Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới sự phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam

04/03/2024 16:50

TS NGUYỄN THỊ TUYẾT
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS PHẠM QUỲNH TRANG
Học viện Chính trị khu vực I

(LLCT) - Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và tác động đến tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam, mục tiêu phát triển công nghiệp ở nước ta đã và đang có những tác động không nhỏ đến giai cấp công nhân. Bài viết phân tích những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới sự phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dây chuyền lắp ráp ô tô tại nhà máy của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) trong Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam_Ảnh: TTXVN

1. Đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có một số đặc trưng cơ bản sau:

Một là, đây là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin, internet và sự hội tụ của tất cả các công nghệ vật lý, hóa học, sinh học

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến một xã hội thông tin dựa trên nền tảng công nghệ số, cốt lõi là phần cứng, phần mềm và mạng máy tính. Cuộc cách mạng này là sự phát triển đột phá so với Cách mạng công nghệ lần thứ ba vì có độ phức tạp và tích hợp cao, do đó, làm thay đổi toàn bộ nền sản xuất công nghiệp toàn cầu. Quan trọng hơn, từ việc thay đổi cơ cấu, tính chất của sản xuất dẫn đến những thay đổi bước ngoặt trong đời sống xã hội. Một khảo sát được thực hiện bởi 170 nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo đã chỉ ra, đến năm 2040 trí tuệ nhân tạo sẽ đạt mức tương đương với trí tuệ con người là 50%, đến năm 2075 là 90%(1).

Hai là, xuất hiện các xu hướng công nghệ lớn

Đó là, vật chất (với bốn biểu hiện là xe tự hành, công nghệ in 3D, rô bốt tiên tiến và vật liệu mới); Kỹ thuật số (với internet kết nối vạn vật); Sinh học (công nghệ gen, sinh học tổng hợp…). Ba xu hướng công nghệ lớn đó không tồn tại và phát triển đơn lẻ, mà hỗ trợ nhau, tạo nên sợi dây liên kết giữa thế giới thực và ảo, giữa thế giới số và thế giới con người.

Từ những phát minh, sáng chế mới nhất về khoa học, công nghệ làm cho các ngành công nghiệp trở nên đa dạng hơn và đòi hỏi người lao động phải sáng tạo, nhạy bén hơn. Nhiều ngành nghề mới ra đời như: ngành sản xuất ô tô tự lái, ngành sản xuất rô bốt, ngành sản xuất máy in 3D,… xuất hiện các ngành bảo mật dữ liệu lớn, bảo vệ an ninh mạng…

Ba là, phạm vi và tốc độ phát triển rộng lớn

Về phạm vi, đây sẽ là cuộc cách mạng có phạm vi rộng lớn nhất trong lịch sử, bao hàm rất nhiều các công nghệ đến từ nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ diễn ra ở một vài nước công nghiệp phát triển trên thế giới, mà trong xu thế hòa bình, hội nhập quốc tế hiện nay, cuộc cách mạng này đang tác động đến tất cả các quốc gia - dân tộc. Nếu như hơn “… 17% thế giới chưa được hưởng thành quả từ Cách mạng công nghiệp lần thứ hai, khi gần 1,3 tỷ người chưa được tiếp cận điện lưới. Tình trạng với Cách mạng công nghiệp lần thứ ba cũng vậy, khi có hơn một nửa dân số thế giới, tức là 4 tỷ người, phần lớn ở các nước đang phát triển, chưa được sử dụng internet. Chiếc cọc xe sợi (biểu trưng của Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất) phải mất gần 120 năm để phổ biến khắp châu Âu. Ngược lại, trong chưa đầy một thập niên, internet đã lan khắp toàn cầu”(2).

Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn được dự đoán sẽ là cuộc cách mạng có tốc độ lan truyền nhanh chóng. Có nhiều tiêu chí để đo tốc độ lan truyền của công nghệ, tuy nhiên tiêu chí chủ yếu được một số chuyên gia sử dụng, độ xác thực tương tối cao là dựa vào thời gian một công nghệ đi từ phòng thí nghiệm ra đến thực tiễn. Cụ thể hơn, đó là thời gian mà một sản phẩm công nghệ sau khi ra đời đạt ngưỡng 50 triệu người sử dụng. “Theo tiêu chí này, tốc độ lan truyền công nghệ tăng mạnh trong giai đoạn gần đây: nếu như trước đây để đạt được con số 50 triệu người sử dụng, radio cần 38 năm, Ti vi cần 13 năm, internet chỉ cần 4 năm và Facebook chỉ cần 3,5 năm”(3). Như vậy, thời gian đạt ngưỡng tiêu chí của các công nghệ mới đã ngày càng được rút ngắn. Điều này cho thấy tốc độ lan truyền chóng mặt của công nghệ, đây chính là môi trường tốt nhất để Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đạt đến đỉnh cao.

Bốn là, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như dự đoán sẽ làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế thế giới và tạo nên một phương thức sản xuất mới, đó là nền kinh tế số, kinh tế tri thức

Kinh tế số là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số mà nền tảng là internet và những công nghệ mới nhất hiện nay. Nền kinh tế này bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: nông nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải...

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tất cả các nước trên thế giới đang hướng đến nền kinh tế số để vận hành thành phố thông minh, các khu công nghiệp thông minh, nông nghiệp chất lượng cao, dịch vụ mua bán, quảng cáo thông qua internet và mạng xã hội, dịch vụ quản lý nguồn hàng và chất lượng hàng hóa... và để chuyển đổi số nhanh chóng. Xây dựng nền kinh tế số, mục tiêu mà tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới đang hướng đến chính là một nền kinh tế tri thức.

Các quốc gia trên thế giới muốn phát triển và đưa nền kinh tế đất nước đi lên đều hướng đến kinh tế tri thức. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ngày càng nhanh và mạnh ở nhiều nước trên thế giới, sự phát triển của khoa học, công nghệ như vũ bão đang tạo điều kiện thuận lợi để tối ưu hóa các quy trình sản xuất, giải quyết các vấn đề đặt ra cho sự phát triển.

2. Sự tác động đa chiều của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến giai cấp công nhân Việt Nam

Với mục tiêu đặt ra tại Đại hội XIII của Đảng là năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN cùng những biểu hiện, đặc trưng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động trực tiếp đến giai cấp công nhân Việt Nam theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực:

Tác động tích cực

Một là, số lượng công nhân lao động vẫn tăng lên

Trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một số công nghệ phát triển vượt bậc như: IoT, big data, AI… dẫn đến việc hình thành các ngành nghề mới liên quan trực tiếp đến những công nghệ này như: nhân viên phát triển ứng dụng, kỹ sư trí tuệ nhân tạo, kỹ sư chế tạo rô bốt, kỹ sư viết phần mềm ứng dụng… một số ngành công nghiệp tập trung nhiều công nhân lao động giản đơn, công nhân “cổ cồn xanh” được dự báo có nguy cơ biến mất.

Tuy nhiên, như C.Mác đã khẳng định: “Mặc dù máy móc nhất định sẽ sa thải công nhân ra khỏi những ngành lao động trong đó máy móc được sử dụng, nhưng nó lại có thể tạo thêm công ăn việc làm trong những ngành lao động khác”, vì “sản xuất bằng máy móc mà càng được mở rộng trong một ngành công nghiệp thì sản xuất cũng sẽ tăng lên trước hết là ở những ngành khác, cung cấp tư liệu sản xuất cho những ngành công nghiệp đó”(4). Chính vì thế, nhu cầu về lao động không bao giờ hết, những ngành nghề cũ mất đi sẽ được thay thế bởi những ngành nghề mới.

Tại Việt Nam, nhân lực tham gia vào thị trường lao động hằng năm đều tăng “Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của nước ta khá dồi dào, năm 2018 là 55,4 triệu người”(5). Tổng số công nhân, lao động làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta tính đến cuối năm 2014 là 12.048.800 người, năm 2015 là 12.856.900, năm 2016 là 14.012.300 và năm 2017 là 14.512.200 người. Đến đầu năm 2018, số lượng công nhân nước ta là 14.88 triệu người, chiếm khoảng 13% dân số và hơn 24% lực lượng lao động xã hội(6). “Năm 2023, tổng số lao động làm công hưởng lương trong các loại hình doanh nghiệp có khoảng 24,5 triệu người, trong đó công nhân, lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%, chiếm tỷ lệ khoảng 14% số dân và 27% lực lượng lao động xã hội”(7).

Như vậy, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, số lượng công nhân Việt Nam không ngừng tăng lên. Quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế tri thức đang tạo nhiều công ăn việc làm mới cho công nhân, những công việc chủ yếu xuất phát từ các công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hai là, cơ cấu giai cấp công nhân Việt Nam có sự chuyển dịch từ công nhân lao động giản đơn sang công nhân trí thức

Về cơ cấu theo thành phần kinh tế: cùng với quá trình đổi mới và xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng, đa dạng về cơ cấu và ở các loại hình doanh nghiệp. Hiện nay, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ đã và đang tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam cũng như mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có giai cấp công nhân Việt Nam.

Với chủ trương chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ… để chủ động nắm bắt cuộc cách mạng này, tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh, đội ngũ công nhân ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng tăng lên.

Nền kinh tế số, công nghệ số đang tạo điều kiện cho những tài năng trẻ khởi nghiệp sáng tạo trong các loại hình kinh doanh khác nhau, dựa trên những công nghệ mới, làm xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân. Các công ty khởi nghiệp thành công chủ yếu tập trung trong lĩnh vực in ấn, thiết kế trực tuyến, kinh doanh trực tiếp thông qua internet, mạng xã hội… tạo nên nền kinh tế năng động, sáng tạo và đòi hỏi đội ngũ công nhân trí thức phát triển.

Về cơ cấu ngành nghề: nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, cơ cấu kinh tế Việt Nam chuyển đổi theo hướng ưu tiên các ngành có hàm lượng tri thức, áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, hướng đến nền kinh tế số, công nghệ số và kinh tế tri thức.

Ở các công ty công nghệ lớn như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel Group); Công ty cổ phần FPT; Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam (Vnpay)… những công nghệ mới nhất đang được các công nhân “cổ cồn trắng” nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm ứng dụng cao. Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Việt Nam cũng đã đạt được những thành công nhất định, với sự xuất hiện của nhiều trung tâm và công ty lớn chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này như: Trung tâm nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty MobiFone...

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã có thể tiết kiệm chi phí thuê công nhân làm các công việc như: chăm sóc khách hàng, tìm kiếm thông tin hay quản lý lao động... Bên cạnh AI, ứng dụng blockchain cũng đang được các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng để tạo chuỗi quản lý khép kín, tăng độ tin cậy của người dùng đối với doanh nghiệp. Người dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm dựa trên việc ứng dụng công nghệ này.

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông đồng bộ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thị trường, phát triển lành mạnh. Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động rất hiệu quả thông qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo,... để làm việc, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

Những vấn đề này đang tác động trực tiếp đến giai cấp công nhân Việt Nam. Trước yêu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tế tri thức, cơ cấu giai cấp công nhân cũng sẽ thay đổi.

Trong tổng số 51,1 triệu lao động có việc làm quý I năm 2023, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,0%, tương đương gần 20 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,9%, tương đương 17,3 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 27,1%, tương đương 13,8 triệu người.

Sự chuyển dịch từ những ngành công nghiệp truyền thống như công nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, gia công hàng tiêu dùng… sang những ngành công nghiệp công nghệ cao cho thấy nhu cầu về công nhân trí thức, thành thạo các kỹ năng đang có xu hướng gia tăng, ngược lại nhu cầu về lao động thủ công, truyền thống giảm.

Vì vậy, bên cạnh đội ngũ công nhân truyền thống đã xuất hiện đội ngũ công nhân trong các ngành nghề mới. Trong đó, đa phần là lớp công nhân trẻ, có trình độ học vấn, có khả năng tiếp thu công nghệ hiện đại hoặc thành thạo về công nghệ

Cơ cấu công nhân theo giới: khi khoa học công nghệ phát triển, các ngành nghề chứa hàm lượng tri thức cao ra đời, điều này tác động trực tiếp đến cơ cấu công nhân theo giới. Khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, người công nhân chủ yếu vận hành máy móc trong dây truyền công nghiệp, đòi hỏi phải có sức khỏe trước tiên, khiến nhiều công nhân nữ không có cơ hội kiếm được việc làm. Nhưng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo điều kiện bình đẳng giới trong công việc được thiết lập, do sự phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ mới như: nhà hàng, khách sạn, ngân hàng,...

Bên cạnh đội ngũ công nhân truyền thống đã xuất hiện đội ngũ công nhân trong các ngành nghề mới. Trong đó, đa phần là lớp công nhân trẻ, có trình độ học vấn, có khả năng tiếp thu công nghệ hiện đại hoặc thành thạo về công nghệ

Số liệu thống kê quý I năm 2023 cho thấy, so với quý trước, lực lượng lao động ở khu vực thành thị tăng 121 nghìn người; trong khi đó khu vực nông thôn giảm 32,3 nghìn người(8).

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Các mạng công nghiệp lần thứ tư”, đề ra mục tiêu “hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới” thì các vùng này trong tương lai sẽ là vùng có nhiều việc làm mới gắn với sự phát triển của khoa học, công nghệ và thu hút được đông đảo đội ngũ công nhân công nghệ cao, công nhân trí thức.

Ba là, chất lượng giai cấp công nhân Việt Nam tăng lên để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra các yêu cầu mà giai cấp công nhân, lao động trên thế giới muốn nắm bắt được cơ hội có được việc làm tốt hơn, nhiều lựa chọn hơn, và nâng cao chất lượng cuộc sống thì phải chuẩn bị đầy đủ cho mình những kiến thức, kỹ năng cần có, đồng nghĩa với việc tiệm tiến đến việc nâng cao chất lượng giai cấp mình.

Để phát huy tính sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo, xây dựng văn hóa doanh nghiệp… đòi hỏi mỗi người công nhân lao động phải tự nâng cao tay nghề, học vấn, trình độ chuyên môn và trau dồi các kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc. Rõ ràng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra cho giai cấp công nhân mỗi nước cơ hội được học tập, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, kỹ thuật.

Bốn là, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến phẩm chất chính trị, lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân

Với những yêu cầu, đòi hỏi về trình độ tay nghề, về kỹ năng công việc… mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra, đã làm phát triển đội ngũ công nhân công nghệ cao, công nhân trí thức. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang đến cho đội ngũ công nhân cơ hội việc làm tốt với thu nhập cao, và một cuộc sống ổn định. Đây là điều kiện để công nhân một mặt nâng cao tri thức của mình và có bản lĩnh tư tưởng, lập trường chính trị giai cấp vững vàng hơn.

Tác động tiêu cực

Một là, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức đang tác động làm biến đổi cơ cấu giai cấp công nhân Việt Nam

Về cơ cấu ngành nghề: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với sự phát triển của kinh tế tri thức đang và sẽ tác động, dẫn đến sự chuyển dịch từ những ngành công nghiệp truyền thống như công nghiệp dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thủ công thủy hải sản, gia công hàng tiêu dùng… sang những ngành công nghiệp công nghệ. Đây là thách thức đối với giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay. Trong tương lai, nhu cầu về công nhân trí thức thành thạo các kỹ năng đang có xu hướng gia tăng, ngược lại lao động thủ công, truyền thống được thay thế bởi máy móc.

Hiện nay, tỷ lệ công nhân lao động trong các ngành lao động chân tay vẫn còn nhiều. Ví dụ, ngành dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế “chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước”(9).

Tuy nhiên, theo thống kê, trên 70% doanh nghiệp trong ngành dệt may có quy mô nhỏ và trung bình, rất khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ mới. 30% doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn đã ứng dụng tự động hóa theo từng công đoạn sản xuất, trong đó dưới 5% có kế hoạch triển khai công nghệ tự động hóa kết nối(10). Đây là một nguy cơ, thách thức lớn đối với đội ngũ công nhân Việt Nam hiện đang lao động trong những ngành này. Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chủ trương của Đảng là chuyển đổi số nhanh, mạnh, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển ứng dụng đầy đủ những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một số ngành như dệt may, da giày có nguy cơ giảm và công nhân hiện đang lao động trong những ngành này nếu như không có chủ trương chuyển dịch sẽ có nguy cơ mất việc làm.

Cơ cấu công nhân theo giới: khi khoa học, công nghệ phát triển, các ngành nghề chứa hàm lượng tri thức cao ra đời, điều này tác động trực tiếp đến cơ cấu công nhân theo giới. Mặc dù cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo điều kiện cho bình đẳng giới trong công việc được thiết lập, nhưng hiện nay, có thể nhìn thấy số lượng công nhân nữ làm việc tập trung trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 68% tổng số công nhân nữ hiện nay, nhưng công việc chủ yếu của họ là nhân viên sản xuất, tức gia công, lao động chân tay đơn thuần. Với hai xu hướng mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tới là: nhà máy chuyển dịch về nơi khoa học công nghệ phát triển và nhà máy sẽ chuyển về nơi gần thị trường tiêu thụ để nắm bắt nhanh nhất có thể thị hiếu của khách hàng… những doanh nghiệp nước ngoài, hiện sử dụng nhiều công nhân nữ trong tương lai, cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng đó. Vậy thì, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đang đặt những nữ công nhân trước những thời cơ, thách thức.

Về cơ cấu công nhân theo vùng: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức đã, đang và sẽ khiến cho nền kinh tế Việt Nam phát triển không đồng đều giữa các vùng, từ đó dẫn đến sự biến đổi cơ cấu công nhân không đồng đều theo từng vùng.

Hai là, về chất lượng giai cấp công nhân Việt Nam

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế tri thức đòi hỏi chất lượng giai cấp công nhân tăng lên, đồng nghĩa với việc mỗi người công nhân, Đảng, Chính phủ cần có kế sách để nâng cao tay nghề và đào tạo công nhân đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Đây là một khó khăn, thách thức mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển kinh tế tri thức tác động đến giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay. Một nghịch lý diễn ra đó là, bộ phận công nhân trí thức đảm nhiệm các công việc mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, dữ liệu lớn… là những lĩnh vực được dự báo là sẽ tạo ra nhiều việc làm hấp dẫn với mức thu nhập cao. Lực lượng công nhân làm những công việc chủ yếu là lao động chân tay, ở những ngành công nghiệp truyền thống không những có nguy cơ mất việc làm, mà thu nhập ngày càng khó khăn và đứng trước những thách thức lớn.

Kết luận

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động, làm cho cơ cấu kinh tế thay đổi dẫn đến sự thay đổi trong cơ cấu giai cấp công nhân. Chất lượng giai cấp công nhân Việt Nam tăng lên, song vẫn còn một bộ phận công nhân chưa qua đào tạo, công nhân truyền thống đang đứng trước nguy cơ mất việc làm, chưa nhận thức được vị trí, vai trò của sự phát triển khoa học, kỹ thuật, vị trí vai trò của giai cấp mình. Với chính sách tạo điều kiện phát triển giai cấp công nhân phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế tri thức, cũng là tạo cơ hội để giai cấp công nhân khẳng định vị trí, vai trò của mình trong lực lượng sản xuất hiện đại, giữ vững bản chất giai cấp.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ còn tạo ra nhiều thay đổi “Những thay đổi sâu sắc đến mức, từ góc độ lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có một thời điểm vừa tràn đầy hứa hẹn vừa tiềm tàng hiểm họa như lúc này”(11). Chính vì thế, tất cả các quốc gia - dân tộc, từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển và kém phát triển đang hướng đến tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng này vào xây dựng và phát triển một nền kinh tế tri thức hiện đại, bền vững.

_________________

Ngày nhận bài: 22-8-2023; Ngày bình duyệt: 19-02-2024; Ngày duyệt đăng: 4- 3-2024.

(1) Nguyễn Văn Bình:Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ban Kinh tế Trung ương, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2017, tr.30.

(2), (11) Klaus Schwab: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2018 tr.23, 14.

(3) Phan Xuân Dũng: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2018,tr.45.

(4) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.632-633.

(5), (6) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2018, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2019, tr.83, 326.

(7) Theo: https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/giai-cap-cong-nhan-viet-nam-va-nhung-dong-gop-vao-su-nghiep-xay-dung-bao-ve-va-phat-trien-dat-nuoc.html, truy cập ngày3-1-2023.

(8) Theo: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/04/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-i-nam-2023/, truy cập ngày3-1-2023.

(9), (10) Theo: https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/nhieu-thach-thuc-cho-nganh-det-may-viet-nam-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4.0.html, truy cập ngày3-1-2023.