Công tác đào tạo, bồi dưỡng toàn diện của chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (qua kết quả điều tra, khảo sát thực tế)

26/12/2023 15:48

PGS, TS LÂM QUỐC TUẤN
TS HÀ VĂN LUYẾN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ được 30 năm, góp phần vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Bài viết tập trung làm rõ hiệu quả đầu ra của đào tạo thông qua đánh giá sự thay đổi trong nhận thức, thái độ và hành vi của người học sau khi tốt nghiệp. Bài viết là kết quả Đề án “Khảo sát, điều tra về nhận thức, thái độ và hành vi của đội ngũ cán bộ trong thực hiện công vụ sau khi đã tốt nghiệp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (10 năm gần đây)”.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng toàn diện của chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh  (qua kết quả điều tra, khảo sát thực tế)

Lễ khai giảng các lớp đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ năm 2023 - Ảnh: HCMA

Mở đầu

Đề án “Khảo sát, điều tra về nhận thức, thái độ và hành vi  của đội ngũ cán bộ trong thực hiện công vụ sau khi đã tốt nghiệp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (10 năm gần đây)” được thực hiện trong hai năm 2022-2023. Mục tiêu của đề án là khảo sát, tổng kết, đánh giá toàn diện về nhận thức, thái độ, hành vi của cán bộ sau khi đã tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện so với trước khi được đào tạo. Từ đó, gợi mở, đề xuất những giải pháp và kiến nghị nhằm khắc phục những điểm còn hạn chế trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện. Trong đó, một mục tiêu trọng yếu của chương trình đào tạo là nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ.

Đề án đã triển khai khảo sát tại các địa phương có nhiều học viên đã tham gia chương trình thạc sĩ tại Học viện trải dài từ Bắc tới Nam gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng phiếu điều tra là 2.290 phiếu khảo sát định lượng và 07 cuộc phỏng vấn, tọa đàm với 325 phỏng vấn tại các địa phương.

Qua điều tra xã hội học, Đề án đã cho thấy, các đối tượng được hỏi ý kiến khẳng định, chương trình đào tạo cao học, nghiên cứu sinh tại Học viện đã xác định rõ các mục tiêu quan trọng hàng đầu là nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao của hoạt động lãnh đạo và quản lý và chuyên môn.

Xác định đào tạo cao học, nghiên cứu sinh là một phần của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là khâu quan trọng trong toàn bộ chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng đòi hỏi của điều kiện mới. Từ đó, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đã trở thành chương trình đào tạo quan trọng trong hệ thống đào tạo của Học viện. 

1. Những kết quả chủ yếu về nhận thức, thái độ và hành vi của cán bộ sau khi tốt nghiệp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện khi về cơ quan công tác

Đối tượng chính của đề án khảo sát này là đánh giá sự thay đổi về nhận thức, thái độ và hành vi của người học sau khi được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Học viện. Để có được kết quả chân thực nhất, Đề án đã khảo sát trực tiếp những cán bộ, đồng nghiệp và lãnh đạo (những cán bộ chuyên trách về công tác tổ chức - cán bộ tại các cơ quan, đơn vị), những cán bộ đã học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện. Kết quả khảo sát của đề án đã thu nhận được một số những kết quả chủ yếu cụ thể như sau:

Thứ nhất, về kết quả điều tra về sự thay đổi trong nhận thức của cán bộ.

Nhận thức của cán bộ thể hiện ở hiểu biết của họ về những nhiệm vụ, trách nhiệm công vụ mà họ phải hoàn thành, là trách nhiệm pháp lý và những điều luật, quy định, quy chế mà họ phải tuân theo.

Vì vậy, để đo lường được nhận thức của đội ngũ cán bộ phải thông qua tri thức và hiểu biết của họ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương họ làm  việc, qua việc thực hiện những nội quy, quy định của cơ quan.

Nhận thức của đối tượng khảo sát cũng được thể hiện qua cách thức quán triệt, triển khai đường lối, chủ trương vào trong thực tiễn hoạt động lãnh đạo, quản lý, trong các hoạt động công vụ tại các cơ quan, tổ chức. Ở khía cạnh này, kết quả khảo sát của Đề án cho kết quả cụ thể như sau:

Chỉ có 40,5% số người được hỏi trả lời vốn tri thức về chủ trương, chính sách học được đã đáp ứng tốt công việc.

Có 59,5% số người được hỏi cho là kiến thức về nội dung khoa học của đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở cấp độ vĩ mô chỉ đáp ứng nhu cầu cầu công việc ở mức bình thường.

Đối với cán bộ của các cơ quan Đảng và Nhà nước cấp tỉnh, huyện thì sự đáp ứng tốt về nội dung tri thức khoa học về đường lối, chính sách chỉ 17,7%.

Kết quả này phản ánh một thực tế rằng, cần có một chương trình đào tạo mà nội dung khoa học gắn nhiều hơn cho việc ban hành các chính sách, chủ trương ở tầm trung và vi mô cho gần với cấp huyện.

Ngoài ra, những vấn đề thực tiễn ở cấp huyện cũng cần được cập nhật thường xuyên hơn ở các chuyên đề giảng dạy hệ thạc sĩ, tiến sĩ và đội ngũ giảng viên để đáp ứng những nhu cầu của người học về hệ thống tri thức này.

Nguyên nhân của khả năng đáp ứng tốt về tri thức về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ở cấp độ vĩ mô tốt hơn ở cấp tỉnh và huyện, xuất phát từ hai nguyên nhân.

Một là, do đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng là những người đang giảng dạy chương trình cao cấp chính trị. Vì vậy, giảng viên sớm chủ động tiếp cận, cập nhật đường lối, chủ trương, chính sách mới để vận dụng vào công tác giảng dạy và họ đã lồng ghép vào nội dụng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Hai là, do học viên chủ yếu là cán bộ cấp tỉnh và huyện. Nên đội ngũ này tiếp thu phù hợp với sự trải nghiệm của họ.

Về khả năng chuyển hóa những tri thức đã được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ vào trong hoạt động công vụ thì có 42,5% cán bộ cho rằng đã chuyển hóa được mọot phần; 45,7% là chuyển hóa tốt và 11,8% là không rõ. Đây là con số đáng quan tâm, yêu cầu trong nội dung chương trình đào tạo thạc sĩ cần theo hướng ứng dụng cao, đòi hỏi các viện chuyên ngành phải có thêm nhiều những nội dung về định hướng phương pháp và kỹ năng để học viên dễ dàng hơn trong vận dụng vào các hoạt động công vụ

Kết quả khảo sát của đề án ở một số khía cạnh như: “Nội dung khoa học trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ”; “Nội dung khoa học trong nghệ thuật hoạt động chính trị”; “Nội dung khoa học của vấn đề năng lực hoạt động chính trị” có tỉ lệ người hỏi trả lời là đáp ứng tốt lần lượt là: 79,6%, 87,7%  và 86,2%. Điều này cho thấy, chương trình đào tạo sau đại học tại Học viện đang có xu hướng chuyển dần sang cung cấp nội dung khoa học liên quan đến lãnh đạo, quản lý. Đây là xu hướng phù hợp với đối tượng người học, từ đó cho thấy nội dung chương trình cần quan tâm đáp ứng nhiều hơn với yêu cầu của cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đang triển khai thực hiện.

Nhận thức của người học được thể hiện trong hoạt động công vụ, vì vậy khi thông qua tiêu chí đo lường về mức độ ứng dụng của nội dung chương trình đào tạo so với yêu cầu của công việc để đánh giá về sự thay đổi nhận thức cho thấy:

Chỉ có 34,3% số người được hỏi cho rằng khối lượng kiến thức như vậy là vừa đủ để họ có thể hoạt động trong môi trường công vụ. Tương tự, có 36,1% số người được hỏi cho rằng thiếu những nội dung có thể vận dụng vào thực tiễn.

Điều này phù hợp với đánh giá của các đồng nghiệp khi có 60,3% số cán bộ cho rằng việc họ tốt nghiệp thạc sĩ tại Học viện cũng như những nơi khác. Như vậy, yêu cầu dặt ra đối với các viện chuyên ngành có đào tạo thạc sĩ phải có nhiều thay đổi hơn trong nội dung đào tạo của chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng.

Trong những năm gần đây, số lượng học viên học thạc sĩ tại Học viện có xu hướng giảm, nhưng nhu cầu học tập nâng cao năng lực chuyên môn gắn với nâng cao trình độ lý luận chính trị có khuynh hướng tăng ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Kết quả khảo sát của Đề án ở tiêu chí “học thạc sĩ tại Học viện để nâng cao nhận thức về lý luận chính trị” là 70,6% đồng ý, đây là tỉ lệ cao nhất trong các nhu cầu về học thạc sĩ của cán bộ.

Ở những tiêu chí liên quan đến nhu cầu của cá nhân về đào tạo thạc sĩ để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉ lệ đồng ý chỉ khoảng 50%. Điều này cho thấy có một tỉ lệ nhất định số cán bộ tham gia học thạc sĩ, tiến sĩ chủ yếu để có thể có được giá trị gia tăng của việc học hoàn chỉnh cao cấp chính trị.

Thứ hai, về kết quả của những thay đổi trong thái độ và hành vi

Kết quả khảo sát của Đề án cho thấy rằng về thực chất nhận thức, thái độ và hành vi là ba mặt biểu hiện khác nhau của việc thay đổi trong tri thức lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ.

Trong ba yếu tố này, tri thức là hạt nhân và quyết định đến nhận thức, nhu cầu đào tạo thạc sĩ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ, tác phong, ứng xử của đội ngũ cán bộ.

Tri thức của cán bộ, cả tri thức ở tầm lý luận hay tri thức ở tầm kinh nghiệm là cái ẩn sâu bên trong tư duy, suy nghĩ của cán bộ, chỉ có thể nhận thức được thông qua những hoạt động thể hiện sự nhiệt tình, chu đáo và tận tâm của đội ngũ cán bộ với công việc, là sự lắng nghe để chia sẻ những khó khăn, bức xúc của nhân dân, tôn trọng với sự đóng góp, góp ý của nhân dân với bản thân và cơ quan/ tổ chức của mình…

Những thái độ, hành vi của cán bộ trong các hoạt động công vụ trước tiên thể hiện ở hành vi tuân thủ những quy định của nền hành chính công vụ, tuân thủ những chuẩn  mực và nguyên tắc của văn hóa chính  trị và đạo đức công vụ. Kết quả khảo sát của Đề án về vấn đề này cho thấy nhữn điểm chủ yếu sau:

Ở các tiêu chí “Thấm nhuần đạo đức công vụ của người cán bộ” có 45,1% cho rằng “ít tiến bộ” và 54,9% cho rằng rất tiến bộ.

Trong tiêu chí “Nhận thức rõ hơn về văn hóa chính trị của cơ quan, tổ chức” có 15,7% cho rằng “không tiến bộ”.

Con số này cho thấy trong chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện kiên trì theo hướng kết hợp nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị và rèn luyện tư cách đạo đức đặt phong của người đảng viên cho đội ngũ học viên học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ.  

Về thái độ của đội ngũ cán bộ đối với công việc. Ở các tiêu chí như: “Nhận thức về quyền và nghĩa vụ của mình với cơ quan, tổ chức và đồng nghiệp” và “Bớt sự rườm ra, tự thêm những khâu không cần thiết trong thực hiện nhiệm vụ”, “Khả năng tự chủ hơn trong công việc” đều có 72,5% cho rằng “rất tiến bộ”.

Tiêu chí “Chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động công vụ” có 54,6% cho rằng “rất tiến bộ”. Tiêu chí “Khả năng làm việc nhóm và phối hợp công việc với đồng nghiệp”, có 46,4% cho rằng rất tiến bộ. Tiêu chí “Có thêm những khát vọng mới trong công việc” có 14,4% cho rằng là rất tiến bộ…

Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ khẳng định mức rất tiến bộ ở những khía cạnh liên quan đến thái độ và hành vi mang tính đạo đức và văn hóa thấp hơn trong vấn đề thái độ và hành vi với công việc.

Hoạt động công vụ của người cán bộ muốn đạt hiệu quả cao phải bảo đảm các yếu tố về thời gian, năng suất, chất lượng thực hiện công việc. Muốn vậy, họ phải đạt sự đồng thuận và chia sẻ của đồng nghiệp cũng như sự hài lòng của công chúng đối với cách thức họ tổ chức và tiến hành công việc.

Điều này cho thấy, trong chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cần có thêm nhiều những biện pháp để gia tăng quá trình chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động của cán bộ đang học tập ở các lĩnh vực, chuyên ngành đào tạo, thạc sĩ, tiến sĩ khác nhau.       

2. Một số khuyến nghị

 Trong khuôn khổ kết quả điều tra, khảo sát, Đề án kiến nghị các giải pháp tiếp tục phát huy tính tích cực về nhận thức, thái độ và hành vi của cán bộ sau khi đã tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện như sau:

Một là, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu về tri thức, hiểu biết của cán bộ khi học chương trình đào tạo thạc sĩ, tiễn sĩ trước yêu cầu công việc, của cơ quan và và địa phương nơi cán bộ công tác, Học viện cần xây dựng nội dung chương trình đào tạo gần hơn với nhu cầu thực tiễn.

Các nội dung khoa học nên được tổng kết thường xuyên để cập nhật về lý luận để cung cấp hệ thống lý luận có trọng tâm, trọng điểm cho sát nhu cầu người học và yêu cầu thực tiễn công tác của các ngành, lĩnh vực, địa phương.

Theo đó, Học viện cần xây dựng và duy trì tốt các kênh liên lạc giữa Học viện với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị để nắm nhu cầu đào tạo cán bộ của hệ thống chính trị. Đối với chương trình thạc sĩ ứng dụng, cần phải căn cứ vào nhu cầu của các địa phương để xây dựng nội dung chương trình đào tạo tương ứng.

Hai là, học viên tham gia học tập thạc sỹ tại Học viện đa phần là cán bộ, công chức, viên chức từ nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và nhiều địa phương trên cả nước. Nhiều địa phương, ban, ngành lựa chọn cử cán bộ tham gia học tập thạc sĩ tại Học viện ngoài mong muốn nâng cao trình độ về lý luận chính trị còn mong muốn cán bộ được rèn luyện về đạo đức, tư cách, kỹ năng, phương pháp làm việc, cách thức hoạt động công vụ mang tính văn hóa, đạo đức.

Kết quả khảo sát của Đề án cho thấy về thái độ và hành vi của họ cũng thay đổi nhiều theo hướng tích cực kể từ khi được đào tạo tại Học viện. Điều này cho thấy sự cần thiết phải lồng ghép tiêu chí về rèn luyện tư cách, đạo đức, tác phong của người cán bộ, người đảng viên vào trong những quy chế học tập và rèn luyện cho đối tượng học thạc sĩ và tiến sĩ.

Ba là, cùng với kiến thức chuyên môn, nhận thức, thái độ và hành vi của người học thạc sĩ, tiến sĩ cần thiết phải được xem như là những tiêu chuẩn cứng, bắt buộc trong chuẩn đầu ra của đào tạo thạc sĩ. Các Học viện nên lồng ghép những vấn đề về kỹ năng, phẩm chất, tư cách... khi hoạt động công vụ có liên quan đến các nội dung khoa học được trình bày trong chương trình đào tạo thạc sĩ.

Sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trên cả nước đang đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có năng lực chuyên môn cao, am hiểu sâu sắc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có năng lực vận dụng sáng tạo vào quá trình lãnh đạo, quản lý tại địa phương. Vì vậy, trong chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, Học viện nên tập trung xây dựng những chương trình thạc sĩ thuộc lĩnh vực quản lý, quản trị kinh tế - văn hóa - xã hội để đáp ứng nhu cầu của cán bộ các cơ quan, địa phương. 

Bốn là, Học viện cần chủ động và tích cực hơn trong việc thông tin về triết lý đào tạo nâng cao cả nhận thức, thái độ và hành vi trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. 

Khảo sát của Đề án cho thấy, nhiều địa phương, ban, ngành vẫn có cử nhiều cán bộ có nhu cầu được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện. Lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo các cơ quan về tổ chức cán bộ vẫn mong muốn được học và được đào tạo tại Học viện. Hiện nay, các cơ quan, ban ngành trên cả nước đều bố trí công việc theo vị trí việc làm. Vì vậy, ưu tiên của cán bộ và lãnh đạo các cơ quan tập trung vào nâng cao trình độ theo vị trí việc làm. Do đó, Học viện cần phải xây dựng các kênh liên lạc giữa Học viện với nhu cầu đào tạo cán bộ của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị để tìm hiểu nhu cầu của các ban, ngành, địa phương. Thông qua đó để xây dựng nội dung chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng.