và 7 đề xuất đã được tổng hợp, gửi đến Thủ tướng Chính phủ giải đáp. Các định hướng lớn được đưa ra liên quan đến nhân lực chất lượng cao là:
(1) Các trường đại học cần thực hiện đổi mới chương trình và phương thức đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập, đáp ứng yêu cầu; gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn xã hội.
(2) Xây dựng trung tâm hỗ trợ làm bệ đỡ cho ý tưởng của công nhân thành hiện thực. Thực hiện phân luồng, hướng nghiệp cho công nhân.
(3) Khuyến khích các doanh nghiệp cùng hợp tác, đầu tư công nghệ cao, kéo theo nhu cầu tuyển dụng và sử dụng công nhân kỹ thuật cao.
(4) Công nhân lao động cần nỗ lực tự học, tự tìm tòi và sáng tạo. Khắc phục hạn chế về kỷ luật công nghiệp và kỹ năng làm việc nhóm.
Trong 2 năm 2020, 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp, không thực hiện được các cuộc đối thoại trực tiếp, nhưng nhiều cuộc đối thoại trực tuyến với công nhân, người lao động được tổ chức. Cũng trong 2 năm này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc làm, đời sống công nhân bị ảnh hưởng nặng nề(10). Điều này đã đặt ra nhiều vấn đề về đối thoại trực tiếp sau khi đã kiểm soát dịch bệnh.
Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước
Năm 2022 là thời điểm Việt Nam vượt qua những thách thức lớn của đại dịch Covid-19. Từ ngày 1-7-2022, mức lương tối thiểu vùng tăng 6%(11). Gần 6.000 tỷ đồng đã được Công đoàn Việt Nam tiếp sức cho công nhân khó khăn, công nhân là F0, F1, công nhân làm việc 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến; góp sữa cho con em công nhân trong độ tuổi từ 0 - 3 tuổi; trao sổ tiết kiệm “Công đoàn Việt Nam” cho trẻ em mồ côi là con em công nhân, lao động…
Với phương châm tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết, các cấp công đoàn dành hơn 2.400 tỷ đồng chăm lo cho 8 triệu đoàn viên, người lao động. Chính phủ đã dành 2.000 tỷ đồng để xây dựng 3 trung tâm đào tạo quốc gia; tiếp tục đào tạo theo chương trình của Ốtxtrâylia, Đức… thí điểm ở các trường chất lượng cao. Có 2 nhóm chính sách được bổ sung hỗ trợ: nhóm thứ nhất là gói hỗ trợ quy mô 40.000 tỷ đồng cho các chủ đầu tư tham gia các dự án nhà ở xã hội vay vốn với lãi suất 2%/năm; nhóm thứ 2 là gói hỗ trợ với quy mô 15.000 tỷ đồng, giúp người lao động, công nhân trong khu công nghiệp được vay vốn với lãi suất 4,8%/năm, thời hạn cho vay 25 năm
Tuy nhiên, trong 2 năm 2020, 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, khiến người lao động và người sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn.
Một vấn đề đáng quan tâm là đến năm 2026, theo dự báo của Tổ chức lao động quốc tế, sẽ có khoảng 40% người lao động không có kỹ năng phù hợp với công việc, 30% người lao động buộc phải chuyển nghề. Tỷ lệ lao động được đào tạo ở nước ta là 70%, tuy nhiên thực chất chỉ có 24,5% có chứng chỉ nghề nghiệp được đào tạo từ 3 tháng trở lên, thấp hơn so với khu vực và thế giới. Hiện nay, cả nước mới thực hiện được 122 dự án nhà ở cho công nhân, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế(12).
Buổi đối thoại ngày 12-6-2022 tại tỉnh Bắc Giang có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo một số địa phương cùng 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố. Một số nhóm vấn đề trọng tâm và giải pháp được đề xuất trong buổi đối thoại:
(1) Vấn đề đào tạo nghề cho công nhân: Trước hết, sẽ tiến hành phân luồng học sinh cấp 2, cấp 3. Với những học sinh không có điều kiện học lên cao sẽ vừa học nghề, vừa học văn hóa. Đồng thời, sẽ tiến hành đào tạo mới lực lượng lao động theo hướng các ngành nghề, lĩnh vực đáp ứng được yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng đến đào tạo chất lượng cao. Luật Việc làm sửa đổi xác định những ngành nghề, những lĩnh vực bắt buộc doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải sử dụng lao động có chuyên môn.
(2) Có cơ chế hỗ trợ vốn, tài chính cho công nhân, đồng thời xử lý triệt để nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Nhân rộng mô hình cơ sở khám, chữa bệnh trong các khu công nghiệp để công nhân đến khám, chữa bệnh và cấp cứu kịp thời khi có sự cố, tai nạn tại nơi làm việc; các cơ sở khám, chữa bệnh làm việc trong ngày Chủ nhật, ngoài giờ hành chính và được thanh toán bảo hiểm y tế. Giải quyết dứt điểm tình trạng nợ lương, thưởng, chậm đóng, trốn đóng BHXH.
(3) Chính phủ tháo gỡ các vấn đề về xây dựng nhà ở cho công nhân, đặc biệt là một số vướng mắc trong quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư công. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu tham mưu chính sách tín dụng cho công nhân mua nhà trả góp. Bên cạnh đó, các địa phương tập trung triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc đầu tư, xây dựng các thiết chế công đoàn…
Như vậy, qua 5 lần gặp gỡ, đối thoại với giai cấp công nhân, Đảng, Nhà nước đã có những chuyển biến lớn về chính sách trước mắt cũng như định hướng lâu dài để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh. Không chỉ các vấn đề về quyền lợi trước mắt, an sinh xã hội được đưa ra và giải quyết, mà các định hướng về đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, nhà ở xã hội, phân luồng nghề nghiệp, ưu tiên đào tạo lao động trình độ cao đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng được đề ra và có những giải pháp đúng đắn, hiệu quả. Không chỉ đưa ra “chỉ đạo chung” để các cơ quan, địa phương nghiên cứu, thực hiện, mà còn giao việc cụ thể, để tư lệnh ngành cam kết giải quyết về cả thời gian và nội dung với công nhân.
Trong giai đoạn tới, các chủ thể tham gia đối thoại cần nhìn nhận, đánh giá và phát huy vai trò để xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh:
Đảng, Nhà nước:Với các chính sách trước mắt: Chính phủ định hướng, giao các cơ quan nghiên cứu, đề xuất, trực tiếp xử lý về các vấn đề trước mắt như: lương, phụ cấp, nhà ở, nhà trẻ, y tế,…; các “tư lệnh ngành” cùng tham gia làm rõ vấn đề, đưa ra thời hạn giải quyết. Về định hướng lâu dài: Thông qua các nghị quyết trong giai đoạn mới(13), Đảng, Nhà nước đã và đang cho thấy cần có những nhận thức mới, triển khai quyết liệt để ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức giác ngộ giai cấp, tính tích cực chính trị… cho giai cấp công nhân. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, khoa học, công nghệ đã và đang đóng vai trò là động lực vô cùng quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động.
Công đoàn Việt Nam: Công đoàn Việt Nam có vai trò lớn trong việc tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, và là kênh chủ đạo giúp Đảng và Nhà nước nắm được tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân. Trong những năm qua, các cấp công đoàn trên cả nước đã phát huy vai trò trong xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng nhiều mô hình như “Mái ấm công đoàn”, “Phúc lợi đoàn viên”, “Tết sum vầy”…, góp phần phát triển đồng bộ và toàn diện giai cấp công nhân.
Tuy nhiên, qua trao đổi ý kiến tại các buổi đối thoại cho thấy, còn nhiều vấn đề trước mắt và lâu dài cần được các cấp công đoàn xem xét, đề xuất kịp thời và thỏa đáng. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập CPTPP, Công đoàn cần đổi mới phương thức hoạt động theo đúng định hướng mà Đảng ta đề ra(14), thực sự là cầu nối và là nơi tập hợp đông đảo công nhân, người lao động tránh để các thế lực thù địch lợi dụng kẽ hở để lôi kéo, kích động công nhân, người lao động.
Các doanh nghiệp sử dụng lao động
Kể từ lần đối thoại đầu tiên đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp chung tay đồng hành cùng người lao động trong sản xuất và thụ hưởng các lợi ích. Doanh nghiệp ngày càng chú trọng định hướng lâu dài cho người lao động, coi đó là phương thức bảo đảm lợi ích bền vững cho chính doanh nghiệp. Các biện pháp thiết thực đã được lan tỏa như: hỗ trợ công nhân nghèo, hỗ trợ xe đưa đón công nhân về quê đón Tết, xây dựng ký túc xá cho công nhân,… Đặc biệt, mô hình “4 nhất” của công ty TaeKwang Vina (năm 2017) chính là động lực để công nhân an tâm làm việc, ngày càng gắn bó, coi công ty như ngôi nhà thứ hai của mình(15).
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài cần tuân thủ pháp luật, xây dựng lộ trình phát triển bền vững, đồng hành cùng Nhà nước, tạo điều kiện để công nhân được học tập, nâng cao trình độ. Đồng thời, tạo môi trường làm việc, sinh hoạt để công nhân thực sự gắn bó, tâm huyết, phát huy khả năng sáng tạo và không ngừng đổi mới trong công việc, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Giai cấp công nhân: Các cuộc đối thoại cho thấy, phần lớn các ý kiến, nguyện vọng của giai cấp công nhân là chính đáng, qua đó giúp cho người đứng đầu Chính phủ, các cơ quan sớm nhìn nhận và giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như định hướng phát triển chiến lược. Giai cấp công nhân cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nêu tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các giải pháp để Chính phủ hoạch định và thực thi hiệu quả các chính sách. Ngoài các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Doanh nghiệp, bản thân giai cấp công nhân cần nỗ lực vươn lên về trình độ chuyên môn, trưởng thành về ý thức giai cấp, dân tộc; khẳng định vị trí lãnh đạo đất nước thông qua tính tích cực chính trị của mình…
Năm 2023, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương xây dựng “giai cấp công nhân hiện đại” với tầm nhìn 2030, 2045 mà Đại hội XIII đề ra, các hoạt động của Tháng Công nhân với chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức” đã được lên kế hoạch với nhiều nội dung, trong đó trọng tâm là công tác chuẩn bị cho buổi đối thoại với công nhân.
Với kết quả từ các cuộc đối thoại, Chính phủ cùng với các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để giai cấp công nhân từng bước vượt qua thách thức, trưởng thành, chiếm lĩnh thời cơ, góp phần chủ đạo xây dựng đất nước, hiện thức hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(16).
_________________
(1) Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ 3.000 công nhân lao động, https://ldld.quangbinh.gov.vn.
(2) Nghị định 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2017 thay thế cho Nghị định số 122/2015/NĐ-CP.
(3) Mai Xuân: Tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nhà ở xã hội với thành phố Hồ Chí Minh, https://www.binhduong.gov.vn.
(4) Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017 phê duyệt đề án Đầu tư xây các thiết chế công đoàn
(5) Minh Châu: Bữa cơm giữa ca của công nhân Đồng Nai lên tới 23.000 đồng, https://laodong.vn.
(6) Hoàng Văn Minh, Trung Hiếu, Hữu Long, Thùy Trang, Lam Phương: Toàn cảnh gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng với công nhânvùng kinh tế trọng điểm miền Trung, https://laodong.vn
(7) TTXVN: Thủ tướng đối thoại với công nhân các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng, http://www.hanoimoi.com.vn.
(8) Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 19-10-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030”.
(9) Bạch Đằng: Thủ tướng gặp gỡ công nhân lao động kỹ thuật cao: 43 kiến nghị rất "nặng ký", https://nld.com.vn.
(10) Đặng Hiếu: COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người lao động, https://dangcongsan.vn.
(11) Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
(12) Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân: Ấn nút Chương trình "Giờ thứ 9+"https://laodong.vn.
(13) Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
(14) Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới
(15) Mô hình “4 nhất” nổi bật dành cho công nhân tại Công ty TaeKwang Vina (doanh nghiệp Hàn Quốc có 32.250 công nhân lao động, đầu tư tại tỉnhĐồng Nai từ năm 1994):
- Nhà trẻ để phục vụ cho con em công nhân của công ty. Hằng tháng, phụ huynh chỉ cần đóng tiền ăn, tiền sữa; phần còn lại, gồm tiền lương giáo viên, điện nước, chi phí hành chính được Công ty đài thọ..
- Cái “nhất” thứ hai là phòng khám sức khỏe đa khoa dành cho công nhân công ty. Phòng khám được trang bị nhiều thiết bị hiện đại với 50 y, bác sĩ. Tại đây, công nhân, người lao động được khám, chữa bệnh và được thanh toán bằng thẻ bảo hiểm y tế. Phòng khám tổ chức khám bệnh nghề nghiệp, khám sức khỏe chuyên sâu, trên cơ sở đó, công ty bố trí công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động.
- Cái “nhất” thứ ba là khu nhà trọ của công nhân được Công ty xây dựng, đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích, trang thiết bị sinh hoạt, bảo đảm không gian an ninh, an toàn, tiện lợi. Với mức giá cho thuê ưu đãi, kết hợp với môi trường thuận lợi là động lực để công nhân thêm yêu nghề và cống hiến cho công việc.
- Siêu thị công nhân được công ty xây dựng trong khuôn viên chính là cái “nhất” thứ tư. Toàn bộ kinh phí vận hành gồm: tiền lương nhân viên, điện nước… được Công ty hỗ trợ. Với mục tiêu phi lợi nhuận, hàng hóa tại đây trung bình rẻ hơn khoảng 5% so với thị trường. Đặc biệt, công nhân không cần đến cửa hàng mà chỉ cần thông báo cho nhân viên chuẩn bị, đóng gói và vận chuyển đến từng người khi tan ca. Tiền mua hàng sẽ được trừ vào tiền lương của công nhân.
(16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.112.