Phát triển nguồn nhân lực thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế

12/01/2024 19:18

HOÀNG THỊ NGÂN
NCS Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam

(LLCT) - Nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển. Đặc biệt đối với Hà Nội, là Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế của cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực là tổng hợp của của các yếu tố thể lực, trí lực và tâm lực, năng lực sáng tạo, kỹ năng lao động, khả năng thích ứng với công việc và môi trường làm việc, lối sống, đạo đức, tình cảm, tâm lý của nguồn nhân lực. Sức mạnh nguồn nhân lực có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở làm rõ thực trạng, bài viết đề xuất giải pháp đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực Hà Nội hiện nay.

Phát triển nguồn nhân lực thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế

Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương 96 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô năm 2023 - Ảnh: tapchicongsan.org.vn

1. Đặt vấn đề

Trong đường lối, chiến lược xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực luôn là một chính sách quan trọng; giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đại hội X của Đảng (năm 2006) xác định: “Thông qua việc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam”(1). Tiếp đó, Đại hội XI (năm 2011) nhấn mạnh: “Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước”(2).

Đại hội XIII của Đảng (năm 2011) tiếp tục khẳng định quan điểm: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”(3). Như vậy, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực ngày càng đầy đủ và phù hợp với xu thế phát triển.

Quán triệt quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội đã ra Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực, trong đó nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo; thu hút trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế…là nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô”(4).

Quan điểm đó đã được thành phố Hà Nội cụ thể hóa thành các chính sách, chế độ cụ thể và đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nguồn nhân lực của Thủ đô.

2. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực ở thành phố Hà Nội

Thực trạng phát triển nguồn nhân lực ở thành phố Hà Nội những năm qua thể hiện trên các phương diện thể lực, trí lực và tâm lực.

Về chất lượng và số lượng

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn. Chất lượng giáo dục đại học được nâng cao, nhiều cơ sở giáo dục tích cực đổi mới, tiệm cận với xu hướng phát triển của giáo dục trên thế giới, gắn với sự phát triển của khoa học - công nghệ. Thành phố Hà Nội đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ cao theo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Chương trình này mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lực lượng lao động được đào tạo tại Thủ đô.

Thành phố đã đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thu hút hơn 94 dự án, trong đó 52 dự án đang hoạt động, thu hút gần 9 nghìn học sinh, sinh viên và khoảng 13 nghìn người lao động tham gia học tập và làm việc(5). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã nỗ lực trong công tác tuyển sinh đào tạo lao động. Đến tháng 10-2022 đã tuyển sinh và đào tạo cho 214.550 lượt người, đạt 95,6% kế hoạch, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021; có 187.760 học sinh tốt nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,2%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra(6).

Trong nhiệm kỳ 2021-2025, thành phố Hà Nội xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là chủ trương quan trọng. Hà Nội hiện có 04 trường dạy nghề được quan tâm đầu tư với một số nghề trọng điểm hướng tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã được phê duyệt đầu tư. Thành phố cũng đề nghị Chính phủ bổ sung đầu tư Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc thành phố Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội là trường chất lượng cao.

Các trường cao đẳng công lập thuộc thành phố Hà Nội đã lựa chọn 29 nghề trọng điểm (14 nghề cấp độ quốc tế, 11 nghề cấp độ ASEAN, 14 nghề cấp độ quốc gia) để đào tạo, chú trọng hợp tác quốc tế; từ năm 2020 đến nay đã tuyển sinh được hơn 2.500 học sinh theo chương trình đào tạo hợp tác quốc tế với các cơ sở thuộc nhiều quốc gia, tập đoàn trên thế giới.

Số sinh viên, học viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt cao. Các ngành nghề sinh viên ra trường được các doanh nghiệp tuyển dụng 100% là: kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ sơn ôtô, tự động hóa.

Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hằng năm, từ 71,1% năm 2021 lên 72,23% năm 2022 (tăng 1,13%). Tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 50,2% năm 2021 lên 52,5% năm 2023 (tăng 2,3%)(7).

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của thành phố Hà Nội vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hiệu quả giáo dục và đào tạo còn hạn chế, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Nhà trường chưa quan tâm đúng mức đến việc đào tạo các kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo, khả năng tự học của người học.

Cơ cấu đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu của thị trường, chưa đáp ứng nhu cầu kịp thời cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội tăng chậm, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động. Thiếu nhân lực chất lượng cao ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có nơi còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhà trường chưa gắn kết chặt chẽ, toàn diện giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ. Một số lượng lớn lực lượng lao động có tay nghề chưa cao, thiếu kỹ năng ứng dụng thực tế.

Về thể lực

Thể lực và tầm vóc của người Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng đã được cải thiện và ngày càng được nâng cao. Tuổi thọ trung bình của người Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015 là 75,20 tuổi; giai đoạn 2016 – 2020 tăng lên 75,50 tuổi. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo kết quả điều tra năm 2009 là 12,6%, năm 2014 là 9,7%, tỷ lệ này tuy có giảm nhưng vẫn còn cao. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 0,1% - đạt kế hoạch đề ra(8).

Mặc dù vậy, tầm vóc, thể lực, sức bền, cân nặng của người Việt Nam nói chung, của thành phố Hà Nội nói riêng so với các nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Xinhgapo, Trung Quốc) vẫn còn hạn chế. “Người lao động của Thủ đô không những thấp bé, nhẹ cân mà còn yếu về sức mạnh cơ bắp, sức dẻo dai và sức bền so với người lao động của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”(9). Điều này gây khó khăn khi người lao động tham gia vào quá trình sử dụng, vận hành các máy móc, thiết bị hiện đại với kích cỡ lớn, hoặc làm việc trong môi trường không thuận lợi (trên cao, dưới lòng đất), hay với cường độ lao động cao, điều kiện lao động nặng nhọc, áp lực tâm lý lớn.

Sở dĩ người lao động của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có hạn chế về thể lực, sức khỏe, tâm lý kém là do điều kiện ăn uống, sinh hoạt còn nghèo nàn, chưa được đầy đủ về dinh dưỡng, kiến thức, kỹ năng, nhận thức tâm lý, sinh lý trong việc nuôi dạy, chăm sóc thế hệ trẻ đang còn thấp. Số lượng hộ cận nghèo của thành phố Hà Nội vẫn còn cao. Tỷ lệ giảm nghèo chưa thật bền vững, khả năng dễ bị tổn thương cao. Điều kiện lao động trong nhiều cơ sở sản xuất, nhiều làng nghề của Hà Nội còn kém. Môi trường sống, môi trường lao động đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhiều hóa chất, hàng không rõ nguồn gốc xâm nhập vào bữa ăn của các gia đình; tình trạng xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường vào các ao, hồ, sông, kênh mương còn diễn biến phức tạp. Chất lượng môi trường nước mặt của sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân dân. Nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các bệnh liên quan đến môi trường sống chưa có biện pháp giải quyết triệt để.

Về trí lực

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 06-01-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn từ 2011-2020, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả quan trọng trong thực hiện đột phá về phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tổng số các trường học trên địa bàn Hà Nội là 2.768 trường, tăng 466 trường so với năm 2010. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 76,9%. Giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng, đóng góp ngày càng quan trọng nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô.

Trên địa bàn Thành phố có 362 cơ sở dạy nghề, tăng 110 cơ sở so với năm 2010; số học viên hằng năm đạt trên 200 nghìn. Số trường cao đẳng là 67 cơ sở, tăng 47 cơ sở so với 2010; đào tạo hàng năm khoảng 50 ngàn sinh viên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo không ngừng tăng, năm 2020 đạt 70,25%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 48,5%(10).

Đội ngũ trí thức của thành phố Hà Nội - lực lượng nòng cốt trong quá trình CNH,HDH Thủ đô những năm qua có sự tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng. Bộ máy hành chính của thành phố có 7.286 công chức với các trình độ đào tạo: 84 tiến sỹ, 2.609 thạc sỹ, 4.373 đại học, 35 cao đẳng, 133 trung cấp, 52 sơ cấp; trình độ chính trị: 164 cử nhân, 1.326 cao cấp, 2.747 trung cấp, 1.811 sơ cấp, 1.238 chưa qua đào tạo(11).

 Đội ngũ này đã đóng góp phần rất quan trọng vào thành tựu to lớn của Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội về kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục. Nhiều năm qua, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố Hà Nội đã được củng cố và nâng cao, song so với yêu cầu thực tế nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thời kỳ CNH, HĐH vẫn còn những hạn chế:  Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thành phố Hà Nội tuy đã được nâng lên, song còn thấp so với yêu cầu. Số cán bộ, công chức có trình độ trên đại học mới chiếm 35,81%; vẫn còn trên 5% cán bộ, công chức có trình độ trung học, cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Trình độ chuyên môn thể hiện qua học vấn của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố Hà Nội tương đối khá, nhưng trong số đó tỷ lệ tốt nghiệp hệ tại chức, chuyên tu, mở rộng chiếm số lượng lớn và có năng lực thực tế hạn chế. Nhiều cán bộ, công chức vẫn chịu ảnh hưởng của cơ chế và cách làm cũ, thiếu tác phong khoa học, thụ động và hạn chế trong việc thích ứng với cái mới.

Chất lượng và cơ cấu lao động còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Lực lượng công nhân lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao thường tập trung ở các khu vực kinh tế quốc doanh, các công ty lớn và khu vực thành thị; còn ở khu vực ngoài quốc doanh, khu vực nông nghiệp lại đang rất thiếu lực lượng lao động này. Mặt khác, do xuất phát từ nước nông nghiệp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu, cho nên lực lượng lao động của Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng còn mang nặng tư tưởng, tâm lý và tính cách của người tiểu nông; chưa có tác phong công nghiệp và chuyên nghiệp, trình độ tổ chức và quản lý kinh tế còn hạn chế, thiếu tính kỷ luật và sự tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Chất lượng đào tạo nghề, nhất là cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Việc huy động, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực chưa đạt kết quả như mong muốn; chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thể chế, nhất là thể chế đối với việc thu hút tài năng.

Thành phố Hà Nội vẫn chưa có chính sách vượt trội để thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, chuyên gia, cán bộ khoa học, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế. Hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học; Hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp.

Thành phố Hà Nội chưa có cơ chế chính sách hấp dẫn để thu hút, khuyến khích xã hội hóa, huy động nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ; chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả và đồng bộ để phát huy nguồn lực trí thức và tiềm lực khoa học, công nghệ đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô; thiếu cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành có đủ năng lực chủ trì các chương trình, dự án trọng điểm; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng chuyên môn kỹ thuật cao, nhất là những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ lớn (như công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ điện tử, viễn thông) Số cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật và số lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Những hạn chế nói trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là trách nhiệm của một bộ phận trí thức Thủ đô chưa cao, một số chính sách chưa hợp lý, một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức.

Về tâm lực

Khi nói đến chất lượng nguồn lực về tâm lực của người Hà Nội là đề cập đến những phẩm chất đạo đức, nhân cách đặc trưng của con người Hà Nội. Những phẩm chất đạo đức và nhân cách đặc trưng của người Hà Nội được hình thành trong suốt quá trình lịch sử và có tác động to lớn, quyết định đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô.

Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi hội tụ người dân ở mọi miền đất nước, nên người Hà Nội có truyền thống hòa đồng, thân thiện, luôn có ý thức cộng đồng, tương thân tương ái, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau; ít có thái độ cục bộ. Cho nên, “Khoan dung, cởi mở, hòa đồng là những ưu điểm tạo thành phẩm chất và thế mạnh chính trị, văn hóa của cộng đồng xã hội Thăng Long - Hà Nội”(12).

Một đặc trưng nổi bật trong tính cách của người Hà Nội đó là nét văn minh, thanh lịch. “Nét thanh lịch, văn minh của người Thăng Long – Hà Nội thể hiện tinh tế qua thái độ hiếu khách truyền thống, nồng nhiệt mà không thô, niềm nở mà không suồng sã; trang phục nhã nhặn, hài hòa, giản dị phù hợp với vị thế xã hội và nghề nghiệp của mình; qua thái độ kính già, giúp trẻ, nhường phụ nữ và nếp sống thuần hậu, khiêm nhường, giản dị”(13).

Bên cạnh những giá trị truyền thống tốt đẹp đó, cũng còn những hạn chế trong tính cách và nếp sống của người Hà Nội: “Bên cạnh những tính cách tốt đẹp, những nét tài hoa của con người vùng đất Thăng Long, vẫn còn một số người còn không ít nhược điểm, đó là khó hợp tác, thích làm một mình, chưa quen làm những việc lớn, làm gì cũng dè dặt sợ chê bai, đố kỵ…; không ít người còn mang nặng những suy nghĩ về những kỷ niệm đã qua, chính vì vậy đôi khi còn có tính bảo thủ….; tính cách của một số người Hà Nội ngày nay đã có nhiều thay đổi, những hiện tượng tiêu cực cùng với nếp sống có phần thiếu văn hóa của một bộ phận không nhỏ người dân Hà Nội phần nào cũng đã làm nhạt nhòa hình ảnh hào hoa, thanh lịch của người dân chốn Kinh thành đã có một thời rất đỗi tự hào”(14).

Trong quá trình đổi mới, CNH, HĐH hiện nay, việc chuyển sang nền kinh tế thị trường và nền sản xuất công nghiệp hiện đại, người lao động Hà Nội cũng bộc lộ những hạn chế như: vẫn còn ảnh hưởng bởi tư tưởng, thói quen của nền sản xuất tiểu nông manh mún, ham lợi trước mắt mà thiếu tính toán hiệu quả kinh tế, gây lãng phí; tác phong công nghiệp chưa trở thành phổ biến, nên tính tự do, ý thức chấp hành luật pháp, kỷ cương trong lao động còn yếu; khả năng làm việc nhóm, làm việc trong môi trường đa văn hóa, đa sắc tộc còn hạn chế, đặc biệt là những rào cản về đa văn hóa, đa sắc tộc; rào cản về văn hóa và ngôn ngữ khi có yếu tố lao động nước ngoài hoặc làm việc ở nước ngoài.

Một bộ phận người lao động Hà Nội còn có hạn chế là thụ động và thiên lệch trong định hướng nghề nghiệp; thiếu nhanh nhạy trong nắm bắt và tiếp cận thông tin thị trường; yếu kém về kỹ năng phỏng vấn, đàm phán và thỏa thuận; tính năng động, cơ động trong di chuyển và thay đổi việc làm không cao; còn thụ động trong ứng phó với các rủi ro xảy ra. Những hạn chế đó đã ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sự phát triển nguồn nhân lực ở thành phố Hà Nội hiện nay.

3. Giải pháp đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực ở thành phố Hà Nội

Thực trạng phát triển nguồn nhân lực của thành phố Hà Nội hiện nay nhìn chung còn nhiều hạn chế như đã nói trên. Để khắc phục những hạn chế đó thành phố Hà Nội cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, thành phố Hà Nội cần chú trọng vào cải thiện, nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống, đặc biệt là chế độ chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, tâm lý, thể lực của người lao động. Việc phát triển thể lực của người lao động Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng cần phải tính đến yếu tố chất lượng sinh sản và yếu tố bồi dưỡng thể lực, sức khỏe, tâm lý, tinh thần cho người lao động trong tương lai là hết sức quan trọng.

Thứ hai, thành phố Hà Nội cần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện; xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Thứ ba, thành phố Hà Nội cần hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, hội nhập, thúc đẩy phân tầng, phân luồng, khuyến khích học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; tổ chức lại mạng lưới giáo dục đào tạo; sắp xếp lại hệ thống giáo dục về quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề, cơ sở đào tạo; quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện phân tầng giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, khung chương trình đào tạo và giáo dục nghề nghiệp theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu, tăng thời gian thực hành, tập trung vào những nội dung, kỹ năng người học, doanh nghiệp và xã hội cần, bảo đảm liên thông giữa các bậc học, cấp học, giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đa dạng hoá các phương thức đào tạo; đổi mới phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học, bậc học; cải cách mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức sắp xếp lại và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với các trường sư phạm.

Thứ tư, thành phố Hà Nội cần chủ động hội nhập quốc tế để phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể: xây dựng nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục và đào tạo theo định hướng phù hợp chuẩn quốc tế và đặc thù của Việt Nam và thành phố; tăng cường quan hệ liên thông chương trình đào tạo giữa các cơ sở giáo dục và các ngành đào tạo của thành phố với quốc tế; thực hiện đánh giá và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; liên kết, trao đổi về giáo dục và đào tạo và các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, công nghệ giữa các cơ sở giáo dục; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có tài năng và kinh nghiệm của nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực đại học và nghiên cứu khoa học, công nghệ tại các cơ sở giáo dục của thành phố; thu hút các trường đại học, dạy nghề có đẳng cấp quốc tế vào hoạt động; tăng cường dạy và bồi dưỡng ngoại ngữ, văn hoá thế giới, kỹ năng thích ứng trong môi trường cạnh tranh quốc tế cho người dân Thủ đô.

Thứ năm, thành phố Hà Nội cần phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Cụ thể: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để bồi đắp, xây dựng lối sống mới, nếp sống mới. Trong đó, đặc biệt coi trọng vai trò của gia đình và nhà trường trong việc truyền bá những nét đẹp của lối sống văn hóa truyền thống Thăng Long – Hà Nội và hình thành nếp sống đạo đức mới. Cần quan tâm giáo dục văn hóa gia đình, bởi gia đình là cái nôi sinh thành nhân cách con người; gia đình có vai trò rất quan trọng việc giáo dục nuôi dưỡng lòng nhân ái, tình thương yêu giữa con người với con người.

4.Kết luận

Phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội nhằm thực hiện khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII. Tuy nhiên, thực trạng phát triển nguồn nhân lực của Thủ đô Hà Nội còn hạn chế. Để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, thành phố Hà Nội cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực Thủ đô toàn diện trên các mặt thể lực, trí lực và tâm lực; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

_________________

Ngày nhận bài: 26-12-2023; ngày bình duyệt: ngày 02 -01-2024; ngày duyệt đăng: 12 - 01-2024.

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr .34

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.41

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, T.1, tr.136

(4), (7), (11) Thành ủy Hà Nội:  Báo cáo tình hình thực hiện khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, tháng 6, 2023,

(5) Hiếu Giang: “Hà Nội phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số”, Tạp chí công sản, tháng 8-2021

(6), (8), (10)  UBND thành phố Hà Nội: Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tr.15,16, 17, 12

 (9)UBND thành phố Hà Nội: Quy hoạch phát triển nhân lực Thành phố giai đoạn 2011 -2020,  tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2012, tr.31

(12), (13) Phùng Hữu Phú (chủ biên): Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, Nxb Hà Nội, 2010, tr.60, 63

(14) Nguyễn Khắc Hưng: Việt Nam văn hóa và con người, Nxb Chính chị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.177,178