Xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn theo tư tưởng Hồ Chí Minh
(LLCT) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn là tài sản tinh thần vô cùng quý báu, soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta hướng đến xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững, đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu, góp phần vào thắng lợi chung của công cuộc đổi mới đất nước. Bài viết phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, nội dung, động lực, cách thức xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn, ý nghĩa của những chỉ dẫn của Người đối với xây dựng và phát triển nông thôn nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Cánh đồng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: TTXVN
1. Về vai trò của xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn
Trước hết, xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn nhằm hướng tới mục tiêu giải quyết những vấn đề cơ bản và cần kíp của đời sống kinh tế - xã hội. Đó là cái ăn, mặc, ở, đi lại, học hành cho người dân của một đất nước có hơn 90% dân số là nông dân, vừa giành độc lập dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ đầu tiên là phải phát triển sản xuất để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất của đời sống nhân dân: “Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”(1). Phát triển kinh tế nông thôn nhằm nâng cao đời sống nhân dân lao động, mà đông đảo là nông dân, những người mà trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh đã “bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh”(2).
Thứ hai, xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và xây dựng thành công CNXH. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”(3).
Trong đó, đối với nông thôn, Người nhấn mạnh: “Chỉ có thực hiện cải cách ruộng đất, người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn khỏi ách trói buộc của giai cấp địa chủ phong kiến, mới có thể chấm dứt tình trạng bần cùng và lạc hậu của nông dân, mới có thể phát động mạnh mẽ lực lượng to lớn của nông dân để phát triển sản xuất và đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn”(4).
Quá độ đi lên CNXH là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, trong đó, xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn là bước đầu của sự nghiệp xây dựng CNXH: “Chủ nghĩa xã hội không thể làm mau được mà phải làm dần dần. Ở nông thôn phải có tổ đổi công để tăng gia sản xuất rồi tiến lên hợp tác xã, tiến lên nông trường. Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh... Cho nên lúc đầu là cải cách ruộng đất, sau tiến lên một bước là tổ chức tổ đổi công sao cho tốt, cho khắp, lại tiến lên hình thức hợp tác xã dễ dàng, rồi tiến lên hợp tác xã cao hơn, lúc bấy giờ mới có chủ nghĩa xã hội”(5).
2. Về nội dung xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn
Thứ nhất, xây dựng và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý ở nông thôn
Nhiệm vụ đầu tiên là phát triển toàn diện cơ cấu ngành kinh tế, bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp.
Hồ Chí Minh coi công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế, Người nhấn mạnh, điểm xuất phát của nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, do đó, “con đường no ấm thực sự” của chúng ta tất yếu là công nghiệp hóa để phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Người xác định vai trò của công nghiệp nặng là cơ sở để mở mang các ngành công nghiệp khác và cung cấp máy móc cho nông nghiệp. Công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển được.
Người cũng khẳng định vai trò của nông nghiệp: “Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”(6), “Nước ta là nước nông nghiệp, cho nên hiện nay nông nghiệp là quan trọng nhất. Nâng cao nông nghiệp là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn chính quyền, toàn dân”(7). Song, nông nghiệp chỉ thực sự phát triển khi máy móc được sử dụng một cách rộng rãi. Hồ Chí Minh ví máy móc như chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần, có thể làm được những việc phi thường.
Nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu cung cấp lương thực, thực phẩm và các nguyên liệu bảo đảm nhu cầu cho toàn xã hội, là thị trường tiêu thụ và là cơ sở để phát triển công nghiệp và các ngành kinh tế quốc dân khác: “Nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là một nguồn xuất khẩu quan trọng, nông thôn là thị trường tiêu thụ to nhất hiện nay, cho nên cần phải cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác. Phải cải tạo và phát triển nông nghiệp để tạo điều kiện cho việc công nghiệp hóa nước nhà. Phải có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới có thể phát triển mạnh”(8).
Đồng thời, phải chú trọng thương nghiệp: “Về nhiệm vụ thì phải hiểu rõ trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: Nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt công tác quan hệ mật thiết với nhau. Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp. Thương nghiệp đưa hàng đến nông thôn phục vụ nông dân, thương nghiệp lại đưa nông sản, nguyên liệu cho thành thị tiêu dùng. Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp, không củng cố được công nông liên minh”(9).
Xây dựng kinh tế nông thôn có cơ cấu kinh tế hợp lý, phải phát triển đồng bộ cả nông - lâm - ngư nghiệp. Hồ Chí Minh lưu ý: “Sản xuất phải toàn diện, trồng cây lương thực và cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, phát triển nghề rừng, chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi”(10). Trồng cây gây rừng, phát triển lâm nghiệp còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phủ xanh đất trống đồi trọc, ứng phó với sự thay đổi bất thường của thiên nhiên, phòng chống thiên tai, chống lũ lụt, xói mòn đất... Đẩy mạnh nuôi trồng thủy, hải sản để mang lại lợi ích kinh tế, phục vụ nhu cầu lương thực của nhân dân: “Cần đẩy mạnh nghề đánh cá, nghề làm muối, nuôi dưỡng và bảo vệ các thứ hải sâm, trân châu, v.v..”(11); “Cần đẩy mạnh thả cá để cung cấp thêm thực phẩm bổ sung cho thịt, cải thiện đời sống nhân dân”(12). Nông thôn nước ta phong phú về khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên, thảm động thực vật, rừng, biển, do đó, cần khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên để phát triển kinh tế nông thôn, tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của đất nước.
Thứ hai, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn trên cơ sở phát triển giao thông, xây dựng nhà ở, phát triển các công trình thủy lợi với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm: “đắp đường lớn là do Trung ương phụ trách, Bộ Giao thông chịu trách nhiệm. Nhưng địa phương có thể làm những đường nhỏ. Làng này qua làng khác, thì xã tự động làm. Nhiều xã đã làm tốt. Nên làm cho đồng bào thấy rõ lợi ích của việc làm thêm đường sá, tuyên truyền giải thích cho khéo, thì đồng bào tự làm và làm tốt”(13). Sau khi xây dựng đường sá, kết cấu hạ tầng đã phát triển, cần chú ý xây dựng nhà ở cho nhân dân: “Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng”(14), nhằm chỉnh trang diện mạo nông thôn, tạo khung cảnh tươi đẹp cho nông thôn mới.
Xuất phát từ vai trò, đặc điểm của nền nông nghiệp nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề xây dựng các công trình thủy lợi để phát triển kinh tế nông thôn: “Công tác thủy lợi phải kịp thời để phục vụ phong trào hợp tác hóa, đồng thời phải dựa vào phong trào hợp tác hóa mà làm tốt công tác thủy lợi. Nói đến kinh tế nông thôn trước hết là nói đến vấn đề nước. Ở nông thôn, nước ví như sông mà chủ nghĩa xã hội như thuyền, nước sông lên nhiều thì thuyền đi lại dễ dàng”(15).
Làm thủy lợi không phải là công việc dễ dàng, có thể làm ngay một lúc mà phải kết hợp công trình nhỏ và vừa trước mắt với những công trình lớn, bởi nguồn lực có hạn, cán bộ là người tiên phong, tuyên truyền để nhân dân hiểu ích lợi và tự nguyện phát huy sức dân: “Làm thủy lợi thì phải khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời. Làm thủy lợi cần phải kết hợp công trình lớn với công trình vừa và công trình nhỏ”(16); “Làm đại thủy lợi thì nhà nước phải xuất tiền, nhân dân phải xuất sức. Trung thủy lợi thì nhà nước với nhân dân cùng làm. Tiểu thủy lợi thì do nhân dân làm”(17)...
Thứ ba, xây dựng và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, chú trọng phát triển thành phần kinh tế hợp tác xã
Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến nền kinh tế nhiều thành phần với các hình thức sở hữu đa dạng, bao gồm: kinh tế quốc doanh, có tính chất XHCN; kinh tế hợp tác xã (hợp tác xã tiêu thụ, hợp tác xã cung cấp và các hội đổi công của nông dân) có tính chất nửa XHCN; kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ; kinh tế tư bản của tư nhân; kinh tế tư bản quốc gia(18). Người quan niệm, đi lên CNXH không thể nóng vội, chủ quan duy ý chí, vội vã xóa bỏ các thành phần kinh tế, mà phải hướng các thành phần kinh tế cùng phát triển, tuân theo các quy luật kinh tế trong công cuộc cải tạo và xây dựng CNXH.
Chú trọng phát triển kinh tế hợp tác xã là một cách làm đúng, phù hợp với đặc thù nông thôn nước ta: “Nông thôn ta đất hẹp người đông, kỹ thuật nông nghiệp lạc hậu, năng suất lao động thấp kém. Chỉ riêng việc tổ chức nhau lại, cải tiến kỹ thuật, quản lý cho khéo, thì cũng đã nâng cao được năng suất lao động hơn làm ăn riêng lẻ. Nông dân ta đã hiểu điều đó. Vả lại nông dân ta có truyền thống cách mạng, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, nghe lời kêu gọi của Đảng. Cho nên họ hăng hái vào tổ đổi công và hợp tác xã, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa”(19).
Trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 18-12-1959, Người chỉ rõ: “kinh tế hợp tác xã là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động; Nhà nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ cho nó phát triển. Chúng ta phải phát triển thành phần kinh tế quốc doanh để tạo nền tảng vật chất cho chủ nghĩa xã hội và thúc đẩy việc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Hợp tác hóa nông nghiệp là khâu chính thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc”(20).
Nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Hưng Yên, ngày 16-9-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 9 điều cần phải làm đúng để các hợp tác xã tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, đó là: Phải cần, kiệm, chống tham ô, lãng phí; Sản xuất nông nghiệp phải toàn diện, sản xuất thóc là chính, nhưng phải rất coi trọng hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, thả cá và nghề phụ, phải rất coi trọng tăng năng suất, tăng vụ và khai hoang; Phát triển sản xuất chung của hợp tác xã là chính, nhưng cần chiếu cố đúng mức sản xuất gia đình của xã viên; Phải làm đúng 8 việc: “đủ nước, nhiều phân, cày sâu, cấy dầy, chọn giống tốt, làm cỏ sạch, cải tiến nông cụ và hàng ngày lo diệt chuột, trừ sâu”; Mỗi hợp tác xã chỉ nên có từ 150 đến 200 hộ, không nên quá nhiều, quá nhiều thì khó quản lý; Hợp tác xã cấp cao thì sản xuất và thu nhập phải cao; Quản trị phải dân chủ, công bằng, minh bạch; Cán bộ, đảng viên, đoàn viên và dân quân tự vệ cần phải xung phong, gương mẫu trong mọi công việc; Phải chú ý phát triển công nghiệp địa phương nhằm phục vụ cho nông nghiệp(21).
3. Phát huy các động lực trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn
Thứ nhất, phát huy động lực con người, vai trò chủ thể của nông dân
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn xây dựng CNXH trước hết phải có những con người XHCN, muốn xây dựng và phát triển nông thôn phải có những nông dân có trí tuệ và văn minh. Xây dựng nông thôn mới chính là đổi mới xã hội nông thôn, dựng xây những con người mới bằng cách “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”(22), nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động có cuộc sống ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc.
Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc; trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước: “Đa số dân ta là nông dân. Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân. Nông dân giác ngộ hăng hái thì kháng chiến mới mau thắng lợi, kiến quốc mới chóng thành công, nông dân mới được giải phóng”(23). “Kinh nghiệm của Đảng ta trong quá trình cách mạng đã chỉ rõ là nơi nào, lúc nào cán bộ ta giải quyết tốt lợi ích thiết thân của nông dân, nắm vững nguyên tắc liên minh công nông, thì nơi đó, lúc đó cách mạng đều tiến mạnh”(24).
Chất lượng cuộc sống của người nông dân cũng chính là mục tiêu của xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn: “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng. Muốn đạt mục đích đó thì nhất định phải củng cố và phát triển hợp tác xã cho thật tốt, phải nâng cao không ngừng thu nhập của xã viên”(25).
Trong Di chúc, Người mong muốn Đảng và Chính phủ thực hiện tâm nguyện của Người là chăm lo đời sống nông dân, khi điều kiện cho phép: “miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”(26).
Thứ hai, phát huy động lực tổ chức
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức đảng, các cấp chính quyền cần phát huy vai trò trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn. Trong lãnh đạo, cần phát huy dân chủ, sâu sát thực tiễn, chú trọng đoàn kết, mọi việc phải có sự bàn bạc để có ý kiến và sự thống nhất của nhân dân: “Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo của mình. Các cơ quan nhà nước phải quan tâm hơn nữa đến nông nghiệp, phát huy nhiều hơn nữa tác dụng của ngành mình trong sản xuất nông nghiệp. Các cán bộ tỉnh, huyện phải đi sâu xuống các hợp tác xã, giúp đỡ các hợp tác xã tiến bộ. Nhưng cán bộ tỉnh, huyện không thể đi khắp được. Cho nên cái gốc trong việc lãnh đạo hợp tác xã vẫn là chi bộ đảng ở cơ sở. Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn và làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố hợp tác xã”(27).
Người đánh giá cao vai trò của chi bộ trong hệ thống tổ chức đảng ở nông thôn: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở nông thôn. Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt”(28). Phát huy vai trò của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ở cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng: “Sau phát động quần chúng, giáo dục chi bộ và cốt cán ở nông thôn là một việc rất quan trọng và cần kíp”(29). “Chi bộ mạnh hay là yếu, công tác của chi bộ tốt hay là xấu, ảnh hưởng rất lớn đến việc cải tạo nông thôn”(30).
Bên cạnh tổ chức đảng và chính quyền ở nông thôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ: “Nông hội có trách nhiệm chính đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất. Đoàn thanh niên có nhiệm vụ xung phong thúc đẩy phong trào. Phụ nữ cần phải phát huy lực lượng của mình để sản xuất nhiều, sản xuất tốt. Các ngành đều phải có kế hoạch phục vụ cho sản xuất nông nghiệp(31).
Người cho rằng, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể: “Tất cả đảng viên và đoàn viên ở nông thôn phải tham gia tổ đổi công và hợp tác xã và phải làm gương mẫu. Anh hùng và chiến sĩ nông nghiệp phải làm đầu tàu. Các đồng chí bộ đội phải cố gắng giúp đỡ đồng bào nông dân. Các chị em phụ nữ phải là lực lượng xung phong. Toàn thể đồng bào và cán bộ kiên quyết một lòng, ra sức sản xuất, thì vụ mùa nhất định thắng lợi”(32).
Thứ ba, tranh thủ ngoại lực thông qua hợp tác kinh tế quốc tế
Để xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra các chính sách kinh tế mấu chốt (trong đó có chính sách mậu dịch), nhằm mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế để phát triển kinh tế nông thôn: “Ta ra sức khai lâm thổ sản để bán cho các nước bạn và để mua những thứ ta cần dùng. Các nước bạn mua những thứ ta đưa ra và bán cho ta những hàng hóa ta chưa chế tạo được. Đó là chính sách mậu dịch, giúp đỡ lẫn nhau rất có lợi cho kinh tế ta”(33).
Năm 1955, sau chuyến thăm Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ, trong quan hệ hợp tác với các nước trong hệ thống XHCN, Người nói rõ thêm: “Các nước bạn giúp ta để hàn gắn mau chóng những vết thương chiến tranh; để tăng gia sản xuất về nông nghiệp, công nghiệp và để phát triển thương nghiệp; để khôi phục và phát triển kinh tế và văn hóa; để ta dần dần nâng cao đời sống của nhân dân ta”(34). Quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh là hợp tác kinh tế quốc tế để phát huy tiềm năng của nước ta, dùng ngoại lực để thúc đẩy nội lực, trên nguyên tắc các nước tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, bình đẳng, cùng có lợi.
4. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho đường lối xây dựng và phát triển nông thôn Việt Nam
Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, mục tiêu, nội dung, biện pháp xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn đã trở thành “kim chỉ nam”, tư tưởng chỉ đạo và cơ sở lý luận quan trọng cho Đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn về phát triển nông thôn Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng đường lối phát triển kinh tế nông thôn mới qua từng thời kỳ, tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.
Từ năm 2010 đến nay, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều dấu ấn nổi bật về phát triển kinh tế, làm cho nông thôn nước ta đẹp về diện mạo, mới về chất. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện. Nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Nước ta có xuất siêu chủ yếu từ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản...
Những kết quả quan trọng trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ghi nhận những thành tựu của xây dựng nông thôn mới: “kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân”(35).
Việc vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi phải nhận diện được cả thời cơ và thách thức. Hiện nay, hơn 65% dân số Việt Nam sinh sống ở địa bàn nông thôn; sự ổn định và phát triển của khu vực này đóng vai trò quan trọng đối với vấn đề an ninh lương thực và phát triển đất nước. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề ra mục tiêu: “Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh”(36). Để đạt được những mục tiêu này, cần tiếp tục dày công nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tam nông nói chung, về nông thôn nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển mạnh mẽ đất nước hiện nay.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 544 (tháng 6-2023)
Ngày nhận bài: 7-5-2023; Ngày bình duyệt: 20-6-2023; Ngày duyệt đăng: 26-6-2023.
(1), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.175, 246.
(2), (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.622, 617.
(3), (8), (15), (19), (20), (24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.412, 413, 505, 413-414, 373, 416.
(4), (18), (29), (33) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.353, 266, 467, 267.
(5), (7), (9), (10), (28), (31), (34) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.390, 182, 335, 225, 504, 214, 56.
(11), (12), (16), (17), (21), (25), (27) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.129, 213, 199, 198, 164, 617, 221-222.
(13), (14), Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.165, 446.
(22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.113.
(23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.56.
(30) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.510.
(32) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.503.
(35) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.61-62.
(36) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.97.
TS LÊ THỊ THU HỒNG
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh