Phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

06/06/2023 14:58

(LLCT) - Trong bối cảnh hiện nay, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần khơi dậy, phát huy tối đa nguồn lực con người, trong đó có đội ngũ trí thức. Bài viết phân tích thực trạng đội ngũ trí thức Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ này trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chế tạo vệ tinh NanoDragon - Ảnh: vnsc.org.vn

1. Về xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là khát vọng chính đáng của mỗi quốc gia, dân tộc trong đó có dân tộc Việt Nam. Ngay từ thời dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã luôn khát vọng xây dựng một đất nước “khoan, giản, an, lạc”, “thái bình, thịnh trị”. Đó chính là sức mạnh nội tại để Việt Nam chiến thắng “thiên tai” và “địch họa”, tạo dựng cơ đồ, xây dựng đất nước cho đến ngày nay.

Khi lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta đã xác định: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(1). Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh”(2). Trước lúc đi xa, Người vẫn đau đáu khát vọng về một đất nước “được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(3).

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mở ra thời đại mới, đồng thời, cũng là mốc son đánh dấu sự khởi nguồn cuộc hành trình hiện thực hóa khát vọng “ấm no, tự do, hạnh phúc” cho nhân dân của Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam. Điều này hoàn toàn thống nhất với mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin về chế độ xã hội mới - xã hội XHCN và cộng sản chủ nghĩa mà ở đó con người được giải phóng khỏi mọi áp bức, bất công và phát triển toàn diện, xã hội mà “trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(4).

Vì lẽ đó, ngày 12-10-1945, chỉ hơn một tháng sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 49, ghi rõ dòng chữ phía dưới Quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, nay là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Đây vừa là sự khẳng định, đồng thời vừa là sự nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc Việt Nam tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn theo con đường cách mạng vô sản. Chỉ có con đường gắn “độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội” là con đường bảo đảm thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đem lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc thực sự.

Sau hơn 35 năm đổi mới, những thành tựu bước đầu của quá trình xây dựng CNXH cho thấy “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(5). Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. “Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được phát triển. Giảm nghèo nhanh và bền vững hơn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội từng bước được nâng cao”(6).

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, do đó, cần tiếp tục khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Như vậy, về thực chất, mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã được Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam xác định và thực hiện ngay từ khi giành được chính quyền và được cụ thể hóa trong các đặc trưng của xã hội XHCN qua các kỳ Đại hội. Trong đó, mục tiêu cơ bản nhất là xây dựng nước Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đến Đại hội XIII, lần đầu tiên nội dung “khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được đề cập một cách đầy đủ, toàn diện trong quan điểm, mục tiêu và giải pháp. Điều này cho thấy sự “chín muồi” cả về lý luận và thực tiễn để “khơi dậy” và hiện thực hóa khát vọng này trong bối cảnh mới hiện nay. Do đó, cần thiết và tất yếu phải phát huy tổng thể các nguồn lực trong đó có nguồn lực trí thức Việt Nam - một chủ thể có vai trò quan trọng trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Vai trò của trí thức trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Học thuyết cách mạng Mác - Lênin luôn đề cao vai trò to lớn của đội ngũ trí thức trong cách mạng XHCN và sự phát triển của xã hội.

C.Mác khẳng định, đội ngũ trí thức có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền sản xuất đại công nghiệp, bởi “Thiên nhiên không chế tạo ra máy móc,... Tất cả những cái đó đều là sản phẩm lao động của con ng­ười,... Tất cả những cái đó đều là những cơ quan của bộ óc con ng­ười do bàn tay con ngư­ời tạo ra, đều là sức mạnh đã vật hóa của tri thức. Sự phát triển của tư­ bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến (Wissen, knowledge) đó chuyển hóa đến mức độ nào thành lực l­ượng sản xuất trực tiếp, do đó nó cũng là chỉ số cho thấy những điều kiện của chính quá trình sống của xã hội đã phục tùng đến mức độ nào sự kiểm soát của trí tuệ phổ biến và đã đư­ợc cải tạo đến mức độ nào cho phù hợp với quá trình ấy”(7).

Đặc biệt, cả C.Mác, Ph.Ăngghen đều nhấn mạnh xu hướng gia tăng việc bổ sung sinh viên và giới trí thức cho giai cấp vô sản để hình thành và phát triển “giai cấp vô sản trí thức” - bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng XHCN. Trong bức thư “Gửi Đại hội Quốc tế sinh viên xã hội chủ nghĩa”, Ph.Ăngghen đã viết: “Các bạn hãy cố gắng làm cho thanh niên ý thức được rằng giai cấp vô sản lao động trí óc phải được hình thành từ hàng ngũ sinh viên, giai cấp đó có sứ mệnh phải kề vai sát cánh và cùng đứng trong một đội ngũ với những người anh em của họ, những người công nhân lao động chân tay, đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng sắp tới đây”(8).

Là học trò xuất sắc của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin tiếp tục nhấn mạnh vai trò của giới khoa học đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong sự phát triển của nền đại công nghiệp. Ông cho rằng, không có những ngư­ời này thì sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại là điều không thể có đư­ợc. Mặt khác, ông còn chỉ ra, trong chủ nghĩa tư bản, trí thức tiến bộ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng lý luận cách mạng của giai cấp công nhân (GCCN). V.I.Lênin viết: “Công nhân trư­ớc đây không thể có ý thức dân chủ - xã hội đư­ợc... Còn học thuyết xã hội chủ nghĩa thì phát sinh ra từ các lý luận triết học, lịch sử, kinh tế, do những ng­ười có học thức trong các giai cấp hữu sản, những trí thức xây dựng nên”(9).

V.I.Lênin cũng nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của trí thức XHCN: “Không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm, thì không thể nào chuyển lên chủ nghĩa xã hội được vì chủ nghĩa xã hội đòi hỏi một bước tiến có ý thức và có tính chất quần chúng đi tới một năng suất lao động cao hơn năng suất của chủ nghĩa tư bản dựa trên cơ sở những kết quả mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được”(10). Đồng thời, V.I.Lênin còn cho rằng, chỉ trong môi tr­ường xã hội mới - xã hội XHCN, tầng lớp trí thức mới có cơ hội và điều kiện ngày càng tối ­ưu để phát huy tối đa tài năng sáng tạo của mình cho sự phát triển đất nước. Do đó, trong thời kỳ quá độ lên CNXH, cần thiết và tất yếu phải “khơi dậy” và “phát huy” tối đa vai trò của đội ngũ trí thức trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế tri thức hiện nay, nhân loại ngày càng nhận thức rõ về vai trò của khoa học, công nghệ, vai trò quan trọng của trí thức. Vì vậy, các quốc gia đều có chính sách ­ưu tiên đầu tư­ xây dựng đội ngũ trí thức, tạo mọi điều kiện để khơi dậy, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của đội ngũ trí thức. Thực tiễn ở các nước công nghiệp mới (NICS) cho thấy, trí tuệ là nhân tố nội sinh chủ yếu dẫn đến thành công của quá trình CNH, HĐH ở các nước đó.

Ở Việt Nam, ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản, kế thừa truyền thống của dân tộc Việt Nam coi trọng trí thức, “hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh”, tiếp thu chọn lọc tinh hoa nhân loại và nhất là tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt đã chỉ rõ vai trò lịch sử của GCCN là “lãnh đạo” cách mạng, mặt khác đã nhấn mạnh vai trò của trí thức là “ngòi pháo” của cách mạng và là một bộ phận của cách mạng. Ngư­ời viết: “Công nông là gốc cách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ... là bầu bạn cách mệnh”(11).

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn xem “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”(12). Vì vậy, Ng­ười chỉ rõ sự cần thiết phải khơi dậy và phát huy đội ngũ này bằng cách “công nông trí thức hóa” và “trí thức công nông hóa”. Ngư­ời nhấn mạnh vai trò của trí thức đối với sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục - sự nghiệp truyền bá và phát triển tri thức cho nhân loại, góp phần xây dựng đất nước “ấm no, tự do, hạnh phúc”.

Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội. Phần lớn trí thức Việt Nam hiện nay sinh ra và tr­ưởng thành trong xã hội XHCN. Đ­ược hình thành từ nguồn đào tạo ở trong n­ước và nư­ớc ngoài với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có một bộ phận trí thức ngư­ời Việt Nam ở n­ước ngoài. Thực tiễn quá trình đổi mới đất nư­ớc đã chứng minh rằng, đội ngũ trí thức Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Một là, đội ngũ trí thức Việt Nam tham gia tích cực, hiệu quả vào việc nghiên cứu, đề xuất đường lối đổi mới và những chiến l­ược liên quan tới quá trình phát triển khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức;

Hai là, đội ngũ trí thức Việt Nam đi đầu và tham gia trực tiếp vào quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ở Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy và nâng cao hiệu quả quá trình CNH, HĐH và quản lý đất n­ước, tạo môi tr­ường vật chất - kỹ thuật cho việc vận dụng có hiệu quả những thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quá trình nâng cao năng suất cho người lao động;

Ba là, đội ngũ trí thức Việt Nam tham gia trực tiếp vào quá trình trang bị, nâng cao và hoàn thiện hệ thống tri thức chung, những tri thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ chuyên ngành cho GCCN nhằm đáp ứng ngày càng cao yêu cầu CNH, HĐH đất n­ước. Trong quá trình này, một bộ phận trở thành trí thức công nhân - là lực lượng tinh hoa bổ sung vào hàng ngũ GCCN Việt Nam.

Bốn là, đội ngũ trí thức Việt Nam ngày càng liên minh chặt chẽ với GCCN Việt Nam trong khối liên minh công - nông - trí thức nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới trên mọi lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn hóa - tư­ t­ưởng, giáo dục - đào tạo, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ - những lĩnh vực trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bàn về vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam ngày nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”(13). Vì vậy, để khơi thông các “điểm nghẽn” trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, cần thực hiện “ba đột phá” chiến lược, trong đó “Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước”(14); “là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”(15).

Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục xác định: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó có vai trò của trí thức cách mạng - bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao... khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(16).

3. Thực trạng và giải pháp phát huy vai trò của trí thức Việt Nam trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Đội ngũ trí thức Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước đã trưởng thành, phát triển về cả số lượng và chất lượng. Thực tế cho thấy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ trí thức Việt Nam đã tăng thêm khoảng 2,8 triệu người. Lĩnh vực văn học - nghệ thuật có hơn 43.000 văn nghệ sĩ, đa phần đã qua đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; không ít văn nghệ sĩ có trình độ cao, tạo được hiệu ứng xã hội tốt. Trong các lĩnh vực đặc biệt như quốc phòng, số lượng trí thức đã tăng 68%, có những đơn vị như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã tăng 200%... Ngoài trí thức trong nước, còn có khoảng hơn 400.000 trí thức Việt kiều (trong đó có hơn 6.000 tiến sỹ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao)(17).

Trong bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, đội ngũ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước tiếp tục tăng lên và có những cống hiến trên các lĩnh vực. Đội ngũ trí thức đã góp phần vào việc ứng dụng công nghệ mới để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới một số mặt hàng nông sản như: gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, cao su... Bên cạnh đó, những kỹ sư Việt Nam đã thiết kế, chế tạo thành công nhiều loại sản phẩm, thiết bị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm nhập khẩu. Đội ngũ trí thức ở các viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo có năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD. Nhiều thành tựu nổi bật trong y học xuất phát từ các kết quả nghiên cứu khoa học của đội ngũ trí thức, thúc đẩy sự phát triển ngành y tế, góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vai trò và vị thế nền y tế Việt Nam ở một số lĩnh vực đã được nâng cao ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới như: ghép tạng, công nghệ tế bào gốc, y học hạt nhân, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, hỗ trợ sinh sản, an toàn truyền máu, hồi sức cấp cứu, vắcxin và sinh phẩm(18).

Các kết quả nghiên cứu của trí thức khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần làm cơ sở khoa học trong xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và chính quyền các cấp từ trung ương đến cơ sở, bảo đảm an ninh - quốc phòng, ổn định chính trị - xã hội. Đội ngũ trí thức đã tham gia bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, văn minh của nhân loại, từng bước xác lập thế giới quan duy vật biện chứng và nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa trong quần chúng nhân dân.

Để phát huy vai trò của trí thức, các nước trên thế giới đều có chính sách dành cho trí thức trình độ cao, trí thức đầu ngành. Ở Việt Nam, bên cạnh sự tích cực và chủ động của bản thân đội ngũ trí thức, Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ để tiếp tục “khơi dậy”, “phát huy” tối đa vai trò của đội ngũ quan trọng này trong xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cụ thể là:

Thứ nhất, trang bị lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho đội ngũ trí thức.

Thứ hai, tạo lập môi trường làm việc thân thiện, dân chủ, sáng tạo, đồng thời rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho đội ngũ trí thức.

Thứ ba, xây dựng môi trường học tập suốt đời, tổ chức cho đội ngũ trí thức Việt Nam tham gia vào quá trình đào tạo và đào tạo lại vừa với tư cách là đối tượng đồng thời là chủ thể trong quá trình đào tạo.

Thứ tư, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, cho đội ngũ trí thức nhằm phát huy tối đa tính sáng tạo, hướng đến giải phóng sức lao động của con người.

Thứ năm, phải thật sự trọng dụng và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức Việt Nam (trong và ngoài nước) giúp họ có động lực trong cống hiến và sáng tạo ở mọi lúc, mọi nơi.

Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của bản thân đội ngũ trí thức. Việc thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ khơi dậy và phát huy các nguồn lực của đội ngũ này, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 542 (tháng 4-2023)

Ngày nhận bài: 5-3-2023; Ngày bình duyệt: 04-4-2023; Ngày duyệt đăng: 20-4-2023.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.1.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Sđd, tr.12.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.187.

(4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.628.

(14), (15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.41, 130.

(5), (6), (16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.25, 102, 203-204.

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.46, Sđd, tr.372.

(8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Sđd, tr.613.

(9) V.I.Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.38.

(10. V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Sđd, tr.217.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Sđd, tr.288.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.184.

(13) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.80.

(17) Xem: http://m.baoquankhu1.vn/tin-tuc/chinh-tri/tri-thuc-viet-nam-trong-su-nghiep-phat-trien-dat-nuoc-255048-83.html.

(18) Xem: https://hdll.vn/vi/nghien-cuu-trao-doi/vi-tri-vai-tro-cua-doi-ngu-tri-thuc-trong-su-nghiep-xay-dung-bao-ve-to-quoc.html.

PGS, TS BÙI THỊ KIM HẬU

Học viện Báo chí và Tuyên truyền