Hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ tại các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

18/01/2024 16:42

ThS TRỊNH HUYỀN MAI
Học viện Hành chính Quốc gia

(LLCT) - Thể chế văn hóa công vụ tại các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là cơ sở để viên chức, giảng viên nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong quá trình hoạt động nghề nghiệp. Trên cơ sở những quy định của pháp luật về văn hóa công vụ, người học cũng nhận biết, đánh giá được chất lượng, hiệu quả của nền công vụ thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ viên chức, giảng viên. Qua khảo sát ở 07 trường, bài viết làm rõ thực trạng xây dựng, ban hành và việc tuân thủ các quy chế liên quan đến văn hóa công vụ, từ đó đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ tại các trường.

Hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ tại các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

Học viện Hành chính quốc gia - Ảnh: xdcs.cdnchinhphu.vn

1. Mở đầu

Thể chế văn hóa công vụ là các quy định, quy chế, quy tắc về hệ thống các chuẩn mực, giá trị, niềm tin hình thành trong quá trình xây dựng và phát triển công vụ của cá nhân và tổ chức, có khả năng lưu truyền và ảnh hưởng tới chất lượng công vụ(1).

Thể chế văn hóa công vụ có 2 cấp độ: tự giác và bắt buộc thực hiện. Ở cấp độ tự giác, là các quy tắc, hướng dẫn ứng xử chung để các cá nhân và tổ chức tự điều chỉnh mà không cần chế tài. Nhưng từ góc độ pháp luật, đó là các quy định có tính bắt buộc, phải thực hiện, với những chế tài cụ thể. Thiết chế thực hiện là bộ máy để triển khai và cuối cùng là biện pháp, cách thức để triển khai thực hiện những quy định đó có hiệu quả.

Các quy định pháp luật về văn hóa công vụ cũng được chia làm nhiều cấp độ: các nguyên tắc chung, chuẩn mực chung và chuẩn mực cụ thể. Nguyên tắc chung là những chuẩn mực mang tính chất chỉ đạo, định hướng. Các chuẩn mực chung để điều chỉnh hoạt động của cơ quan, tổ chức và hành vi của mọi cán bộ, công chức, viên chức như chuẩn mực trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, với nhân dân… Chuẩn mực cụ thể hướng tới nhóm cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức gắn với những đặc điểm về nghề nghiệp của họ.

Hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ là việc nhà nước sử dụng các quy phạm pháp luật quy định các nguyên tắc, cách ứng xử, các chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong quá trình thực thi công vụ nhằm đạt được hiệu quả của hoạt động công vụ(2).

2. Thực trạng về thể chế văn hóa công vụ tại các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

Xây dựng và ban hành quy chế liên quan đến văn hóa công vụ ở các trường đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) CBCCVC phải thực hiện theo tinh thần của Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.

Đề án này quy định, CBCCVC nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong khi làm việc phải tuân thủ: Tinh thần, thái độ làm việc; Chuẩn mực giao tiếp ứng xử; Chuẩn mực về đạo đức, lối sống; Trang phục(3).Đây là căn cứ pháp lý mang tính chất “định khung”, giúp các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và cơ sở ĐTBD CBCC nói riêng triển khai xây dựng các quy chế văn hóa công vụ riêng cho từng cơ quan, đơn vị mình.

Để thực hiện tốt Đề án này, thì việc xây dựng quy chế liên quan đến văn hóa công vụ của các trường ĐTBD CBCC và ban hành các văn bản liên quan để điều chỉnh và hướng tới một nền công vụ phù hợp với những bối cảnh mới là rất cần thiết. Hiện nay, các bộ thường đưa ra các quy chế riêng liên quan đến văn hóa công vụ cho CBCCVC, như quy chế văn hóa công sở, quy chế làm việc, quy tắc ứng xử hay các chuẩn mực giao tiếp.

Qua khảo sát tại 07 trường ĐTBD CBCC thuộc các bộ (gồm Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao, du lịch, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Trường ĐTBD cán bộ tài nguyên môi trường, Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải, Học viện Quản lý giáo dục, Học viện Tư pháp), đã có kết quả như sau:

Theo kết quả khảo sát, về xây dựng và ban hành quy chế liên quan đến văn hóa công vụ: có 80,4% số viên chức quản lý (VCQL) được hỏi trả lời đơn vị đã xây dựng quy chế liên quan đến văn hóa công vụ; 15,3% trảlời nhà trường đã xây dựng quy chế và đã sửa đổi; 4,3% trảlời nhà trường chưa xây dựng.Trong đó, năm 2006 đã có nhà trường ban hành quy chế văn hóa công vụ và trường mới ban hành nhất là vào tháng 12-2020.

Kết quả khảo sát viên chức, giảng viên (VCGV), có 69% ý kiến cho biết nhà trường đã xây dựng và ban hành quy chế liên quan đến đến văn hóa công vụ; 9% cho biết nhà trường đã xây dựng quy chế liên quan đến văn hóa công vụ và đã có sửa đổi và 22% cho biết là chưa xây dựng quy chế liên quan đến văn hóa công vụ.

Kết quả khảo sát VCGV có khác với ý kiến của VCQL, điều đó chứng tỏ việc tuyên truyền, phổ biến về các quy chế này chưa được sâu rộng.

Qua khảo sát, ý kiến của VCGV ở các trường, đặc biệt là những nơi chưa ban hành hoặc chưa xây dựng quy chế liên quan văn hóa công vụ đều có ý kiến chung là cần phải xây dựng và ban hành quy chế riêng về văn hóa công vụ, bởi nó thể hiện nhận thức đúng đắn của nhà trường về tầm quan trọng của văn hóa công vụ; văn hóa công vụ là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của trường ĐTBD CBCC. Qua đó, hình thành những thói quen tích cực cho đội ngũ VCGV, chính đội ngũ VCGV lại trở thành tấm gương sáng cho đội ngũ CBCC noi theo, góp phần xây dựng nền hành chính thực sự vững mạnh.

Như vậy, việc hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ tiến bộ, văn minh, hiện đại sẽ góp phần tạo nên nền nếp làm việc khoa học, có kỷ cương, dân chủ; tạo được tinh thần đoàn kết và khắc phục bệnh thành tích, quan liêu, cửa quyền. Môi trường văn hóa công vụ tốt đẹp sẽ tạo được niềm tin của VCGV với nhà trường, với người học, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ĐTBD. Tính tự giác của VCGV trong công việc sẽ đưa nhà trường phát triển.

Qua khảo sát cho thấy, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án Văn hóa công vụ (năm 2018) đến năm 2023, mặc dù các trường ĐTBD cán bộ chưa xây dựng quy chế riêng về văn hóa công vụ mà chỉ tuân thủ theo quy chế do bộ ban hành. Tuy nhiên, các trường ĐTBD cán bộ thuộc các bộ phần lớn đã xây dựng được quy chế liên quan đến văn hóa công vụ (quy tắc ứng xử, chuẩn mực giao tiếp, quy chế làm việc…) góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ĐTBD.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường chưa xây dựng được quy chế liên quan đến văn hóa công vụ. Đây là yếu điểm cần được lưu ý, Chính phủ và các ban, bộ, ngành cần có biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và tạo hành lang pháp lý khuyến khích các trường ĐTBD CBCC xây dựng riêng quy chế văn hóa công vụ cho cơ quan mình. Có như vậy, mới bảo đảm nguyên tắc tuân thủ pháp luật, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả ĐTBD trong nền công vụ có nhiều chuyển biến như hiện nay.

Khảo sát sự đánh giá của đội ngũ VCGV về việc thực hiện quy chế liên quan đến văn hóa công vụ tại các trường đã ban hành quy chế liên quan đến văn hóa công vụ cho thấy:

Có 56,8% VCGV đánh giá là thực hiện theo đúng quy chế; 27,2% cho rằng thực hiện đúng một phần quy chế và 16% ý kiến đánh giá là chưa thực hiện theo quy chế.

Qua phỏng vấn cho thấy VCQL đánh giá cao việc tuân thủ quy định về việc mặc đồng phục, trang phục quy định của cơ quan, giờ làm việc của các VCGV. Cũng qua trao đổi, một số VCGV cho biết: Có VCGV chưa thực hiện nghiêm quy chế của trường là do VCQL chưa gương mẫu thực hiện, chưa thực sự sát sao trong việc kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ nội quy, quy chế; chưa có hình thức xử phạt nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy chế.

Như vậy, tại các nhà trường đã xây dựng, ban hành quy chế liên quan đến văn hóa công vụ nhưng VCGV chưa chú trọng thực hiện.

Nguyên nhân chủ yếu là chưa quan tâm tuyên truyền; VCQL chưa gương mẫu thực hiện và giám sát chặt chẽ. Chưa có hình thức khen thưởng đối với những VCGV thực hiện nghiêm quy chế, trách nhiệm cao trong công việc; xử lý những VCGV không thực hiện quy chế.

3. Giải pháp hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ tại các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

Thứ nhất, xây dựng hệ tiêu chí văn hóa công vụ trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trên những cơ sở cơ bản sau:

Một là, trên cơ sở đặc điểm của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

Mỗi loại hình hoạt động nghề nghiệp có một đặc điểm riêng. ĐTBD là một hoạt động nghề nghiệp đặc thù của viên chức giảng viên nên có những đặc trưng riêng. Những đặc điểm ĐTBD sẽ chi phối việc xây dựng tiêu chí đánh giá văn hóa công vụ tại các cơ sở ĐTBD CBCC.

Hoạt động ĐTBD trong các trường này có những đặc điểm cơ bản là: (1) là công việc cung cấp dịch vụ công; (2) đối tượng ĐTBD là đội ngũ CBCC hoạt động trong nền công vụ; (3) sử dụng chương trình, mô hình và phương pháp ĐTBD đặc thù; (4) chủ thể thực hiện là đội ngũ VCGV; (5) được thực hiện theo quy định của pháp luật; (6) là hoạt động mang tính thường xuyên, liên tục; (7) đây là hoạt động mang tính chuyên môn hóa cao.

Hai là, trên cơ sở tổng hòa những giá trị cốt lõi của nền công vụ và của môi trường sư phạm

Văn hóa công vụ về bản chất là những giá trị, do đó, để đánh giá văn hóa công vụ cần dựa trên cơ sở quan trọng đó là các giá trị cốt lõi của công vụ. Trong hệ thống công vụ, những giá trị cốt lõi của văn hóa công vụ tại các trường ĐTBD CBCC thuộc các bộ cần hình thành hệ thống các giá trị dựa trên các tiêu chuẩn, cụ thể: (1) Chuyên nghiệp; (2) Trách nhiệm; (3) Trung thực, khách quan; (4) Minh bạch; (5) Liêm chính; (6) Hiệu quả; (7) Tinh thần phục vụ.

Các tiêu chuẩn phải được xây dựng trên cơ sở các tiêu chí cụ thể thông qua thái độ, hành vi ứng xử và chất lượng sản phẩm của hành vi công vụ. Do vậy, hệ tiêu chí văn hóa công vụ là một trong những phương thức thể hiện giá trị cốt lõi của văn hóa công vụ.

Bên cạnh việc xây dựng hệ tiêu chí văn hóa công vụ trên cơ sở hoạt động công vụ, một đặc thù quan trọng trong văn hóa công vụ tại trường này là phải gắn liền với hoạt động sư phạm bao gồm: (1) Tính mô phạm (2) Sự đổi mới, sáng tạo (3) Hướng vào con người (4) Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Nhà trường cần ban hành những văn bản xác lập hệ thống các tiêu chí trên, tạo cơ sở pháp lý giúp cho việc xây dựng và phát triển văn hóa công vụcó hiệu quả.

Thứ hai, hệ thống hóa thể chế về văn hóa công vụ. Hệ thống hóa các quy định của pháp luật về chế độ công vụ, văn hóa công vụ, bao gồm hai loại hoạt động: Một là, hệ thống hóa tất cả các văn bản pháp luật về công vụ, văn hóa công vụ và VCGV đánh giá tính thống nhất, đồng bộ, hợp lý của hệ thống thể chế, loại trừ những mâu thuẫn, chồng chéo của các thể chế; bãi bỏ những văn bản, những quy định không còn phù hợp. Hai là, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về công vụ, văn hóa công vụ và VCGV, tiến tới ban hành Luật Công vụ.

Hạn chế lớn nhất trong lĩnh vực pháp luật này là những nguyên tắc trong hoạt động công vụ của viên chức chưa được quy định thống nhất trong một văn bản quy phạm pháp luật mang tính pháp điển, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất những trường hợp viên chức hoạt động trong các lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù như hoạt động ĐTBD.

Hiện nay chưa có Luật Công vụ, mà chỉ có Luật Viên chức; những quy định quản lý nguồn nhân lực trong các cơ quan nhà nước cũng rất tản mạn, thường được quy định trong các văn bản dưới luật, quy định của các cơ quan nhà nước, hay các văn bản của Đảng, dẫn đến thiếu đồng bộ, thống nhất.

Thứ ba, xây dựng cam kết thực hiện văn hóa công vụ. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử, hiến chương nghề nghiệp là một yêu cầu có tính cấp thiết để nâng cao văn hóa công vụ. Điều này có thể được thực hiện bằng một việc làm cụ thể, tiên tiến và mới mẻ, đó là những cam kết phục vụ người học. Các cam kết này đưa ra các quy định công khai và rõ ràng về tiêu chuẩn và nghĩa vụ cung cấp dịch vụ ĐTBD của nhà trường, các quyền của người học trong thụ hưởng dịch vụ.

Để bản cam kết có tính khả thi, cần kèm theo các hướng dẫn, giải thích cụ thể các nguyên tắc, tiêu chuẩn và thủ tục khiếu nại, bồi thường, cũng như tên, địa chỉ của nhà trường và viên chức cần liên hệ. Đồng thời, cần có ban giám sát đủ thẩm quyền để xử lý các vi phạm cam kết.

Cam kết cung cấp dịch vụ ĐTBD với chất lượng tốt nhất không chỉ bó hẹp trong phạm vi cung cấp dịch vụ cho bản thân CBCC hay tổ chức có nhu cầu về ĐTBD, mà là cam kết phục vụ chung cho lợi ích cộng đồng, lợi ích phát triển nền công vụ một cách tốt nhất. Thế nên, sự phục vụ tốt làm hài lòng cho một cá nhân phải đồng nghĩa với việc sự phục vụ đó bảo đảm phục vụ lợi ích chung cho nền công vụ và cho cả xã hội.

Bản cam kết về chất lượng ĐTBD là sự tự ý thức, chủ động của nhà trường. Đây là cách tốt nhất để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ học viên, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ĐTBD. Khi đề cao tính trách nhiệm, bản thân các cơ sở ĐTBD cũng như VCGV sẽ ý thức sâu sắc và định hướng chuẩn cho hành vi của mình trong quá trình cung ứng dịch vụ, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật. Vì đó, hoạt động ĐTBD đạt chất lượng tốt và hiệu quả cung ứng dịch vụ được tăng cường.

Thứ tư, xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử của VCGV trong hoạt động ĐTBD là yêu cầu bắt buộc, góp phần bảo đảm hành vi công vụ thể hiện được giá trị cốt lõi của văn hóa công vụ.

Bộ quy tắc ứng xử trong quá trình ĐTBD là quy định và là cam kết giữa chủ thể thực thi công vụ và người học. Do vậy, cần phải bảo đảm các yêu cầu sau khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong các hoạt động ĐTBD:

Một là, bộ quy tắc ứng xử của VCGV trong hoạt động ĐTBD phải được xây dựng chặt chẽ; bảo đảm những yêu cầu tối thiểu trong thái độ công vụ, hành vi công vụ để góp phần nâng cao hiệu quả và sự hài lòng của người học; đồng thời có cơ chế bảo đảm trách nhiệm của các chủ thể công vụ.

Hai là, phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung cho đội ngũ VCGV trong hệ thống các trường ĐTBD CBCC thuộc các bộ.

Ba là, bộ quy tắc ứng xử phải thể hiện được rõ nét mục đích của hoạt động ĐTBD, giá trị cốt lõi của văn hóa công vụ thông qua việc quy định những giá trị chuẩn mực về thái độ làm việc, đạo đức công vụ và trách nhiệm công vụ của VCGV.

Bốn là, bộ quy tắc ứng xử cần quy định cơ chế giám sát, đánh giá sự tuân thủ giá trị cốt lõi của văn hóa công vụ của thái độ làm việc, đạo đức công vụ.

Năm là, bộ quy tắc ứng xử phải phản ánh giá trị cốt lõi của văn hóa công vụ đậm đà bản sắc dân tộc nhưng phải hội nhập với các giá trị văn hóa công vụ các nước trên thế giới.

Thứ năm, xây dựng hệ thống chuẩn mực của văn hóa công vụ. Hệ thống các giá trị chuẩn mực của văn hóa công vụ tại các cơ sở ĐTBD CBCC thuộc các bộ được xây dựng trên cơ sở đặc điểm của hoạt động ĐTBD và những giá trị cốt lõi của công vụ. Hoạt động công vụ ở đây là hoạt động ĐTBD được thực thi bởi đội ngũ VCGV nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ chủ quản, phục vụ lợi ích người học, lợi ích của nền công vụ trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ CBCC.

Do vậy, hoạt động ĐTBD có những đặc điểm, đặc thù riêng so với các hoạt động công vụ khác. Điều đó đã góp phần tạo nên những giá trị chuẩn mực của văn hoá công vụ riêng biệt tại các trường ĐTBD CBCC. Chẳng hạn do có tính trách nhiệm trong văn hóa công vụ phải có những giá trị chuẩn mực của văn hóa quản lý, những giá trị chuẩn mực về đạo đức công vụ để hình thành cơ chế kiểm soát nội bộ giữa các chủ thể của hoạt động công vụ. Mặt khác, hoạt động ĐTBD có mục tiêu phục vụ, thực hiện dịch vụ công nên chi phối đến những giá trị nhân văn, hướng đến con người trong hoạt động ĐTBD.

Thứ sáu, hoàn thiện quy trình, thủ tục giải quyết công việc và nội quy, quy chế. Một trong những yếu tố có ảnh hưởng chi phối đến hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ tại các cơ sở ĐTBD CBCC thuộc các bộ đó là yếu tố cơ chế, chính sách áp dụng đối với tổ chức, trong đó có quy trình và thủ tục làm việc và nội quy, quy chế của nhà trường. Đó chính là những quy định về trình tự, các bước giải quyết công việc và cách thức, thể lệ thực hiện từng bước đó như thế nào trong nhà trường.

Việc hoàn thiện quy trình, thủ tục làm việc, trong đó có hoàn thiện các nội quy, quy định, quy chế làm việc là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa công vụ tại các cơ sở ĐTBD CBCC đạt hiệu quả. Thực hiện giải pháp này nhằm tạo ra nền nếp làm việc khoa học, văn minh, lịch sự và tạo ra sự đơn giản, công khai, minh bạch, thuận tiện trong giải quyết các công việc. Qua đó tạo ra tâm lý thoải mái, tin cậy cho các thành viên trong nhà trường và các đối tác bên ngoài đến giao dịch, làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động ĐTBD và uy tín, thương hiệu của các trường.

4. Kết luận

Như vậy, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ chủ quản về xây dựng văn hóa công vụ, đa số các trường ĐTBD CBCC được khảo sát đã triển khai xây dựng và ban hành quy chế liên quan đến văn hóa công vụ. Điều đó cho thấy công tác chỉ đạo của các bộ về triển khai xây dựng văn hóa công vụ đã có hiệu quả.

Tuy vậy, kết quả khảo sát cũng cho thấy việc triển khai giám sát việc thực hiện chưa kiên quyết, chưa sâu sát; một số VCQL chưa thực hiện có hiệu quả sự chỉ đạo. Vì vậy, công tác chỉ đạo cần được quan tâm hơn, công tác kiểm tra giám sát cần thường xuyên, chú trọng sơ kết, tổng kết để làm rõ nguyên nhân để giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn, thực hiện có kết quả, thực chất.

Xây dựng và thực hiện các quy chế liên quan đến văn hóa công vụ, với những tiêu chuẩn về giao tiếp, ứng xử, ngôn ngữ, tác phong được “luật hóa” sẽ là điều kiện bảo đảm văn hoá công vụ của viên chức, giảng viên trong quá trình thực thi công vụ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Đại đa số VCGV đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ. Đây là một thuận lợi cho việc xây dựng, ban hành và triển khai các quy định liên quan nội dung văn hóa công vụ ở các trường ĐTBD CBCC trong thời gian tới.

_________________

Ngày nhận bài: 15-01-2024; Ngày bình duyệt: 16-01-2024; Ngày duyệt đăng: 17-01-2024.

(1) Nguyễn Thị Vân Hà: Một số vấn đề về thể chế văn hóa công vụ ở Việt Nam, Tạp chí Tổ chức nhà nước online, đăng ngày 12-10-2020

(2) Nguyễn Minh Phương: Giáo trình Công vụ Công chức, Nxb Giao thông vận tải, Hà Nội, 2020.

(3) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ