Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam gắn với chuyển đổi số
(LLCT) - Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chủ trương lớn của Đảng, là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Bài viết phân tích quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia; từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số hiện nay.
TS ĐẶNG VIẾT ĐẠT
Học viện Chính trị khu vực IV
1. Mở đầu
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là nội dung quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quá trình này đặt ra những yêu cầu để Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, bộ máy, cơ chế vận hành và môi trường nhằm bảo đảm các điều kiện để chuyển đổi số thành công, góp phần tích cực vào phát triển đất nước.
2. Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
Đại hội XIII của Đảng xác định “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động”(1), mục tiêu này đặt ra các yêu cầu sau:
Hoàn thiện tổ chức, bộ máy và hoạt động nhà nước để thể hiện tốt vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, bảo đảm đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững; Các cơ quan nhà nước phải thực sự trong sạch, không tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch. Vì thế, trong tổ chức và hoạt động Nhà nước pháp quyền phải luôn bảo đảm “trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, tính dự đoán được và sự tham gia”(2); Mọi quyết sách của Nhà nước phải thống nhất giữa “lời nói” và “hành động”; cán bộ, công chức phải “nói đi đôi với làm”, chủ động, quyết liệt, đi đầu trong thực hiện các chính sách công, tận tâm vì nhân dân, vì sự phồn vinh của xã hội và hưng thịnh của đất nước. Yêu cầu này hướng đến mục tiêu Nhà nước pháp quyền phục vụ nhân dân và xã hội ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn.
Để thực hiện yêu cầu này, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, gồm cả hoàn hiện thiện hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cơ chế vận hành. Trong đó, việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số nhằm thay đổi tư duy, thói quen của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công vụ, thay đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp, thay đổi việc cung ứng các dịch vụ công theo hướng hiện đại, thân thiện, dễ tiếp cận và thuận tiện.
Những yêu cầu này sẽ được đáp ứng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, quá trình này bao gồm thực hiện các nhiệm vụ kép, là: chuyển đổi số trong khu vực công mà trọng tâm là xây dựng chính phủ số; chuyển đổi số trong khu vực thị trường mà trọng tâm là xây dựng kinh tế số và chuyển số trong hoạt động của người dân mà trọng tâm là xây dựng xã hội số.
3. Tác động từ chuyển đổi số với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Quá trình chuyển đổi số trực tiếp góp phần quan trọng thực hiện được các mục tiêu trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay, đó là:
Thứ nhất, chuyển đổi số thúc đẩy nhanh thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động Nhà nước và quản lý xã hội
Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ là một trong những yêu cầu quan trọng của nhà nước phục vụ, trong đó, cán bộ, công chức phải có nghĩa vụ giải đáp định kỳ những việc họ đã sử dụng thẩm quyền, sử dụng nguồn lực và kết quả đạt được; bên cạnh trách nhiệm giải trình nội bộ, là trách nhiệm giải trình ra bên ngoài nhằm bảo đảm sự kiểm soát từ bên ngoài đối với chất lượng cung ứng các dịch vụ công. Ngoài ra, phải có cơ chế quy trách nhiệm cá nhân cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, đồng thời cá biệt hóa trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính.
Thứ hai, chuyển đổi số thúc đẩy nhanh quá trình tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế hành chính, tăng cường sự tham gia của khu vực tư; mang lại sự thuận tiện cho người dân
Để bảo đảm tính phục vụ, bộ máy nhà nước tinh giản, gọn nhẹ, năng động, linh hoạt đáp ứng quản trị rủi ro trong bối cảnh kinh tế - xã hội luôn biến đổi. Trong đó, cơ quan nhà nước phải xác định rõ việc gì Nhà nước cần đảm nhiệm, việc gì cần giao khu vực tư nhân cùng tham gia với Nhà nước, việc gì cần chuyển giao hoàn toàn cho khu vực tư nhân; nâng cao năng lực quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; giảm thiểu đầu mối quản lý. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp trong tổ chức thi hành chính sách và pháp luật; bảo đảm công tác tổ chức cán bộ được tập trung, dễ kiểm soát, khắc phục những sai phạm, tiêu cực.
Việc ứng dụng, công nghệ hiện đại sẽ dần thay thế các hoạt động tác nghiệp thủ công, do đó biên chế hành chính được tinh giản; chi phí vận hành bộ máy nhà nước sẽ giảm xuống. Đây là một trong những điều kiện tốt để Nhà nước thực hiện công khai, minh bạch, từ đó tự kiểm soát hệ thống và tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, xã hội kiểm tra, giám sát tốt hoạt động của Nhà nước(3).
Các ứng dụng và tiện ích của công nghệ số sẽ được tích hợp vào thiết bị máy tính có kết nối internet băng thông cao, các thiết bị di động cầm tay, điện thoại thông minh, v.v... cùng với các thiết bị chuyên dụng để quản lý, điều hành trực tuyến. Các thiết bị thông minh, tự động với ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) dần thay thế con người trong thực hiện các tác vụ có tính chất lặp đi, lặp lại, giản đơn trong tác nghiệp hành chính, nhằm cung ứng dịch vụ công được thực hiện trực tuyến (online), tự động và khép kín, với chất lượng phục vụ tốt hơn. Đây chính là cơ sở để Nhà nước thúc đẩy tinh giản biên chế hành chính, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản, gọn nhẹ.
Thứ ba, chuyển đổi số thúc đẩy nâng cao năng lực hoạch định, thực thi chính sách, đẩy nhanh việc thực hiện quản trị tốt, quản trị dân chủ, quản trị thông minh trong quản trị quốc gia, từ đó góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam kiến tạo phát triển.
Chức năng kiến tạo xã hội phát triển của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nhằm kích thích, dẫn dắt, tạo dựng thể chế phát triển, môi trường (chính trị, pháp lý, văn hóa, xã hội), hạ tầng, nguồn lực, v.v.. cho các chủ thể trong xã hội phát huy tối đa khả năng sáng tạo, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực, biến các nguồn lực đó thành động lực của sự phát triển. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Đảng ta là xóa bỏ tư duy bao cấp, mệnh lệnh hành chính, lấy bản thân nhà nước là trung tâm mà thay vào đó là tư duy tự chủ, tự chịu trách nhiệm, định hướng, hợp tác, phối hợp, phục vụ, lấy nhân dân là trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển đất nước”(4); “có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(5). Từ đó tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì dân, vì nước, vì sự phồn vinh của dân tộc.
Để xây dựng nền hành chính phục vụ, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức cách mạng. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; công khai, minh bạch và thực hiện tốt trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.
Đẩy mạnh chuyển đổi số thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ số. Theo đó, Chính phủ (rộng hơn là Nhà nước) được tổ chức và vận hành theo hướng “mở”, tương tác mạnh với xã hội, thị trường. Chính phủ được thiết kế hướng đến tính minh bạch trong các hoạt động của Chính phủ, khả năng tiếp cận các dịch vụ và thông tin của Chính phủ và đáp ứng của Chính phủ với những ý tưởng, nhu cầu mới. Các yếu tố này được xây dựng cùng nhau để hỗ trợ và mang lại một số lợi ích cho Nhà nước và xã hội như: cải thiện cơ sở dữ liệu cho hoạch định chính sách, tăng cường tính toàn vẹn, giảm thiểu tham nhũng và xây dựng lòng tin của nhân dân với Nhà nước.
Trong bối cảnh này, Nhà nước còn có thể sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để kết nối với công dân hoặc các doanh nghiệp nhằm tương tác và trao đổi thông tin với nhau; trong đó, Nhà nước phải đáp ứng yêu cầu: truy cập dịch vụ công nhanh chóng và dễ dàng; thông tin/dịch vụ Chính phủ thời gian thực; các ứng dụng mạng xã hội để tăng cường sự tương tác giữa Nhà nước và người dân; sử dụng dữ liệu mở; bảo đảm sự minh bạch của chính phủ số(6).
Bên cạnh đó, đội ngũ tư vấn chính sách của Chính phủ không chỉ có các chuyên gia mà còn có sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ hiện đại, như: AI, rôbốt, dữ liệu lớn (Big Data), IoT, v.v.. Thông qua ứng dụng công nghệ xử lý Big Data, Chính phủ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, xử lý khối lượng Big Data làm cơ sở để mô phỏng, dự báo và xây dựng các kịch bản quản trị, từ đó nâng cao năng lực quản trị, ứng phó với rủi ro tốt hơn. Big Data và việc phân tích Big Data giúp Chính phủ có cái nhìn sâu sắc và toàn diện về các vấn đề xã hội.
Một số xu hướng liên quan đến sự tăng trưởng của Big Data không chỉ góp phần vào sự tăng trưởng mà còn cung cấp một phần giải pháp để quản lý các bộ Big Data, ví dụ: y tế điện tử, quản lý những vấn đề phát sinh khi xảy ra thiên tai, v.v.. Thông qua đó, Chính phủ ban hành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn hơn, chi phí thấp; các báo cáo đánh giá tác động chính sách, pháp luật được thực hiện chính xác và đầy đủ hơn; các dự báo trong tương lai được phân tích đầy đủ và chính xác hơn;... từ đó các kịch bản chính sách được Chính phủ xây dựng đầy đủ để có thể ứng phó kịp thời, hiệu quả với các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai, từ đó nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp được xác định rõ và đáp ứng kịp thời, nhanh nhất, chính xác nhất(7).
4. Một số vấn đề đặt ra đối với xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17-4-2020 của Chính phủ về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 52- NQ/TW; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Quyết định số 749/QĐ-TTg xác định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định”; “Người dân là trung tâm của chuyển đổi số”; “Thể chế và công nghệ là động lực”; “Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá”; “Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt”; “sự tham gia của người dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số”.
Vì thế, thực hiện quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra những yêu cầu từ xã hội và Nhà nước, là: (1) sự tham gia tích cực của người dân và toàn xã hội, trong đó khu vực công (cụ thể là Nhà nước) phải tiên phong, đi đầu trong chuyển đổi số (từ đổi mới tư duy, đến kiến tạo thể chế, hạ tầng, nguồn lực, các dịch vụ công cơ bản và cơ chế quản lý, điều hành trên môi trường số); (2) thay đổi thói quen của các chủ thể trong xã hội từ trạng thái xã hội truyền thống (thủ công) sang xã hội số (hiện đại, tự động); (3) bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân, v.v..
Những yêu cầu này đặt ra cho Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam những nhiệm vụ cần giải quyết trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, cụ thể:
Thứ nhất, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế phát triển, gồm cả thể chế số
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, một trong những nguồn gốc nghèo đói và thịnh vượng xuất phát từ chất lượng thể chế: “Các nước có thành công kinh tế khác nhau là do các thể chế và các quy tắc khác nhau tác động đến sự vận hành của nền kinh tế và động cơ của dân chúng một cách không giống nhau”(8). Trong đó, thể chế dung hợp - Inclusive Institution (đối lập với thể chế chiếm đoạt - Extractive Institution) được cho là phù hợp nhất vì: Về mặt kinh tế, thể chế dung hợp “tạo ra các thị trường dung hợp, không chỉ cho phép dân chúng tự do theo đuổi các thiên hướng nghề nghiệp trong cuộc sống theo cách phù hợp nhất với tài năng của họ mà còn mang lại một sân chơi bình đẳng, tạo cho họ cơ hội để làm điều đó”(9); Về mặt chính trị, thể chế dung hợp “làm cho quyền lực được phân phối rộng rãi trong xã hội và hạn chế sử dụng quyền lực”(10). Do vậy, thể chế dung hợp là thể chế phù hợp với nhiều mô hình xã hội đương đại vì phát huy tốt các nguồn lực cho phát triển xã hội.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra rất nhiều cơ hội và thách thức. Nếu mỗi quốc gia chủ động, tích cực phát huy những lợi thế của mình, đổi mới, thay đổi, hoàn thiện thể chế sẽ biến những thách thức thành cơ hội để “vươn tầm” phát triển, vì “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số chỉ có thể được tận dụng khi có thể chế thích hợp”(11).
Vì vậy, để chuyển đổi số thành công, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển. Trong đó, tập trung vào xây dựng hệ thống thể chế Chính phủ số, thể chế kinh tế số và thể chế xã hội số, nhằm xác lập rõ về: quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia vào hoạt động Chính phủ số, kinh tế, xã hội số; bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; quy định về chữ ký số; văn bản điện tử và các giao dịch điện tử; giao dịch tài chính điện tử; quy định về định danh, xác thực điện tử; v.v..
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển, đặc biệt là thể chế số, Nhà nước cần chú trọng đến các vấn đề sau:
Một là, Nhà nước phải thay đổi cách thức quản trị để có thể phản ứng/xử lý/giải quyết các vấn đề xã hội nhanh hơn, hợp lý hơn, dân chủ hơn, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình hơn. Thực tế này đòi hỏi hoàn thiện các quy định về quyền làm chủ của người dân và các phương thức thực hành dân chủ phù hợp, như: công nhận bầu cử qua mạng; trưng cầu dân ý qua mạng; v.v..
Hai là, Nhà nước phải quy định rõ về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý và các biện pháp chế tài khi xảy ra các vi phạm pháp luật, như: quy trách nhiệm cho cá nhân sở hữu rôbốt hay các phương tiện tự hành (xe tự lái) khi gây hậu quả xấu cho người khác; quy định các chế tài đối với những vi phạm trên môi trường mạng; gian lận thương mại trong thương mại điện tử, giao dịch điện tử, v.v.. các chế tài này phải đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các tội phạm công nghệ cao, tội phạm an ninh mạng, tội phạm trên môi trường ảo; v.v.. vì hậu quả gây ra của các đối tượng phạm tội này tác động trên phạm vi rộng và gây tổn thất lớn cho xã hội.
Ba là, Nhà nước cần quy định rõ địa vị pháp lý của rôbốt khi rôbốt thế hệ mới có khả năng tư duy gần như con người được sử dụng phổ biến trong giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, quân sự, giải trí,… Đồng thời, Nhà nước phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ cho các chủ thể pháp luật mới này trong quan hệ với con người.
Bốn là, Nhà nước cần hoàn thiện các quy định pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, quyền tác giả, an toàn thực phẩm,… khi công nghệ in 3D, 4D được sử dụng phổ biến trong thiết kế, sản xuất linh kiện, cấu kiện, vật phẩm công nghiệp, tiêu dùng, bao gồm từ đồ vật, xe cộ, máy móc, nhà ở… đến thực phẩm và cả các bộ phận cơ thể người.
Năm là, Nhà nước cần quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin cá nhân, bảo vệ an toàn thông tin, an ninh mạng, v.v.. khi Internet vạn vật được sử dụng phổ biến trong việc tạo ra các thiết bị, ứng dụng, hệ thống và cơ sở hạ tầng thông minh (bãi đỗ xe, nhà ở, công xưởng, cơ sở chăm sóc y tế, công ty dich vụ ..) và trong quản lý nhà nước (giao thông, môi trường, an ninh…).
Sáu là, Nhà nước một mặt phải thừa nhận một số quan hệ xã hội mới, như: công nhận, áp dụng công nghệ chuỗi khối để lưu giữ hồ sơ công dân; chỉnh sửa gen và nhân bản (để chống lại một số căn bệnh hiểm nghèo và phục vụ trong nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu); v.v.. Nhà nước cũng phải “đủ khả năng” quản lý, ngăn chặn và khắc phục những rủi ro từ thực tế này như: giao dịch tiền ảo, đánh bạc trực tuyến, khủng bố, lừa đảo; giao dịch “phi biên giới”, thậm chí “phi chủ thể”; lạm dụng nhân bản vô tính; v.v..
Thứ hai, thúc đẩy quá trình hoàn thiện hạ tầng số và nhân lực số
Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, Nhà nước cần tập trung phát triển hạ tầng số, nhân lực số:
Một là, chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6); đến năm 2025 triển khai phổ biến mạng 5G, đến năm 2030 triển khai phổ biến mạng 6G.
Hai là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: dân cư; đất đai; doanh nghiệp; hạ tầng không gian địa lý, bảo hiểm, y tế, an sinh xã hội, tài chính, giáo dục, đào tạo, nông nghiệp, giao thông…; triển khai các trung tâm dữ liệu ở các vùng, các khu vực.
Ba là, phát triển hệ sinh thái điện toán đám mây (Cloud computing) phục vụ Chính phủ số gồm: đám mây Chính phủ (CGC); đám mây của các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương (AGC); đám mây của các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu nghiệp vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ chính phủ số (EGC).
Bốn là, tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để họ hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số và sự cần thiết thay đổi từ bên trong nội bộ cơ quan, chính quyền các cấp. Đồng thời, đổi mới nhận thức của cán bộ lãnh đạo trong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của chính quyền. Rà soát, cập nhật khung năng lực, chuẩn kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Đưa nội dung đào tạo về kỹ năng số vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Năm là, đẩy mạnh đào tạo, tuyên truyền về chuyển đổi số, công nghệ số để người dân hiểu và ủng hộ Chính phủ trong công tác triển khai Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chú trọng đến kiến thức, kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng; Đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia triển khai chuyển đổi số tại Việt Nam; xây dựng mạng lưới chuyên gia về chuyển đổi số để chia sẻ tri thức, phối hợp giải quyết các vấn đề lớn.
Thứ ba, thúc đẩy quá trình hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền con người trong môi trường số
Quá trình chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi không gian và thời gian trong các quan hệ xã hội, điều này thể hiện ở chỗ: (1) hợp nhất các công nghệ đã làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học; (2) tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ làm các quan hệ xã hội thay đổi không theo tuần tự mà có những bước nhảy vượt bậc theo cấp số nhân; (3) quan hệ giữa người với rôbốt và giữa rôbốt với rôbốt được hình thành và ngày càng phổ biến; (4) thay đổi về không gian của các quan hệ pháp luật: xuất hiện các giao dịch “phi biên giới”, thậm chí “phi chủ thể”. Chủ thể thực hiện các hoạt động truyền thông, quảng cáo; các hành vi, hoạt động thương mại, các giao dịch dân sự, v.v.. không bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ quốc gia và một chủ thể pháp lý thông thường(12); v.v.. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải hoàn thiện các chế định pháp luật về bảo đảm quyền con người:
Một là, các vấn đề về bảo đảm quyền con người cần được quan tâm một cách nghiêm túc và toàn diện trong quá trình chuyển đổi số, trong đó chú trọng đến bảo đảm quyền riêng tư trên mạng, quyền bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên không gian mạng.
Hai là, bảo vệ quyền người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; xử lý các hành vi xâm phạm đến quyền con người như: lừa đảo (deepfake), chiếm đoạt tài sản, tấn công và xâm phạm danh dự trên mạng, v.v..
Ba là, thay đổi về thời gian của các quan hệ pháp luật: cách tính thời gian làm việc, nghỉ ngơi không còn phù hợp; cách xác định thời điểm có hiệu lực của các giao dịch dân sự…(13).
5. Một số kiến nghị
Với những đặc điểm nêu trên, chuyển đổi số và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có mối quan hệ chặt với nhau, tương trợ và bổ sung cho nhau, cả hai quá trình này đều vì con người, lấy sự tiến bộ, phát triển con người là trung tâm, trong đó chuyển đổi số cần sự tham gia tích cực của người dân, sự hoàn thiện thể chế số và hoàn thiện các phương thức cung cấp dịch vụ phục vụ cho người dân tốt hơn; trong khi đó xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền phải nhằm hoàn thiện pháp luật, bảo đảm thượng tôn pháp luật và bảo đảm tốt quyền con người. Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân phải luôn chú trọng đến mối quan hệ này.
Để thực hiện tốt chuyển đổi số trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới cần tập trung giải quyết các vấn đề sau:
Thứ nhất, Quốc hội tiếp tục nghiên cứu sửa Luật Lưu trữ (năm 2011), trong đó quy định cụ thể về lưu trữ điện tử; xây dựng và ban hành Luật Chính phủ số, Luật Kinh tế số và Luật Xã hội số.
Thứ hai, Chính phủ sửa đổi các quy định hiện hành về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành, quản lý và mục tiêu phát triển của cơ quan, địa phương, đơn vị. Đưa kết quả triển khai chuyển đổi số thành chỉ tiêu đánh giá của các ngành, các cấp và địa phương, nhằm cụ thể hóa nội dung “người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách”(14).
Thứ ba, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế số, trong đó tập trung vào các nội dung sau: (1) hoàn thiện pháp luật và kiến trúc tiêu chuẩn hệ thống thông tin quốc gia nhằm chia sẻ thông tin, quản lý chất lượng thông tin thống nhất, trong đó tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu số quốc gia; (2) duy trì, cập nhật Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam, từ đó chỉ đạo các bộ, các ngành, các địa phương xây dựng, triển khai Kiến trúc chính quyền số đồng bộ trên quy mô toàn quốc, bảo đảm kết nối, liên thông, đồng bộ; (3) xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp trong triển khai chuyển đổi số; (4) hoàn thiện cơ chế tài chính đầu tư cho dự án công nghệ số nhằm thúc đẩy việc triển khai dự án, trong đó chú trọng đến phương thức đối tác công - tư, xã hội hóa và đầu tư sử dụng công; tập trung nguồn lực đầu tư vào một số công nghệ lõi mà Việt Nam có lợi thế, có khả năng bứt phá mạnh mẽ như: trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big data); (5) hoàn thiện cơ chế ưu đãi về vốn, thuế nhằm phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp số, thương mại điện tử, tài chính điện tử, ngân hàng điện tử, v.v..
6. Kết luận
Cùng với xu hướng xã hội đương đại, chuyển đổi số quốc gia gắn với xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi từ mô hình quản lý sang mô hình quản trị, phục vụ ngày càng phổ biến trong khu vực công, phù hợp với yêu cầu dân chủ hóa đời sống kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
_________________
Ngày nhận bài: 3-3-2024; Ngày bình duyệt: 5-3-2024; Ngày duyệt đăng: 10-4-2024.
(1), (4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.284, 178, 179.
(2) S.Chiavo - Campo và P.S.A. Sundaram: Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003 tr.12.
(3), (6), (7) Trương Hồ Hải, Đặng Viết Đạt:“Quản trị nhà nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong sách Đặng Minh Tuấn (Chủ biên): Pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.350, 348-349, 349-350.
(8), (9), (10) Daron Acemoglu và James A.Robinson: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói: Tại sao các quốc gia thất bại, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2013, tr.107, 111, 117.
(11) Think Tank Vinasa: Việt Nam thời chuyển đổi số, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019 tr.415.
(12), (13) Nguyễn Thị Quế Anh - Ngô Huy Cương (Đồng chủ biên): Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.67-68, 69-70.
(14) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 749/QĐ-TTg Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngày 03-6-2020.