Không thể đánh đồng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với tham vọng quyền lực
(LLCT) - Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là một trong những chủ trương lớn của Đảng thể hiện ở mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị đã suy diễn bản chất, nhằm làm thay đổi, lung lạc nhận thức của cán bộ, đảng viên về quan điểm của Đảng đối với khát vọng phát triển đất nước, thậm chí chúng còn đưa ra các luận điệu để đánh đồng giữa khát vọng phát triển đất nước với tham vọng quyền lực. Bài viết phân tích quan điểm của Đảng về khơi dậy khát vọng phát triển đất nước với chống tham vọng quyền lực và khẳng định đây là quan điểm không thể phủ nhận và không thể đánh đồng.
TS TĂNG THỊ THU TRANG
Viện Nhà nước và Pháp luật,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” - Ảnh: IT
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nói đến yếu tố tinh thần, thái độ, ý nghĩ, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn hết sức lực, trí tuệ, sự sáng tạo để đạt được mục tiêu đặt ra. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đó là mục tiêu, động lực phấn đấu của cả dân tộc Việt Nam.
Chống tham vọng quyền lực (bệnh háo danh, háo địa vị) là chống lại những ham muốn giữ chức quyền cao hơn nhiều so với thực chất năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức của người đó.
Thực hiện đồng thời hai chủ trương này là nhằm hiện thực hóa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện đồng bộ giữa “xây” và “chống”. “Xây” là giải pháp tập trung vào bên trong chủ thể, “chống” là hướng vào việc ngăn chặn những tác động tiêu cực từ bên ngoài, như “diễn biến hòa bình” tác động vào; bên trong “tự đấu tranh, tự phê bình” để không bị “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Nói đến “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là “xây”. Nói đến phát hiện, ngăn ngừa, xử lý đối với bệnh “tham vọng quyền lực” là “chống”. Đó là hai mặt của một vấn đề, “xây” để “chống” hiệu quả hơn, ngược lại “chống” để “xây” ổn định và vững chắc hơn.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và chống tham vọng quyền lực là điểm nhấn phản ánh nhận thức mới của Đảng ta về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(1). Từ đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; uốn nắn những nhận thức lệch lạc, sai trái.
Các thế lực thù địch, thành phần cơ hội hoặc bất mãn chính trị cho rằng, việc Đảng ta quy định cán bộ, đảng viên không được tham vọng quyền lực là một quy định thiếu tính thực tế, thiếu khách quan. Quy định chống tham vọng quyền lực là chống lại quy luật khách quan trong xã hội, làm thui chột ý chí phấn đấu, cống hiến, tự vươn lên của cán bộ, đảng viên.
Chúng còn rao giảng rằng “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong Văn kiện Đại hội XIII là duy tâm chủ quan, một “khẩu hiệu” trống rỗng, phản khoa học, không khả thi, thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn, rơi vào chủ quan, duy ý chí. Hoặc chúng đã dùng những luận điệu để đánh đồng khát vọng phát triển đất nước với tham vọng quyền lực.
Những phần tử cơ hội, phản động hoặc bất mãn chính trị còn tuyên truyền xuyên tạc về khát vọng phát triển đất nước và chống bệnh tham vọng quyền lực với nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, nhằm gây nên sự hoài nghi trong các tầng lớp nhân dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, từng bước làm phai mờ ý chí, quyết tâm xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.
Luận điệu của những phần tử cơ hội, phản động hoặc bất mãn chính trị là xuyên tạc bản chất của Nhà nước Việt Nam, quyền lực nhà nước, bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, quyền lực chính trị của Đảng. Trong các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng bồi dưỡng, khuyến khích cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện, phát huy vai trò nêu gương để trở thành người có đức, có tài, đủ uy tín, năng động, sáng tạo để được nhân dân bầu vào các chức vụ trong hệ thống chính trị. Cán bộ là nhân tố quyết định thành bại của cách mạng, là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Trọng dụng nhân tài, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giới tính, thành phần, địa vị xã hội, người ở trong nước hay người Việt Nam ở nước ngoài là những quan điểm lớn, xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Đó là quan điểm hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, là nguyện vọng chính đáng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, được Đảng và Nhà nước ta xây dựng trên cơ sở lý luận, thực tiễn đầy thuyết phục.
“Khát vọng” là nguồn động lực to lớn thúc đẩy mỗi người đạt được ước mơ, hoài bão của mình, không khuất phục trước mọi khó khăn, thử thách. Khát vọng phát triển đất nước là động lực để mọi tầng lớp nhân dân, mọi cán bộ, công chức, viên chức phát huy sức mình đưa đất nước đi tới phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, từng bước sánh vai với các cường quốc trong khu vực và thế giới.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(2). Đây là khát vọng chính đáng, vì lợi ích của toàn dân, có cơ sở từ những điều kiện, cơ hội “chín muồi”. Nhận thức rõ vấn đề này, Đảng ta luôn đề cao công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, phát huy tối đa nguồn lực con người. Một người cán bộ, đảng viên tốt, chân chính là người có khát vọng vươn lên, khát vọng cống hiến để làm tốt công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung, là người mà “khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”(3).
Như vậy, “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” không phải là cái gì xa vời, trừu tượng, thiếu khách quan, thiếu thực tiễn như luận điệu của các thế lực thù địch. Việt Nam đã có đủ điều kiện, đã tạo được môi trường thuận lợi để thực hiện khát vọng đó. Vấn đề này đã được Đại hội XIII của Đảng cụ thể hóa thành những phương thức rõ ràng, gắn với yêu cầu về nhận thức đúng, đầy đủ và tổ chức thực hiện bằng những hành động, việc làm thiết thực của mỗi cấp, ngành, tổ chức và mỗi người dân Việt Nam. Quan điểm đó vừa là yêu cầu vừa là lời hiệu triệu của Đảng, của đất nước đối với mỗi người Việt Nam có tâm, đức, trí và có trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội XIII của Đảng đã rất kịp thời, đúng và trúng khi xác định một cách mạch lạc, rõ ràng và đầy sức thuyết phục về “khát vọng phát triển đất nước trong thời kỳ mới”. Đó là động lực quan trọng, là trụ cột, nguồn năng lượng nội sinh to lớn để đưa đất nước ta “cất cánh” trong kỷ nguyên mới. Đại hội XIII của Đảng hoàn toàn không tuyệt đối hóa, không phô trương vai trò động lực của “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, mà xác định rất rõ đây là một trong những động lực, nguồn lực nội sinh để tạo thành “hợp lực” cho đổi mới, phát triển và hội nhập. “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là động lực tinh thần chứ không phải động lực vật chất; là động lực thúc đẩy chứ không thể thay thế các yếu tố kinh tế, vật chất trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức.
Tham vọng là nói đến lòng ham muốn quá lớn so với thực chất năng lực, trình độ của một người. Tham vọng quyền lực là lòng ham muốn giữ những chức quyền cao hơn nhiều so với thực chất năng lực, trình độ, đạo đức, phẩm chất của người cán bộ, đảng viên. Hay nói cách khác, tham vọng quyền lực (ham danh vị, háo danh, háo vị đến mức khác thường) là sự ham muốn thăng tiến nhưng không bằng thực lực của mình mà bằng mọi thủ đoạn, mọi cách tiếp cận để leo lên vị trí cao hơn. Có người tham vọng quyền lực, háo danh đến mức bất chấp pháp luật, đạo lý để đạt được tham vọng cá nhân. Điều này là không thể chấp nhận trong mỗi tổ chức và từng cán bộ, đảng viên.
Tham vọng quyền lực là một trong những căn bệnh mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tránh, bởi từ nó mà sinh ra óc lãnh tụ, óc hẹp hòi, bệnh “hữu danh vô thực”, kéo bè kéo cánh, bệnh xu nịnh a dua, bệnh tham ô, hủ hóa, lãng phí xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền, quan liêu mệnh lệnh v.v..
Chủ trương chống bệnh tham vọng quyền lực là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Đảng ta nhận thức rõ bệnh tham vọng quyền lực hay còn gọi là háo danh, ham danh vị, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành thường gắn với vấn nạn chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy chức, chạy quyền, chạy danh hiệu, chạy phiếu bầu, xu nịnh cấp trên để được bổ nhiệm hoặc bằng các hành vi gian dối, lưu manh để đạt được tham vọng quyền lực,...
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Bệnh hiếu danh - Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà có việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, phê bình thì tinh thần lung lay. Những người đó chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chứ không ham công tác thiết thực”(4). Đây là thói hư, tật xấu mà cán bộ, đảng viên cần phải đấu tranh, ngăn chặn. Điều này được Đảng ta chỉ ra trong Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, nay thay thế bằng Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03-11-2021 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Để bảo vệ, bảo đảm quyền lợi của cán bộ, đảng viên, tạo động lực để họ phát huy tinh thần, trách nhiệm và sẵn sàng cống hiến, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Các văn bản trên của Đảng đã tạo cơ sở chính trị vững chắc, là phương thuốc để trị căn bệnh tham vọng quyền lực.
Tuy nhiên, không ít người có tham vọng quyền lực trong xã hội. Đối với quyền lực, khi được gắn với chữ “tham”, lòng tham, thì đó chính là động cơ, nguyên nhân và biểu hiện của tha hóa quyền lực, nên phải hết sức cảnh giác, đề phòng. Khi quyền lực rơi vào tay những cá nhân không đủ tài và đức thì quyền lực ấy sẽ bị tha hóa, bị thao túng và bị sử dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân, phe nhóm mà bỏ qua lợi ích quốc gia, dân tộc. Họ dùng quyền lực đó để trục lợi kinh tế và trục lợi chính trị bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Quyền lực như con ngựa bất kham chực lồng khắp chốn, có thể quật ngã những người cưỡi nó, nếu người đó không đủ nhân cách, bản lĩnh, năng lực. Nhất thiết phải kiểm soát quyền lực, không thể chủ quan, lơ là, phải kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp tha hóa quyền lực nhằm răn đe, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên.
Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 đã chỉ rõ tình trạng lạm dụng, tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây là thực trạng nguy hiểm, làm giảm sức chiến đấu và uy tín của Đảng. Nghị quyết nêu rõ một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: “Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh”... Đặc biệt, Quy định số 114-QĐ/TW đã chỉ ra hành vi chạy chức, chạy quyền và hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Quy định số 90-QĐ/TW ngày 04-8-2017 đã nêu rõ “tiêu chuẩn chung cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cán bộ cấp cao cần có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng để bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước và phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị”...
Về đạo đức, lối sống, phải mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; tận tụy với công việc, là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tiêu chí “tuyệt đối không tham vọng quyền lực” đã được quy chuẩn hóa nhằm đẩy lùi sự đam mê và tha hóa quyền lực. Quyền lực phải được giám sát, kiểm soát một cách hữu hiệu bằng những quy chế cụ thể; đồng thời có sự công khai và minh bạch trong quá trình thực thi quyền lực. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.
Thấm nhuần tư tưởng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “Nước lấy dân làm gốc”... chúng ta càng nhận thức rõ ý nguyện của nhân dân và đòi hỏi của thực tế trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của dân, do dân, vì dân. Phải phát huy được quyền lực và sức mạnh của nhân dân. Để làm được điều đó, một trong những giải pháp hữu hiệu là chống tham vọng quyền lực cá nhân, có cơ chế hiệu quả để giám sát, kiểm soát quyền lực như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và các văn bản của Đảng đã khẳng định.
Tóm lại, không thể đánh đồng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và chống bệnh tham vọng quyền lực, đây là hai mặt của một vấn đề, đó là chủ trương khoa học, hợp lý của Đảng nhằm cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về “xây” và “chống”. Đây là những giá trị tiêu biểu tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới, tạo cơ sở chính trị, nền tảng vững chắc để phản bác các luận điệu của các thế lực thù địch, phản động hoặc phần tử cơ hội chính trị, đồng thời là cơ sở tạo động lực đối với cán bộ, đảng viên chân chính có khát vọng vươn lên, cống hiến tâm trí của mình cho đất nước, cho xã hội và cho nhân dân.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 548 (tháng 10-2023)
Ngày nhận bài: 07-7-2023; Ngày bình duyệt: 06-10-2023; Ngày duyệt đăng: 18-10-2023.
(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.179, 111.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 248.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.296.