Tọa đàm khoa học “Xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”
TS NGUYỄN HOA MAI
Nhà xuất bản Lý luận chính trị
(LLCT) - Ngày 14-12-2023, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học “Xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số”. Đây là một trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 20 năm thành lập Nhà xuất bản Lý luận chính trị (2003-2023).
Toàn cảnh Tọa đàm - Ảnh: HCMA
PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Nguyễn Mậu Tuân, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Lý luận chính trị chủ trì Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo của Vụ Các trường chính trị, Tạp chí Lý luận chính trị, Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Viện Thông tin khoa học và toàn thể cán bộ, biên tập viên, nhân viên Nhà xuất bản Lý luận chính trị.
PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Tọa đàm
Phát biểu đề dẫn, TS Nguyễn Mậu Tuân khẳng định: chuyển đổi số là xu thế phát triển của mọi ngành nghề, trong đó có ngành xuất bản (bao gồm 3 lĩnh vực: xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm). Quá trình ra đời và hoàn thiện không ngừng của sách kỹ thuật số, với những tiện ích vượt trội so với sách in giấy đã và đang mở ra một “chân trời mới” cho ngành xuất bản. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xuất bản điện tử, phát triển công nghệ trong lĩnh vực sách là vấn đề mũi nhọn được quan tâm của các đơn vị xuất bản, phát hành thời gian qua và tương lai. Xuất bản số sẽ là một phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản.
TS Nguyễn Mậu Tuân, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Lý luận chính trị phát biểu đề dẫn Tọa đàm
Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số hoạt động xuất bản của Việt Nam đã từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, thể hiện rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử. Xuất bản đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, thích nghi với cơ chế thị trường và từng bước hình thành thị trường phát hành sách đa dạng, phục vụ tốt nhu cầu của độc giả.
Để nhìn nhận lại quá trình chuyển đổi số này, tiếp tục đưa xuất bản trở thành một ngành công nghiệp văn hóa thực sự có chuyển biến trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nhà xuất bản Lý luận chính trị tổ chức Tọa đàm khoa học “Xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số”. Tọa đàm vừa là sinh hoạt khoa học vừa là hoạt động trong chuỗi kỷ niệm 20 năm thành lập của Nhà xuất bản. Quá trình chuẩn bị tọa đàm rất công phu, nghiêm túc trên tinh thần khoa học cao. Ban Tổ chức đã nhận được nhiều tham luận các nhà khoa học. Các tham luận có nội dung rất phong phú và hàm chứa nhiều tri thức, nhiều kinh nghiệm hữu ích.
Tại Tọa đàm, Ban Tổ chức kính đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý, biên tập viên cùng chia sẻ, trao đổi làm sâu sắc các nội dung: (i) xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam; (ii) chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chuyển đổi số; (iii) vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản; (iv) thực trạng và những cơ hội, thách thức của ngành xuất bản trong chuyển đổi số hiện nay; (v) những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng, phát triển Nhà xuất bản Lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; (vi) phương hướng, giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản nói chung và chuyển đổi số ở Nhà xuất bản Lý luận chính trị nói riêng.
PGS, TS Dương Trung Ý tham luận về “Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chuyển đổi số và chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản hiện nay”. Theo đó, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, định hướng chính trị của Đảng, Nhà nước đòi hỏi ngành xuất bản phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần đi nhanh, đi trước để thu hút nguồn lực. Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, chuyển đổi số hoạt động xuất bản với việc tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành xuất bản Việt Nam đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản. Quá trình chuyển đổi số xuất bản ở nước ta đã đạt được một số kết quả nhất định từ phát triển công nghệ số hỗ trợ hoạt động xuất bản; phát triển nền tảng xuất bản điện tử dùng chung; triển khai hệ thống trợ lý ảo trong biên tập xuất bản… đến thâm nhập trong các khâu của hoạt động xuất bản, thể hiện rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử... Quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số nhằm thay đổi toàn diện hoạt động trong ngành xuất bản cũng đặt ra thách thức và vấn đề cần chú ý liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư, bảo mật thông tin; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Cùng với đó là việc xác định mô hình kinh doanh của các nhà xuất bản cho phù hợp môi trường chuyển đổi số, không gian số để không bị lạc hậu, không theo kịp xu thế phát triển của thời đại… Do đó, cần quán triệt quan điểm: Chuyển đổi số là “mệnh lệnh”, là “yêu cầu” cấp thiết từ cuộc sống, đồng thời là phương thức thực tiễn để ngành Xuất bản, In và Phát hành có thể vượt qua thách thức, vững bước đi lên, ngày càng phát triển, tiếp tục khẳng định vị thế vai trò là một trong những vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bàn về xu hướng, tính tất yếu của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Nguyên Phó Giám đốc Học viện, khẳng định: chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nếu chuẩn bị sớm thì lợi thế hơn; chuyển đổi số là điều kiện để hiện đại hóa, khoa học hóa hoạt động xuất bản, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhà xuất bản. Chuyển đổi số giúp những người làm công tác xuất bản, báo chí của Học viện thay đổi tư duy, phương thức xuất bản, tạo ra những sản phẩm mới, thu hút độc giả, hội nhập quốc tế. Chuyển đổi số với công nghệ càng cao càng dễ sử dụng, giúp đội ngũ biên tập viên giảm thời gian làm việc, mang lại hiệu suất lao động cao. Do đó, giải pháp quan trọng để chuyển đổi số thành công là: 1) là nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên, người lao động về chuyển đổi số để sẵn sàng nhập cuộc; 2) cần xây dựng thể chế, văn bản pháp quy của Học viện và Nhà xuất bản; đây là công việc quan trọng quyết định cho việc triển khai chuyển đổi số thành công hay không; 3) chuẩn bị về nguồn nhân lực, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ hiện có của Nhà xuất bản đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số; 3) chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ; 4) tích cực hội nhập quốc tế; 5) xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia đầu ngành về lý luận chính trị…
PGS,TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện, tham luận tại Tọa đàm
TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin của Học viện trình bày tham luận “Xu hướng xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số”. Đồng chí khẳng định: từ bức tranh phát triển xuất bản thế giới những năm qua, có thể nhận diện một số chuyển biến chính của xuất bản trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Thời gian tới, xu hướng chuyển đổi số là không thể không diễn ra trong lĩnh vực này. Cụ thể, lĩnh vực xuất bản sẽ: chuyển biến về mô hình và quy trình xuất bản; xuất hiện của các sản phẩm xuất bản mới thay thế dần vai trò của sách truyền thống; phương thức sản xuất mới gắn với yêu cầu mới về nguồn nhân lực… Tất cả những thay đổi trên buộc quy trình tác nghiệp cũng như chính bản thân mỗi người làm công tác xuất bản phải thay đổi.
ThS Ngô Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông thông tin: Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã triển khai số hóa sớm và nhận được sự tham gia của 27 nhà xuất bản khác. Việc chuyển đổi số vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống. Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông sẵn sàng hỗ trợ Nhà xuất bản Lý luận chính trị và các Nhà xuất bản khác trong quá trình từng bước chuyển đổi số này.
TS Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh việc ứng dụng các nền tảng số và trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh chuyển đổi số. Ứng dụng các nền tảng số và trí tuệ nhân tạo là một trong những yếu tố cơ bản để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng, thực hiện các hoạt động chỉ đạo, điều hành, thực hiện chuyển đổi số. Bởi vậy, điều tiên quyết để ứng dụng thành công các nền tảng số và trí tuệ nhân tạo vào trong quy trình xuất bản là lãnh đạo các nhà xuất bản cần chuyển đổi nhận thức và hành động của mình về chuyển đổi số.
PGS, TS Đường Vinh Sường nhấn mạnh: chuyển đổi số là vấn đề của chuyển đổi tổng thể của cả cá nhân và tổ chức trên mọi lĩnh vực. Sự liên thông, kết nối giữa các đơn vị Học viện, tạo sự đồng bộ trong hệ thống là tiền đề chuyển đổi số thành công. Bên cạnh đó cần liên thông trong hệ thống các nhà xuất bản cả nước.
TS Mai Hoài Anh, Phó Giám đốc Nhà xuất bản, trình bày tham luận “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý nhà xuất bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số”. Theo đó, trong thời gian tới, để xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý nhà xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số, bên cạnh việc tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, cần chú trọng một số giải pháp sau: 1) chuyển đổi về nhận thức là giải pháp hàng đầu; 2) xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý chuyên ngành có năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện chuyển đổi số; 3) tiến tới xây dựng môi trường “văn hóa số” ở các nhà xuất bản.
Kết luận Tọa đàm, PGS, TS Dương Trung Ý khẳng định: chuyển đổi số là xu thế tất yếu và xu thế này ngày càng mạnh mẽ, diễn ra trên mọi lĩnh vực. Với lĩnh vực xuất bản, chuyển đổi số giúp xuất bản chất lượng, hiệu quả với nhiều lợi ích hơn. Chuyển đổi số trong lĩnh vực này là một quá trình, yêu cầu sự đồng bộ, tiếp nối, nhưng cũng cần sự linh hoạt, chủ động trong thực hiện trên thực tế. Để chuyển đổi số thành công trong xuất bản cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người thực hiện, từ đó, tạo quyết tâm cao trong thực hiện. Bên cạnh đó, cần xác định mô hình tổ chức bộ máy, vị trí việc làm của các nhà xuất bản để bố trí nguồn nhân lực phù hợp, phát huy sở trường của các bộ trong công tác. Việc chuẩn bị về hạ tầng số, dữ liệu số, cơ sở vật chất, phương tiện để chuyển đổi số cần được quan tâm đúng mức. Mặt khác, cần có sự chuẩn bị thể chế, cơ chế chuyển đổi số phù hợp, đồng bộ, hiệu quả.