Lý luận của chủ nghĩa Mác về công dân toàn cầu và những gợi mở về đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay
TS PHẠM ANH HÙNG
Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
THS TẠ THỊ THU HUYỀN
Đại học Bách khoa Hà Nội
(LLCT) - Công dân toàn cầu là khái niệm ra đời từ quá trình toàn cầu hóa trong thế kỷ XX và XXI. Bài viết tiếp cận từ triết học Mác về con người làm phương pháp luận để phát huy những bản sắc văn hóa của con người Việt Nam hướng tới xây dựng công dân toàn cầu. Cùng với quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn của Việt Nam, công dân toàn cầu trở thành mối quan tâm chung của việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa: IT
1. Mở đầu
“Công dân toàn cầu” đề cập đến những phẩm chất có tính phổ quát của con người ở cấp độ toàn cầu. Hiện nay, với quá trình toàn cầu hóa sâu rộng thì những đòi hỏi về tính toàn cầu của con người ngày càng gia tăng. Thế giới hiện nay dường như đã thu nhỏ lại hoặc là “phẳng hơn” so với những thế kỷ trước. Những con người bình thường đang sống trong thế kỷ XXI có thể tiếp nhận thông tin từ khắp nơi trên thế giới ngay trong ngôi nhà của mình. Tri thức khoa học ngày càng tăng nhanh có tính toàn cầu tạo cho chúng ta ngày càng nhiều những con người “na ná” nhau, gần nhau hơn.
2. Công dân toàn cầu và tiếp cận từ lý luận của chủ nghĩa Mác
Tiếp cận từ triết học Mác: “…bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(1) cho phép phân tích những vấn đề về con người và xã hội theo cả đồng đại và lịch đại. C.Mác cho rằng: “Hoạt động sống của họ như thế nào thì họ là như thế ấy. Do đó họ là như thế nào, điều đó ăn khớp với sản xuất của họ, với cái mà họ sản xuất ra cũng như với cách mà họ sản xuất. Do đó, những cá nhân là thế nào, điều đó phụ thuộc vào những điều kiện vật chất của sản xuất của họ”(2).
Với tư cách là một thực thể có văn hóa - con người có nhiều hoạt động để chứng minh rằng, mình là giống loài vượt quá giới hạn của tự nhiên: những hoạt động của con vật trong giới hạn của các bầy, đàn chỉ hành động một cách bản năng. Con người đã vượt quá hành động bản năng bằng hành động có tổ chức, tuân thủ các quy định của cộng đồng và tuân thủ pháp luật của nhà nước.
Nhận thức, hiểu biết của con người là hữu hạn và có tính lịch sử. Vì vậy, con người vừa phụ thuộc vào chính mình, vừa phụ thuộc vào xã hội, phụ thuộc vào những điều kiện chung của toàn thể nhân loại. Cái mà con người lấy từ xã hội vào thành cái của cá nhân thì con người phải có cách nào đó quay lại để đóng góp và xây dựng xã hội. Mở rộng ra, con người sống trong thời đại của toàn cầu hóa nhận được càng nhiều những giá trị của toàn cầu để phát triển mình thì con người lại cần quay trở lại đóng góp cho nhân loại bằng cách hình thành những chuẩn mực của công dân toàn cầu. Chính Hegel là người đã khái quát quá trình biện chứng này và đáng tiếc là ông đã tuyệt đối hóa nó trở thành phép biện chứng duy tâm. Một công dân có khát vọng toàn cầu (dù đó là người Mỹ, Na Uy, Trung Quốc, hay Việt Nam) thì họ không phải là những người chối bỏ văn hóa, giáo dục, truyền thống của quốc gia, dân tộc mình lại phía sau. Ngược lại, họ học những giá trị, chuẩn mực thế giới làm giàu, làm phong phú thêm cho truyền thống, văn hóa và giáo dục của quốc gia mình và qua đó, họ đóng góp vào tính toàn cầu bằng giá trị truyền thống đã được hiện đại hóa.
Các nhà triết học như Hume, Herder và Kant tập trung lý giải về hiện tượng mỗi con người thường có sở thích khác nhau, tư tưởng mâu thuẫn nhau nhưng con người vẫn duy trì được tình trạng này để tồn tại bên nhau. Các nền văn hóa khác nhau có cách thức khác nhau để duy trì sự tồn tại của các cá nhân trong cấu trúc xã hội của mình. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, từ những nguyên nhân về xã hội, tâm lý, văn hóa, kinh tế, chính tri,… thậm chí là cả điều kiện địa lý. Tuy nhiên, các nhà triết học thường quan tâm đến những vấn đề mang tính phổ quát, cái quy định nên bản chất của xã hội và qua đó định hình những giá trị về đạo đức, văn hóa, hay tư tưởng chính trị của các cộng đồng xã hội.
Con người là sản phẩm và là kết quả quá trình vận động, biến đổi rất lâu dài của tự nhiên. Trong tự nhiên, thế giới vật chất được biểu hiện thông qua thuộc tính vận động và biến đổi, là thuộc tính cố hữu gắn chặt với vật chất. Bằng thế giới quan của một nhà triết học thiên tài, C. Mác nhận thấy rằng, toàn bộ những lực lượng sản xuất, tư bản và “những hình thức xã hội của sự giao tiếp… là cơ sở hiện thực của… “bản chất con người”(3). Những lực lượng sản xuất to lớn mà con người đã tạo ra để thỏa mãn nhu cầu và lợi ích cho sự tồn tại của mình và phát triển xã hội. Sự phát triển vượt bậc mà tư bản đã tạo ra, cũng như những quan hệ xã hội phong phú trong xã hội tư bản đều là kết quả hoạt động của con người ở trong những không gian và thời gian xã hội cụ thể.
Con người chứng minh sự tồn tại của mình thông qua hoạt động. Hoạt động của con người có hai dạng: sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần để tạo ra các sản phẩm vật chất và các sản phẩm tinh thần. Hoạt động đặt con người vào mối liên hệ với tự nhiên và với xã hội. C.Mác viết: “con vật chỉ sản xuất ra bản thân nó, còn con người thì tái sản xuất ra toàn bộ giới tự nhiên”(4). Nhờ có lao động, con người không chỉ tái sản xuất ra chính mình và xã hội mà còn tái sản xuất ra chính tự nhiên “có tính người” - giới tự nhiên đã có bàn tay con người nhân hóa ở trong đó.
Con người cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội, nhân hóa xã hội vào trong tự nhiên và tự nhiên hóa vào trong xã hội… đều có vai trò dẫn dắt, định hướng của những nhân tố: tri thức, niềm tin, nhân cách, văn hóa… được hình thành trong suốt tiến trình lịch sử. Thông qua bộ não, những ký hiệu ngôn ngữ để tư duy và truyền đạt thông tin cho nhau, con người hiện thực hóa nó trong hoạt động của mình để biến đổi tự nhiên và biến đổi xã hội.
Chính C.Mác đã trình bày công thức khá trừu tượng và phức tạp về cách thức mà mỗi cá nhân con người phải chuyển hóa chính mình thành những thuộc tính có tính cộng đồng rộng lớn là toàn cầu và ngược lại, cách thức chuyển hóa những yếu tố toàn cầu thành những thuộc tính cá nhân. Những ký hiệu khoa học có tính thống nhất toàn cầu đã cung cấp cho chúng ta một tư duy mới và là cơ sở để con người trên toàn cầu có nhu cầu, ý chí chung.
“Công dân toàn cầu” là khái niệm xuất hiện từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Những thuộc tính của “công dân toàn cầu” thường được nhắc đến dưới dạng các thuộc tính là “quyền tự nhiên”, “quyền phổ quát”, “giá trị quan toàn cầu” là sự phản ánh những mối quan tâm chung của xã hội con người ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Con người chỉ có thể tồn tại, phát triển chính mình khi phát triển bên trong xã hội của con người, phải đặt trong các mối liên hệ xã hội. Những vấn đề về quyền của con người đều phải đặt trong mối liên hệ nương tựa, ràng buộc và chuyển hóa lẫn nhau về quyền với người khác và với xã hội.
3. Khơi dậy và hình thành những khát vọng của con người, văn hóa Việt Nam trong tính toàn cầu
Hoạt động của con người là hoạt động có ý thức, do vậy, khi hoạt động trong môi trường có tính toàn cầu, con người cần phải chuẩn bị cho mình những phẩm chất ở tầm toàn cầu tương ứng. Bên cạnh đó, để khơi dậy khát vọng văn hóa truyền thống trong con người Việt Nam không mâu thuẫn với quá trình hình thành công dân toàn cầu, cần tìm kiếm các cách thức để văn hóa truyền thống thẩm thấu vào hầu khắp các lĩnh vực, kể cả kinh tế, khoa học - kỹ thuật, dù trong bối cảnh toàn cầu hóa, người ta vẫn nhận thấy trình độ, bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Cách thức phát triển của một quốc gia lệ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể của quốc gia đó. Công thức chung của các quốc gia phát triển là bắt đầu từ con người, trong đó giáo dục là một hợp phần tất yếu. Trong quá trình phát triển, dù cá nhân hay cộng đồng quốc gia, nếu chỉ tập trung khuôn mình vào những giá trị truyền thống, vào việc phát huy mặt tích cực của thói quen cá nhân, tập tục của địa phương mà không tính đến điều kiện, bối cảnh chung của đất nước và xu hướng toàn cầu thì rất dễ dẫn đến lãng phí nguồn lực. Những giá trị văn hóa của một cộng đồng thì rất khó thay đổi do được kết tinh trong suốt tiến trình lịch sử. Tuy nhiên, nếu ôm khư khư truyền thống dân tộc, truyền thống cộng đồng mà không có sự biến đổi, không có môi trường phù hợp để phát huy giá trị truyền thống thì cộng đồng, quốc gia đó khó phát triển.
Từ cách thức phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, ngoài những giá trị truyền thống, thói quen, lối sống, tư duy… thì phải lựa chọn được chiến lược phát triển quốc gia tối ưu để khai thác sức mạnh văn hóa của truyền thống và định vị vị trí của quốc gia trong bản đồ phân công lao động quốc tế. Định vị chiến lược phát triển quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa là quá trình phức tạp, khó khăn vì có nhiều yếu tố khó lường, khó dự đoán. Ngược lại, nếu không đặt quốc gia mình vào những dòng chảy có tính toàn cầu, chúng ta không thể khai thác sức mạnh văn hóa truyền thống, thậm chí còn biến văn hóa trở thành lực cản đối với tiến trình phát triển.
Trong cuốn sách: Tại sao các quốc gia thất bại, Daron Acemoglu và James A. Robinson đã giải đáp những thắc mắc của các chuyên gia qua nhiều thế kỷ là: (1) Vì sao các nước nghèo không phải vì yếu tố địa lý hay văn hóa, hay vì các nhà lãnh đạo đất nước không biết chính sách nào sẽ làm giàu cho dân chúng. (2) Sự thịnh vượng và đói nghèo được quyết định bởi các động cơ khuyến khích hình thành từ các thể chế như thế nào(5). Lựa chọn mục tiêu phát triển, xây dựng hệ thống thể chế để phát huy sức mạnh văn hóa là một việc vô cùng quan trọng đối với việc định hình một quốc gia phát triển.
Immanuel Kant là người đã chỉ ra vai trò của yếu tố có tính nhân loại phổ quát. Con người khi gia nhập vào xã hội họ thể hiện mình là một chủ thể, là một thành viên của các cộng đồng lớn, nhỏ khác nhau. Chủ nghĩa Mác khẳng định, “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”, những văn hóa truyền thống mà có tính cá nhân như tính hẹp hòi, ngoan cố và thành kiến, gia trưởng… trên thực tế rất khó có thể hòa quyện được vào tính toàn cầu. Một sự kém hiểu biết, sự cổ hủ bám lấy những tập quán, thói quen cũ, không cởi mở, không sẵn sàng tiếp nhận cái mới và khác biệt sẽ rất khó để có thể hòa nhập với tính toàn cầu. Những tính cách cố hữu như: hẹp hòi, ích kỷ, tùy tiện, vô tổ chức, vô kỷ luật, dễ bằng lòng… thì rất khó hòa nhập vào tính toàn cầu để trở thành công dân toàn cầu.
Nhiệm vụ giáo dục, đào tạo nói chung, đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học nói riêng ở Việt Nam cần khắc phục những yếu tố tâm lý này. Đặc biệt, các quy chế, quy định về học tập ở các trường đại học cần phải được xây dựng để tạo cho sinh viên cơ hội để loại bỏ được những đặc tính cổ hủ, lạc hậu, không thể tương hợp với tính toàn cầu. Chú trọng xây dựng những đặc tính văn hóa mới phù hợp với yêu cầu chung của nguồn nhân lực trong điều kiện hội nhập quốc tế.
4. Xây dựng công dân toàn cầu trong đào tạo đại học của Việt Nam
Định chế giáo dục và đào tạo tại các trường đại học là vô cùng quan trọng để tạo ra công dân toàn cầu. Lấy định hướng chuẩn đầu ra trong đào tạo đại học gắn với những mục tiêu có tính toàn cầu là điểm then chốt để nâng cao thứ hạng của các trường đại; học ở Việt Nam hiện nay.
Đất nước giàu có, phồn vinh, hạnh phúc là khát vọng của tất cả các quốc gia. Đó là khát vọng mang tính toàn cầu. Trong tiến trình toàn cầu hóa, các quốc gia càng ngày càng phải trở thành những nhân tố đứng cạnh nhau chứ không phải là những quốc gia cạnh tranh không lành mạnh và loại bỏ nhau.
Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn”(6).
Nhìn chung, mặc dù cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm, về cơ bản các nước lớn vẫn vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, song khía cạnh “đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng”(7). Đại hội XIII của Đảng cũng đánh giá rất cụ thể là “Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới”(8).
Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học là đào tạo những con người biết phối hợp, phân công, hợp tác lao động hướng đến các đối tác quốc tế chứ không chỉ gói gọn trong nguồn nhân lực của Việt Nam. Hợp tác nghiên cứu, học tập, chia sẻ tri thức cần phải coi là một khuynh hướng chi phối trong đào tạo bậc đại học ở Việt Nam. Toàn cầu hóa hiện nay đang có khuynh hướng các quốc gia cần thiết phải đứng bên nhau, cần phải chấp nhận sự khác biệt về văn hóa, cơ cấu kinh tế, thể chế và lịch sử. Tuy nhiên, cạnh tranh trong nguồn nhân lực và cạnh tranh giữa các quốc gia vẫn còn nên những đặc tính tâm lý không phù hợp với toàn cầu hóa cần phải được thay đổi và loại bỏ ra khỏi cấu trúc của nguồn nhân lực.
Khát vọng toàn cầu của một cộng đồng không thể có được nếu như nó không xuất phát từ khát vọng của mỗi cá nhân. Thực tế phát triển của các quốc gia cho thấy, cơ chế về dân chủ, tự do chỉ phát huy tác dụng khi nó được xuất phát từ một nền giáo dục được tổ chức tốt. Các mô hình các quốc gia Đông Á cho thấy, khởi đầu của quá trình phát triển là tập trung xây dựng một nhóm các trường đại học để vươn lên tầm cỡ khu vực và thế giới. Khi giáo dục đại học lấy định hướng công dân toàn cầu làm mục tiêu thì càng gia nhập vào thế giới, chính nguồn nhân lực đó lại mang những giá trị văn hóa của chính dân tộc mình đến với thế giới. Văn hóa dân tộc chính là bản căn cước của cá nhân tự chuẩn bị để hội nhập với thế giới. Chính vì vậy, trong cộng đồng công dân toàn cầu, người ta vẫn có thể nhận ra đâu là người Mỹ, người Na Uy, người Trung Quốc hay người Việt Nam.
Ngày nay, ở nhiều trường đại học hiện đại, có nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trực tiếp phục vụ hoạt động của doanh nghiệp. Nguồn nhân lực cũng được các doanh nghiệp chủ động đặt hàng. Doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu khoa học với các trường đại học để ứng dụng cho doanh nghiệp.
5. Kết luận
Môi trường giáo dục đại học gắn liền với hình ảnh đào tạo và rèn luyện mẫu con người lý tưởng cho xây dựng những khát vọng của một quốc gia dân tộc. Là nơi tập hợp những thế hệ tương lai của đất nước với tâm thế rằng họ được lĩnh hội tri thức, họ là cá nhân hiểu được chính bản thân mình và con đường họ sẽ xây dựng chính là họ vượt qua bản thân mình bằng những thứ xã hội cần, trao cho họ và họ phải có trách nhiệm làm nó. Các trường đại học ở Việt Nam phải là nơi giáo dục, rèn luyện sinh viên theo định hướng công dân toàn cầu, định hướng có tính chiến lược dài hạn; là nơi rèn luyện thái độ của sinh viên với khoa học, mong muốn lĩnh hội kiến thức, khát vọng tìm tòi phải theo họ suốt đời. Các trường đại học ở Việt Nam cần chú trọng trong việc đào tạo ra những công dân toàn cầu mang khát vọng về đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
_________________
Ngày nhận bài: 10-11-2023; Ngày bình duyệt: 14-11-2023; Ngày duyệt đăng: 10-3-2024.
(1), (2), (3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.11, 30, 55.
(4) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.42, tr.137.
(5)Xem Daron Acemoglu và James A. Robinson: Tại sao các quốc gia thất bại, Tái bản lần thứ 7, Nxb Trẻ, 2013.
(6), (7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.105, 106, 106.