Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị tạo bước đột phá phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

15/12/2023 16:04

TS LÊ XUÂN HOA
Học viện Chính trị khu vực III

(LLCT) - Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, các tỉnh, thành trong vùng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế, khó khăn, cần có giải pháp trong điều kiện phát triển mới. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03-11-2022 của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trong thời kỳ mới.

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị tạo bước đột phá phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Tập trung phát triển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ mạnh về kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển - Ảnh: mekongasean.vn.

1. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Vùng có diện tích tự nhiên là 95.847,9 km² (chiếm 28,92% diện tích cả nước); dân số 20.650,8 nghìn người (chiếm 20,76% dân số cả nước)(1). Đây là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; có nhiều tiềm năng để phát triển, với nguồn nhân lực dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, với nhiều loại có trữ lượng và giá trị lớn. Đặc biệt, các tỉnh, thành trong vùng đều giáp biển, là lợi thế so sánh với các vùng khác của cả nước trong phát triển kinh tế, du lịch biển. Tuy nhiên, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai hạn hán, bão lũ; lãnh thổ trải dài, địa hình phức tạp; điều kiện, trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, nhiều địa phương xuất phát điểm rất thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hợp tác, liên kết vùng trong đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và trên các lĩnh vực khác.

Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tạo động lực cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển. Trong đó, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16-8-2004 của Bộ Chính trị khóa IX “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010” và Kết luận số 25-KL/TW ngày 02-8-2012 “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW”, sau 18 năm triển khai thực hiện, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. “Kinh tế tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005 - 2020, cao hơn mức trung bình cả nước. Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 (theo giá hiện hành) tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004, chiếm 14,5% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt mức 56,9 triệu đồng/người/năm”(2). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được cải thiện... Văn hóa, xã hội có bước phát triển; chất lượng giáo dục - đào tạo và các chỉ tiêu y tế cơ bản được cải thiện. An sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được nâng lên rõ rệt...

Mặc dù vậy, so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra, thì những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Chất lượng tăng trưởng chưa bền vững; trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các địa phương chưa đồng đều; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở một số vùng, địa bàn còn hạn chế; công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở một số nơi còn phức tạp.

So với mặt bằng chung của cả nước, thì “Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao... Văn hóa - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mới... Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ giảm nghèo chưa đạt mục tiêu đặt ra. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội có lúc, có nơi còn bị động; công tác dân tộc, tôn giáo còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu”(3).

Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh vùng trong tình hình mới, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16-8-2004 của Bộ Chính trị khóa IX “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010” và Kết luận số 25-KL/TW ngày 02-8-2012 “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW”, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03-11-2022 “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng mới có tính đột phá chiến lược trong phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, mở ra một giai đoạn phát triển mới đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Điểm mới của Nghị quyết số 26-NQ/TW so với Nghị quyết số 39-NQ/TW là đã xác định rõ, cụ thể hơn về quan điểm và tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp phát triển vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ nhất, về quan điểm và tư tưởng chỉ đạo, Nghị quyết số 39-NQ/TW chỉ đưa ra những quan điểm định hướng chung, ngắn gọn, thì trong Nghị quyết lần này đã đưa ra 05 quan điểm chỉ đạo rất rõ ràng và cụ thể, xác định rõ hơn về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trên các lĩnh vực phát triển, nhất là phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng và an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Nghị quyết yêu cầu phải gắn chiến lược phát triển vùng với chiến lược phát triển của cả nước. Trong đó, chú trọng phát triển kinh tế biển trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của vùng. Phát triển các ngành kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế, hệ thống đô thị ven biển, tạo ra các cực tăng trưởng, các trung tâm và vùng động lực phát triển kinh tế biển của cả nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, rừng; bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động trong phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị lịch sử cách mạng, văn hóa bản sắc của vùng.

Đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết nội vùng; giữa vùng với các vùng khác trong cả nước. Mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là với nước bạn Lào, các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; chú trọng công tác giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, bãi ngang, hải đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố, nâng cao tiềm lực, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Nghị quyết yêu cầu phải “Đổi mới tư duy phát triển, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động; phát triển nhanh, bền vững tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng và các địa phương trong vùng; nâng cao trình độ và thu nhập của người dân trong vùng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của các địa phương trong vùng và cả nước”(4).

Thứ hai, về mục tiêu và tầm nhìn phát triển, Nghị quyết số 26-NQ/TW có nhiều điểm mới, đó là đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trở thành “vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường”(5).

Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là “vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường”(6).

Thứ ba, về nhiệm vụ và giải pháp. Để thực hiện được mục tiêu và tầm nhìn đã xác định, Nghị quyết số 26-NQ/TW có nhiều điểm mới, khi đề ra đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Đó là: 1) Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; 2) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; 3) Tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; 4) Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; 5) Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội vùng; 6) Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; 7) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng(7).

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168-NQ/CP ngày 29-12-2022 Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03-11-2022 của Bộ Chính trị “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, yêu cầu các tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thực hiện đồng bộ và quyết liệt 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mang tính đột phá: 1) Quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; 2) Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; 3) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; 4) Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; 5) Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; 6) Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội vùng; 7) Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; 8) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng(8).

Cùng với Nghị quyết số 168-NQ/CP, Chính phủ đã xây dựng đề án xác định các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường. Xây dựng 07 nhóm nhiệm vụ cụ thể để các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phối hợp thực hiện, bao gồm: tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và phát triển liên kết vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế biển; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển hệ thống đô thị; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

2. Triển khai thực hiện và thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168-NQ/CP của Chính phủ sẽ tạo bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc của toàn vùng, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, các tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cần thực hiện tốt các nội dung sau.

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW

Khi các chủ thể nhận thức được đầy đủ tinh thần của Nghị quyết mới có thể tạo được tiếng nói chung, sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt là thế trận lòng dân, an ninh nhân dân ngày càng vững chắc và được phát huy mạnh mẽ.

Hai là, tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới

Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã đoàn kết, nỗ lực, tận dụng tốt thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, “công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu”(9). Vì vậy, trong giai đoạn mới, để phát triển theo tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ/TW, cần tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ; củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp, phấn đấu hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Các cơ quan, ban, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy để hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Điều này trước hết phụ thuộc vào năng lực nhận thức và khả năng tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng, đồng sức và tham gia của nhân dân.

Ba là, hoàn thiện cơ chế, đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cấp trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Đối với cán bộ, đảng viên cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW”, bằng những hành động thiết thực, cụ thể gắn với vị trí, vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Đối với người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải nêu gương, thực sự là người “đứng mũi chịu sào” trong triển khai thực hiện Nghị quyết, quán triệt tinh thần Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần xây dựng cơ chế để thực hiện Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Khắc phục tình trạng cán bộ, công chức ngại nói, ngại làm, ngại va chạm, ngại trách nhiệm, trốn tránh trách nhiệm, v.v. vì sợ vi phạm khuyết điểm. Tạo niềm tin trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, để họ vượt qua tâm lý e ngại, sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong triển khai thực hiện, để thực hiện đạt kết quả cao những mục tiêu đã đề ra.

Bốn là, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi thông, phát huy mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là bài học kinh nghiệm xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Đây là cội nguồn của mọi thắng lợi cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đối với các tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trong quá trình triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, cần quán triệt và thực hiện tốt bài học này hơn bao giờ hết. Để làm tốt việc này, các địa phương phải vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị. Đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ và quyết tâm cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, giải quyết các điểm nghẽn, khơi thông, phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh tổng hợp trong nhân dân, tạo ra các đột phá trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Nghị quyết số 26-NQ/TW là cơ sở chính trị, tạo tiền đề cho thời kỳ phát triển mới đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Với khát vọng lớn và quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân, các mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra sẽ trở thành hiện thực.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 546 (tháng 8-2023)

Ngày nhận bài: 04-8-2023; Ngày bình duyệt: 18-8-2023; Ngày duyệt đăng: 24-8-2023.

(1) Xem Tổng cục Thống kê: Niêm giám Thống kê năm 2022, Nxb Thống Kê, Hà Nội, 2022, tr.105.

(2), (3), (4), (5), (6), (7), (9) Xem ĐCSVN: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03-11-2022 của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hà Nội, tr.1-2, 2, 3, 4, 5, 5-12, 2.

(8) Xem Chính phủ: Nghị quyết số 168-NP/CP ngày 29-12-2022 Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội, tr.3-10.