Quốc tế

Truyền thông chính trị trên môi trường mạng ở một số quốc gia và kinh nghiệm

09/04/2024 09:04

(LLCT) - Cùng với sự phát triển công nghệ, truyền thông chính trị trên môi trường mạng đang ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Hoạt động này đạt nhiều hiệu quả trong việc tiếp cận được số đông người dân với tốc độ nhanh chóng hơn các hình thức tuyên truyền truyền thống. Bài viết đưa ra một số khái niệm về truyền thông chính trị và mạng xã hội, tìm hiểu hoạt động truyền thông chính trị trên môi trường mạng tại một số quốc gia, có thể tham khảo trong việc nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác này trong thời gian tới.

TS TRẦN THỊ QUANG HOA
NGUYỄN DUY QUỲNH
NGUYỄN THU TRANG

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội

NGUYỄN DUY HÀ NGÂN
Trường Đại học Luật Hà Nội

Phóng viên tác nghiệp truyền thông chính tri_Ảnh: TTXVN

1. Truyền thông chính trị và mạng xã hội

Khái niệm truyền thông chính trị

Có nhiều định nghĩa về truyền thông chính trị, tuy nhiên các định nghĩa sau đây được biết đến rộng rãi hơn cả. Theo Richard M.Perloff, truyền thông chính trị là quá trình mà các nhà lãnh đạo quốc gia, các đơn vị truyền thông và người dân tương tác, trao đổi và bàn bạc về nội dung của những thông điệp hoặc những đề xuất liên quan đến các hoạt động chính trị(1).

Theo đó, truyền thông chính trị mang những đặc điểm sau:

Thứ nhất, nó là một quá trình, tức là nó không tự động diễn ra. Đầu tiên, những nhà lãnh đạo cung cấp thông tin cơ bản cho các đơn vị truyền thông, sau đó các thông tin được truyền tải đến người dân. Ở bước này, truyền thông có ảnh hưởng lớn và có tác động đến tư tưởng của quần chúng. Nhưng người dân cũng thông qua các đơn vị truyền thông để đưa ra phản hồi và bày tỏ nguyện vọng của mình. Như vậy, quá trình của truyền thông chính trị là tổng hợp của những tác động qua lại giữa các chủ thể tham gia vào quá trình đó.

Thứ hai, có ba chủ thể chính trong quá trình này, đó là các nhà lãnh đạo, các phương tiện truyền thông và quần chúng. Các nhà lãnh đạo được chia thành nhiều cấp bậc từ trung ương đến địa phương; người được bầu ra, và người được chỉ định,… Các phương tiện truyền thông cũng gồm các thể loại khác nhau, từ các tờ báo nhỏ đến các tờ báo lớn, các đài phát thanh, đài truyền hình và các trang mạng xã hội,… Người dân lại được phân loại theo mức độ quan tâm các vấn đề chính trị, trình độ nhận thức, trình độ học vấn, khả năng tiếp cận với các nguồn thông tin,…

Thứ ba, truyền thông chính trị liên quan đến việc trao đổi, hiểu và tiếp cận các thông điệp chính trị. Các nhà lãnh đạo và người dân có cách hiểu và cách tiếp cận khác nhau về các vấn đề chính trị do họ có địa vị và đóng vai trò khác nhau trong xã hội. Thông thường, chính phủ sẽ coi truyền thông chính trị là một công cụ hữu ích để giúp họ thuyết phục dư luận, từ đó bảo vệ vững chắc cho nền tảng tư tưởng của chính quyền.

Một định nghĩa khác tương đương được đưa ra bởi học giả Pippa Norris cũng rất được quan tâm. Định nghĩa này đã khái quát ngắn gọn về quá trình của truyền thông chính trị. Theo đó, truyền thông chính trị là một quá trình tương tác thông tin giữa những người làm chính trị, các phương tiện thông tin đại chúng và nhân dân. Quá trình này bao gồm hai hướng: hướng từ trên xuống là hướng từ các cơ quan của chính phủ xuống quần chúng và hướng từ dưới lên là hướng từ dư luận đến các cơ quan chức năng(2), như sơ đồ dưới đây:

Sơ đồ 1: Quá trình của truyền thông chính trị

Khái niệm mạng xã hội

Mạng xã hội có thể được hiểu là “một nhóm các ứng dụng dựa trên internet được xây dựng trên nền tảng tư tưởng và công nghệ của Web 2.0, cho phép người dùng tạo ra nội dung của mình và trao đổi với những người dùng khác”(3).

Ở Việt Nam, truyền thông chính trị trên môi trường mạng xã hội là tất cả các hoạt động truyền tải thông tin, tương tác, trao đổi và bàn bạc giữa Đảng, Nhà nước, các đơn vị truyền thông và người dân về nội dung của những thông điệp hoặc những đề xuất liên quan đến các hoạt động chính trị được diễn ra thông qua các ứng dụng dựa trên internet.

2. Hoạt động truyền thông chính trị trên môi trường mạng tại một số quốc gia

Với đặc thù khác nhau trong hệ thống chính trị, hoạt động truyền thông chính trị trên môi trường mạng có sự khác nhau khi thực hiện tại mỗi quốc gia. Tuy nhiên, chúng vẫn có nhiều nét tương đồng trong việc truyền thông chính trị thông qua mạng xã hội để tuyên truyền về đường lối, tư tưởng của đảng cầm quyền và của chính phủ nhằm giúp người dân hiểu và tin tưởng, từ đó gia tăng sự ủng hộ toàn dân.

Tại Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc đã nhận thấy nhiều tiềm năng từ việc sử dụng mạng xã hội trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thời gian qua, hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc thường xuyên được bổ sung phát triển. Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định “Quan điểm phát triển khoa học là sự kết tinh trí tuệ tập thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là tư tưởng chỉ đạo lâu dài của Đảng: “Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng Ba đại diện và phát triển quan khoa học là kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc””(4). Đến Đại hội XIX, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bổ sung tư tưởng Tập Cận Bình và CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới vào hệ tư tưởng, trở thành kim chỉ nam hành động của Đảng, cùng với chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng Ba đại diện, quan điểm phát triển khoa học.

Việc tuyên truyền tư tưởng được Đảng và Nhà nước Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Ngoài các kênh thông tin truyền thống như báo in, đài phát thanh, truyền hình thì nền tảng mạng xã hội như Sina Weibo, các diễn đàn xã hội trực tuyến và báo số đang ngày càng được Đảng và Chính phủ Trung Quốc chú trọng đầu tư và phát triển.

Truyền thông chính trị của Trung Quốc là sự kết hợp giữa các cơ quan thuộc Đảng, Chính phủ, các đơn vị truyền thông, các chuyên gia và các hình thức quảng cáo. Hệ thống truyền thông tại đây là các cơ quan truyền thông được đặt dưới sự định hướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì vậy, thông tin đưa ra luôn luôn có sự thống nhất, đóng vai trò tuyên truyền và củng cố những nội dung đã được Đảng và Chính phủ đưa ra.

Weibo là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc. Kể từ khi facebook và twitter bị hạn chế tại Trung Quốc, Weibo được ra đời như một hình thức thay thế cho các ứng dụng trên, với 586 triệu người dùng mỗi tháng, trong đó 252 triệu người có tương tác hằng ngày(5).

Weibo được sử dụng không chỉ bởi người dùng thông thường mà còn bởi những nghệ sĩ nổi tiếng, giới truyền thông, những người thuộc cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp do nó có tính xác minh nghiêm ngặt. Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã tận dụng sự phổ biến của nền tảng này để tiếp cận được dễ dàng với một số lượng lớn người dân Trung Quốc.

Từ năm 2016, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành yêu cầu trong đó “Internet kết hợp với các dịch vụ thuộc Chính phủ” được coi là “công cụ thiết yếu” để Chính phủ cải thiện và cải tổ lại hệ thống dịch vụ công. Ngay khi yêu cầu được đưa vào thực thi, các bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ tại tất cả các cấp đã tự tạo tài khoản của riêng họ trên Sina Weibo.

Đến cuối năm 2018, Trung Quốc đã có 138.253 tài khoản Weibo thuộc về các cơ quan nhà nước bao gồm các bộ, ban, ngành ở cấp trung ương cho đến các chính quyền tại địa phương(6). Đây được xem như một sự thay đổi mang tính quyết định, thể hiện rằng Chính phủ Trung Quốc đã nhận thấy vai trò quan trọng của mạng xã hội trong việc tìm hiểu và kết nối với dư luận, từ đó tạo ra ảnh hưởng tới công chúng theo định hướng của Đảng và Nhà nước(7). Bằng việc lựa chọn thông tin nào được đưa lên đầu tiên và tần suất xuất hiện ra sao, Chính phủ sẽ thu hút được sự chú ý và định hướng được người dân điều gì là cần thiết, là quan trọng trong mỗi giai đoạn. Thêm vào đó, với sự phản ánh sinh động những thành tựu mà Đảng và Chính phủ Trung Quốc đạt được trong quá trình phát triển đất nước, hoạt động truyền thông đã gây dựng và củng cố niềm tin của người dân với các nhà lãnh đạo của mình.

Tuy nhiên, do mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến từ các thông tin không chính thống, sai sự thật nên Chính phủ Trung Quốc cũng áp dụng nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ, trong đó có việc hạn chế nguồn truy cập Internet và yêu cầu người dùng phải đăng ký chính chủ(8). Thêm vào đó, Luật An ninh mạng quốc gia của nước này được thông qua năm 2016 đã quy định việc tạo ra hoặc phát tán tin sai sự thật trên mạng xã hội đều được xếp vào là một loại tội phạm. Quy định của Hội đồng Nhà nước ban hành năm 2017 yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội chỉ được liên kết và đăng lại các bài báo từ các nguồn truyền thông tin tức đã đăng ký(9). Hội đồng Nhà nước từ năm 2018 đã yêu cầu các trang tiểu blog bác bỏ những tin sai sự thật trên nền tảng của họ, đồng thời cảnh báo người dùng về những tin tức đó(10). Ngoài ra, Trung Quốc cũng đưa ra một ứng dụng cho phép người dân báo cáo những thông tin có nguy cơ là tin giả hoặc tin sai lệch. Ứng dụng này cũng được tích hợp với các nền tảng như Weibo và WeChat nhằm gia tăng khả năng tìm kiếm tin giả trên diện rộng(11).

Như vậy, hoạt động truyền thông chính trị của Trung Quốc thông qua mạng xã hội đã được chú trọng đầu tư và được tiến hành đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị. Công tác này tập trung chủ yếu vào việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho người dân, đồng thời thông tin đậm nét những thành tựu mà Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã làm được, từ đó khiến người dân hiểu và thêm tin tưởng vào con đường mà Đảng Cộng sản Trung Quốc lựa chọn.

Tại Mỹ

Mỹ là một trong những quốc gia tiên phong sử dụng mạng xã hội vào các hoạt động truyền thông chính trị của mình trong khi các nước khác mới bắt đầu đẩy mạnh hoạt động này trong những năm gần đây. Hệ thống các cơ quan truyền thông của Mỹ không trực tiếp đặt dưới sự định hướng và quản lý bởi đảng cầm quyền, vì vậy chính phủ cũng khó kiểm soát và quản lý thông tin hơn, người dân cũng tiếp nhận tin tức từ nhiều hướng và nhiều nguồn khác nhau. Việc truyền thông chính trị của các đảng tại Mỹ tập trung vào các hoạt động làm gia tăng mức độ tin tưởng và ủng hộ trong dân chúng. Vì vậy, họ chú trọng xây dựng hình ảnh của các nhà lãnh đạo và quảng bá, truyên truyền về các hoạt động chính trị của mình. Chính quyền của cựu Tổng thống Obama đã từng chi hơn 8 triệu USD cho chiến dịch xây dựng hình ảnh trên internet và huy động đội ngũ gồm 90 người làm việc cho lĩnh vực này(12).

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đặc biệt quan tâm việc sử dụng các ứng dụng mạng xã hội vào các hoạt động truyền thông về định hướng tư tưởng và tuyên truyền về chính sách nhằm làm gia tăng sự ủng hộ trong dân chúng. Trump được coi là vị tổng thống sử dụng nhiều bài đăng trên twitter nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tất nhiên twitter là một ứng dụng mới xuất hiện, tuy nhiên khi so với người tiền nhiệm của ông Trump là Tổng thống Barack Obama thì tần suất ông sử dụng cao vượt trội hơn hẳn. Ông đã có 11 nghìn bài đăng sau 33 tháng đương nhiệm(13). Mỗi bài đăng của ông lại nhận được hàng nghìn lượt thích, bình luận và chia sẻ(14). Việc người đứng đầu nước Mỹ chủ động làm truyền thông trên các trang cá nhân của mình không còn là điều xa lạ, tuy nhiên đến thời cựu Tổng thống Trump thì nó được phát huy và khai thác nhiều hơn bao giờ hết.

Một trong những nền tảng tư tưởng cơ bản của Đảng Cộng hòa là ưu tiên lợi ích quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia đã luôn được ông Trump đặt lên hàng đầu và hiện thực hóa bằng nhiều chính sách, đồng thời thể hiện rõ trong những chiến dịch truyền thông chính trị của mình.

Đơn cử như khi việc người nhập cư trái phép từ Mexico sang Mỹ trên xe tải bị phát hiện, Trump đã đăng lời cảnh báo trên twitter rằng Mỹ sẽ đóng cửa biên giới nếu việc này tiếp tục tiếp diễn. Ban đầu, phản ứng của người dân trước thái độ của ông Trump rất trái chiều, người ủng hộ nhưng người lại cực lực phản đối. Để gia tăng sự ủng hộ, tin tưởng của người dân và để bảo vệ quan điểm của đảng do ông làm đại diện, ông Trump lại tiếp tục sử dụng twitter để nhấn mạnh đến những đe dọa về an ninh và lợi ích quốc gia, về việc làm đối với công dân Mỹ nếu người nhập cư trái phép từ Mexico tiếp tục tràn vào nước này. Thêm nữa, để tránh bị coi là phân biệt chủng tộc, Trump tiếp tục đăng những nội dung twitter ca ngợi sự nỗ lực hết mình để phấn đấu trở thành công dân Mỹ một cách hợp pháp của cộng đồng người dân nhập cư. Ông cũng chỉ ra rằng nhập cư trái phép là không công bằng với những người đã nhập cư một cách hợp pháp, đồng thời tiếp tục nhấn mạnh, ông sẵn sàng chào đón dân nhập cư nhưng phải bằng con đường hợp pháp(15). Mặc dù vấn đề này từng làm đau đầu giới chức Mỹ và những tranh cãi về nó vẫn chưa chấm dứt nhưng sự ủng hộ và tin tưởng với chính quyền của ông Trump đã được tăng lên đáng kể, đồng thời lập trường, quan điểm của Đảng Cộng hòa về an ninh và lợi ích quốc gia vẫn tiếp tục được bảo vệ.

Do các cơ quan truyền thông tại Mỹ không nằm dưới sự chỉ đạo của đảng nên các đảng cầm quyền của nước này khó có thể định hướng được các luồng thông tin. Vì vậy, tập trung cung cấp thông tin các hoạt động và mức độ hiệu quả của Chính phủ, đồng thời chú trọng xây dựng hình ảnh tốt đẹp của các nhà lãnh đạo nhằm giúp người dân hiểu và tin tưởng là một trong những phương thức chủ yếu của các đảng cầm quyền.

Bên cạnh khai thác những lợi ích từ việc sử dụng truyền thông chính trị trên môi trường mạng mang lại đối với đảng cầm quyền, Chính phủ Mỹ cũng đã đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế các thông tin sai lệch, cụ thể là ban hành các đạo luật quy định các cơ quan, các đơn vị, các tổ chức truyền thông trực tuyến phải chịu trách nhiệm trước tất cả những nội dung mà mình đăng tải(16). Bên cạnh đó, Chính phủ nước này cũng đầu tư ngân sách vào nghiên cứu các phần mềm hoặc các ứng dụng phát hiện tin giả trên internet và vào các chương trình giáo dục để người dân nâng cao nhận thức, tự mình phân biệt được tin tức chính thống và các luồng thông tin sai sự thật(17).

Tại một số quốc gia khác

Tại Đức, các nhà lãnh đạo thật sự quan tâm đến ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động chính trị của mình từ năm 2010 và hầu hết họ đều sử dụng các ứng dụng xã hội để cập nhật các công việc và hoạt động chính trị của đảng cầm quyền và chính phủ, nêu lên quan điểm, giữ mối quan hệ với những người theo dõi trang và để thông báo về các sự kiện chính trị đã, đang và sắp diễn ra. Tại một số nước, nhiều chính trị gia thậm chí còn sử dụng các kênh này là nguồn mà họ tìm kiếm những gợi ý, những sáng kiến từ các chuyên gia chính trị thông qua các chủ đề thảo luận mà họ sẽ đăng trực tiếp trên trang cá nhân của mình. Các hình thức sử dụng mạng xã hội phổ biến trong truyền thông chính trị tại Đức bao gồm: facebook, twitter (tiểu blog), flickr (chia sẻ hình ảnh) và youtube (chia sẻ video). Các học giả ở Đức cũng nhận định rằng, người trẻ hiện nay dành phần lớn thời gian cho mạng xã hội hơn là xem tivi hoặc đọc báo, vì vậy mà các nhà lãnh đạo nên sử dụng các kênh này để tiếp cận với nhóm đối tượng trẻ giúp họ hiểu tư tưởng của đảng cầm quyền và chính phủ, từ đó chủ động tham gia vào các vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội(18).

Tại Ôxtrâylia, các chính trị gia đã nhận thấy lợi ích mà mạng xã hội mang lại nên họ rất quan tâm đến việc sử dụng ứng dụng này vào việc truyền thông chính trị của mình. Các nhà lãnh đạo của Ôxtrâylia có thể chủ động làm truyền thông chính trị thông qua các trang cá nhân của mình. Những nhà lãnh đạo có mật độ sử dụng mạng xã hội cao hơn so với những người dùng khác.

Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra cách thu hút lượt người xem là những chính trị gia phải đưa ra được những nội dung mà người khác có thể bàn luận được. Tiếp theo, nếu chính trị gia đó trả lời những bình luận của người xem một cách kịp thời thì gần như chắc chắn là nội dung bài đăng của người này sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm hơn của dư luận và những người dùng khác sẽ lại tiếp tục đăng tải lại bài viết đó. Như vậy, thông điệp được đưa ra sẽ lan tỏa và tạo ra được sự ảnh hưởng đến dân chúng, từ đó định hướng tư tưởng của người dân.

Mục đích sử dụng mạng xã hội tiếp theo được các học giả tại Ôxtrâylia ghi nhận đó là thu thập thông tin từ dư luận. Các nhà lãnh đạo có thể nhận được những ý kiến phản hồi và quan trọng là nắm bắt được suy nghĩ của người dân. Thông qua các trang mạng xã hội, những hoạt động và các chính sách mới từ phía Chính phủ được thông báo rộng rãi tới người dân để giúp cả hai bên tranh luận, bàn bạc và có những sửa đổi phù hợp với ý nguyện của dân chúng(19).

Tuy nhiên, cũng tương tự như các nước khác, Đức và Ôxtrâylia cũng phải tìm kiếm nhiều biện pháp nhằm chống lại các thông tin xuyên tạc, sai lệch. Điển hình như tại Đức, các học giả nước này đã đề xuất một mô hình có thể giúp những nhà quản lý giám sát được thông tin đăng tải. Theo đó, theo dõi thông tin trên twitter dễ dàng hơn cả vì nội dung của mỗi người dùng đều được đăng công khai. Tuy nhiên, facebook lại không làm được điều này do phần lớn những người sử dụng luôn thiết lập quyền riêng tư, vì vậy, chỉ có thể đọc được bài trên “tường” của những tài khoản công khai. Với giới hạn như vậy, chính phủ có thể tiếp cận những nhóm (groups) hoặc những trang (pages) có nội dung liên quan đến chính trị để tìm hiểu nguồn thông tin đăng tải.

Tương tự với các blog chính trị, các nhà quản lý cần xác định blog nào có tầm ảnh hưởng để xem xét nội dung được đăng trên đó. Việc theo dõi thông tin có thể được tiến hành như sau: Đầu tiên là định dạng loại thông tin thông qua nhận dạng của bài đăng (ID), thời gian đăng, tên người dùng, nội dung bài đăng, v.v.. Thứ hai là cách tiếp cận thông tin. Ở bước này các nhà quản lý có thể dùng phương pháp tìm kiếm theo từ khóa để xác định các đối tượng đang thảo luận về một nhân vật hoặc một chủ đề chính trị. Bên cạnh đó, để biết được lập trường chính trị của những hội, nhóm, cá nhân có vững vàng hay không thì có thể xem xét bài đăng của họ ở một thời điểm bất kỳ rồi so sánh nó với bài đăng về cùng chủ đề ở thời điểm khác(20).

Việc theo dõi, giám sát thông tin như vậy sẽ giúp người dân tránh bị các thông tin sai lệch hoặc không đúng sự thật tác động đến nhận thức và suy nghĩ, đồng thời cũng giúp các nhà lãnh đạo dự đoán được những vấn đề sẽ trở nên nổi cộm trong tương lai và hiểu được ý kiến của người dân ra sao để có thể đưa ra chiến lược phù hợp.

Như vậy, giới lãnh đạo tại Đức và Ôxtrâylia đã sử dụng các trang mạng xã hội vào thực hiện truyền thông chính trị để tiếp cận nhanh chóng với người dân, đặc biệt là với nhóm dân số trẻ. Cách thức tiếp cận này giúp thông tin được truyền tải một cách nhanh chóng, đồng thời cũng là một kênh hiệu quả trong việc thu nhận phản hồi và lắng nghe suy nghĩ của người dân.

3. Kết luận

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động truyền thông chính trị trên mạng xã hội được coi như một xu hướng tất yếu. Dù có sự khác biệt về thể chế chính trị nhưng đặc điểm chung có thể nhận ra từ thực tế tại các nước là thường tập trung vào các nhiệm vụ chính, bao gồm tuyên truyền, giáo dục nhận thức, xây dựng hình ảnh của các nhà lãnh đạo và nhấn mạnh thành tựu đã đạt được của đảng và chính phủ nhằm giúp dân chúng luôn có nhận thức đúng đắn và niềm tin vững vàng. Biện pháp này đã được áp dụng dưới nhiều hình thức, thông qua nhiều nền tảng, nhằm tiếp cận người dân trên diện rộng, đặc biệt là đối với nhóm dân số trẻ. Đồng thời, các chính phủ đều quan tâm các biện pháp quản lý các nguồn thông tin, ngăn chặn các thông tin xấu độc. Vì vậy, có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này, đặc biệt chú trọng công tác xây dựng hình ảnh lãnh đạo, những người có uy tín, tầm ảnh hưởng trong cộng đồng trên các mạng xã hội để thông tin, lan tỏa cũng như phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và các thành tựu đã đạt được.

_________________

Ngày nhận: 02-4-2024; Ngày bình duyệt: 4-4-2024; Ngày duyệt đăng: 9-4-2024.

(1) Richard M.Perloff: Political Communication: Politics, Press, and Public in America. Routledge, Northwestern, the U.S, 2008.

(2) Norris Pippa: Political Communication. International Encyclopedia of the Social & Behavioral Sciences. Elsivier, Netherlands, 2001.

(3) A.M Kaplan & M.Haenlein: Users of the World, Unite! the Challenges and Opportunities of Social Media, Bus. Horiz. 53 (1) (2010) 59-68.

(4) Nguyễn Minh Tuấn: Những chặng đường phát triển hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tạp chí Lý luận chính trị, số 3- 2013.

(5) Thomala, L.Lai: “Weibo’s daily active users Q4 2018-Q4 2022”,Statista, https://www.statista.com, truy cập ngày 06-11-2023.

(6) CNNIC: The 43rd Chinese statistics report on Internet development, February 2019, China Internet Network Information Center, Beijing, China, 2019.

(7) Qingning Wang: Using social media for agenda setting in Chinese government’s communications during the 2020 COVID-19 pandemic, Journal of Communication Inquiry, Vol 46 (4), https://doi.org/10.1177/01968599221105099, truy cập ngày 06-11-2023.

(8) Dakuo Wang and Gloria Mark: ACM Transactions on Computer-Human Interaction, Vol 22 (6), pp.1-22.

(9) Yang, Yu and Fei, Huang K.: China dealing with the impact of fake news: roles of governments in the “post-truth” predicament, Open edition journals, https://journals.openedition.org/ctd/5960, truy cập ngày 08-12-2023.

(10) Xinhua: New regulation of Cyberspace Administration of China: Microblogging service providers should establish and improve rumor-refutation mechanisms, Xinhua.cn, 2018.

(11) Reuters: China launches platform to stamp out 'online rumors', Reuters, https://www.reuters.com/article/us-china-internet/china-launches-platform-to-stamp-out-online-rumors-idUSKCN1LF0HL, truy cập ngày 08-12-2023.

(12) Adam Nagourney: In Election’s Wake, Campaigns Offer a Peek at What Really Happened, The New York Times, www.nytimes.com/2008/12/09/us/politics/09webnagourney.html, truy cập ngày 15-10-2023.

(13), (15) Shear, Michael D. et al: How Trump Reshaped the Presidency in Over 11,000 Tweets, New York Times, New York, the U.S. https://www.nytimes.com/interactive/2019/11/02/us/politics/trump-twitter-presidency.html, truy cập ngày 23-10-2023.

(14) Lerman, Rachel: Trump says Twitter is trying to ‘silence’ conservatives. His growing number of followers suggests otherwise. https://www.washingtonpost.com/technology/2020/05/28/trump-twitter-by-numbers/. Washington Post, Washington, the U.S, truy cập ngày 30-10-2023.

(16) Jacob, Leslie G.: Freedom of speech and regulation of fake news, The American Journal of Comparative Law, Vol 70 (1), 2022, pp. i278-i311.

(17) West, Darrell M.: How to combat fake news and disinformation, Brookings Institute, https://www.brookings.edu/articles/how-to-combat-fake-news-and-disinformation/, truy cập ngày 08-12-2023.

(18) Ionid, Alexandra and Mlitaru, Gheorghe: Social Media Strategies for Organizations Using Influencers’ Power. European Scientific Journal, 2015.

(19) Grant et al: Digital Dialogue? Australian Politicians’ use of the Social Network Tool Twitter. Australian Journal of Political Science, Australia, 2010.

(20) Stefan Stieglitz and Linh Dang-Xuan: Social Media and Political Communication: A Social Media Analytics Framework, University of Muenster, Muenster, Germany, 2012.