Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - dự báo khoa học, chính xác của Hồ Chí Minh
(LLCT) - Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến công vang dội trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đó là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố hết sức quan trọng là việc nắm bắt, dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kết cục cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Nghiên cứu dự báo chính xác của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc tổng tập kích chiến lược đường không của Mỹ vào Hà Nội giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn cơ sở khoa học, sự sáng tạo trong dự báo thiên tài của Người, qua đó nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của công tác dự báo, vận dụng tư tưởng của Người để “dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống”(1), thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô Hà Nội đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 góp phần làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", tháng 12-1972 - Ảnh tư liệu TTXVN
Dự báo là báo trước về tình hình có nhiều khả năng sẽ xảy ra, dựa trên cơ sở những số liệu thông tin đã có”(2), đây là hoạt động phản ánh tính tích cực, chủ động của con người nhằm biết sớm, biết trước trạng thái, xu hướng vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng, từ đó xác định mục tiêu, biện pháp, cách thức cải tạo thực tiễn. Quân sự, quốc phòng là lĩnh vực hoạt động chính trị - xã hội đặc thù, đòi hỏi việc dự báo tình hình nhanh, chính xác, đặc biệt là dự báo cấp chiến lược để bảo đảm cung cấp kịp thời dữ liệu khoa học giúp chủ thể sớm xác định kế hoạch, đối sách phù hợp với đối tượng, đối tác của cách mạng.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo chính xác nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc Việt Nam và thế giới. Trong đó, dự báo chính xác về kết cục chiến tranh Mỹ sẽ sử dụng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội và chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội là kết quả tất yếu của quá trình tư duy, suy nghĩ, trăn trở của Người trước vận mệnh của đất nước, phản ánh hoạt động tích cực, khoa học, sáng tạo và tầm nhìn vượt trước thời đại của tư duy Hồ Chí Minh, qua đó nhằm phát hiện sớm âm mưusử dụng con người và vũ khí trên chiến trường Việt Nam nói chung và sử dụng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội nói riêng, từ đó sớm chỉ đạo, hướng dẫn xác định mục tiêu và lựa chọn phương thức huấn luyện, sử dụng cách đánh sáng tạo, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Đã 50 năm kể từ ngày quân và dân Việt Nam đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, bàn về nguyên nhân thắng lợi có nhiều cách lý giải khác nhau. Việc tiếp tục nghiên cứu, đưa ra cơ sở khoa học về dự báo chiến lược của Hồ Chí Minh trên những cứ liệu thực tế là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
1. Dự báo khoa học của Hồ Chí Minh về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Máy bay B-52 được không quân Mỹ đưa vào sử dụng năm 1952, là một trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ, được xem là “Siêu pháo đài bay” hiện đại, tối tân nhất thế giới lúc bấy giờ, là niềm tự hào “Bất khả xâm phạm” của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, với chiều dài 48m, chiều cao 12,4m, trọng lượng cất cánh tối đa trên 200 tấn, có thể mang đến 100 quả bom với trọng lượng từ 12 đến 30 tấn. Với trần bay cao đến 20 km, trong chiến đấu, máy bay B-52 được nhiều máy bay chiến thuật khác yểm hộ để bảo vệ, chế áp đối phương. Mục đích của cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội cuối năm 1972, nhằm âm mưu đánh bom hủy diệt tiềm lực kinh tế và quốc phòng miền Bắc, trọng tâm là Hà Nội với dã tâm “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”để gây ra nỗi khiếp sợ cho toàn thế giới, buộc Việt Nam phải thương lượng ngoại giao trên thế yếu và phải hạ thấp một số điều khoản của Hiệp định Paris có lợi cho Mỹ; ngăn chặn nguồn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam và cứu vãn bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang lung lay, sụp đổ.
Kế thừa truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, với trí tuệ mẫn tiệp, tư duy sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo chính xác, xác định quyết tâm trong cuộc đối đầu lịch sử với đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội.Theo Hồ Chí Minh: phải biết địch, biết mình, luôn làm chủ tình thế. "Ta biết rõ địch thì thắng, để địch biết rõ ta thì bại". Phải "thấy trước, chuẩn bị trước". Giữ quyền chủ động nhưng không mạo hiểm mà phải chắc thắng, “Nguyên tắc đấu tranh là: “Tri bỉ, tri kỷ”, nghĩa là biết địch, biết ta. Nếu chỉ biết mình mà không biết địch hay biết địch mà không biết mình là chỉ biết một nửa và không thể thành công”(3).
Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình tìm đường cứu nước, Người tiếp thu học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội không sao chép, giáo điều, rập khuôn, mà tiếp thu cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, nắm vững bản chất những nguyên lý, quy luật về kết cục chiến tranh làm cơ sở khoa học trong nhận thức dự báo và hoạt động thực tiễn cách mạng. “Chỉ có dựa trên cơ sở hiểu biết những đặc điểm cơ bản của thời đại, chúng ta mới có thể tính đến những đặc điểm chi tiết của nước này hay nước nọ”(4). Theo Hồ Chí Minh, học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội là cuốn “cẩm nang thần kỳ”, là “vũ khí tư tưởng vĩ đại của giai cấp vô sản”(5) và “vũ khí không gì thay thế được”.
Trên cơ sở nắm vững nội dung cơ bản về nguồn gốc, bản chất của chiến tranh và chức năng của quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá bản chất chiến tranh là sự kế tục chính trị bằng thủ đoạn bạo lực, từ đó Người nhận định, dự báo âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ đặt trong mối quan hệ giữa con người với vũ khí: vũ khí hết sức quan trọng, nhưng nhân tố con người bao giờ cũng mang tính quyết định. Do vậy, sự hiện diện của binh lính và vũ khí của Mỹ trên chiến trường là dấu hiệu cơ bản làm căn cứ khoa học để Hồ Chí Minh đưa ra dự báo thiên tài về hành động của chúng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ chỉ chấp nhận thất bại khi “pháo đài bay B-52” - thế mạnh, điểm tựa tinh thần của chúng bị tiêu diệt.
Nghiên cứu thực tiễn các cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên thế giới đã sử dụng máy bay là dấu hiệu cơ bản trực tiếp của dự báo, như: Mỹ tập kích đường không vào thủ đô Nhật Bản năm 1945 và ở Triều Tiên năm 1953. Đối với Việt Nam, ngày 18-6-1965, lần đầu tiên máy bay B-52 cất cánh từ đảo Guam đến ném bom rải thảm xuống vùng dân cư Bến Cát ở Tây Bắc Sài Gòn và từ đó chúng thường xuyên sử dụng B-52 yểm trợ cho các cuộc hành quân của Mỹ - Ngụy trên chiến trường miền Nam; tiếp theo ngày 12-4-1966, đế quốc Mỹ đã đưa B-52 ra đánh đèo Mụ Giạ ở Vĩnh Linh và mở rộng đánh phá các trọng điểm giao thông trên địa bàn Quân khu 4 nhằm phá hoại, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN cho cách mạng miền Nam.
Thông qua nghiên cứu động thái thay đổi về con người và vũ khí trên chiến trường của quân Mỹ,Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra dự báo chính xác về cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ vào Hà Nội. Đặc trưng nhất là Mỹ xây dựng ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam và tạo dựng mối quan hệ giữa nhà cầm quyền “diều hâu” với những “cái đầu nóng” của 5 đời Tổng thống Mỹ trong thời gian xâm lược Việt Nam. Đó là các sĩ quan có trình độ, năng lực về không quân, hải quân, qua đó chúng thực hiện ý đồ sử dụng con người dựa vào thế mạnh vũ khí. Hồ Chí Minh nhận định, Mỹ là cường quốc | Cho đến ngày nay, thập niên thứ ba của thế kỷ XXI nhưng mới chỉ có lực lượng phòng không, không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam bắn hạ được máy bay B-52 của Mỹ. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12-1972) không chỉ là một trận thắng của một chiến dịch mà còn là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Chiến thắng lịch sử này là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, thể hiện phong cách tư duy quân sự Hồ Chí Minh. |
quân sự với thế mạnh là vũ khí nên trước sau Mỹ cũng đưa vào cuộc chiến “Pháo đài bay B-52” để thực hiện mục đích chính trị của chiến tranh, Mỹ sẽ sử dụng máy bay B52 để đánh phá hủy diệt Hà Nội.
Nhận biết được các động thái của Mỹ, Hồ Chí Minh cùng Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân bám sát chiến trường, nghiên cứu tìm cách đánh, xây dựng phương pháp tổ chức, huấn luyện, giáo dục nâng cao tinh thần, ý chí, trình độ kỹ, chiến thuật đánh máy bay B-52.
Ngày 22-10-1963, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 50/QĐ, thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân và chỉ đạo kiện toàn tổ chức, thực hiện công tác huấn luyện chiến đấu, cải tiến vũ khí, khí tài; nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 thông qua trực tiếp chiến đấu với “Con quái vật B-52”, từ đó phát hiện bản chất, đặc điểm, tính năng kỹ, chiến thuật để có biện pháp ứng phó.
Ngay sau khi Mỹ đưa máy bay B-52 đánh phá miền Nam Việt Nam, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thống nhất chủ trương: “Sớm đưa tên lửa phòng không vào Nam Quân khu 4 để nghiên cứu cách đánh B-52”. Người cho rằng, muốn thắng địch thì phải hiểu địch, nắm chắc địch. Theo đó, Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều động nhiều đơn vị tên lửa cơ động vào trực tiếp chiến đấu, nghiên cứu cách đánh B-52 tại chiến trường Quân khu 4, thực hiện phương châm vừa huấn luyện, vừa chiến đấu, vừa rút kinh nghiệm. Nội dung huấn luyện thiết thực cả về kỹ thuật và chiến thuật, về quy luật hoạt động của không quân Mỹ và máy bay B-52, quy trình bắn máy bay B-52 trong nhiễu (huấn luyện bay đêm, cất cánh, hạ cánh ở đường băng ngắn, hẹp); cải tiến khí tài, huấn luyện bổ sung phương pháp xử lý kỹ thuật, chiến thuật đối với tên lửa Sơ rai, tên lửa Stanđa và chiến thuật giãn đội hình bay kết hợp với tăng số lượng và công suất máy gây nhiễu của Mỹ. Xử lý kỹ thuật tên lửa mất điều khiển do nhiễu rãnh đạn; cải tiến thao tác lắp ráp đạn tên lửa ngay trên xe kéo; xác định phương án “5 cách sao” dùng MiG 21 đánh B-52…, dùng phương pháp huấn luyện trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn cách tìm chỗ yếu, sơ hở về kỹ thuật, chiến thuật của máy bay B-52, thay đổi cách đánh, bố trí trận địa, xây dựng phương án đánh máy bay B-52 cho từng kíp chiến đấu ngay tại trận địa, do đó đã mang lại “mùa gặt B-52” cho quân, dân Thủ đô Hà Nội.
Cùng với huấn luyện trực tiếp chiến đấu quân đội, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị chủ động ban hành, phổ biến các tài liệu tuyên truyền, giáo dục bộ đội và nhân dân thường xuyên cảnh giác, tích cực chuẩn bị đối phó với mọi âm mưu, thủ đoạn leo thang đánh phá miền Bắc bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ, mọi người dân hiểu rõ âm mưu, bản chất, tính chất của cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của chúng, nâng cao lòng yêu nước, căm thù giặc Mỹ, ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, khắc phục được tư tưởng hữu khuynh do dự cho rằng: “B-52 là bất khả xâm phạm”; “không thể bắn hạ” trong một bộ phận bộ đội và nhân dân; hướng dẫn, triển khai làm tốt công tác phối hợp sơ tán nhân dân và tài sản, chuyển toàn bộ sang trạng thái sẵn sàng đánh bại nấc thang cao nhất của địch trong chiến tranh.
Tổ chức thế trận phòng không nhân dân, với tầm nhìn chiến lược, tư duy quân sự sắc sảo, ngay từ khi đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B-52 tham chiến ở miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã dự báo và triển khai xây dựng các đơn vị tên lửa, ra đa, không quân và một số đơn vị bảo đảm kỹ thuật vững mạnh, kết hợp với củng cố lực lượng phòng không nhân dân rộng khắp ở miền Bắc để sẵn sàng đối phó các bước leo thang chiến tranh của Mỹ, tạo ra thế và lực để đối phó hiệu quả với máy bay B-52; đồng thời có đủ khả năng đánh địch rộng khắp, có chiều sâu trên mặt trận đối không.
Cùng với đó, việc bố trí lực lượng phòng không ba thứ quân, xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc được coi trọng thực hiện, nên đã phát huy được khả năng chiến đấu cao nhất của từng lực lượng, tạo nên “lưới lửa phòng không” đánh máy bay B-52 từ nhiều hướng, ở mọi độ cao, cả ngày lẫn đêm, đánh rộng khắp đối với các loại máy bay.
Ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Ních xơn phê chuẩn kế hoạch tập kích bằng không quân chiến lược vào Hà Nội và Hải Phòng với mật danh Lainơ Bếchcơ II, một kế hoạch đã được chuẩn bị rất kỹ từ trước. Nhờ nắm chắc tình hình, hiểu rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của địch, chuẩn bị từ sớm về tư tưởng, tổ chức, lực lượng; quân và dân ta đã không bị bất ngờ về chiến lược, chiến dịch cũng như chiến thuật; toàn bộ các phương án đánh địch đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, nhịp nhàng, ăn khớp. Việt Nam đã hạ được B-52 ngay trong lòng Hà Nội, đánh bại ý đồ man rợ của kẻ thù “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. Những ngày tháng 12-1972, trong lương tri của nhân loại, Hà Nội trở thành thủ đô của phẩm giá con người. Ta thắng trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” sau đó Mỹ mới chịu ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.
2. Giá trị thời đại của dự báo về Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác dự báo trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng hiện nay
Cho đến ngày nay, thập niên thứ ba của thế kỷ XXI nhưng mới chỉ có lực lượng phòng không, không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam bắn hạ được máy bay B-52 của Mỹ. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12-1972) không chỉ là một trận thắng của một chiến dịch mà còn là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Chiến thắng lịch sử này là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, thể hiện phong cách tư duy quân sự Hồ Chí Minh. Việc dự báo chính xác, kịp thời về âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ sẽ dùng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, có vai trò dẫn dắt, định hướng đối với quân và dân, chủ động chuẩn bị đánh máy bay B-52. Với chiến thắng oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta đã bẻ gãy nấc thang chiến tranh cao nhất của đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, bảo vệ Thủ đô Hà Nội; đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới, đánh bại âm mưu “thương lượng trên thế mạnh”, buộc Mỹ phải ký vào Hiệp định Paris và rút hết quân Mỹ về nước.
Chiến thắng vang dội của quân và dân ta trên bầu trời Hà Nội, chiến thắng được mệnh danh là “Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không có gì quý hơn độc lập, tự do; của tinh thần, trí tuệ khoa học, sáng tạo Việt Nam đánh bại huyền thoại không lực Hoa Kỳ. Hà Nội trở thành điểm đến của niềm tin, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lương tri, nhân phẩm của con người yêu chuộng hòa bình, tự do, độc lập.
Bằng trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta đã đập tan sức mạnh vũ khí của quân đội Mỹ, trong đó “thần tượng B-52”, vũ khí hiện đại nhất của quân đội Mỹ hoàn toàn có thể bị đánh bại bởi sức mạnh to lớn của cuộc chiến tranh chính nghĩa của một dân tộc có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu dũng cảm, sáng tạo, đó là cội nguồn sức mạnh, là nội lực để chúng ta đánh thắng Mỹ, giải phóng dân tộc và tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đưa công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đi đến thành công.
Với phương pháp tư duy biện chứng, tiếp thu học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội, tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến, phong cách tư duy khoa học, sáng tạo, cùng những suy nghĩ phản biện tinh tường, sáng suốt trong tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề thực tiễn, việc dự báo chính xác chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của Hồ Chí Minh thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm lý luận về chiến tranh và quân đội.
Việc vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội kết hợp với truyền thống, nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc ta là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đó là sự kết hợp giữa tinh thần cách mạng và khoa học, giữa con người và vũ khí, giữa ý chí kiên định, bản lĩnh vững vàng, chủ động với sáng tạo trong tổ chức huấn luyện; sự nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo về kỹ thuật và chiến thuật đánh vào điểm yếu của máy bay B-52; sáng tạo xây dựng thế trận chiến tranh phòng không nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh thắng trí tuệ và vũ khí Mỹ.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh nhiều thuận lợi, thời cơ mang lại cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, còn không ít những hạn chế, nguy cơ tác động đan xen, phức tạp, biến động “ngẫu nhiên” khó lường từ đối tượng, đối tác quan hệ trong hoạt động quân sự, quốc phòng, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, phân tích, dự báo chiến lược, đã đưa đến những bất ngờ cho chủ thể làm công tác dự báo chiến lược quân sự, quốc phòng, đó là: bất ngờ về âm mưu,mục đích; bất ngờ về phương thức, thủ đoạn; bất ngờ về hiệu quả sử dụng vũ khí công nghệ cao; bất ngờ về năng lực nắm bắt tình hình của đối phương.
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, công tác dự báo trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng được tiếp tục tăng cường, tư duy nhận thức về công tác quân sự, quốc phòng, đối tượng, đối tác có bước phát triển mới và dần được hoàn thiện. Đảng ta luôn xác định: bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, quyết tâm chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, khủng bố, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, không để hình thành các tổ chức đối lập trong nước.
Xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp về quân sự, quốc phòng, đặc biệt là ứng phó kịp thời với các mối đe dọa về quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, biên giới và trên biển, không để bên ngoài tạo cớ xung đột, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, công tác nghiên cứu dự báo chiến lược vẫn còn những hạn chế, bất cập. Điều này đã được Đảng ta chỉ rõ: chất lượng công tác nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình tham mưu với Đảng, Nhà nước có nội dung chưa toàn diện. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng còn hạn chế, khó khăn do tình hình tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy có vũ trang diễn biến phức tạp.
Những thành công và hạn chế về quân sự, quốc phòng do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó chủ yếu là nguyên nhân chủ quan: “Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật chủ động”(6).
Trong thời gian tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn của thế giới, nhưng tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; hợp tác, cạnh tranh lợi ích giữa các đối tượng, đối tác gia tăng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động toàn diện, sâu sắc, tạo sự phát triển trên các lĩnh vực nói chung và quân sự, quốc phòng nói riêng, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp: chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dân túy, cường quyền nước lớn trỗi dậy, can dự, chi phối, thỏa hiệp, tranh giành ảnh hưởng trong các quan hệ quốc tế, tác động thẩm thấu hòng làm chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam. Tình hình Biển Đông sẽ diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường hơn cho công tác nghiên cứu dự báo chiến lược về quân sự, quốc phòng, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, tác động “chuyển hóa”, quyết liệt chống phá Đảng, Nhà nước, ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.
Từ thực tế trên, Đảng ta khẳng định: “Phải kịp thời đổi mới tư duy và hành động, thực hiện tốt công tác dự báo, bảo đảm đánh giá đúng, đầy đủ, kịp thời, chủ động thích ứng với những biến động khó lường của thế giới”(7), bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc. Công tác dự báo chiến lược về quân sự, quốc phòng cần thực hiện tốt một số yêu cầu có tính chất phương pháp luận: Một là, quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, vận dụng nhuần nhuyễn các quan điểm của Đảng về quân sự, quốc phòng; Hai là, nâng cao chất lượng nghiên cứu, nắm chắc tình hình, xử lý thông tin, tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng; Ba là, xây dựng đồng bộ văn bản pháp lý, phát huy vai trò chủ động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và giữa các cán bộ nghiên cứu dự báo chiến lược về công tác quân sự, quốc phòng. Chủ động tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dự báo quân sự, quốc phòng nhằm tiếp cận nguồn tri thức và phương pháp nghiên cứu dự báo của thời đại, vận dụng sáng tạo, kết hợp phương pháp truyền thống với hiện đại.
_________________
Ngày nhận bài: 11-9-2022; Ngày bình duyệt: 18-9-2022; Ngày duyệt đăng: 29-1-2023.
(1), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.323, 80.
(2) Trung tâm từ điển: Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Hà Nội, 2020, tr.376.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 46.
(4) V. I. Lênin: Toàn tập, t. 26, Nxb Tiến bộ Mátxcơva, 1980, tr.174.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9,Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 408.
(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.87.
ThS, NCS HOÀNG VĂN TUYÊN
Học viện Khoa học Quân sự,
Bộ Quốc phòng