Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phân phối và công bằng xã hội
(LLCT) - Tăng trưởng kinh tế, phân phối và công bằng xã hội là các phạm trù kinh tế - xã hội có quan hệ mật thiết, gắn kết, phụ thuộc và tác động lẫn nhau. Trong đó, tăng trưởng kinh tế là tiền đề có tính quyết định bảo đảm sự tăng lên của của cải vật chất xã hội, bảo đảm cho sự phân phối và công bằng xã hội và ngược lại. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phân phối và công bằng xã hội còn nguyên giá trị trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Tăng trưởng kinh tế, phân phối và công bằng xã hội là những phạm trù có quan hệ mật thiết, gắn kết, phụ thuộc và tác động thúc đẩy lẫn nhau trong thực tiễn cuộc sống. Bàn đến tăng trưởng kinh tế là bàn đến làm thế nào để đưa nền kinh tế ngày một tăng lên cả về tuyệt đối lẫn tương đối, nâng cao đời sống của người dân, là bàn đến khả năng tăng phúc lợi xã hội nhờ có tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế thể hiện kết quả đặc biệt quan trọng của quá trình sản xuất, kinh doanh. Nếu sản xuất kinh doanh không tạo ra tăng trưởng thì sản xuất kinh doanh thất bại; tăng trưởng chính là cơ sở để tạo ra nguồn vật chất đầu tiên phục vụ cho phân phối và công bằng xã hội.
Trong thời gian vừa qua, có những ý kiến cho rằng, điều quan trọng không phải là tăng trưởng hoặc tăng trưởng kinh tế cao mà quan trọng là quan tâm đến phân phối, ổn định, và công bằng. Tuy nhiên, quan điểm này là sai lầm hoặc là cố tình làm lệch mục tiêu cần phải đạt được của nền kinh tế. Thực chất, bàn đến tăng trưởng là bàn đến vấn đề tăng lên về của cải vật chất xã hội. Không có tăng trưởng thì của cải vật chất của xã hội không tăng lên được, xã hội không thể giàu có hơn, thậm chí dừng chân tại chỗ và đi xuống, của cải hiện có bị con người tiêu dùng hàng ngày và ngày một ít đi. Không giàu hơn mà nghèo đi, không tăng lên mà giảm đi về vật chất thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có gì để phân phối, để thực hiện công bằng xã hội, từng bước sẽ trở về sơ khai hay nghèo đói.
Có thể khẳng định tính đến nay, nhân loại đã, đang và sẽ trải qua bốn cuộc cách mạng công nghiệp từ Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (1.0) đến Cách mạng công nghiệp lần thư tư (4.0) và cũng đã, đang và sẽ trải qua năm loại hình thái xã hội từ xã hội nguyên thủy (1.0) đến xã hội nông nghiệp (2.0), xã hội công nghiệp (3.0), tiếp đến xã hội số (4.0) và đang chuẩn bị cho xã hội trí tuệ thông minh (5.0). Tất cả đều chung mục đích là làm ra được nhiều của cải hơn, làm cho tăng trưởng kinh tế ngày một cao hơn, đất nước, con người giàu có hơn. Tất cả tiến trình phát triển đó đều thể hiện quan hệ nhân quả, phụ thuộc, quan hệ qua lại giữa tăng trưởng kinh tế, phân phối và công bằng xã hội.
Để có tăng trưởng kinh tế cần những cơ sở nền tảng như: sản xuất, tiêu dùng, phân phối. Về luận điểm này, C. Mác và Ph. Ăngghen đã nêu bật vai trò của sản xuất, mối quan hệ của sản xuất với tiêu dùng và phân phối: “Sản xuất thể hiện ra là điểm xuất phát, tiêu dùng là điểm cuối cùng, phân phối và trao đổi là điểm trung gian, điểm trung gian này lại có hai yếu tố, vì yếu tố phân phối được quy định là yếu tố xuất phát từ xã hội, còn trao đổi là yếu tố xuất phát từ cá nhân. Trong sản xuất, con người được khách thể hóa, trong tiêu dùng, đồ vật được chủ thể hóa; trong phân phối, dưới hình thái những tính quy định phổ biến có tác dụng chi phối, xã hội đảm nhiệm làm trung gian giữa sản xuất và tiêu dùng; trong trao đổi, môi giới giữa sản xuất và tiêu dùng là tính xác định có tính ngẫu nhiên của cá nhân”(1). Sản xuất, phân phối và tiêu dùng là những bộ phận của quá trình tái sản xuất xã hội trong kinh tế hàng hóa. Công bằng hay bất công bằng là biểu hiện của tiêu dùng theo nghĩa được thụ hưởng thành quả tạo ra trong xã hội của mỗi cá nhân. Đây là mối quan hệ biện chứng, nền tảng cho phát triển của xã hội. “Sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng hình thành một tam đoạn luận đúng cách: sản xuất là cái chung, phân phối và trao đổi là cái đặc thù, tiêu dùng là cái đơn nhất khép kín tổng thể”(2).
Như vậy theo C. Mác, sản xuất là tiền đề tạo ra tăng trưởng và nhờ có tăng trưởng mà có vật chất để phân phối, công bằng là một phương thức của phân phối và đến lượt nó phân phối công bằng tác động trở lại thúc đẩy sản xuất phát triển. Vòng tuần hoàn sản xuất (tạo ra tăng trưởng) sẽ kích thích phân phối và phân phối theo hướng công bằng sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra tăng trưởng, từ đó tăng cường phân phối và phân phối công bằng hơn, nhờ đó lại tạo ra tăng trưởng kinh tế cao hơn...
Kể từ khi có loài người và có nền sản xuất, một yêu cầu mang tính bắt buộc là sản xuất phải tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất hơn thì xã hội mới có cơ hội và điều kiện để phát triển. Đặc biệt, với nền kinh tế thị trường, không có sản xuất thì không thể tạo ra của cải vật chất cho xã hội và không thể tạo ra hàng hóa. Chỉ có sản xuất tăng lên, sản xuất tạo ra tăng trưởng cao thì mới có thể đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của con người, của xã hội, làm cho xã hội giàu hơn. Nhưng sản xuất ở đây là sản xuất tạo nên tăng trưởng kinh tế. Nếu sản xuất mà không tạo nên tăng trưởng thì cũng có thể nói là nền sản xuất chết, không tạo ra sự phát triển của xã hội. Do vậy, tăng trưởng kinh tế là kết quả của sản xuất phát triển. Tuy nhiên, sản xuất mà không có phân phối hiệu quả, hợp lý thì của cải và hàng hóa làm ra cũng khó đưa đến được tất cả người dân và không thể phát huy được hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, cũng phải đề cập đến tiêu dùng vì nhờ có tiêu dùng mới sinh ra nhu cầu và có nhu cầu thì mới có sản xuất và phân phối. Cho nên, có tiêu dùng thì sản xuất hàng hóa mới có ý nghĩa và hữu dụng. Tiêu dùng chính là sử dụng thành quả tạo ra của sản xuất và bản thân sản xuất cũng tiêu dùng một phần thành quả mình tạo ra. Để có vật chất cho tiêu dùng thì phải có tăng trưởng kinh tế, bởi lẽ tăng trưởng kinh tế là nguồn gốc tạo ra vật chất cần thiết để tiêu dùng.
Phân phối được hình thành để kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng và làm cho giá trị hàng hóa được bộc lộ rõ nét. Cơ chế phân phối phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế, nhưng tăng trưởng cũng kích thích làm cho cơ chế phân phối phát triển và hợp lý hơn. Có giai đoạn có sự phân phối không đồng đều, kẻ làm ít có thể được thụ hưởng nhiều thành quả, người làm nhiều lại được hưởng ít. Hơn nữa trong thực tiễn tiêu dùng, có người được tiêu dùng nhiều, có người được tiêu dùng ít do nguồn lực tài chính, điều kiện cụ thể của mỗi người có khác nhau nên dẫn đến có hiện tượng công bằng và không công bằng xã hội. “Bản thân phân phối là sản vật của sản xuất - không những về mặt nội dung, vì người ta chỉ có thể phân phối những kết quả của sản xuất mà thôi, mà về cả hình thức, vì phương thức tham gia nhất định vào sản xuất quy định hình thái đặc thù của phân phối, quy định hình thái theo đó người ta tham dự vào phân phối”(3). Hơn nữa, C. Mác cũng chỉ rõ: “Phân phối có trước sản xuất và quyết định sản xuất với tư cách là một sự thật có trước kinh tế”(4). Do trình độ phát triển của sản xuất và do tăng trưởng kinh tế ngày một cao, nguồn lực kinh tế ngày một lớn thì phương thức phân phối cũng thay đổi theo và kết quả của phân phối cũng công bằng hơn, hợp lý hơn. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, của cải vật chất nhiều nhờ sản xuất trong điều kiện công nghệ cao, trí tuệ thông minh, rôbốt và
internet vạn vật... thì phân phối cũng thay đổi chứa đựng nhiều yếu tố xã hội, công bằng được thể hiện trong đó. Lúc này sản xuất dẫn dắt và quyết định tiêu dùng chứ không chỉ tiêu dùng kích thích và quyết định sản xuất như trước đây.
Theo C.Mác, tăng trưởng kinh tế, phân phối và công bằng xã hội là sự tổng hợp một cách lôgic hệ thống các vấn đề về kinh tế, xã hội, thể chế chính trị, thể chế kinh tế, cấu trúc xã hội, giáo dục nhằm phê phán các chế độ xã hội không có bình đẳng, đặc biệt xây dựng các chế độ xã hội có trình độ phát triển cao hơn của loài người mà ở đó sự bình đẳng, công bằng xã hội được thiết lập trên cơ sở tăng trưởng kinh tế tiềm năng. “Sản xuất hình như là do các quy luật phổ biến của tự nhiên quy định; phân phối do sự ngẫu nhiên của xã hội quyết định, vì vậy nó có thể ảnh hưởng ít nhiều thuận lợi đến sản xuất; trao đổi nằm ở giữa hai khâu đó, như là một sự vận động xã hội có tính chất hình thức, còn hành vi cuối cùng là tiêu dùng, không những được coi là điểm kết thúc, mà còn là mục đích cuối cùng, nói thực ra là nằm ngoài kinh tế, trừ trường hợp nó tác động trở lại điểm xuất phát và làm cho toàn bộ quá trình bắt đầu lại”(5). Như vậy, theo C.Mác ngoài kinh tế chính là khâu xã hội mà cụ thể là biểu hiện của công bằng xã hội. Có thể nói, nền kinh tế TBCN cận hiện đại và hiện đại đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế ổn định trong dài hạn, đem lại mức sống cao hơn cho người dân xét về bình quân, nhưng gia tăng bất bình đẳng, cả bất bình đẳng tuyệt đối và bất bình đẳng tương đối. Những hạn chế của CNTB sẽ được giải quyết chỉ khi xã hội loài người chuyển sang chế độ XHCN. Công bằng trong CNTB mà C.Mác đề cập chính là công bằng trong phân phối kết quả của sản xuất, hay công bằng trong phân phối tăng trưởng kinh tế. Thực tế trong CNTB, phân phối thu nhập cơ bản là không công bằng nên dẫn đến xung đột giữa các giai cấp, điển hình là giai cấp vô sản và giai cấp tư bản. Hậu quả đó dẫn đến phá hủy thành quả của sản xuất hay phá hủy tăng trưởng kinh tế. Do đó, ngày hôm nay, CNTB đã có nhiều đổi mới và cải tiến để tạo nên một sự phân phối tương đối công bằng, hợp lý hơn so với trước đây. Chính vì lẽ đó, các xung đột xã hội, xung đột giai cấp vẫn còn nhưng đã giảm đi nhiều, đã tạo điều kiện cho các nền kinh tế của các nước TBCN phát triển tốt hơn, giàu có hơn. Đây là một trong những vấn đề quan trọng, cốt lõi để phát triển kinh tế nhanh hơn. Sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phân phối và công bằng xã hội đang từng bước được thực hiện trong thực tiễn các nước.
Quan điểm của C.Mác về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phân phối và công bằng xã hội, trước hết được thể hiện rõ trong Học thuyết giá trị thặng dư. C.Mác chỉ ra rằng, giá trị của một hàng hóa là do thời gian lao động xã hội cần thiết được đầu tư vào trong đó. Tuy nhiên, nhà tư bản (giới chủ) đã không trả đủ tiền công, tiền lương cho người lao động đối với toàn bộ giá trị của hàng hóa mà người lao động trực tiếp sản xuất ra, mà chỉ trả một khoản tiền công cho lượng lao động cần thiết tạo ra hàng hóa đó (tức là mức tiền công chỉ đủ bù đắp những nhu cầu tồn tại tối thiểu cho người lao động để có thể duy trì lao động trong hiện tại và tương lai mà thôi). C.Mác cho rằng, mức tiền công tối thiểu này chẳng qua chỉ là một phần trong giá trị hàng hóa do lao động trong một ngày của người lao động, phần giá trị còn lại - tức lao động thặng dư - thì bị các nhà tư bản chiếm giữ. Điều này thể hiện sự mất công bằng trong phân phối thành quả được tạo ra, là ngòi nổ thúc đẩy mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản lên đỉnh điểm và cuộc cách mạng lật đổ giai cấp tư sản chắc chắn sẽ nổ ra.
Như vậy, chủ nghĩa Mác- Lênin đặc biệt coi trọng đến sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Không có tăng trưởng kinh tế sẽ không có sự phát triển và giàu có. Tuy nhiên, bên cạnh quan tâm đến tăng trưởng kinh tế cần coi trọng đến phân phối, phương thức phân phối để bảo đảm cho được công bằng. Không có công bằng sẽ dẫn đến mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp và các tầng lớp, làm cho thành quả của sản xuất cũng bị triệt tiêu, tăng trưởng sẽ không còn và dẫn đến đói nghèo. Tuy nhiên, công bằng xã hội trong giai đoạn hiện nay cần được hiểu là công bằng về cơ hội và điều kiện phát triển, mọi người đều được có cơ hội và điều kiện phát triển tốt nhất, công bằng nhất, còn công bằng trong thụ hưởng phải được hiểu là dựa trên sự đóng góp và cống hiến cụ thể của từng cá nhân. Điều này cũng nói lên một điều, chủ nghĩa Mác- Lênin đã đề cập đến phát triển bền vững.
Hiện nay, sản xuất vật chất đã phát triển cao, của cải vật chất đã nhiều, đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu của con người, phân phối cũng đã có nhiều hoàn thiện và thay đổi theo xu hướng công bằng và hợp lý hơn. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội đang ngày càng được coi trọng và trở thành hai trong ba trụ cột của phát triển bền vững. Sự quan tâm của các quốc gia về bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội với bảo đảm môi trường xanh, sạch đẹp đã cho thấy lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phân phối và công bằng xã hội là đúng đắn. Đối với Việt Nam, Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ cần phải phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phân phối và công bằng xã hội còn nguyên giá trị trong thực tiễn phát triển của các nước và đang là nguyên lý cơ bản bảo đảm cho các nền kinh tế có thể phát triển nhanh và bền vững. Xã hội càng phát triển càng đặt ra yêu cầu về tăng trưởng kinh tế (vì nếu không như vậy các quốc gia sẽ bị tụt hậu) và nhân loại lại càng quan tâm hơn công bằng xã hội, đồng thời, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh đã và đang trở thành mệnh lệnh phát triển đối với các quốc gia. Tuy nhiên, để đạt được ba trụ cột: tăng trưởng kinh tế cao, công bằng xã hội và môi trường xanh, sạch, đẹp không phải là việc tự nhiên mà có, dễ dàng đạt được, nếu không có sự nỗ lực vượt bậc của cả thế giới, từng quốc gia và mỗi người dân. Với mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng trưởng kinh tế xanh, mô hình tăng trưởng kinh tế chia sẻ, không để ai ở lại phía sau, đòi hỏi các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải vận dụng một cách sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phân phối và công bằng xã hội trong điều kiện mới, điều kiện của nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ có đẩy mạnh phát triển nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0 mới có thể đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo chiều sâu, tạo ra đột biến về năng suất lao động, nhờ đó mới tạo ra được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có thể chế kinh tế hợp lý thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, tạo điều kiện cho các loại thị trường được hình thành và phát triển đầy đủ và đồng bộ. Hơn nữa, khi các loại thị trường được phát triển thì sức lao động được giải phóng tối đa, phát huy hiệu quả tối đa cả về thể chất và trí tuệ. Trí tuệ là sức lao động quan trọng bậc nhất, là nguồn lực vô tận quyết định sự phát triển của mọi nền kinh tế. Phát triển kinh tế trên nền tảng đổi mới, sáng tạo sẽ cho các quốc gia cơ hội to lớn đi đến thành công, giàu mạnh và thịnh vượng. Thực tiễn phát triển kinh tế của nhiều nước trên thế giới trong thời gian qua đã chứng minh điều này. Đây là giải pháp đúng đắn để nền kinh tế Việt Nam bứt phá đi lên và trở thành nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, đồng bộ và hội nhập.
___________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2019
(1), (2), (3), (4), (5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.46, phần 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.44-45, 45, 55, 56, 45.
PGS, TS Lê Quốc Lý
Phó Giám đốc Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh