Công tác vận động trí thức của Đảng - Thành tựu và một số vấn đề đặt ra

27/07/2020 13:19

(LLCT) - Kế thừa truyền thống văn hiến của dân tộc, vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về trí thức, ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã chủ trương đoàn kết, tập hợp lực lượng trí thức trong khối đại đoàn kết dân tộc để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Trong thời kỳ đổi mới, công tác vận động trí thức của Đảng có nhiều đổi mới. Nhờ đó, đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, công tác vận động, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đặt ra những yêu cầu mới, bức thiết.

 Công tác vận động trí thức của Đảng - Thành tựu và một số vấn đề đặt ra

Từ khóa: đội ngũ trí thức, công tác vận động trí thức của Đảng.

1. Công tác vận động trí thức của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (2-1930), Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương vận động, tập hợp tầng lớp trí thức, xây dựng khối đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các tầng lớp nhân dân yêu nước. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sớm chỉ rõ vai trò quan trọng của trí thức, khẳng định sự tham gia của trí thức là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của cách mạng. Năm 1943, Hội Văn hóa Cứu quốc được thành lập, tập hợp đông đảo trí thức văn nghệ sỹ. Ngày 30-6-1944, Đảng Dân chủ Việt Nam ra đời, tổ chức vận động đông đảo thanh niên sinh viên, trí thức tham gia các phong trào do Việt Minh tổ chức.

Sau khi Việt Nam giành được độc lập, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng tập hợp, rèn luyện, xây dựng đội ngũ trí thức, lôi cuốn các bậc nhân sĩ trí thức tham gia vào bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân. Ngày 22-7-1946, Đảng Xã hội Việt Nam ra đời. Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội trở thành trung tâm vận động, thu hút các nhà trí thức, nhân tài. Năm 1948, Hội Văn nghệ thành lập(1), sau đó nhiều hội chuyên ngành được thành lập.

Với đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng tập hợp được đội ngũ trí thức đông đảo. Nhiều trí thức đã từ bỏ cuộc sống đầy đủ, từ nước ngoài trở về nước, lên chiến khu, chấp nhận gian khổ hy sinh, tận tâm phát huy tài lực, đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến. Những trí thức tiêu biểu có thể kể đến như: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Phạm Khắc Hòe, Vũ Đình Hòe, Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu… Trí thức, văn nghệ sỹ đã sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân trên các mặt trận, đóng góp vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta có quyền tự hào rằng: Những người lao động trí óc ở Việt Nam đều đứng trong hàng ngũ kháng chiến”(2).

Tại Đại hội II (1951), Đảng ta khẳng định, Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của công nhân, nông dân và lao động trí óc; cùng với công - nông, trí thức có vị thế là một bộ phận hợp thành động lực của cách mạng; là nền tảng của chính thể dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo. Đại hội nhấn mạnh nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, văn nghệ sỹ của đất nước.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, đất nước bước vào thời kỳ mới: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Đảng công bố “Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam đối với trí thức”(3), nêu rõ quan điểm, khẳng định vai trò của trí thức trong công cuộc xây dựng đất nước: “Trí thức là một vốn quý của dân tộc. Không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới sẽ không hoàn thành được...”, “Sử dụng trí thức theo đúng tài năng, sắp xếp công tác hợp lý,... Bảo đảm cho trí thức phương tiện làm việc cần thiết, đãi ngộ trí thức một cách đúng đắn và phù hợp với khả năng của Nhà nước”(4). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giới trí thức nêu cao ý chí kiên cường, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, đóng góp tài năng, trí tuệ, không quản hy sinh cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Trên miền Bắc, trí thức được công nông hóa, biên chế trong cơ quan, xí nghiệp, tham gia các đoàn thể, là đoàn viên công đoàn. Trí thức hòa mình vào các phong trào hợp tác hóa, cải tiến quản lý sản xuất, cải tiến kỹ thuật, góp phần đẩy mạnh phong trào đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thi đua với trí thức miền Bắc, đông đảo trí thức, học sinh sinh viên miền Nam tích cực đấu tranh chống chính sách cai trị phản động của Mỹ và tay sai, đóng góp vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Giới trí thức là lực lượng nòng cốt trong dưỡng dục tinh thần yêu nước và đấu tranh trên lĩnh vực chính trị tư tưởng, ý thức hệ, đấu tranh bảo vệ lợi ích dân tộc, hòa bình và công lý...

Từ tầng lớp trí thức có số lượng nhỏ bé và phân tán, bị o ép về văn hóa bởi chủ nghĩa thực dân, đến năm 1954, miền Bắc đã có trên 500 người có trình độ đại học và 3.000 người có trình độ trung học chuyên nghiệp(5). Sau năm 1954, trên miền Bắc, giáo dục đại học được đặc biệt quan tâm nhằm đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), đào tạo đại học và chuyên nghiệp được mở rộng trên quy mô lớn. Đến năm 1964, số người có trình độ đại học và trung học chuyên nghiệp đã tăng lên 30.709 người; gấp 10 lần so với năm 1954(6). Những năm 1965-1975, trong điều kiện các trường phải sơ tán, đào tạo đại học không những được duy trì mà tiếp tục phát triển. Đến năm 1975, trên miền Bắc có 41 trường, phân hiệu đại học, gấp 10,3 lần năm 1955(7). Bên cạnh đó, trường bổ túc văn hóa công nông và phổ thông lao động được mở ở các địa phương, tạo nguồn để ngày càng có đông đảo công nhân, nông dân và bộ đội sau khi xuất ngũ được vào đại học. Nhiều người sau này trở thành cán bộ lãnh đạo, nhà khoa học tài năng.

Sau ngày đất nước thống nhất, các tỉnh miền Nam có trên 100 nghìn người có trình độ trung học trở lên(8), trong đó trên 30 nghìn người trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, 16 nghìn người trình độ đại học và trên đại học.

Cùng với tiến trình cách mạng, trí thức Việt Nam không ngừng phát triển toàn diện, cả số lượng, lĩnh vực và trình độ, năng lực, đạt nhiều thành tựu cao trên các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, được thế giới ghi nhận. Nhiều trí thức là nữ, trí thức người dân tộc thiểu số. Các hội trí thức được tổ chức, phát triển, đoàn kết tập hợp rộng rãi trí thức tham gia, động viên trí thức phát huy tài năng phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Trong thời kỳ trước đổi mới, công tác vận động trí thức, bên cạnh những thành công, ở một số thời điểm cụ thể có những hạn chế. Trong những năm 1930-1935, một số địa phương tả khuynh, hẹp hòi trong thực thi chính sách mặt trận. Những năm kháng chiến chống Pháp, một số trí thức tiến bộ ở vùng địch tạm chiếm chưa được tập hợp vào mặt trận kháng chiến. Sau năm 1954, thiếu biện pháp để chống lại hoạt động lôi kéo, kích động trí thức ra nước ngoài, di cư vào Nam của địch. Sau ngày đất nước thống nhất, không có biện pháp kịp thời và hiệu quả nhằm vận động trí thức ở lại quê hương, thiếu chiến lược sử dụng phù hợp đối với những người ở lại, nên chưa phát huy được tiềm lực trí thức cho công cuộc tái thiết đất nước. Trong cơ chế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu, chính sách hành chính hóa, công nông hóa được thực hiện cứng nhắc và quá mức đã xóa nhòa vị trí, vai trò của trí thức trong xã hội trong cơ cấu “hai giai một tầng”, không tạo được động lực để trí thức nhiệt tâm tìm tòi sáng tạo, cống hiến.

2. Công tác vận động trí thức trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng vận dụng đúng đắn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động trí thức và có nhiều sáng tạo, phù hợp với thời

kỳ mới.

Thứ nhất, xác định rõ vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong thể chế chính trị, phát triển xã hội

Nghị quyết Đại hội VI (1986) của Đảng khẳng định: “Đối với trí thức, điều quan trọng nhất là đảm bảo quyền tự do sáng tạo. Đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho năng lực được sử dụng đúng và phát triển”(9).

Đảng nhận thức rõ vai trò quan trọng của trí thức trên các lĩnh vực, xây dựng đội ngũ trí thức là phát triển nguồn lực nội sinh của đất nước, điều kiện để bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ và mở rộng hợp tác bình đẳng với các nước. Cương lĩnh năm 1991 xác định: “xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo”(10). Trí thức không chỉ là một bộ phận hợp thành liên minh công - nông - trí, mà còn được xác định ở vị trí xung kích trong nguồn nhân lực thực hiện công cuộc đổi mới.

Thứ hai, có cơ chế, chính sách phù hợp với hoạt động đặc thù của trí thức

Xác định rõ tính đặc thù của hoạt động sáng tạo, cần có chính sách phù hợp để tạo động lực trong điều kiện mới. Đảng nêu quan điểm cụ thể tại Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong buổi gặp mặt với trí thức văn nghệ sỹ cuối năm 1987. Quan điểm mới, cởi mở, thể hiện niềm tin của Đảng đối với trí thức như một luồng gió mới, thúc đẩy, khích lệ mạnh mẽ giới trí thức, văn nghệ sỹ phát huy tài năng, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động khoa học, sáng tạo, văn học nghệ thuật, đóng góp vào phát triển đất nước.

Đại hội VII nêu chủ trương: “Đối với trí thức, phát huy trí tuệ và năng lực, mở rộng thông tin, phát huy dân chủ, trọng dụng nhân tài. Khuyến khích các trí thức, các nhà khoa học phát minh, sáng tạo. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ xứng đáng những cống hiến của trí thức cho công cuộc phát triển đất nước. Coi trọng vai trò t­ư vấn, phản biện của các hội khoa học - kỹ thuật, khoa học xã hội và văn học - nghệ thuật đối với các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”(11). Phương hướng chủ yếu là đổi mới phương thức lãnh đạo, có cơ chế quản lý phù hợp, xây dựng quy chế dân chủ trong hoạt động sáng tạo, tạo hành lang để trí thức phát huy năng lực sáng tạo, giải phóng nguồn lực trí tuệ. Quan tâm tạo môi trường, “sân chơi” ở các lĩnh vực hoạt động sáng tạo: khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa - nghệ thuật,... để trí thức làm việc có hiệu quả, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm đối với đất nước. Xác định cơ chế, chính sách với trí thức không phải là chính sách xã hội mà là đầu tư phát triển nguồn lực con người, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, làm giàu nội lực để phát triển bền vững đất nước.

Đại hội XII (2016) khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”(12).

Thứ ba, xây dựng đội ngũ trí thức là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Cương lĩnh năm 1991 nêu rõ: “Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy mọi tiềm năng của đội ngũ trí thức để tạo nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho đất nước. Đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, những nhà kinh doanh có tài, những nhà quản lý giỏi và các nhà khoa học, kỹ thuật có trình độ cao”(13). Bảo đảm nguồn lực cho sự phát triển toàn diện của trí thức cả về chuyên môn, chính trị và đạo đức, thích ứng với thời cuộc, đề cao sự đóng góp hiệu quả của trí thức trong thực tế.

Bốn là, xác định rõ nhiệm vụ chủ yếu của trí thức: Trí thức có ở các cấp, các ngành, tham gia tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận; Phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của khoa học - công nghệ, nghiên cứu, tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, đổi mới cơ chế quản lý; tham gia tổ chức và hướng dẫn phong trào quần chúng lao động; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ đắc lực yêu cầu phát triển của đất nước; là lực lượng nòng cốt trong bảo tồn, phát triển và truyền bá những tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, xây dựng nền văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế, hài hòa với các nền văn hóa tiến bộ trong khu vực và trên thế giới.

Năm là, quan điểm, chủ trương của Đảng

về công tác trí thức được triển khai thực hiện hiệu quả

Thực hiện đường lối đổi mới, quan điểm của Đảng là tạo mọi điều kiện để đội ngũ trí thức ngày càng phát triển, được thể hiện rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được cụ thể hóa tại nhiều văn kiện của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đặc biệt là nghị quyết chuyên đề về trí thức - Nghị quyết số 27-NQ/TW khóa X (2008) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”…

Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về trí thức và công tác trí thức, các cấp, các ngành cụ thể hóa, ban hành các cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện phù hợp. Chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện, bảo đảm lợi ích và tạo điều kiện để trí thức phát huy tài năng trí tuệ, năng lực sáng tạo. Các chủ trương, chính sách được ban hành, góp phần phát huy dân chủ, khuyến khích phát minh, sáng tạo; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ xứng đáng những cống hiến cho phát triển đất nước.

Sáu là, công tác vận động trí thức đạt những bước tiến mới, góp phần quan trọng vào thành tựu thời kỳ đổi mới

Chủ trương dân chủ hóa mọi mặt hoạt động được chỉ đạo thực hiện, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo của trí thức. Các tổ chức khoa học có cơ chế hoạt động rõ ràng, tổ chức nhiều diễn đàn để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Ban hành các văn bản tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức khi chuyển giao phát minh, sáng chế; thực hiện Quy chế dân chủ trong khoa học xã hội.

Thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách với các tiêu chí, chế độ cụ thể về đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức hợp lý. Có cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích đội ngũ trí thức tăng cường về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức đã có bước chuyển biến căn bản. Giáo dục - đào tạo ngày càng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Theo đó, đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo đại học.

Tăng cường tập hợp trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức. Cơ chế mới vừa đề cao trách nhiệm của trí thức vừa tạo điều kiện để trí thức tham gia chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao dân trí, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; tham gia giám sát, tham mưu, tư vấn và phản biện xã hội trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức, các cấp ủy luôn quan tâm củng cố và phát huy vai trò của tổ chức đảng trong các hội trí thức; lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ, quy định cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức. Hoạt động đối thoại giữa trí thức với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được nhiều địa phương, đơn vị tiến hành thường xuyên, trên tinh thần cởi mở, dân chủ.

Các vấn đề quan trọng, đặc biệt là các lĩnh vực tham mưu, hoạch định chiến lược phát triển, các văn bản chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị được bàn bạc công khai, chân thành lắng nghe ý kiến của trí thức, thể hiện sự coi trọng vị trí và vai trò của đội ngũ trí thức với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên đội ngũ trí thức có bước phát triển nhanh về số lượng và nâng cao về trình độ, năng lực, thể hiện rõ vai trò trên các lĩnh vực đời sống xã hội

Năm 2000, đội ngũ trí thức cả nước có 1.322.691 người (từ cao đẳng trở lên); năm 2013 tăng lên 6.550.234 (gấp 4,95 lần); số thạc sỹ từ 10 nghìn lên 118.653 người (11,86 lần); số tiến sĩ tăng từ 12,691 lên 24.667 người (tăng 1.94 lần). Trí thức hoạt động trong các lĩnh vực, các ngành, tập trung đông nhất ở khu vực sự nghiệp như giáo dục- đào tạo, y tế. Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 400 nghìn người (trong đó có hơn 6 nghìn tiến sĩ và hàng trăm trí thức có uy tín). Ước tính có tới 150 nghìn trí thức người Việt Nam tại Hoa Kỳ (riêng tại thung lũng Silicon có khoảng 12 nghìn người Việt Nam đang làm việc và hơn 100 người làm việc cho Ngân hàng Thế giới...), 40 nghìn trí thức tại Pháp, 20 nghìn người tại Canađa, 4 nghìn người tại Đông Âu và Liên bang Nga, 7 nghìn người tại Ôxtrâylia...(14).

Năm 2019, có khoảng 300 nghìn chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu tại các nước công nghiệp phát triển(15). Đây là nguồn tài nguyên trí tuệ quý báu của dân tộc, giàu tiềm năng và là một kênh chuyển giao tri thức về Việt Nam rất quan trọng, giúp chúng ta tiến nhanh trên bản đồ đổi mới sáng tạo của thế giới.

Đến năm 2017, cả nước có khoảng 6,5 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, tăng hơn 3,7 triệu người so với năm 2009. Như vậy, đội ngũ trí thức đã tăng thêm khoảng 2,8 triệu người sau 9 năm (2009 - 2017) so với 2,25 triệu người trong 10 năm 1999-2009(16).

Hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ phát triển mạnh, đến năm 2019, cả nước có hơn 4 nghìn tổ chức khoa học công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế. Đội ngũ nhân lực phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 67 nghìn cán bộ nghiên cứu, đạt tỷ lệ 7 người/1 vạn dân, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín đã được thế giới công nhận(17).

Khoa học công nghệ ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng, năm 2019 xếp thứ 42/129 quốc gia và đứng thứ 3 trong khối ASEAN(18).

Trí thức là nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực, từng bước nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghiên cứu lý luận và thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước. Đội ngũ trí thức trực tiếp tham mưu, góp ý, phản biện vào những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Nghiên cứu tạo cơ sở cho việc tiếp thu, làm chủ những công nghệ mới, như: công nghệ thông tin, chế tạo vật liệu, di truyền học, sinh học, y sinh cơ bản... Mở rộng, hoạt động hợp tác về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tiếp cận với nhiều thành tựu khoa học nước ngoài, từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ quốc gia. Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc. Nhiều người đã về nước làm việc, hoạt động có hiệu quả trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, kinh tế, văn hoá, xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận. Nhiều công trình khoa học đã góp phần quan trọng thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

3. Một số vấn đề đặt ra đối với công tác vận động trí thức

Trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đội ngũ trí thức Việt Nam còn bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập:

Số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Cơ cấu đội ngũ có những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính... Trí thức tinh hoa còn ít, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế.

Trong khoa học tự nhiên và công nghệ, số công trình được công bố ở các tạp chí có uy tín trên thế giới, số sáng chế được đăng ký quốc tế còn quá ít. Số lượng và chất lượng hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao KHCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và đời sống xã hội. Trong khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu lý luận còn thiếu khả năng dự báo và định hướng, chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đổi mới đặt ra, chưa có những công trình sáng tạo lớn. Trong văn hóa, văn nghệ còn ít tác phẩm có giá trị xứng tầm với những thành tựu phát triển của đất nước, sự sáng tạo và hy sinh lớn lao của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế. Hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu biến các giá trị đó thành động lực phát triển kinh tế, xã hội và con người.

Trình độ của trí thức ở nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học tụt hậu so với yêu cầu phát triển đất nước và so với một số nước tiên tiến trong khu vực, nhất là về năng lực sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin. Trí thức chủ yếu tập trung ở các trường đại học, học viện, viện/trung tâm nghiên cứu, bệnh viện. Bên cạnh đó, một số có học vị, học hàm làm công tác quản lý trong các cơ quan và các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội.

Vai trò, sức mạnh và sự đóng góp của trí thức trong các lĩnh vực và cho sự phát triển của đất nước nói chung còn nhiều hạn chế. Trong 5 năm (2006-2010) cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ và chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế; riêng năm 2011, Việt Nam không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại đây. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế; Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế; Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế. Nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines cũng có 27 bằng sáng chế(19).

Chỉ số chất lượng nhân lực của Việt Nam còn thấp, đến năm 2010 đạt 3,79/10, so với Indonesia: 3,44/10; Thái Lan: 4,04/10; Philippines: 4,53/10; Hồng Kông: 5,2/10; Malaysia: 5,59/10; Trung Quốc: 5,73/10; Ấn Độ: 5,76/10; Đài Loan: 6,04/10; Nhật Bản: 6,5/10; Singapore: 6,81/10; Hàn Quốc: 6,91/10. Tỷ lệ nhân lực nghiên cứu khoa học trên 100 dân, Việt Nam đạt 0,8; Hàn Quốc: 2,19(20).

 Trong thời gian 15 năm (2001-2015), các nhà khoa học Việt Nam đã công bố được 18.076 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục ISI. So với các nước Đông Nam Á trong cùng thời kỳ, số bài báo khoa học của Việt Nam đã vượt qua Indonesia và Philippines, nhưng số bài báo khoa học của Việt Nam chỉ mới bằng 28% của Thái Lan, 25% của Malaysia và 15% của Singapore(21). Về tiêu chí năng lực phát triển quốc gia (các sáng chế), Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thế giới... Việt Nam phải nhập khẩu công nghệ (sáng chế) khoảng 97%(22).

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do thiếu một chiến lược tổng thể về phát triển đội ngũ trí thức trong bối cảnh, tình hình mới (từ đầu tư phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo đại học và sau đại học; phát hiện, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài; hệ thống chính sách về lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng trí thức; phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ gắn với phát huy tiềm năng đội ngũ trí thức; chính sách đãi ngộ...). Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thấy hết vai trò, vị trí của trí thức trong phát triển, trong khoa học, công nghệ, giáo dục và văn hóa; ở một số nơi, việc thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức còn hạn chế. Một số chủ trương của Đảng chậm được thể chế hóa thành cơ chế, chính sách; Chưa thu hút được trí thức kiều bào và các nhà khoa học người nước ngoài tham gia giải quyết những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Trí thức ít được giao lưu, hợp tác và làm việc ở các trung tâm khoa học, văn hóa trên thế giới.

Đội ngũ trí thức luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, trọng dụng. Những nghiên cứu, kiến nghị, tư vấn từ việc tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận của đội ngũ trí thức là những căn cứ, luận chứng khoa học quan trọng để Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Thực tiễn đổi mới cho thấy, để xây dựng đội ngũ trí thức đạt hiệu quả cần sự thống nhất và tương tác của 3 yếu tố: Nhận thức, quan điểm đúng của người lãnh đạo, chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn; môi trường, điều kiện để phát huy sáng tạo, nảy nở sáng kiến; sự nỗ lực vươn lên với ý thức trách nhiệm cao của trí thức nhằm có những cống hiến to lớn, thiết thực vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Như người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm cho cán bộ làm khoa học dám ước mơ, dám khát vọng, theo đuổi khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học. Trong trăm việc, nghìn việc cần làm để trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo thì việc đầu tiên phải làm là đổi mới sáng tạo cách trọng dụng con người”(23).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020

(1) Năm 1957, đổi tên thành Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.203.

(3) Đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 29-8-1957.

(4) Đảng Lao động Việt Nam: Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam đối với trí thức, Báo Nhân dân, ngày 29-8-1957.

(5) Đỗ Thị Thạch: Phát huy nguồn lực trí thức nữ Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.69.

(6), (7) Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp: Niên giám thống kê 20 năm phát triển giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp (1955-1975), Hà Nội, 1976.

(8) Bảy mươi năm Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.474.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr.115.

(10), (11), (13) ĐCSVN (2007), Văn kiện Đảng toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.135, 84-85, 141.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.161-162.

(14) Tổng quan về đội ngũ trí thức hiện nay, baodatviet.vn.

(15), (17), (18), (23) Thủ tướng: Việc đầu tiên phải làm là đổi mới sáng tạo cách trọng dụng con người, baochinhphu.vn.

(16) Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức - 10 năm nhìn lại, http://tcnn.vn.

(19) Việt Nam có quá nhiều tiến sỹ nhưng ít phát minh, http://giaoduc.net.vn.

(20), (22) Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Nxb Chính trị quốc gia, 2014, tr.96-97, 97.

(21) Nguyễn Văn Tuấn: Năng suất khoa học Việt Nam qua công bố quốc tế, Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam, số 10-2016, tr.49

.PGS, TS Nguyễn Thắng Lợi

PGS, TS Trịnh Thị Hồng Hạnh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh