Đà Nẵng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
CAO ĐÌNH HẢI
NCS Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS ĐỖ TẤT CƯỜNG
Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(LLCT) - Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở nội dung định hướng của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bài viết đánh giá quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết và kết quả thực hiện tại thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn 2017 - 2023; đề xuất một số giải pháp để tiếp tục thực hiện với mục tiêu đưa ngành du lịch thành phố Đà Nẵng thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030.
Đà Nẵng được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến với hình ảnh một đô thị năng động, đa sắc màu_ Ảnh: IT
1.Mở đầu
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hình ảnh và thương hiệu du lịch của thành phố. Sau thời gian trì trệ do tác động của đại dịch Covid-19, đến nay du lịch ở thành phố Đà Nẵng đã từng bước khôi phục, đặc biệt là du lịch nội địa, đạt nhiều thành tựu.
2. Thể chế phát triển du lịch ở thành phố Đà Nẵng
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06-10-2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08. Nghị quyết số 103 của Chính phủ đã bao quát nhiều nội dung và định hình khung thể chế để đưa ngành du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, xác định du lịch là một trong năm lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Trên những cơ sở đó, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng đã cụ thể hóa thành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời ngành du lịch thành phố, bao gồm:
Kế hoạch hành động số 10652/KH-UBND ngày 30-12-2017 của UBND thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 08; Quyết định số 1679/QĐ-UBND ngày 17-4-2019 của UBND thành phố phê duyệt Đề án phát triển ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030; Quyết định số 190/QĐ-UBND ngày 17-01-2020 của UBND thành phố về việc phê duyệt Đề án định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2030;
Chương trình số 38-CTr/TU ngày 31-01-2020 của Thành ủy Đà Nẵng về triển khai thực hiện Chuyên đề “Tập trung phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế”; Chương trình số 45-CTr/TU ngày 25-02-2020 của Thành ủy Đà Nẵng về triển khai thực hiện Chuyên đề “Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố”;
Kế hoạch số 2984/KH-UBND ngày 7-5-2020 của UBND thành phố về việc triển khai Chuyên đề “Tập trung phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế”; Quyết định số 3613/QĐ-UBND ngày 28-9-2020 của UBND thành phố về việc ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 3860/QĐ-UBND ngày 13-10-2020 của UBND thành phố về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 7513/KH-UBND ngày 16-11-2020 của UBND thành phố về phát triển du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1726/QĐ-UBND ngày 19-10-2022 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND thành phố Đà Nẵng, hệ thống thể chế để phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã tương đối hoàn thiện. Đây là những căn cứ pháp lý tạo điều kiện hỗ trợ rất lớn đối với sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch ở thành phố Đà Nẵng trong mối tương quan so sánh với một số địa phương khác trong vùng; tạo tâm lý ổn định và yên tâm đối với các nhà đầu tư phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố.
3. Thực trạng phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2030
Sự đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương
Theo số liệu của Cục thống kê thành phố Đà Nẵng, ngành dịch vụ du lịch ở thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2023 có mức đóng góp bình quân vào GRDP của thành phố tương đối cao. Nếu không tính hai năm dịch bệnh Covid-19 (năm 2021 và 2022), mức độ đóng góp vào GRDP của thành phố là 10,6%/năm (đạt tiêu chí là ngành mũi nhọn); tính tổng thể giai đoạn 2017 - 2023 thì mức độ đóng góp vào GRDP của thành phố là 9,83%/năm (chưa đạt tiêu chí là ngành mũi nhọn)(1).
Sự phù hợp với những tiềm năng, lợi thế của địa phương
Đà Nẵng là địa phương có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, có giá trị cao đối với phát triển du lịch. Trầm tích văn hóa của thành phố phong phú và đã được xếp hạng: có 2 di tích quốc gia đặc biệt; 17 di tích cấp quốc gia; 65 di tích cấp thành phố; 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia(2); 6 bảo vật quốc gia(3); nhiều nguồn tài nguyên du lịch đã và đang được khai thác có hiệu quả.
Tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch
Số lượng du khách bình quân giai đoạn 2017 - 2023 là 5,01 triệu lượt khách/năm, trong đó du khách quốc tế là 1,98 triệu lượt/năm, du khách nội địa là 3,03 triệu lượt/năm. Số lượt khách du lịch bình quân trong giai đoạn này cao so với giai đoạn 2010 - 2016 (3,43 triệu lượt/năm). Tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch giai đoạn 2017 - 2023 bình quân đạt 4,28%/năm; nếu không tính giai đoạn dịch bệnh Covid-19 trong các năm 2021 và 2022 thì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 7,62%/năm. Như vậy, xét về tiêu chí tăng trưởng lượng khách du lịch, giai đoạn 2017 - 2023 vẫn chưa đạt tiêu chí ngành kinh tế mũi nhọn.
Số lượng, chất lượng của lao động trong ngành du lịch
Thành phố Đà Nẵng là địa phương sôi động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch và ngành này đã tạo lượng việc làm lớn cho người lao động tại địa phương. Sau khi triển khai thực hiện nhiều biện pháp cụ thể hóa nội dung định hướng chiến lược tại Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, tỷ trọng việc làm mà ngành du lịch tạo ra tăng liên tục từ mức 6,97% (năm 2017) lên mức 8,68% (năm 2019) trước khi giảm xuống do tác động của dịch bệnh Covid-19(4).
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới mở cửa trở lại, trong nước gỡ lệnh kiểm soát đi lại của người dân, nhu cầu tiêu dùng dịch vụ du lịch ở thành phố Đà Nẵng đã phục hồi mạnh mẽ. UBND thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan xây dựng và triển khai nhiều chương trình phục hồi ngành du lịch và bước đầu đạt được những kết quả tốt. Tỷ trọng việc làm của ngành gần quay trở lại mức trước dịch bệnh. Năm 2023, tỷ trọng việc làm trong ngành du lịch của thành phố ở mức 7,63%.
Giai đoạn 2017 - 2023, xác định chất lượng nguồn lực lao động có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hằng năm, Sở Du lịch đều ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng và số lượng hướng dẫn viên với những chủ đề có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới những sự kiện lớn của địa phương. Những nỗ lực đó cho thấy sự quan tâm và quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực để ngành du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị.
Chi tiêu bình quân của khách du lịch
Mức chi tiêu bình quân của khách du lịch(1) trong giai đoạn 2017 - 2023 trên mỗi lượt du lịch là 3,5 triệu đồng/lượt/du khách. Với mức này, chi tiêu bình quân giai đoạn 2017 - 2023 đã cao hơn so với giai đoạn 2013 - 2016 là 2,68 triệu đồng/lượt/du khách. Những năm trọng điểm của dịch bệnh Covid-19, chi tiêu của du khách tại thành phố Đà Nẵng giảm xuống so với mức bình quân, chỉ đạt 50% so với mức đỉnh cao là 5,23 triệu đồng/lượt/du khách vào năm 2019. Mức chi tiêu bình quân của du khách trong năm 2023 tăng cao hơn so với giai đoạn trước khi dịch bệnh xảy ra, đạt 72% so với năm 2019.
Mức độ hài lòng của khách du lịch
Khảo sát mức độ hài lòng của du khách đến Đà Nẵng, kết quả của các kỳ điều tra năm 2017, 2019 cho thấy nhiều điểm tích cực. Với thang đo từ 1 đến 5, tương ứng với đánh giá từ không hài lòng đến hài lòng (3 điểm là điểm giữa); khảo sát 5 loại dịch vụ cơ bản là lưu trú, ăn uống, phương tiện di chuyển, dịch vụ mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí và dịch vụ khác. Tỷ lệ bình quân khách du lịch tham gia trả lời cao, lần lượt các năm 2017 và 2019 là 85,2% và 88,4% với các mức điểm bình quân lần lượt là 4,11 điểm và 4,23 điểm. Năm 2023, Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố công bố báo cáo mức độ hấp dẫn điểm đến Đà Nẵng cho thấy, chỉ số hài lòng được đánh giá cao nhất là cơ sở lưu trú (5,76 điểm) và thấp nhất là dịch vụ ăn uống (5,08 điểm).
Mặc dù các kỳ điều tra, khảo sát được tiến hành bằng những phương thức khác nhau và đơn vị thực hiện khác nhau nên khó so sánh giữa các kỳ khảo sát, nhưng điểm chung cho thấy khách du lịch cơ bản hài lòng với chất lượng cung cấp dịch vụ ở thành phố Đà Nẵng. Khảo sát năm 2023 cho thấy còn nhiều khía cạnh mà du lịch ở Đà Nẵng phải khắc phục để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Sự hài lòng của du khách đối với điểm đến Đà Nẵng được minh chứng thông qua các danh hiệu, giải thưởng uy tín thế giới như: Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á năm 2016 (Tổ chức Du lịch thế giới); Top 10 thành phố tổ chức hội họp hàng đầu châu Á năm 2017 (Tạp chí Smart Travel Asia); Top xu hướng về lựa chọn điểm đến năm 2018 (trang web đặt phòng Airbnb); đứng thứ 15 trong Top 52 điểm đến năm 2019 (Tạp chí New York Times); đứng đầu trong Top 10 danh sách các điểm đến toàn cầu năm 2020 (Google công bố); Top 25 điểm đến được yêu thích nhất khu vực châu Á và Top 25 bãi biển đẹp nhất khu vực châu Á năm 2021 (TripAdvisor);…
Năm 2023, Đà Nẵng tiếp tục đạt được nhiều danh hiệu, giải thưởng du lịch thế giới, như: Top 11 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2023 (Tạp chí Du lịch CnTraveller, Mỹ); điểm đến trong nước được tìm kiếm nhiều nhất bởi du khách Việt trong hè (Booking.com thống kê); điểm đến lý tưởng để các doanh nghiệp lựa chọn tổ chức du lịch MICE (Micenet, Úc); Cung hội nghị quốc tế Ariyana được giải thưởng Cung hội nghị quốc tế tốt nhất Việt Nam (World Luxury Awards, 2023); Sun World, Bà Nà Hills tiếp tục được vinh danh là “Công viên chủ đề hàng đầu châu Á 2023”... và nhiều danh hiệu khác.
Đánh giá về phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2023
Một là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng và các cơ quan quản lý nhà nước, sự nỗ lực của doanh nghiệp du lịch và người dân địa phương đã tạo động lực cho sự phục hồi lĩnh vực du lịch của thành phố.
Hai là, nhận thức của người dân về vị trí, tầm quan trọng của ngành du lịch đã có những chuyển biến tích cực; nhiều chương trình, sự kiện du lịch diễn ra sôi động hơn trước. Tổng số lượt khách du lịch trong nước và quốc tế năm 2023 vượt hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm.
Ba là, các sản phẩm du lịch được cải thiện, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Nhiều điểm đến du lịch được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng tính tương tác với du khách. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ du lịch được cải thiện đáng kể.
Bốn là, thành phố đã quan tâm dành nguồn lực và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp để tổ chức các sự kiện lễ hội thu hút và phục vụ du khách như mộtsản phẩm du lịch mới đặc sắc; quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm về du lịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần nỗ lực khắc phục.
Một là, mặc dù đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho những dự án trọng điểm, tuy nhiên các dự án có tiềm năng tạo động lực mới cho ngành du lịch vẫn chưa được khởi công, chậm hình thành và phát triển các loại hình, hoạt động du lịch mới. Một số sản phẩm vui chơi, giải trí dưới nước chưa phát triển xứng với tiềm năng của thành phố.
Hai là, hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch chưa được cải thiện mạnh mẽ, các điểm dừng chân phục vụ du khách đường thủy nội địa chưa được thực hiện theo đúng tiến độ, một số tuyến đường đến các khu, điểm du lịch chưa mở rộng, nâng cấp, chậm triển khai các dự án tạo điểm đến du lịch ở các địa phương;
Ba là, nhiều doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên có trình độ chuyên môn cao; đồng thời, nguồn nhân lực có chất lượng của ngành du lịch Đà Nẵng chưa phục hồi sau dịch bệnh Covid-19 do đã chuyển nghề hoặc di chuyển đến các địa phương khác;
Bốn là, tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng chèo kéo khách du lịch tại một số tuyến đường tập trung du khách xảy ra thường xuyên.
Năm là, chưa có cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích sự phát triển lành mạnh các hoạt động, sản phẩm du lịch về đêm.
Nguyên nhân của các hạn chế nêu trên, gồm:
Đà Nẵng chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển du lịch. Trên thực tế, một số quy định pháp luật liên quan đến hoạt động du lịch còn bất cập và chưa theo kịp tốc độ phát triển nhanh của du lịch.
Nhiều thủ tục, quy định chưa được điều chỉnh, sửa đổi nên thời gian thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách còn kéo dài, đặc biệt là các dự án lớn.
Chuyển đổi số trong các hoạt động du lịch và quản lý nhà nước đối với du lịch chưa theo kịp tiến trình phát triển của ngành.
Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch chưa đồng bộ.
4. Giải pháp phát triển du lịch ở thành phố Đà Nẵng thời gian tới
Thứ nhất, trong điều kiện chưa có cơ chế đặc thù để phát triển du lịch, thành phố Đà Nẵng cần tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, mang tính biểu tượng của thành phố; đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm tính đồng bộ, quy mô, đột phá.
Thứ hai, việc sửa đổi, điều chỉnh thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch nằm ngoài thẩm quyền của chính quyền thành phố, do đó để khắc phục những hạn chế do nguyên nhân này tạo ra, Đà Nẵng cần:
Khai thác tối đa lợi thế, nguồn lực của các ngành, lĩnh vực để gia tăng giá trị sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập; thực hiện mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TW đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường.
Đổi mới hoạt động phối hợp liên ngành trong chuỗi giá trị tạo nên sản phẩm du lịch, từng bước hình thành cơ chế điều phối phát triển du lịch theo vùng, đáp ứng yêu cầu liên kết phát triển du lịch.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch sáng tạo dựa trên giá trị của các ngành, lĩnh vực để phát triển các sản phẩm du lịch chuyên đề.
Đầu tư tập trung, có trọng điểm, tạo được cú huých và sức lan tỏa cho phát triển du lịch với các địa phương lân cận.
Thứ ba, đổi mới cách thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và ngoài nước theo hướng tập trung, chuyên nghiệp, hiệu quả. Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất là trong việc cung cấp thông tin, truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, đối với khách nước ngoài.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức quản lý xã hội trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm trong nước và ngoài nước để phát triển các hoạt động kinh tế đêm theo nguyên tắc thị trường, đồng thời xử lý hiệu quả các rủi ro, hệ lụy tiêu cực từ hoạt động kinh tế đêm.
Các doanh nghiệp chủ động liên kết, kết nối với các đối tác trong và ngoài nước để tìm kiếm nguồn khách du lịch, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới. Nghiên cứu chính sách hoàn, hủy, chính sách hỗ trợ du khách trong trường hợp không may gặp các sự cố phát sinh về y tế.
Thứ tư, hình thành trung tâm kinh tế đêm và dịch vụ du lịch cao cấp gồm khu vực tổ chức sự kiện lễ hội, chương trình nghệ thuật đặc sắc, mua sắm miễn thuế dành cho thương hiệu cao cấp, thưởng thức ẩm thực... trọng tâm là khu Công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía Đông Nam Đài tưởng niệm; khu tổ hợp lễ hội pháo hoa quốc tế; tuyến phố đi bộ bờ sông Hàn; dự án Dòng sông ánh sáng; Trung tâm thương mại, giải trí quốc tế...
Khai thác phát triển du lịch đường thủy nội địa (bến du thuyền). Định hướng mạng lưới vùng hoạt động thể thao giải trí dưới nước trên Sông Hàn (từ cầu Thuận Phước đến cầu Tiên Sơn), đầu tư các cầu tàu, bến thuyền gắn với điểm đến.
Định hướng hình thành Khu đô thị thương mại phi thuế quan khu vực cuối đường Hoàng Văn Thái.
Đầu tư phát triển các khu dịch vụ du lịch cao cấp với hệ sinh thái nghỉ dưỡng và giải trí, điểm đến du lịch chăm sóc sức khỏe (viện thẩm mỹ, khu nghỉ dưỡng, viện dưỡng lão…); tổ chức hoạt động du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, sự kiện, triển lãm tích hợp trong thiên nhiên; trọng tâm là cụm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp có tầm nhìn hướng đến những ngọn núi phía Tây dọc theo đường Bà Nà - Suối Mơ.
Thứ năm, bán đảo Sơn Trà được định hướng là trung tâm nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, siêu sang và điểm đến tâm linh nhằm khai thác các di tích văn hóa, lịch sử và đặc trưng biển - núi - rừng, trở thành khu du lịch khác biệt với các không gian còn lại. Bán đảo Sơn Trà là trái tim của Đà Nẵng, lá phổi xanh của thành phố, do đó các hoạt động du lịch tại đây cần có kiểm soát nghiêm ngặt về quy mô và loại hình; bảo đảm cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đầu tư các khu du lịch sinh thái chất lượng cao gắn với hệ sinh thái rừng núi phía Tây, bao gồm các tổ hợp du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe cao cấp, quy mô lớn; du lịch sinh thái kết hợp các hoạt động trải nghiệm, thể thao mạo hiểm tại một số khu vực như suối Lương, Khe Mun, Giếng Trời (Hòa Bắc)...; du lịch sinh thái kết hợp tham quan, tìm hiểu văn hóa cộng đồng, lịch sử, giáo dục tại đỉnh đèo Hải Vân (di tích Hải Vân Quan), Khe Răm, Nam Sông Bắc, làng dân tộc Cơ Tu tại Tà Lang - Giàn Bí (Hòa Vang)… Phát triển du lịch dọc tuyến đường tránh Nam hầm Hải Vân và tuyến biển dọc triền núi Hải Vân Quan với định hướng xây dựng những công trình kiến trúc độc đáo, đặc trưng tại vị trí sườn núi có tầm nhìn ra biển đẹp.
_________________
(1) Theo tinh thần Nghị quyết số 08, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP, vì vậy, nếu coi đây là một tiêu chí xác định thì ngành du lịch thành phố Đà Nẵng phải đóng góp vào GRDP của thành phố trên 10%.
(2) Nghề truyền thống đá Non Nước, nghệ thuật Tuồng xứ Quảng, nghệ thuật Bài chòi tại thành phố Đà Nẵng, lễ hội Cầu ngư tại Đà Nẵng, nghề làm nước mắm Nam Ô, lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn.
(3) Tượng Bồ tát Tara, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu, tượng Ganesha và tượng Gajasimha, Đài thờ Đồng Dương.
(4) Năm 2016, tỷ trọng việc làm từ ngành du lịch ở thành phố Đà Nẵng mới chỉ đạt mức 4,84%.
(5) Trong bài viết, nhóm tác giả sử dụng phương pháp ngoại suy gần đúng với giả định mức chi tiêu bình quân của 01 khách du lịch được tính bằng Tổng doanh thu từ du lịch/ Tổng số khách du lịch