Truyền thông phòng, chống mê tín dị đoan trong sinh hoạt tôn giáo của Phật tử (qua điều tra xã hội học ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng)
ThS TÔ VĂN PHÚ
NCS Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan”(1). Thực hiện chủ trương của Đảng, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường công tác truyền thông phòng, chống mê tín dị đoan trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Bài viết trình bày một số kết quả đạt được trong công tác truyền thông phòng, chống mê tín, dị đoan trong sinh hoạt tôn giáo của Phật tử ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Các Phật tử tham gia lễ cầu quốc thái dân an và hoa đăng ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình - Ảnh: giacsngo.vn
1. Khái quát về Phật giáo ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng
Phật giáo du nhập vào đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) từ đầu Công nguyên, đã sớm hội nhập với tín ngưỡng bản địa, tiếp biến, dung hợp với tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng nữ thần tạo nên hệ thống Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Phật giáo ở các tỉnh ĐBSH vừa mang “tính dân gian (tập trung trong tư tưởng từ bi của Phật giáo diễn đạt dân gian là cứu khổ cứu nạn)(2), vừa có tính thống nhất (thể hiện ở sự hòa hợp các tông phái, không phân biệt)(3). Hai đặc tính ấy làm cho Phật giáo dễ dàng dung hợp với tín ngưỡng truyền thống, với Nho giáo, Đạo giáo hoà quyện vào nhau khó phân biệt rạch ròi. Đây chính là điều kiện để các hiện tượng mê tín, dị đoan (MTDĐ) của tâm linh, tín ngưỡng truyền thống thâm nhập vào sinh hoạt tôn giáo (SHTG) của Phật giáo ở các tỉnh ĐBSH.
Tính đến tháng 12-2021, tại các tỉnh ĐBSH có 2,76 triệu Phật tử đã quy y, chiếm 18,58% tổng số Phật tử trong cả nước, 6.629 chức sắc, 6.325 chức việc, 1.068 tăng ni sinh và 8.927 cơ sở thờ tự(4), bình quân mỗi làng truyền thống ở khu vực có 1,19 ngôi chùa.
Đặc trưng của các ngôi chùa ở vùng ĐBSH là sự phối thờ giữa Phật với Mẫu, Thánh, thần của Đạo giáo, hình thành một hệ thống chùa “Tiền Phật, hậu Mẫu”, chùa “Tứ pháp”, “Tiền Phật, hậu Thánh”, rất độc đáo. Đây là kết quả của sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng truyền thống của người Việt và Đạo giáo, Nho giáo tạo nên một thứ “Phật giáo dân gian” mang đậm tâm thức tôn giáo của người Việt ở ĐBSH.
Thời gian gần đây, tình trạng MTDĐ trong SHTG của Phật tử diễn ra diễn ra khá phổ biến, không ít hiện tượng mang tính trục lợi, như hiện tượng cúng sao giải hạn, cúng oan gia trái chủ, gây bức xúc trong dư luận. Từ năm 2018, các cơ quan chức năng phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiều văn bản chấn chỉnh; các cơ quan truyền thong, báo chí đẩy mạnh truyền thông phòng, chống MTDĐ trong SHTG. Nhờ vậy, vấn đề MTDĐ trong SHTG của Phật tử từng bước được ngăn chặn, lấy lại môi trường sinh hoạt Phật giáo lành mạnh, đúng chính pháp hơn.
2. Kết quả thực hiện truyền thông phòng, chống mê tín dị đoan trong sinh hoạt tôn giáo ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng
Bài viết sử dụng kết quả cuộc điều tra xã hội học được tiến hành từ tháng 3 đến tháng 10-2022, với 310 phiếu hỏi và 13 phiếu phỏng vấn sâu (PVS) tại một số chùa ở các tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Trong số 310 phiếu bảng hỏi hợp lệ, gồm tỉnh Ninh Bình 163 phiếu, chiếm 52,58%; Vĩnh Phúc 78 phiếu, 25,16% và Thành phố Hà Nội 69 phiếu, 22,25%. Trong 13 phiếu PVS, có 2 chức sắc (tăng), 11 Phật tử ở hai tỉnh Ninh Bình và Vĩnh Phúc.
Về địa bàn cứ trú, số người tham gia trả lời có 147 người ở thành thị (47,4%); 163 phiếu (52,6%) ở nông thôn.
Về độ tuổi, trên 50 tuổi có 221 người (71,3%), trong đó từ 50 đến 69 tuổi chiếm 51,6%, từ 70 trở lên chiếm 19,7%;. Dưới 50 tuổi, có 89 người (28,7%).
Về giới tính, nữ giới có 249 người (80,3%), nam giới 61 người (19,7%).
Về hôn nhân, 278 người đã kết hôn, trong đó: người có gia đình chiếm 89,67%, đã ly thân/ly hôn hoặc góa là 25,48%; người chưa kết hôn 10,32%.
Về trình độ học vấn, có 125 người (40,32%) trung học cơ sở; 122 người (39,35%) trung học phổ thông; 34 người (10,96%) trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên (chủ yếu là đại học).
Về nghề nghiệp: 102 người nghỉ hưu (32,9%); 63 người làm nông/ lâm/ ngư nghiệp (20,32%); 29 người kinh doanh, buôn bán (9,35%), 28 người lao động tự do (9%); 25 người cán bộ nhà nước (8,06%); 20 người thợ thủ công (6,45%); 17 người lao động tự do (54,48%); 12 người nhân viên văn phòng (3,87%),… Ngoài ra có một số là học sinh, sinh viên, người ở nhà làm nội trợ hoặc không có việc làm.
Kết quả thu được như sau:
Phật tử ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng tiếp nhận thông tin truyền thông về phòng, chống MTDĐ từ nhiều nguồn khác nhau.
Phật tử nhận nguồn thông tin về phòng, chống MTDĐ chủ yếu là từ chức sắc Phật giáo (64,2%); báo chí, mạng xã hội ngoài Phật giáo (39,4%); báo chí, mạng xã hội của Phật giáo (37,4%); cán bộ chính quyền (37,1%) và từ các Phật tử 32,6%. Chức sắc Phật giáo được đánh giá cao nhất với 61,9%; Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các cấp (50,3%,); cán bộ chính quyền (43,5%); các tổ chức, đoàn thể (37,1%), Phật tử khác (32,9%). Như vậy, các chức sắc Phật giáo có vai trò quan trọng trong công tác truyền thông phòng, chống MTDĐ trong SHTG của Phật giáo ở các tỉnh ĐBSH.
Như vậy, các chức sắc Phật giáo có vai trò quan trọng trong công tác truyền thông phòng, chống MTDĐ trong SHTG của Phật giáo ở các tỉnh ĐBSH.
Phật tử không chỉ tiếp nhận thông điệp từ các kênh truyền thông khác nhau, trong đó Ban Trị sự Phật giáo và các chức sắc có ảnh hưởng hơn cả. Cán bộ chính quyền và các tổ chức xã hội có vị trí quan trọng trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, trong đó có Phật tử về phòng, chống MTDĐ.
Việc phát huy được vai trò và điểm mạnh của mỗi kênh truyền thông sẽ giúp cho Phật tử nâng cao nhận thức trong việc phòng, chống MTDĐ, SHT lành mạnh, tránh sa vào các hoạt động mê tín, dị đoan.
Công tác truyền thông đạt kết quả tích cực, nhận thức của phật tử về mê tín dị đoan ở khu vực được nâng lên: Kết quả điều tra cho thấy, hiệu quả của công tác truyền thông phòng, chống MTDĐ khá tích cực.
Đa số người được hỏi đều thừa nhận tính hiệu quả và tích cực của công tác phòng chống MTDĐ.
Đại đa số tín đồ cho biết những thông tin họ tiếp nhận được về phòng, chống MTDĐ là “hữu ích” (86,8%), chỉ có (4,2%) trả lời “không hữu ích” và 9% số người được hỏi chưa đánh giá được hiệu quả của truyền thông phòng, chống MTDĐ đối với mình.
Có 70,1% cho rằng công tác tuyên truyền phòng chống MTDĐ ngày càng phong phú về mặt thông tin, giúp Phật tử nhận thức và hiểu rõ hơn về hành vi MTDĐ; đồng thời thông qua đó, nhận thức của Phật tử về chính pháp ngày càng được nâng cao.
Phật tử ở các tỉnh ĐBSH ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề phòng chống MTDĐ trong SHTG: Có tới 75,7% cho biết hiện nay họ nghe về phòng, chống MTDĐ nhiều hơn so với 5 năm trước đây, chỉ có 24,3% cho biết mức độ nghe của họ không thay đổi so với trước.
Hơn 80% cho biết họ thường xuyên hoặc thỉnh thoảng nghe nói về phòng, chống MTDĐ. Chỉ có 16,4% hiếm khi hoặc chưa bao giờ nghe tới phòng, chống MTDĐ. Có một số người còn hiểu tôn giáo là “mê tín dị đoan”, cũng có một số người chưa hiểu rõ thế nào là “mê tín dị đoan trong SHTG”.
Đại đa số người được hỏi quan tâm đến truyền thông phòng, chống MTDĐ. Song mức độ tiếp nhận khác nhau. Có 40,3% thường xuyên tiếp nhận, 43,2% thỉnh thoảng và 12,9% hiếm khi và còn 3,5% chưa bao giờ tiếp nhận truyền thông về phòng, chống MTDĐ.
Thông điệp được Phật tử tiếp nhận nhiều nhất là về các hành vi mê tín với 75,8%; 57,4% về thủ đoạn lợi dụng mê tín và hậu quả của mê tín; chỉ có 38,7% nghe về các quy định của pháp luật đối với hoạt động lợi dụng mê tín để trục lợi.
Truyền thông cung cấp, trang bị kiến thức pháp luật về mê tín cho người dân còn hạn chế, chưa đến được với đại bộ phận người dân. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, các đoàn thể, báo chí cần quan tâm. Mức độ tiếp nhận truyền thông phòng, chống MTDĐ có sự khác nhau giữa các nhóm về giới tính, lứa tuổi, nơi ở,… Vì vậy, muốn đạt hiệu quả trong truyền thông cần căn cứ vào từng đối tượng, nhóm tuổi để lựa chọn các kênh truyền thông phù hợp.
Nhận thức về phòng, chống MTDĐ được nâng cao: Có 69,7% cho rằng MTDĐ là “niềm tin mù quáng vào số mệnh, thần thánh, ma quỷ”; 63,9% trả lời “xem bói, xem số, gọi hồn, lên đồng, cúng ma là hoạt động tâm linh nhằm trục lợi”; 54,8% trả lời “là hoạt động tâm linh không có trong kinh sách Phật giáo; 54,2% là “hoạt động tâm linh thái quá gây hậu quả cho bản thân và người khác”; chỉ có 40,6% là “thờ cúng những vị thần, thánh không phải của Phật giáo”.
Như vậy, có gần 60% số Phật tử được hỏi vẫn tin vào thần, thánh, điều đó phản ánh rõ tâm thức tôn giáo của Phật tử ở các tỉnh ĐBSH, họ theo Phật giáo, nhưng vẫn tin và thực hành tín ngưỡng truyền thống, thờ cúng tổ tiên. Nhiều nghi lễ của tín ngưỡng truyền thống đã được “Phật giáo hóa”.
Có 76,5% cho rằng, MTDĐ là “cúng bái xa xỉ, đốt vàng mã với số lượng lớn”; 68,4% là “chữa bệnh bằng bùa, nước phép, tàn hương, khả năng thần bí”; (66,5%) là “Hầu đồng, gọi hồn, ngoại cảm, nuôi âm binh”; 60,5% trả lời là “Cầu may bằng cách sờ tượng Phật, thả tiền xuống giếng” và 59,4% người trả lời là “Xem bói, xem tướng, xin thẻ, xin âm dương, truyền bá tiên tri, sấm trạng”. Đây là sự chuyển biến trong nhận thức thể hiện công tác truyền thông phòng, chống MTDĐ được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, cũng còn có quan niệm khác nhau về vấn đề “Cúng oan gia trái chủ”. Mặc dù Giáo hội khẳng định đó là sự sai lệch với nghi lễ Phật giáo, các cơ quan chức năng, nhiều nhà khoa học, một số chức sắc Phật giáo cho là “lệch chuẩn”. Nhưng chỉ có 49,7% số người được hỏi cho rằng, “Cúng oan gia trái chủ, cúng mụ cho trẻ con, cúng sao giải hạn, trừ ma, đuổi tà, yểm bùa” và 33,2% cho rằng “Gửi vong lên chùa, nhờ chùa làm lễ hóa giải trùng tang” là MTDĐ. Điều đó phản ánh thực tế người Phật tử ở ĐBSH bên cạnh tin theo Phật giáo họ còn tin theo tín ngưỡng truyền thống.
Sự chuyển biến tích cực về hành vi đối với MTDĐ: Có 32,7% Phật tử cho biết, trước đây họ từng cúng bái xa xỉ, đốt vàng mã với lượng lớn. Hiện nay, hầu hết đã từ bỏ hay giảm bớt việc đốt vàng mã, có 53,4% thực hiện “cúng động thổ, nhập trạch”; 32,7% “Cúng bái xa xỉ, đốt vàng mã với số lượng lớn”; 28,8% “Cúng oan gia trái chủ, cúng mụ cho trẻ con, cúng sao giải hạn, trừ ma, đuổi tà, yểm bùa”; 22,7% “Xem bói, xem tướng, xin thẻ, xin âm dương, truyền bá tiên tri, sấm trạng”; 20,1% “Gửi vong lên chùa, nhờ chùa làm lễ hóa giải trùng tang”; 19,1% “hầu đồng, gọi hồn, ngoại cảm, nuôi âm binh”; 16,6 % “cầu may bằng cách sờ tượng Phật, thả tiền xuống giếng”; 11,7% người trả lời thực hiện “chữa bệnh bằng bùa, nước phép, tàn hương, khả năng thần bí”. Thực tế trên là kết quả từ phát huy vai trò của truyền thông trong phòng, chống MTDĐ.
Hầu hết các Phật tử tham gia SHTG thường xuyên tại chùa, được các chức sắc thuyết giảng về giáo lý, thuyết nhân quả, họ đã từ bỏ không tham gia vào các hành vi MTDĐ. Tham gia SHTG họ sẽ hiểu hơn về giáo lý, chính pháp theo luật nhân quả, không dựa vào thần thánh.
3. Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong công tác truyền thông phòng, chống mê tín dị đoan trong sinh hoạt tôn giáo
Công tác truyền thông phòng, chống MTDĐ trong SHTG của Phật tử ở các tỉnh ĐBSH thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, tình trạng MTDĐ trong SHTG của Phật tử ở các cơ sở thờ tự giảm đáng kể, nhất là vào các dịp lễ Tết, lễ hội đầu năm.
Trước hết cần ghi nhận rằng, công tác truyền thông phòng, chống MTDĐ trong SHTG, lễ hội đạt kết quả tích cực. Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Về cơ bản các hoạt động lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và du khách trên cả nước. Việc đốt vàng mã tại các cơ sở Phật giáo cơ bản đã thực hiện đúng theo tinh thần tại Công văn số 31/CV-HĐTS ngày 12-2-2018 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc tăng cường nét đẹp văn hoá truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo”(5).
Truyền thông báo chí cũng ghi nhận, mùa lễ hội năm 2023: “nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng văn minh, lành mạnh, tại các điểm tâm linh như đền, chùa, phủ và các lễ hội xuân đã có những chuyển biến đáng kể như văn minh, an toàn, giảm yếu tố MTDĐ, đồng thời các lễ hội đã hướng về các giá trị truyền thống”(6). Đồng thời, “việc tổ chức hoạt động lễ hội năm 2023 bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương; chấp hành nghiêm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; hoạt động MTDĐ”(7).
“Các điểm tâm linh như đền, chùa, phủ và các lễ hội Xuân đã có những chuyển biến đáng kể. Không gian tín ngưỡng cũng như ý thức người dân dần được cải thiện; những tệ nạn, biến tướng đã được đẩy lùi; hoạt động lễ hội Xuân và nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân đang dần trở lại nét văn hóa đẹp như vốn có từ trước đó”(8). Được hướng dẫn về các quy định khi đến lễ chùa, người dân thực hiện trang nghiêm, không mang đồ mặn, không đốt vàng mã, trang phục lịch sự.
Các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra “nhằm kịp thời ngăn ngừa và xử lý các vi phạm lợi dụng di tích lễ hội để trục lợi, lưu hành kinh doanh văn hóa phẩm trái phép, không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống, các hoạt động có dấu hiệu MTDĐ trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm nếp sống văn minh”(9).
Nhìn chung, các chủ thể đã phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác truyền thông phòng, chống MTDĐ trong SHTG của Phật tử vì vậy đã phân công, phối hợp các lực lượng, đồng thời đầu tư nhiều nguồn lực cho hoạt động này. Các lực lượng tham gia truyền thông đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương, thu hút được sự quan tâm của Phật tử.
Tuy nhiên, công tác truyền thông phòng, chống MTDĐ trong SHTG của Phật tử ở các tỉnh ĐBSH cũng còn một số hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa thật sự bền vững. Tình trạng MTDĐ, biến tướng, lệch chuẩn, gây những tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của nhân dân. Tại một số phủ, đền, chùa còn tồn tại hiện tượng “buôn thần, bán thánh”, lợi dụng đền chùa kinh doanh trục lợi.
Nhiều nơi vẫn còn tình trạng đốt quá nhiều vàng mã, hiện tượng bói toán, xem tử vi, lừa gạt tiền của du khách... Một số lễ hội xa hoa, lãng phí,... chứ không chú trọng tái hiện những giá trị văn hóa của dân tộc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, “hoạt động tôn giáo tại các cơ sở thờ tự Phật giáo vẫn còn xuất hiện những hoạt động mang màu sắc MTDĐ, có biểu hiện lệch chuẩn như: dâng sao giải hạn; tổ chức nghi lễ cầu an với số lượng người tham gia đông, ảnh hưởng đến an toàn giao thông; lạm dụng đốt vàng mã; xóc thẻ, bói quẻ, kinh doanh dịch vụ trong khuôn viên cơ sở thờ tự...”(10).
“Một số hoạt động tín ngưỡng được tổ chức tại các cơ sở thờ tự Phật giáo như: dâng sao giải hạn (cầu an); đốt vàng, mã; hầu đồng... đang tạo nên những dư luận xã hội nhiều chiều, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo Việt Nam”(11). Vẫn còn tình trạng “biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi; đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống; xem bói, gieo quẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch; tăng giá dịch vụ bán hàng, trông giữ xe vào di tích và lễ hội”(12).
Để công tác truyền thông phòng, chống MTDĐ trong SHTG của Phật tử ở các tỉnh ĐBSH đạt hiệu quả, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần quan tâm, coi trọng hơn nữa; các cơ quan truyền thông báo chí cần thường xuyên phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của Giáo hội về phòng, chống mê tín dị đoan. Đặc biệt cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của các sư trụ trì các chùa trong khu vực trong việc tham gia truyền thông phòng, chống MTDĐ.
_________________
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.144.
(2), (3) Nguyễn Duy Hinh: Một số bài viết về Tôn giáo học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,2007,tr. 256, 263.
(4) Ban Tôn giáo Chính phủ: Thống kê tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo năm 2021 (tính đến ngày 30-11-2021).
(5) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Công văn số 591/VHTTDL-VHCS, ngày 20-2-2019 về việc tăng cường thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự Phật giáo.
(6) Ngọc Mai: Gìn giữ văn hóa lễ hội: Xóa bỏ hủ tục, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, https://www.baophapluat.vn/,ngày 8-2-2023.
(7) Hà Anh: Lễ hội là di sản văn hóa quý của quốc gia, dân tộc, https://www.doanhnhanphaply.vn/, ngày 15-2-2023.
(8), (9) Đinh Thuận: Chuyển biến nếp sinh hoạt văn hóa tại các đền chùa, lễ hội đầu xuân, https://baomoi.com/, ngày 03-2-2023.
(10) Hiền Thu: Văn minh, tiết kiệm trong hoạt động tại các cơ sở thờ tự Phật, https://hanoimoi.com.vn/, ngày 6-1-2020.
(11) Ban Tôn giáo Chính phủ: Công văn số 120/TGCP-PG,ngày 18-2-2019, gửi Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc hướng dẫn, chấn chỉnh các hoạt động trong các cơ sở thờ tự Phật giáo tại các địa phương theo quy định của Giáo hội và pháp luật của Nhà nước.
(12) Ngọc Tân: Việc cúng sao giải hạn ngày càng biến tướng trầm trọng, https://www.zingnews.vn›viec-cung-sao-giai-han-ngay-cang-bien-tuong-tram-trong-post918093.html.