Về con đường cách mạng vô sản qua một số tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn 1920-1925
(LLCT) - Kể từ khi biết đến Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, tìm hiểu và tin theo chủ nghĩa Mác- Lênin, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều tác phẩm, không ngừng hoàn thiện tư tưởng cứu nước theo con đường cách mạng vô sản. Bài viết này điểm lại các tác phẩm chủ yếu của Nguyễn Ái Quốc trong các năm 1920-1925, đánh dấu sự phát triển tư tưởng của Người đi theo con đường cách mạng vô sản.
Từ khóa: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, con đường cách mạng vô sản.
Từ giữa thế kỷ XIX, nước ta bị thực dân Pháp xâm chiếm và biến thành thuộc địa, dẫn đến trong lòng xã hội Việt Nam có hai mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và giữa nông dân với địa chủ phong kiến, trong đó mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc là mâu thuẫn chủ yếu. Giải quyết các mâu thuẫn đó là yêu cầu bức thiết của xã hội Việt Nam.
Trong bối cảnh lịch sử đó, cũng như nhiều người Việt Nam yêu nước đương thời, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rất trăn trở về vận nước, tìm mọi cách để giải phóng dân tộc. Từ tháng 6-1911 bắt đầu ra nước ngoài, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã qua nhiều nước, làm nhiều nghề vừa kiếm sống, vừa tìm cách “giúp đồng bào” khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến. Nửa cuối tháng 7-1917, Người từ Anh trở về Pari hoạt động trong những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, văn hóa. Tháng Mười năm 1917, Cách mạng vô sản Nga thành công đã thu hút sự chú ý của Người. Năm 1918, Người gia nhập Đảng xã hội Pháp; đầu năm 1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người gửi đến Hội nghị quốc tế Vécxây Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm vạch trần tội ác của thực dân Pháp, nói lên tiếng nói chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Nửa cuối tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” đăng trên báo L’Humanité và tìm thấy ở đây con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác - Lênin và Quốc tế Cộng sản. Cuối tháng 12-1920, tại Đại hội XVIII Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tua (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã cùng với những người cánh tả của Đảng Xã hội Pháp bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ yêu nước chân chính, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên là bước chuyển về chất trong tư tưởng và lập trường chính trị của Người: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”(1).
Từ đó Nguyễn Ái Quốc tham gia nhiều hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp. Tháng 6-1921, Người cùng một số nhà yêu nước ở châu Phi đề nghị và được Đảng Cộng sản Pháp đồng ý thành lập Hội liên hiệp thuộc địa, ra báo Người cùng khổ (Le Paria) của Hội do Nguyễn Ái Quốc làm Chủ nhiệm, kiêm Chủ bút từ số 1 đến số 15. Người viết 30 bài, tập trung vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào các thuộc địa. Hội Liên hiệp thuộc địa là một hiện tượng đặc biệt, là liên minh đầu tiên chống thực dân Pháp, hoạt động ngay tại nước Pháp.
Ngày 13-6-1923, Nguyễn Ái Quốc được Đảng Cộng sản Pháp cử đi Liên Xô. Thời gian ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc dự nhiều hội nghị của Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Nông dân, Quốc tế Công hội đỏ, Quốc tế Thanh niên... nói lên tiếng nói của nhân dân thuộc địa, bảo vệ những luận điểm đúng đắn của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Từ những bài báo viết trong những năm 1921-1924, Người biên soạn thành cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp (xuất bản năm 1925 ở Pháp).
Cuối tháng 10-1924, Nguyễn Ái Quốc là Ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân được Quốc tế Cộng sản phân công về Quảng Châu, Trung Quốc hoạt động. Đầu năm 1925, tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã phối hợp với các nhà cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ... lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra báo Thanh Niên. Đây là sự chuẩn bị sáng tạo, có chủ đích của Người để tiến tới xây dựng một đảng vô sản kiểu mới sau này.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong những năm 1920 - 1925, Nguyễn Ái Quốc đã viết hàng trăm tác phẩm báo chí, các phát biểu và tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) để chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị cho sự ra đời của Đảng. Trong đó có thể nêu một số tác phẩm tiêu biểu khẳng định sự hoàn thiện về tư tưởng con đường cách mạng vô sản mà Người đã chọn như: Chính sách thuộc địa ngày 13-12-1920; Lời phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, ngày 26-12-1920; Đông Dương, đăng trên tạp chí La Revue Communiste, số 14, tháng 4-1921; Đông Dương đăng trên tạp chí La Revue Communiste, số 15, tháng 5-1921; Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa, đăng trên báo L’Humanité, ngày 25-5-1922; Thư gửi Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, tháng 7-1923; Lê nin và các dân tộc thuộc địa, đăng trên báo Pravđa, ngày 27-1-1924; Thư gửi Đồng chí Pê tơ rốp, Tổng thư ký Ban Phương Đông khoảng tháng 5-1924; Lênin và các dân tộc Phương Đông, đăng trên Báo Le Pa ria số 27, tháng 7-1924; Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa, báo Le Vie Ouvriere, số 20 năm 1924; Phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, ngày 10 - 10-1923; Phát biểu tại phiên họp thứ bảy Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, ngày 13-10-1923; Phát biểu tại phiên họp thứ tám Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản ngày 23-6-1924; Phát biểu tại phiên họp thứ 22 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản ngày 1-7-1924; Phát biểu tại phiên họp thứ 25 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản ngày 3-7-1924; Nguyễn Ái Quốc trả lời phỏng vấn của Giôvanni Giécmanéttô, phóng viên báo L’Unità, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Italia, ngày 15-3-1924, Bản án chế độ thực dân Pháp (1925)...
Qua những bài viết, bài phát biểu và trả lời phỏng vấn báo chí nói trên, trước hết Nguyễn Ái Quốc tập trung thể hiện niềm tin vào thắng lợi tất yếu của con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam và những khó khăn thử thách mà những người cách mạng phải đương đầu để đưa tới sự thành công của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây cũng là bước chuẩn bị của Người tiến hành tuyên truyền tư tưởng về con đường cách mạng vô sản, con đường cách mạng theo lý luận Mác - Lênin, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa những người cộng sản và phong trào cộng sản thế giới.
Trong bài báo Đông Dương, đăng trên Tạp chí La Revue Communiste, số 14, tháng 4-1921, Nguyễn Ái Quốc khẳng định ở Đông Dương, mặc dù bị thực dân Pháp ra sức đầu độc cả về tinh thần lẫn thể xác, song điều đó không thể dập tắt được ý chí quật cường cách mạng của nhân dân ta, con đường cách mạng nhất định sẽ thắng lợi ở Việt Nam. Người nhận định: “Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương. Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ Ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương”(2) và “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy thời cơ đó mau đến.
Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”(3).
Tiếp đó, cũng bài báo với nhan đề Đông Dương, đăng trên Tạp chí La Revue Communiste, số 15, tháng 5-1921, Người đã đặt vấn đề: Chủ nghĩa cộng sản có áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không? Bằng dẫn chứng lịch sử cụ thể, Người đã khẳng định một điều chắc chắn chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu. Đây là luận điểm hết sức mới mẻ lúc này, bởi quan điểm của những người cộng sản thế giới lúc đó thì chủ nghĩa Mác - Lênin thắng lợi trước hết là ở những nước tư bản công nghiệp phát triển nơi có số lượng giai cấp công nhân đông đảo.
Lý giải khoa học cho nhận định đó, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra những bằng chứng và lý lẽ thuyết phục trên nền tảng lịch sử của châu Á “Người châu Á - tuy bị người phương Tây coi là lạc hậu - vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại”(4). Theo Người, lý do là lịch sử châu Á có những điểm tương đồng với việc thực hiện xã hội cộng sản, đó là: Từ thời Hoàng đế (2.678 trước công nguyên) chế độ tĩnh điền của đã được áp dụng “chia đất đai trồng trọt theo hai đường dọc và hai đường ngang. Như vậy sẽ có chín phần bằng nhau. Người cày ruộng được lĩnh mỗi người một phần trong 8 miếng, miếng ở giữa tất cả đều cùng làm và sản phẩm được sử dụng vào việc công ích”(5); triều đại nhà Hạ (2.205 trước công nguyên) áp dụng chế độ lao động bắt buộc; Khổng Tử (551 trước công nguyên) khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá bình đẳng về tài sản, “Ông từng nói: thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng. Người ta không sợ thiếu, chỉ sợ có không đều. Bình đẳng sẽ xóa bỏ nghèo nàn”(6); Mạnh Tử học trò của Khổng Tử đã vạch ra “một kế hoạch chi tiết để tổ chức sự sản xuất và tiêu thụ. Sự bảo vệ và phát triển lành mạnh của trẻ em, sự giáo dục và lao động cưỡng bức đối với người lớn, sự lên án nghiêm khắc thói ăn bám, sự nghỉ ngơi của người già, không có điều gì đề án của ông không đề cập đến. Việc thủ tiêu bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh phúc không phải cho một số đông mà cho tất cả mọi người, đấy là đường lối kinh tế của vị hiền triết”(7); còn chế độ ruộng đất công ở An Nam thì “Về của cải tư hữu, luật pháp An Nam cấm mua bán toàn bộ đất đai. Hơn nữa, một phần tư đất trồng trọt bắt buộc phải để làm của chung. Cứ ba năm người ta chia lại ruộng đất đó. Mỗi người dân trong xã thôn được nhận một phần. Điều đó không hề ngăn cản một số người trở nên giàu có, vì còn ba phần tư đất đai khác có thể mua bán, nhưng nó có thể cứu nhiều người khác thoát khỏi cảnh bần cùng”(8).
Qua những khẳng định trên, Nguyễn Ái Quốc đã mở ra cho Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung niềm tin tưởng, lạc quan về phương hướng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp mới là đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, vượt qua mặc cảm những hạn chế chủ quan của điều kiện kinh tế - xã hội đương thời.
Vào tháng 3 - 1924, khi trả lời câu hỏi của nhà báo Giôvanni Giécmanéttô - phóng viên báo L’Unità, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Italia: “Khi học xong, anh dự định làm gì?”, Nguyễn Ái Quốc nói: “Dĩ nhiên là tôi sẽ trở về Tổ quốc tôi để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi. Ở bên chúng tôi có nhiều việc phải làm lắm”(9), “Chúng tôi đã đau khổ nhiều và chúng tôi còn phải đau khổ nữa. Những người “khai hóa” các nước chúng tôi không để chúng tôi tự do. Nhưng chúng tôi tiếp tục đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra, chúng tôi sẽ vận dụng vào thực tiễn những bài học đã học được... Chúng tôi hiểu rõ là chúng tôi có trách nhiệm rất nặng nề, và tương lai của các dân tộc tuỳ thuộc vào sự tuyên truyền và tinh thần hy sinh của chúng tôi”(10).
Tháng 7-1924, Nguyễn Ái Quốc viết bài Lênin và các dân tộc phương Đông, đăng báo Le Pa ria số 27, Người khẳng định Lênin và học thuyết của Người sẽ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng: “Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lênin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi Lênin là một con người vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa...”(11).
Khẳng định sự thắng lợi của con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam, nhưng Nguyễn Ái Quốc khẳng định không thể áp dụng máy móc mà phải vận dụng sáng tạo học thuyết Mác vào điều kiện cụ thể của các thuộc địa. Người chỉ rõ: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(12), vì vậy phải xem xét lại “chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(13).
Với sự khẳng định về sự thắng lợi của con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã làm thổi bùng ngọn lửa cách mạng đang sục sôi trong mọi người dân yêu nước, dẫn dắt dân tộc ta vượt qua khủng hoảng về đường lối cứu nước giải phóng dân tộc. Song Người cũng đã chỉ ra nhiều khó khăn thử thách mà những người yêu nước phải đối mặt để vượt qua.
Trước hết, đó là chính sách cai trị bạo tàn của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam: “đầu độc cả về tinh thần lẫn thể xác, bị bịt mồm và bị giam hãm”(14), “nhà tù nhiều hơn trường học, lúc nào cũng mở cửa và chật ních người. Bất kỳ người bản xứ nào có tư tưởng xã hội chủ nghĩa cũng đều bị bắt và đôi khi bị giết mà không cần xét xử. Cái gọi là công lý Đông Dương là thế đấy”(15).
Mặt khác, Người còn chỉ ra một khó khăn nữa là các Đảng Cộng sản trong Quốc tế III chưa thật quan tâm nhiều đến cách mạng thuộc địa, quan tâm giúp đỡ quá trình truyền bá con đường cách mạng vô sản vào Đông Dương. Trong bài báo Đông Dương đăng trên tạp chí La Reuue Comuniste, số 14 tháng 4-1921, Nguyễn Ái Quốc đã phê bình một số Đảng Cộng sản ở các “cường quốc thực dân” chưa quan tâm đến vấn đề cách mạng ở các nước thuộc địa và chưa nghiên cứu vấn đề này một cách nghiêm túc. Bài báo viết: “Tuy rằng Quốc tế Cộng sản đã làm cho vấn đề thuộc địa có được tầm quan trọng xứng đáng với nó bằng cách coi nó là thuộc về những vấn đề thời sự khẩn trương nhất, nhưng trong thực tiễn, các ban thuộc địa ở các cường quốc thực dân, cho đến nay, vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này, thậm chí các ban này cũng chưa xem xét vấn đề một cách nghiêm túc!”(16). Về tình hình Đông Dương, theo tác giả: “Nói rằng Đông Dương gồm hai mươi triệu người bị bóc lột, hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai, nhưng nói rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ như các ông chủ của chúng ta thường vẫn nghĩ như thế, thì lại càng sai hơn nữa”(17).
Mặc dù tại Đại hội II của Quốc tế Cộng sản đã thông qua nghị quyết Luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa nó mang lại tác dụng là nhân dân các nước thuộc địa được thức tỉnh. Do tiếng vang của cách mạng vô sản nên đã hướng về Quốc tế Cộng sản để tìm thấy sự giúp đỡ trong công cuộc giải phóng mình. Nhưng, trên thực tế những nghị quyết ấy chưa được chấp hành đầy đủ, các nước thuộc địa chưa được sự quan tâm giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản. Vì lẽ đó, trong thư gửi Trung ương Đảng Cộng sản Pháp vào tháng 7-1923, Nguyễn Ái Quốc đã phản ánh: “Khốn nỗi cho đến nay, những nghị quyết ấy chỉ được dùng để tô điểm mặt giấy! Phân bộ Pháp, phân bộ Anh và những phân bộ các nước thực dân khác đã làm gì cho các thuộc địa của chủ nghĩa tư bản nước họ? Những phân bộ ấy đã có một chính sách thuộc địa và một cương lĩnh rõ rệt về thuộc địa, chính xác và liên tục chưa? Những chiến sĩ của các phân bộ ấy có hiểu thuộc địa là gì và tầm quan trọng của thuộc địa là như thế nào không? Người ta có thể trả lời là không”(18).
Qua các tác phẩm của mình, Nguyễn Ái Quốc luôn luôn kêu gọi đoàn kết các dân tộc, kêu gọi các Đảng Cộng sản giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa. Nhằm nhanh chóng đưa cách mạng vô sản đến nhân dân Việt Nam, Người nhận thấy cần tìm được sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản trên thế giới. Nguyễn Ái Quốc đã phê bình một số Đảng Cộng sản ở các “cường quốc thực dân” chưa quan tâm đến vấn đề cách mạng ở các nước thuộc địa và chưa nghiên cứu vấn đề này một cách nghiêm túc. Lý do các dân tộc thuộc địa cần được giúp đỡ là vì phong trào giải phóng thuộc địa còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng.
Trong bài báo Đông Dương đăng trên Tạp chí La Reuue Comuniste, số 15 tháng 5-1921, Người nêu lên trách nhiệm của những người cộng sản phải truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin: “Chúng tôi phải nói lên ở đây để những đồng chí của chúng ta có nhiệt tình truyền bá chủ nghĩa cộng sản và thực tâm muốn giúp đỡ những người lao động lật đổ ách của những kẻ bóc lột và đi vào gia đình chung của giai cấp vô sản quốc tế, để cho những người đồng chí đó có thể giúp đỡ chúng tôi, một cách có hiệu quả”(19).
Trong sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản nói chung, Người chỉ rõ nhân dân Việt Nam cần phải có sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp bởi có chung một kẻ thù là giai cấp tư sản Pháp. Tại Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu “Đảng nghiên cứu và tổ chức một chính sách thuộc địa có tính cộng sản. Người đề nghị thành lập một ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng. Ban sẽ trình bày một bản báo cáo trước Đại hội trong năm tới”(20).
Trên báo L’Humanité, ngày 25-5-1922, Nguyễn Ái Quốc có bài viết nhan đề Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa. Người cho rằng, Đảng Cộng sản Pháp cần phải có một kế hoạch hoạt động đúng đắn, một chính sách thiết thực và có hiệu quả đối với vấn đề thuộc địa, chứ không thể thỏa mãn với những bản tuyên ngôn nặng về tình cảm, và nêu lên những khó khăn chủ yếu trong hoạt động của Đảng hiện tại như diện tích các thuộc địa rất rộng; tình trạng thờ ơ của giai cấp vô sản chính quốc đối với các thuộc địa; tình trạng dốt nát của người dân bản xứ; những thành kiến từ cả hai phía giữa công nhân chính quốc với dân bản xứ; sự đàn áp dã man của bọn thực dân Pháp. Trong những luận cương về vấn đề thuộc địa, Lênin đã tuyên bố rõ rệt rằng “nhiệm vụ của công nhân ở các nước đi chiếm thuộc địa là phải giúp đỡ một cách tích cực nhất phong trào giải phóng của các nước phụ thuộc”. Muốn thế, công nhân ở chính quốc cần phải biết rõ thuộc địa là cái gì, phải biết những việc gì đã xảy ra ở thuộc địa, biết rõ nỗi đau khổ - hàng nghìn lần đau khổ hơn công nhân ở chính quốc - những người anh em của họ, những người vô sản thuộc địa phải chịu đựng. Tóm lại là công nhân ở chính quốc phải quan tâm đến vấn đề thuộc địa.
Tiếc thay, một số đông chiến sĩ vẫn còn tưởng rằng, một thuộc địa chẳng qua chỉ là một xứ dưới đầy cát và trên là mặt trời, vài cây dừa xanh với mấy người khác màu da, thế thôi. Và họ hoàn toàn không để ý gì đến”(21). Phát biểu tại phiên họp thứ bảy Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, ngày 13-10-1923, sau khi so sánh tình cảnh của người nông dân Nga với người nông dân Đông Dương nói chung, người nông dân Việt Nam nói riêng và vạch trần những thủ đoạn thực dân như dùng thuốc phiện, nhà thờ, rượu cồn, sưu cao thuế nặng, trắng trợn cướp đoạt ruộng đất, cho vay nặng lãi, chính sách ngu dân... để biến người nông dân thành nô lệ hai bàn tay trắng..., Nguyễn Ái Quốc kết luận: “tôi phải nhắc lại với các đồng chí rằng, Quốc tế của các đồng chí chỉ trở thành một quốc tế thật sự khi mà không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân ở phương Đông, nhất là nông dân ở các thuộc địa là những người bị bóc lột và bị áp bức nhiều hơn các đồng chí, đều tham gia Quốc tế của các đồng chí”(22). Đồng thời, Người còn chỉ rõ mối quan hệ khăng khít giữa phong trào cách mạng của nhân dân châu Á với phong trào của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở phương Tây và dự đoán về một khả năng có thể xảy ra: “Ngày mà hàng trăm triệu người dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”(23).
Nhấn mạnh cần sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản khác nhưng Người cũng không quên chỉ ra cho những người cách mạng ở các nước thuộc địa cần phải hết sức nỗ lực, không trông chờ ỷ lại và cần tăng cường đoàn kết gắn bó trên tinh thần tình hữu ái của giai cấp vô sản: “Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em. Hội Liên hiệp thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy... Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”(24).
Cũng qua nhiều tác phẩm thời kỳ này, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định tầm quan trọng của cách mạng thuộc địa. Ngày 14-4-1924, Nguyễn Ái Quốc là cán bộ của Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản (17-6 đến 8-7-1924) tại Mátxcơva và Người đã khẳng định “Tất các các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở thuộc địa hơn là chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng”(25). Người khẳng định: “Cách mạng ở phương Tây muốn thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và các nước bị nô dịch”(26).
Thời gian ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều bài cho các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, Sự thật, Người cùng khổ, tạp chí Quốc tế Nông dân... Các bài báo đó tập trung vào các vấn đề liên quan đến giai cấp công nhân, chỉ ra tính chủ động cách mạng và sức mạnh của nhân dân thuộc địa; mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng thuộc địa, các vấn đề cấp thiết của nông dân Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Phi. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Người viết: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”(27).
Như vậy, kể từ khi gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định con đường giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục nghiên cứu, trải nghiệm thực tế để có cơ sở vững chắc, tiếp tục khẳng định và hoàn thiện tư tưởng về con đường đã chọn; tích cực truyền bá vào Việt Nam và chuẩn bị về mọi mặt cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2020
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30.
(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23), (25), (26) Sđd, t.1, tr.40, 40, 47, 47, 47, 47, 48, 467, 467-468, 317, 509-510, 510, 40, 34, 39, 39, 211-212, 48, 459, 80, 232, 48, 296, 299.
(24), (27) Sđd, t.2, tr.138-139, 130.
TS Nguyễn Văn Trung
Bộ môn Lý luận chính trị,
Trường Đại học Vinh