Phát huy vai trò quản lý thông tin đối ngoại ở các cơ quan báo chí chủ lực

16/01/2024 15:07

VŨ DUY HƯNG
NCS Ngành Báo chí học,
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(LLCT) - Thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, giúp cho nhân dân các nước và người Việt Nam ở nước ngoài cũng như người nước ngoài ở Việt Nam hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam, từ đó phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Bài viết phân tích vai trò của quản lý thông tin đối ngoại ở các cơ quan báo chí chủ lực, từ đó đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của quản lý thông tin đối ngoại ở các cơ quan báo chí chủ lực trong thời gian tới.

Phát huy vai trò quản lý thông tin đối ngoại ở các cơ quan báo chí chủ lực

Hội thảo Công tác quản lý thông tin đối ngoại trên báo chí truyền thông - Ảnh: nguoilambao.vn

1. Đặt vấn đề

Cơ quan báo chí chủ lực (CQBCCL) là cơ quan báo chí làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”, đặt ra mục tiêu xây dựng một số CQBCCL, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại; trong đó, có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện được xác định là CQBCCL, gồm: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân và Báo Công an Nhân dân(1).

Quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL là sự tác động của các chủ thể quản lý ở các cơ quan này trong quá trình tiếp nhận thông tin đối ngoại đầu vào, sản xuất, giám sát, phổ biến, tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi; kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện thông tin nhằm truyền tải thông tin trong nước đến với bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu vai trò cũng như các giải pháp phát huy vai trò quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL có ý nghĩa quan trọng.

2. Vai trò của quản lý thông tin đối ngoại ở các cơ quan báo chí chủ lực

Vai trò đối với đời sống kinh tế - xã hội

Công tác quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL có tác động mạnh đối với đời sống kinh tế - xã hội. Việc quản lý này giúp giám sát, thúc đẩy hoạt động thông tin đối ngoại nói riêng và thông tin báo chí nói chung trong phổ biến, tuyên truyền, thống nhất nhận thức và hành động của toàn xã hội trong thực hiện chủ trương, chính sách kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh, văn hóa, xã hội, ngoại giao… của Đảng và Nhà nước. Từ đó, góp phần bảo đảm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước được thực thi trong thực tế. Đồng thời, việc quản lý cũng giúp các CQBCCL cung cấp các thông tin chuẩn xác về những tiến bộ của khoa học công nghệ trên thế giới, giúp nhân dân trong nước tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm, tinh hoa văn hóa của nhân dân thế giới, góp phần cùng nhân dân thế giới đấu tranh vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Việc quản lý thông tin đối ngoại bảo đảm cho CQBCCL thực hiện các hoạt động báo chí đúng Luật Báo chí và đúng đường lối đối ngoại, từ đó góp phần giúp các cơ quan này thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ và ổn định, phát triển(2).

Việc quản lý thông tin đối ngoại tại các CQBCCL theo đúng tôn chỉ, mục tiêu hoạt động chung của báo chí giúp phát huy vai trò của thông tin báo chí trong phản ánh và giám sát, phản biện xã hội, hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương người tốt - việc tốt trong chấp hành pháp luật, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật, vào công lý trong mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, giúp chủ động phòng ngừa những hành vi làm lộ, lọt bí mật nhà nước, phương hại đến chính trị, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Vai trò đối với hoạt động ngoại giao

Một mặt, công tác quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL giúp định hướng dư luận, đẩy lùi thông tin, văn hóa xấu độc, lan tỏa thông tin tích cực, nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ trương, đường lối, pháp luật chung của Đảng và Nhà nước trong công tác ngoại giao. Mặt khác, công tác quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL cũng tích cực hỗ trợ hoạt động ngoại giao khi quản lý việc lan toả các thông điệp, chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với các nước trên thế giới và khu vực cũng như cung cấp thông tin phục vụ, hỗ trợ những cá nhân và tổ chức làm công tác đối ngoại(3).

Xét về lợi ích quốc gia, thực hiện tốt công tác quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL sẽ giúp các cơ quan này sản xuất và phổ biến các thông tin đối ngoại có chất lượng. Các thông tin đối ngoại chuẩn xác, cập nhật kịp thời sẽ giúp người dân các nước hiểu biết hơn về Việt Nam, về đất nước và con người Việt Nam, về giá trị di sản vật chất, tinh thần của dân tộc. Những hiểu biết đó góp phần gây dựng, vun đắp tình cảm của người dân các nước đối với đất nước và con người Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những điều đó cũng góp phần bảo đảm thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Hơn nữa, thực hiện tốt công tác quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL còn giúp định hướng dư luận, phản hồi kịp thời những thông tin sai trái, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, âm mưu phá hoại sự nghiệp đổi mới, độc lập, thống nhất, ổn định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước; đẩy lùi thông tin, văn hóa xấu độc và lan tỏa thông tin tích cực, nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân trước các thông tin sai sự thật, từ đó góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh.(4)

Vai trò đối với sự phát triển của cơ quan báo chí chủ lực

Trước hết, việc quản lý tốt thông tin đối ngoại ở các CQBCCL giúp bảo đảm vai trò, vị trí chủ lực, đó là những cơ quan báo chí có uy tín hàng đầu quốc gia của các CQBCCL; bảo đảm các cơ quan này là thông tin “nguồn”, có độ tin cậy cao, xung kích đi đầu trong tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, được độc giả cả nước tin cậy.

Thứ hai,việc quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL giúp giám sát, thúc đẩy hoạt động báo chí nói chung và hoạt động thông tin đối ngoại nói riêng ở các CQBCCL trong phổ biến, tuyên truyền đường lối đối ngoại của quốc gia một cách rộng khắp, toàn diện, hiệu quả. Đồng thời, trong quá trình quản lý thông tin đối ngoại, chủ thể quản lý rà soát, đổi mới, kiện toàn bộ máy, quy trình tiếp nhận, xử lý và phổ biến thông tin đối ngoại ở các CQBCCL để nâng cao chất lượng của thông tin đối ngoại, từ đó giúp cho hoạt động của các cơ quan này ngày càng phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thứ ba, trong quá trình quản lý thông tin đối ngoại, chủ thể quản lý cũng giám sát, đánh giá chất lượng của công tác thông tin đối ngoại, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các cá nhân tham gia trong quy trình thực hiện sản xuất và phổ biến thông tin đối ngoại: từ phóng viên đến lãnh đạo ban chuyên môn, biên tập viên, biên dịch viên, kỹ thuật viên đến cán bộ xuất bản, cán bộ phát thanh, truyền hình...

Các cá nhân tham gia trong quy trình thực hiện sản xuất và phổ biến thông tin đối ngoại cũng thường xuyên được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ báo chí, giúp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng thực hiện thông tin đối ngoại của các cá nhân tham gia trong quy trình thực hiện sản xuất và phổ biến thông tin đối ngoại. Khi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên CQBCCL được nâng cao thì CQBCCL cũng sẽ từng bước phát triển vững mạnh hơn(5).

Trong thời gian qua, công tác quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCĐNCL đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt, đã thực hiện tốt nhiệm vụ rất quan trọng của công tác thông tin đối ngoại là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, thu hút sự ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng quốc tế.(6)

Bên cạnh đó, công tác quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL cũng còn một số hạn chế, như: việc cung cấp thông tin, nhất là về những sự kiện phức tạp, nhạy cảm nảy sinh còn chưa kịp thời; một số đơn vị còn lúng túng trong việc giải mật thông tin đối ngoại. Những hạn chế này là do nhận thức và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thông tin đối ngoại ở một số CQBCCL còn chưa cao; cơ chế chính sách còn chưa đáp ứng được thực tế công việc; nguồn lực tài chính còn hạn chế, cơ sở vật chất - kỹ thuật và công nghệ chưa được đầu tư thỏa đáng, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ hoàn thiện tác phẩm; đội ngũ phóng viên, biên tập viên ở một số CQBCCL còn tương đối trẻ, ít kinh nghiệm, thiếu những cây bút chủ lực sắc sảo vè chính trị, vững chuyên môn và giỏi cả báo chí và ngoại ngữ(7).

3. Một số giải pháp phát huy vai trò quản lý thông tin đối ngoại ở các cơ quan báo chí chủ lực

Để phát huy vai trò quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý của các chủ thể quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL như sau:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL. Người đứng đầu các cơ quan này hơn ai hết phải nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề của công tác quản lý thông tin đối ngoại ở CQBCCL, đặc biệt là ảnh hưởng của công tác quản lý này đối với thực hiện vị trí, vai trò của CQBCCL trên cả ba phương diện: kinh tế, xã hội; ngoại giao và sự phát triển của chính CQBCCL. 

Thứ hai, cần đổi mới, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý báo chí nói chung và quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL nói riêng.

Thứ ba,tăng cường đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ cho các cơ quan báo chí nói chung và CQBCCL nói riêng. Các CQBCCL cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, phát triển các công cụ, giải pháp kỹ thuật để tăng diện phủ sóng, bao phủ thông tin. Dùng công nghệ thông tin lập đường dây nóng để khi các cơ quan báo chí phát hiện có sự việc đột xuất, nhạy cảm có thể xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp từ cấp trên nhanh chóng, bảo đảm thông tin chính xác, có tính định hướng dư luận xã hội. Xây dựng cơ sở dữ liệu chung kết nối mạng giữa các cơ quan báo chí trên toàn quốc và một số mạng truyền số liệu tại các khu vực, thành phố trọng điểm, phục vụ việc trao đổi thông tin, nhằm phục vụ công tác quản lý thông tin đối ngoại.

Thứ tư, nâng cao năng lực tài chính của các CQBCCL bằng một số phương thức như: Một là, CQBCCL có thể cải thiện nguồn lực tài chính bằng cách tối ưu hóa chi phí, giảm lãng phí và cải thiện hiệu suất hoạt động. Các phương pháp tiết kiệm chi phí như sử dụng công nghệ hiệu quả hoặc tối ưu hóa quá trình sản xuất nội dung giúp tiết kiệm nguồn lực tài chính. Hai là, các CQBCCL tìm cách đa dạng hóa nguồn thu nhập bằng cách tập trung vào các mảng như quảng cáo trực tuyến, sự kiện truyền hình, tài trợ từ doanh nghiệp và tổ chức. Ba là, CQBCCL chú trọng đầu tư vào việc sản xuất nội dung chất lượng để thu hút độc giả và quảng cáo. Nội dung chất lượng không chỉ giữ chân độc giả mà còn tăng giá trị cho quảng cáo, giúp thu hút đối tác quảng cáo và độc giả trung thành. Bốn là, CQBCCL có thể hợp tác với các tổ chức truyền thông khác, doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận để chia sẻ chi phí và tăng cường tài chính.

Thứ năm, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý thông tin đối ngoại cũng như năng lực của đội ngũ phóng viên, biên tập viên ở các CQBCCL.

Đối với đội ngũ cán bộ quản lý thông tin đối ngoại, cần nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý báo chí cũng như năng lực chuyên môn trong lĩnh vực truyền thông và quản lý nhân sự thông tin báo chí đối ngoại. Cán bộ quản lý thông tin đối ngoại cần được đào tạo, bồi dưỡng và phát triển liên tục kỹ năng lãnh đạo, quản lý báo chí đối ngoại với đầy đủ các năng lực như: tổ chức, xây dựng, triển khai kế hoạch toàn diện cho hoạt động của CQBCCL; quyết định và tổ chức thực hiện quyết định liên quan đến hoạt động thông tin đối ngoại; phân công, quản lý nhân sự trong hoạt động sản xuất báo chí đối ngoại; kiểm tra, giám sát và đánh giá nhân viên…

Đồng thời, người lãnh đạo, quản lý thông tin đối ngoại cần có chuyên môn về báo chí truyền thông nói chung và báo chí đối ngoại nói riêng để có thể định hướng và tổ chức chuyên môn của CQBCCL, là “bộ lọc” trong thẩm định, kiểm tra, giám sát và đánh giá thông tin đối ngoại để bảo đảm CQBCCL thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình về thông tin đối ngoại.

Đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cần tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức các hội thảo thường xuyên để cập nhật kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực truyền thông, báo chí đối ngoại. Đào tạo liên tục giúp đội ngũ này nắm vững các xu hướng mới và phát triển kỹ năng mới. Ngoài ra, đội ngũ biên tập viên, phóng viên phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị, đạo đức báo chí; thường xuyên nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, biết sử dụng thành thạo những công cụ, thiết bị, máy móc tác nghiệp. Đồng thời, có thể khai thác các nguồn lực đào tạo quốc tế, hợp tác nghiên cứu về báo chí quốc tế để giúp phóng viên, biên tập viên có thêm nhiều kinh nghiệm tác nghiệp quốc tế.(8).

4. Kết luận

Quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội đất nước, hỗ trợ tích cực cho hoạt động ngoại giao và góp phần thúc đẩy sự phát triển của các CQBCCL, bảo đảm các cơ quan này luôn giữ vững vị trí tiên phong, dẫn dắt, định hướng dư luận, trong báo cáo hoạt động thông tin đối ngoại. Để phát huy vai trò quan trọng của công tác quản lý thông tin đối ngoại ở các CQBCCL, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách quản lý, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực tài chính cũng như nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý thông tin đối ngoại và đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

_________________

Ngày nhận bài: 4-11-2023; Ngày bình duyệt: 23-12-2023; Ngày duyệt đăng: 14-1-2024.

(1) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3-4-2019 phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

(2) Nguyễn Đức Lợi, Lưu Văn An: Thông tin báo chí với công tác lãnh đạo, quản lý, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2017.

(3) Phạm Gia Khiêm: “Công tác thông tin đối ngoại góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng X”, Tạp chí Thông tin đối ngoại, 2010, tr.7-14.

(4) Hồng Vinh: “Thông tin đối ngoại góp sức tích cực thúc đẩy hội nhập quốc tế”, Tạp chí Thông tin đối ngoại, 2006, số 28.

(5) Nguyễn Minh Thắng: Quản lý nhà nước về báo chí điện tử ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, 2019.

(6) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2020.

(7) Nguyễn Thị Thương Huyền: Quy trình sản xuất sản phẩm báo chí đối ngoại ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 2018.

(8) Lưu Văn An: Giải pháp phát huy vai trò của thông tin báo chí đối với công tác lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam trong thời kỳ mới, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai chinh?dDocName=MOFUCM104237, 2017, truy cập ngày 6-8-2023.