Quốc tế

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh ở tỉnh U Đôm Xay, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hiện nay

04/05/2024 10:24

(LLCT) - Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Lào, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh ở tỉnh U Đôm Xay đã đạt được những kết quả quan trọng, đội ngũ cán bộ đã có bước trưởng thành và tiến bộ, là lực lượng nòng cốt cùng với nhân dân tạo nên những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bài viết làm rõ thành tựu và đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh ở tỉnh U Đôm Xay.

SYTHONG KHONESAVANH
NCS Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh ở tỉnh U Đôm Xay, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hiện nay

Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh U Đôm Xay thăm và làm việc tại tỉnh Sơn La_Ảnh:songoaivu.sonla.gov.vn

1. Mở đầu

U Đôm Xay là tỉnh nằm ở phía Tây Bắc của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, với diện tích 15.370 km2, dân số 348.034 người, 12 bộ tộc trong đó có những bộ tộc ít người như Giằng, Khmu, Bịt, Lạ Mết, Ưu Miên, À Kha, Phu Noi, Hỏ. Những năm qua tỉnh U Đôm Xay có tốc độ phát triển kinh tế khá, cơ cấu kinh tế thay đổi rõ rệt, các vấn đề xã hội được giải quyết hiệu quả. Sự thành công của tỉnh U Đôm Xay do nhiều yếu tố, trong đó có vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cho thấy sự đúng đắn trong việc coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

2. Kết quả xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh

Thực hiện Nghị quyết Đại hội X, XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào “về xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”, trong thời gian qua, Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy U Đôm Xay đã đề ra phương châm: hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ; mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ có đức, có tài vào các cương vị cần thiết.

Việc bố trí, sắp xếp và phân công cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị; căn cứ nguồn quy hoạch, năng lực, sở trường, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác và chiều hướng, khả năng phát triển của cán bộ; bảo đảm ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, các cơ quan, đơn vị.

Về số lượng cán bộ, tính đến ngày 31-12-2022, toàn tỉnh có 909 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó cấp tỉnh là 303 đồng chí, bao gồm lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan đảng, chính quyền tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh. Trong đó nữ có 124 đồng chí, chiếm tỷ lệ 40,9%.

Về chất lượng đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, 100% cán bộ có trình độ đại học trở lên trong đó trình độ trên đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) có 65 đồng chí, chiếm 21,5%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân chiếm 66,96%, trung cấp 33,04%.

Từ năm 2016 đến 2024, tỉnh đã cử 118 lượt cán bộ ở các cơ quan cấp tỉnh đi đào tạo, bồi dưỡng dài hạn và ngắn hạn trong và ngoài nước, trong đó, đào tạo trình độ chuyên môn: tiến sĩ 3 người, đào tạo thạc sĩ 14 người; bồi dưỡng lý luận chính trị 260 người, trong đó nữ là 52 người.

Công tác quy hoạch cán bộ được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện bài bản, thận trọng, công khai, minh bạch, đúng quy định, tạo sự đồng thuận cao. Tổng số cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh có 169 đồng chí. Chuẩn bị công tác nhân sự nhiệm kỳ 2025 - 2030, công tác quy hoạch cán bộ đã được tiến hành có hệ thống, đồng bộ ở cả 02 cấp, từ tỉnh đến huyện, quy hoạch cấp dưới làm căn cứ cho quy hoạch cấp trên; quy hoạch cấp trên góp phần thúc đẩy và tạo điều kiện cho quy hoạch cấp dưới(1). Những cán bộ được đưa vào diện quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh đều đã được tiến hành rà soát và đánh giá một cách chặt chẽ, dân chủ, khách quan, đúng quý trình theo tiêu chuẩn của chức danh cán bộ cần quy hoạch.

Công tác luân chuyển cán bộ đã tuân thủ quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu của Đảng, xác định rõ luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và rèn luyện cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ, yêu cầu của chức danh được quy hoạch, tạo nguồn cho các nhiệm kỳ tiếp theo. Tỉnh đã thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, đánh giá, nhận xét cán bộ luân chuyển và xây dựng chính sách, chế độ phù hợp nhằm tạo điều kiện, môi trường cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong giai đoạn 2016-2022, đã tiến hành luân chuyển 70 lượt cán bộ, trong đó có 15 cán bộ nữ; luân chuyển từ tỉnh về huyện là 45 đồng chí, từ huyện lên tỉnh là 35 đồng chí.

3. Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân

Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh U Đôm Xay vẫn còn nhiều hạn chế như chưa đề ra chủ trương, nhiệm vụ, chương trình riêng đối với xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh mà đặt chung vào các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ về công tác cán bộ và công tác xây dựng Đảng.

Cơ cấu cán bộ còn thiếu cân đối, tỷ lệ cán bộ dưới 40 tuổi còn thấp, hiện toàn tỉnh có 72 đồng chí, đạt 7,87%. Trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, chỉ có 01 cán bộ trẻ dưới 40 tuổi (chiếm 1,58%)(2).

Năng lực, trình độ của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý còn hạn chế; phương pháp, kỹ năng giải quyết công việc, xử lý tình huống phát sinh trong thực tiễn còn lúng túng, thiếu quyết đoán, thiếu tính sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế còn yếu. Kết quả thu hút trí thức trẻ và người có trình độ cao chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn tình trạng “thừa” nhân lực, nhưng “thiếu” cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực quan trọng.

Số lượng cán bộ trẻ được luân chuyển còn ít, luân chuyển chủ yếu theo chiều xuống (từ tỉnh về huyện) và luân chuyển ngang giữa các cơ quan của tỉnh. Luân chuyển từ dưới lên (huyện lên tỉnh) chưa nhiều. Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, tỉnh U Đôm Xay không có cán bộ luân chuyển giữa tỉnh và Trung ương.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên:

Một là, nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trong đó có một số cán bộ chủ chốt của tỉnh về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển vẫn còn chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp tỉnh ở U Đôm Xay chưa thực sự nâng cao trách nhiệm, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ và tạo môi trường, điều kiện để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ. Còn hiện tượng tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, mà chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ.

Hai là, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các khâu của công tác cán bộ trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh ở U Đôm Xay có biểu hiện bất cập, lúng túng, thiếu đồng bộ.

Điều này được thể hiện từ việc cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh, quy hoạch, luân chuyển, đến đánh giá cán bộ. Còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ, cử cán bộ đi đào tạo chưa gắn với quy hoạch; chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa mang tính đột phá. Đánh giá cán bộ vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất, năng lực, hiệu quả công việc.

Bên cạnh đó, chưa phát huy hết vai trò của Mặt trận Lào xây dựng đất nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và nhân dân địa phương tham gia hiệu quả vào xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo nói chung, cán bộ cấp tỉnh nói riêng.

Ba là, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, nhất là Ban Tổ chức Tỉnh ủy vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong đề xuất chủ trương, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh nói riêng.

Bốn là, sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng đối với xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh ở U Đôm Xây chưa thường xuyên. Một số cấp ủy chưa thường xuyên quan tâm công tác kiểm tra, giám sát cán bộ về chấp hành quy định của Điều lệ Đảng, việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức; gắn với nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo quản lý nói chung, cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh nói riêng.

Năm là, một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh ở U Đôm Xay thiếu sự tự giác, chưa thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân để đáp ứng tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Có tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp. Một số cán bộ còn tự bằng lòng với kinh nghiệm đã có, chưa thực sự đầu tư nghiên cứu, tự học, tự rèn, phong cách làm việc qua loa, đại khái. Có người sa vào chủ nghĩa cá nhân dẫn đến việc lợi dụng chức quyền và những sơ hở trong cơ chế, chính sách để tham nhũng, lãng phí, thu vén cá nhân. Trong khi mặt trái kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế tác động mạnh, có cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh sa ngã, bị xử lý kỷ luật.

4. Giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh ở tỉnh U Đôm Xay trong thời gian tới

Trong bối cảnh mới có cả thuận lợi lẫn khó khăn thách thức, để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh ở tỉnh U Đôm Xay đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần đưa tỉnh U Đôm Xay phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với vị trí của tỉnh trong sự phát triển bền vững của đất nước, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về công tác cán bộ trong tình hình mới, phát huy những kết quả tích cực, khắc phục những hạn chế. Theo đó, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Đảng bộ tỉnh về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới

Đây là trách nhiệm trước hết thuộc về Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tiếp đến là các cấp ủy trực thuộc. Cần nhận thức sâu sắc mục tiêu phát triển đất nước, mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới, để từ đó xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.

Hai là, cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh gắn với vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển hiện nay

Tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh là một hệ thống các tiêu chí về phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ và uy tín cần có của một người cán bộ để có thể đảm đương tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Xây dựng, cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh cán bộ là căn cứ cho việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, giúp cho đánh giá, lựa chọn đúng cán bộ đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng.

Muốn xây dựng tiêu chuẩn cho từng chức danh cán bộ một cách chính xác, cụ thể, khách quan, thì phải được tiến hành dựa trên những căn cứ, cơ sở khoa học, đó là các quan điểm, chủ trương của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, chính sách pháp luật của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào về cán bộ, công chức và công tác cán bộ; yêu cầu nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ; đồng thời, phải xuất phát từ những đặc điểm, tình hình cụ thể địa phương, đơn vị.

Ba là, nâng cao chất lượng Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan chuyên môn, giúp việc, nhất là Ban Tổ chức Tỉnh ủy trong công tác cán bộ.

Từ nghiên cứu thực trạng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh ở tỉnh U Đôm Xay trong thời gian quan cho thấy, chất lượng và kết quả xây dựng đội ngũ cán bộ này phụ thuộc rất lớn và được quyết định chủ yếu bởi chất lượng Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trên thực tế, phần lớn chủ trương, quyết định, giải pháp chủ yếu do Tỉnh ủy bàn bạc, thảo luận và quyết định.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn, Ban Kiểm tra và Văn phòng Tỉnh ủy, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đều có trách nhiệm tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy về lĩnh vực xây dựng Đảng nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh nói riêng. Trong đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy là nòng cốt tham mưu, trực tiếp giúp việc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tổ chức cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh. Do vậy, không thể không đồng thời nâng cao chất lượng và phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc này.

Bốn là, tăng cường công tác tạo nguồn đổi mới công tác quy hoạch cán bộ

Tỉnh ủy cần lãnh đạo làm tốt công tác đánh giá cán bộ, thẩm định, rà soát kỹ lưỡng cán bộ trước khi đưa vào nguồn quy hoạch; kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp nhưng cũng không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng phát triển; bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.

Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương, của Mặt trận xây dựng đất nước Lào trong việc phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ, nhất là nguồn cán bộ ngoài cơ quan, đơn vị, địa phương để đưa vào quy hoạch, chức danh lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình; khắc phục tình trạng cục bộ, địa phương trong công tác quy hoạch cán bộ.

Đặc biệt chú trọng cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý. Cấp có thẩm quyền phải căn cứ vào cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng, độ tuổi, tỷ lệ cán bộ trẻ để xem xét, quyết định quy hoạch cán bộ.

Năm là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thực chất; sử dụng công nghệ thông tin để đánh giá khách quan chất lượng học tập của người học; khắc phục các biểu hiện học tập thiếu nghiêm túc, học đối phó, học không nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng mà chỉ nhằm đạt tiêu chuẩn, điều kiện và văn bằng, chứng chỉ.

Nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; bảo đảm 100% cán bộ được bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi được bổ nhiệm.

Cử các cán bộ đã được bầu cử, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị còn thiếu tiêu chuẩn chức danh theo quy định hiện hành đi bồi dưỡng để bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn trong thời hạn nhất định.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế. Tích cực phối hợp với các cơ sở đào tạo uy tín, tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật và nâng cao kiến thức, năng lực hội nhập quốc tế và các kỹ năng mềm bảo đảm cho cán bộ làm việc được trong môi trường quốc tế.

Sáu là, tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát, đánh giá và thực hiện chính sách cán bộ đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh

Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá toàn diện cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp tỉnh đương chức và trong quy hoạch. Đối với cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh đương chức cần coi trọng quản lý, đánh giá toàn diện về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, phong cách, lề lối làm việc, thái độ đối với cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị cán bộ đó phụ trách; quản lý quá trình học tập, công tác, rèn luyện về mọi mặt; quản lý quan hệ xã hội, nhất là những cán bộ làm việc ở những địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm dễ nảy sinh tham những tiêu cực; quản lý chặt chẽ kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đối với cán bộ diện quy hoạch, ngoài những nội dung quản lý, đánh giá nêu trên, cần coi trọng quá trình phấn đấu, rèn luyện để đạt tiêu chuẩn chức danh được quy hoạch; quản lý khả năng và quá trình phát triển qua thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, kết quả thực hiện; quản lý chặt chẽ cán bộ ở nơi cư trú.

Thực hiện nghiêm, đạt kết quả tốt chính sách cán bộ đối với cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh là động lực lớn thúc đẩy cán bộ vươn lên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; đồng thời tạo sự thu hút mạnh mẽ những người có đức, có tài, tâm huyết với sự phát triển của tỉnh về làm việc tại địa phương. Điều này sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh.

Bảy là, đề cao việc tự học tập, tự rèn luyện; vai trò của hệ thống chính trị và nhân dân; sự lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của Đảng, việc tạo thuận lợi của cơ quan Trung ương đối với xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh

Để đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh bên cạnh việc đề cao vai trò, trách nhiệm của các lực lượng tham gia xây dựng đội ngũ này, còn phải nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ trong tự học tập, rèn luyện, tu dưỡng. Yêu cầu cơ bản của việc nâng cao trách nhiệm tự học tập, tự rèn luyện của đội ngũ cán bộ là phải khơi dậy được tính tích cực, chủ động, tự giác, ham học hỏi phấn đấu vươn lên không ngừng, để đáp ứng ngày càng cao chức danh mà họ đảm nhiệm. Nội dung tự đào tạo, rèn luyện của đội ngũ cán bộ phải toàn diện cả về lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và các kiến thức khác, tu dưỡng rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong của người cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh.

5. Kết luận

Qua việc phân tích thực trạng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh ở tỉnh U Đôm Xay, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào hiện nay cho thấy, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác này. Tuy vậy, còn tồn tại những hạn chế bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, đòi hỏi tỉnh cần chú trọng giải quyết trong những năm tới. Những giải pháp đề xuất trên đây là một thể thống nhất, không thể tách rời. Quá trình thực hiện cần nghiên cứu vận dụng đồng bộ, cụ thể, linh hoạt tùy thuộc điều kiện cụ thể của từng địa phương, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, tránh cách làm tùy tiện hoặc rập khuôn, máy móc.

_________________

Ngày nhận bài: 4-1-2024; Ngày bình duyệt: 8-1-2024; Ngày duyệt đăng: 5-4-2024.

(1) Ban Tổ chức tỉnh U Đôm Xay: Báo cáo công tác quy hoạch cán bộ cấp tỉnh giai đoạn 2023-2030, U Đôm Xay, 2023, tr.7.

(2) Ban Tổ chức tỉnh U Đôm Xay: Báo cáo công tác xây dựng cán bộ cấp tỉnh giai đoạn 2016-2023, U Đôm Xay, 2023, tr.3.