Sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định chiến thắng Điện Biên Phủ
(LLCT) - Cách đây 70 năm, dân tộc Việt Nam đã làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ năm 1954, là chiến thắng của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” - một quyết định chính xác mang tính lịch sử, khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo trong chỉ đạo chiến dịch của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Bài viết phân tích, làm rõ cục diện trên chiến trường Đông Dương; sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ.
TS PHAN SỸ THANH
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Một trích đoạn trong bức tranh panorama về Chiến dịch Điện Biên Phủ được trao giải nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022 - Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
1. Mở đầu
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã làm nên những kỳ tích của thế kỷ XX, trong đó, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một mốc son chói lọi. Sự thất bại của quân Pháp trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ được đánh giá là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của chế độ thuộc địa và vị thế cường quốc quân sự của Pháp. Thắng lợi của một dân tộc nhỏ có nền kinh tế nông nghiệp còn lạc hậu trước một nước tư bản phát triển đã làm thế giới ngạc nhiên, thán phục. Nguyên nhân của thắng lợi đã được nhìn nhận khác nhau nhưng vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều không thể phủ nhận.
2. Tình hình trên chiến trường Đông Dương
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì đàm phán với Pháp, thậm chí, chấp nhận nhân nhượng Pháp một số quyền lợi về kinh tế và văn hóa để đẩy lùi chiến tranh. Tuy nhiên, “những cố gắng của Người cho đến những giây phút cuối cùng đã không ngăn chặn được bàn tay tội ác của kẻ thù”(1). Đế quốc Mỹ công khai giúp sức cho thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam. Đế quốc Anh thì ra sức ủng hộ Pháp tái chiếm Đông Dương. Quân đội Tưởng Giới Thạch vào chiếm đóng tại miền Bắc Việt Nam theo thỏa thuận giữa các nước đồng minh thắng trận,… nhưng tất cả những động thái đó đều nuôi dưỡng ý đồ tiêu diệt chính quyền Việt Minh non trẻ nhằm thành lập chính quyền phản động tay sai cho chúng.
Âm mưu và thủ đoạn của thực dân Pháp với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, được sự hỗ trợ, tiếp sức của quân đội Anh, nên ngày 23-9-1945 thực dân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn, chính thức mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Tiếp đó, quân Pháp tiếp tục đánh chiếm nhiều địa bàn quan trọng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, từng bước thiết lập hệ thống kìm kẹp lực lượng Việt Minh tại cơ sở nhưng đều bị quân và dân ta phản công mạnh mẽ, đã làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.
Vì vậy, thực dân Pháp đã đàm phán với Tưởng Giới Thạch bằng việc ký kết Hiệp ước Hoa - Pháp vào ngày 28-2-1946 hòng tìm bước đi thích hợp trong việc tái xâm lược Việt Nam. Theo Hiệp ước Hoa - Pháp thì thực dân Pháp nhượng bộ cho Tưởng Giới Thạch một số quyền lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa... Ngược lại, quân Pháp sẽ ra miền Bắc Việt Nam thay thế quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất âm mưu của chúng là chờ viện binh để phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam và chiếm đóng bán đảo Đông Dương.
Ngày 20-11-1946, thực dân Pháp nổ súng chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn. Tháng 12-1946 tại Hà Nội, quân Pháp tàn sát dân thường... đưa quân chiếm một số trụ sở cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19-12-1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giao quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội cho chúng và đầu hàng vô điều kiện.
Thực tế, thực dân Pháp đã xé bỏ các Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp được ký kết ngày 6-3-1946 trước sự chứng kiến của đại diện Trung Hoa dân quốc, Anh, Mỹ. Đây là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Pháp. Theo logíc đó, Hiệp định Sơ bộ đã chứng tỏ rằng: Việt Nam là một quốc gia sánh ngang hàng với Pháp, không còn là thuộc địa của Pháp và càng không cần đến sự bảo hộ của Pháp.
Trước tình hình đó, nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được. Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Sau 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, thực dân Pháp bị thất bại liên tiếp trong nhiều chiến dịch trước sự trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, vùng chiếm đóng bị thu hẹp và ngày càng lún sâu trong thế bị động. Cuộc chiến tranh đã gây nên khủng khoảng toàn diện và nặng nề cả về quân sự, chính trị và kinh tế cho nước Pháp. Nhưng để cứu vãn tình thế, với bản chất hiếu chiến, ngoan cố và được sự giúp sức của Mỹ, Pháp chủ trương tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh nhằm xoay chuyển cục diện chiến trường Đông Dương, với hy vọng sẽ “kết thúc chiến tranh trong danh dự”. Do vậy, Ngày 7-5-1953, Chính phủ Pháp đã cử tướng Hăngri Nava, Tổng Tham mưu trưởng Lục quân khối Bắc Đại Tây Dương sang thay R.Xalăng làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.
Sau một thời gian khảo sát tình hình chiến trường, đến đầu tháng 7-1953, tướng Nava vạch ra Kế hoạch Nava tác chiến chiến trường nhằm mục tiêu kết thúc chiến tranh Đông Dương dự kiến trong vòng 18 tháng, được Hội đồng Chính phủ và Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua ngày 24-7-1953. Kế hoạch gồm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, trong Thu Đông 1953 và Xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược ở phía Bắc 18 độ vĩ tuyến Bắc trở ra; tiến công bình định miền Nam, miền Trung Đông Dương; xóa bỏ vùng tự do Liên khu V, tiến công chiến lược ở phía Nam; giai đoạn thứ hai, Thu Đông năm 1954 - Xuân năm 1955, nếu đạt được giai đoạn thứ nhất sẽ chuyển sang tiến công chiến lược miền Bắc, giáng đòn quyết định tạo thế mạnh trên bàn đàm phán theo những điều kiện có lợi cho thực dân Pháp.
Trên chiến trường, Nava đã triển khai ra quân rầm rộ gồm 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ, cho mở nhiều cuộc càn quét vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng tạm chiếm; đồng thời, chúng cho thổ phỉ truy lùng, quấy rối lực lượng cách mạng ở Tây Bắc. Sau đó, cho quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ, kế hoạch của chúng là phải lấy lại Nà Sản, củng cố Lai Châu, mở rộng phạm vi chiếm đóng Tây Bắc. Sau những đòn tiến công đầu theo Kế hoạch Nava bị chặn lại, phát hiện quân ta chuyển hướng lên Tây Bắc, Nava lập tức đổ quân xuống Điện Biên Phủ vào ngày 20-11-1953. Tiếp đó, ngày 03-12-1953, Nava hạ quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh với mục đích là khống chế vùng Tây Bắc, bảo vệ Thượng Lào và biến Điện Biên Phủ thành “cái bẫy” kìm chân, “nghiền nát” quân chủ lực Việt Minh, qua đó, tạo thế cân bằng trên toàn chiến trường Đông Dương. Các tướng lĩnh Pháp và “quan thầy” Mỹ đều đánh giá Điện Biên Phủ là “một pháo đài khổng lồ không thể công phá, bất khả xâm phạm”. Kế hoạch quân sự Nava và sự xuất hiện tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thật sự là một thách thức lớn đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
3. Sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng đã đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” và làm cho đường lối ấy thấm sâu vào suy nghĩ, hành động của toàn thể nhân dân. Song song với việc động viên toàn dân kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang Việt Nam. Người kêu gọi ở họ tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Thực dân Pháp từng ngạo mạn tuyên bố chỉ cần 8 ngày để xóa sổ lực lượng vũ trang Việt Nam nhưng đội quân non trẻ ấy đã phá tan âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp bằng cách “kìm chân” chúng ở Hà Nội trong gần 2 tháng và bẻ gãy sự tấn công của chúng lên Việt Bắc (Thu Đông 1947).
Trong suốt tiến trình lãnh đạo cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Trung ương Đảng đề ra các chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao sức mạnh mọi mặt của ta. Những chủ trương đúng đắn và sự chỉ đạo thực tiễn sát sao về mọi mặt của Người đã giúp quân và dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, kiên trì chuẩn bị tổng phản công. Các chiến dịch quân sự lớn như Chiến dịch Biên giới (Thu Đông 1950), Chiến dịch Hòa Bình (từ tháng 12-1951 đến tháng 2-1952), Chiến dịch Tây Bắc (từ ngày 14-10 đến 10-12-1952), Chiến dịch Thượng Lào (từ ngày 13-4 đến ngày 3-5-1953)… đã từng bước làm xoay chuyển tương quan lực lượng giữa quân ta và quân Pháp theo chiều hướng có lợi cho ta.
Về phía ta, tháng 9-1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy họp tại Tin Keo (Định Hóa, Thái Nguyên), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày ý đồ của Kế hoạch Nava và phương án tác chiến của ta, Bộ Chính trị đã xác định: “Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở,... Tiến hành mọi sự cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do để cho chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ,... Phương châm chiến lược là: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”(2).
Tại Hội nghị, khi phân tích về thế địch, thế ta và tình hình thực tế trên chiến trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh… Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó sẽ không còn”(3).
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp và quyết định mở Chiến dịch tấn công Điện Biên Phủ, với mật danh “Trần Đình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(4). Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị đã thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và chủ trương tác chiến nêu trên, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh đã vạch kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 và đã mở 5 đòn tiến công chiến lược: Chiến dịch giải phóng Lai Châu từ ngày 07 đến ngày 19-12-1953; Chiến dịch Trung, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia từ ngày 21-12-1953 đến ngày 31-1-1954; Chiến dịch Bắc Tây Nguyên từ ngày 25- 1 đến ngày 17- 2-1954; Chiến dịch Thượng Lào từ ngày 25-1 đến ngày 10-2-1954 và các chiến trường sau lưng địch. Theo đó, ta đã thành công trong việc điều động phân tán địch trên 5 chiến trường, hơn 80% lực lượng cơ động của quân Pháp đã bị phân chia ra các chiến trường Đông Dương.
Bằng quyết định lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chủ động chuyển phương thức tác chiến từ “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang đánh vào chỗ mạnh nhất của địch và buộc quân Pháp phải giao chiến với ta sớm hơn 1 năm so với kế hoạch của chúng. Đây là một quyết định táo bạo mà sáng suốt vì có tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm - bước cố gắng cao nhất của Pháp thì mới có thể kết thúc chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất quán trong việc thực hiện phương châm tác chiến “đánh chắc thắng”. Từ đầu năm 1953, Người đã căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng, không được bại, bại thì hết vốn”(5) .
Ngay sau đó ta chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược. Điện Biên Phủ là một căn cứ lục quân, không quân lớn, có binh lực đông, gồm những đơn vị thiện chiến, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, vật cản phức tạp, có thể liên hoàn chi viện ứng cứu lẫn nhau. Ngoài ra còn được tăng viện thêm lực lượng, phương tiện và không quân chi viện ở mức tối đa. Mặt yếu của nó là nằm lọt sâu vào vùng giải phóng của ta, giữa núi rừng hiểm trở, mọi nguồn vận chuyển, tiếp tế và tăng viện chúng chỉ dựa vào đường không.
Về chiến lược, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là đòi hỏi khách quan của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng đây là thử thách rất lớn, một yêu cầu rất cao so với trình độ của bộ đội ta lúc bấy giờ. Mặc dù chiến lược đã tạo ra thế và thời cơ thuận lợi, nhưng chiến dịch phải đánh như thế nào? để có thể tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở thời điểm đó và phải bảo đảm chắc thắng. Lúc đầu ta chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh” và nếu thực hiện theo phương châm này thì cuộc chiến đấu không kéo dài nên ít tiêu hao mệt mỏi, thời gian chiến dịch ngắn (chỉ 3 đêm, 2 ngày) vấn đề cung cấp tiếp tế cũng không có khó khăn lớn... Song, đi sâu vào nghiên cứu thì “đánh nhanh, thắng nhanh” có nhiều điều bất lợi rất lớn là: quân đội ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm và ít có kinh nghiệm đánh hiệp đồng lớn; đánh nhanh đòi hỏi bộ đội ta phải đột phá liên tục từ đêm qua ngày, vận động trên địa hình trống trải dễ bị hỏa lực địch sát thương, các phương tiện nổ phá của ta cũng chưa có gì hiện đại ngoài ống bộc phá; pháo binh, phòng không số lượng cả súng và đạn đều rất ít, không có điều kiện tập trung binh hỏa lực vào từng mục tiêu.
Về phía địch, quân Pháp không ngừng đầu tư xây dựng tập đoàn cứ điểm mạnh ở Điện Biên Phủ, Nava đã điều động rất nhiều binh, hỏa lực mạnh và các phương tiện, vũ khí mới, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, ngoài ra còn có nhiều đơn vị binh chủng khác nhau… hầu hết là những đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến nhất trong quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương(6). Tổng số binh lực của quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng hơn 16.200 tên, bố trí thành 49 cứ điểm nằm trong 8 cụm cứ điểm được tổ chức liên hoàn với nhau. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được quân Pháp chia thành ba phân khu: phân khu Bắc (có 2 trung tâm đề kháng), phân khu Nam (có 1 trung tâm đề kháng) và cuối cùng là phân khu Trung tâm (có 5 trung tâm đề kháng). Ngoài ra, quân Pháp còn xây dựng 2 sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm ở Điện Biên Phủ thực sự là “một cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay chưa bao giờ có ở Đông Dương” và được mệnh danh là “pháo đài khổng lồ không thể công phá”. Chúng cho rằng nếu quân ta mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ thì là đi vào con đường tự sát, sự thất bại chắc chắn không thể nào tránh khỏi(7). Vì chúng muốn biến Điện Biên Phủ thành "cối xay thịt” để nghiền nát chủ lực của ta.
Về phía ta, trên cơ sở lực lượng của hai khối chủ lực cơ động và lực lượng vũ trang địa phương đã hình thành được các đơn vị binh chủng. So sánh quân số đơn thuần tại chiến trường Điện Biên Phủ thì ta hơn hẳn địch (ta khoảng hơn 40.000 người/địch khoảng hơn 16.000 quân). Song về hỏa lực và phương tiện chiến tranh thì quân Pháp có ưu thế hơn ta,…“Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có sức mạnh hỏa lực đáng gờm, các tướng Pháp đến thăm đều nhất trí cho rằng Việt Minh không thể thắng được. Đó là không kể có một lực lượng không quân yểm trợ khiến Việt Minh hoàn toàn bất ngờ”(8). Vì vậy, nếu không có phương án tác chiến đúng đắn và cách đánh phù hợp, ta khó có thể thắng địch.
Đầu tháng 1-1954, Bộ Chính trị đã họp hạ quyết tâm: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh”. Về tổ chức chỉ huy, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy Chiến dịch: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng; đồng chí Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chủ nhiệm(9).
Các đơn vị tham gia Chiến dịchgồm Đại đoàn 308, 312, 316, Trung đoàn 57 (thuộc Đại đoàn 304). Đại đoàn Công pháo 351, Trung đoàn pháo cao xạ 367, 4 tiểu đoàn công binh và các đơn vị thông tin, vận tải, quân y... Tổng quân số chủ lực của ta ở hỏa tuyến khoảng hơn 40.000 người, nếu tính cả tuyến hai là khoảng hơn 55.000 người(10).
Như vậy, về thế địch và tình tình chiến trường có nhiều thay đổi, nếu đánh nhanh không bảo đảm chắc thắng, trái với tư tưởng chỉ đạo tác chiến “đánh chắc thắng” của ta. Chính vì lẽ đó mà trong khi chuẩn bị chiến dịch, ta đã theo dõi, nắm chắc địch hơn, kiểm tra lại khả năng của ta và mặc dù gần đến giờ nổ súng (theo kế hoạch cũ, giờ nổ súng là 16 giờ 00 ngày 25-1-1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch thảo luận và nhất trí hoãn cuộc tiến công, chuyển sang phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Đây là một quyết định mang tính lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo đó, các đơn vị được lệnh rút ra để chuẩn bị cho chu đáo, bảo đảm đánh chắc thắng theo phương châm tác chiến mới.
Theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc", công tác chuẩn bị chiến dịch phải nhiều hơn, thời gian tiến hành chiến dịch cũng dài thêm, nhưng về mặt nghệ thuật chiến dịch cho phép ta tạo ra ưu thế lớn không chỉ về mặt binh lực mà cả về hỏa lực, bảo đảm chắc thắng trong từng trận đánh, trong khi so sánh chung toàn chiến dịch ta không ưu thế nhiều hơn địch. Mặt khác, thực hiện “đánh chắc, tiến chắc” là phù hợp với trình độ khả năng của bộ đội ta lúc bấy giờ, Bộ đội ta mới chỉ có kinh nghiệm tiến công tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm có tiểu đoàn địch đóng giữ, nay tiến lên một bước là tiêu diệt cụm cứ điểm nằm trong tập đoàn cứ điểm. Mặc dù quân địch trong từng cứ điểm được chi viện mạnh bằng hỏa lực phi pháo và cả bộ binh, xe tăng của chúng, nhưng ta đã có chiến dịch tổ chức kiềm chế ngăn chặn, do vậy mà bảo đảm chắc thắng.
Hơn nữa, “đánh chắc, tiến chắc” ta có điều kiện để điều tra, nghiên cứu nắm chắc địch ở từng mục tiêu tiến công trên chiến trường, ta có thời gian chuẩn bị chu đáo về mọi mặt bảo đảm chắc thắng mới đánh, thể hiện sự cẩn trọng của nhà cầm quân “biết mình, biết người” mà còn là trách nhiệm, là “lòng nhân” của vị chỉ huy tối cao đối với vận mệnh dân tộc và sinh mệnh người lính trên chiến trường. Như vậy, ta sẽ thực hiện được vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, vừa đánh vừa củng cố và càng đánh càng thắng; đồng thời chúng ta sẽ khoét sâu được nhược điểm rất cơ bản của địch về bổ sung tiếp tế, về ý chí, tư tưởng bởi chúng bị bao vây cô lập hoàn toàn nếu ta khống chế đến triệt hẳn tiếp viện đường không của chúng thì chúng không có cách nào khắc phục được.
Quán triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc” nhưng khi thời cơ xuất hiện, ta đã kịp thời ra lệnh tổng công kích để tiêu diệt toàn bộ quân dịch. Để khắc phục khó khăn, bảo đảm sự cung cấp cho tiền tuyến, ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết: “Toàn dân, toàn Đảng, và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”(11).
Về quyết định thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, Nhà Sử học Pháp George Boudarel đã viết: “Bao vây, đánh lấn, đánh chắc, tiến chắc” theo kiểu bóc vỏ, xẻ múi, nghiền hạt. Tướng Giáp đã bắt sống con nhím khổng lồ Điện Biên Phủ, không cho nó xổng chuồng”(12).
Ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở đầu và kết thúc ngày 7-5-1954, quá trình chiến đấu diễn biến qua 3 đợt: Đợt 1, từ ngày 13 đến ngày 17-3; Đợt 2, từ ngày 30-3 đến ngày 30-4; Đợt 3, từ ngày 1 đến ngày 7-5-1954. Phương châm “đánh chắc, tiến chắc” chúng ta đã bao vây địch, đồng thời quân và dân ta tiến hành mọi công tác chuẩn bị chu đáo và chiến đấu liên tục, bền bỉ trong suốt 56 ngày đêm, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm địch, đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến thắng lợi. Tổng số quân địch bị tiêu diệt và bắt sống hơn 16 nghìn tên, trong đó bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm do tướng Đờ Cátxtơri cầm đầu,… bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, bắn hỏng 4 xe tăng; thu 30 trọng pháo, 6 xe tăng, hơn 30 nghìn chiếc dù cùng toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng khác(13).
4. Kết luận
Với sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng sự chỉ đạo, hành động bản lĩnh, sáng tạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ; sự chiến đấu anh dũng của cán bộ, đảng viên, bộ đội trên toàn mặt trận; sự chi viện to lớn của hậu phương và phối hợp giữa các chiến trường, sau 56 ngày đêm chiến đấu với tinh thần “gan không núng, chí không mòn”, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ngồi vào đàm phán ký Hiệp định Giơnevơ (tháng 7-1954), chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là một bài học lịch sử chứng minh cho sức mạnh về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người chỉ huy trực tiếp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đúc kết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”(14). Con người ấy không chỉ “dám đánh” mà còn “biết đánh” và “biết thắng”.
_________________
Ngày nhận bài: 5-4-2024; Ngày bình duyệt: 6-4-2024; Ngày duyệt đăng: 16-4-2024.
(1) Võ Nguyên Giáp: Những năm tháng không thể nào quên, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.378.
(2) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: 50 năm Quân đội nhân dân Việt Nam (Biên niên sự kiện), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.119.
(3), (4) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.301, 323, 323.
(5) Dẫn theo: Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - vị tướng của hòa bình, Nxb Văn hóa Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, 2009, tr.638.
(6), (7) Dẫn theo: Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.22, 22.
(8) Georges Boudarel: Võ Nguyên Giáp, Người dịch Nguyễn Văn Sự, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012, tr. 204.
(9) Ban nghiên cứu Lịch sử quân đội thuộc Tổng cục Chính trị - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, t.1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 405.
(10) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, t.5, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 189, 254.
(11) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.88.
(12) Xem Hồ Ngọc Sơn: Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Thiên tài quân sự, nhà văn hóa lớn, https://thanhtra.com.vn, đăng ngày ngày 19-8-2011.
(13) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Việt Nam thế kỷ XX - Những sự kiện quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.289.
(14) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.294.