Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc hiện nay
ThS, NCS NGUYỄN TÚ ANH
Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự,
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(LLCT) - Tây Bắc là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nơi cư trú của hơn 30 dân tộc. Tuy nhiên, nhiều di sản văn hóa vùng Tây Bắc đang bị mai một do chưa được quan tâm gìn giữ đúng mức và nguy cơ “Kinh hóa”. Bài viết làm rõ thực trạng thực hiện vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó đưa ra giải pháp phát huy vai trò này hiện nay.
Lễ hội “Kin khảu máy” của dân tộc Lự, tỉnh Lai Châu_Ảnh: qdnd.vn
1. Đặt vấn đề
Hệ thống chính trị (HTCT) ở địa phương vùng Tây Bắc được tổ chức thống nhất, gồm HTCT cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã (gồm xã, phường, thị trấn). HTCT cấp xã được gọi chung là hệ thống chính trị cơ sở (HTCTCS). HTCTCS ở Tây Bắc hoạt động ở địa bàn có nhiều khó khăn, phức tạp, còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, chịu tác động của phong tục, tập quán, lối sống, tín ngưỡng, văn hóa và thiết chế xã hội truyền thống dân tộc thiểu số (DTTS) trong thực thi công vụ.
Vai trò của HTCTCS trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc có nhiều cách tiếp cận. Dưới góc độ chính trị - xã hội, bài viết nghiên cứu vai trò, chức năng của HTCTCS, bộ phận cấu thành của HTCT Việt Nam, trong thực hiện các mục tiêu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, DTTS vùng Tây Bắc nói riêng. Cụ thể: HTCTCS có vai trò quan trọng trong việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, vận động thực hiện quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS vùng Tây Bắc; HTCTCS trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quản lý, điều hành thực hiện những chương trình, kế hoạch, nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS; HTCTCS tham mưu, đề xuất với cấp trên ban hành và tổ chức thực hiện những chính sách, chương trình, đề án, dự án, lựa chọn phương án phù hợp, hiệu quả trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa DTTS; HTCTCS trực tiếp tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, vận động xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu; phòng, chống các hiện tượng văn hóa xấu độc, âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực văn hóa tại địa bàn vùng Tây Bắc.
Từ tiếp cận chính trị - xã hội, bài viết sử dụng kết quả khảo sát đối với 110cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã và nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ trong vùng và 110đồng bào DTTS Tây Bắc ở02 xã Pa Tần, Chà Cang, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) và 02 xã Chiềng Hắc, Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu (Sơn La). Từ đó, làm rõ thực trạng của HTCTCS vùng Tây Bắc trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số..
2. Thực trạng vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc
Một là, thực trạng quán triệt, tuyên truyền, vận động thực hiện các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS vùng Tây Bắc.
Những năm qua, Đảng ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi đây không chỉ nắm vững mà còn tích cực tuyên truyền, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS đến đồng bào DTTS, như: Cương lĩnh, nội dung Nghị quyết Đại hội XI, XII, XIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa...
Bên cạnh đó, HTCTCS đã tuyên truyền các nghị quyết, quyết định của các tỉnh ủy, UBND các tỉnh vùng Tây Bắc tới đồng bào địa phương, địa bàn cụ thể. Thí dụ, Đảng ủy các xã An Bình và Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) đã quán triệt Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 11-10-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2023 - 2030”.Kết quả khảo sátcho thấy, có 33,6% ý kiến nhận định HTCTCS đã thực sự trở thành lực lượng tiên phongtrong tuyên truyền, giáo dục giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS.
Bảng 1: Vai trò củahệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc trong giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS
Nội dung câu hỏi | Kết quả (%) |
Trực tiếp tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giữ gìn bản sắc văn hóa nói chung và DTTS nói riêng | 33,6 |
Lực lượng quan trọng tổ chức thực hiện những chương trình, kế hoạch, nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS | 43,6 |
Tham mưu, đề xuất,ban hành những quy định, hướng dẫn, phối kết hợp với lực lượng chức năng để thực hiện giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS | 12,7 |
Tham gia đấu tranh loại bỏ hủtục, thói quen lỗi thời, lạc hậu trong đời sống và âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc | 10 |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ khảo sát thực tế
Hai là, thực trạng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quản lý, điều hành thực hiện có hiệu lực và hiệu quả những chương trình, kế hoạch, nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS vùng Tây Bắc.
HTCTCS vùng Tây Bắc đã thực hiện đa dạng các phương pháp, cách thức quản lý nhà nướcvề văn hóa. Thực hiện các chương trình, đề án, dự án quốc gia, tỉnh, liên tỉnh, tài trợ của doanh nghiệp, HTCTCS đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cán bộ nòng cốt, sử dụng, phát huy vai trò của trí thức, người có kinh nghiệm và các nghệ nhân; thử nghiệm, nhân rộng các mô hình sản xuất có giá trị cao, bền vững; xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, khu dân cư, nhà ở phù hợp với kiến trúc, bản sắc dân tộc; kết hợp phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học - công nghệ, quản lý văn hóa với củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại. HTCTCS phát huy nguồn lực của Nhà nước, địa phương, cụm dân cư, hộ gia đình cùng giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình năm 2021, 2022, các tổ chức thuộc HTCTCS, nhất là các đảng ủy xã, đã triển khai nghiêm túc, có hiệu quả, khơi dậy tính tích cực, chủ động của các tổ chức, lực lượng và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các nội dung, biện pháp của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đạt được nhiều kết quả thiết thực, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn miền núi(1).
Tại Điện Biên, HTCTCS đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS và xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy nghệ thuật “múa xòe, múa sạp”, có 130 nghệ nhân, học viên, công chức văn hóa, người am hiểu văn hóa các dân tộc Thái tham gia(2). Việc phục dựng, bảo tồn các lễ hội truyền thống tại các xã được tiến hành thường xuyên; các thiết chế văn hóa, thể thao bước đầu được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa của nhân dân; đời sống văn hóa ở khu vực nông thôn, biên giới từng bước được cải thiện(3).
Việc phát huy vai trò là lực lượng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quản lý, điều hành của HTCTCS vùng Tây Bắc trong giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS đã có hiệu quả thiết thực.Có 30,90% ý kiến được hỏi cho rằng, đó là sự tiếp nối và phát huy các giá trị văn hóa của các DTTS; 38,18% cho rằng giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS góp phần khẳng định tính chất riêng có của dân tộc; 17,27% cho rằng giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS sẽ góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc mình; 19,37% cho rằng giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS góp phần đẩy lùi những hủ tục, tập quán lạc hậu; 6,37%, cho rằng giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS sẽ ngăn chặn được sự lợi dụng, phá hoại văn hóa, tình đoàn kết dân tộc.
Bảng 2: Tác dụng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa của các DTTS vùng Tây Bắc
Nội dung câu hỏi | Kết quả (%) |
Tiếp nối và phát huy các giá trị văn hóa của các DTTS | 30,90 |
Khẳng định tính chất riêng có của dân tộc mình | 38,18 |
Góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam | 17,27 |
Đẩy lùi những hủ tục, tập quán lạc hậu | 6,36 |
Ngặn chặn sự lợi dụng, phá hoại văn hóa, tình đoàn kết giữa các dân tộc | 7,27 |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ khảo sát thực tế
Ba là, thực trạng tham mưu, đề xuất với cấp trên để ban hành những hướng dẫn phù hợp trong giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS vùng Tây Bắc.
Thời gian qua, HTCTCS vùng Tây Bắc đã thực hiện khá đầy đủ, hiệu quả, kịp thời công tác tham mưu, đề xuất với cấp trên về giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS.
Tại tỉnh Điện Biên, HTCTCS đã tham mưu, đề xuất với cấp trên học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về lĩnh vực văn hóa; Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, kịp thời tham mưu quán triệt và cụ thể hóa việc thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021 về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch 5 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026 trên địa bàn tỉnh Điện Biên…
Điển hình là tham mưu có hiệu quả việc thành lập Câu lạc bộ nghệ thuật người cao tuổi. Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên có 58/129 xã, phường có Câu lạc bộ nghệ thuật người cao tuổi; 526 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 622 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình duy trì sinh hoạt định kỳ 2 tháng/1 lần, một số khác duy trì sinh hoạt định kỳ 1 quý/1 lần(4).
HTCTCS tích cực xây dựng kế hoạch báo cáo cấp trên tổ chức các hoạt động giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc; tham mưu triển khai các nghiên cứu khoa học về văn hóa, tôn vinh, biểu dương nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín; đầu tư kinh phí mở lớp truyền dạy văn hóa ở các huyện; xét công nhận nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú; thành lập, bảo đảm cho các đội, tổ văn nghệ các thôn, bản biểu diễn tại các sự kiện địa phương, quốc gia(5).
Bốn là, thực trạng đấu tranh, vận động xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu; phòng, chống sản phẩm văn hóa xấu độc, âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực văn hóa.
HTCTCS vùng Tây Bắc tích cực vận động của đồng bào các DTTS chuyển đổi lối sống cũ, xây dựng thôn, bản, làng, xã ngày càng văn minh, hiện đại, tiếp cận lối sống mới, phù hợp với môi trường miền núi Tây Bắc. Nhiều chi bộ đảng thôn, bản đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào về thực hiện lối sống mới, từ bỏ lối sống lạc hậu, du canh, du cư, tục tảo hôn. Tiêu biểu như chi bộ bản Huổi Han (xã Bum Tờ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), từ năm 2010 đến nay, đã xây dựng nghị quyết và phối hợp với các chi bộ trong xã cùng các tổ chức đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không du canh, du cư, cho con em đến trường, thực hiện nghiêm Luật Hôn nhân và gia đình. Trong đó, đảng viên trong Chi bộ là những người đi đầu gương mẫu(6).
Mỗi sáng Chủ nhật hằng tuần, HTCT ở xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) cùng với các tín đồ đạo Tin lành trao đổi những công việc trong bản, tuyên truyền phòng, chống các tệ nạn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong cộng đồng(7).
Từ năm 2016 đến nay, HTCTCS tỉnh Điện Biên, nhất là ở các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông và các xã ở tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái… đã phối hợp với các cơ quan chức năng, triệt phá âm mưu lôi kéo những người theo tà đạo “Giê sùa” để thành lập nhà nước riêng; đập tan âm mưu lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” ở vùng Tây Bắc(8).
Nhờ việc thực hiện tốt chức năng, là lực lượng tiên phong ở cơ sở, trực tiếp đấu tranh, vận động xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu; phòng, chống sản phẩm văn hóa xấu độc, âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực văn hóa tại vùng Tây Bắc, HTCTCS trên địa bàn không chỉ đẩy lùi những phong tục, tập quán lạc hậu, ngăn chặn hiệu quả các mưu toan lợi dụng vấn đề dân tộc, văn hóa, tôn giáo để chống phá cách mạng, mà còn xây dựng được địa phương có nhiều cụm, điểm, bản, làng, tổ dân phố, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa; tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn “gia đình văn hóa”, “gia đình kiểu mẫu” ngày càng tăng.
Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng giáo dục, tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS của HTCTCS trên địa bàn Tây Bắc cónơi chưa linh hoạt, sáng tạo, có mặt hiệu quả thấp; có những nội dung quan trọng vẫn chưa được giáo dục, quán triệt thường xuyên, liên tục. Việc thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý và tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS có lĩnh vực chưa sâu, chưa đồng bộ, hiệu quả một số mặt chưa cao.Việc cụ thể hóa quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng, của cấp ủy các huyện, tỉnh và của cấp ủy xã vùng Tây Bắc vào nghị quyết, chương trình hành động còn chưa đầy đủ; nội dung, nhiệm vụ lãnh đạo về văn hóa còn chung chung, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS ở cơ sở còn chưa cụ thể; kế hoạch hoạt động lãnh đạo còn thiếu, biện pháp lãnh đạo chưa toàn diện, thiếu các chủ trương, chương trình lãnh đạo cơ bản và dài hạn. Công tác tham mưu, đề xuất chủ trương, phương hướng lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa chưa kịp thời, có lúc chưa phù hợp với tình hình dân tộc, văn hóa, lối sống, tập quán của đồng bào các dân tộc ở cấp xã, liên xã, vùng đa dân tộc cùng chung sống. Chức năng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, vận động xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, phòng, chống biểu hiện xấu độc, âm mưu chống phá trên lĩnh vực văn hóa của HTCTCS có mặt còn lúng túng, bị động, hiệu quả thấp.
3. Giải pháp phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc hiện nay
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với việc phát huy vai trò của HTCTCS trong giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS vùng Tây Bắc.
HTCT cấp trên cơ sở là chủ thể thường xuyên, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo HTCT cấp dưới thực hiện các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nên phải thấm nhuần trong nhận thức, hành động. Nắm chắc các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS; từ đó, mới tuyên truyền, phổ biến đến HTCT cấp dưới một cách đầy đủ, cụ thể, rõ ràng.
Các sở, ban, ngành, nhất là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phòng văn hóa và thông tin cấp huyện cần quán triệt và nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS. Từng cấp cụ thể hóa những chủ trương, biện pháp của HĐND, UBND về giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS thành các chương trình, kế hoạch, hành động cụ thể để hướng dẫn HTCTCS tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Trên cơ sở đó, HTCTCS quán triệt và nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS. Tổ chức cho HTCT cấp mình nắm chắc những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cấp trên về giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS. Từ đó, đề ra những cách thức, biện pháp giữ gìn bản sắc văn hóa phù hợp, hiệu quả với đặc điểm tình hình của địa phương.
Đồng bào DTTS cần được quán triệt và chấp hành nghiêm quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS. Tự giác, chủ động hưởng ứng các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới và các hoạt động do địa phương tổ chức. Thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ, từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, văn hóa phẩm đồi truỵ, không đúng với thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa và nhu cầu hưởng thụ văn hóa.
Hai là, thường xuyên củng cố, xây dựng HTCTCS trong sạch, vững mạnh để giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS vùng Tây Bắc, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ.
Để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của HTCTCS trong giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS vùng Tây Bắc cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và HTCT trong sạch, vững mạnh. Trực tiếp và thiết thực nhất là quán triệt sâu sắc, cụ thể Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và HTCT; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 về những điều đảng viên không được làm; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,…
Cần thực hiện tốt nghị quyết của các tỉnh ủy vùng Tây Bắc về cán bộ và công tác cán bộ trong thời kỳ mới; xây dựng và ban hành quy chế làm việc công khai, minh bạch, để từ đó thực hiện “đúng vai, thuộc bài” và có sự phối hợp nhịp nhàng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ HTCTCS. Đặc biệt, làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị; xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”…
Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần quan tâm kiện toàn các chức danh, vị trí công tác của HTCTCS, bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các chức danh, vị trí chủ chốt trong HTCTCS để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các bộ phận, lực lượng, tăng cường phối hợp công tác, bám sát cơ sở để lắng nghe, giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các DTTS.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã đối với HTCTCS; tổ chức đối thoại dân chủ trực tiếp với đồng bào các DTTS; giải quyết đơn thư, khiếu kiện, ý kiến của đồng bào về những cơ chế, chính sách mà đồng bào được hưởng, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa.
Cần tiếp tục làm tốt công tác tuyển dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ làm công tác văn hóa theo đúng chuyên môn, có trình độ, năng lực, phẩm chất, có năng khiếu về văn hóa. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong tham mưu, đề xuất với cấp trên về việc bố trí cán bộ làm việc trong HTCTCS và phụ trách về văn hóa là người địa phương, có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, là người trẻ năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, có kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động tốt.
Gắn việc giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS ở cơ sở với tiêu chí đánh giá hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của HTCTCS vùng Tây Bắc. Đổi mới nội dung, hình thức, phương thức hoạt động của HTCTCS theo hướng gắn liền với tổ chức thực hiện việc giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS vùng Tây Bắc.
Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của đồng bào các DTTS tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Trong nhiệm vụ giữ gìn bản sắc văn hóa DTTS vùng Tây Bắc, đồng bào các DTTS không thể đứng ngoài cuộc mà cùng với HTCTCS tham gia vào các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa cụ thể. Họ chính là người giám sát, phản biện những kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ giữ gìn bản sắc văn hóa. Với tinh thần này, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã phải bảo đảm các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa đến được với đồng bào DTTS, được chuyển hóa thành những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực, nâng cao đời sống của đồng bào; xóa bỏ tình trạng du canh, du cư, đốt nương làm rẫy, trẻ em không được đến trường; giúp đỡ, hướng dẫn các DTTS thực hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của các doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội, nhất là các đoàn kinh tế - quốc phòng trên địa bàn vùng Tây Bắc tham gia giúp đỡ đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. HTCTCS cần tăng cường phối hợp, hợp tác với các địa phương lân cận để mở rộng hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của dân tộc. Định kỳ tổ chức những buổi sinh hoạt, đối thoại dân chủ ở nhà văn hóa thôn, bản, có sự tham gia đầy đủ của cán bộ chủ chốt cấp xã, các bộ phận, lực lượng có liên quan; lắng nghe những ý kiến, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào DTTS. Đồng thời, nâng cao trình độ dân trí của đồng bào DTTS để tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa hiệu quả hơn.
Bốn là, tích cực, chủ động đấu tranh với quan điểm sai trái, phản động, lợi dụng văn hóa DTTS để chống phá Đảng, Nhà nước và chính quyền.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng chỉ rõ, giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ; “xây” phải đi đôi với “chống”, lấy “xây” làm chính; phải tiến hành kiên trì việc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng văn hóa để thực hiện “diễn biến hoà bình”.
Theo đó, HTCTCS, nhất là cán bộ chủ chốt cấp xã và lực lượng chuyên trách về văn hóa, cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS thông qua việc tổ chức thực hiện các Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở từng khu vực, địa bàn cụ thể.
Nắm chắc địa bàn, thành phần dân tộc, tôn giáo, cùng với lực lượng bán chuyên trách kịp thời giải quyết những khó khăn của đồng bào DTTS, nhất là trong hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa.
Phân công nhiệm vụ cán bộ phụ trách về văn hóa phối hợp với lực lượng không chuyên trách đến từng gia đình hướng dẫn đồng bào DTTS cách thức, phương pháp phát triển kinh tế, thực hiện chính sách dân số, cho con em đến trường, không cướp vợ, ăn uống, sinh hoạt bảo đảm vệ sinh, thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ tuyên truyền, vận động, nêu gương trong đồng bào DTTS. Mỗi lời nói và hành động của họ có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, việc làm của đồng bào DTTS, từng bước tạo chuyển biến trong việc xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu.
Cần thường xuyên phối hợp với lực lượng quân đội, công an, bộ đội biên phòng ở các huyện biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những phần tử phản động có âm mưu, thủ đoạn trà trộn vào đồng bào DTTS để truyền bá văn hóa xấu độc; xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với “thế trận an ninh nhân dân” vững chắc, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN “từ sớm”, “từ xa” trên lĩnh vực văn hóa.
5. Kết luận
Bản sắc văn hóa các DTTS vùng Tây Bắc đã góp phần quan trọng làm phong phú, đa dạng bức tranh văn hóa Việt Nam, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do vậy, hệ thống chính trị các cấp, nhất là HTCTCS cần phát huy tốt vai trò trong thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới… phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”… tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc… thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”(9).
_________________
Ngày nhận bài: 12-3-2024; ngày bình duyệt: 18-3-2024; ngày duyệt đăng: 02-4-2024.
(1) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình: Báo cáo công tác văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, ngày 15-12-2022.
(2) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên: Tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và nghệ thuật “múa xòe, múa sạp” của dân tộc Thái, ngày 22-10-2020.
(3), (4) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên: Nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội và môi trường văn hóa cơ sở, ngày 03-8-2022.
(5) UBNDtỉnh Hòa Bình: Quyết định số 2587/2016/QĐ-UBND ngày 09-11-2021 Ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
(6) Trích ý kiến tham luận tại hội nghị biểu dương Bí thư chi bộ thôn, bản tiêu biểu vùng Tây Bắc năm 2014, https://www.baohoabinh.com.vn/, ngày 24-9-2014.
(7) Đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành ở Tây Bắc áp dụng công nghệ sản xuất, hạn chế mất an toàn thực phẩm,https://suckhoedoisong.vn, ngày 29-9-2023.
(8) Tà đạo ở Điện Biên và âm mưu lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” bất thành, https://vov.vn/, ngày 05-10-2020.
(9) Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, https://moit.gov.vn/, ngày 24-11-2021.