Du lịch biển, đảo xanh - hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Khánh Hòa
PGS, TS LÊ CHÍ CÔNG
THS ĐỖ QUỐC VIỆT
Trường Đại học Nha Trang
(LLCT) - Tỉnh Khánh Hòa có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo xanh. Trong hơn một thập kỷ qua, tỉnh Khánh Hòa đã vươn lên trở thành một trong những điểm đến được du khách trong và ngoài nước yêu thích lựa chọn. Tuy nhiên, phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Trên cơ sở làm rõ một số vấn đề lý luận về du lịch xanh, bài viết đánh giá sự phát triển du lịch và đề xuất một số kiến nghị nhằm phát triển du lịch biển, đảo xanh tỉnh Khánh Hòa.
Khánh Hòa là địa phương có tiềm năng, thế mạnh cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo xanh_Ảnh: IT
1. Mở đầu
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Là địa phương có tiềm năng, thế mạnh cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo xanh, trong hơn một thập kỷ qua, tỉnh Khánh Hòa đã vươn lên trở thành một trong những điểm đến được du khách yêu thích. Tuy nhiên, phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Đặc biệt, bối cảnh mới đòi hỏi thay đổi tư duy và cách làm du lịch để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững của địa phương.
2. Lý luận về du lịch xanh
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch xanh hay du lịch trong một nền kinh tế xanh được hiểu là các hoạt động du lịch có thể duy trì các điều kiện hiện tại của bối cảnh xã hội, kinh tế và môi trường, cũng như kiểm soát được các tác động tương lai tới xã hội, kinh tế, môi trường, cùng lúc đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, của môi trường và cộng đồng địa phương. Do đó, chuyển đổi du lịch xanh cần hướng đến điểm cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm cho tính bền vững dài hạn.
Hiệp hội Du lịch sinh thái quốc tế cho rằng, du lịch xanh là loại hình du lịch có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy việc bảo tồn tự nhiên. Du lịch xanh được coi là sự nỗ lực quan trọng của các nhà môi trường để các thế hệ sau có thể trải nghiệm các điểm du lịch không bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của con người(1).
Bốn khía cạnh cơ bản được nhìn nhận từ quan niệm du lịch xanh: Một là, trách nhiệm với môi trường - khía cạnh này đề cập đến hoạt động du lịch xanh phải khai thác hợp lý, bảo vệ, bảo tồn và duy trì sự tồn tại lâu dài của hệ sinh thái. Hai là, duy trì sức sống kinh tế địa phương; du lịch xanh góp phần hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương để bảo đảm tính bền vững của nền kinh tế. Ba là, tôn trọng và đánh giá cao sự đa dạng văn hóa, nhấn mạnh việc khai thác, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa để bảo đảm sự thịnh vượng liên tục của nền văn hóa địa phương. Bốn là, sự phong phú về trải nghiệm của du khách thông qua sự tham gia tích cực trong quá trình gắn kết với thiên nhiên, con người, địa điểm và văn hóa địa phương.
Các loại hình du lịch hướng tới mục tiêu xanh và bền vững là:
Một là, du lịch sinh thái. Đây là loại hình du lịch đến những khu vực tự nhiên còn ít bị tác động, với những mục đích nhưnghiên cứu, tham quan thế giới hoang dã haykhám phá những giá trị văn hóa địa phương. Du lịch sinh thái tạo cơ hội cho khách du lịch được đắm mình vào không gian tự nhiên một cách hài hòa nhất.
Theo Luật Du lịch năm 2017 của Việt Nam định nghĩa,du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường. Du lịch sinh thái thường tập trung vào: (i) du lịch dựa vào thiên nhiên, phát triển dựa trên các giá trị hấp dẫn của tự nhiên và văn hóa địa phương; (ii) lợi nhuận từ hoạt động du lịch góp phần duy trì và nângcao mức sống của cư dân địa phương; (iii) góp phần tuyên truyền những kiến thức cơ bản về sinh thái học để du khách có ý thức bảo vệ môi trường.
Hai là, du lịch cộng đồng. Du lịch cộng đồng hay du lịch dựa vào cộng đồng xuất phát từ hoạt động du lịch tham quan tại các bản, làng được hình thành từ những năm 1970. Thuật ngữ du lịch dựa vào cộng đồngđượccác nước ASEAN sử dụng từ những năm 1990. Du lịch cộng đồng là mô hình du lịch trong đó chủ yếu do người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý. Lợi ích kinh tế có được từ du lịch sẽ đóng góp chonền kinh tế địa phương. Quan niệm trên nhấn mạnh đến vai trò chính của người dân địa phương trong phát triển du lịch ngay trên quêhương mình. Xét về bản chất, du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, thông qua việc giới thiệu du khách các nét đặc trưng của địa phương (phong cảnh, văn hóa…)(2).
Mô hình du lịch cộng đồng tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt đời thường và những món ăn dân dã đậm chất địa phương. Ngoài ra, mô hình du lịch bền vững này góp phần thúc đẩy các chiến lược xóa đói, giảm nghèo, tạo sinh kế, đồng thời khuyến khích vai trò của người dân địa phương trong việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương.
Luật Du lịch Việt Nam năm 2017 định nghĩa, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa cộng đồng, do cộng đồng cư dân quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. (i) Cộng đồng dân cư là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch; (ii) Cộng đồng dân cư cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra; (iii) Tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương(3).
Thứ ba, du lịch nghỉ dưỡng biển,đảo xanh. Đây là loại hình du lịch trải nghiệm với các hoạt động du lịch có liên quan đến biển, đảo như: tắm biển, thể thao biển, tham quan, trải nghiệm văn hóa cư dân vùng biển.
Thứ tư, du lịch nông nghiệp và nông thôn. Đây là loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, gắn liền với cộng đồng địa phương, trong đó du khách được trải nghiệm các đặc trưng về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, lối sống và các hoạt động làng quê độc đáo, từ đó tạo ra các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường cho nông thôn. Du lịch nông thôn mang những nét đặc trưng cơ bản của nông thôn với ba trụ cột chính: nông dân, nông nghiệp và môi trường sống.
3. Tiềm năng và thế mạnh du lịch biển đảo xanh của tỉnhKhánh Hòa
Là địa phương có tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên biển cho phát triển kinh tế và du lịch, những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã phát huy tốt lợi thế của mình cho thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Với bờ biển dài 385km, khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ và các đảo san hô trong quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa có chỉ số biển cao hơn trung bình chung của cả nước (100km2 đất liền/1km bờ biển) và thế giới (600 km2 đất liền/1km bờ biển)(4).
Đặc biệt, hệ thống ba vịnh biển đẹp và độc đáo là vịnh Vân Phong - vịnh biển sâu, xinh đẹp, hoang sơ, và yên bình; vịnh Nha Trang được công nhận là một trong 29 vịnh biển đẹp của thế giới với nhiều đảo lớn nhỏ che chắn cho thành phố; vịnh Cam Ranh là một trong những vịnh nước sâu kín gió hàng đầu thế giới với nhiều bãi tắm còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, bãi biển dài, cát trắng bên cạnh những hàng dừa xanh cao vút, tạo nên nét đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ.
Bãi Dài cách thành phố Nha Trang 25km là khu vực có bãi cát trắng trải dài, nước biển trong xanh và không sâu, là nơi có thể tổ chức các hoạt động dã ngoại tập thể hoặc các môn thể thao biển và thể thao trên cát.
Tỉnh Khánh Hòa còn có ba đầm Đại Lãnh, Hòn Môn và Nha Phu. Trong đó, đầm Đại Lãnh có bãi biển đẹp nhất miền Trung và được liệt kê vào danh thắng cấp quốc gia. Bán đảo Đầm Môn nằm trong vịnh Vân Phong với những cồn cát trải dài và những bãi tắm đẹp, nhiều khu rừng còn giữ được vẻ nguyên sinh. Đầm Nha Phu thuộc huyện Ninh Hòa, quanh năm lặng gió, sóng êm đềm với các đảo như Hòn Lao, Hòn Thị.
Bên cạnh vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, tỉnh Khánh Hòa còn hội tụ được cả ba yếu tố địa - văn hóa: văn hóa núi rừng, văn hóa đồng bằng - sông nước và văn hóa biển đảo. Trải qua thăng trầm của lịch sử, với sự pha trộn văn hóa người Chăm với người dân từ miền Bắc vào cùng với các dân tộc thiểu số khác như Raglai, Ê đê, Gié Triêng, người Hoa… đã tạo cho vùng đất này bản sắc văn hóa rất đặc thù, thể hiện sự tiếp biến văn hóa Việt - Chăm. Các nghề truyền thống với sản phẩm độc đáo như nghề lưới đăng, yến sào, trầm kỳ...; những phong tục, tập quán, sinh hoạt cộng đồng làng xã, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, nghệ thuật, ẩm thực... Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên kho tàng văn hóa truyền thống dưới dạng các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với biển, đảo.
Tỉnh Khánh Hòa có 01 di sản văn hóa phi vật thể thế giới (nghệ thuật bài chòi); 03 di sản phi vật thể quốc gia (lễ hội cầu ngư; lễ hội Tháp Bà Ponagar; lễ bỏ mả của người Raglai); 16 di tích cấp quốc gia và 175 di tích cấp tỉnh. Trong đó có 04 di tích, danh thắng là biển, đảo và liên quan tới biển, đó là vịnh Nha Trang; khu danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ, danh thắng Mũi Đôi - Hòn Đầu và di tích Tháp Bà Ponagar(5).
Phát huy những tiềm năng và lợi thế về tài nguyên và văn hóa biển, đảo cho phát triển du lịch xanh, trong hơn một thập kỷ qua, tỉnh Khánh Hòa đã vươn lên trở thành một trong những điểm đến được du khách trong và ngoài nước lựa chọn nhiều nhất cho du lịch biển, đảo tại Việt Nam. Kết quả thống kê cho thấy, tổng lượt khách đến tỉnh Khánh Hòa từ năm 2015-2019 có tốc độ tăng bình quân 15,7%, trong đó lượt khách trong nước tăng 8,89%, khách quốc tế tăng 29,87%. Tỷ lệ khách du lịch quốc tế và khách trong nước đang có xu hướng ngày càng xích lại cân bằng nhau. Điều này chứng tỏ du lịch tỉnh Khánh Hòa có nhiều chính sách ưu đãi và quảng bá du lịch để thu hút du khách (Bảng 1)(6).
Qua các năm, lượng khách dulịch đến tỉnh Khánh Hòa luôn tăng, đặc biệt là năm 2019 được đánh giá là năm thành công của du lịch tỉnh khi thu hút được trên 7,0 triệu lượt du khách, với tổng doanh thu mà ngành du lịch đem lại là hơn 27.100 tỷ đồng. Mức tăng trưởng hơn 20% năm 2019 một phần đóng góp của lượng khách trong nước và đặc biệt là lượng khách quốc tếđến tỉnh Khánh Hòa tăng trên 37%(7).
Năm 2020-2021 chứng kiến sự sụt giảm mạnh của du lịch tỉnh Khánh Hòa. Đặc biệt năm 2021, các chỉ tiêu của ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa tiếp tục giảm sâu: tổng lượng khách lưu trú đạt 600.103 lượt, bằng 12% kế hoạch, giảm 51,91% so với năm 2020. Trong đó: khách quốc tế đạt 24.697 lượt, giảm 94,36%; khách trong nước đạt 575.406 lượt, giảm 28,98%; công suất phòng bình quân cả năm đạt 7,72%; ngày khách lưu trú thực hiện 1.690.120 ngày, giảm 54,94% so với năm 2020. Doanh thu toàn ngành năm 2021 chỉ đạt 2.407,3 tỷ đồng, giảm 47,32% so với năm 2020 và đạt 13,73% so với kế hoạch đề ra(8).
Năm 2022, tổng lượt khách lưu trú ước đạt 2,57 triệu lượt khách, đạt 113,83% so với kế hoạch và gấp 4,28 lần so vớinăm 2021; với 6.158,7 nghìn ngày khách, tăng 79,03% so kế hoạch và gấp 3,64 lần so với năm 2021; trong đó khách quốc tế 275,3 nghìn lượt khách, gấp 6,8 lần so kế hoạch và gấp 11,15 lần so cùng kỳ; với 1.252,4 nghìn ngày khách, tăng 6,6 lần so kế hoạch và gấp 10,11 lần so với năm 2021. Doanh thu du lịch thực hiện cả năm đạt 13.843,8 tỷ đồng, tăng 246,09% kế hoạch và gấp 5,75 lần so với năm 2021(9).
Năm 2023, tổng số lượt khách lưu trú ước đạt hơn 7,2 triệu lượt khách, đạt 181,6% so với kếhoạch; 19,13 triệu ngày khách, tăng 03 lần so với năm 2022; trong đó 2,4 triệu lượt khách quốc tế, gấp 08 lần so với năm 2022 với 8,97 triệu ngày khách quốc tế, tăng gấp 6,6 lần so với năm 2022. Doanh thu du lịch cả năm ước đạt hơn 33.000 tỷ đồng, tăng 142,8% so với năm 2022. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường khách quốc tế hàng đầu của tỉnh, với trung bình 15 chuyến bay/ngày và chiếm 50% tổng lượt khách quốc tế đến tỉnh Khánh Hòa(10).
Tuy nhiên, phát triển du lịch biển,đảo của tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững. Đặc biệt, bối cảnh mới đòi hỏi tư duy và cách làm du lịch cần được thay đổi và phải được nâng cao trên cơ sở phát huy lợi thế du lịch biển,đảo xanh. Một số thách thức lớn đặt ra cho du lịch tỉnhKhánh Hòa hướng tới phát triển xanh và bền vững đó là:
Thứ nhất, về kinh tế-xã hội. Với bản chất là ngành dịch vụ gắn trực tiếp với sự dịch chuyển và trải nghiệm của khách hàng, ngành du lịch rất dễ bị tổn thương do các biến cố của tự nhiên và xã hội. Trong thời gian chịu tác động của đại dịch Covid-19, trên 95% cơ sở kinh doanh buộc phải đóng cửa, gây nhiều hệ lụy lớn đối với thu nhập, việc làm, đóng góp của ngành dulịch vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Mặt khác, việc gia tăng với tốc độ nhanh, thiếu cân đối trong cơ cấu khách du lịch (khách Trung Quốc chiếm gần 75% trong tổng khách quốc tế năm 2019) đã phản ánh bức tranh thiếu cân bằng, sự phát triển thiếu bền vững của ngành. Đây là bài học đã xuất hiện ở các quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Xinhgapo.
Trong cơ cấu thu nhập, khối kinh doanh lưu trú và dịch vụ ăn uống chiếm trên 50% doanh thu của ngành, trong khi nguồn thu từ các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm còn thấp (khoảng 20%)(11). Bất cập này do sự thiếu tính đa dạng, tính mới, độc đáo và sáng tạo trong phát triển các sản phẩm du lịch. Những tồn tại này nếu không được khắc phục sớm sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh điểm đến và sự lựa chọn quay trở lại của du khách trong thời gian tới. Vì vậy, trên góc độ kinh tế-xã hội, việc khắc phục những tác động của đại dịch Covid-19, giảm thiểu sự phụ thuộc quá lớn vào những lĩnh vực, những phân khúc thị trường khách “dễ bị tổn thương” của ngành sẽ là một bài toán cần có lời giải trong phát triển bền vững du lịch của thành phố.
Thứ hai, về góc độ môi trường, lượng khách sụt giảm mạnh trong một thời gian dài phần nào giúp tỉnh Khánh Hòa khôi phục hệ sinh thái, môi trường du lịch sạch, thông thoáng hơn, tái tạo môi trường thiên nhiên... Tuy nhiên, đây lại là một trở ngại đặt ra cho công tác quy hoạch, định hướng phát triển và quản lý để hướng tới mục tiêu cân bằng giữa các yếu tố kinh tế- xã hội và môi trường. Vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn tại các vùng biển, đảo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng trở nên nghiêm trọng; chưa cóphương án tổ chức phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn; hệ thống thu gom không đồng bộ, người dân phân loại tại nguồn nhưng không có phương tiện, thiết bị chuyên dùng phù hợp để vận chuyển rác đã phân loại; bãi chôn lấp không có quy trình phù hợp phục vụ việc phân tách và xử lý chất thải sau khi phân loại…
4. Một số khuyến nghị đối với phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa
Trên cơ sở những phân tích, đánh giá về kết quả đạt được cũng như những thách thức đối với du lịch tỉnh Khánh Hòa, để du lịch tỉnh Khánh Hòa hướng tới sự phát triển xanh, bền vững, cần thực hiện một số nội dung sau:
Một là, gia tăng các yếu tố nhằm đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành điểm đến du lịch văn hóa biển, đảo xanh và độc đáo. Đây là nhóm các yếu tố cốt lõi trong mô hình đổi mới giá trị nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững của điểm đến du lịch biển, đảo xanh. Cần chú trọng khai thác lợi thế về tài nguyên du lịch biển như bãi biển đẹp, hải sản ngon, phong phú. Khai thác gắn liền với tôn tạo, giữ gìn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến biển đảo Khánh Hòa.
Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, thái độ tích cực với du khách của người lao động trong ngành du lịch. Vai trò quản lý nhà nước về du lịch cũng cần được coi trọng, nhất là trong công tác xây dựng tầm nhìn dài hạn, định hướng chiến lược phát triển hướng tới sự phát triển xanh, bền vững; công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ du lịch biển; gia tăng hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng sự hài lòng của du khách.
Hai là, hình thành mới các yếu tố tạo lập giá trị cao cho điểm đến du lịch biển, đảo và du lịch văn hóa biển đảo tỉnh Khánh Hòa. Nếu như những yếu tố gia tăng kể trên là thành phần lõi tạo ra lợi thế cạnh tranh điểm đến thì các yếu tố mới hình thành lại góp phần khai thác và phát triển chúng hướng tới mô hình phát triển xanh và bền vững.
Cụ thể là, hình thành nên các khu nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe, làm đẹp (spa xanh, tắm bùn, yoga…); công trình độc đáo dưới biển (khách sạn dưới biển, nhà hàng dưới biển, phòng trưng bày nghệ thuật dạng bán ngập nước có thể xuất hiện khi thủy triều xuống và biến mất khi thủy triều dâng…); trung tâm thể thao và vui chơi giải trí (lặn biển ngắm san hô; thể thao trên biển; golf); trung tâm mua sắm và vui chơi giải trí ngang tầm khu vực và thế giới. Đồng thời, nâng cao tính đặc sắc trong văn hóa biển đảo sẽ là những yếu tố trọng tâm cần tập trung của tỉnh Khánh Hòa trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch biển đảo hướng tới tính bền vững.
Ba là, hạn chế và tiến tới loại bỏ các yếu tố cản trở chủ yếu đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa, làm ảnh hưởng đến lợi ích và chi phí của du khách khi lựa chọn các điểm đến du lịch biển như: tai nạn giao thông; trộm cắp, móc túi, cướp giật tài sản; lừa đảo, chèo kéo, đeo bám, chèn ép du khách… Đặc biệt, các công trình xây dựng mới cần tuân thủ nguyên tắc quy hoạch đồng bộ, hài hòa với thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa, như: chai, ống hút, dụng cụ nhựa, thùng xốp… Đồng thời, khuyến khích các dự án sử dụng năng lượng tái tạo như biến rác thải thành năng lượng hay các dự án khai thác năng lượng mặt trời, gió. Khuyến khích các trường học triển khai các chương trình giáo dục môi trường hoàn chỉnh cho học sinh, sinh viên...
_________________
Ngày nhận bài: 25-3-2024; Ngày bình duyệt: 16-4-2024; Ngày duyệt đăng: 19-5-2024.
(1) The International EcoTourism Society: https://ecotourism.org/what-is-ecotourism/.
(2) Đoàn Mạnh Cương: Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, https://www.quangninh.gov.vn/,ngày 27-6-2019.
(3) Luật Du lịch Việt Namnăm 2017.
(4) Địa chí Khánh Hòa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr 90-91.
(5), (10) Báo cáo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa năm 2023.
(6) Báo cáo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015-2019.
(7) Báo cáo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa năm 2019.
(8) Báo cáo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2020-2021.
(9) Báo cáo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa năm 2022.
(11) Lê Chí Công: Báo cáo tham luận tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, 2020.