Thực trạng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng duyên hải miền Trung và giải pháp hoàn thiện

21/12/2023 10:55

ThS NGUYỄN THANH THẢO
Cục Địa chất Việt Nam

(LLCT) - Biến đổi khí hậu gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, sản xuất và đời sống của con người và trên phạm vi toàn thế giới. Trong đó, duyên hải miền Trung Việt Nam là một trong những vùng bị ảnh hưởng lớn, thường xuyên chịu những tác động do bão lũ, khô hạn, xâm nhập mặn,... và dự báo xu hướng này sẽ ngày càng tăng. Các địa phương trong vùng đã ban hành khá nhiều chính sách ứng phó và bước đầu đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Bài viết làm rõ cơ sở chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu cấp vùng, từ đó đưa ra định hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng này.

1. Đặt vấn đề

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang gây tác động nghiêm trọng đến môi trường, sản xuất và đời sống trên phạm vi thế giới. Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu và nước biển dâng đã tăng nhanh trong 100 năm qua, đặc biệt là trong 25 năm gần đây.

Biến đổi khí hậu như: nhiệt độ tăng, nước biển dâng, khiến cho hạn hán, ngập lụt, nhiễm mặn nguồn nước xảy ra thường xuyên hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với sản xuất công nghiệp và các hệ thống kinh tế - xã hội (KT-XH), làm thay đổi sâu sắc quá trình phát triển và các vấn đề an ninh toàn cầu, như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại.

Ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình đã tăng lên khoảng 0,5ºC - 0,7ºC và mực nước biển dâng đã tăng thêm khoảng 20 cm. BĐKH cùng với hiện tượng El Nino và La Nina có xu hướng diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn gây ra nhiều thiên tai khốc liệt, bao gồm bão, lũ và hạn hán ở Việt Nam. Dự báo vào cuối thế kỷ XXI, nếu mực nước biển dâng cao thêm 01 m, sẽ có khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng và GDP có thể tổn thất khoảng 10%.

Là một khu vực với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng của nhiều thiên tai và hiểm họa, vùng duyên hải miền Trung (DHMT) Việt Nam là một trong những vùng chịu ảnh hưởng lớn do tác động của BĐKH ở Việt Nam chỉ sau vùng đồng bằng sông Cửu Long. BĐKH, bão, lũ lụt, nước biển dâng đe dọa cuộc sống của người dân và tác động tiêu cực đến quá trình phát triển KTXH của vùng.

Chính sách là công cụ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong ứng phó BĐKH của các quốc gia. Chính sách ứng phó với BĐKH phù hợp và hiệu quả giúp tạo cơ sở pháp lý cho triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH, giúp bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, chính sách phù hợp và hiệu quả sẽ giúp khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động ứng phó cũng như đảm bảo nguồn lực cho các hoạt động ứng phó với BĐKH.

Hiện nay, ở Việt Nam nói chung và vùng DHMT nói riêng, đã có nhiều chính sách nhằm ứng phó với BĐKH được ban hành ở cấp trung ương và cấp địa phương. Tuy nhiên, hiệu quả của những chính sách này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Trong bối cảnh BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp, chính sách ứng phó với BĐKH cần có sự cập nhật, thay đổi cho phù hợp. Đồng thời, cần khắc phục những  hạn chế, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, , bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vùng DHMT nói riêng và cả nước nói chung.

2. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

BĐKH cũng được xem là một hệ thống và là bộ phận của hệ thống khí hậu thời tiết. Chính sách ứng phó với BĐKH là một hệ thống nằm trong hệ thống chính sách phát triển KTXH. Đồng thời, là một lĩnh vực liên ngành, liên vùng và liên lĩnh vực. Do đó, nghiên cứu về chính sách ứng phó với BĐKH tại vùng DHMT cần sử dụng tổng hợp nhiều cách tiếp cận để bảo đảm tính toàn diện và đầy đủ.

Trong bài viết này, sử dụng các cách tiếp cận sau để nghiên cứu hiện trạng và đề xuất chính sách ứng phó với BĐKH cho vùng DHMT:

Thứ nhất là tiếp cận hệ thống để xem xét mối quan hệ và ảnh hưởng giữa các yếu tố chính sách trong hệ thống phòng chống với BĐKH.

Thứ hai là tiếp cận từ thể chế để xây dựng cơ sở vững chắc cho phát triển bền vững ở vùng DHMT thông qua cải thiện cấu trúc tổ chức và quản lý hành chính.

Thứ ba là tiếp cận từ lý thuyết đến thực tiễn để đánh giá hiệu quả của các chính sách hiện tại và cách chúng tác động đến vùng DHMT.

Thứ tư là tiếp cận liên ngành, liên vùng để bảo đảm tính toàn diện và đầy đủ của chính sách bằng cách nghiên cứu các vấn đề liên ngành và liên lĩnh vực.

Thứ năm là tiếp cận theo nguồn lực để đánh giá tính khả thi của các chính sách thông qua việc xem xét các nguồn lực tài chính và nhân lực.

Cuối cùng là tiếp cận theo nguyên lý nhân quả để tìm hiểu nguyên nhân của sự thành công và thất bại trong việc ứng phó với BĐKH tại vùng DHMT, từ đó đánh giá hiệu quả và hậu quả của các biện pháp đã thực hiện.

Theo các cách tiếp cận trên, nghiên cứu chính sách ứng phó với BĐKH được chia thành bốn giai đoạn chính:

Giai đoạn 1. Nghiên cứu lý thuyết về chính sách ứng phó với BĐKH tại một vùng: Giai đoạn này nhằm tìm hiểu các khái niệm, nguyên tắc, phương pháp xây dựng và thực thi chính sách ứng phó với BĐKH. Kết quả của giai đoạn này là cơ sở để xây dựng khung nghiên cứu cụ thể.

Giai đoạn 2. Khảo cứu kinh nghiệm xây dựng và thực thi chính sách ứng phó với BĐKH ở vùng tương đồng: Giai đoạn này nhằm tìm hiểu kinh nghiệm của các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong việc xây dựng và thực thi chính sách ứng phó với BĐKH, rút ra những bài học kinh nghiệm tham khảo.

Hình 1. Khung nghiên cứu của bài viết

Giai đoạn 3. Đánh giá thực trạng chính sách ứng phó với BĐKH tại vùng DHMT: Giai đoạn này nhằm đánh giá thực trạng chính sách ứng phó với BĐKH tại vùng DHMT về các mặt: cơ sở pháp lý, nội dung, hiệu quả thực thi,... Kết quả của giai đoạn này là cơ sở để đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách ứng phó với BĐKH tại vùng DHMT.

Giai đoạn 4. Đề xuất định hướng, giải pháp hoàn thiện chính sách ứng phó với BĐKH tại vùng DHMT: Giai đoạn này nhằm đề xuất các định hướng, giải pháp hoàn thiện chính sách ứng phó với BĐKH tại vùng DHMT. Các giải pháp này cần bảo đảm phù hợp với thực tiễn vùng DHMT và xu hướng phát triển chung của thế giới.

3. Thực trạng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng duyên hải miền Trung

Thứ nhất, hiện trạng ban hành chính sách ứng phó với BĐKH ở DHMT Việt Nam

Tại Việt Nam, các chính sách ứng phó với BĐKH và các chính sách liên quan tới quản lý ngành và tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đã được cải thiện trong thập kỷ vừa qua. Các hoạt động quốc gia ứng phó với BĐKH đã được khởi động từ cuối thập niên 1990 và dẫn tới sự ra đời của Báo cáo Quốc gia đầu tiên theo Công ước khung về BĐKH của Liên hợp quốc (năm 2003).

Các hoạt động ứng phó với BĐKH đã phát triển nhanh chóng từ năm 2008, bao gồm việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (các Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02-12-2008 và số 1183/QĐ-TTg ngày 30-12-2012 cho giai đoạn 2012-2015), Chiến lược quốc gia về BĐKH (các Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05-12-2011, số 896/QĐ-TTg ngày 26-7-2022) và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25-12-2012).

Hai chiến lược này hình thành bộ khung chung và đã được ưu tiên hóa và cụ thể hóa trong Kế hoạch ứng phó BĐKH và Kế hoạch tăng trưởng xanh cho thời gian đến năm 2020, trong đó có các kế hoạch hành động về ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh cấp ngành và địa phương được hoàn thành hoặc sẽ được hình thành.

Chính phủ cũng ban hành Chương trình giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) đến năm 2020 (Quyết định số 799/QĐ-TTg, năm 2012). Nhiều chính sách khác liên quan như Chiến lược quốc gia về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, đến năm 2020 (Chiến lược PCTT, 2007), Luật về phòng chống thiên tai (2013), Chiến lược phát triển rừng quốc gia giai đoạn 2011–2020 (2012), Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019- 2030.

Đặc biệt, BĐKH đã được đề cập trong Hiến pháp năm 2013. Điều này cho thấy Nhà nước đã rất quan tâm đến ứng phó với BĐKH. Điều 63 Hiến pháp năm 2013 xác định trách nhiệm của Nhà nước chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH. Cụ thể hóa, Luật Khí tượng thủy văn (2015), Luật Bảo vệ môi trường (2020) đều dành hẳn một chương riêng đề cập đến nội dung BĐKH. Nội dung ứng phó với BĐKH được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

Để đánh giá các chính sách ứng phó với BĐKH ở vùng DHMT, tác giả đã tiến hành điều tra khảo sát tình hình ban hành và thực thi các chính sách ứng phó với BĐKH tại 08 tỉnh, thành phố thuộc. Kết quả khảo sát cho thấy, trong thời gian qua, ngoài việc tuân thủ theo các quy định của Trung ương, các địa phương trong vùng đã rất chủ động trong việc xây dựng và triển khai các chính sách ứng phó với BĐKH. Cụ thể các chính sách đã có ở DHMT về ứng phó với BĐKH như sau:

Bảng 1.Nội dung chính sách ứng phó với BĐKH tại vùng DHMT

Lĩnh vực

Chính sách đã có

1. Thay đổi giống và  cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao

- Chính sách trồng măng tây ở vùng đất cát ven biển; thay đổi mùa vụ tránh lũ lụt.

- Chính sách phát triển trâu bò vì xảy ra dịch tả lợn châu Phi hoành hành.

2. Bảo vệ và trồng rừng ở khu vực miền núi

- Chính sách khuyến khích trồng rừng đầu nguồn

- Chính sách trồng rừng bù do lấy đất lâm nghiệp làm dự án.

3. Nuôi hải sản và khai thác hải sản

- Khuyến khích nuôi hải sản nước lợ (ven bờ) và nước mặn ngoài khơi

- Có chính sách hỗ trợ mua tàu đi xa khơi đánh bắt.

4. Xây nhà kiên cố chống lũ và tổ chức cư dân

- Chính sách hỗ trợ xây nhà kiên cố, có tầng lửng để tránh lũ, ngập sâu ở nơi bên bờ sông

- Chưa có chính sách (quy hoạch) bố trí các điểm dân cư cho dài hạn .

5. Hỗ trợ khách du lịch trong thời gian bị thiên tai

- Chính sách địa phương hỗ trợ khách du lịch về tiền phòng, tiền vé máy bay.

6. Phát triển công trình thủy điện, công trình thủy lợi

- Chính sách đưa ra khỏi danh mục quy hoạch các công trình thủy điện (hơn 60 công trình).

- Dành vốn đầu tư cải tạo hồ thủy lợi, thủy điện.

7. Xây dựng kè chống sạt lở

- Có chính sách đầu tư cho việc kè bờ biển, bờ sông.

8. Chống sa mạc hóa và xây dựng hồ chứa

- Chủ trương xây hồ chứa nước để tăng nguồn nước sinh hoạt và tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

9. Trồng rừng phòng hộ ven biển.

-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương phát triển rừng và xây dựng chương trình vườn ao chuồng ở các dải cát ven biển vùng DHMT.

10.Xử lý nước thải và bảo vệ môi trường biển.

- Chủ trương chung về xử lý nước thải và chất thải rắn.

- Chủ trương xây dựng các công trình cung cấp nước ngọt.

11. Chính sách đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

- Chương trình đầu tư công trung hạn cho cả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

12. Ứng phó với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Trung bộ và Tây Nguyên.

- Thủ tướng chính phủ, Công điện số 601/CĐ-TTg, 21/5/2020

13. Chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai.

- Mỗi năm các địa phương đều có công văn hỗ trợ thiệt hại do thiên tai.

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ các khảo sát thực tế

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, các tỉnh, thành phố tại DHMT đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Các kế hoạch này đã đánh giá tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực, khu vực theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Dựa trên kết quả đánh giá tác động của BĐKH, các kế hoạch này đã đưa ra nhiều giải pháp chi tiết cho từng ngành, lĩnh vực nhằm thích ứng với BĐKH. Trên cơ sở kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, các địa phương đã đề xuất nhiều nhiệm vụ ứng phó với BĐKH, trong đó có các nhiệm vụ mang tính chất của chính sách đặc thù ứng phó với BĐKH.

Về nội dung các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH, các địa phương đã tập trung vào một số lĩnh vực trọng yếu như: tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế và sức khỏe cộng đồng, xây dựng và quản lý đô thị, công nghiệp và năng lượng, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, tài nguyên và môi trường và y tế.

Số lượng các nhiệm vụ các địa phương đề xuất nhằm ứng phó với BĐKH tại vùng DHMT như sau (hình 2):

Hình 2. Số lượng các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH tại vùng DHMT

Số lượng các nhiệm vụ đề xuất liên quan đến ứng phó với BĐKH tại vùng DHMT đã thể hiện sự quan tâm của các địa phương vùng DHTM trong việc ứng phó với BĐKH, đồng thời thể hiện tư duy tiếp cận liên ngành, liên lĩnh vực trong chính sách ứng phó BĐKH.

Thứ hai, hiện trạng ban hành chính sách ứng phó với BĐKH ở DHMT

Việc các địa phương chủ động ban hành và thực thi các chính sách cũng như chủ động đề xuất các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH là một bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH của các địa phương vùng DHMT. Ứng phó với BĐKH tại vùng ngày càng được quan tâm và đã thu được kết quả cụ thể. Từng mặt ứng phó với BĐKH đã được chú ý và được giải quyết tốt hơn, đặc biệt là phòng chống mưa bão, xây nhà vượt ngập lũ, thay đổi cơ cấu mùa vụ để tránh thiên tai, xây dựng công trình trú bão, v.v.

Tư duy liên ngành, liên vùng đã dần được phát huy trong công tác ứng phó với BĐKH tại các địa phương. Người dân và doanh nghiệp có ý thức hơn đối với ứng phó với BĐKH, từng bước chủ động phòng chống thiên tai, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia vào cuộc nên ứng phó với BĐKH được quán triệt hơn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách ứng phó với BĐKH tại vùng DHMT vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập và chưa đáp ứng yêu cầu. Đối với toàn vùng hiện chưa có chính sách riêng biệt, đủ mạnh và toàn diện được ban hành nhằm ứng phó với BĐKH. Trong quy hoạch phát triển vùng DHMT giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã có đề cập đến chính sách ứng phó với BĐKH của vùng, tuy nhiên nhiều nội dung đã trở nên lạc hậu, không theo kịp xu hướng và diễn biến của BĐKH.

Nguồn lực cần thiết để ứng phó với BĐKH cũng chưa tính toán đầy đủ trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển dẫn đến hiệu quả thực hiện còn thấp, thiếu các cơ chế thu hút nguồn lực đặc biệt là nguồn lực từ các tổ chức nước ngoài. Nhiều quy hoạch ngành chưa tính hết tác động của BĐKH, thiên tai, bão lụt nên bị thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng công trình ứng phó với BĐKH cũng còn hạn chế. Ngoài ra kết quả khảo sát của tác giả cũng cho thấy, chính sách của vùng DHMT hiện nay tập trung chủ yếu vào thích ứng với BĐKH lĩnh vực giảm nhẹ BĐKH, khử các bon còn rất hạn chế và ít được nhắc đến.

4. Một số giải pháp hoàn thiện chính sách

Theo kịch bản BĐKH và NBD được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố gần đây, vùng DHMT sẽ đối diện với nhiều tác động tiêu cực từ BĐKH trong cả ngắn hạn và dài hạn. BĐKH sẽ tác động và ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho cả hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trên cơ sở thực trạng và các dự báo tác động của BĐKH đến vùng DHMT, hiện trạng chính sách hiện nay, đề xuất một số định hướng giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách để bảo đảm DHMT phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với BĐKH:  

Một là, nâng cao năng lực quản trị quốc gia và quản trị địa phương về phát triển nói chung, ứng phó với BĐKH nói riêng

Xây dựng và công khai cơ chế phòng, chống, xử lý BĐKH và phòng chống thiên tai, nhất là cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu và của những người trực tiếp liên quan. Nâng cao năng lực quản trị quốc gia, trong đó nhất là nâng cao năng lực giải trình của Chính phủ, gia tăng thứ hạng cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chính sách ứng phó với BĐKH.

Chính quyền các tỉnh cần nâng cao năng lực quản trị địa phương. Các bộ chỉ đạo và giúp đỡ các sở hoàn thành việc quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trong quy hoạch phát triển. Các tỉnh phối hợp với các cơ quan trung ương nhanh chóng hoàn thiện luật pháp, chính sách về ứng phó với BĐKH của Nhà nước và ban hành, tổ chức thực hiện chính sách đặc thù về ứng phó với BĐKH ở địa phương. Chính quyền từ tỉnh xuống đến huyện, xã tăng cường xây dựng chính quyền số, tăng cường hiểu biết về BĐKH và ứng phó với BĐKH trên địa bàn.

Quản lý sát sao các công việc và chính sách ứng phó với BĐKH để có hành động kịp thời, đúng lúc, đủ mức nhằm ứng phó được với BĐKH. Chính quyền các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền về ứng phó với BĐKH.

Từng bước xây dựng chính phủ số, chính quyền số. Số hóa mạnh mẽ trong lĩnh vực phòng chống thiên tai. Cơ quan chức năng của Chính phủ cần kết nối số với các cơ quan dự báo khí tượng thời tiết, thiên tai của các quốc gia trên thế giới.

Từng bước nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của chính quyền cấp huyện, cấp xã về BĐKH và thiên tai cũng như năng lực, khả năng ứng phó với thiên tai và BĐKH.

Hai là, hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội và điều chỉnh những bất hợp lý trong chính sách ứng phó với BĐKH tại vùng DHMT

Trên cơ sở khuôn khổ luật pháp, chính quyền các địa phương tổ chức nghiên cứu các chính sách đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội, và phòng chống thiên tai. Mỗi kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phải tính tới ứng phó với BĐKH. Từ tỉnh xuống huyện, xã cần quán triệt tinh thần này, nhưng cấp xã phải chú ý điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với BĐKH. Giải pháp này tập trung vào chính sách khuyến khích, động viên và xử lý, khắc phục thiên tai.

Việc hoàn thiện chính sách ứng phó với BĐKH cần tập trung vào: (1) Thay đổi giống và  cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ cao; (2) Bảo vệ và trồng rừng ở khu vực miền núi và ven biển; (3) Nuôi hải sản và khai thác hải sản an toàn, nhất là nuôi trên biển; (4) Xây nhà kiên cố chống lũ và tổ chức cư dân phòng tránh lũ lụt; (5) Hỗ trợ khách du lịch trong thời gian bị thiên tai; (6) Phát triển công trình cấp nước sạch, công trình thủy lợi, công trình xử lý nước thải, chất thải; (7) Xây dựng kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển; (8) Chống sa mạc hóa bằng nhiều phương thức, xây dựng hồ chứa; (9) Chính sách đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và động viên doanh nghiệp tham gia; (10) Ứng phó với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.

Ba là, huy động vốn đầu tư, củng cố nhân lực đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng DHMT

Cần tính toán chính xác nhu cầu vốn cần thiết cho việc ứng phó thiên tai đồng thời tăng cường huy động các tổ chức chính trị xã hội tham gia giám sát việc huy động và sử dụng các nguồn vốn đã huy động được để khắc phục thiên tai.

Việc huy động vốn chú ý có chính sách đặc biệt đối với các nguồn: Vốn từ ngân sách nhà nước; vốn ODA vay lãi suất ưu đãi, và vốn ODA không hoàn lại; vốn do Nhà nước phát hành trái phiếu; vốn tư nhân.

 Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách ứng phó với BĐKH tại vùng DHMT. Đồng thời, xây dựng lực lượng phòng, chống thiên tai đảm nhận được trách nhiệm phòng, chống thiên tai. Lực lượng này cần được tập huấn nghiệp vụ hàng năm. Mỗi tỉnh cần tổ chức các đợt khảo sát, học tập kinh nghiệm tốt cho đội ngũ chuyên trách.

Các cơ quan trung ương và chính quyền các tỉnh cần dành nguồn vốn đầu tư thích đáng cho việc ứng phó với BĐKH. Công khai, minh bạch và có sự giám sát đầu tư ứng phó với BĐKH.     

Bốn là, củng cố lực lượng phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn và xây dựng Trung tâm thông tin về thiên tai vùng DHMT

Các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm chỉ đạo sát sao, có kế hoạch cụ thể và bố trí lực lượng phù hợp để ứng phó với BĐKH. Tăng cường lực lượng chuyên trách phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn đồng thời xây dựng cơ chế công khai, minh bạch về trách nhiệm và chế độ đối với người đứng đầu và những người chuyên trách trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

Tổ chức tuyên truyền và công khai thông tin về BĐKH, nghiên cứu các phương án ứng phó với BĐKH. Đồng thời, củng cố, tăng cường lực lượng dự báo BĐKH và dự báo thiên tai, gắn liền với lực lượng phòng chống thiên tai cũng như tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, cung cấp thông tin về BĐKH, chính sách ứng phó với BĐKH, chủ trương, đường lối phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước, BĐKH toàn cầu và tác động đến Việt Nam.

Thành lập Trung tâm thông tin về BĐKH, phòng chống thiên tai kết nối thông suốt với các huyện, xã. Hình thành và củng cố tổ chức kết nối với Trung ương về dự báo BĐKH, dự báo khả năng xảy ra thiên tai gây thiệt hại cho vùng DHMT, kết nối chặt chẽ với các tổ chức dự báo của các quốc gia trên thế giới.

Năm là, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, của doanh nghiệp và của người dân vào việc xây dựng, đánh giá chính sách ứng phó với BĐKH

Các tỉnh cần ban hành văn bản hướng dẫn về cơ chế, cách lấy ý kiến để doanh nghiệp, người dân sẵn sàng tham gia ý kiến đối với chính sách ứng phó với BĐKH. Việc đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, người dân vào chính sách ứng phó với BĐKH luôn luôn mang ý nghĩa to lớn. Muốn có chính sách ứng phó với BĐKH có chất lượng thì phải tổ chức phản biện xã hội theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Các tổ chức chính trị - xã hội và của doanh nghiệp cùng người dân có trách nhiệm phản biện xã hội các chính sách trong quá trình soạn thảo, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện, đánh giá chính sách.

Bằng việc xin ý kiến của chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân, quá trình xây dựng, thực hiện chính sách ứng phó với BĐKH tối thiểu hóa sự bẻ cong chính sách bởi nhóm lợi ích.

Mỗi chính sách ứng phó với BĐKH được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân biết, bàn, kiểm tra, giám sát. Chính quyền các cấp cần công khai kế hoạch xây dựng chính sách, công khai quyền lợi, cơ chế, chế độ tham gia ý kiến với chính sách ứng phó với BĐKH của đoàn thể chính trị xã hội cũng như của doanh nghiệp và của người dân. Ban hành cơ chế thưởng phạt đối với các đối tượng tham gia.

_________________

Ngày nhận bài: 08-12- 2023; Ngày bình duyệt: 18 -12-2023; Ngày quyết định đăng: 21-12-2023.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), Kịch bản Biến đổi khí hậu

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021), Kịch bản Biến đổi khí hậu

3. Trương Minh Dực (2015), "Biến đổi khí hậu và môi trường ở Duyên hải miền Trung", Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 4(89) - 2015.

4. IPCC (2007), The Fourth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change.